Kiến tạo thị trường
bất động sản
So thời điểm mà Luật Đất đai năm 1993 được thông qua, thị trường bất động sản hiện nay đã có sự thay đổi lớn về cả chất và số lượng. Vậy những thay đổi về lực lượng sản xuất này được phản ánh thế nào trong quan hệ sản xuất của lĩnh vực đất đai cũng như trong việc thiết kế các đạo luật liên quan nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển thị trường bất động sản định hướng xã hội chủ nghĩa?
Ths Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý bất động sản cho rằng, việc quản lý, sử dụng đất còn tồn tại nhiều vấn đề. Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó có nêu nội dung hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách để phát triển và vận hành thông suốt thị trường bất động sản.
Tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng có nêu, phải cơ cấu lại thị trường bất động sản, đất đai, tài nguyên đất để đất đai, tài nguyên được sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả cao. Nghị quyết yêu cầu cơ cấu lại có nghĩa là hiện nay thị trường bất động sản chưa thật sự hợp lý, còn bất cập.
Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao cũng quy định rất kỹ và rất rõ về xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai, hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản, có cơ chế bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Định giá và quyền sử dụng đất trong thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Ở giai đoạn trước, khi nói đến thị trường bất động sản, quan niệm thông thường, phổ biến chỉ đề cập đến đất ở đô thị. Còn tại thời điểm hiện nay, thị trường không chỉ là đất ở đô thị, mà còn trải rộng từ thị trường đất rừng, đất nông nghiệp cho đến thị trường đất công nghiệp... với đủ loại sản phẩm từ nhà ở cao tầng, thấp tầng, condotel, shoptel, villatel, v.v.
Vậy những thay đổi về lực lượng sản xuất này đã được phản ánh thế nào trong quan hệ sản xuất của lĩnh vực đất đai? Hãy cùng phân tích theo các câu hỏi đang được nêu ra đóng góp cho bản dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), phiên bản trình Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách, nhiệm kỳ khóa XV vào ngày 30/8 vừa qua.
Ðịnh giá trong thị trường nào và cho mục đích sử dụng nào?
Từ trước đến nay, chúng ta giả định rằng, một lô đất có một giá quyền sử dụng đất nào đó. Mục tiêu soạn thảo cũng như tranh luận lâu nay làm sao tìm được giá đó chính xác?
Mỗi thị trường có nguyên tắc định giá khác nhau, đương nhiên số liệu đầu vào tính toán khác nhau. Mục tiêu sử dụng số liệu, giá đất khác nhau thì giá cũng phải được định giá khác nhau và với độ chính xác yêu cầu khác nhau.
Thí dụ, định giá đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu tập trung vào đánh giá mức độ tạo lợi nhuận khi canh tác, khác với định giá đất ở khi đầu tư thương mại. Định giá để phục vụ thu hồi đất, chắc chắn phải tính đến các chi phí bảo vệ đất, quyền lợi của người sử dụng đất hiện tại, khác với định giá tài sản phát triển ở thì tương lai.
Trong định giá đất ở, sự khác biệt cũng rất rõ ràng theo từng mục đích sử dụng. Nếu định giá với mục tiêu để thế chấp vay vốn, thông lệ sẽ được vay hạn mức khoảng 70% giá trị thửa đất, thì độ chính xác của việc định giá này khác hoàn toàn với định giá để dùng làm giao dịch.
Khi mà Luật chưa làm rõ vấn đề trên, thì rất khó để người dân phân định và chấp nhận rằng, một thửa đất có thể có rất nhiều giá khác nhau tùy vào thị trường nào, mục tiêu sử dụng là gì? Thí dụ giá áp dụng thu hồi đất nông nghiệp chỉ 1,5 triệu đồng/m2 nhưng sau đó cũng chính mảnh đất đó được chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất ở đô thị và bán ra thị trường là 20-30 triệu đồng/m2 thậm chí cao hơn nữa. Chính sự chênh lệch quá cao dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội, là nguyên nhân chính dẫn đến khiếu kiện.
Đương nhiên khó khăn trong thu hồi đất còn có nhiều nguyên nhân khác liên quan như: Làm sao điều tiết được chênh lệch địa tô cho các bên liên quan; phân bổ lợi nhuận quá lớn của nhà phát triển... Những vấn đề này chỉ giải quyết được ở phạm vi bộ luật khác chứ không thể trong phạm vi của nội dung 1-2 điều về định giá quyền sử dụng đất như dự thảo.
Điều 158, khoản 2 mục a, về nguyên tắc định giá sẽ phải điều chỉnh không chỉ định giá mục đích sử dụng đất, theo thời hạn sử dụng đưa ra định giá mà còn cả mục tiêu sử dụng kết quả định giá.
Ðịnh giá sát thị trường?
Trước hết phải làm rõ thị trường là nơi có cung, có cầu, tạo thành mua bán, và các bên mua bán tự do thực hiện giao dịch. Đương nhiên không đề cập đến mức yêu cầu có thị trường tự do hoàn hảo nhưng, trước hết phải có thị trường.
Thị trường là môi trường biến động, thay đổi không ngừng. Do vậy nếu tìm cách để định giá ra một con số sát thị trường là điều không tưởng. Con số ngày hôm nay nhưng ngày mai đã khác. Lấy số liệu giao dịch, giả sử trước đây ba tháng có giao dịch, thì số liệu này cũng chỉ tham khảo vì thị trường đã thay đổi. Cho nên, khi quy định thông tin đầu vào để xác định giá đất trong vòng 24 tháng, điểm c, khoản 3, Điều 158 là không hợp lý.
Nơi nào có thị trường?
Thị trường bất động sản Việt Nam phát triển về quy mô, nhưng trên hơn 10.600 xã/phường thì có những khu vực nào được gọi là đã có thị trường? Chưa có số liệu thống kê chính xác, nhưng chắc chắn chỉ một số thành phố lớn, huyện lỵ sôi động có thể có đủ số liệu giao dịch làm mẫu so sánh định giá.
Ban soạn thảo cũng đã biết rõ vấn đề này nên mới đưa ra nhiều phương pháp định giá, phù hợp với từng điều kiện dữ liệu cho phép. Nghĩa là ban soạn thảo thừa nhận có nơi có, có nơi chưa có thị trường.
Ngay cả khi đề cập có đủ điều kiện ba mẫu so sánh như khoản 3, Điều 158 của bản dự thảo, thì về lý cũng chẳng nói lên rằng khu vực này đã có thị trường hay chưa có thị trường. Trong thực tế, có cả 4-5 thửa đất so sánh nhưng chỉ cần khác về diện tích, đã đủ gây khó khăn cho cán bộ định giá.
Đối với thị trường, không có khái niệm chính xác tuyệt đối, mà chỉ có sự thuận mua vừa bán, giá phù hợp với kỳ vọng bên mua, bên bán.
Tư liệu sản xuất hay là hàng hóa?
Thu hồi đất phục vụ các dự án quy hoạch phát triển là thí dụ điển hình cho “mâu thuẫn là tiền đề cho phát triển”.
Về lý thuyết, thị trường sẽ điều chỉnh bẻ lái nguồn lực vào khu vực nào để xã hội có lợi nhất. Tuy nhiên, sẽ cần rất nhiều thời gian lẫn nhiều tổn thất cho xã hội khi để “bàn tay vô hình” thị trường tự điều chỉnh một cách tự do. Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng chi tiết là những bản quy hoạch mà Nhà nước can thiệp, định hướng để phát triển thị trường bất động sản.
Bỏ qua vấn đề về chất lượng quy hoạch, mục tiêu phục vụ số đông hay số ít, đáp ứng các mục tiêu xã hội ra sao..., điều kiện tiên quyết định giá đền bù là phải hợp lý, hài hòa được quyền lợi các bên thì mới phát triển được dự án.
Phân loại có quyền sử dụng đất là tư liệu sản xuất hoặc là hàng hóa không phải giải pháp triệt để. Lúc đó mâu thuẫn lại chuyển qua vấn đề khi nào thì được coi là hàng hóa và khi nào được coi là tư liệu sản xuất? Đối với thị trường thì cái gì đưa vào “chợ” đều coi là hàng hóa, còn cấm đưa vào “chợ” thì trở lại thời kỳ “ngăn sông cấm chợ” không ai mong muốn.
Thửa đất nào là tiêu chuẩn?
Khoản 2, Điều 159 đề cập “Đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thì phải xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn”.
Trong bản dự thảo, có đề cập đến một giải pháp kỹ thuật là xây dựng bản đồ giá đất trên cơ sở bản đồ địa chính và thửa đất tiêu chuẩn. Việc quy định như thế, gắn chặt với bản đồ địa chính số, thứ mà không phải chỗ nào cũng có, hoặc có thì cũng không chắc chắn được cập nhật là không nên. Trong lịch sử bản đồ giá đất đã được Napoleon xây dựng từ thời kỳ chiến tranh châu Âu, khi mà cần phải thu thuế đất phục vụ chiến tranh.
Do đó, dự thảo luật không nên quy định cụ thể gắn chặt với các giải pháp kỹ thuật xử lý, liên quan thế nào là bản đồ số, thế nào là thửa đất tiêu chuẩn. Điểm cần đưa vào luật là quy định về việc thu thập, lưu trữ và quản lý các dữ liệu liên quan đến thửa đất, liên quan đến phục vụ định giá. Đây chính là hướng đi đúng cho mọi quốc gia, khi lưu trữ dữ liệu trước, xử lý sau. Công nghệ xử lý dữ liệu lớn còn được biết đến với tên gọi Big data, là nền tảng cho các thuật toán công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Tiếp cận tổng thể trong thu hồi đất
Một đề tài thu hút rất nhiều tranh luận trong quá trình tham vấn sửa đổi Luật Đất đai phiên bản năm 2023, đó là “Thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”. Vướng mắc lớn nhất cần được hóa giải nằm ở việc, làm rõ ai đứng ra thu hồi và thu hồi trong điều kiện nào, phục vụ loại dự án nào?
Nội dung này được đề cập ở Điều 62 Luật Đất đai hiện hành và ở Điều 79 chương VI Thu hồi, Trưng dụng đất và Điều 112 chương VIII về phát triển quỹ đất, bản dự thảo năm 2023.
Điều 79 dự thảo, khác với Luật hiện hành đã phân loại rất chi tiết các loại dự án phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng… và các dự án đầu tư thương mại. Thu hồi đất phục vụ dự án công cộng quốc gia, vẫn có nhiều vấn đề cần bàn luận nhưng thu hồi phục vụ các dự án phát triển nhà ở thương mại có độ phức tạp lớn hơn nhiều.
Thế nào là vì lợi ích công cộng và thế nào là lợi ích tư nhân? Đây thật sự là lằn ranh rất mỏng manh trong định nghĩa. Vì bản chất một cá nhân riêng lẻ thì gọi là tư nhân còn nếu cho tập hợp mọi tư nhân thì đó là lợi ích của quốc gia dân tộc.
Ngược lại không phải dự án nào có mục tiêu công cộng đều chắc chắn là làm lợi cho mọi người. Thí dụ lập quy hoạch xây dựng các chợ, phần nhiều không đi vào hoạt động, thì mục tiêu công cộng này trở nên vô nghĩa.
Điều 79 đưa các điều kiện về trường hợp nào thì Nhà nước đứng ra thực hiện việc thu hồi đất các dự án nhà ở thương mại. Đương nhiên, nếu Nhà nước đã đứng ra thu hồi đất cho những dự án này thì bước tiếp theo sẽ phải thực hiện theo các thủ tục đấu thầu dự án hay đấu giá quyền sử dụng đất.
Bản dự thảo đưa ra hai phương án chọn. Phương án 1 - đề ra các tiêu chí kỹ thuật như khu vực dự án đã có quy hoạch dự án đất ở, địa phương đã có ngân sách để thực hiện, v.v. và chuyển lại quyền quyết định cho Ủy ban nhân dân huyện/tỉnh thực hiện.
Phương án 2 - ra các tiêu chí phân định theo quy mô về diện tích dự án, hơn 10 héc-ta là trường hợp đấu thầu, không phân biệt loại đất thực hiện dự án; dưới 10 héc-ta và không sử dụng đất ở là trường hợp đấu giá; dưới 10 héc-ta và có sử dụng đất ở là trường hợp thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc sử dụng quyền sử dụng đất đang có...
Cả hai phương án đều không đề xuất về việc có bao nhiêu tình huống trong thực tế, mà chỉ nêu lên hai trong nhiều phương án có thể. Vấn đề chính của câu hỏi mà thực tế đặt ra, đó là vai trò Nhà nước can thiệp đến đâu trong thu hồi đất?
Nhà nước với hệ thống các cơ quan quản lý luôn là kỳ vọng cuối cùng của tất cả các thành phần kinh tế, xã hội về sự khách quan, công tâm, đưa ra quyết định sáng suốt và tốt nhất cho xã hội. Nhà nước không phải là một bên của việc thu hồi hay là biện pháp của một bên cần thu hồi đất.
Cần nhắc lại vai trò của Nhà nước trong điều tiết thị trường, bằng công cụ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng. Về lý thuyết kinh tế cổ điển, thị trường sẽ tìm ra lối đi cân bằng các bên mua bán và tìm được cách dồn nguồn lực tốt nhất cho xã hội.
Trong thực tế, chẳng có mô hình kinh tế nào hoàn toàn tự do, mà chỉ khác nhau ở mức độ can thiệp, cách can thiệp và mục tiêu can thiệp của Nhà nước đến thị trường. Với chúng ta, đã xác định rõ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nghĩa là trong bất cứ can thiệp nào phải lấy mục tiêu số đông, mục tiêu xã hội làm trọng.
Dự án phát triển nhà ở thương mại với mục tiêu thị trường là chính, hãy để các công cụ thị trường giải quyết. Việc thu hồi đất cần sự thuận mua vừa bán giữa người phát triển dự án và người đang sở hữu quyền sử dụng đất với mức giá phù hợp với thị trường.
Đương nhiên, nếu để bên bán có quyền thách đố bất cứ giá nào, thì Nhà nước, bằng các cơ quan đại diện của mình, cần thể hiện vai trò là người trung gian, khách quan xử lý vấn đề. Vì người phát triển dự án hay người sở hữu quyền sử dụng đất hiện tại cũng đều là thành phần xã hội, được Nhà nước bảo vệ, thúc đẩy và tạo điều kiện phát triển.
Khi doanh nghiệp tự thương thảo với các cá nhân, họ luôn ở thế yếu trong đàm phán. Trong khi đó, khái niệm định giá theo thị trường để phục vụ mục đích đền bù chưa có phương pháp rõ ràng trong thực tế. Dẫn đến, doanh nghiệp chỉ là bên bán theo các yêu cầu từ phía người được đền bù. Thông thường những người càng trì hoãn đền bù, càng về sau càng được đền bù giá cao hơn. Đây là trò chơi cân não và thiệt hại cho cả bên nhận đền bù và bên đền bù.
Nếu chờ giải phóng mặt bằng được đầy đủ, thì doanh nghiệp sẽ phải chờ đợi rất lâu trong điều kiện không thể có một dự báo nào về thời điểm có được đất sạch.
Còn nếu doanh nghiệp triển khai một phần, khi đưa vào kinh doanh, sự chênh lệch giữa giá đền bù giải phóng mặt bằng trước khi phát triển hạ tầng và giá khi sản phẩm thương mại có hạ tầng, dẫn đến chi phí giải phóng mặt bằng càng cao, và đương nhiên càng nhiều tiềm năng khiếu kiện.
Chưa kể, trong thực tế chính quyền thường nỗ lực bàn giao phần đất làm hạ tầng, trước khi tổ chức giải phóng mặt bằng bàn giao phần đất thương mại.
Đơn cử, một dự án phát triển hạ tầng du lịch ở Quảng Bình, được chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 26/8/2016, và đến ngày 5/1/2018, được phê duyệt quy hoạch chi tiết cho 81.000 m2, bao gồm 58% đất thương mại dịch vụ và 42% đất hạ tầng, cây xanh. Phải đến ngày 26/3/2021, mới được giao đất đợt 1 gồm 36.000 m2, nhưng chỉ được 48% diện tích thương mại dịch vụ và đến ngày 15/12/2022, giao đất đợt 2 mới được tiến hành gồm 16.000 m2, và chỉ có 65% diện tích đất thương mại dịch vụ.
Như vậy, cả hai lần giao đất cũng chỉ mới đạt 75% diện tích dự án, rời rạc khắp khu đất, và phần diện tích giao lần ba khi nào thì đến nay chủ đầu tư dự án vẫn chưa được biết. Với một tiến trình giao đất giải phóng mặt bằng như vậy, khó để dự án nào có thể triển khai.
Để giải quyết được các vấn đề nêu trên, ngoài việc có cách tiếp cận đúng, còn cần phải nói rõ điều kiện tiên quyết cho người đứng làm trung gian - là việc bảo đảm sự minh bạch. Trước hết, Trung tâm phát triển quỹ đất, theo Điều 114, tuyệt đối không tham gia phát triển quỹ đất cho mục tiêu thương mại.
Để Nhà nước đóng vai trò trung lập, yêu cầu mọi thông tin liên quan đến lựa chọn nhà thầu, các bước lập quy hoạch, giải phóng mặt bằng đều phải được minh bạch bởi mọi khiếu kiện nói cho cùng đều bắt nguồn từ việc không minh bạch.
Nhà nước cũng không được nhận bất cứ tài trợ nào về quy hoạch của doanh nghiệp tư nhân, dù là trực tiếp hay gián tiếp qua hình thức đóng tiền vào kho bạc. Vai trò trung gian chỉ được tôn trọng, và được mọi thành phần xã hội kỳ vọng khi bảo đảm sự minh bạch và các quyết định pháp luật là công bằng trong tất cả các bước thực hiện.
Như vậy, từ thực tiễn soi vào dự thảo nói trên, có thể thấy, ở bản dự thảo luật sửa đổi, vấn đề chính trong thu hồi đất, trưng thu đất chưa được đặt ra một cách tổng thể, đặc biệt chưa xác định rõ được vai trò Nhà nước ở đâu trong hoạt động này. Như đã nêu, xã hội kỳ vọng Nhà nước đóng vai trò điều phối, bảo vệ quyền lợi cho tất cả các bên tham gia, một cách minh bạch.
Qua sàn hay không qua sàn?
Tám lý do để “bắt buộc”
Tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách diễn ra hồi cuối tháng 8, các ý kiến tập trung phân tích quy định bắt buộc thực hiện giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản, với kỳ vọng tăng tính chuyên nghiệp và minh bạch. Quả thật, đây là vấn đề có nhiều ý kiến trái chiều và xem ra loại ý kiến nào cũng… có lý lẽ riêng.
Quy định các giao dịch nhà đất phải thông qua sàn từng được nêu tại Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006, nhưng sau đó được bỏ khi sửa luật vào năm 2014 (vẫn áp dụng đến nay). Trong dự thảo luật sửa đổi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Chính phủ đề xuất áp dụng trở lại điều kiện bán bất động sản hình thành trong tương lai bắt buộc phải qua sàn giao dịch.
Mặc dù đã khoanh định rõ việc bắt buộc chỉ áp dụng với giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai (các loại giao dịch khác thì chỉ khuyến khích), song quy định này vẫn nhận nhiều ý kiến trái chiều từ đại biểu Quốc hội với phần lớn ý kiến cho rằng, không nên bắt buộc.
Tại kỳ họp thứ 6 (khai mạc tháng 10 tới đây), Quốc hội sẽ xem xét bộ ba luật có khả năng làm thay đổi căn bản cục diện thị trường bất động sản: Luật Đất đai (sửa đổi), Nhà ở (sửa đổi) và Giao dịch bất động sản (sửa đổi). Bàn về Luật Đất đai sửa đổi, đặc biệt là khi hướng đến tính chất minh bạch và chuyên nghiệp của các giao dịch đất đai thì không thể không đề cập đến các đạo luật có mối liên hệ hữu cơ này.
Sau khi nghiên cứu tiếp thu, cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) trình hai phương án, nhưng bảo lưu quan điểm quy định bắt buộc với tám lý do cơ bản.
Trong đó, Bộ Xây dựng cho rằng, việc giao dịch bất động sản qua sàn sẽ bảo vệ lợi ích chính đáng các bên. Nếu không quy định bắt buộc, theo Bộ Xây dựng, khách hàng bị đẩy vào tình thế phải tự mình kiểm chứng chất lượng, pháp lý, giá cả của bất động sản mà họ định mua, trong khi hầu hết khách hàng không có khả năng làm điều này.
Đồng thời, Nhà nước cũng sẽ thiếu công cụ để quản lý, kiểm soát được dữ liệu thông tin thị trường, dẫn tới những hệ lụy như thất thu thuế, khó kiểm soát rửa tiền, khó có giải pháp điều tiết kịp thời khi thị trường biến động cực đoan... Cơ quan soạn thảo cũng đã bổ sung một số quy định về điều kiện thành lập sàn giao dịch bất động sản, tổ chức bộ máy và hoạt động của sàn giao dịch bất động sản theo hướng chặt chẽ hơn.
Không phó mặc vào “lòng tin”, nhưng có giải pháp khác
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra của Quốc hội và nhiều đại biểu Quốc hội có quan điểm khác. Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) mà Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách đã được chỉnh sửa theo hướng bỏ quy định về các giao dịch bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư và khách hàng được tự do lựa chọn phương thức giao dịch.
Sàn giao dịch bất động sản không phải là công cụ quản lý nhà nước, không thực hiện các dịch vụ công, chỉ đóng vai trò là môi giới, trung gian, cung cấp thông tin. Trong khi đó, dự thảo đã quy định rõ trách nhiệm doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải công khai thông tin và tuân thủ một số quy định khác. Những dự án bất động sản có đầy đủ cơ sở pháp lý, chủ đầu tư có đủ năng lực, uy tín thì việc giao dịch trực tiếp, không thông qua sàn giao dịch bất động sản vẫn diễn ra thuận lợi, ít rủi ro.
Đó là chưa kể quy định buộc giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản sẽ làm tăng thêm tầng lớp trung gian, tăng chi phí. Trường hợp người mua lựa chọn giao dịch qua sàn, cần bổ sung quy định về các loại hợp đồng giữa ba bên (người mua - chủ đầu tư - sàn giao dịch bất động sản), trong đó có điều khoản ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư và sàn giao dịch bất động sản.
Tán thành quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, dự luật chỉ có thể quy định thiết chế, địa vị, điều kiện thành lập, cơ chế hoạt động sàn giao dịch; còn người mua có quyền lựa chọn qua sàn hay không, qua sàn này hay sàn kia.
Không nên tiếp tục phó mặc người dân bước vào những giao dịch có giá trị lớn với hành trang duy nhất là… lòng tin vào sự tử tế của doanh nghiệp bất động sản-đó là quan điểm của đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa).
Tuy nhiên, theo ông Hoàn, yếu tố giúp bảo đảm quyền lợi cho người mua - thường là bên ở thế yếu hơn - không nhất thiết là sàn giao dịch. Thời gian qua, cơ chế mua bán hoàn toàn riêng tư, không có một tổ chức trung gian kiểm soát đã cho thấy nhiều bất cập, trong khi với hầu hết cá nhân, sự hiểu biết về cách thức thực hiện giao dịch thường hạn chế, đại biểu Hoàn nhận xét.
Đặt lòng tin vào công chứng, đại biểu Lê Thanh Hoàn phát biểu: “Một chuyên gia là công chứng viên là bên thứ ba phù hợp để tham gia kiểm soát hoạt động này trên cơ sở thực hiện đúng và đầy đủ quy định của pháp luật. Trường hợp có tranh chấp xảy ra thì người mua cũng dễ được giải quyết thấu đáo hơn”. Nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với loại ý kiến cần bắt buộc có bên thứ ba này.
Phải đợi đến kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật mới được bổ sung, chỉnh lý lần cuối cùng trước khi Quốc hội xem xét thông qua. Nhưng với những yếu tố như đã phân tích, có thể thấy không có phương án nào là hoàn hảo. Phương án nào ít tính bắt buộc mà vẫn hướng đến tính minh bạch, công bằng, hài hòa quyền lợi cho tất cả các bên hẳn sẽ được các nhà lập pháp cân nhắc thận trọng trước khi “bấm nút”.
Để xây dựng một thị trường bất động sản lành mạnh, thật sự là động lực góp phần thúc đẩy phát triển xã hội, tôi cho rằng, phải quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản xuất phát từ tính chất quan trọng của thị trường. Cần có những quy định rạch ròi, cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật. Luật phải tìm hiểu những “điểm hở” để bịt lại, hạn chế tối đa tình trạng “lách luật”; tháo gỡ điểm nghẽn để thị trường vận hành lành mạnh, thông suốt, và an toàn.
Thị trường bất động sản kỳ vọng sẽ chuyển biến tích cực khi các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi được thông qua. Ảnh: CTV
Thị trường bất động sản kỳ vọng sẽ chuyển biến tích cực khi các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi được thông qua. Ảnh: CTV
Khi thị trường bất động sản gặp khó khăn, rủi ro cao, những dự án đáp ứng nhu cầu ở thực, chất lượng bảo đảm, có pháp lý đầy đủ được thị trường đón nhận. Ảnh: HƯNG THỊNH
Khi thị trường bất động sản gặp khó khăn, rủi ro cao, những dự án đáp ứng nhu cầu ở thực, chất lượng bảo đảm, có pháp lý đầy đủ được thị trường đón nhận. Ảnh: HƯNG THỊNH
Phải quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, xuất phát từ tính chất quan trọng của thị trường. Ảnh: THÀNH ĐẠT
Phải quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, xuất phát từ tính chất quan trọng của thị trường. Ảnh: THÀNH ĐẠT
Ngày xuất bản: 17/9/2023
Tổ chức xuất bản: VŨ MAI HOÀNG
Nội dung: LƯU LAN HƯƠNG, TRẦN TRUNG HIẾU, NGUYỄN HÙNG, TRẦN NHƯ TRUNG, TRUNG TRẦN, CẨM HÀ, BẮC AN
Trình bày: PHAN ANH, DUY LONG