Nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU tại Brussels, Vương quốc Bỉ vào ngày 14/12 và thăm chính thức Đại Công quốc Luxembourg, Vương quốc Hà Lan và Vương quốc Bỉ từ ngày 9 đến 15/12.

Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các nước ASEAN dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện tinh thần chủ động, tích cực và đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN cũng như đối với cộng đồng quốc tế. Đây là lần đầu tiên ASEAN và EU tổ chức Hội nghị cấp cao kỷ niệm tại EU, với sự tham gia của lãnh đạo các nước thành viên kể từ khi thiết lập quan hệ đối thoại vào năm 1977.

Diễn ra trong bối cảnh năm 2023 Việt Nam sẽ cùng ba nước Luxembourg, Hà Lan và Bỉ kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, chuyến công tác cũng góp phần quan trọng tăng cường, củng cố quan hệ giữa Việt Nam với ba quốc gia châu Âu nói trên; khẳng định vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trong quan tâm, ưu tiên của ba nước đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Thắt chặt sợi dây gắn kết
hai châu lục Á-Âu

ASEAN và EU là hai tổ chức khu vực có tầm quan trọng, vững mạnh và uy tín cao ở châu Á và châu Âu. ASEAN và EU đang ngày càng thể hiện rõ nét sự kết nối, hợp tác chặt chẽ. Quan hệ đối thoại ASEAN-EU được thiết lập vào năm 1977 và nâng lên thành Đối tác chiến lược vào năm 2020. Trên chặng đường 45 năm qua, quan hệ hai bên đã tiến triển tích cực, bao trùm trên nhiều lĩnh vực.

Về chính trị-an ninh, trong “Chiến lược hợp tác của EU với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, EU khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và mong muốn hợp tác sâu rộng với ASEAN.

Về kinh tế-thương mại-đầu tư, EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba và là nhà đầu tư trực tiếp (FDI) lớn thứ hai của ASEAN với tổng FDI năm 2021 đạt 26,5 tỷ USD. Trong khi đó, ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU ngoài châu Âu. Tổng kim ngạch thương mại năm 2021 của hai bên đạt 268,92 tỷ USD.

Về văn hoá-xã hội, hợp tác phát triển, EU là một trong những đối tác đầu tiên thúc đẩy hỗ trợ ASEAN trong ứng phó dịch Covid-19 và phục hồi sau đại dịch, với gói hỗ trợ “Team Europe” trị giá 800 triệu euro, chương trình hỗ trợ các nước Đông Nam Á ứng phó đại dịch trị giá 20 triệu euro và đã tổ chức 2 lần đối thoại giữa các chuyên gia y tế của hai bên về vaccine ngừa Covid-19.

Hai bên chia sẻ sự ủng hộ đối với chủ nghĩa đa phương, tự do hoá thương mại và liên kết kinh tế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình.

(Đồ họa: Hoàng Hà)

(Đồ họa: Hoàng Hà)

Năm 2022 có ý nghĩa quan trọng khi đánh dấu cột mốc 45 năm thiết lập quan hệ đối thoại giữa hai tổ chức khu vực uy tín bậc nhất của châu Á và châu Âu. Việc ASEAN và EU lần đầu tiên tổ chức Hội nghị cấp cao kỷ niệm tại EU, với sự tham gia của lãnh đạo các nước thành viên kể từ khi thiết lập quan hệ đối thoại vào năm 1977, nhất là sau khi hai bên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2020 đã phản ánh quyết tâm của hai bên trong tăng cường hợp tác, kết nối, trong bối cảnh thế giới đang trong giai đoạn đầy biến động với nhiều cuộc khủng hoảng đan xen. 

Việt Nam là một cầu nối cho quan hệ giữa
ASEAN và EU

Là thành viên năng động, sáng tạo, tích cực của ASEAN, Việt Nam luôn nêu cao trách nhiệm đẩy mạnh hợp tác sâu rộng, hiệu quả giữa ASEAN và các đối tác, trong đó có EU. Việt Nam là quốc gia ASEAN đầu tiên có tất cả các khuôn khổ hợp tác về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh với EU; có nhiều cơ chế về hợp tác chuyên ngành, duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, nhất là cấp cao. EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba, thị trường nhập khẩu lớn thứ năm và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ sáu của Việt Nam.

Sau hơn hai năm thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), kim ngạch thương mại 10 tháng đầu năm 2022 giữa Việt Nam và EU đạt hơn 52 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 14 của EU.

Những sáng kiến của EU như Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hay Cửa ngõ toàn cầu (Global Gateway) cho thấy EU coi trọng mối quan hệ với Việt Nam và các quốc gia ASEAN
- Ông Jeroen Cooreman
Tổng Vụ trưởng phụ trách các vấn đề song phương thuộc Bộ Ngoại giao, Thương mại và Hợp tác Phát triển Bỉ

Khai phá tiềm năng
hợp tác Việt Nam-Bỉ

Bỉ là một trong những nước đứng đầu thế giới về sản xuất gang thép, đứng thứ 24 trên thế giới và thứ tám trong EU về quy mô GDP, là trung tâm phân phối và trung chuyển hàng hóa của châu Âu. Nằm ở trung tâm của châu Âu, Bỉ là nơi đặt trụ sở của 1.100 đại diện tổ chức quốc tế, 600 hãng tin quốc tế, 400 cơ quan đại diện ngoại giao, 1.700 đại diện của các công ty quốc tế và châu Âu.

Là thành viên sáng lập EU, Bỉ chủ trương và đi tiên phong trong quá trình xây dựng một EU mạnh và nhất thể hoá, triển khai chính sách phù hợp chính sách chung của EU. Trên diễn đàn đa phương, Bỉ là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2019-2020 và hiện là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Tấm thảm khổng lồ được kết hoàn toàn bằng hoa tươi phủ trên mặt đất lát đá cuội của Quảng trường lớn tại Brussels, Bỉ. (Nguồn: Reuters)

Tấm thảm khổng lồ được kết hoàn toàn bằng hoa tươi phủ trên mặt đất lát đá cuội của Quảng trường lớn tại Brussels, Bỉ. (Nguồn: Reuters)

Với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Bỉ duy trì tương đối đồng đều quan hệ với các nước. Tại khu vực Đông Nam Á, Bỉ coi trọng dân chủ và thịnh vượng trong việc thúc đẩy quan hệ song phương và coi trọng quan hệ với Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippines. Với Việt Nam, Bỉ ưu tiên hợp tác về môi trường, năng lượng tái tạo, ứng phó biến đổi khí hậu.

Việt Nam và Bỉ thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 22/3/1973. Tuy Bỉ là một thị trường nhỏ nhưng quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Bỉ ở mức cao so với nhiều nước EU và châu Âu.

Bỉ là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam trong EU. Giai đoạn trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, kim ngạch thương mại song phương luôn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt từ 6% đến 10%/năm. 10 tháng năm 2022, thương mại hai chiều đạt 4,068 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Bỉ đạt hơn 3,4 tỷ USD. Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước không cạnh tranh mà mang tính bổ sung cho nhau.

Tuy Bỉ là một thị trường nhỏ nhưng quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Bỉ ở mức cao so với nhiều nước EU và châu Âu.

Tính đến tháng 10/2022, Bỉ có 82 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,1 tỷ USD, đứng thứ 6/24 quốc gia thành viên EU có đầu tư tại Việt Nam.

Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Bỉ

Lĩnh vực nông nghiệp là điểm sáng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Bỉ.

Bỉ là thị trường hàng nông sản quan trọng của Việt Nam trong EU, nhất là thủy sản và cà phê.

Các đối tác Bỉ đã triển khai nhiều chương trình hợp tác kỹ thuật với Việt Nam thông qua Quỹ Nghiên cứu và Tư vấn Việt-Bỉ, hợp tác giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Cộng đồng các trường Đại học khối Pháp ngữ của Bỉ. Hai bên đã trở thành Đối tác chiến lược về nông nghiệp.

Ngoài ra, quan hệ hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực khoa học-kỹ thuật, giáo dục-đào tạo, văn hóa, giao thông vận tải… cũng phát triển tốt đẹp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Bỉ tại Việt Nam Karl Van Den Bossche. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Bỉ tại Việt Nam Karl Van Den Bossche. (Ảnh: VGP)

Tại cuộc tiếp Đại sứ Bỉ tại Việt Nam Karl Van Den Bossche đầu tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Bỉ; đánh giá cao những bước phát triển tích cực trong quan hệ Việt Nam và Bỉ thời gian qua trên tất cả các lĩnh vực, nhất là chính trị-ngoại giao, thương mại, nông nghiệp…

Bỉ sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực Bỉ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như nông nghiệp bền vững, kinh tế số, phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng…
- Ông Karl Van Den Bossche
Đại sứ Bỉ tại Việt Nam

Việt Nam-Hà Lan đồng hành trên con đường
phát triển bền vững

Với thế mạnh là quốc gia ven biển, đất đai mầu mỡ, khí hậu ôn hòa, Hà Lan đã đẩy mạnh phát triển ngành nông sản và thực phẩm, ngành làm vườn, quản lý nước, vận tải logistics, cảng biển năng lượng, hóa chất, công nghệ cao, khoa học đời sống và y tế. Đây là những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn hàng đầu của Hà Lan, đưa Hà Lan trở thành điểm sáng trên bản đồ kinh tế thế giới về phát triển.

Hà Lan đứng thứ 7 thế giới về đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng dòng đầu tư vào và ra đạt 266 tỷ USD; thứ 5 thế giới về chỉ số sáng tạo toàn cầu; thứ nhất trong EU về mức độ cạnh tranh của nền kinh tế và thứ 10 thế giới về chỉ số phát triển con người.

Một góc Thủ đô Amsterdam của Hà Lan. (Ảnh: WN)

Một góc Thủ đô Amsterdam của Hà Lan. (Ảnh: WN)

Hiện nay, nền kinh tế Hà Lan đã và đang hướng đến tăng trưởng xanh. Chính phủ xem tăng trưởng xanh là cần thiết để duy trì khả năng tăng trưởng kinh tế trong tương lai, đồng thời giảm thiểu tác động môi trường và sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên đang dần khan hiếm.

Hà Lan theo đuổi chính sách đối ngoại năng động, tích cực, hòa bình, hợp tác, đề cao vai trò của các cơ chế đa phương và các cơ chế hòa giải. Chính sách đối ngoại của Hà Lan dần dịch chuyển sang khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, trong đó có châu Á và Việt Nam.

Việt Nam và Hà Lan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 9/4/1973. Trải qua gần 50 năm, hai nước đã xây dựng nên mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp. Quan hệ Việt Nam-Hà Lan được đánh giá là điển hình của mối quan hệ năng động và hiệu quả, phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực như chính trị-ngoại giao, kinh tế, giáo dục-đào tạo, quốc phòng-an ninh... và ngày càng đi vào chiều sâu. Hai bên nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện vào tháng 4/2019.

Về hợp tác trên các diễn đàn đa phương, hai bên tích cực hợp tác tại các tổ chức và diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc, ASEM, ASEAN-EU. Hai bên cũng thường xuyên tiếp xúc cấp cao bên lề các hội nghị lớn.

Kim ngạch trao đổi thương mại Việt Nam-Hà Lan 2009-2021
Infogram

Về quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư, quan hệ thương mại Việt Nam-Hà Lan không ngừng phát triển, kim ngạch thương mại khá lớn và tăng đều hằng năm. Từ năm 2002, xuất khẩu từ Việt Nam sang Hà Lan bắt đầu có chiều hướng tăng mạnh, trung bình khoảng 15%/năm. Hà Lan hiện là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu. Bên cạnh đó, những năm gần đây, Hà Lan luôn là một trong những nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại Việt Nam. Nhiều dự án đầu tư của các tập đoàn lớn hoạt động rất hiệu quả như Heineken, Unilever, Royal Dutch Shell...

Về hợp tác phát triển, ngay sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, Hà Lan bắt đầu viện trợ ODA không hoàn lại cho Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực nhân đạo, giáo dục-đào tạo và y tế. Từ tháng 1/2014, Hà Lan đã chuyển quan hệ với Việt Nam sang “đối tác thương mại”. Tuy vậy, Hà Lan vẫn tiếp tục tài trợ cho nhiều tổ chức xã hội tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực xã hội và kinh tế.

Hà Lan và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam cũng gặp các thách thức về quản lý nước như Hà Lan. Hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược về Thích ứng với biến đổi khí hậu và Quản lý nước. Theo đó, nhiều dự án đã được triển khai hiệu quả, đặc biệt là Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long với tầm nhìn dài hạn đã đưa ra nhiều khuyến nghị, tập trung giải quyết các vấn đề quản lý tài nguyên nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm đưa đồng bằng sông Cửu Long trở thành một khu vực kinh tế phát triển bền vững.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã ký Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về hợp tác chuyển đổi nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long năm 2019. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã ký Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về hợp tác chuyển đổi nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long năm 2019. (Ảnh: TTXVN)

Ngoài ra, hai bên đã ký Thỏa thuận Đối tác chiến lược về Nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực, triển khai hợp tác trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu. Hà Lan hiện là nhà đầu tư lớn vào ngành nông nghiệp Việt Nam và đang từng bước giúp Việt Nam xây dựng nền sản xuất nông nghiệp bền vững, gia tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu trong lĩnh vực làm vườn, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản…

Về giáo dục-đào tạo, trong những năm qua, hơn 60 trường của Hà Lan và hơn 120 cơ sở đào tạo của Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục bậc đại học. Văn phòng Hỗ trợ giáo dục Hà Lan chính thức hoạt động tại Việt Nam từ năm 2006, góp phần thúc đẩy thông tin học bổng, kết nối lưu học sinh..., góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ quan hệ hợp tác giữa các trường đại học của hai quốc gia.

Tháng 8/2002, Hà Lan đưa Việt Nam vào danh sách được hưởng quy chế đặc biệt trong hợp tác đào tạo đại học. Nhiều đại học, viện nghiên cứu Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác đào tạo nghiên cứu chặt chẽ với các đối tác Hà Lan. Từ năm 2006 đến nay, trung bình mỗi năm có khoảng 170 sinh viên Việt Nam sang học tập tại Hà Lan ở các bậc cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ và các khóa học ngắn hạn khác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp bà Liesje Schreinemacher, Bộ trưởng phụ trách Ngoại thương và Hợp tác phát triển Vương quốc Hà Lan. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp bà Liesje Schreinemacher, Bộ trưởng phụ trách Ngoại thương và Hợp tác phát triển Vương quốc Hà Lan. (Ảnh: TTXVN)

Tại cuộc tiếp Bộ trưởng phụ trách Ngoại thương và Hợp tác phát triển Vương quốc Hà Lan Liesje Schreinemacher ngày 28/11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Vương quốc Hà Lan trong tổng thể quan hệ tốt đẹp với EU, đặc biệt trong bối cảnh hai nước chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2023.

Hà Lan sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam nhằm làm sâu sắc hơn hợp tác giữa hai bên trong tất cả lĩnh vực, nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên về thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý nước, bảo vệ môi trường, nông nghiệp bền vững, dịch vụ hậu cần, năng lượng tái tạo.
- Bà Liesje Schreinemacher
Bộ trưởng phụ trách Ngoại thương và Hợp tác phát triển Vương quốc Hà Lan

Mở rộng quan hệ hợp tác với
Luxembourg

Trong những năm qua, Luxembourg luôn là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong EU. Thu nhập GDP đầu người đứng đầu thế giới. Các lĩnh vực thế mạnh của Luxembourg là thương mại, dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, hoá chất, cao su, nhựa, sản xuất thép, thực phẩm.

Về chính sách đối ngoại, Luxembourg là thành viên sáng lập của nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có EU và Liên hợp quốc. Công tác đối ngoại của Luxembourg nhằm thúc đẩy hòa bình và phát triển bền vững với chủ trương ủng hộ chủ nghĩa đa phương, bảo vệ các giá trị cơ bản, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.

Việt Nam và Luxembourg thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 15/11/1973. Tại các diễn đàn đa phương, Việt Nam và Luxembourg duy trì gặp gỡ, tiếp xúc ở cấp Trưởng đoàn và ủng hộ lẫn nhau, cụ thể như Luxembourg ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và Việt Nam ủng hộ Luxembourg ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2022-2024.

Tính đến tháng 1/2022, Luxembourg có 51 dự án đầu tư vào Việt Nam, với tổng số vốn là 2,1 tỷ USD, tập trung vào một số lĩnh vực xây dựng, chế biến thực phẩm, thông tin truyền thông và công nghệ cao.

Mặc dù trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, song trao đổi thương mại song phương năm 2020 vẫn đạt 110,7 triệu USD và đến năm 2021, tăng vọt (64%), đạt 181,6 triệu USD.

Về hợp tác phát triển, sau khi bắt đầu chính thức viện trợ cho Việt Nam từ năm 1993, Luxembourg cam kết tiếp tục viện trợ phát triển cho Việt Nam và trở thành thành viên chính thức của Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam năm 1998. Tháng 3/1999, Cơ quan Hợp tác phát triển Luxembourg đề ra “Chiến lược hợp tác phát triển giữa Đại Công quốc Luxembourg và Việt Nam”, khẳng định Việt Nam là nước đứng đầu châu Á và là 1 trong 10 nước trọng điểm trong chương trình hợp tác phát triển của Chính phủ Luxembourg.

Đến nay, Việt Nam và Luxembourg đã ký 3 Chương trình hợp tác định hướng: giai đoạn 2002-2005 (35 triệu Euro); giai đoạn 2006-2010 (50 triệu Euro); giai đoạn 2011-2015 (42 triệu Euro). Luxembourg quyết định không ký tiếp các Chương trình hợp tác định hướng cho Việt Nam giai đoạn sau 2015 vì Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình.

Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-EU, quan hệ Đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam-EU và quan hệ của Việt Nam với các nước thành viên EU. Chuyến công tác phát đi thông điệp về một Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ, sẵn sàng phối hợp cùng các nước xây dựng môi trường khu vực hòa bình, ổn định và đề cao vai trò của chủ nghĩa đa phương, đồng thời tranh thủ hiệu quả nguồn lực quan trọng từ EU và các nước thành viên trong công cuộc phục hồi và phát triển bền vững kinh tế-xã hội Việt Nam sau đại dịch Covid-19.

Ngày xuất bản: 9/12/2022
Tổ chức thực hiện: Bích Hạnh
Nội dung: Minh Hằng, Nguyễn Hà
Trình bày: Ngọc Diệp
Ảnh: TTXVN, Reuters