Kết cấu hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng là nền tảng vật chất có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước và cả xã hội đã dành sự quan tâm lớn cho đầu tư phát triển giao thông vận tải; một số công trình giao thông hiện đại, như đường bộ cao tốc, cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế,... được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước.
Tuy nhiên, thực tế hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ, hiện đại, vẫn còn là điểm nghẽn đối với nhu cầu phát triển để tiến tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hệ thống đường bộ cao tốc mới bước đầu hình thành, hệ thống đường sắt đã lạc hậu, chưa đầu tư được đường sắt tốc độ cao, hệ thống đường sắt đô thị mới đầu tư xây dựng những tuyến đầu tiên; hệ thống cảng biển chưa khai thác hết công suất thiết kế; một số cảng hàng không đã xảy ra quá tải...
Giao thông như mạch máu của nền kinh tế, phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông với phương châm “đi trước một bước” là đòi hỏi bức thiết trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Chính vì vậy, đột phá trong xây dựng quy hoạch cùng với việc đổi mới tư duy trong phân bổ nguồn lực, lựa chọn công trình có tính lan tỏa cao và xây dựng cơ chế thu hút vốn đầu tư tư nhân là “chìa khoá” để sớm phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và cơ cấu lại nền kinh tế.
Trong đó phân công rõ vai trò dựa trên lợi thế từng phương thức, trên từng hành lang vận tải chính, bảo đảm tính hệ thống, kết nối đồng bộ hiệu quả giữa các phương thức nhằm tái cơ cấu thị phần vận tải, nâng cao chất lượng và giảm chi phí logistics. Hiện đã có 4/5 quy hoạch chuyên ngành và cũng là 4 quy hoạch đầu tiên trong tổng số 37 quy hoạch chuyên ngành quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; riêng quy hoạch hàng không đã được Hội đồng thẩm định nhà nước thông qua.
Quốc hội, Chính phủ cũng tập trung nguồn lực và ban hành cơ chế đặc thù để ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia. Tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Quốc hội cho phép bổ sung tối đa 113,55 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, chuyển đổi số…
Nghị quyết 11/2022/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, Chính phủ yêu cầu tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa lớn, có khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế, phù hợp với quy hoạch, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, bảo đảm khả năng cân đối vốn để hoàn thành dự án trong giai đoạn 2022-2025; ưu tiên hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với một số dự án mới có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế-xã hội...
Chỉ đạo thực hiện: THU HÀ, NGỌC THANH
Tổ chức thực hiện: THU HÀ
Nội dung: NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ
Trình bày: DIỆU THU, NGỌC DIỆP