Nhận lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Ba Lan Donald Tusk, Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Séc, tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 WEF tại Davos, Thụy Sĩ và làm việc song phương tại Thụy Sĩ từ ngày 15 đến 23/1.
Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và hai nước Ba Lan, Séc long trọng kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1950-2025) và đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến Ba Lan sau 15 năm, đến Séc sau 6 năm, qua đó đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với khu vực Trung Đông Âu.
Trong khi đó, Hội nghị WEF Davos 2025 với chủ đề “Hợp tác vì kỷ nguyên thông minh” diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế, an ninh thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Năm 2025 lại là năm Việt Nam nước rút đẩy mạnh hoàn thành các mục tiêu kinh tế-xã hội của Đại hội Đảng lần thứ XIII, xây dựng chủ trương, đường lối của Đại hội Đảng lần thứ XIV, mở ra kỷ nguyên phát triển chiến lược mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Với bối cảnh đặc biệt và đầy ý nghĩa nêu trên, chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước châu Âu và WEF. Đây là dịp để các bên cùng nhau nhìn lại những thành tựu hợp tác đã đạt được trong hàng chục năm qua, vượt qua mọi thăng trầm, biến động trong dòng chảy lịch sử toàn cầu để vững vàng đồng hành tiến bước trên hành trình phát triển phía trước.
CHẶNG ĐƯỜNG 75 NĂM QUAN HỆ VIỆT NAM-BA LAN
Việt Nam và Ba Lan thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1950. Hơn bảy thập niên trôi qua, với những nỗ lực không ngừng nghỉ của các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước, Việt Nam và Ba Lan đã tiến những bước dài trên con đường hợp tác cùng phát triển. Nhân dân Việt Nam luôn ghi nhận và đánh giá cao sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu của nhân dân Ba Lan dành cho Việt Nam trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Hai nước thường xuyên duy trì trao đổi đoàn các cấp. Về kinh tế, thương mại, Ba Lan là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông Âu; Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu của Ba Lan tại Đông Nam Á. Kim ngạch thương mại hai chiều giai đoạn 2021-2023 đều đạt trên 2,5 tỷ USD/năm. Kim ngạch trong 10 tháng đầu năm 2024 đạt 2,86 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Ba Lan cũng là một trong những nước đầu tiên trong EU hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn dịch Covid-19, với việc tặng Việt Nam 1,4 triệu liều vắc-xin và 8 tấn thiết bị y tế trị giá 4 triệu USD. Hợp tác trong các lĩnh vực khác như quốc phòng, an ninh, giáo dục, đào tạo, nông nghiệp, văn hóa, lao động phát triển tích cực.
Trong giai đoạn những năm 1960-1990, Ba Lan đã giúp đào tạo hơn 4.000 sinh viên và cán bộ khoa học Việt Nam; hơn 3.500 công nhân lành nghề, chủ yếu trong các ngành than, đóng tàu. Tháng 11/2017, hai nước ký thỏa thuận giáo dục mới, trong đó nhất trí tăng số lượng học bổng lên 20 suất/năm. Cụ thể, Ba Lan cấp cho Việt Nam 20 suất học bổng đại học và trên đại học; Việt Nam tiếp nhận 20 sinh viên Ba Lan sang thực tập.
Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan có khoảng 25.000 người, có truyền thống đoàn kết, hướng về Tổ quốc, có nhiều đóng góp cho sở tại và quan hệ hai nước, được chính quyền sở tại đánh giá cao.
Tại cuộc Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Ba Lan vào tháng 5/2024, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cùng Phó Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ba Lan Anna Krystyna Radwan-Röhrenschef trao đổi phương hướng, biện pháp thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Ba Lan thời gian tới. Phó Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ba Lan đánh giá cao các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội mà Việt Nam đạt được thời gian qua, cũng như vai trò, vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trên trường quốc tế; khẳng định Việt Nam luôn là đối tác ưu tiên hàng đầu, là đối tác kinh tế tiềm năng của Ba Lan tại khu vực.
MỞ TRANG MỚI CHO QUAN HỆ HỮU NGHỊ TRUYỀN THỐNG VỚI SÉC
Việt Nam và Séc dù cách xa nhau về mặt địa lý nhưng lại có mối quan hệ hết sức gần gũi. Séc là một trong những quốc gia thiết lập quan hệ ngoại giao sớm nhất với Việt Nam. Mối quan hệ giữa hai nước luôn nồng ấm, khăng khít trong 75 năm qua. Nhân dân Việt Nam luôn nhớ đến sự ủng hộ và giúp đỡ hết sức quý báu cả về vật chất và tinh thần của nhân dân Séc trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc trước đây và công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước sau này. Hàng nghìn cán bộ, kỹ sư… Việt Nam đã được Séc giúp đỡ sang học tập và lao động.
Về chính trị, ngoại giao, hai nước chính thức thiết lập quan hệ từ năm 1950 và kể từ đó đến nay, Séc luôn thực hiện chính sách phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam trên mọi lĩnh vực. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp; duy trì các cơ chế hợp tác, trong đó có việc tiến hành Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng trên cơ sở Bản ghi nhớ về hợp tác đã ký kết vào năm 2014.
Kinh tế, thương mại là điểm sáng của quan hệ Việt Nam-Séc. Hiện nay, nền kinh tế của Việt Nam và Séc đang phát triển với nhịp độ cao, hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Séc là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại Trung Đông Âu; Việt Nam là đối tác quan trọng nhất của Séc trong ASEAN. Kim ngạch thương mại hai chiều trong 10 tháng đầu năm 2024 đạt 1,57 tỷ USD, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2023.
Séc là một trong những nước châu Âu phê chuẩn sớm Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA). Hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, khoa học, công nghệ, văn hóa, thể thao đã phát triển tích cực. Trong lĩnh vực giáo dục, từ năm 1999 đến 2014, Chính phủ Séc đã cấp nhiều học bổng cho sinh viên và nghiên cứu sinh của Việt Nam.
Cộng đồng người Việt Nam ở Séc có khoảng 100.000 người, hội nhập tốt với xã hội sở tại, được Séc công nhận là dân tộc thiểu số vào năm 2013, có truyền thống đoàn kết, hướng về quê hương, đóng góp tích cực cho xã hội sở tại và quan hệ hai nước.
VIỆT NAM VÀ THỤY SĨ: HƠN NỬA THẾ KỶ HỢP TÁC BỀN CHẶT
Bước qua hơn nửa thế kỷ với những thăng trầm của lịch sử, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Sĩ không ngừng phát triển, gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp. Hai nước duy trì thường xuyên tiếp xúc cấp cao.
Trên nền tảng quan hệ chính trị tin cậy, hợp tác kinh tế song phương ghi nhận nhiều kết quả khả quan. Thụy Sĩ là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam tại châu Âu. Kim ngạch thương mại hai chiều 10 tháng đầu năm 2024 đạt 657 triệu USD. Tháng 8/2021, Thụy Sĩ đã hỗ trợ Việt Nam 13 tấn thiết bị y tế trị giá 5,5 triệu USD để phòng chống dịch Covid-19. Gần đây, Thụy Sĩ cử sáu chuyên gia về sạt lở đất đến Việt Nam nghiên cứu, hỗ trợ, giúp khắc phục hậu quả bão Yagi. Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, đổi mới sáng tạo, du lịch… còn nhiều tiềm năng phát triển.
Cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ có khoảng 10.000 người, có truyền thống đoàn kết, hướng về Tổ quốc, có đóng góp tích cực cho quan hệ hai nước.
Thụy Sĩ tự hào là đối tác trong tiến trình xây dựng nền kinh tế phát triển nhanh chóng và năng động của Việt Nam. Kể từ đầu những năm 1990, về khía cạnh hợp tác phát triển, Thụy Sĩ đã cung cấp khoản tài trợ trị giá hơn 650 triệu USD để hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế. Hợp tác hai bên đã chuyển từ hỗ trợ theo kiểu truyền thống sang hợp tác phát triển kinh tế…
Nhiều doanh nghiệp Thụy Sĩ và công ty có trụ sở tại Thụy Sĩ đã và đang đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Với tính đổi mới và độ tin cậy cao, những doanh nghiệp này đã đóng góp vào nỗ lực của Việt Nam nhằm đạt được tăng trưởng xanh bền vững, hỗ trợ các địa phương phát triển thông qua tạo việc làm có chất lượng và chăm sóc y tế tốt hơn cho người dân. Quan hệ hai nước còn nhiều tiềm năng để khai thác”.
Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass
KHÁT VỌNG XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC TRONG KỶ NGUYÊN THÔNG MINH
Hợp tác giữa Việt Nam và WEF ngày càng được triển khai mạnh mẽ và thực chất, nổi bật là việc lãnh đạo cấp cao Việt Nam thường xuyên tham dự các Hội nghị thường niên của WEF. Lãnh đạo hai bên thường xuyên tiếp xúc, thúc đẩy các chương trình hợp tác. Tháng 9/2024, hai bên khánh thành Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Với chủ đề “Hợp tác vì kỷ nguyên thông minh”, Hội nghị WEF Davos 2025 diễn ra từ ngày 20 đến 24/1/2025, bao gồm 5 nội dung trọng tâm như sau: (i) Tái định hình tăng trưởng; (ii) Các ngành công nghiệp trong kỷ nguyên thông minh; (iii) Đầu tư vào nguồn nhân lực; (iv) Bảo vệ hành tinh; (v) Tái thiết lòng tin. Hội nghị diễn ra khi cục diện thế giới tiếp tục có xu hướng phân tuyến, phân tách; kinh tế toàn cầu phục hồi chậm. Trong khi đó, khoa học, công nghệ và xu hướng đổi mới sáng tạo có sự phát triển đột phá, tác động sâu rộng trên phạm vi toàn thế giới.
Trong buổi giao lưu với sinh viên, thanh niên Việt Nam với chủ đề “Định vị Việt Nam trong kỷ nguyên công nghệ thông minh - Tầm nhìn cho thế hệ trẻ” vào ngày 7/10/2024, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF, Giáo sư Klaus Schwab nhấn mạnh, “thời đại thông minh” không chỉ là một khái niệm trừu tượng, đó là một thực tế mà những người trẻ tuổi của Việt Nam sẽ sống, lao động và học tập trong đó. Nêu rõ ngoài công nghệ, cơ hội thật sự vẫn nằm ở nhân tố con người, Giáo sư Klaus Schwab cho rằng, học sinh, sinh viên, thanh niên Việt Nam không chỉ trang bị cho mình tri thức, các kỹ năng, năng lực chuyên môn mà còn gồm cả môi trường, xã hội và lợi thế địa chính trị, nghĩa vụ quốc tế…
Cũng tại buổi giao lưu này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, sự thông minh không chỉ đơn thuần là sự phát triển bùng nổ của công nghệ mới mà còn gắn kết, cộng hưởng ở nhiều khía cạnh rộng lớn khác gồm các khía cạnh: thông minh trong phát triển kinh tế, thông minh trong phát triển và xử lý các vấn đề xã hội, thông minh trong ứng xử với môi trường, thông minh trong quan hệ chính trị và hợp tác quốc tế…, kỷ nguyên thông minh phải là kỷ nguyên phát triển vì con người, phục vụ con người, lấy con người làm trung tâm, chủ thể.
Định vị Việt Nam trên bản đồ phát triển của thế giới trong kỷ nguyên thông minh cũng chính là một trong những nội dung mà Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tập trung thảo luận tại Hội nghị WEF Davos năm nay. Thế hệ trẻ Việt Nam phải tham gia phát triển, ứng dụng công nghệ hiệu quả để làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thông qua các cuộc trao đổi, tiếp xúc, quan hệ giữa Việt Nam và WEF sẽ càng được thắt chặt. WEF sẽ có thêm nhiều sáng kiến hỗ trợ, tạo điều kiện cho các bạn sinh viên, thanh niên tại các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, được tiếp cận và làm chủ những công nghệ tiên tiến thông qua các chương trình, dự án của WEF, giúp thế hệ trẻ trở thành những người tiên phong đưa đất nước lên một tầm cao mới trong kỷ nguyên thông minh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự với tư cách khách mời chính của WEF tại Phiên đối thoại chính sách "Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu", ngày 16/1/2024, tại Davos. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự với tư cách khách mời chính của WEF tại Phiên đối thoại chính sách "Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu", ngày 16/1/2024, tại Davos. Ảnh: TTXVN
Nhân chuyến tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của WEF tại Davos, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd, ngày 17/1/2024. Ảnh: TTXVN
Nhân chuyến tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của WEF tại Davos, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd, ngày 17/1/2024. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam-WEF với các tập đoàn hàng đầu của WEF về chủ đề: "Chân trời phát triển mới: Thúc đẩy chuyển đổi, mở ra các động lực tăng trưởng mới tại Việt Nam", ngày 16/1/2024. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam-WEF với các tập đoàn hàng đầu của WEF về chủ đề: "Chân trời phát triển mới: Thúc đẩy chuyển đổi, mở ra các động lực tăng trưởng mới tại Việt Nam", ngày 16/1/2024. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Phiên thảo luận "Các bài học từ ASEAN", ngày 17/1/2024. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Phiên thảo luận "Các bài học từ ASEAN", ngày 17/1/2024. Ảnh: TTXVN
Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Séc, tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 WEF tại Davos, Thụy Sĩ và làm việc song phương tại Thụy Sĩ của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam góp phần mở ra chương mới của mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với Ba Lan, Séc, Thụy Sĩ; thúc đẩy tin cậy chính trị, đưa hợp tác với các nước châu Âu tiếp tục đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.
Bên cạnh đó, chuyến công tác còn khẳng định vai trò, vị thế, uy tín ngày một gia tăng của Việt Nam; nhấn mạnh quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong tiếp tục đổi mới tư duy, sáng tạo, đột phá, phát huy tính tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, biến ý tưởng thành hành động và kết quả cụ thể.
Ngày xuất bản: 15/01/2025
Chỉ đạo thực hiện: Bích Hạnh - Trường Sơn
Nội dung: Minh Hằng - Nguyễn Hà
Trình bày: Nhã Nam
Nguồn: Bộ Ngoại giao, TTXVN