TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC, CÙNG HƯỚNG ĐẾN NHỮNG CHÂN TRỜI PHÁT TRIỂN MỚI
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa kết thúc tốt đẹp chuyến công tác, tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại thành phố Đại Liên và làm việc tại Trung Quốc, theo lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Cường và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab.
Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác giữa Việt Nam với WEF, cũng như với các doanh nghiệp là thành viên của WEF ngày càng thực chất, hiệu quả. Đồng thời, đóng góp cho xu thế phát triển tích cực của quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.
PHÁT TRIỂN HÀI HÒA, BỀN VỮNG
Tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, cùng lãnh đạo các quốc gia, tổ chức quốc tế và đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Phiên khai mạc Hội nghị các nhà tiên phong lần thứ 15 do WEF phối hợp Chính phủ Trung Quốc tổ chức.
Việc WEF và nước chủ nhà Trung Quốc mời Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị trong hai năm liên tiếp (tại Thiên Tân và Đại Liên) thể hiện sự coi trọng vị thế, vai trò và đóng góp của Việt Nam cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cũng như tầm nhìn phát triển của Việt Nam đối với nền kinh tế trong tương lai.
Trong bối cảnh chính trị, kinh tế, an ninh thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 có chủ đề “Những chân trời tăng trưởng mới”. Phát biểu tại Phiên khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ những đánh giá, nhận định và quan điểm của Việt Nam về bối cảnh kinh tế thế giới, cũng như những triển vọng, thời cơ, thách thức, những bước chuyển mình lớn của thế giới đang diễn ra, tác động đến phát triển kinh tế toàn cầu trong ngắn và dài hạn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập 3 yếu tố chủ đạo đang tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ tới thế giới, bao gồm:
• Sự phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là số hóa và trí tuệ nhân tạo (AI);
• Tác động, ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số;
• Sự phân tách, phân cực ngày càng rõ nét dưới tác động mạnh mẽ của xung đột, chiến tranh, cạnh tranh địa chiến lược, địa chính trị, địa kinh tế trên phạm vi toàn cầu.
Với 3 lĩnh vực tiên phong định hình, dẫn dắt thế giới trong tương lai sẽ là:
• Phát triển kinh tế số;
• Phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn;
• Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trí tuệ nhân tạo và Cách mạng công nghiệp 4.0.
Chúng ta phải có tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới mang tính toàn cầu, toàn dân, toàn diện, cùng thắng, vì lợi ích tổng thể cả trước mắt và lâu dài của nhân loại.
Nhận định bối cảnh thế giới về tổng thể thì hòa bình, nhưng cục bộ có chiến tranh; về tổng thể thì hòa hoãn, nhưng cục bộ có căng thẳng; về tổng thể thì ổn định, nhưng cục bộ có xung đột, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ 5 đặc điểm nổi bật:
• Kinh tế thế giới đang chuyển đổi sâu rộng, toàn diện chưa từng có trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
• Phát triển bền vững, bao trùm và tăng trưởng xanh trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết đối với tất cả các quốc gia và toàn thế giới.
• Xu hướng “phân cực trong toàn cầu hóa” mở ra các cơ hội về hợp tác, liên kết kinh tế, song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, cạnh tranh ngày càng gay gắt. Vì vậy, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng là giải pháp phù hợp, hiệu quả.
• Vai trò và tiếng nói của các nước đang phát triển ngày càng được coi trọng hơn, đóng góp chủ động, tích cực hơn trong định hình các khuôn khổ hợp tác và xu hướng phát triển mới trên toàn cầu.
• Châu Á, Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày càng khẳng định vai trò là động lực quan trọng, là trung tâm phát triển năng động và là một trong những đầu tàu dẫn dắt thế giới đến “Những chân trời tăng trưởng mới”, những chân trời phát triển mới.
Hướng đến những chân trời tăng trưởng mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bên cùng xây dựng, củng cố lòng tin, đề cao đối thoại, phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, cùng hợp tác và phát triển, giải quyết hiệu quả các vấn đề dựa trên luật lệ và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan.
WEF và các tập đoàn thành viên đánh giá cao triển vọng, môi trường đầu tư, kinh doanh cùng những thành tựu kinh tế nổi bật của Việt Nam; nhìn nhận Việt Nam như một hình mẫu về một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ và tận dụng hiệu quả những cơ hội của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị WEF và các đối tác thúc đẩy hợp tác công-tư, phát huy vai trò của những nhà tiên phong trong dẫn dắt, định hướng sự phát triển và quá trình tái cấu trúc kinh tế của các quốc gia, khu vực, toàn cầu trong xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nhất là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia. Đồng thời, tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số, ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng xã hội, hạ tầng y tế, giáo dục. Trong đó, chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho các động lực tăng trưởng mới, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Nhấn mạnh sự thành công của Việt Nam trong gần 40 năm qua gắn liền với cụm từ khóa then chốt: đổi mới, sáng tạo và hội nhập, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đã đạt những thành tựu quan trọng và có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước bị tàn phá sau chiến tranh, Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình, nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất và nhóm 20 đối tác thương mại, đầu tư hàng đầu thế giới, với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) và quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới.
Thông qua những thành tựu phát triển, Thủ tướng khẳng định sự đúng đắn của các chủ trương, quan điểm phát triển của Việt Nam, xuyên suốt là: giữ vững ổn định chính trị; lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại Phiên thảo luận với các nhà lãnh đạo (IGWEL) về “Hợp tác để hướng tới tăng trưởng kinh tế”, chia sẻ những kinh nghiệm, bài học của Việt Nam về điều hành kinh tế vĩ mô trong quá trình tăng trưởng kinh tế. Thủ tướng nhấn mạnh năm giải pháp ưu tiên, bao gồm: xây dựng, đổi mới hệ thống quản trị kinh tế toàn cầu theo hướng hiệu quả, minh bạch, bao trùm; xây dựng khuôn khổ phối hợp chính sách vĩ mô; thúc đẩy tự do hoá thương mại, đầu tư; tăng cường hợp tác huy động nguồn lực cho phát triển; chú trọng thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.
Dự tọa đàm với cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của WEF, có chủ đề “Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa vào đổi mới sáng tạo tại các nước đang phát triển”, Thủ tướng chia sẻ các biện pháp và ưu tiên của Việt Nam trong phát triển công nghệ, nguồn lực và đổi mới sáng tạo, với quan điểm nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi tiếp Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab. Hai bên nhất trí thúc đẩy triển khai hiệu quả Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giai đoạn 2023-2026, phối hợp đưa Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm kết nối hàng đầu tại khu vực. Nhà sáng lập WEF chào đón Việt Nam tham gia vào mạng lưới Cách mạng Công nghiệp 4.0 của WEF và đánh giá đây là cơ hội để Việt Nam không chỉ chia sẻ tri thức về công nghệ mà tăng cường hợp tác về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Trọng tâm hợp tác Việt Nam–WEF giai đoạn 2023-2026:
• Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực lương thực thực phẩm;
• Phát triển kỹ năng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh;
• Cụm công nghiệp hướng tới phát thải ròng bằng không;
• Thúc đẩy các hành động về nhựa, bao gồm Chương trình hành động đối tác toàn cầu về nhựa (GPAP);
• Tài chính cho chuyển đổi năng lượng tái tạo;
• Hợp tác chuyển đổi số và thúc đẩy thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.
ĐẨY MẠNH KẾT NỐI CHIẾN LƯỢC, HẠ TẦNG
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc hội kiến quan trọng với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường, Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh.
Trong không khí hữu nghị, chân thành và cởi mở, các nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước đà phát triển tích cực của quan hệ Việt Nam-Trung Quốc thời gian qua. Hai bên nhất trí tiếp tục nỗ lực triển khai hiệu quả Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, đạt được trong các chuyến thăm của hai Tổng Bí thư hai Đảng.
Hướng đến dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm 2025, các nhà lãnh đạo chia sẻ quyết tâm phấn đấu giành được nhiều thành tựu thực chất, hiệu quả, thiết thực hơn nữa trong hợp tác song phương.
Các nhà lãnh đạo hai nước nhất trí duy trì trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp, nhất là đẩy mạnh giao lưu, hợp tác kênh Đảng, giữa hai Chính phủ, giữa Quốc hội và Nhân đại, giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc. Qua đó, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực trọng yếu như ngoại giao, quốc phòng, an ninh; tăng cường hợp tác thực chất trên các lĩnh vực và giao lưu hữu nghị giữa các địa phương và các đoàn thể nhân dân; xây dựng đường biên giới trên đất liền hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; kiểm soát tốt bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định trên biển; tăng cường phối hợp trong các diễn đàn quốc tế, khu vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã khẳng định sự coi trọng cao của Đảng, Nhà nước mỗi bên đối với quan hệ hai nước, cũng như vai trò, vị thế đặc biệt của quan hệ song phương trong tổng thể chính sách đối ngoại của mỗi nước.
Trung Quốc ủng hộ Việt Nam đẩy nhanh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cùng Trung Quốc và các nước xây dựng chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất ổn định, bền vững tại khu vực và trên thế giới.
Hai bên nhất trí tăng cường kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường”, nhất là về cơ sở hạ tầng giao thông. Trong đó, đẩy nhanh kết nối đường sắt khu vực biên giới, thúc đẩy hợp tác phát triển một số tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn tại khu vực phía Bắc Việt Nam; đẩy mạnh hơn nữa hợp tác thương mại, nhất là thương mại nông sản; trao đổi các biện pháp nâng cao hiệu suất thông quan, nâng cấp hạ tầng cửa khẩu, nghiên cứu thúc đẩy xây dựng cửa khẩu thông minh, khu hợp tác kinh tế biên giới.
Đồng thời, hai bên nhất trí phối hợp xử lý dứt điểm các vướng mắc tại một số dự án hợp tác, đẩy nhanh tiến độ triển khai các khoản viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc dành cho Việt Nam; thúc đẩy đầu tư chất lượng cao của Trung Quốc vào Việt Nam nhất là trong các lĩnh vực như xây dựng hạ tầng giao thông, kinh tế xanh, kinh tế số, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; tăng cường hợp tác du lịch bền vững, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Mở rộng hợp tác trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, tài chính-ngân hàng...
Trung Quốc sẽ mở cửa hơn nữa thị trường cho hàng hóa Việt Nam, nhất là nông thủy sản, hoa quả chất lượng cao của Việt Nam, phối hợp tạo điều kiện thuận lợi về kiểm dịch, thông quan hàng hóa, sẵn sàng phối hợp thúc đẩy giải quyết vướng mắc về thể chế, chính sách, để quan hệ thương mại hai nước tiếp tục tăng trưởng bền vững và đạt thành quả mới.
Tại các cuộc trao đổi, lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí xử lý ổn thỏa bất đồng, cùng nhau giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định. Hai bên nhất trí phối hợp tốt trong công tác quản lý biên giới trên đất liền, tổ chức tốt hoạt động kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước về biên giới trên đất liền và 15 năm ký 3 văn kiện pháp lý về biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc trong năm 2024.
Hai bên cũng nhất trí tiếp tục thực hiện nghiêm các thỏa thuận và nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao, tuân thủ luật pháp quốc tế, kiểm soát hiệu quả và xử lý thỏa đáng bất đồng, không để vấn đề bất đồng ảnh hưởng đến tổng thể quan hệ hai nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực và thế giới.
Trong khuôn khổ chuyến công tác, tại thủ đô Bắc Kinh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo một số doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc trong lĩnh vực hạ tầng, như Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc (CRSC), Công ty TNHH đầu máy và toa xe Đại Liên, Trung Quốc (CRRC), Tập đoàn xây dựng Điện lực Trung Quốc (PowerChina)... Tại các cuộc tiếp xúc, Thủ tướng kêu gọi lãnh đạo các tập đoàn tiếp tục trao đổi cụ thể với các bộ, ngành, cơ quan liên quan của Việt Nam, xúc tiến đầu tư, đấu thầu, tham gia xây dựng các công trình lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng sạch... góp phần hiện thực hóa thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu dự Hội nghị hợp tác Việt Nam-Trung Quốc về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông. (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu dự Hội nghị hợp tác Việt Nam-Trung Quốc về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông. (Ảnh: TTXVN)
Dự Hội nghị về phát triển hạ tầng Việt Nam–Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển kết nối hạ tầng chiến lược giao thông Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhu cầu khách quan bởi hai nước “Núi liền núi, sông liền sông”. Qua đó, tạo thuận lợi cho giao lưu nhân dân, hàng hóa, kết nối khu vực và quốc tế; Trung Quốc có thể qua Việt Nam vào Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); Việt Nam qua Trung Quốc vào các nước Trung Á, Đông Âu.
Trên tinh thần “sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ với doanh nghiệp”, Thủ tướng nhận định, qua các hội nghị, diễn đàn, Việt Nam thu lượm được nhiều kinh nghiệm, có định hướng, gợi mở về xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tốt hơn. Đồng thời khẳng định, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ khó khăn với các đối tác, để cùng nhau làm tốt hơn trong giai đoạn tới, vì lợi ích của nhân dân hai nước.
Lần thứ 3 liên tiếp tham dự một hội nghị thường niên của WEF, đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng. Tại thành phố Đại Liên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu bật thông điệp mạnh mẽ về môi trường Việt Nam năng động, đổi mới và là điểm đến hấp dẫn cho các tập đoàn toàn cầu. Hội nghị cũng là dịp để Chính phủ Việt Nam tăng cường trao đổi, thúc đẩy quan hệ với các nước, tổ chức quốc tế và đối tác, qua đó, khẳng định vai trò và vị thế trong cộng đồng quốc tế, góp phần triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Đồng thời, chuyến công tác tại Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã góp phần chuyển tải thông điệp về quyết tâm thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Trung Quốc phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững, đẩy mạnh cụ thể hóa nhận thức chung và Thỏa thuận cấp cao giữa hai bên.
>>> TÂM ĐIỂM: THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH THAM DỰ HỘI NGHỊ CỦA WEF VÀ LÀM VIỆC TẠI TRUNG QUỐC
Ngày xuất bản: 28/6/2024
Chỉ đạo thực hiện: CHU HỒNG THẮNG - PHẠM TRƯỜNG SƠN
Nội dung: NINH SƠN - VŨ PHONG
Trình bày: NHÃ NAM