Thư ký cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt
và hành trình gần 60 năm hàn gắn vết thương chiến tranh

Thư ký cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt
và hành trình gần 60 năm hàn gắn vết thương chiến tranh

Hòa hợp vì non sông gấm vóc
50 năm sau ngày thống nhất đất nước, những cảm xúc tự hào và xúc động của Ngày Chiến thắng luôn dâng trào trong trái tim của hàng triệu con người Việt Nam, nhưng vẫn còn đó bao nỗi day dứt sau chiến tranh. Hòa hợp dân tộc là chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta nhằm xóa bỏ định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên tinh thần cởi mở, tôn trọng, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Bằng cách này hay cách khác, những nhân vật mà chúng tôi chọn đã góp phần minh chứng cho sức mạnh đoàn kết và tinh thần yêu nước hào hùng của dân tộc Việt Nam. Đó cũng chính là giá trị nhân văn lớn nhất trong dịp kỷ niệm tròn nửa thế kỷ non sông liền một dải, cùng nối vòng tay lớn vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và hòa hợp dân tộc, vững bước vào kỷ nguyên mới.
97 tuổi, ông Huỳnh Văn Cang (tức Tư Cang), cựu thư ký của đồng chí Bí thư Khu ủy Sài Gòn-Gia Định Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt), sống thanh bần trong căn nhà nhỏ ở khu tập thể công an quận 11. Từng là Chủ tịch quận ngay sau giải phóng, rồi ở vị trí Giám đốc Sở Thương binh xã hội, ông đã nỗ lực không ngừng nghỉ để tái thiết thành phố, lập lại trật tự trị an, hàn gắn vết thương chiến tranh trong lòng nội đô. Ông cười hiền hậu bảo, “giờ tôi là phế binh rồi, nhớ nhớ quên quên”, nhưng những câu chuyện của thời kỳ ấy, ông vẫn thuộc đến từng chi tiết...
Giờ đây, ông chưa từng nghỉ ngơi, vẫn đang là Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến TP Hồ Chí Minh, vẫn nặng lòng với các câu chuyện chính sách cho các gia đình chính sách. Nhiều người bảo, đáng lẽ ông phải được phong Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới, nhưng ông chỉ cười bảo, ông là người không cần tiền tài, thì cũng không cần danh vọng.
Tinh thần cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã soi rọi cho chúng tôi
58 năm trước, khi đang công tác ở Ban Tuyên huấn khu Sài Gòn-Gia Định khối nông thôn, ông nhận được lệnh của cấp trên thực hiện nhiệm vụ làm thư ký cho Tư lệnh tiền phương nam là đồng chí Sáu Dân (Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định). Khi đó, ông đổi tên thật của mình là Huỳnh Công Kiệt sang Huỳnh Văn Cang.
“Tôi làm thư ký cho Tư lệnh tiền phương nam Võ Văn Kiệt chừng 3 năm. Có lúc, tôi đi chung với ông, nhưng có lúc được phân công đi làm những việc riêng như tìm chỗ ở cho Bộ Tư lệnh tiền phương nam”, ông Tư Cang kể.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo rất rõ, chỗ ở này phải ở gần dân, nhưng phải có chỗ họp riêng, kín đáo, bảo đảm cho đủ 15 người an toàn, phải có công sự, có nơi trú ẩn. Hệ thống điện đài phải cách đó 1km để không bị kẻ địch phát hiện.
Cùng với lãnh đạo của tỉnh Long An, ông Huỳnh Văn Cang cùng anh em xây dựng cơ sở Bộ Tư lệnh ở xã Ấp 1, xã Phước Dân (vùng lõm giải phóng). Nhưng sau này, đồng chí Sáu Dân không về cơ sở này vì tai mắt của địch nhiều.
Trong trí nhớ của ông Huỳnh Văn Cang, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một người rất gần gũi, ông luôn ở sát với anh em biệt động Sài Gòn-Gia Định để có điều kiện nghe anh em báo cáo trực tiếp. Cuối năm 1967, khi ở quận 8, ông được nghe các đồng chí biệt động trực tiếp báo cáo kế hoạch đánh vào một số địa điểm nhưng không có điểm Đại sứ quán Mỹ.
“Điều tôi nhớ nhất là Thủ tướng Võ Văn Kiệt hỏi các đồng chí biệt động vì sao không đánh Đại sứ Mỹ. Ông bảo, biệt động mà không đánh Đại sứ quán Mỹ coi như không tham gia vào cuộc giải phóng miền nam, vì thế "tối hậu thư" bằng mọi cách phải đánh vào cơ quan đầu não của Mỹ”, ông Cang kể.
Nhờ việc chỉ đạo sát sao, lực lượng biệt động của ta đã đánh Đại sứ quán Mỹ. Sau 6 giờ tạm chiếm giữ bên trong tòa Đại sứ Mỹ, Đội 11 biệt động Sài Gòn-Gia Định bị quân đội Việt Nam Cộng hòa dùng trực thăng ném hơi ngạt xuống, có người tử trận, có người bị bắt sống. Chúng ta tổn thất lớn, tuy nhiên, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 được những nhà nghiên cứu lịch sử đánh giá là sự kiện có tính bước ngoặt trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.
Đồng chí Võ Văn Kiệt, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Cục miền nam, Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định cùng các đồng chí Phân khu ủy khu 6 (Sài Gòn - Gia Định) họp bàn kế hoạch Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh: Tư liệu
Đồng chí Võ Văn Kiệt, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Cục miền nam, Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định cùng các đồng chí Phân khu ủy khu 6 (Sài Gòn - Gia Định) họp bàn kế hoạch Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh: Tư liệu
Sau ngày giải phóng miền nam, tại Dinh Độc Lập, đồng chí Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) lúc này là Bí thư Ban Quân quản Thành phố Hồ Chí Minh đã mời các chủ tịch quận và Giám đốc Sở Thương binh xã hội thành phố họp.
Khi đó, ông Tư Cang mạnh dạn báo cáo đề nghị bố trí cho Quận 11 một nơi giải trí vì khu quận 11 có trên 200.000 dân, diện tích không đầy 5 km² nên không có nơi để giải trí thư giãn. Đồng chí Sáu Dân cho đó là một ý kiến hay và đồng chí hỏi ông muốn xin bố trí giải trí ở đâu. Ông không ngại gần đề xuất muốn xin ở khu vực trường đua.
Đồng chí Sáu Dân cho biết là khu vực trường đua ngựa Phú Thọ đang có ý định bố trí việc khác và gợi ý sang vùng dân trồng rau muống ở khu vực Đầm Sen rộng khoảng 50ha. Đồng chí nói “khu vực này giải tỏa nhẹ vì không đụng chạm đến nhà dân nên bố trí khu giải trí ở khu vực gần Chùa Giác Viên". Đồng chí Sáu Dân chỉ đạo kiến trúc sư trưởng Lê Văn Năm đến khu vực này để quy hoạch thành công viên.
Sau thời gian giải tỏa đền bù, ông đã huy động cả thành phố tham gia lao động xã hội chủ nghĩa xây dựng khu vực này thành công viên Văn hóa Đầm Sen. “Khu khuôn viên này không chỉ giúp cho bà con quận 11 có nơi giải trí, thư giãn, mà đây còn là điểm tham quan du lịch cho cả TP Hồ Chí Minh”, ông Tư Cang hãnh diện nói.
- Ông Huỳnh Văn Cang (sinh năm 1928), quê quán: Ấp Phú Mỹ, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. Ông tham gia cách mạng từ đầu kháng chiến chống Pháp.
- Năm 1950: Cơ yếu cho xứ ủy và ủy ban kháng chiến tỉnh Nam Bộ
- Năm 1954: Tập kết ra Bắc
- Năm 1965: Cán bộ tuyên huấn khu Sài Gòn–Gia Định. Làm thư ký cho ông Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ
- Năm 1975: Chủ tịch UBND quận 11
- Năm 1983: Giám đốc Sở Thương binh xã hội TP Hồ Chí Minh
- Ông từng là Phó Bí thư Quận ủy-Chủ tịch UBND quận 11, Giám đốc Sở Thương binh xã hội TP Hồ Chí Minh; Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh.
- Ông được tặng các danh hiệu: Huân chương kháng chiến; ba Huân chương Lao động Hạng 3.


Ba chuyện lớn trong ngày tiếp quản thành phố
Ông lật bật giở tài liệu cũ, thi thoảng lấy tay gõ vào đầu, chậm rãi nhớ lại, trong cuộc đời của ông có 3 chuyện lớn nhất là ông không bao giờ quên, một là việc tổ chức xe phát thanh quanh khu vực trường đua để kêu gọi bà con, hai là nói chuyện ổn định tâm lý các giáo dân và ba là giáo dục chi phối tổ dân phố phải nghe lời cách mạng, tranh quyền của cách mạng là vi phạm chính trị.
Nhớ lại chuyện mang loa phát thanh vào trường đua ngựa ở Sài Gòn năm đó, ông hồi tưởng: Khoảng tháng 3/1975, khi đang làm thư ký văn phòng cho ông Mai Chí Thọ (Bí thư Khu ủy Sài Gòn-Gia Định), ông nhận nhiệm vụ làm bí thư chi bộ vào công tác trong nội thành Sài Gòn cùng 2 người nữa, phụ trách khu cạnh trường đua ngựa, giúp bà con nội thành khởi nghĩa để chuẩn bị đón quân giải phóng.
Ở trường đua ngựa, có 2 đại đội của quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng quân nhưng theo lệnh của Dương Văn Minh (khi đó vừa lên Tổng thống Việt Nam Cộng hòa) không tấn công quân ta. Nhận thấy nguy hiểm, ông Tư Cang huy động xe, phát loa vào trường đua, kêu gọi 2 đại đội này cởi áo lính, để súng lại, nắm tay nhau ra về. Ông trấn an: “Các người yên tâm, không ai đụng chạm tới mấy người, chúng tôi không phải là người khát máu như người ta nói mà chúng tôi muốn một giải phóng yên ổn. Nếu tiếp tục ở đó, xe tăng của quân giải phóng tới có thể sẽ gây chiến”.
Thời gian ở nội đô, ông xây dựng các mối quan hệ, kêu gọi tinh thần yêu nước của những người có thế lực để tìm nơi ẩn náu cho người của ta chuẩn bị tiếp quản Sài Gòn.
Nhân dân Sài Gòn đón chào quân giải phóng chiếm phủ tổng thống ngụy, trưa 30-4-1975. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)
Nhân dân Sài Gòn đón chào quân giải phóng chiếm phủ tổng thống ngụy, trưa 30-4-1975. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)
Miền nam hoàn toàn giải phóng, việc an dân thời điểm bấy giờ có vai trò cực kỳ quan trọng để ổn định tình hình thành phố. Ông được Nhà thờ mời đến nói chuyện với các giáo dân khi những người theo đạo đều bất an.
Ông dõng dạc trấn an: “Tôi bảo đảm những người chiến thắng về tiếp quản thành phố không bao giờ giết hại những người ở lại với chế độ này. Việt Nam chiến thắng đế quốc Mỹ chứ không phải chiến thắng của riêng cá nhân nào nên mọi người đừng mặc cảm. Bà con chỉ cần thể hiện thái độ của mình bằng cách dán cờ trước cửa nhà, nếu không có cờ giải phóng thì dùng cờ đỏ sao vàng để chúng tôi biết là mọi người muốn sống với chế độ mới. Bà con nên yên tâm, không có chuyện trả thù lưu huyết, chúng tôi không phải là sát nhân”.
Nhưng sau đó, tình hình ở một khu giáo dân chưa ổn định do chịu tác động bởi linh mục của nhà thờ trên địa bàn. Ông Huỳnh Văn Cang đã họp với các linh mục này, khuyên họ chấp hành chủ trương chính sách của cách mạng. Ông Cang nói giọng đanh thép: “Việc tranh quyền lãnh đạo với cách mạng là vi phạm về chính trị, nếu tái phạm thì công an sẽ vào cuộc”. Khi đó, những người này mới tuân thủ. Sau đó, ông đổi hết các tổ trưởng dân phố, không để cho những tổ trưởng bị mua chuộc ngồi vị trí này.
Những ngày đầu tiên thành phố được giải phóng, rất nhiều người dân lúng túng, sợ hãi, sợ bị bắn, bị bắt đi. Bởi vậy, việc xử lý theo hướng dẫn dán lá cờ trước nhà đã giúp cho nhiều bà con yên tâm. Các khu dân cư dần đi vào ổn định.
Cống hiến cả đời cho công việc đền ơn, đáp nghĩa
Ông được nhiều người con của thành phố gọi bằng cái tên thân thương “Ba Tư Cang”. Theo bà Nguyễn Thị Lan, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP Hồ Chí Minh, hàng vạn gia đình chính sách, thương binh liệt sĩ ở thành phố ổn định, thành đạt như ngày hôm nay một phần nhờ công của ông Tư. “Cuộc đời ông luôn nghĩ mình có trách nhiệm chăm lo cho gia đình người có công, thương binh liệt sĩ để bù đắp phần nào những mất mát của họ”, bà Lan chia sẻ.
Câu chuyện mà ông Huỳnh Văn Cang giúp đỡ vợ con đồng chí Nguyễn Trí Thanh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 2 của Sư đoàn 5 (đang làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia) được nhiều tờ báo viết lại.
Trong thời gian làm Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 11, TP Hồ Chí Minh, ông Cang thương xót khi thấy vợ đồng chí Thanh bị địch bắt tra tấn dã man, người mang đầy bệnh nhưng phải nuôi 4 đứa con ăn học trong cảnh thiếu thốn mọi bề. Sự giúp đỡ của địa phương cũng không thể bền vững với hành trình dài nuôi con của người vợ đồng đội. Đêm đó, về thành phố, ông vắt tay lên trán suy nghĩ: “Không có cách gì tốt hơn là nhận gia đình chị về quận 11 để chăm sóc”. Nghĩ vậy, hôm sau ông đề xuất với lãnh đạo quận 11 và Phó Chủ tịch thường trực Thành phố. Kế hoạch được tán thành. Nhờ ổn định chỗ ăn, ở, có thu nhập từ thuê nhà, vợ đồng chí Thanh đã lo việc học tập cho 4 cháu, có cháu đậu Đại học giao thông vận tải nên có việc làm ổn định.
Nhờ làm công tác hậu phương quân đội tốt, ông được phong tặng danh hiệu Huân Chương Quân công hạng nhất.
Nhưng có lẽ, dấu ấn lớn nhất trong đời ông khi làm công tác thương binh xã hội, chính là có những chính sách chăm sóc thương binh nặng, đưa được khoảng 200 thương binh khu Điều dưỡng thương binh nặng Phước Bình về sinh sống ở các phường vào những năm 1979. Giai đoạn này, ông Huỳnh Văn Tàu được phân công là Giám đốc Sở Thương binh xã hội Thành phố.
Ông lại gõ gõ vào đầu để lục trí nhớ, giọng đầy suy tư: “Khi đến dự buổi ăn thôi nôi đầy tháng của con đồng chí thương binh nặng Phan Thành Lợi, là thương binh cụt hai chân hai tay, gần cuối buổi tiệc, đồng chí nhờ vợ đến gặp tôi để xin được về sinh sống ở phường vì ở Trại thương binh Phước Bình rất bất tiện.
Cuộc sống của thương binh tại khu Điều dưỡng thương binh nặng Phước Bình rất khó khăn, ăn uống thiếu thốn, vết thương tái phát, thiếu thuốc men, nóng nực nên có người buồn chán, bế tắc… sinh ra quậy phá, làm ảnh hưởng an ninh trật tự. Tôi đau đáu để làm sao cho cuộc sống thương binh nặng được cải thiện”.
Thành phố đã ra chủ trương giải thể khu thương binh Phước Bình và đưa khoảng 200 thương binh nặng về sinh sống ở các phường có nhà trống. Tuy nhiên, sau khi thực hiện chủ trương, đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách nhà đất đề nghị lãnh đạo thành phố không được thực hiện tiếp việc đưa tất cả thương binh về phường vì sợ phát sinh các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự trong nội thành do anh em thương binh gây ra.
Ông đã đề nghị lãnh đạo thành phố xem xét lại sự chỉ đạo đó vì khi thương binh về các phường và được cấp nhà để ở, sinh sống thì không lý do gì để anh em gây mất trật tự và thực tế không có thương binh nào được cấp nơi sinh sống trong thành phố gây mất trật tự cả.
Đồng chí Phan Văn Khải, lúc đó là Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố đã trao đổi với tập thể lãnh đạo thành phố và thống nhất không tán thành ý kiến của đồng chí Phó Chủ tịch, nhất trí với việc tiếp tục đưa tất cả thương binh nặng ở Phước Bình về thành phố.
Đây là một chủ trương rất táo bạo, nhưng khi thực hiện thì đạt kết quả rất mỹ mãn, chấm dứt được tình trạng thương binh nặng ở Phước Bình gây mất trật tự xã hội. Khi có nhà ở, có nơi mưu sinh, anh em không quậy nữa. Sau 3 năm, chúng tôi đưa hết 191 thương binh về các phường, một người đưa vào nhà dưỡng lão Thị Nghè. Đây là một việc có ý nghĩa lớn nhất trong cuộc đời tôi,
Có một chi tiết trong cuộc đời mà ông Tư Cang không bao giờ quên được, đó là đồng chí Út Đức (Nguyễn Văn Đức, xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi) – bảo vệ ban công vận đã hy sinh ngay trên lưng ông khi bảo vệ ông bò xuống hầm công sự. Ông mang theo sự áy náy đó suốt đời, vì sự hy sinh của người lính trẻ để mình được sống.
“Trong khi anh em phụ lo việc chôn cất Út Đức, tôi chỉ ngồi khóc. Khóc vì thương, vì hối hận do thiếu cảnh giác, khóc vì kính trọng hành động xả thân cứu tôi của Út Đức. Sau này, tôi quay lại tìm khu mộ thì đau lòng thay đó chỉ còn là một hố bom sâu. Chúng tôi lặng người, mong tìm được một mảnh xương hay mẫu vật dụng gì của Út Đức nhưng không còn, chỉ còn tấm bia mộ thủng nhiều lỗ. Chúng tôi đành lấy một nắm đất ở hố bom rồi mang tấm mộ bia về Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố”, giọng ông đùng đục, nghẹn trong cổ họng.
Nhiều năm sau này, ông đi tìm nhà của đồng chí Út Đức nhưng không ai biết. Ông đưa tin nhờ Đài Tiếng nói Nhân dân và Đài Truyền hình Thành phố thông báo muốn tìm thân nhân của Liệt sĩ Nguyễn Văn Đức, nhưng vẫn bặt vô âm tín.
Tôi rất nặng lòng, vì có thể Đức không được công nhận liệt sĩ. Là người làm chính sách, được sống sót như tôi, làm sao mình có thể bỏ sót việc công nhận liệt sĩ cho người cứu mình. Đây không chỉ là chuyện của Út Đức, mà còn của nhiều liệt sĩ khác cũng chưa xác định được cụ thể địa chỉ để báo tử”.
Bởi vậy, ông tiếp tục lại có những đề xuất về chính sách: "Tất cả đơn vị kháng chiến có người hy sinh cần làm giấy báo tử. Nếu không biết địa chỉ của người hy sinh thì đơn vị gửi giấy báo tử cho cơ quan làm chính sách liệt sĩ tiếp nhận hồ sơ và gửi lên Bộ Thương binh - Xã hội để xem xét công nhận liệt sĩ cho người hy sinh có giấy báo tử rõ ràng, và gửi về đơn vị báo tử Bằng "Tổ quốc ghi công" và giấy công nhận Liệt sĩ để lưu giữ và tiếp tục tìm kiếm thân nhân của liệt sĩ. Như vậy, mới tránh được sự bỏ sót việc công nhận liệt sĩ khi không tìm được gia đình".
Trong cuộc đời mình, ông luôn lắng nghe, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các đối tượng chính sách có công để từ đó đề nghị Trung ương sửa đổi, bổ sung chính sách, chế độ cho phù hợp.
Ông đã đóng góp tiếng nói đề xuất sửa đổi chính sách để gia đình có bao nhiêu liệt sĩ thì thân nhân chủ yếu được hưởng bấy nhiêu suất tuất liệt sĩ; thương binh được hưởng 100% suất trợ cấp dù còn đang tiếp tục làm việc; chính sách nuôi dưỡng thân nhân liệt sĩ không có nguồn thu nhập, đời sống quá khó khăn… Ông cũng từng đấu tranh mạnh mẽ để một số con liệt sĩ được cất nhà ở không phép trên phần đất cư xá Trường Lý Tự Trọng, xây dựng các quỹ khuyến học động viên các em. … Công sức của vị lãnh đạo ngành thương binh-xã hội thành phố đã đóng góp rất lớn trong phong trào xóa đói giảm nghèo, vận động xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương.
Cuộc đời ông Huỳnh Văn Cang cũng luôn học tập theo tấm gương “Một đời thanh bạch, chẳng vàng son” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kinh qua nhiều vị trí trọng yếu của thành phố sau này, là Giám đốc Sở Thương binh xã hội TP Hồ Chí Minh, nhưng ông đã từ chối căn nhà của một tên tướng ở Cư xá Lữ Gia để về ở nhà tập thể, trong một chái bếp sửa lại.
Dành cả đời đi gõ cửa cơ quan chức năng để đề xuất các chính sách cho các gia đình người có công, chẳng tư lợi cho bản thân mình, ông là tấm gương người chiến sĩ cộng sản chân chính, thanh bạch và giản dị. Nhiều người sống ở thành phố này, có được sự ổn định như hôm nay, là nhờ bàn tay chăm sóc và che chở của ông Huỳnh Văn Cang.
Cuối câu chuyện của mình, người cộng sản đã sống gần tròn một thế kỷ ấy tiết lộ: "Giờ tôi không góp sức được gì nhiều, nên đều đặn cứ mỗi buổi sáng sớm, tôi lại cầm chổi ra quét ngõ. Lối đi sạch sẽ thì bà con dân phố cũng vui vẻ hơn. Các bạn trẻ nhìn vào cũng sẽ học hỏi được điều gì đó".
Xuất bản: Tháng 4/2025
Chỉ đạo thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: THẢO LÊ, THIÊN LAM
Ảnh: THÀNH ĐẠT, TƯ LIỆU
Trình bày: DIỆP LINH