Giải bài toán nghịch lý

Thừa-thiếu giáo viên

Đội ngũ giáo viên được coi là yếu tố có tính quyết định để đổi mới giáo dục thành công. Tuy nhiên, có một thực trạng phổ biến và kéo dài ở hầu hết các địa phương đối với giáo dục phổ thông là vừa thừa, vừa thiếu giáo viên (hiện thừa 10.178 giáo viên và thiếu 94.714 giáo viên). Tuyển dụng, đào tạo không sát với nhu cầu và quy mô phát triển. Bố trí, phân công điều động giáo viên chưa hợp lý, khoa học. Sự phối hợp chưa đồng bộ từ bộ, ngành cơ sở... Chính các yếu tố này đã làm cho tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên diễn ra trong thời gian dài, là rào cản ảnh hưởng xấu đến lộ trình đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục nước nhà.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như toàn ngành giáo dục đã có nhiều động thái nhằm giải quyết vấn đề này: Ngày 11/8 Bộ đã ban hành Công văn số 3397/BGDĐT-NGCBQLGD về việc giải quyết tình trạng thừa giáo viên các cấp phổ thông. Trước đó, trong Báo cáo Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020, các con số thống kê đã thể hiện sự chênh lệch thừa, thiếu giáo viên cục bộ phổ biến ở tất cả các cấp học, các đơn vị giáo dục trên cả nước.

Hãy cùng Nhân Dân hằng tháng tìm hiểu và đưa ra những gợi mở nhằm thúc đẩy tiến trình đổi mới toàn diện, hiệu quả bắt đầu từ việc sắp xếp cơ cấu lại đội ngũ giáo viên khoa học, hợp lý hơn trong loạt bài tiêu điểm tháng 11.

Chưa giải quyết được
một cách căn bản

Ảnh: Trần Hải

Ảnh: Trần Hải

Thừa giáo viên môn học này nhưng thiếu giáo viên môn học khác; trường này thiếu, trường bên cạnh thừa; năm học này thừa nhưng năm học sau lại thiếu... Tất cả đang tạo nên nghịch lý thừa-thiếu giáo viên ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận bình đẳng giáo dục của một bộ phận trẻ em.

Đâu cũng thiếu - thừa

Do tác động của dịch Covid-19, thầy, trò Trường tiểu học Nguyễn Trãi, Hà Đông (Hà Nội) phải dạy học trực tuyến ngay từ đầu năm học 2021-2022. Vì vậy, các thầy, cô giáo vất vả hơn khá nhiều khi phải soạn bài toàn bộ trên máy tính một cách chi tiết. Khi dạy học trực tuyến việc quán xuyến lớp học khó khăn hơn. Thầy giáo Lê Trung Tuấn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Trãi chia sẻ, cả trường có 35 giáo viên đứng lớp với hơn 1.600 học sinh ở 32 lớp học. Như vậy, tỷ lệ giáo viên của trường chưa đạt theo quy định là 1,5 giáo viên/lớp và tỷ lệ học sinh bình quân mỗi lớp có hơn 50 học sinh, trong khi quy định là 35 em/lớp. Chất lượng dạy học của trường luôn được bảo đảm, thuộc nhóm đứng đầu của quận nhưng rõ ràng việc không đủ giáo viên theo định mức khiến các thầy, cô giáo phải vất vả, nỗ lực làm việc gấp nhiều lần so với bình thường.

Với khu vực nội thị các thành phố lớn, việc áp lực thừa - thiếu giáo viên khá phổ biến. Thậm chí có những lớp sĩ số lớp cao gần gấp đôi so với quy định, gây khó khăn cho đội ngũ giáo viên trong giảng dạy. Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, toàn thành phố có hơn 159 nghìn cán bộ, giáo viên và hơn 2,1 triệu học sinh. Đáng chú ý, mỗi năm trên địa bàn tăng 44 trường và hơn 69 nghìn học sinh khiến cho chỉ tiêu biên chế giáo viên dặt ra áp lực lớn. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời điểm chuẩn bị bước vào năm học 2021-2022, Hà Nội thiếu khoảng hơn 8.800 giáo viên theo định mức các trường công lập.

Rời nơi đông đúc phố thị, đến vùng núi cao Đồng Văn, Hà Giang. Cô Lý Thị Liêm, giáo viên điểm trường Dì Thàng, Trường phổ thông dân tộc bán trú Ma Lé quây quần với 15 học sinh lớp 1 người Mông bên phòng học đơn sơ trên đỉnh mốc 411 cao nhất khu vực. Mặc dù đang dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng cô Liêm phải dạy tất cả các môn mà không có giáo viên cho các bộ môn đặc thù như giáo dục thể chất, nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật), hoạt động trải nghiệm. Theo thầy giáo Nguyễn Văn Lợi, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Ma Lé, hiện tại đơn vị đang thiếu một giáo viên môn mỹ thuật do mới chuyển vùng. Vậy là giáo viên dạy các môn văn hóa phải kiêm nhiệm cả môn mỹ thuật, vốn không phải chuyên môn chính của mình. Việc dạy kiêm hết các môn sẽ khiến cho giáo viên vất vả hơn và số tiết dạy trong mỗi tuần cũng vì thế mà tăng hơn.

Câu chuyện thừa thiếu giáo viên không phải là mới nảy sinh gần đây trong ngành giáo dục. Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chỉ ra những bất cập khi “đội ngũ nhà giáo vừa thừa, vừa thiếu cục bộ vừa không đồng bộ về cơ cấu chuyên môn”. Chiến lược cũng đưa ra giải pháp bảo đảm để từng bước có đủ giáo viên thực hiện giáo dục toàn diện theo chương trình giáo dục mầm non và phổ thông... Tuy nhiên, đến nay thực trạng thừa-thiếu cục bộ giáo viên xảy ra ở khắp các địa phương trên cả nước, ở các cấp học. Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, cả nước hiện đang thừa 10.178 giáo viên gồm 5.175 giáo viên tiểu học, 4.688 giáo viên THCS, 315 giáo viên THPT. Ở chiều ngược lại, 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đang thiếu 94.714 giáo viên ở tất cả các cấp bậc học và của từng môn học. Trong đó, riêng cấp tiểu học môn Tin học thiếu 7.299 và Ngoại ngữ thiếu tới 11.346 giáo viên.

Cơ cấu lại đội ngũ giáo viên

Thực tế những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn địa phương rà soát việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng giáo viên sao cho hợp lý, hiệu quả. Tuy nhiên, tình trạng thừa - thiếu giáo viên vẫn như vòng luẩn quẩn diễn ra phổ biến, chưa có hồi kết. Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường chia sẻ, toàn tỉnh đã thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới trường lớp học, những năm qua đã sáp nhập được 145 trường, giảm 76 trường; sáp nhập 232 điểm trường lẻ mầm non, tiểu học; xóa 92 điểm trường và đưa được gần 20 nghìn học sinh từ các điểm trường lẻ về các điểm trường chính, tiết kiệm được 1.200 lớp học. Điểm đặc biệt trong quá trình quy hoạch mạng lưới trường lớp là đã tiết kiệm được tới 1.800 giáo viên. Mặc dù vậy, theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai, đến tháng 9/2021, địa phương vẫn còn thiếu 1.128 biên chế giáo viên theo định mức.

Giờ học cô trò Trường tiểu học Trần Nhân Tông, TP Nam Định, tỉnh Nam Định. Ảnh: Thúy Quỳnh

Giờ học cô trò Trường tiểu học Trần Nhân Tông, TP Nam Định, tỉnh Nam Định. Ảnh: Thúy Quỳnh

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, việc tuyển dụng giáo viên trong những năm qua không sát với dự báo về phát triển quy mô trường, lớp, học sinh; việc bố trí, điều động, phân công giáo viên chưa sát với nhu cầu thực tế của từng trường, từng địa phương cũng như chưa có sự chỉ đạo thống nhất của chính quyền cấp tỉnh, thành phố trong việc điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu. Đối với cấp THCS và THPT, do cơ cấu giáo viên phải bố trí theo từng môn học cũng dẫn đến tình trạng dư thừa giáo viên ở một số môn học, nhất là đối với các tỉnh vùng khó khăn, các trường có quy mô nhỏ, số lớp ít. Trong khi đó, chương trình giáo dục phổ thông mới có thêm một số môn học và hoạt động giáo dục mới cũng tác động đáng kể đến tình trạng thừa - thiếu giáo viên.

Mới đây, khi trình Thủ tướng Chính phủ về bổ sung biên chế sự nghiệp ngành giáo dục, Bộ Nội vụ cũng chỉ ra năm học 2020-2021 trên cả nước vẫn còn hơn 42 nghìn chỉ tiêu biên chế giáo viên chưa được sử dụng. Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, việc không sử dụng hết số lượng giáo viên theo biên chế được giao do không có nguồn giáo viên để tuyển vì quy định của Luật giáo dục 2019 tiêu chuẩn bằng cấp giáo viên đã tăng lên và thiếu giáo viên đối với một số môn học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong khi việc thừa giáo viên do công tác dự báo và lập kế hoạch biên chế, tuyển dụng giáo viên chưa sát tình hình thực tế của địa phương đối với từng bậc học. Việc thiếu giáo viên do tăng quy mô trường lớp và tăng học sinh cũng như quy định về định mức giáo viên, định mức học sinh/lớp ban hành từ trước năm 2015 chưa phù hợp tinh thần tinh giản biên chế.

Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định việc giải quyết tình trạng thiếu giáo viên các cấp học phải được tiến hành trên cơ sở quán triệt sâu sắc tình thần Nghị quyết 19-NQ/TW; đồng thời bảo đảm nguyên tắc “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp”, bảo đảm hợp lý quy mô trường, lớp. Việc bổ sung giáo viên cần có lộ trình và cơ cấu hợp lý. Chỉ bổ sung biên chế cho các địa phương đã giải quyết hoặc có phương án giải quyết tình trạng thừa giáo viên và ưu tiên cho địa phương thực hiện hiệu quả việc dồn dịch, sắp xếp các điểm trường...

Tại hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022, trao đổi với kiến nghị của các địa phương về tình trạng thiếu giáo viên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: “Nguyên tắc là ở đâu có học sinh thì đó có giáo viên, có trường học; bảo đảm quyền lợi đi học một cách cao nhất, không được để cho con em mình thất học. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ để cơ cấu lại hệ thống trường lớp; cơ cấu lại đội ngũ giáo viên sao cho phù hợp, tiết kiệm tối đa nguồn lực, hiệu quả và bảo đảm yêu cầu cao nhất là mọi cháu đến tuổi đều phải được đến trường”.

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Mạnh Xuân - Thúy Quỳnh - Giang Sơn -
Thanh Sơn - Xuân Kỳ - Tùng Duy
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Trần Hải, Thúy Quỳnh, Trần Hoàn, TH, TS, Xuân Kỳ