CHỈ ĐẠO VÀ THỰC HIỆN CÔNG TÁC KỸ THUẬT
TRONG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy và cử Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Đảng ủy kiêm Tư lệnh chiến dịch, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch Hội đồng Cung cấp mặt trận, Thiếu tướng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng chiến dịch, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp Trần Đăng Ninh phụ trách việc làm đường và tiếp tế cho chiến dịch.
Để tiếp tế cho chiến dịch, Trung ương Đảng và Chính phủ đã huy động 260.000 dân công, trên 20.000 xe đạp thồ, trên 17.000 ngựa thồ, trên 4.000 thuyền các loại và 628 xe ô-tô vận chuyển hàng hóa, đạn dược... Theo kế hoạch chung, việc tổ chức vận chuyển đường dài từ các vùng tự do lên Điện Biên Phủ được thực hiện như sau: Hội đồng Cung cấp chiến dịch tổ chức chuyển hàng và đưa dân công lên giao cho Tổng cục Cung cấp tiền phương. Hướng từ Việt Bắc sang giao ở Ba Khe, hướng từ Liên khu III, Liên khu IV lên giao ở Suối Rút.
Tổng cục Cung cấp hậu phương phụ trách chuyển vũ khí, đạn dược, xăng dầu... đến Ba Khe, Suối Rút và giao cho Tổng cục Cung cấp tiền phương.
Tổng cục Cung cấp tiền phương vận chuyển tiếp lên mặt trận, đồng thời tổ chức các kho dự trữ quanh thị xã Sơn La và các kho trung tuyến từ km 31 đến km 87 đường Tuần Giáo-Điện Biên Phủ. Các kho được bố trí hợp lý, bí mật, an toàn, thuận tiện cho việc cấp phát và tiếp nhận. Ở Sơn La, ta dựa vào hang đá Bản Lầu làm tổng kho vũ khí đạn cho toàn chiến dịch. Các kho trung tuyến và dã chiến đặt gần đường, tận dụng địa hình, đào hầm sâu vào các sườn đồi, lưng núi. Các kho đều có cửa chống bom, đạn và bố trí với khoảng cách hợp lý để bảo đảm an toàn và phục vụ bộ đội tác chiến thuận lợi. Kho và đường vào kho được ngụy trang cẩn thận, do vậy, trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch, hầu như không bị tổn thất do máy bay, pháo binh địch đánh phá. Việc tổ chức kho đều có tính toán, sắp xếp khoa học, các loại đạn được phân theo lô, loại và để ở từng hầm riêng biệt, vừa tiện cho việc cấp phát vừa tiện kiểm tra, bảo quản.


Bộ đội cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc xẻ núi, làm đường vào trận địa. (Ảnh: TTXVN)
Bộ đội cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc xẻ núi, làm đường vào trận địa. (Ảnh: TTXVN)
Tổ chức bảo đảm vũ khí theo phương án lúc đầu dự kiến là 327 tấn, sau đó có kế hoạch bổ sung thêm 106,5 tấn. Đến ngày 31/1/1954, theo phương án mới, cần bổ sung thêm 414 tấn, sau đó lại tăng thêm 608 tấn. Số lượng tăng không chỉ một lần mà tăng nhiều lần, như kế hoạch 414 tấn tăng làm bốn lần (gọi theo mật danh là các kế hoạch PTKA, B, C, D), kế hoạch 608 tấn tăng làm ba lần (gọi theo mật danh là các kế hoạch PTKE, G, R). Như vậy, vũ khí đạn cần chuẩn bị cho chiến dịch là 1.455,5 tấn. Đây là lượng vũ khí, đạn dược lớn nhất kể từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp mà ngành quân khí phải chuẩn bị cho một chiến dịch. Cục Quân khí đã huy động tất cả lượng đạn dự trữ các kho của cục, lấy về hết 11.715 viên đạn pháo 105 ly thu được trong Chiến dịch Biên giới gửi ở Long Châu (Trung Quốc) và 400 viên đạn pháo 105 ly thu được trong trận Banaphào để ở kho Chu Lễ (Hà Tĩnh).
Do tình hình khẩn trương nên nhiều loại vũ khí, đạn nhận từ nguồn viện trợ không nhập kho mà chuyển thẳng ra mặt trận (như hỏa tiễn H6). Để bảo đảm tiếp tế vũ khí, đạn cho chiến dịch, Tổng cục Cung cấp thành lập Ban Quân khí tiền phương do đồng chí Nguyễn Văn Nam-Cục trưởng Cục Quân khí, làm Trưởng ban; đồng chí Phan Tử Lăng-Cục phó Cục Quân khí làm Phó trưởng ban. Cơ quan quân khí tiền phương trong chiến dịch này đông người nhất từ trước đến nay, gồm 139 cán bộ, chiến sĩ của Cục Quân khí, bốn đội thanh niên xung phong với 478 người và nhiều cán bộ, nhân viên do Chính phủ điều động bổ sung.
Với lực lượng này, Ban Quân khí tiền phương đã tổ chức thành các tổ, đội như sau:
- Một tổ ở cơ quan Tổng cục Cung cấp tiền phương do đồng chí Trưởng ban quân khí tiền phương phụ trách, giúp Tổng cục chỉ đạo bảo đảm vũ khí, đạn cho mặt trận.
- Bộ phận quân khí hỏa tuyến.
- Bộ phận kho ở Xuân Ninh, Ngũ Mãng và các phân kho trung tuyến, hỏa tuyến.
- Đội sửa chữa vũ khí, đạn.
- Đội thu hồi, xử lý vũ khí, đạn chiến lợi phẩm.
- Bộ phận phái viên, nhân viên kỹ thuật tăng cường cho các đại đoàn để theo dõi, chỉ đạo và giải quyết vũ khí, đạn cho đơn vị.

Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo. (Ảnh: TTXVN)
Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo. (Ảnh: TTXVN)
Việc sửa chữa, bảo đảm cho xe ô-tô vận chuyển phục vụ chiến dịch được tổ chức chu đáo. Các đơn vị đã phát động đợt thi đua ngắn ngày tập trung sửa chữa những xe hư hỏng để đưa vào vận chuyển. Đại đội 202 đã sửa được chín xe hỏng nặng, ba xe hỏng nhẹ. Đại đội 206 tự khắc phục sửa chữa được bốn xe gãy nhíp... Ngành xe máy tổ chức hệ thống phục vụ sửa chữa từ hậu phương đến tiền phương. Ở hậu phương, ngành xe máy sử dụng hai xưởng Tiền Phong và Chiến Thắng tập trung sửa chữa bảo đảm cho các xe tham gia chiến dịch. Trên đường ra mặt trận, có xưởng sửa chữa AZ11 bố trí ở ngã ba Đông Lý (Yên Bái). Xưởng được trang bị thêm thiết bị đủ khả năng sửa chữa, bảo đảm cho các xe hoạt động trên tuyến; có hai đội sửa chữa bố trí ở Tuần Giáo và km 15 đường Tuần Giáo-Điện Biên Phủ phục vụ các xe hoạt động ở trung tuyến và hoả tuyến; có hai đội sửa chữa cơ động, một đội hoạt động trên đường 41 và một đội hoạt động trên đường số 1. Mỗi đội có bảy đến tám thợ giỏi sẵn sàng sửa chữa khắc phục những xe hỏng hóc dọc đường.
Với tinh thần "tất cả cho chiến dịch thắng lợi" và "yêu xe như con, quý xăng như máu", cán bộ, chiến sĩ ngành xe ngày đêm chăm sóc bảo quản xe tốt trong suốt chiến dịch, bảo đảm vận chuyển đạn, gạo... và kéo pháo vào trận địa đúng thời gian, kế hoạch tác chiến. Trong chiến dịch, hầu hết số xe được điều động ra mặt trận (gồm 16 đại đội với 628 xe, hơn 800 lái xe và 300 thợ sửa chữa).

Vâng lệnh Hồ Chủ Tịch, Trung ương Đảng và Chính phủ, các đơn vị bộ đội ta băng rừng, lội suối tiến vào Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
Vâng lệnh Hồ Chủ Tịch, Trung ương Đảng và Chính phủ, các đơn vị bộ đội ta băng rừng, lội suối tiến vào Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Các đơn vị bộ binh cơ giới đang khẩn trương đưa bộ đội vào Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
Các đơn vị bộ binh cơ giới đang khẩn trương đưa bộ đội vào Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)


Cùng với lực lượng xe ô-tô, hàng nghìn xe đạp thồ, xe ngựa, xe trâu, thuyền, mảng... liên tục xuôi ngược trên các tuyến đường từ các Liên khu III, IV ra, từ trung du lên, từ Việt Bắc sang, từ Tây Bắc và Thượng Lào xuống Điện Biên Phủ; vận chuyển cung cấp đủ vật chất và vũ khí, trang bị kỹ thuật cho chiến dịch (trong số hàng hóa tiếp tế cho chiến dịch có 1.458,1 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật).
Việc bảo đảm thông tin liên lạc cho chiến dịch do đồng chí Hoàng Đạo Thúy - Cục trưởng Cục Thông tin liên lạc, trực tiếp làm Trưởng ban thông tin chiến dịch. Lực lượng bảo đảm thông tin liên lạc có các tổ sửa chữa khí tài, kho thông tin, Tiểu đoàn 303, Đại đội 101 và lực lượng thông tin của các đại đoàn, trung đoàn bộ binh, Đại đoàn công-pháo.
Phục vụ cho việc vận chuyển tiếp tế, Trung đoàn công binh 151 cùng các lực lượng dân công, thanh niên xung phong, công nhân giao thông đã khẩn trương làm việc ngày đêm để thông đường theo đúng kế hoạch. Ngày 27/11/1953, xe vận tải đã đến được Tuần Giáo và ngày 16/1/1954, Trung đoàn lựu pháo 54 (gồm 24 khẩu pháo 105 ly), các tiểu đoàn pháo cao xạ, các xe bảo đảm... đã vào đến km 70 đường Tuần Giáo-Điện Biên Phủ.
Từ trung tuần tháng 2/1954, công tác vận chuyển tiếp tế có thay đổi để đáp ứng phương án tác chiến mới của chiến dịch. Tuyến vận chuyển của Hội đồng Cung cấp kéo dài lên đến Sơn La; lực lượng phục vụ chiến dịch được tăng cường với 3.168 cán bộ, chiến sĩ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật và hơn 30.000 dân công, thanh niên xung phong. Các tuyến vận tải của Tổng cục Cung cấp tiền phương được tổ chức thành các tuyến hậu cần, kỹ thuật, không chỉ đảm nhiệm công tác vận tải mà còn làm cả nhiệm vụ bảo đảm cung cấp và chỉ huy thống nhất các lực lượng bảo đảm trên toàn tuyến.
Do được tổ chức chặt chẽ và với sự tích cực khẩn trương của các lực lượng, ngày 11/3/1954, công tác chuẩn bị cho chiến dịch theo phương án "đánh chắc, tiến chắc" đã kết thúc chu đáo, đúng kế hoạch.
17 giờ ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trận pháo kích mở màn chiến dịch đạt hiệu quả cao: Sở Chỉ huy địch bị trúng đạn, đường dây điện thoại bị cắt đứt, các trận địa pháo của địch bị tê liệt... Cả Him Lam và Mường Thanh đều rung chuyển trong tiếng nổ dồn dập, Sở Chỉ huy phân khu bắc bị đánh tơi tả... Ngay từ giờ phút đầu tiên, bọn địch ở Điện Biên Phủ đã bị giáng một đòn khủng khiếp. Trận mở màn kết thúc hồi 23 giờ 30 phút. Trung tâm đề kháng Him Lam bị tiêu diệt hoàn toàn.
Đêm 14 rạng ngày 15/3, ta tiến công và tiêu diệt cụm cứ điểm Độc Lập. Địch ở Bản Kéo sợ hãi giương cờ trắng ra hàng. Quân ta thừa thắng tiến vào đánh chiếm các ngọn đồi ở phía bắc sân bay Mường Thanh,...

Đoàn dân công xe thồ phục vụ tiền tuyến. (Ảnh: TTXVN)
Đoàn dân công xe thồ phục vụ tiền tuyến. (Ảnh: TTXVN)
Bám sát đội hình tác chiến của các đơn vị, cán bộ, nhân viên kỹ thuật đã trực tiếp tham gia cùng chiến đấu và sẵn sàng sửa chữa vũ khí cho bộ đội. Do thiếu trận địa dự bị để di chuyển nên một số trận địa pháo đã bị địch đánh trúng, có bảy khẩu pháo cao xạ 37 ly bị hỏng, trong đó có ba khẩu hỏng nhẹ được các chiến sĩ quân khí Tiểu đoàn 394 do đồng chí Trần Kim Ngọc-Chủ nhiệm quân khí tiểu đoàn, phụ trách sửa chữa bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật và giao cho đơn vị tiếp tục chiến đấu. Bốn khẩu pháo hỏng nặng được đưa về trạm quân khí tiền phương (ở km 52 đường Tuần Giáo-Điện Biên Phủ) để sửa chữa. Đồng chí Đoàn Đà, Trạm trưởng Trạm quân khí Trung đoàn 367 cùng cán bộ quân khí trung đoàn và Cục Quân khí tăng cường, đã làm việc ngày đêm, dồn ghép, sửa chữa được ba khẩu kịp đưa về đơn vị chiến đấu khi đợt hai của chiến dịch bắt đầu. Khẩu còn lại do hỏng quá nặng phải hủy để lấy phụ tùng thay thế.
Với tinh thần "tất cả cho chiến dịch thắng lợi" và "yêu xe như con, quý xăng như máu", cán bộ, chiến sĩ ngành xe ngày đêm chăm sóc bảo quản xe tốt trong suốt chiến dịch, bảo đảm vận chuyển đạn, gạo... và kéo pháo vào trận địa đúng thời gian, kế hoạch tác chiến.


Qua thực tế chiến đấu và phục vụ sửa chữa tại trận địa, cán bộ, chiến sĩ quân khí đã phát hiện những bộ phận hay hỏng trong mỗi khẩu pháo cao xạ như máy nạp đạn, máy ngắm, càng kéo,... Đồng chí Đỗ Đức Dục, Chủ nhiệm quân khí tiền phương Trung đoàn 367 đã đề nghị Tổng cục Cung cấp sản xuất một số bộ phận để sẵn sàng thay thế. Chỉ trong một thời gian ngắn, các xưởng quân giới đã nghiên cứu sản xuất thành công trục máy tống đạn, bướm tống đạn, cán ngoắc pháo cao xạ 37 ly, kim hỏa súng phòng không 12,7 ly,... gửi lên Điện Biên Phủ để quân khí kịp thời sửa chữa súng pháo phục vụ bộ đội chiến đấu.

Cuộc chiến đấu ác liệt đang diễn ra trên khu vực Đồi C.
Cuộc chiến đấu ác liệt đang diễn ra trên khu vực Đồi C.
Ngoài sự chi viện của hậu phương, ngay tại mặt trận, lực lượng quân khí đã bám sát đơn vị, bảo đảm cho bộ đội luôn có đủ vũ khí trang bị tham gia chiến dịch. Cán bộ, chiến sĩ các trạm sửa chữa làm việc ngày đêm bên các lò rèn đỏ lửa để rèn thêm cuốc xẻng cung cấp cho bộ đội sửa đường, đào hào và chế tạo các phụ tùng thay thế. Trong chiến đấu, súng phòng không 12,7 ly do phải bắn liên tục (có khẩu bắn đến đỏ nòng) nên ngoài kim hỏa hay bị hỏng, phiến khóa của khóa nòng cũng rất hay gãy. Loại này không có dự trữ, nếu chờ tiếp tế của hậu phương thì khá lâu. Trước tình hình đó, đồng chí Đỗ Đình Hữu cùng cán bộ chiến sĩ quân khí đã nghiên cứu khắc phục bằng cách lấy sắt từ cuốc chim mang rèn và đã chế tạo được những phiến khoá nòng đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, phục vụ sửa chữa kịp thời. Cán bộ, chiến sĩ quân khí ngoài việc bám sát chỉ đạo, giúp đỡ đơn vị còn tích cực tham gia thu hồi, xử lý vũ khí, đạn chiến lợi phẩm để cấp phát bổ sung cho đơn vị chiến đấu. Do có tổ chức kiểm tra chu đáo, ta đã phát hiện và xử lý thành công số đạn pháo 105 ly mà địch đã gài bẫy, nếu mang bắn đạn sẽ nổ ngay trong nòng pháo gây hỏng pháo, chết người,...
17 giờ 30 phút ngày 30/3/1954, pháo binh chiến dịch bắn dồn dập vào Sở Chỉ huy của Đờ Cátxtơri, các điểm cao C, D, E, A, các trận địa pháo binh và quân cơ động ở Mường Thanh, Hồng Cúm. Sau năm ngày chiến đấu, đợt tiến công thứ hai của ta đã thu được nhiều thắng lợi, thu hẹp thế trận vây lấn tập đoàn cứ điểm.


Sau hai đợt tiến công, các lực lượng của ta đã tiêu hao một lượng đạn khá lớn. Đạn dược dự trữ còn rất ít, nhất là đạn pháo 105 ly, việc sử dụng đạn đã phải tính đến từng viên. Xe ô-tô cũng thiếu trầm trọng. Trước tình hình đó, Tổng cục Cung cấp tích cực đôn đốc và tổ chức tốt việc vận chuyển đạn từ hậu phương ra, điều chỉnh lượng đạn giữa các đơn vị, tổ chức cấp phát phân phối hợp lý, có kế hoạch tiết kiệm đạn và xử lý hàng chiến lợi phẩm để cung cấp cho các đơn vị. Đồng thời, Tổng cục Cung cấp cũng chỉ đạo khai thông đường vận chuyển từ Ba Nậm Cúm (biên giới Việt-Trung)-Lai Châu-Mường Tòng-Mường Pồn-Điện Biên Phủ để chuyển đạn, gạo,... về Điện Biên Phủ.

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị xung kích, các chiến sĩ cao xạ pháo đang đánh trả quyết liệt máy bay địch ở Điện Biên Phủ.
Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị xung kích, các chiến sĩ cao xạ pháo đang đánh trả quyết liệt máy bay địch ở Điện Biên Phủ.
Để giải quyết tình trạng thiếu xe, Tổng cục Cung cấp tiền phương chủ trương "triệt để phát huy hiệu suất của xe, mượn xe của pháo"; đồng thời phát động phong trào giữ xe tốt, giảm tối thiểu số xe bị hư hỏng. Nếu có hư hỏng, các đơn vị và các đội sửa chữa phải nhanh chóng khắc phục để đưa xe vào hoạt động. Số xe lấy của pháo lúc đầu là 16%, sang đợt hai của chiến dịch, do phải vận chuyển gấp nên đã sử dụng tới 50%.

Ngày 22/4/1954, vị trí 206 đã bị quân ta tiêu diệt, bọn còn sống sót đang giơ tay xin hàng.
Ngày 22/4/1954, vị trí 206 đã bị quân ta tiêu diệt, bọn còn sống sót đang giơ tay xin hàng.
Để chuẩn bị tốt cho đợt ba, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch chỉ thị cho Tổng cục Cung cấp tiền phương tiếp tục làm tốt công tác tiếp tế bảo đảm cho bộ đội, củng cố và phát triển trận địa tiến công siết chặt vòng vây, đánh chiếm sân bay, triệt hẳn đường tiếp tế và tăng viện của địch, uy hiếp hơn nữa trung tâm của địch. Cuối tháng 4/1954, công tác bảo đảm cho bộ đội đã cơ bản hoàn thành, các đơn vị được bổ sung đầy đủ vũ khí, đạn, trang bị, sẵn sàng bước vào đợt tiến công mới.
Trưa ngày 1/5/1954, pháo các cỡ của ta dội đạn mãnh liệt vào các trận địa địch, mở đầu cho đợt tấn công thứ ba. Trong đợt bắn phá này, lần đầu tiên, hỏa tiễn H6 của ta xuất trận, làm cho binh lính địch càng thêm kinh hoàng, khiếp sợ. Cụm pháo binh của địch ở Hồng Cúm bị tê liệt, không bắn được phát nào. Một kho đạn pháo với 3.000 viên của địch nổ tung, kho lương thực, thực phẩm của chúng cũng bốc cháy... Sau đợt pháo kích kéo dài gần một giờ, bộ đội ta từ các hướng đồng loạt tiến công nhiều vị trí của địch. Đêm 1/5, ta diệt các cứ điểm C1, 311A, 505 và 505A; đêm 3-5, diệt 311B... Ngày 3/5, Cônhi lệnh cho Đờ Cátxtơri chuẩn bị rút chạy. Nhưng kế hoạch rút chạy của chúng chưa kịp triển khai thì ngày 5/5, quân ta đã tiến công tiếp và nhanh chóng chuyển sang tổng công kích.
Bộ Chỉ huy chiến dịch nắm chắc tình hình và căn cứ vào sự phát triển trên các hướng, đã quyết định tổng công kích vào hồi 20 giờ 30 phút ngày 6/5/1954, lấy tiếng nổ của khối bộc phá đánh đồi A1 làm hiệu lệnh. Trước đó, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã thông qua phương án đánh A1 bằng lượng bộc phá lớn. Trung đoàn công binh 151 tổ chức một đội đặc biệt gồm 20 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung phụ trách đào đường hầm để đặt bộc phá. Sau 15 ngày đêm kiên cường, bền bỉ thực hiện nhiệm vụ, đội đã đào xong đường hầm dài 49m và ngay trong đêm 4/5, khối thuốc nổ gần 1.000kg do bộ đội công binh "chế tạo" tại trận địa với 23kg thuốc nổ TNT, 20kg nitrôxenlulô, 19kg thuốc mồi, số còn lại là lượng thuốc nổ tháo từ các quả bom chưa nổ ở Căng Na (Điện Biên Phủ), chia làm 49 gói, đã được đặt vào cuối đường hầm, sáu đường dây cháy chậm và một đường điểm hoả bằng điện đã được nối xong.

Bọn tù binh Pháp ở Điện Biên Phủ đang được đưa về hậu phương.
Bọn tù binh Pháp ở Điện Biên Phủ đang được đưa về hậu phương.
18 giờ ngày 6/5, ta tập trung các loại pháo 105 ly, 75 ly, cối 120 ly, 81 ly và 12 dàn hỏa tiễn H6 bắn dữ dội vào các cứ điểm còn lại. 20 giờ 30 phút cùng ngày, khối bộc phá gần 1.000kg ở A1 được gây nổ,... Quân ta đồng loạt tiến công và nhanh chóng làm chủ các cứ điểm A1, C2, 310... 17 giờ 30 phút ngày 7/5, Thiếu tướng Đờ Cátxtơri cùng toàn bộ Bộ Tham mưu tập đoàn cứ điểm bị bắt sống. Địch ở các cứ điểm còn lại lũ lượt kéo cờ trắng ra hàng.



Thiếu tướng HOÀNG ANH TUẤN, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật
Trích Sách Điện Biên Phủ, hợp tuyển công trình khoa học, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2005 nhân kỷ niệm 65 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Ảnh: TTXVN
Trình bày: Hạnh Vũ