THÚC ĐẨY SÁNG CHẾ

ĐẾN THƯƠNG MẠI HÓA SẢN PHẨM

“Chính phủ đã và đang có những chính sách thúc đẩy đầu tư nghiên cứu các phát minh, sáng chế, sản phẩm khoa học công nghệ thiết thực phục vụ đời sống”

Trong những ngày này, câu chuyện sản xuất vaccine trong nước phòng, chống dịch Covid chưa bao giờ lại được mong ngóng và kỳ vọng đến như vậy. Những nhu cầu bức thiết của cuộc sống luôn là những động lực thúc đẩy mạnh mẽ và rõ ràng nhất cho các phát minh, sáng chế. Cho dù còn không ít khó khăn và băn khoăn về việc sản xuất vaccine trong nước thành công, nhưng đây cũng là những hồi chuông thúc giục việc nghiên cứu, ứng dụng các phát minh, sáng chế thiết thực phục vụ cuộc sống vì mục tiêu tự lực tự cường của dân tộc.

Từ cuối tháng 5/2021, Trường đại học Bách Khoa Hà Nội (ĐHBK HN) cũng đã tập hợp các chuyên gia công nghệ và đội ngũ chuyên gia từ VMED Group phối hợp tiến hành nghiên cứu sản xuất máy oxy dòng ký hiệu BKVM-HF1, thử nghiệm tại Trung tâm cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai và được Bộ Y tế quyết định lưu hành vào giữa tháng 6/2021. PGS Nguyễn Văn Chi, phụ trách Trung tâm cấp cứu A9 cho biết: “Theo các báo cáo nghiên cứu lâm sàng, nếu được sử dụng máy oxy dòng cao này, 60-70% bệnh nhân mắc Covid-19 sẽ được hồi phục, không bị nặng thêm và không phải sử dụng máy thở. Đây là thiết bị cần thiết để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân viêm phổi, suy hô hấp giai đoạn đầu do Covid”.

30 máy oxy dòng cao BKVM-HF1 được chuyển tới tâm dịch TP HCM, Bắc Giang. Ảnh: HUST

30 máy oxy dòng cao BKVM-HF1 được chuyển tới tâm dịch TP HCM, Bắc Giang. Ảnh: HUST

Ông Ngô Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc VMED Group khẳng định “Chúng tôi tự hào làm ra một sản phẩm có giá trị ứng dụng cao để kịp thời chuyển đến các điểm nóng về điều trị Covid, cũng như nhanh chóng trang bị cho các bệnh viện phục vụ công tác điều trị bệnh nhân Covid”. Hiện tại, 30 máy BKVM-HF1 đầu tiên để chuyển tới các tâm dịch nước ta đã được Tổng Công ty CP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí PETROSETCO thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tài trợ toàn bộ chi phí sản xuất trị giá 1,5 tỷ đồng. Nhóm nghiên cứu của hai bên đang tiếp tục hoàn thiện máy làm giàu oxy từ không khí để tích hợp thêm vào hệ thống và nâng cấp tính năng cao cho các máy BKVM được sản xuất tiếp theo.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ mong muốn các trường đại học và doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu sản xuất quy mô lớn, hoàn thiện sản xuất hệ thống tích hợp làm giàu oxy không khí di động và đặc biệt là thiết bị xét nghiệm sàng lọc nhanh các biến thể virus SARS-CoV-2. Trước đó, ĐHBK HN đã có nhiều nghiên cứu ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 như kit thử nhanh virus, cáng cách ly áp lực âm, buồng áp lực dương, mũ thở khí tươi, buồng khử khuẩn toàn thân di động, máy thở...

A show poster for Kellar

Các chuyên gia của Đại học Bách Khoa Hà Nội và VMED Group xem hoạt động của máy BKVM-HF1. Ảnh | Kim Chi

A show poster for Kellar

Các chuyên gia của Đại học Bách Khoa Hà Nội và VMED Group xem hoạt động của máy BKVM-HF1. Ảnh | Kim Chi

“Sáng chế mang ý nghĩa thiết thực phục vụ đời sống”

Nền kinh tế tri thức dựa ngày càng nhiều vào các thành tựu của khoa học, công nghệ để nghiên cứu sáng tạo ra công nghệ mới, sản phẩm mới. Trên thế giới, các trường đại học tiên tiến ngoài hoạt động đào tạo, nghiên cứu phát triển, chức năng chuyển giao công nghệ cũng được thúc đẩy rất mạnh mẽ. Kết quả nghiên cứu được thương mại hóa dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, tôn trọng bảo hộ sở hữu trí tuệ, spin-off/startup cũng như văn hóa khởi nghiệp dần hình thành.

Tại Việt Nam, Trường ĐHBK HN đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thí điểm thành lập hệ thống doanh nghiệp BK Holdings, từ đó vốn hóa được tài sản tri thức (sáng chế, giải pháp công nghệ) là các kết quả nghiên cứu khoa học của nhà trường. Là trường đại học hàng đầu về khoa học công nghệ tại Việt Nam, tuy nhiên các hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ của trường vẫn còn nhiều khó khăn. Giữa nghiên cứu hàn lâm và sản phẩm thương mại vẫn còn khoảng cách, rất cần hoàn thiện công nghệ. Nhà nước đang đầu tư vào nghiên cứu để ra được phát minh sáng chế, giải pháp hữu ích, sản phẩm khoa học công nghệ. Nhưng những sản phẩm đó mới dừng lại ở mức sản phẩm mẫu, muốn ra tới thị trường phải qua khâu hoàn thiện và kiểm thử.

TS Nguyễn Trung Dũng, Tổng Giám đốc BK Holdings (ĐHBK HN) cho biết: “Để đưa được sáng chế ra thị trường cần phải hội tụ 3 yếu tố: sáng chế có tính ứng dụng cao giải quyết nhu cầu cụ thể và đủ lớn của thị trường, nhà khoa học có nguồn tài chính ươm tạo hỗ trợ ban đầu và phải có tổ chức hỗ trợ trung gian chuyên nghiệp độc lập với hệ thống hàn lâm trong trường đại học/Viện nghiên cứu”.

Chuyển giao công nghệ vận hành nồi hơi đốt dầu tự động cho Công ty cổ phần điều hòa không khí Việt Nhật.

Chuyển giao công nghệ vận hành nồi hơi đốt dầu tự động cho Công ty cổ phần điều hòa không khí Việt Nhật.

Trong điều kiện hiện nay, mặc dù chưa có nguồn lực về cơ sở vật chất như các khu chế thử, sản xuất thử nghiệm, BK Holdings bước đầu vẫn có những đột phá từ những sản phẩm thế mạnh, áp dụng trực tiếp hoặc qua thử nghiệm ứng dụng vào sản xuất và đời sống từ những đề tài nghiên cứu khoa học cho đến thương mại hóa được sản phẩm trên thị trường như đề tài khoa học cấp quốc gia nghiên cứu chế tạo lớp phủ chống cháy từ một số hệ polyme hữu cơ và các chất phụ gia nhằm ứng dụng bảo vệ kết cấu, ngăn lửa cho các công trình công nghiệp và dân dụng khi có sự cố hỏa hoạn;

- Ứng dụng công nghệ sinh học trong chế biến để nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm nước mắm từ nguồn lợi thủy sản đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

- Dự án với Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông nghiên cứu chế tạo và sản xuất thử nghiệm các loại bột huỳnh quang chuyên dụng hiệu suất cao phục vụ sản xuất các sản phẩm bóng đèn huỳnh quang chất lượng cao và đèn huỳnh quang xuất khẩu;

- Nghiên cứu và phát triển công nghệ sản xuất, thử nghiệm và thương mại hóa sản phẩm Led dùng trong chiếu sáng nhân tạo nông nghiệp công nghệ cao tại thị trường Việt Nam;

- Nghiên cứu cung cấp máy thu nhận vân tay cho dự án cấp căn cước công dân của Bộ Công an; Dự án với Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại cung cấp tấm phát tín hiệu xung mồi và panel điều khiển; Nghiên cứu và sản xuất thành công 3 loại sơn chống cháy cho vật liệu gỗ, bê-tông và thép.

A show poster for Thurston the Great Magician
A show poster for Thurston the Great Magician

Môi trường ươm tạo sáng chế thành công trong công nghiệp

Thành lập từ năm 2008, BK Holdings là Hệ thống Doanh nghiệp sáng tạo với 10 đơn vị thành viên hoạt động trong 3 lĩnh vực chính: giáo dục đào tạo, chuyển giao công nghệ, và đổi mới sáng tạo. BK Holdings đã và đang tham gia tư vấn và triển khai các đề án quốc gia và dự án quốc tế về công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Đề án 844 của Bộ Khoa học Công nghệ, Đề án 1665 của Bộ Giáo dục Đào tạo, Đề án 4889 của thành phố Hà Nội, dự án IPP của chính phủ Phần Lan.

BK Holdings có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực đào tạo, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số với các doanh nghiệp trong nước như Mobifone, BIDV, Vietnam Airlines và tập đoàn đa quốc gia như Microsoft, Cisco System, Samsung... Chuyên gia quốc tế tham gia các chương trình đào tạo tư vấn của BK Holdings là các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo, các doanh nhân thành đạt, cố vấn và nhà đầu tư đến từ Silicon Valley và các trung tâm đổi mới sáng tạo khác trên thế giới.

Đơn vị thành viên tiêu biểu của BK Holdings về sáng chế và giải pháp công nghiệp là Công ty TNHH MTV Tư vấn và chuyển giao công nghệ Bách Khoa (BK Contech). Nhiệm vụ hàng đầu của công ty là thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của Trường ĐHBK HN, chuyển hóa nguồn chất xám của các đơn vị chuyên môn với hàng trăm chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực KH&CN thành các sản phẩm và dịch vụ giải quyết các bài toán cụ thể trên thị trường.

BK Contech đã và đang liên doanh với các đối tác nước ngoài cung cấp các dây chuyền thiết bị công nghệ đồng bộ cho các dự án công nghiệp lớn như dây chuyền sản xuất vôi công nghiệp 50 nghìn tấn/năm, dây chuyền sản xuất sắt xốp bằng công nghệ hoàn nguyên không cốc.... Thẩm định công nghệ và thuyết minh thiết kế dự án khả thi FS nhà máy sản xuất phôi thép 2 triệu tấn/năm Thạch Khê - Hà Tĩnh, dự án nhà máy gang thép Kinh Môn - Hải Dương với công nghệ hoàn nguyên không cốc, dự án nhà máy cọc bê-tông dự ứng lực công suất 300 sp/ngày Sơn Tây - Hà Nội.

Những sản phẩm mang thương hiệu ĐH BKHN luôn có ưu thế trên thị trường với hàm lượng chất xám cao, thể hiện nhiều kết quả của các công trình nghiên cứu khoa học được triển khai vào thực tế. Nhiều sản phẩm được “giải mã công nghệ” từ các mẫu nhập khẩu và từ đó thay thế xứng đáng sản phẩm nước ngoài. Trong đó phải kể đến “Hệ thống điều khiển kích từ kỹ thuật số cho máy phát nhà máy thủy điện” lắp đặt thành công cho nhà máy thủy điện Hòa Bình. Hệ thống làm mát máy phát nhà máy thủy điện Hòa Bình, thiết bị công nghệ cho nhà máy cọc bê-tông dự ứng lực. Công nghệ xử lý chất thải các nhà máy mạ kẽm, dây chuyền đồng bộ nhà máy sản xuất bia, rượu, sữa, dịch vụ kỹ thuật bảo dưỡng duy tu và lắp đặt thiết bị y tế cho các bệnh viện lớn...

“Phát triển sáng chế đến thương mại hóa sản phẩm”

Sáng chế là tài sản trí tuệ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhận thức được tầm quan trọng của nghiên cứu sáng chế, các trường đại học đầu tư nguồn lực con người và tài chính vào các hoạt động nghiên cứu. Tuy nhiên, sản phẩm của các phòng nghiên cứu thường khó tìm được thị trường bởi các nhà nghiên cứu thường tập trung phát triển sản phẩm thay vì lắng nghe và tìm hiểu nhu cầu của thị trường. “Việc thương mại hóa thành công các sáng chế sẽ trở thành yếu tố quan trọng trong tăng trưởng của đổi mới sáng tạo, đồng thời tránh hiện tượng chảy máu chất xám” - Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định.

Ở các nước phát triển, việc nâng cao sức mạnh phát triển của nền kinh tế phụ thuộc rất lớn đến yếu tố công nghệ, mà nhân tố quyết định của công nghệ lại là yếu tố sáng tạo của con người được biểu hiện qua các sáng chế, sáng kiến, giải pháp công nghệ..., có khả năng ứng dụng cao vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong quá trình từ nghiên cứu khoa học đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực tế đã chứng minh rằng con người không giới hạn ở trình độ học vấn, giới tính,... đã cho ra đời những sáng kiến, sáng chế, giải pháp công nghệ rất bổ ích, góp phần rất quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hiện nay, có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học có khả năng ứng dụng tốt, phát huy được sức sản xuất trong nhân dân, trong đó rất nhiều các sáng kiến, sáng chế, giải pháp công nghệ lại được sản sinh ra trên những hoạt động thực tiễn như các nông dân trong quá trình sản xuất thực tiễn đã có thể tạo ra các sáng kiến, sáng chế nhằm cải thiện tình trạng sản xuất hiện tại... Tuy nhiên, để phát huy các sáng chế, sáng kiến, giải pháp công nghệ cho các doanh nghiệp, cần vai trò kết nối thông qua các chương trình truyền hình thực tế, các chương trình phát triển tài sản trí tuệ, chương trình phát triển thị trường, các Quỹ đầu tư.

Xuất phát từ thực tiễn đó, Lab2Market là chương trình ươm tạo đưa sáng chế ra thị trường chính thức bắt đầu từ tháng 7/2021. Chương trình do Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC), Chương trình khởi nghiệp Thụy Sĩ (Swiss EP), BK Holdings (ĐHBK HN) và Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách khoa Hà Nội (BK Fund) đồng tổ chức.

Các nhà nghiên cứu tham gia vào Lab2Market sẽ được đồng hành giải quyết những thử thách về việc nhận diện thị trường mục tiêu, xác định vị thế cạnh tranh, xác định mô hình kinh doanh tối ưu, nâng cao năng lực tiếp thị và bán hàng của đội nhóm, định giá, hoàn thiện hồ sơ gọi vốn và tiếp cận nhà đầu tư tiềm năng.

Cụ thể, các nhà sáng chế sẽ có cơ hội nhận được sự đầu tư từ BK Fund, Javis Venture và 5 nhà đầu tư thiên thần trị giá từ 20 nghìn-50 nghìn USD; Kết nối với vườn ươm ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nhật Bản và Hàn Quốc; Tăng doanh số và phát triển năng lực tiếp thị bán hàng của đội nhóm... Đặc biệt, tham gia chương trình, nhóm nghiên cứu có thể nhận cơ hội được cố vấn bởi 5 quỹ đầu tư, các doanh nhân thành đạt. Ông Phạm Hồng Quất cho biết “Chương trình là bước thí điểm, tiên phong trong việc hình thành hệ sinh thái bền vững cho các nhà khoa học”.

Được biết, các sáng chế được ưu tiên đầu tư gồm chăm sóc sức khỏe, công nghệ dữ liệu, công nghệ vật liệu mới, năng lượng. Các sáng chế ở lĩnh vực khác vẫn có cơ hội nhận đầu tư nếu chứng minh được tính khả thi. Ngoài ra, lộ trình ươm tạo diễn ra trong ba tháng ứng với 3 giai đoạn (gồm tối ưu hóa sản phẩm, tối ưu mô hình kinh doanh, gọi vốn) và 6 chủ đề chuyên sâu về đổi mới sáng tạo và thương mại hóa trong từng giai đoạn.

Lộ trình chương trình ươm tạo đưa sáng chế ra thị trường Lab2Market .

Lộ trình chương trình ươm tạo đưa sáng chế ra thị trường Lab2Market .

Đi cùng sứ mệnh kết nối các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Lab2Market hướng đến trở thành chương trình ươm tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học hàng đầu Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế. Chương trình Lab2Market đầu tiên được ươm tạo từ tháng 7/2021 với đối tượng tham gia là nhà khoa học trong trường đại học với nghiên cứu đã có sản phẩm mẫu ưu tiên đã có bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trong mỗi nhóm tham gia cần có ít nhất 1 nhà nghiên cứu làm việc toàn thời gian.

Các nhóm nghiên cứu sẽ được đồng hành bởi các cố vấn là các chuyên gia, doanh nhân thành đạt và các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Đến với Lab2Market, các nhà nghiên cứu sẽ được đồng hành giải quyết những thử thách về việc nhận diện thị trường mục tiêu, xác định vị thế cạnh tranh, xác định mô hình kinh doanh tối ưu, nâng cao năng lực tiếp thị và bán hàng của đội nhóm, định giá, hoàn thiện hồ sơ gọi vốn và tiếp cận nhà đầu tư tiềm năng.

Tầm quan trọng của sáng chế là tài sản trí tuệ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh quốc gia. Sáng chế đóng góp đáng kể vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Sáng chế được sử dụng trong các ngành công nghiệp thuộc khu vực châu Âu giai đoạn 2008 - 2010 đã tạo ra 1,7 nghìn tỷ EURO, chiếm 14% GDP của Liên hiệp châu Âu.

Đối với các ngành công nghiệp của Mỹ, trong năm 2010, riêng sáng chế đã mang lại 763 tỷ USD, chiếm 5,3% GDP (Forbes, 2020). Nhận thức được tầm quan trọng của nghiên cứu sáng chế, các trường đại học đầu tư nguồn lực con người và tài chính vào các hoạt động nghiên cứu. Tuy nhiên, sản phẩm của các phòng nghiên cứu thường khó tìm được “tiếng nói chung” với thực tế của thị trường bởi các nhà nghiên cứu thường tập trung phát triển sản phẩm thay vì lắng nghe và tìm hiểu nhu cầu của thị trường.

Tổ chức sản xuất: NHÂN DÂN HẰNG THÁNG
Thực hiện: THÙY VÂN, ANH ĐẠI, MAI HƯƠNG
Đồ hoạ: DUY THANH