Thanh tao thủy tiên đón Tết

Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa Tết là hoa thủy tiên lại được nhắc đến. Không chỉ là một trong những thú chơi hoa cổ điển của người Hà Nội, mà thủy tiên còn gợi nhớ những ký ức từ xa xưa, khi mà cái ăn, cái mặc, cái chơi cũng được nâng lên thành nghệ thuật.

Thú chơi từ trăm năm

Không có một tài liệu nào ghi rõ cụ thể xuất xứ, nguồn gốc của thú chơi hoa thủy tiên ở Hà Nội. Chỉ biết hoa thủy tiên ở Hà Nội thường có xuất xứ từ Trung Quốc, chỉ có vào dịp Tết. Nhiều bức ảnh tư liệu của các học giả Pháp hồi đầu thế kỷ XX cho thấy đã có những giò thủy tiên đặt trong bình thủy tinh từ thời thuộc địa.

Một số tư liệu, tài liệu của các học giả Việt Nam cũng cho thấy từ những năm đầu thế kỷ XX, thú chơi hoa thủy tiên đã tồn tại và khá thịnh hành trong giới chơi hoa Hà thành.

Trong cuốn “Việt Nam phong tục”, soạn giả Phan Kế Bính viết về không khí những ngày Tết: “Suốt một tháng Giêng, già trẻ giai gái, kẻ chợ nhà quê, quần điều áo thắm, kẻ thì lễ báo chùa này miếu nọ, người thì du ngoạn cảnh nọ cảnh kia, chỗ thì thi hoa thủy tiên, chỗ thì thi hoa đăng, chỗ thì hội hè hát xướng…”

Hoa thủy tiên được bày bán tại chợ Đồng Xuân.

Hoa thủy tiên được bày bán tại chợ Đồng Xuân.

Trong cuốn “Tết Việt Nam xưa”, Georges Pisier (1910-1986) nhà sử học người Pháp, từng giữ chức Tham biện thuộc địa Pháp ở Đông Dương cho biết, việc sử dụng rộng rãi hoa thủy tiên có nguồn gốc từ một huyền thoại.

Xưa kia ở Trung Quốc, một người cha sắp chết đã để lại cho bốn người con của mình chia sẻ tài sản. Tài sản của người cha bị ba người anh lớn độc chiếm, gây bất lợi cho người em út.

Một hôm người này đang than thở trước mảnh đất của mình thì một vị thần hiện ra và nói: “Đừng lo lắng, con của ta. Mảnh đất này chứa củ của một loại cây rất hiếm. Khi Tết đến gần, những bông hoa đẹp sẽ xuất hiện. Hãy bán chúng đi và con sẽ giàu có”.

Làm theo lời, người em út đã bán những bông hoa trong vườn của mình, loại hoa sau này nổi tiếng khắp đất nước và anh ta trở nên cực kỳ giàu có.

"Có thể hiểu đơn giản trong truyền thuyết này, biểu tượng của loài hoa thủy tiên trong con mắt của tất cả người dân An Nam là tượng trưng cho sự thành đạt và giàu có”, Georges Pisier nhận xét.

(Ảnh tư liệu)

(Ảnh tư liệu)

Không có một tài liệu nào ghi rõ cụ thể xuất xứ, nguồn gốc của thú chơi hoa thủy tiên ở Hà Nội. Chỉ biết hoa thủy tiên ở Hà Nội thường có xuất xứ từ Trung Quốc, chỉ có vào dịp Tết. Nhiều bức ảnh tư liệu của các học giả Pháp hồi đầu thế kỷ XX cho thấy đã có những giò thủy tiên đặt trong bình thủy tinh từ thời thuộc địa.

Cũng trong “Tết Việt Nam xưa” học giả Nguyễn Tiến Lãng (1909-1976), nhà văn, nhà chính trị, quan lại nhà Nguyễn, từng làm chủ bút tạp chí Nam Phong: “Hoa đào và hoa thủy tiên là hai hình ảnh không thể tách rời về cái Tết ở Hà Nội. Hoa thủy tiên mà màu xanh của thân và cánh hoa, dường như cô đọng trong mình tất cả màu xanh và rực rỡ của các loài hoa rải rác khắp vùng nông thôn chung quanh”.

Trong tập “Vang bóng một thời”, ở truyện ngắn “Chén trà trong sương sớm”, nhà văn Nguyễn Tuân cũng từng nhắc đến thú chơi thủy tiên của một gia đình hồi đầu thế ký XX: “Thủy tiên nhà, năm nay gọt những một lắp đấy. Thày mua chung với cụ Kép xóm dưới! Ðộ mai kia thì giò hoa tách hết màng. Củ nào hoa kép thì đem ủ trà”.

(Ảnh tư liệu)

(Ảnh tư liệu)

Trong bút ký “Tờ Hoa”, nhà văn Nguyễn Tuân cũng nhắc đến hoa thủy tiên như một loại đồng hồ vào thời khắc giao thừa: “Cách đây khoảng nửa thế kỷ tôi còn được thấy các cụ ta đo thời giờ bằng hoa. Hồi ấy, thời gian quả là có mùi. Củ thủy tiên ấy gọt vào hôm nào tháng Chạp, hãm nắng phơi sương áp đèn như thế nào thì nó sẽ mãn khai đúng lúc giao thừa. Như kim giờ kim phút báo đúng năm hết, hoa nở rộ cả bấy nhiêu giò để chào năm mới đang chờ ở he hé cửa đình. Đình Bạch Mã năm nào cũng tất niên bằng cuộc thi thủy tiên, hoa của ai nở đúng giao thừa thì người ấy lĩnh thưởng mười vuông vóc hồng, năm cối pháo, một thạp chè bao thiếc...”

Vẻ đẹp “ngũ phẩm”

Có lẽ hiếm loài hoa nào được ưa chuộng toàn bộ vẻ đẹp từ hoa đến rễ như thủy tiên. Thủy tiên cũng là loài hoa đặc biệt khi không hề có “nhan sắc” rực rỡ bắt mắt như nhiều loài hoa khác nhưng vẫn có sức hút rất riêng.

Hoa thủy tiên nhỏ bé, chỉ bằng đồng xu, màu cánh trắng ngà hơi ngả sang trong suốt, nhụy là một lớp cánh mỏng khác màu vàng rực, thân và lá mảnh dài. Củ và rễ đều màu trắng, củ có hình dáng gần giống củ hành tây, với nhiều nhánh hơn. Vẻ đẹp của thủy tiên được các cụ truyền tụng lại là “mâm ngọc chén vàng”, nghĩa là lớp cánh trắng như ngọc, còn lớp nhụy như bằng vàng, vừa mô tả vẻ đẹp, vừa mô tả sự quý giá của loài hoa đặc biệt này.

Vẻ đẹp của thủy tiên được các cụ truyền tụng lại là “mâm ngọc chén vàng”. (Ảnh: NAM NGUYỄN)

Vẻ đẹp của thủy tiên được các cụ truyền tụng lại là “mâm ngọc chén vàng”. (Ảnh: NAM NGUYỄN)

Vẻ đẹp của thủy tiên được các cụ truyền tụng lại là “mâm ngọc chén vàng”. Thủy tiên được coi là loài hoa có vẻ đẹp “ngũ phẩm”: hoa, rễ, lá, dáng và hương.

Thủy tiên còn đặc biệt ở hương thơm. Mùi hương thủy tiên ngọt đậm, nghe thoảng chút sắc nhưng ghé mũi vào hít hà tận bông hoa sẽ không thấy mùi gì. Chỉ khi đặt chậu thủy tiên trong phòng, mới thấy hương hoa thoang thoảng, khi gần khi xa, như một đứa trẻ nhỏ nô đùa chơi trốn tìm. Chính vì thế, thủy tiên được coi là loài hoa có vẻ đẹp “ngũ phẩm”: hoa, rễ, lá, dáng và hương.

Ở châu Âu, thủy tiên có khá nhiều loại, cánh vàng, cánh trắng, nhụy vàng nhạt hoặc vàng đậm, thậm chí có cả nhụy cam. Phần lớn thủy tiên châu Âu mọc tự do, không phải gọt tỉa, một số gia đình trồng chậu hoặc trong vườn để trang trí. Hoa thủy tiên ở châu Âu cũng có câu chuyện gắn liền với thần thoại Hy Lạp, về chàng trai Narcissus quá đẹp trai nhưng kiêu ngạo, chỉ mê mải ngắm vẻ đẹp của chính mình cho nên đã bị trừng phạt, biến thành hoa thủy tiên.

Hoa thủy tiên được tạo hình vươn cao như chim phượng. (Ảnh: NAM NGUYỄN)

Hoa thủy tiên được tạo hình vươn cao như chim phượng. (Ảnh: NAM NGUYỄN)

Tuy nhiên, chỉ duy nhất loại thủy tiên nhập khẩu từ Trung Quốc về mới phù hợp với việc gọt tỉa và cũng phải rất kỳ công. Phải mất cả tháng mới có được thành quả. Những giò thủy tiên sau khi gọt, không chỉ là hoa nở đúng thời điểm giao thừa hay sáng mùng 1 Tết, mà còn mang dáng vóc của những tác phẩm nghệ thuật cầu kỳ, từ hoa đến lá, đến rễ, như lá xoắn xuýt cuộn lại như rồng, vươn cao như chim phượng… Tương truyền, hoa thủy tiên nở đúng giao thừa hoặc sáng mùng 1 sẽ đem lại may mắn cho gia chủ.

Tương truyền, hoa thủy tiên nở đúng giao thừa hoặc sáng mùng 1 sẽ đem lại may mắn cho gia chủ.

(Ảnh: NAM NGUYỄN)

(Ảnh: NAM NGUYỄN)

Thú chơi công phu

Hoa thủy tiên đặc biệt có lẽ phần nhiều vì quá trình tạo ra nó. Không giống như muôn vàn loài cây, hoa khác, khi mua về chưng chỉ việc cắm và chờ ra hoa, thủy tiên phải mất rất nhiều thời gian và công sức.

Từ đầu tháng Chạp âm lịch, những người mê thủy tiên đã đi tìm mua củ thủy tiên dọc phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Cả phố chỉ vài hàng có và số lượng củ nhập về cũng không nhiều.

Chọn củ thủy tiên không hề dễ dàng, vì củ khô nhập từ Trung Quốc về đều được bọc đất khô, vỏ củ phủ kín, không thể nhận biết củ chính, nhánh phụ, càng không thể thấy được các nhánh mầm. Lựa chọn củ phần lớn dựa trên kinh nghiệm của người chơi và một chút may mắn.

Lựa chọn củ phần lớn dựa trên kinh nghiệm của người chơi và một chút may mắn. (Ảnh: NAM NGUYỄN)

Lựa chọn củ phần lớn dựa trên kinh nghiệm của người chơi và một chút may mắn. (Ảnh: NAM NGUYỄN)

Củ thủy tiên sau khi đem về rồi, lột bỏ lớp đất cứng và lớp vỏ nâu bên ngoài, đem ngâm nước, nhiều nhà ngâm trong cát ẩm cho củ hồi phục, căng đều, mầm vươn ra. Phải thay nước và rửa củ liên tục cho ra bớt nhựa. Sau đó mới đến quá trình gọt củ.

Tùy vào nhu cầu và sở thích mà mỗi người yêu thủy tiên lại lựa chọn cách gọt phù hợp. Có người chỉ đơn giản là gọt tách lớp vỏ ngoài để hỗ trợ mầm hoa vươn ra ngoài dễ dàng hơn. Ở kiểu gọt này, cành và lá vươn dài tự nhiên, hoa cũng vươn cao, dài.

Còn đối với những người có thú chơi cầu kỳ, muốn giò hoa như một tác phẩm nghệ thuật với hoa trên, lá dưới, móng rồng ôm trọn thân hoa và bộ rễ trắng xỏa dài như thác đổ thì phải lựa gọt, tách, bấm lá từng tí một từ lá đến củ, phải tính toán sao cho thân, lá, cành và hoa sau khi trưởng thành sẽ đạt được dáng như mong muốn.

Tùy vào nhu cầu và sở thích mà mỗi người yêu thủy tiên lại lựa chọn cách gọt phù hợp. (Ảnh: NAM NGUYỄN)

Tùy vào nhu cầu và sở thích mà mỗi người yêu thủy tiên lại lựa chọn cách gọt phù hợp. (Ảnh: NAM NGUYỄN)

Những dáng hoa được ưa chuộng là lá xoăn thấp, cành hoa vươn lên nhưng không được cao quá, bông hoa hơi “cúi” xuống như thiếu nữ e thẹn, dáng có thể cao, thẳng, cũng có thể là dáng huyền đổ dài. Nhiều người cầu kỳ còn tạo ra những thế rồng bay, phượng múa từ củ thủy tiên.

Gọt xong, quan trọng nhất là khâu dưỡng củ. Củ khi đã bị gọt rồi, sẽ rất dễ bị tổn thương, cho nên phải giữ củ thật sạch sẽ bằng cách thay nước, rửa nhựa nhớt hằng ngày.

Tùy thuộc vào thời tiết ấm lạnh mà người ta “úm” củ bằng nhiệt độ. Nếu trời lạnh, thì phải thay nước ấm cho củ liên tục, cách vài tiếng thay 1 lần. Nếu trời ấm thì phải hãm, có người dùng lòng trắng trứng gà như một chất keo giữ hoa không nở.

Cũng có cách đơn giản hơn là quấn chiếc phễu giấy nhỏ xinh chụp vào bông hoa chực hé, để đến đúng giao thừa mới nhấc ra.

Gọt xong, quan trọng nhất là khâu dưỡng củ. Củ khi đã bị gọt rồi, sẽ rất dễ bị tổn thương, cho nên phải giữ củ thật sạch sẽ bằng cách thay nước, rửa nhựa nhớt hằng ngày.

Bộ dụng cụ gọt củ hoa thủy tiên. (Ảnh: NAM NGUYỄN)

Bộ dụng cụ gọt củ hoa thủy tiên. (Ảnh: NAM NGUYỄN)

Chơi hoa cầu kỳ, cho nên đồ dùng cho việc gọt củ, chăm cây cũng cầu kỳ không kém. Dao là loại dao thửa riêng, lưới nhỏ vát và dài, cuống dao uốn cong như lòng máng để khoét những phần chân đế củ hoặc phần thừa ở nách củ. Kéo là kéo nhỏ, mũi ngắn, để lựa tỉa lá, cắt các lớp vỏ củ. Ngoài ra còn có bút lông để chuốt sạch bộ rễ, bút cọ lớp nhựa bên ngoài củ…

Hầu hết những món đồ dùng tỉa củ này đều phải đặt làm riêng chứ không bán hàng loạt. Ngày nay, khi thú chơi hoa thủy tiên đã khá phổ biến, cả đối với những người trẻ, thì những loại dao kéo này đã có thể tìm thấy dễ dàng hơn, phần lớn ở phố Sinh Từ.

Thú chơi hoa thủy tiên được thấy từ đầu thế kỷ XX nhưng qua chiến tranh và thời kỳ khó khăn của đất nước, thú chơi này đã biến mất. Không có sách vở hay tài liệu cụ thể nào ghi lại những cách thức gọt tỉa, những cách chơi hoa ngày nay đều là do người chơi yêu thích, tự mày mò tìm hiểu lại và truyền cho nhau. Củ thủy tiên cũng đã theo chân người chơi đi đến nhiều tỉnh, thành phố xa xôi, mở rộng tình yêu với một thú chơi cầu kỳ riêng biệt của người Hà Nội đến với nhiều vùng đất mới.

Cận cảnh các bước gọt củ hoa thủy tiên

Item 1 of 10

Ngày xuất bản: 8/2/2024
Tổ chức sản xuất: HỒNG MINH
Nội dung: TUYẾT LOAN
Ảnh: NAM NGUYỄN
Trình bày: BÔNG MAI