Thư Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi bộ đội “Xây dựng trận địa tiến công và bao vây địch nhanh chóng, đạt tiêu chuẩn”

Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến. (Ảnh: TTXVN)

Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến. (Ảnh: TTXVN)

Đại tướng Tổng Tư lệnh
Thân gửi
Các cán bộ và chiến sĩ chiến đấu trên mặt trận Điện Biên Phủ

Các đồng chí,

Trong đợt chiến đấu đầu tiên của chiến dịch lịch sử này, quân ta đã thắng rất to, quân địch đã bại rất nặng, các đồng chí đều đã biết. Trung ương và Bác đã có thư khen các đồng chí, nói rõ đây là một chiến dịch lịch sử, lại dặn các đồng chí phải chiến đấu bền bỉ, dẻo dai, chớ nên chủ quan khinh địch.

Tổng Quân ủy cũng đã khen ngợi các đồng chí.

Dư luận địch lúc đầu còn che giấu, nhưng đến nay không thể bưng bít được nữa. Chúng nói: “Nếu ngọn cờ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rồi đây được phất cao trên chiến lũy Điện Biên thì tình thế ở Đông Dương sẽ thay đổi lớn, lại có ảnh hưởng đến cục diện và Đông Nam Á nữa”.

Chúng lo ngại nếu Pháp bại trận thì khi đi Hội nghị Giơnevơ sẽ bị lép vế.

Hôm kia, bọn cầm quyền phản động ở Pháp tổ chức mặc niệm 5 phút để khuyến khích binh sĩ của chúng ở Điện Biên Phủ. Thực là bi đát.

Tất cả các báo chí lớn của Pháp đều đăng tin cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ hết cả trang đầu. Báo Nhân Đạo, cơ quan của Đảng Cộng sản Pháp, thì nhiệt liệt hoan hô chiến thắng của quân ta.

Tôi nói những tin đó cho các đồng chí biết để các đồng chí hiểu rõ hơn cái vinh dự được tham dự vào chiến dịch lịch sử này, để các đồng chí không chủ quan khinh địch nhưng càng tin tưởng và cố gắng, thấm nhuần phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, chiến đấu liên tục.

Hôm nay tôi muốn nói chuyện với các đồng chí về mấy vấn đề tư tưởng và nguyên tắc chiến thuật. Nói đơn giản, các đồng chí cố nghe thì sẽ hiểu được. Không có gì khó.

Hiện nay, ta đã thắng to, địch đã thất bại nhưng địch vẫn còn mạnh. Ưu thế binh lực, hỏa lực của ta đã tăng thêm nhưng chưa phải là ưu thế tuyệt đối. Vì vậy, phải đánh chắc, tiến chắc. Địch còn mạnh ở chỗ nào?

Chúng còn mạnh vì số lượng của chúng hiện còn gần 1 vạn. Mặc dầu tinh thần chúng kém sút, khó khăn chúng rất nhiều nhưng ta không nên khinh địch. Khinh địch thì sẽ thất bại.

Địch lại còn mạnh về ba điểm sau đây:

Một là chúng còn thả dù tiếp tế được. Ta khống chế sân bay nhưng chưa hoàn toàn cắt được tiếp tế của chúng.

Hai là chúng còn thả dù tiếp viện được. Ta khống chế sân bay nhưng chưa hoàn toàn cắt được tiếp viện của chúng.

Ba là pháo binh của chúng còn hoạt động mạnh, không quân của chúng cũng sẽ hoạt động ngày càng mạnh. Pháo binh 105 và cao xạ pháo của ta chỉ mới hạn chế hoạt động của pháo binh và không quân đến một trình độ nào mà thôi.

Địch còn mạnh ở chỗ nào? Chúng còn mạnh vì số lượng của chúng hiện còn gần 1 vạn. Địch lại còn mạnh về ba điểm sau đây: Một là chúng còn thả dù tiếp tế được; Hai là chúng còn thả dù tiếp viện được; Ba là pháo binh của chúng còn hoạt động mạnh, không quân của chúng cũng sẽ hoạt động ngày càng mạnh.

Trong tình hình đó, các đồng chí có muốn khắc phục ba chỗ mạnh trên đây của địch hay không?

Tôi được báo cáo các đồng chí rất căm tức pháo binh và máy bay địch, rất bực dọc chúng còn thả dù tiếp tế và thả quân xuống được. Như vậy, tất cả các đồng chí đều muốn làm cho địch mất ba chỗ mạnh nói trên. Cần phải làm thế nào để đi đến mục đích quan trọng đó? Muốn cho địch không thả dù tiếp tế được nữa, hoặc nếu có thả thì cũng phải chí ít là một nửa về ta, chúng chỉ lấy được một nửa, muốn cho viện binh chúng không nhảy dù xuống được nữa hay nếu có nhảy thì ta cũng có điều kiện để tiêu diệt bọn này, muốn như vậy thì ta phải làm một việc sau đây: Xây dựng trận địa tấn công và bao vây cho nhanh chóng và đúng tiêu chuẩn.

Giao thông hào của ta đã cắt đôi sân bay Mường Thanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến sĩ xung kích tiêu diệt địch. (Ảnh: TTXVN)

Giao thông hào của ta đã cắt đôi sân bay Mường Thanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến sĩ xung kích tiêu diệt địch. (Ảnh: TTXVN)

Muốn cho máy bay địch mặc dầu ngày càng hoạt động mạnh nhưng hiệu lực bị hạn chế thì phải làm thế nào? Cần phải bồi dưỡng trận địa hiện nay, giữ vững kỷ luật trú quân, kỷ luật phòng không, kỷ luật đi lại trong trận địa nhưng chủ yếu là phải làm một việc: Xây dựng trận địa tấn công và bao vây cho nhanh chóng và đúng tiêu chuẩn của trên đề ra. Khi ta đã xây dựng được trận địa này thì bộ đội ta bố trí trên một phạm vi rất rộng, trên một chiều sâu khá dài. Chúng ta lại càng tiếp cận địch, hiệu lực không quân của chúng sẽ bị hạn chế vì không biết ném bom ở đâu, hoặc ném bom cũng ít kết quả, vì ta đã tiếp cận nên chúng sợ ném phải bộ đội chúng.

Muốn làm cho pháo binh địch tê liệt và gây cho chúng những khó khăn mới nữa thì phải làm thế nào? Ngoài việc hiện nay dùng hỏa lực của ta mà tập kích pháo binh của chúng, ngoài việc các đội dũng sĩ của ta tiêu diệt vị trí pháo của chúng, việc chủ yếu là: Xây dựng trận địa tấn công và bao vây cho nhanh chóng và đúng tiêu chuẩn. Khi đã có một trận địa như vậy, quân ta sẽ theo giao thông hào chiến đấu, mang bức kích pháo của ta đến những trận địa có thể uy hiếp tung thâm của địch. Hiệu lực của bức kích pháo, nếu phát huy được hỏa lực thì cũng gần bằng hiệu lực của trọng pháo. Như vậy, tất cả các cỡ pháo của ta từ 82 trở lên mà hiện nay ta có khá nhiều sẽ dùng đạn vừa lấy được của địch mà dội vào khu tung thâm cho chúng biết tay. Pháo binh của chúng khi đó không bị tê liệt thì cũng bị hạn chế rất nhiều. Không những thế, công sự của chúng sẽ bị phá hủy, sinh lực của chúng sẽ bị sát thương.

Vì vậy, các đồng chí cần nhận rõ: Nhiệm vụ trung tâm trước mắt là việc xây dựng trận địa tấn công và bao vây cho nhanh chóng và đúng tiêu chuẩn. Việc xây dựng trận địa phải làm cho đúng tiêu chuẩn, phải có hầm phòng pháo, hầm trú ẩn, phải có ụ súng, chiều sâu phải đúng kích thước để ta vận động ở dưới không bị hỏa lực bắn thẳng của địch bắn tới. Theo báo cáo, trong các cuộc chiến đầu vừa qua, ở Him Lam cũng như ở đồi Độc Lập, có 2 mũi làm tương đối đúng tiêu chuẩn nên thương vong rất ít và đột phá nhanh, còn các mũi khác thì làm rất nông, lại không có hố phòng pháo, không có hầm trú ẩn, không có ụ súng. Vì vậy mà một số đồng chí chúng ta đáng lẽ không bị thương vong mà lại bị. Các đồng chí cần nhớ kinh nghiệm xương máu đó và làm trận địa cho đúng tiêu chuẩn.

Nhiệm vụ trung tâm trước mắt là việc xây dựng trận địa tấn công và bao vây cho nhanh chóng và đúng tiêu chuẩn. Việc xây dựng trận địa phải làm cho đúng tiêu chuẩn, phải có hầm phòng pháo, hầm trú ẩn, phải có ụ súng, chiều sâu phải đúng kích thước để ta vận động ở dưới không bị hỏa lực bắn thẳng của địch bắn tới.

Làm trận địa không phải là một việc đơn thuần đào công sự mà thôi. Trận địa ta càng thắt chặt vào, càng uy hiếp địch thì quân địch sẽ dùng bộ binh hay cơ giới mà phá, có khi dùng cả không quân oanh tạc nữa. Vì vậy, việc xây dựng trận địa phải trải qua một quá trình chiến đấu với địch, có khi gay go ác liệt, ta có thể thương vong ít nhiều. Nhưng có thế mới sát thương thêm sinh lực địch, mới làm cho địch mất dần ba chỗ mạnh nói trên.

Cho nên làm trận địa tấn công và bao vây không phải chỉ làm đường giao thông trục mà phải làm những đường giao thông hào chiến đấu nữa. Khi đã làm đến một trình độ nào đó, ta dùng những đội bức kích pháo lưu động kết hợp với những đơn vị bộ binh nhỏ mà yểm hộ và giữ vững trận địa gần địch của ta, đánh phản kích địch, không cho địch phá. Vì vậy phải tổ chức những đội bức kích pháo lưu động và phải làm nhiều trận địa bức kích pháo dọc các đường giao thông hào chiến đấu.

Chúng ta lại phải tổ chức những tổ lưu động đánh xe tăng, tập trung hỏa lực bắn chiếc này rồi vận chuyển đi bắn chiếc khác. Khi đánh xe tăng địch, phải dùng những giao thông hào có hố phòng pháo và hầm trú ẩn làm về phía địch. Như vậy sẽ giảm thương vong trước hỏa lực của xe tăng địch.

Bộ binh của ta cũng phải có những đơn vị nhỏ đánh địch phản kích, đánh địch nhảy dù xuống, đoạt dù tiếp tế của địch, cũng giống như độ trước một trung đội của ta đã từng đánh lui 13 đợt xung phong của 3 tiểu đoàn địch. Nhưng có khác một chỗ là rồi đây ta tiếp cận vào địa hình đồng bằng địch bị uy hiếp mạnh sẽ có thể phản kích mạnh, Vì vậy, cuộc chiến đấu sẽ gay go hơn và ta phải làm trận địa cho đúng tiêu chuẩn mới giảm bớt thương vong được.

Dùng đơn vị bộ binh nhỏ mà đánh phản kích địch, dùng tổ đánh xe tăng lưu động và tổ bức kích pháo lưu động để phối hợp với bộ binh đánh lui phản kích địch, đánh cơ giới địch và giữ vững trận địa, đó là ba phương pháp chiến đấu trong quá trình xây dựng trận địa.

Vị trí 206 bị trúng pháo của ta đang bốc cháy. (Ảnh: TTXVN)

Vị trí 206 bị trúng pháo của ta đang bốc cháy. (Ảnh: TTXVN)

Khi trận địa đã tiến đến một bước nào đó, chúng ta sẽ cho đội phòng không bố trí gần vào, uy hiếp dần không phận của địch trong phạm vi gần khu tung thâm, bắt buộc máy bay chúng phải bay cao, có thả dù tiếp tế hay thả viện binh cũng khó hoặc sẽ rơi vào trận địa của ta. Đó lại là một phương pháp chiến đấu nữa.

Ngoài ra, sau khi đào xong giao thông hào, cần phải dùng đủ mọi cách mà ngụy trang, dùng lá cây hay rơm rạ cũng được. Như vậy để tối thiểu là địch không biết ở nơi nào thì có quân ta, ở nơi nào thì không có, lại phải đào rãnh hoặc hố để thu hút nước mưa và làm cho nước thoát khỏi giao thông hào.

Khi nào thì gọi là hoàn thành trận địa tấn công và bao vây?

Trả lời: Khi những giao thông hào chiến đấu và giao thông hào trục của ta đều làm đúng tiêu chuẩn và đã tiếp cận khu tung thâm của địch trong tầm hỏa lực bức kích pháo của ta.

Khi nào thì gọi là hoàn thành trận địa tấn công và bao vây?

Trả lời: Khi những giao thông hào chiến đấu và giao thông hào trục của ta đều làm đúng tiêu chuẩn và đã tiếp cận khu tung thâm của địch trong tầm hỏa lực bức kích pháo của ta.

Hoàn thành được trận địa tấn công và bao vây rồi, đạt được một phần lớn mục đích là làm cho địch mất dần ba chỗ mạnh nói trên thì ta sẽ làm gì nữa? Bây giờ các đồng chí hãy tập trung cố gắng hoàn thành cho xong việc xây dựng trận địa. Sau này phải làm gì, lần sau sẽ nói cho các đồng chí biết.

Tôi được báo cáo các đồng chí đã làm trận địa mấy ngày liền, lại phải chiến đấu, rồi lại phải liên tục bắt tay vào làm trận địa, như thế có đồng chí mệt nhọc.

Nhưng ta mệt nhọc thì cần phải nhớ rằng thằng Tây ở trong Điện Biên Phủ còn căng thẳng và mệt nhọc hơn ta, thương binh không có hầm mà nằm, không đủ thuốc để chữa, công sự một phần bị sập, một phần bị rung chuyển, tiếp tế không đầy đủ, thỉnh thoảng lại ăn một quả đại bác của ta, lại thêm thương vong.

Như vậy, chúng ta nên nghỉ ngơi để cho kẻ địch có thì giờ mà nghỉ ngơi chấn chỉnh, có thì giờ mà tăng viện, mà thả dù tiếp tế, mà phát huy hiệu lực pháo binh và không quân của chúng, hay là chúng ta là chiến sĩ của Quân đội nhân dân, là đảng viên của Đảng, lúc này phải nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, chịu mỏi mệt một phần để gây thêm mười phần mệt mỏi và khó khăn cho địch. Giữa hai con đường đó nên đi con đường nào? Tôi chắc các đồng chí đều đồng thanh trả lời nên phát huy truyền thống chịu đựng gian khổ khắc phục khó khăn, truyền thống chiến đấu anh dũng của quân ta để liên tục làm trận địa, liên tục chiến đấu với địch.

Nói như vậy không phải chúng ta không chú trọng đến sức khỏe của anh em. Ngược lại, cán bộ phải hết sức lo cho sức khỏe của chiến sĩ, chiến sĩ phải tự lo cho sức khỏe của mình và của đồng đội. Đặc biệt các “anh nuôi” cần phải cố gắng. Chỗ ăn, chỗ ngủ ở trận địa phải tốt, đừng có bừa bãi. Phải có cơm nóng, nước nóng cho bộ đội. Anh em quân y phải tăng cường việc phòng bệnh. Các cán bộ các cấp đều phải kiểm tra việc này, vì đó là cơ sở vật chất cho sự chiến đấu liên tục. Đó là một việc rất quan trọng.

Làm trận địa tức là nắm vững phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Không đánh thì thôi, nếu đánh thì nhất định thắng. Nói “đánh chắc, tiến chắc” không phải là không tranh thủ thời gian. Chúng ta phải tích cực tranh thủ thời gian, vì hoàn thành trận địa sớm một ngày thì tăng khó khăn cho địch sớm một ngày, tăng điều kiện tất thắng của ta sớm một ngày. Đào thêm một thước khối đất trong lúc này tức là tích cực giành toàn thắng cho chiến dịch.

Tôi dặn thêm các đồng chí chỉ huy và chính trị viên các cấp một điều nữa là phải làm kế hoạch trận địa cho chu đáo, phải tổ chức phân phối lực lượng cho chu đáo, để khỏi làm mất thì giờ và tăng thêm mệt mỏi cho chiến sĩ. Nhất là phải tự mình đi xuống dưới để động viên anh em và kiểm tra trận địa, vừa rồi, các đồng chí kiểm tra trận địa một cách đại khái cho nên nhiều nơi đã làm qua loa và làm tăng thương vong của ta.

Tôi nhấn mạnh một lần nữa cán bộ các cấp phải tự mình đi xuống dưới để kiểm tra trận địa. Đó là một nhiệm vụ. Cán bộ cấp nào không làm tròn nhiệm vụ đó sẽ bị thi hành kỷ luật.

Nói tóm lại, nhiệm vụ trung tâm trước mắt lúc này là phải xây dựng trận địa tấn công và bao vây cho nhanh chóng và đúng tiêu chuẩn, đồng thời phải chiến đấu với địch để tiêu hao chúng và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng trận địa.

Làm trận địa tức là nắm vững phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Không đánh thì thôi, nếu đánh thì nhất định thắng. Nói “đánh chắc, tiến chắc” không phải là không tranh thủ thời gian. Chúng ta phải tích cực tranh thủ thời gian, vì hoàn thành trận địa sớm một ngày thì tăng khó khăn cho địch sớm một ngày, tăng điều kiện tất thắng của ta sớm một ngày. Đào thêm một thước khối đất trong lúc này tức là tích cực giành toàn thắng cho chiến dịch. Vì nhiệm vụ trung tâm hiện nay là xây dựng trận địa cho nên Tổng cục Chính trị đã quyết định tiêu chuẩn thứ nhất để giành lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” của Bác là việc xây dựng trận địa.

Tôi rất mong các đồng chí lập được nhiều công trong việc xây dựng trận địa và giành được lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” của Bác. Nhiệm vụ xây dựng trận địa là một nhiệm vụ chiến đấu vinh quang không kém các cuộc chiến đấu xung phong giết giặc. Tôi nói như trên các đồng chí đã hiểu rõ chưa? Tôi chắc các đồng chí đã hiểu rõ. Có đồng chí nào chưa hiểu rõ thì cán bộ giải thích thêm, anh em giúp đỡ thêm cho đồng chí đó.

Có nhận thức rõ nhiệm vụ thì mới phát huy được tất cả lực lượng của mình, mà phát huy được lực lượng thì nhất định hoàn thành được nhiệm vụ.

Lực lượng quân ta đã đủ sức chuyển trọng pháo hàng chục cây số trên đường núi, đã đủ sức làm mấy chục cây số đường xuyên qua núi, xây dựng trên 100 cây số trận địa, đã đủ sức tiêu diệt những đồn trại kiên cố nhất của địch.

Lực lượng của chúng ta nhất định hoàn thành được nhiệm vụ xây dựng trận tấn công và bao vây địch, tạo điều kiện toàn thắng cho chiến dịch.

Các đồng chí đều có một phần trách nhiệm trong nhiệm vụ quan trọng này.

Tôi bắt tay các đồng chí và chúc các đồng chí cố gắng.

Chào thân ái và quyết thắng
Ngày 20 tháng 3 năm 1954
Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam
Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP

Nguồn: Những tài liệu chỉ đạo các chiến dịch của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh (Từ Việt Bắc đến Điện Biên Phủ), tập VI, Bộ Tổng Tham mưu xuất bản, năm 1963
Trình bày: BÔNG MAI
Ảnh: TTXVN