Thuốc điều trị
Covid-19:

Bước ngoặt trong cuộc chiến chống đại dịch

Cho đến nay, các loại vaccine đã khẳng định được vai trò then chốt và đang là “vũ khí” chính giúp nhân loại chống lại đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, thực tế dịch bệnh diễn biến khó lường và có nguy cơ tiếp tục kéo dài, đặt ra yêu cầu phải có thêm các “công cụ” chống dịch hiệu quả. Song song với cuộc đua phát triển vaccine, một cuộc đua khác đã hình thành và đang ngày càng trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Đó là cuộc đua phát triển thuốc điều trị Covid-19, một nhân tố được kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt trong cuộc chiến chống đại dịch.

Mới đây, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã chính thức cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc kháng virus dạng uống Molnupiravir của Merck và Paxlovid của Pfizer để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 là người trưởng thành có nguy cơ diễn biến nặng. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh biến thể mới Omicron đang lây lan nhanh trên phạm vi toàn cầu, buộc các quốc gia phải điều chỉnh mạnh mẽ các biện pháp hạn chế và chiến lược ứng phó.

Kỳ vọng mới từ thuốc điều trị Covid-19

Khi đại dịch bắt đầu bùng phát vào đầu năm 2020, các nhà nghiên cứu y sinh đã cố gắng tìm ra các liệu pháp điều trị và những loại thuốc có thể cứu sống người bị nhiễm Covid-19. Nhiều nỗ lực đã thành công, mang lại hiệu quả rõ ràng, trong khi một số khác vẫn đang được tiến hành và cần thêm thời gian để đánh giá.

Hiện nay, có nhiều loại thuốc điều trị Covid-19 đang được các công ty dược phẩm trên thế giới nghiên cứu và phát triển, với những phương thức tác động khác nhau đến virus SARS-CoV-2 cũng như cơ thể người. Theo đó, thuốc điều trị Covid-19 được chia làm 3 loại chính: thuốc kháng virus, thuốc kháng viêm và liệu pháp kháng thể.

Những loại thuốc này được sử dụng ở các giai đoạn khác nhau của bệnh. Nhiều loại có giá thành rẻ, nhưng cũng có loại có giá rất đắt. Một số thuốc có khả năng chống chịu tốt hơn trước các biến thể mới của virus so với các loại thuốc khác.

Thuốc kháng virus
------------------

Nhắm trực tiếp vào khả năng nhân bản của virus SARS-CoV-2 ở ngay bên trong cơ thể người, giữ cho nồng độ virus ở mức thấp, qua đó giúp hệ miễn dịch “nhẹ nhàng” hơn trong quá trình đối phó.

Molnupiravir (của Merck và Ridgeback Therapeutics) và Paxlovid (của Pfizer) hiện đang là 2 ứng viên tiềm năng nhất của dòng thuốc kháng virus điều trị Covid-19. Được bào chế dưới dạng uống, các loại thuốc này có thể được sử dụng tại nhà thay vì bệnh viện như một số lựa chọn khác, nhờ đó được kỳ vọng đóng góp đáng kể vào thay đổi thực trạng đại dịch hiện nay.

Dữ liệu thử nghiệm lâm sàng cho thấy, cả 2 loại thuốc đều có thể giúp giảm thiểu nguy cơ nhập viện và tử vong do Covid-19 khi chúng được sử dụng sớm nhất có thể ngay sau khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của bệnh. Cụ thể, thuốc Molnupiravir, có tên thương mại là Lagevrio, giảm khoảng 30% nguy cơ tử vong hoặc nhập viện ở các bệnh nhân Covid-19, trong khi Paxlovid có thể giảm 89% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong ở những người trưởng thành dễ bị tổn thương.

Thuốc điều trị Covid-19 thử nghiệm Paxlovid của Pfizer có thể giúp giảm 89% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong. (Ảnh: Reuters)

Thuốc điều trị Covid-19 thử nghiệm Paxlovid của Pfizer có thể giúp giảm 89% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong. (Ảnh: Reuters)

Một loại thuốc kháng virus khác là Remdesivir do công ty dược phẩm sinh học Gilead Sciences (Mỹ) phát triển, được sử dụng dưới dạng truyền tĩnh mạch. Các nghiên cứu cho thấy, việc cho bệnh nhân dùng Remdesivir sớm sẽ rút ngắn được thời gian điều trị.

Thuốc kháng viêm
-------------------

Khi một người nhiễm Covid-19, cơ thể sẽ tiết ra một lượng lớn chất hóa học để cảnh báo về sự tấn công của virus. Cảnh báo này được gọi là viêm và đóng vai trò quan trọng trong việc huy động hệ miễn dịch để đẩy lùi Covid-19.

Tuy nhiên, nếu virus không bị loại bỏ sớm, tình trạng viêm có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát và cuối cùng sẽ làm tổn thương các cơ quan quan trọng như phổi. Chính tình trạng viêm quá mức này là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy hô hấp nặng và tử vong nhanh chóng ở bệnh nhân Covid-19.

Dexamethasone – một loại steroid kháng viêm đã tồn tại trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát – là loại thuốc đầu tiên được chứng minh là có thể cứu sống những người mắc Covid-19.

(Ảnh: Reuters)

(Ảnh: Reuters)

Thuốc này được dùng cho những người bị bệnh nặng, gặp khó khăn về hô hấp. Kết quả nghiên cứu của Trường đại học Oxford (Anh) cho thấy, Dexamethasone giúp giảm 1/5 nguy cơ tử vong đối với bệnh nhân thở oxy và 1/3 nguy cơ tử vong đối với bệnh nhân thở máy.

Điểm đáng chú ý là thuốc Dexamethasone có giá thành thấp và có thể mua ở các hiệu thuốc khắp nơi trên thế giới.

Một số loại thuốc kháng viêm khác cũng đã cho thấy hiệu quả trong việc giảm thiểu tỷ lệ tử vong do Covid-19, bao gồm thuốc Hydrocortisone. Ông Simon Stevens, người đứng đầu Cơ quan Y tế quốc gia (NHS) vùng England (Vương quốc Anh), gọi Hydrocortisone là “một vũ khí bổ sung vào kho vũ khí trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 trên toàn cầu”.

Thuốc Actemra có thành phần tocilizumab. (Ảnh: Reuters)

Thuốc Actemra có thành phần tocilizumab. (Ảnh: Reuters)

Bên cạnh đó còn có nhiều loại thuốc kháng viêm nhắm mục tiêu và tiên tiến hơn như TocilizumabSarilumab. Tocilizumab đã được sử dụng rộng rãi tại các bệnh viện ở Trung Quốc, Ấn Độ và Australia.

Những loại thuốc này cũng cho thấy hiệu quả trong điều trị bệnh nhân Covid-19, nhưng lại có giá thành đắt gấp 100 lần thuốc Dexamethasone, khiến cho việc sử dụng chúng vẫn còn hạn chế.

Liệu pháp kháng thể
-----------------------

Cách tiếp cận thứ ba trong điều trị Covid-19 là tiêm truyền cho người bệnh các kháng thể có thể tấn công virus. Những kháng thể này sẽ bám vào bề mặt của virus corona và đánh dấu chúng, qua đó giúp hệ miễn dịch của cơ thể phát hiện và tiêu diệt virus xâm nhập.

Cơ thể người tự tạo ra các kháng thể khi bị virus corona tấn công. Những kháng thể hiệu quả nhất trong số này đã được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, được phát triển và cung cấp cho bệnh nhân. Đây được gọi là liệu pháp kháng thể đơn dòng.

Phương pháp điều trị này thường dành cho những bệnh nhân với triệu chứng nặng và đang chật vật trong việc tạo ra kháng thể của riêng mình.

Ronapreve được biết đến với tên gọi Regen-Cov tại Mỹ. (Ảnh: Shutterstock)

Ronapreve được biết đến với tên gọi Regen-Cov tại Mỹ. (Ảnh: Shutterstock)

Theo các kết quả thử nghiệm, kháng thể đơn dòng Ronapreve do hãng dược Thụy Sĩ Roche và công ty công nghệ sinh học Mỹ Regeneron hợp tác phát triển có thể giảm thời gian nằm viện và nguy cơ tử vong.

Trong khi đó, một loại khác là Sotrovimab – đồng phát triển bởi hãng dược GlaxoSmithKline (GSK - Anh) và Vir Biotechnology (Mỹ) – có thể giúp giảm 79% tỷ lệ nhập viện và tử vong ở những người trưởng thành có nguy cơ cao.

Ngoài ra, hỗn hợp kháng thể Evusheld (gồm 2 kháng thể đơn dòng) của hãng AstraZeneca giúp giảm 77% nguy cơ triệu chứng bệnh trở nặng ở người mắc Covid-19. Đồng thời, thuốc này có thể giúp kéo dài thời gian tồn tại của các kháng thể trong cơ thể người từ vài tháng cho đến 1 năm.

Nhân tố tạo bước ngoặt

Trong thời gian vừa qua, một số hãng dược lớn đã công bố báo cáo khả quan về các cuộc thí nghiệm lâm sàng thuốc điều trị Covid-19. Điều này hứa hẹn làm thay đổi cuộc chiến chống đại dịch vốn đã khiến hơn 5,3 triệu người trên toàn cầu tử vong.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia đã quyết định bổ sung các loại thuốc điều trị vào “kho vũ khí” chống dịch của mình, với hy vọng sớm có thể sống chung an toàn với Covid-19.

Cuộc đua tiếp cận thuốc điều trị

Với phương châm sử dụng thuốc càng sớm thì cơ hội thành công càng cao, nhiều quốc gia trên thế giới đã chủ động đặt mua thuốc điều trị của các hãng dược phẩm như Pfizer, Merck và AstraZeneca để phục vụ cuộc chiến chống dịch trong nước cũng như lộ trình sống chung an toàn với Covid-19.

Trụ sở của Merck & Co tại bang New Jersey, Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Văn phòng của Pfizer tại Brussels, Bỉ. (Ảnh: Reuters)

Trụ sở của Merck & Co tại bang New Jersey, Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Văn phòng của Pfizer tại Brussels, Bỉ. (Ảnh: Reuters)

Tính đến ngày 18/11, Merck đã ký thỏa thuận bán hơn 6 triệu liệu trình thuốc Molnupiravir, trong đó Mỹ đặt mua 3,1 triệu liệu trình với giá 2,2 tỷ USD. Số tiền này có nghĩa là 1 liệu trình 5 ngày dùng Molnupiravir có giá khoảng 700 USD.

Tuy nhiên, Merck cho biết công ty này có thể cấp phép sản xuất tại nhiều quốc gia trên thế giới để các nước có thể mua loại thuốc này với giá rẻ hơn.


Pfizer hiện chưa đưa ra mức giá cụ thể cho thuốc Paxlovid nhưng cam kết mức giá phải chăng và dựa trên khả năng chi trả của từng quốc gia. Các quốc gia có thu nhập thấp hơn sẽ được ưu đãi giá không vì lợi nhuận.

Hãng này cho biết, chính phủ Mỹ sẽ thanh toán gần 5,3 tỷ USD để mua 10 triệu liệu trình thuốc kháng virus Paxlovid. Giá tiền mỗi liệu trình thuốc của Pfizer là 530 USD, thấp hơn 25% mức 700 USD chi trả cho mỗi liệu trình Molnupiravir của Merck.


Cùng với các hợp đồng đặt mua từ một số nước, cả Pfizer và Merck đều cam kết mở rộng cánh cửa để các quốc gia có mức thu nhập trung bình và thấp có thể tiếp cận nguồn thuốc điều trị Covid-19.

Ngày 16/11, hãng dược Pfizer đã công bố một thỏa thuận với Quỹ Sáng chế dược phẩm chung (Medecines Patent Pool - MPP) - một tổ chức được Liên hợp quốc hậu thuẫn, về việc cung ứng thuốc điều trị Covid-19 dạng uống với giá hợp lý cho các quốc gia nghèo hơn trên thế giới.

Sản xuất thuốc kháng virus Paxlovid của Pfizer tại Freiburg, Đức, tháng 11/2021. (Ảnh: The New York Times)

Sản xuất thuốc kháng virus Paxlovid của Pfizer tại Freiburg, Đức, tháng 11/2021. (Ảnh: The New York Times)

Theo đó, Pfizer sẽ cấp quyền sản xuất thuốc generic của Paxlovid (chứa phối hợp PF-07321332 và Ritonavir) cho MPP để tổ chức này cấp phép cho các hãng dược. Thỏa thuận trên sẽ cho phép 95 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, vốn chiếm tới 53% dân số thế giới, tiếp cận được với thuốc điều trị Covid-19 với giá rẻ. Thuốc generic là bản sao của thuốc biệt dược với thành phần hoạt chất tương tự nhau.

Theo bản thỏa thuận, Pfizer sẽ không nhận tiền bản quyền trong giá bán thuốc ở các quốc gia có thu nhập thấp và sẽ miễn tiền bản quyền cho doanh số bán hàng ở tất cả các quốc gia có trong thỏa thuận chừng nào Covid-19 vẫn được WHO phân loại là tình trạng y tế khẩn cấp đáng lo ngại.

Ngoài Pfizer, hãng dược Merck của Mỹ cũng đạt được thỏa thuận tương tự với MPP, cho phép các nước nghèo trên thế giới được tiếp cận với thuốc generic của thuốc kháng virus Molnupiravir đang được hãng thử nghiệm.

Theo kế hoạch, Pfizer sẽ xuất xưởng 180 nghìn liệu trình Paxlovid trong năm nay và cung cấp ra thị trường thêm ít nhất 80 triệu liệu trình nữa vào năm 2022. Trong khi đó, Merck đặt mục tiêu sản xuất 10 triệu liệu trình thuốc Molnupiravir trong năm nay và ít nhất 20 triệu liệu trình trong năm sau.

Việt Nam không nằm ngoài cuộc đua toàn cầu

Với hiệu quả điều trị bệnh nhân Covid-19 trên thế giới được chứng minh thực tế, Việt Nam đã nỗ lực tiếp cận và đưa vào sử dụng nhiều loại thuốc trong điều trị bệnh nhân Covid-19.

Về thuốc ức chế sự nhân lên của virus, chúng ta đã đưa về các sản phẩm Molnupiravir, Remdesivir, Favipiravir... Ngoài ra, Việt Nam cũng tiếp cận với thuốc kháng thể kép.

Các thuốc hỗ trợ khác như thuốc ức chế phản ứng miễn dịch (Chất ức chế Interleukin-6, Baricitinib), thuốc chống đông, kháng sinh, kháng nấm, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền (Xuyên tâm liên) cũng được đưa vào phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19…

Thuốc kháng virus Molnupiravir hiện chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Việc sử dụng thuốc Molnupiravir hiện nay tại Việt Nam được tiến hành thông qua hình thức nghiên cứu tại cộng đồng trong khuôn khổ Chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát chặt chẽ. Dựa trên kết quả đánh giá giữa kỳ thử nghiệm tại Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Phổi Trung ương, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho thấy tính an toàn và hiệu quả thuốc, Bộ Y tế đã cho phép triển khai Chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát Molnupiravir cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ tại cộng đồng tại TP Hồ Chí Minh từ giữa tháng 8/2021.

Hiện thuốc đã được phân bổ hơn 300.000 liều điều trị cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ, mở rộng triển khai tại 46 địa phương có dịch trong toàn quốc. Việc triển khai chương trình tuân thủ các đề cương nghiên cứu khoa học, chặt chẽ đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia thẩm định, chấp thuận và được Bộ Y tế phê duyệt và được theo dõi, kiểm soát, ghi nhận, đánh giá và tổng kết bởi các chuyên gia, cán bộ, nhân viên y tế.

Theo đại diện Bộ Y tế, các kết quả báo cáo giữa kỳ của chương trình điều trị thuốc Molupiravir tại 22 tỉnh/thành phố cho thấy thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị với tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 5 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 từ 72,1% đến 99,1%; tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 14 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 gần 100%; tỷ lệ chuyển nặng rất thấp từ 0,02%-0,06% và không có ca nào dẫn đến tử vong.

Khi thuốc này được cấp phép hoặc được hướng dẫn của cơ quan chuyên môn của thế giới và trong nước, hy vọng thuốc được đưa về đầy đủ sẽ góp phần điều trị cho bệnh nhân trong nước và giảm thiểu tử vong. “Hiện thuốc đang đưa về và đã cấp xuống cơ sở; có loại đang thử nghiệm nghiên cứu, kết thúc đợt nghiên cứu Bộ Y tế mới cấp giấy phép”, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết.

Tính đến cuối tháng 12, Việt Nam hiện có khoảng 10 doanh nghiệp trong nước nộp hồ sơ đăng ký thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir có năng lực sản xuất ít nhất 1 triệu liều/ngày.

Do trong nước hiện chưa có thuốc Molnupiravir được cấp số đăng ký lưu hành nên Bộ Y tế đang xem xét các vấn đề về pháp lý, chuyên môn để đề xuất, trình Chính phủ chấp thuận cấp số đăng ký lưu hành thuốc kháng virus này trong tình huống phòng chống dịch khẩn cấp, với một số điều khoản về hồ sơ được rút gọn nhưng vẫn bảo đảm về an toàn và hiệu quả.

Nếu được Chính phủ cho phép, Bộ Y tế sẽ cấp số đăng ký lưu hành thuốc trên cho các công ty dược trong nước sản xuất, chấp nhận cắt giảm một số yêu cầu về hồ sơ thử nghiệm lâm sàng, để chúng ta sớm chủ động được nhu cầu thuốc chứa Molnupiravir trong nước, phục vụ cho công tác phòng, chống dịch.

Các nhà khoa học Viện Công nghệ Sinh học nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19 từ thảo dược Việt Nam. (Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cung cấp)

Các nhà khoa học Viện Công nghệ Sinh học nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19 từ thảo dược Việt Nam. (Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cung cấp)

Về công tác sản xuất trong nước, hiện Việt Nam đã có một sản phẩm thuốc điều trị đưa vào thử nghiệm lâm sàng có tên Vipdervir của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì. Sản phẩm có nguồn gốc hoàn toàn từ các dược liệu tại Việt Nam an toàn và có tác dụng ức chế phát triển virus H5N1 và virus SARS-CoV-2. Tháng 8/2021, Việt Nam công bố đã hoàn thành giai đoạn nghiên cứu tiền lâm sàng. Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia, Bộ Y tế đã phê duyệt đề cương cho thử lâm sàng để đánh giá tác dụng trong điều trị bệnh Covid-19.

Chúng ta cũng đang có triển vọng tiếp cận các tập đoàn dược phẩm lớn trên thế giới để xin nhượng quyền tự nguyện sản xuất thuốc điều trị như thuốc kháng virus Molnupiravir và thuốc Paxlovid của Tập đoàn dược phẩm MSD của Mỹ và Công ty Pfizer.

Tư vấn, cấp phát gói thuốc điều trị cho F0 cách ly, điều trị tại nhà. (Ảnh: HCDC)

Tư vấn, cấp phát gói thuốc điều trị cho F0 cách ly, điều trị tại nhà. (Ảnh: HCDC)

Các doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng, nhưng hiện nay vẫn đang vướng ở khâu thủ tục cấp phép sản xuất. Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia yêu cầu Bộ Y tế cần khẩn trương hoàn thành các thủ tục cấp phép sản xuất để sớm đưa thuốc kháng virus thành phổ biến, người dân được dễ dàng tiếp cận thuận lợi.

Chính phủ yêu cầu ngành y tế phải bảo đảm không được thiếu thuốc điều trị, nhưng hiện nay, tình trạng thiếu thuốc diễn ra ở mọi tầng điều trị tại nhiều địa phương. Theo một chuyên gia đầu ngành về hồi sức tích cực, hiện có rất nhiều thuốc cực kỳ quan trọng cho hồi sức như thuốc chống đông, thuốc an thần giãn cơ, thuốc dịch lọc cho bệnh suy thận khẩn cấp, thuốc kháng thể đơn dòng… thiếu trầm trọng. Ngay cả những loại thuốc đang được nghiên cứu thí điểm như Molnupiravir hiện có con số rất nhỏ giọt trong khi số ca nhiễm mỗi ngày tăng hàng chục nghìn. Vì vậy, nếu không tăng tốc để tiếp cận nguồn thuốc và tự chủ thuốc điều trị Covid-19 trong nước, Việt Nam sẽ khó giữ được mặt trận điều trị không bị “thủng lưới”, giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong khi F0 không được điều trị thuốc từ sớm.

Cuộc đua nghiên cứu, phát triển và tiếp cận thuốc điều trị Covid-19 trên toàn cầu vẫn đang nóng lên từng ngày. Các nhà khoa học nhấn mạnh, có thuốc điều trị rồi không có nghĩa là chúng ta không cần tiêm vaccine. Sự kết hợp cả phòng bệnh và chữa bệnh sẽ giúp thế giới sớm vượt qua đại dịch và quay lại cuộc sống bình thường. Thế nhưng ngay từ bây giờ vẫn còn có sự bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine ngừa Covid-19, thì có lẽ sẽ cần có thêm nhiều cam kết để bảo đảm khi có thuốc điều trị trên thị trường, những nước nghèo và cần thiết nhất sẽ nhận được công cụ hữu ích này.

Ngày xuất bản: 3/1/2022
Chỉ đạo thực hiện: VIỆT ANH
Tổ chức thực hiện: THẢO LÊ
Nội dung: VĂN TOẢN, THIÊN LAM
Trình bày: VĂN TOẢN
Ảnh và dữ liệu: Reuters, New York Times, Bộ Y tế, TTXVN