Trong Bảng đánh giá Top 121 Thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới của Tổ chức Brand Finance, Thương hiệu quốc gia Việt Nam luôn được xếp ở nửa trên và có mức thăng hạng đều qua các năm. Năm 2023, Thương hiệu quốc gia Việt Nam được xếp ở vị trí thứ 33/121. Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc phỏng vấn đồng chí NGUYỄN HỒNG DIÊN, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Công thương về những nỗ lực để có được sự thăng hạng này.
Phóng viên: Xin Bộ trưởng đánh giá về tác động của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam sau 20 năm triển khai mạnh mẽ? Chương trình này đã đóng góp như thế nào cho mục tiêu xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam?
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam là Chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn của Chính phủ, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003, trong đó giao Bộ Công thương là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp tổ chức thực hiện, với mục tiêu phát triển Thương hiệu quốc gia thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển các thương hiệu mạnh trong nền kinh tế để quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Ngày 8/10/2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1320/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030 với những mục tiêu cụ thể cho giai đoạn này và Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg ban hành Quy chế xây dựng, quản lý, thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành có liên quan giao các bộ/ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng căn cứ chức năng nhiệm vụ, phối hợp với Bộ Công thương triển khai các chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu ngành hàng phù hợp chiến lược xuất nhập khẩu hoặc chiến lược phát triển ngành hàng từng thời kỳ, định hướng và mục tiêu của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Trải qua 20 năm, với sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp, cùng với sự đồng hành của các cơ quan thông tấn, báo chí, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt được một số các kết quả tích cực:
Thứ nhất, nhận thức về ý nghĩa, vai trò và sự cần thiết của xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu của các cấp, các ngành, các địa phương, của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội đã được nâng cao rõ rệt.
Điều này thể hiện qua số lượng doanh nghiệp, người dân quan tâm Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, thông qua việc tham gia, tương tác với các hoạt động cụ thể của Chương trình tăng đều qua các năm.
Đến năm 2022, kỳ xét chọn lần thứ 8, đã có 172 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, tăng gần sáu lần so với năm 2008 - là năm đầu tiên Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam tổ chức việc xét chọn doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Với sự hỗ trợ của Chương trình Thương hiệu quốc gia, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu nên đã đầu tư nghiêm túc cho xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm và thương hiệu của doanh nghiệp.
Kết quả là, trong Top 50 Thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam năm 2022, có sự góp mặt của rất nhiều doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Nếu như năm 2018 mới có 14 doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam nằm trong Top 50, chiếm tỷ trọng 28% thì sau 5 năm con số này đã tăng lên 21 doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng 42%.
Đặc biệt, trong top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng mạnh từ 20% năm 2018 lên tới 69,8% năm 2023.
Thứ hai, nhiều thương hiệu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đã mang tầm vóc thế giới. Về thương hiệu sản phẩm, Viettel là doanh nghiệp Việt duy nhất lọt trong “Bảng xếp hạng Top 500 thương hiệu giá trị nhất thế giới 2023” (Global 500) và đứng ở vị trí 234. Ngoài ra, Viettel tiếp tục duy trì vị trí số 1 về thương hiệu viễn thông tại Đông Nam Á và nằm trong top 3 thương hiệu giá trị nhất khu vực.
Vinamilk tiếp tục duy trì thứ hạng 6 trong top 10 thương hiệu sữa giá trị nhất toàn cầu và top 2 thương hiệu mạnh toàn cầu của ngành sữa theo xếp hạng của Brand Finance.
Về thương hiệu ngành hàng, không thể phủ nhận Việt Nam hiện có nhiều sản phẩm nông sản đã khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế (đã xuất hiện tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ), như: Hạt tiêu đứng thứ 1; gạo, cà-phê, sắn đứng thứ 2; thủy sản đứng thứ 5; chè đứng thứ 7... và các sản phẩm khác như sầu riêng, thanh long, cam, bưởi... cũng là những sản phẩm tiềm năng có lợi thế, nhưng gần đây mới đang được quan tâm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng và phát triển thương hiệu ở thị trường nước ngoài.
Thứ ba, giá trị, vị thế của Thương hiệu quốc gia Việt Nam và các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng đều qua các năm.
Các hoạt động xây dựng, phát triển thương hiệu với nòng cốt là Chương trình Thương hiệu quốc gia đã đóng góp tích cực trong việc đẩy mạnh giá trị thương hiệu Việt Nam trong những năm qua.
Không phải ngẫu nhiên, Brand Finance - tổ chức định giá Thương hiệu quốc gia có trụ sở tại Anh - lại đánh giá Việt Nam rất tích cực trong xây dựng, phát triển Thương hiệu quốc gia toàn cầu.
Theo đánh giá của Tổ chức này, bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và xung đột chính trị trên thế giới, Thương hiệu quốc gia Việt Nam là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới, với mức tăng 74% trong giai đoạn 2019-2022.
Đó là kết quả từ những nỗ lực của Chính phủ trong cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh xuất, nhập khẩu, hỗ trợ thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp.
Đồng thời, cũng là sự khẳng định vị thế hàng đầu vững chắc của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng cao, cả về lợi nhuận và doanh thu, giữ vững thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu, dù gặp phải không ít khó khăn, thách thức trong thời gian qua.
Phóng viên: Từ những kết quả đã đạt được, xin Bộ trưởng cho biết định hướng thời gian tới của Chương trình Thương hiệu quốc gia sẽ có những điểm đột phá mới nào để tiếp tục nâng tầm giá trị của các thương hiệu Việt?
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Căn cứ vào mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể mà Thủ tướng Chính phủ đã giao trong Quyết định số 1320/QĐ-TTg ngày 8/10/2020 phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam giai đoạn 2020 đến năm 2030, định hướng trong thời gian tới Bộ Công thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các hoạt động chính gồm:
Thứ nhất, thực hiện thật tốt kỳ xét chọn lần thứ 9 các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm 2024 và sẽ tổ chức Lễ công bố trong quý IV/2024.
Thứ hai, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc xây dựng và phát triển thương hiệu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là cấp lãnh đạo doanh nghiệp.
Qua đó, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế và giá trị vô hình, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Phát triển kinh tế xanh trở thành luật chơi mới, không còn là hoạt động “vui thích thì làm”. Muốn không bị loại khỏi “cuộc chơi” bởi các tiêu chuẩn ngày càng cao do các thị trường nhập khẩu đặt ra, việc xây dựng “Thương hiệu quốc gia Việt Nam Xanh” trở nên rất quan trọng và cần thiết.
Qua đó, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế và giá trị vô hình, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ ba, tăng cường các hoạt động nâng cao năng lực xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu cho các doanh nghiệp, đặc biệt là đáp ứng hệ thống tiêu chí của Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Thứ tư, tập trung các hoạt động tuyên truyền, quảng bá Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, đặc biệt là ở thị trường ngoài nước và đối với các sản phẩm xuất khẩu tiềm năng.
Ngoài ra, sẽ phát động, kêu gọi sự tham gia đồng hành của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong việc cùng chung tay phát triển Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đúng với ý nghĩa, tầm vóc là chương trình của Chính phủ, vì một Việt Nam hùng cường với những thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp có giá trị.
Phóng viên: Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2023 đã được tổ chức với chủ đề “Định vị Thương hiệu quốc gia Việt Nam Xanh”. Xin Bộ trưởng cho biết các bước để hiện thực hóa mục tiêu này?
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu rộng vào sân chơi quốc tế, nhiều thị trường phát triển đã quan tâm nhiều hơn đến thúc đẩy phát triển thương mại gắn với phát triển xanh, phát triển bền vững.
Vì thế, để làm được điều đó, trong thời gian qua, việc xây dựng “Thương hiệu quốc gia Việt Nam Xanh” đã được triển khai đồng bộ, nhất quán ở các cấp, ngành cụ thể như sau:
Thứ nhất là quan điểm, định hướng và chủ trương ở cấp cao nhất đều thể hiện Việt Nam đang đặt ra những mục tiêu phát triển cao, đó là đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao và đến năm 2050 giảm phát thải ròng carbon bằng 0.
Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tuyên bố và nêu quyết tâm của Chính phủ Việt Nam là đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cam kết và đóng góp của Việt Nam trong giải quyết những thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu và vấn đề môi trường.
Thứ hai là hiện thực hóa trong các cam kết quốc tế, Việt Nam quyết tâm xây dựng “Thương hiệu quốc gia Việt Nam Xanh” được thể hiện thông qua các cam kết về phát triển xanh, phát triển bền vững trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA)…
Theo đó, sản xuất xanh chính là yêu cầu tiên quyết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới bởi những hiệp định thương mại này đều có những quy định khắt khe về tiêu chí môi trường.
Nếu chúng ta xây dựng tốt “Thương hiệu quốc gia Việt Nam Xanh” thì sẽ là một cơ hội tốt để chúng ta tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do và đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu,…
Thứ ba là thể hiện trong Hệ thống tiêu chí lựa chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đưa ra rất khắt khe, nghiêm ngặt, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có được sự chuẩn bị rất kỹ càng cũng như lồng ghép được những ứng dụng mang tính đổi mới sáng tạo, đi theo các hướng công nghệ mới, công nghệ xanh, thân thiện với môi trường từ nguyên liệu đến máy móc thiết bị, đến sản phẩm và quy trình kinh doanh là thân thiện với môi trường...
Thứ tư là sự hưởng ứng và những nỗ lực của nhiều doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia nói riêng trong việc lấy sản xuất-đầu tư-kinh doanh “xanh” là chiến lược và lợi thế cạnh tranh. Điển hình như:
Tập đoàn TH đã ứng dụng mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững xuyên suốt tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh từ những ngày đầu thành lập, với một số thành tựu như: đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời trên các mái chuồng trại chăn nuôi bò sữa; quy trình sản xuất nước tinh khiết, xử lý nước thải nghiêm ngặt từ Nhật Bản; hay sản phẩm phụ và rác thải của quy trình này luôn trở thành nguyên liệu đầu vào tại một quy trình khác.
Vinamilk là đại diện duy nhất của Đông Nam Á nằm trong top 5 “Thương hiệu sữa có tính bền vững cao nhất toàn cầu” theo báo cáo của Brand Finance. Theo đó Brand Finance xếp hạng Vinamilk đứng thứ 5 trong top 10 về “Giá trị nhận thức về tính bền vững - SPV” với mức định lượng 253 triệu USD.
Tập đoàn Masan đã có nhiều hoạt động điển hình về phát triển bền vững như tập trung xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn loại A (tiêu chuẩn cao nhất Việt Nam) tại các nhà máy ở Bình Dương, Nghệ An và Hải Dương.
Tóm lại, việc xây dựng “Thương hiệu quốc gia Việt Nam Xanh” không chỉ được thể hiện ở quan điểm, chủ trương, định hướng, mà đã được thể hiện cụ thể trong các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, quy định thành hệ thống tiêu chí và được triển khai đồng bộ, nhất quán ở các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong cả nước.
- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Thực hiện: VIỆT HẢI
Trình bày: PHƯƠNG NAM