TRÒ CHUYỆN VỚI SĨ QUAN ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM LÀM VIỆC TẠI TRỤ SỞ LIÊN HỢP QUỐC
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống bộ đội, được rèn giũa và trưởng thành trong môi trường quân đội, dù ở cương vị nào, Thượng tá Lương Trường Vinh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trò chuyện với Thượng tá Lương Trường Vinh (Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam) để hiểu rõ hơn về công việc của các cán bộ, sĩ quan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Sĩ quan đầu tiên của Việt Nam làm việc tại Trụ sở Liên hợp quốc
Phóng viên: Thưa Thượng tá Lương Trường Vinh, là sĩ quan đầu tiên của Việt Nam được làm việc tại Trụ sở Liên hợp quốc (New York, Mỹ), hẳn anh còn nhớ cảm xúc khi nhận được thông báo trúng tuyển?
Thượng tá Lương Trường Vinh: Năm 2019, trước khi đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan, tôi được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng chọn tham gia ứng tuyển làm việc tại Trụ sở Liên hợp quốc. Theo quy định của Liên hợp quốc, tôi cần vượt qua các bước từ xét duyệt hồ sơ, thi viết, phỏng vấn trực tiếp... Tuy nhiên, sau khi phỏng vấn xong, Liên hợp quốc chưa thông báo kết quả ngay. Đến khi tôi đi Nam Sudan được gần 6 tháng thì mới nhận được thông báo chính thức.
Tôi vẫn còn nhớ cuộc điện thoại báo tin trúng tuyển đến đúng vào lúc tôi vừa kết thúc một chuyến tuần tra. Tôi rất bất ngờ và vinh dự khi được là sĩ quan đầu tiên trong lực lượng vũ trang của Việt Nam trúng tuyển và làm việc tại Trụ sở Liên hợp quốc.
Đối với tất cả những vị trí làm việc tại Trụ sở Liên hợp quốc hay là cán bộ thực địa, Liên hợp quốc đều đưa ra những tiêu chí cụ thể trong bản mô tả công việc, đó là yêu cầu về bằng cấp, số năm thâm niên công tác,... Tại thời điểm tôi ứng tuyển và làm việc, Liên hợp quốc nêu ba giá trị cốt lõi: một là tính chuyên nghiệp (năng lực, khả năng công tác); hai là phẩm chất, đạo đức, tính kỷ luật, liêm khiết, liêm chính; ba là tôn trọng sự đa dạng.
Sau khi vượt qua vòng xét tuyển hồ sơ, các ứng viên sẽ phải tham gia thi viết để Liên hợp quốc đánh giá kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ đồng thời kiểm tra khả năng về ngôn ngữ trong thời gian giới hạn. Vòng thi phỏng vấn là vòng thi cuối cùng và cũng là khó nhất khi ứng viên phải thể hiện được kinh nghiệm, khả năng của bản thân, cũng như sự nhạy bén, khả năng quản lý khủng hoảng, xử lý công việc trong thời gian gấp, khả năng làm việc việc nhóm, quan điểm về giới,... và phải là ứng viên vượt trội nhất trong số các ứng viên được phỏng vấn.
Phóng viên: Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về công việc của mình tại Trụ sở Liên hợp quốc?
Thượng tá Lương Trường Vinh: Đảm nhiệm vị trí sĩ quan kế hoạch nhân sự tại Phòng Tổ chức xây dựng lực lượng, nhiệm vụ chính của tôi là làm đầu mối làm việc của Văn phòng Quân sự, Cục Hoạt động hòa bình Liên hợp quốc, làm việc với phái đoàn thường trực các quốc gia cử quân mà trực tiếp là các cố vấn quân sự các nước tại Trụ sở Liên hợp quốc, các cơ quan chức năng trong Ban Thư ký Liên hợp quốc, và phái bộ thực địa, để tuyển chọn và triển khai các sĩ quan cá nhân (sĩ quan tham mưu quân sự, quan sát viên quân sự,...), các đơn vị quân đội tốt nhất, phù hợp nhất cho phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại thực địa (được giao phụ trách).
Tôi sang Trụ sở Liên hợp quốc vào đúng thời điểm sĩ quan phụ trách phái bộ MONUSCO (tại Cộng hòa Dân chủ Congo) kết thúc nhiệm kỳ cho nên tôi được giao đảm nhiệm luôn. Phái bộ MONUSCO thời điểm đó có khoảng 14.600 quân (bao gồm 600 sĩ quan cá nhân và 14.000 quân khối đơn vị), là phái bộ có trần quân số lớn nhất. Tôi có nhiệm vụ tuyển chọn, triển khai mới, luân chuyển/thay quân cho toàn lực lượng quân sự của phái bộ đó.
Khoảng nửa năm đầu tôi phụ trách Phái bộ MONUSCO, nhiệm vụ khó khăn, thách thức lớn nhất là thời điểm đó Phái bộ MONUSCO phải tái cấu trúc Lữ đoàn phản ứng nhanh. Quá trình tái cấu trúc rất phức tạp vì nó liên quan đến việc điều chỉnh tổ chức biên chế, giảm bớt một số loại hình đơn vị để tạo trần quân số, triển khai lực lượng/đơn vị mới.
Sau khi giúp lãnh đạo Văn phòng Quân sự, lãnh đạo Cục Hoạt động hòa bình Liên hợp quốc tái cấu trúc thành công Lữ đoàn phản ứng nhanh tại Phái bộ MONUSCO, tôi được giao nhiệm vụ sĩ quan điều phối của phòng kiêm phụ trách công tác nhân sự nội bộ. Trong đó, có nhiệm vụ tuyển chọn các sĩ quan cao cấp tại trụ sở Liên hợp quốc và hỗ trợ công tác tuyển chọn các vị trí lãnh đạo cao cấp ở Phái bộ. Ngoài ra, tôi còn tham gia soạn thảo những văn bản hoạch định chính sách của Liên hợp quốc như các hướng dẫn về quy trình, một số sổ tay tuyển chọn, triển khai lực lượng, phụ trách công tác trao nhận huy chương và công tác theo dõi, báo cáo quân số gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trên phạm vi toàn cầu,...
Phóng viên: Có lẽ lần đầu công tác trong môi trường quốc tế chuyên nghiệp sẽ có không ít thách thức. Anh có thể chia sẻ về một số khó khăn khi làm việc tại Trụ sở Liên hợp quốc?
Thượng tá Lương Trường Vinh: Năm 2020, đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát. Khi tôi làm nhiệm vụ tại Phái bộ Nam Sudan, từ tháng 4 đến tháng 6, một số sân bay đã bắt đầu hạn chế đi lại. Sau khi nhận thông báo trúng tuyển của Liên hợp quốc, tôi trở về nhà, nhưng sau đó chưa bay sang Mỹ ngay được vì sân bay phải đóng cửa. Khi tôi sang đến New York, dịch Covid-19 đã lan rộng, nhiều người dân ở đó không đeo khẩu trang cho nên mức độ lây lan rất nhanh.
Một năm đầu tôi làm việc tại Mỹ, tất cả mọi người đều làm việc từ xa nên tôi gặp khá nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, làm quen với công việc.
Thời điểm tôi phụ trách Phái bộ MONUSCO cũng là lúc Covid-19 bùng phát mạnh nhất, tất cả sân bay đều đóng cửa cho nên việc luân chuyển quân gặp rất nhiều khó khăn. Trước đó, thay quân của một tiểu đoàn bộ binh, khoảng 850 quân, thì mất chừng hai tuần, nhưng trong thời điểm Covid-19 lây lan mạnh thì phải mất đến hai tháng, thậm chí lâu hơn. Dù gặp nhiều khó khăn, song tôi vẫn thành công trong việc điều phối, tổ chức thay quân, bảo đảm lực lượng cho Phái bộ MONUSCO đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trong thời điểm này.
Đối với việc tuyển chọn sĩ quan biệt phái tại Trụ sở Liên hợp quốc, khó khăn trong việc tuyển chọn vào các vị trí tại Trụ sở là các quốc gia đều đã lựa chọn những sĩ quan xuất sắc để giới thiệu với Liên hợp quốc và tất cả hồ sơ đều đáp ứng được những tiêu chuẩn cơ bản, tuy nhiên, chỉ tiêu tuyển dụng rất hạn chế cho nên việc rà soát hồ sơ ban đầu cũng rất vất vả, khó khăn. Liên hợp quốc cần chọn đúng người, đúng chuyên môn, đúng vị trí và nhất là phải có sự ứng biến linh hoạt, có khả năng làm việc với cường độ công việc cao, xử lý công việc dưới áp lực về thời gian chứ không bắt buộc người phải có bằng cấp cao. Trong quá trình tuyển chọn, chúng tôi luôn phải đặt sự liêm chính và tính chuyên nghiệp lên hàng đầu.
Tuy nhiên, quá trình công tác của tôi cũng gặp nhiều thuận lợi. Là sĩ quan đầu tiên của Việt Nam làm việc tại Trụ sở Liên hợp quốc do đó tôi được các thủ trưởng, đồng nghiệp... rất quan tâm. Thủ trưởng Bộ quốc phòng, Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị và Thủ trưởng Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam tạo điều kiện hết mức và thường xuyên hỏi thăm tôi trong thực hiện công việc.
Hai lần làm nhiệm vụ quốc tế tại châu Phi
Phóng viên: Trước khi làm việc tại Trụ sở Liên hợp quốc, anh đã có hai lần làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại châu Phi. Hai nhiệm kỳ này đã để lại trong anh những kỷ niệm nào đáng nhớ?
Thượng tá Lương Trường Vinh: Năm 2016, tôi lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi (Phái bộ MINUSCA). Ấn tượng đầu tiên là con đường từ sân bay vào trụ sở rất hẹp, đi qua khu chợ "chiến binh" (Combattant Market) - nơi mà tình hình an ninh rất phức tạp. Tôi cảm nhận rất rõ có sự thay đổi nhanh chóng trong môi trường an ninh ở đây. Tuy nhiên, trước đó tôi có thời gian công tác tại Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 147 và tại Quần đảo Trường Sa, Vùng 4 Hải Quân, tương đối lâu, thường xuyên được huấn luyện với súng đạn cho nên tôi bắt nhịp với môi trường công tác mới rất nhanh.
Song cũng có thời điểm khủng hoảng an ninh tại thủ đô Bangui, Cộng hòa Trung Phi, tình hình an ninh rất phức, thậm chí có những tình huống như đoàn xe của Liên hợp quốc cũng bị tấn công, Phái bộ phải cử lực lượng đến bảo vệ, hộ tống về Sở Chỉ huy. Tuy nhiên, trong chuyến công tác ngắn ngày đến Phái bộ MINUSCA vào năm 2018, tôi thấy tình hình an ninh ở đây đã tốt hơn rất nhiều.
Tại Phái bộ MINUSCA, tôi là sĩ quan tác chiến tổng hợp tại Phòng Tác chiến, Sở Chỉ huy Quân sự Phái bộ. Nhiệm vụ hằng ngày là tổng hợp tất cả sự vụ của toàn bộ phái bộ, các phân khu, các tiểu đoàn bộ binh, các lực lượng, sau đó tổng hợp báo cáo tình hình của toàn phái bộ lên các lãnh đạo Phái bộ, Phòng Tác chiến tại Trụ sở Liên hợp quốc để lãnh đạo, chỉ huy các cấp nắm tình hình và có chỉ đạo xử lý tình huống kịp thời.
Về cơ bản, trong nhiệm kỳ đầu tiên này, tôi chủ yếu làm việc trong phòng Sở Chỉ huy. Tuy nhiên, hằng ngày tôi phải xử lý khối lượng công việc lớn, với hàng trăm trang báo cáo tình hình của tất cả các lực lượng trong toàn phái bộ, trong đó nhiều báo cáo viết bằng tiếng Pháp. Tôi phải sàng lọc và viết báo cáo rất ngắn gọn, đầy đủ với ngôn ngữ dễ hiểu nhất và nhất là phải có sự xác minh, kiểm chứng với thông tin chính xác nhất, trong thời gian nhanh nhất.
Còn khi công tác tại Nam Sudan (Phái bộ UNMISS), tôi làm nhiệm vụ quan sát viên quân sự. Hằng ngày, tôi đi tuần tra tại các địa bàn khác nhau, gặp trực tiếp người dân, người dân tị nạn, rồi các lãnh đạo nhóm phiến quân, trực tiếp gặp lượng vũ trang của nước chủ nhà…
Có lần tôi được giao phụ trách nhóm Quan sát viên quân sự ở tiểu bang Yei, đến để kết nối làm việc giữa Tư lệnh Quân sự với lãnh đạo nhóm vũ trang đối lập. Khi đoàn chúng tôi đến thì chỉ có hai quan sát viên quân sự và một trung đội bộ binh đi theo hộ tống. Đến nơi, họ bố trí lực lượng rất đông với hàng trăm chiến binh để gây áp đảo tinh thần và phô trương lực lượng: súng ống, quân lính, lực lượng vũ trang chạy rầm rập chung quanh để gây áp chế về mặt tinh thần.
Báo cáo nhanh Tư lệnh Quân sự Phái bộ UNMISS trước khi làm việc với lãnh đạo lực lượng đối lập. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Báo cáo nhanh Tư lệnh Quân sự Phái bộ UNMISS trước khi làm việc với lãnh đạo lực lượng đối lập. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Đây đều là những tình huống đã nằm trong chương trình huấn luyện, cho nên chúng tôi đã làm việc với họ một cách bình tĩnh và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, có tình huống phát sinh, do điều kiện thời tiết, trực thăng của Tư lệnh Quân sự không đến được cho nên lãnh đạo của lực lượng đối lập tỏ ra bức xúc. Tôi đã điện về Sở Chỉ huy, nhưng khi xe đi ra xa khỏi trung tâm thì không thể kết nối sóng vô tuyến, điện thoại vệ tinh cũng rất khó mới có thể liên lạc được. Phải mất nhiều giờ chúng tôi mới có thể kết nối với Sở Chỉ huy và được yêu cầu rời buổi làm việc sang ngày hôm sau.
Tôi lại tiếp tục thuyết phục lãnh đạo lực lượng đối lập để họ đồng ý rời buổi đàm phán sang hôm sau. Tối đó, cả Đoàn tuần tra (tiền trạm) của chúng tôi phải lùi lại phía sau trong phạm vi an toàn cho phép và trú quân bên ngoài để sáng hôm sau đón trực thăng của Tư lệnh Quân sự. Cuộc gặp sau đó đã diễn ra thành công và an toàn.
Phóng viên: Anh có cho rằng hai nhiệm kỳ công tác ở châu Phi chính là bước đệm giúp anh trúng tuyển vào làm việc tại Trụ sở Liên hợp quốc?
Thượng tá Lương Trường Vinh: Hai chuyến công tác đó thật sự rất bổ ích! Tại Trụ sở Liên hợp quốc, tôi tham gia tuyển chọn những sĩ quan quan sát viên quân sự và sĩ quan tham mưu quân sự, đây đều là các vị trí tôi từng đảm nhiệm cho nên tôi rất hiểu yêu cầu đặt ra và dễ nhìn thấy những sĩ quan phù hợp nhất.
Trong thời gian công tác 4 năm ở Trụ sở Liên hợp quốc, tôi đọc đến hàng nghìn hồ sơ cho nên đến bây giờ, chỉ cần nhìn một hồ sơ là tôi có thể biết sĩ quan đó có phù hợp với vị trí không.
Bên cạnh đó, thời gian tôi công tác ở đơn vị tương đối lâu - 12 năm - do đó khi làm việc tại Trụ sở Liên hợp quốc, tôi không bỡ ngỡ nhiều. Các nội dung liên quan tổ chức biên chế, cơ cấu chỉ huy, kể cả về vũ khí, trang thiết bị… gần như đều nằm trong các kiến thức, kinh nghiệm tôi đã tích lũy. Những kinh nghiệm và kiến thức thức này giúp tôi rất nhiều trong việc tuyển chọn và triển khai các đơn vị quân đội tại các phái bộ thực địa, nhất là những lần tôi được giao Trưởng đoàn kiểm tra đánh giá và tư vấn (AAV), kiểm tra tiền triển khai (PDV) đến các quốc gia cử quân tiềm năng.
Phóng viên: Lắng nghe anh chia sẻ, tôi có cảm nhận rằng dường như những lần anh lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình quốc tế... thật nhẹ nhàng! Phải chăng những năm tháng rèn luyện tại Trường Sa đã giúp anh có được ý chí, nghị lực mạnh mẽ như vậy?
Thượng tá Lương Trường Vinh: Vâng, đúng như vậy. Thời gian công tác tại Trường Sa đã giúp tôi rèn luyện được ý chí, nghị lực mạnh mẽ hơn, sẵn sàng đón nhận những thử thách mới và điềm tĩnh hơn trước mọi tình huống. Trước khi công tác tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, tôi đã có 12 năm ở đơn vị Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 147 và có ba năm công tác ở Quần đảo Trường Sa. Trong thời gian tôi công tác ở đơn vị, cứ một, hai tháng tôi mới được về nhà một lần. Khi công tác tại Trường Sa thì phải hơn một năm tôi mới được về với gia đình. Xa nhà nhiều cũng thành thói quen.
Các bạn hình dung ở Trường Sa gần 20 năm trước, mọi thứ còn tương đối khó khăn. Đặc biệt vào cuối năm, sóng gió mang hơi muối vào, gần như tất cả các cây rau bị cháy hết, thậm chí cả lá bàng vuông, lá tra rất dày cũng bị cháy vàng.
Có những thời điểm sóng đánh mang theo cát vào trong bờ kè, bộ đội thường xuyên phải xúc cát ra để bảo đảm công sự luôn sẵn sàng chiến đấu. Có khi, chỉ trong một buổi sáng một người xúc hết 8-10 khối cát. Cứ xúc ra sóng lại đánh vào, rồi lại xúc ra... Thời gian đó không chỉ giúp tôi rèn luyện về thể lực mà còn cả về ý chí, cho nên sau này tôi đón nhận những chuyến công tác bình thản và dễ dàng hơn.
Thời gian công tác tại Trường Sa đã giúp tôi rèn luyện được ý chí, nghị lực mạnh mẽ hơn, sẵn sàng đón nhận những thử thách mới và điềm tĩnh hơn trước mọi tình huống.
Thượng tá Lương Trường Vinh
Những góc nhìn về Tổ quốc
Phóng viên: Khi đứng giữa Trường Sa, anh đã nhìn Tổ quốc từ nơi đầu sóng ngọn gió. Còn khi thực hiện nhiệm vụ tại châu Phi, anh có cơ hội nhìn về Tổ quốc từ các điểm nóng xung đột. Vậy anh có những suy nghĩ, cảm nhận gì về Tổ quốc sau những trải nghiệm đó?
Thượng tá Lương Trường Vinh: Tôi ra Trường Sa vào năm 2005, lúc đó tôi mới là Trung úy. Khi tiếng còi tàu chào đất liền, chào bờ vang lên, tất cả các thành viên trên tàu cũng như những người đứng tiễn tại cầu cảng đều xúc động và cảm nhận được sự thiêng liêng của đất mẹ - tôi vẫn nhớ như in cảm giác đó.
Còn khi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại châu Phi, tôi đã chủ động tìm hiểu và nghiên cứu về nơi mình sẽ đến làm nhiệm vụ. Tôi nhận ra rằng Cộng hòa Trung Phi giành được độc lập từ năm 1960, nhưng rồi đất nước của họ chìm trong các cuộc nội chiến, xung đột liên miên. Họ có diện tích rộng hơn 600.000km2, nguồn tài nguyên dồi dào, dân số chỉ khoảng 5 triệu người, nhưng đất nước vẫn nghèo nàn. Nhìn vào những số liệu này chúng ta có thể thấy rõ là xung đột gây ra những hậu quả lớn thế nào. Việt Nam có diện tích đồi núi là chủ yếu, nguồn tài nguyên không nhiều, dân số lên tới cả trăm triệu người, nhưng chúng ta vẫn có được cuộc sống ấm no, hòa bình như hiện nay. Đây là điều thật đáng tự hào và trân trọng!
Đến khi làm việc tại Trụ sở Liên hợp quốc, tôi được nghe nhiều người nói đây là lần đầu tiên họ thấy sĩ quan Việt Nam tại Trụ sở. Do đó, tôi cảm thấy vui và tự hào vì mình đã góp phần đem hình ảnh sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đến Trụ sở Liên hợp quốc.
Trong quá trình làm việc, tôi thường xuyên trao đổi với các lãnh đạo phái đoàn thường trực của Việt Nam tại New York, mọi người có nhận định chung là vị thế và hình ảnh của Việt Nam đã được nâng tầm trong những năm vừa qua. Trong đó, việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cũng góp phần nâng cao đáng kể vị trí và hình ảnh của đất nước chúng ta.
Việc Việt Nam cử các sĩ quan tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã góp phần mang hình ảnh Việt Nam bằng con người thật chứ không phải thông qua hình ảnh, sách truyện... đến với người dân bản địa và bạn bè quốc tế.
Thượng tá Lương Trường Vinh
Phóng viên: Được biết công việc hiện tại của anh tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam là làm công tác địa bàn, chia sẻ những kinh nghiệm tác chiến, đồng thời tham gia huấn luyện các sĩ quan chuẩn bị nhận nhiệm vụ tại các phái bộ, tham mưu phát triển lực lượng gìn giữ hòa bình. Anh có đánh giá như thế nào về lực lượng sĩ quan trẻ của Việt Nam tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình?
Thượng tá Lương Trường Vinh: Tôi đã có một thời gian dài từ năm 2003 đến 2015 trực tiếp tham gia quản lý các chiến sĩ. Thế hệ chiến sĩ trẻ ngày nay có đặc điểm là họ có thể lực tốt hơn, chiều cao, cân nặng vượt trội hơn so với các thế hệ trước, đặc biệt là được tiếp cận công nghệ từ sớm.
Lực lượng sĩ quan trẻ của Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc thể hiện được sự năng động, sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở những quốc gia có điều kiện sống và làm việc rất khó khăn. Tôi nghĩ rằng, việc tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là một cơ hội rất tốt để đối tượng sĩ quan trẻ của Việt Nam có điều kiện tiếp xúc với môi trường làm việc đa quốc gia, rèn luyện ngoại ngữ. Từ năm 2014, khi Việt Nam lần đầu tiên cử hai sĩ quan tham gia gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan, đến nay chúng ta đã cử hơn 1.100 lượt cán bộ, sĩ quan tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại các phái bộ ở Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan và khu vực Abyei.
Từ góc nhìn của một sĩ quan đang công tác tại Cục Gìn giữ hòa bình, tôi nhận thấy việc tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, bên cạnh phục vụ công tác đối ngoại, nâng cao vị thế của Việt Nam, còn tạo môi trường rất tốt để các sĩ quan chỉ huy đơn vị của ta tiếp thu và học tập kinh nghiệm trong thực tiễn. Ngay cả các quốc gia chưa từng trải qua chiến tranh hoặc được sống trong hòa bình lâu dài, họ cũng coi việc tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là một môi trường tốt để rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm.
Tham gia huấn luyện, chia sẻ kinh nghiệm với các sĩ quan trong các lớp huấn luyện tiền triển khai tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, tôi nhận thấy lực lượng sĩ quan của ta được tuyển chọn tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ngày càng đa dạng, nhất là có thêm các sĩ quan thuộc khối sĩ quan chỉ huy, sĩ quan tại đơn vị (sĩ quan lục quân, biên phòng, công binh, hải quân, cảnh sát biển, tăng thiết giáp,...) có trình độ ngoại ngữ tương đương với giáo viên tiếng Anh và sĩ quan khối kỹ thuật.
Trong tương lai không xa, từ 5 đến 10 năm tới, chắc chắn Việt Nam sẽ có thêm nhiều sĩ quan không chỉ giỏi về công tác chỉ huy tham mưu, kinh nghiệm quản lý đơn vị mà còn thông thạo ngoại ngữ và có kinh nghiệm về công tác đối ngoại quốc phòng.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Thượng tá Lương Trường Vinh. Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, kính chúc anh nhiều sức khỏe và thành công!
Ngày xuất bản: 22/12/2024
Tổ chức thực hiện: TRƯỜNG SƠN - HỒNG VÂN
Nội dung: THANH TRÀ - HOÀNG HÀ
Ảnh: THẾ ĐẠI, nhân vật cung cấp
Trình bày: NHÃ NAM