TIỂU SỬ
THƯỢNG TƯỚNG NGUYỄN HỮU AN
Đồng chí Nguyễn Hữu An, sinh ngày 9/10/1926, tại xã Trường Yên, huyện Gia Viễn (nay thuộc thành phố Hoa Lư), tỉnh Ninh Bình. Tháng 8 năm 1945, đồng chí Nguyễn Hữu An tình nguyện tham gia Giải phóng quân ở Yên Bái, được cử làm Tiểu đội trưởng. Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí Nguyễn Hữu An được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, trưởng thành từ một chiến sĩ đến Trung đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Hữu An đã tham gia và chỉ huy chiến đấu nhiều trận đánh quan trọng, góp phần làm nên chiến thắng: Bông Lau-Lũng Phầy, Đông Khê, Thất Khê, Mộc Châu, Bình Liêu... Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Nguyễn Hữu An mới 28 tuổi, chỉ huy Trung đoàn 174 tiến công tiêu diệt cứ điểm đồi Al, mở toang “cánh cửa thép”, để quân ta phát triển nhanh vào trung tâm Mường Thanh bắt tướng Đờ Cátxtơri, kết thúc thắng lợi chiến dịch.
Năm 1955, đồng chí Nguyễn Hữu An được bổ nhiệm làm Tham mưu phó Sư đoàn 316. Đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo, chỉ huy sư đoàn tiến hành chấn chỉnh, xây dựng lực lượng, ổn định tổ chức biên chế, trang bị, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đất nước. Tháng 6/1957, đồng chí được cử làm Tham mưu phó Quân khu Tây Bắc. Trên cương vị mới, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào việc xây dựng lực lượng vũ trang từ cấp quân khu đến các tỉnh, huyện góp phần bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Trước tình hình Mỹ leo thang chiến tranh, tháng 9/1964, đồng chí Nguyễn Hữu An vào Quân khu 4 nhận chức Tư lệnh Sư đoàn 325, rồi gấp rút chấn chỉnh lực lượng, bổ sung trang bị vào miền Nam chiến đấu. Vào đến Tây Nguyên, ông được bổ sung vào Đảng ủy mặt trận, đảm nhiệm trọng trách Phó Tư lệnh Mặt trận B3. Tháng 11/1965, ông trực tiếp chỉ huy trận Ia Đrăng tiêu diệt hoàn toàn 1 tiểu đoàn và làm thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn kỵ binh Mỹ - làm thay đổi cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Sau đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), đồng chí Nguyễn Hữu An được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Mặt trận B3 giao nhiệm vụ làm Tham mưu trưởng Mặt trận B3. Tháng 8/1968, theo lệnh triệu tập của Bộ Tổng Tư lệnh, đồng chí Nguyễn Hữu An cùng các đồng chí Hoàng Minh Thảo, Đặng Vũ Hiệp ra miền Bắc để báo cáo tình hình chiến trường. Tháng 10/1968, đồng chí Nguyễn Hữu An được bổ nhiệm chức Tham mưu trưởng Quân khu Hữu Ngạn. Nhưng chỉ hơn hai tháng sau (1/1969), do yêu cầu tăng cường cán bộ chỉ huy có kinh nghiệm tác chiến trên chiến trường cho các đơn vị chủ lực, đồng chí được điều về làm Tư lệnh Sư đoàn 308. Đầu tháng 2/1971, ngay khi địch vừa triển khai mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 ra đường 9 - Nam Lào Tư lệnh Nguyễn Hữu An lập tức chỉ huy sư đoàn hành quân bằng phương tiện cơ giới của Đoàn 559 hành quân cấp tốc vào chiến trường, cùng toàn mặt trận đập tan cuộc hành quân của địch.
Khi cuộc chiến đấu giữa ta và địch ở Quảng Trị diễn ra giằng co, quyết liệt, tháng 7/1972, đồng chí được điều vào nhằm giữ vững vùng giải phóng và thành cổ Quảng Trị. Từ giữa tháng 9/1972, ta chủ động rút khỏi Thành cổ Quảng Trị và vùng phụ cận. Đồng chí Nguyễn Hữu An được điều về làm Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Mặt trận Trị - Thiên, chỉ huy bộ đội chặn đứng các cuộc hành quân của địch như: Lam Sơn 72A, Sóng Thần 9, Sóng Thần 36, Sóng Thần 45 và Sóng Thần 18. Tháng 5/1974, đồng chí Nguyễn Hữu An được cử đi học ở Liên Xô. Đầu năm 1975, trở về nước đồng chí Nguyễn Hữu An được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân đoàn 2. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, dưới sự chỉ huy của ông, Quân đoàn 2 lần lượt giải phóng Huế, đập tan căn cứ liên hợp quân sự Đà Nẵng, sau đó đưa bộ đội hành quân “thần tốc” gần 1.000km để tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Từ năm 1977-1981, ông tiếp tục chỉ huy Quân đoàn 2 tham gia bảo vệ biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc. Sau đó, ông tiếp tục giữ các chức vụ quan trọng trong Quân đội như: Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng, quyền Tư lệnh Quân khu 2 (1984-1987); Giám đốc Học viện Lục quân (1988-1991); Giám đốc Học viện Quân sự cấp cao (tháng 12/1994 là Học viện Quốc phòng) (1991-1995).
Ghi nhận những công lao to lớn của đồng chí, Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: 1 Huân chương Độc lập hạng Nhất; 3 Huân chương Quân công (2 hạng Nhất, 1 hạng Ba); 3 Huân chương Chiến công (hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba), Huân chương Chiến thắng hạng Nhì, Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác.
CHIẾN CÔNG LÀM NÊN TÊN TUỔI
THƯỢNG TƯỚNG NGUYỄN HỮU AN
Năm 1964, Quân ủy Trung ương quyết định cử một số cán bộ có kinh nghiệm xây dựng lực lượng chủ lực và chỉ huy tác chiến vào Nam Bộ, Tây Nguyên và Khu 5. Tháng 9/1964, đồng chí Nguyễn Hữu An “tạm gác chuyến du học ở nước ngoài” được lệnh vào Quân khu 4 nhận chức Tư lệnh Sư đoàn 325, rồi gấp rút chấn chỉnh lực lượng, bổ sung trang bị vào miền Nam chiến đấu, quyết tâm đánh bại Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ-Sài Gòn. Tại chiến trường Tây Nguyên mới lạ, đầy khó khăn gian khổ thiếu thốn, Sư đoàn 325 hành quân vào đến nơi lại bị phân tán: Hai trung đoàn (95 và 18) được điều chuyển xuống Khu 5, chỉ còn Trung đoàn 101 ở lại Mặt trận Tây Nguyên (B3). Trên cương vị Phó Tư lệnh Mặt trận B3, đồng chí Nguyễn Hữu An đã tìm hiểu kỹ diễn biến cách đánh nhỏ lẻ và một số ấp chiến lược ở Bắc Tây Nguyên để phá kế hoạch bình định của địch. Ông đã đề nghị Bộ Tư lệnh Mặt trận “tập trung lực lượng nhổ quận lỵ thì ấp chiến lược sẽ tan”[1]. Đề nghị của ông được một số thành viên tán đồng nhưng cũng vấp phải một vài ý kiến đắn đo “đã cần thiết bộc lộ lực lượng chưa? Hay tiếp tục nuôi cho địch chủ quan sơ hở?”. Với tính quyết đoán và cương trực, một mặt ông kiên trì thuyết phục đồng chí mình tranh thủ thời cơ “địch đang chủ quan” tiến công trước, mặt khác đề nghị Bộ: cho tập trung lực lượng mở ngay trận đánh lớn, đánh vừa để tiêu diệt sinh lực địch vừa mở rộng thêm vùng giải phóng và giải quyết khó khăn về hậu cần. Khi được trên đồng ý, với tác phong “miệng nói tay làm” (làm để rèn giũa ý chí tiến công liên tục của bộ đội, quan trọng hơn là để kiểm nghiệm chủ trương, phương châm tác chiến để có đối sách thích hợp). Phó Tư lệnh Nguyễn Hữu An đã trực tiếp chỉ huy Trung đoàn 101 trong vòng một tháng tiến công giải phóng ba quận Tu Mơ Rông, Đắc Tô, Đắc Sút, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch, giải phóng hàng nghìn dân.
Sau khi ba chi khu quận lỵ của địch bị tiêu diệt, nhân dân trong tất cả ấp chiến lược ở bắc Tây Nguyên lần lượt nổi dậy diệt ác ôn, giải tán dân vệ. Vùng giải phóng của ta mở rộng từ đông sang tây với hàng chục ki-lô-mét, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông liên lạc giữa Tây Nguyên và Khu 5. Hãng UPI bình luận: “Việt cộng có thể cắt đôi miền Nam Việt Nam ở vĩ tuyến 15, nơi họ chiếm giữ gần hết tỉnh Kon Tum trong tuần qua”[2].
Bị thất bại trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, từ năm 1965, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Tháng 9 năm 1965, Sư đoàn Kỵ binh Không vận số 1 Mỹ lên An Khê - một vị trí then chốt trên đường 19, án ngữ cửa ngõ Tây Nguyên. Đây là lần đầu tiên quân và dân Tây Nguyên đụng đầu với quân chiến đấu Mỹ.
Với quyết tâm “Dù phải một đổi một cũng kiên quyết đánh thắng trận đầu”[3], Đảng ủy và Bộ Tư lệnh mặt trận quyết định mở Chiến dịch Plei Me, đồng chí Nguyễn Hữu An được cử làm Phó Tư lệnh chiến dịch, ông đã sử dụng chiến thuật “vây điểm diệt viện”, sử dụng Trung đoàn bộ binh 33 vây đồn Plei Me để Trung đoàn 320 phục kích tiêu diệt chiến đoàn quân đội Sài Gòn lên giải toả trên đường 21. Với phương thức tác chiến táo bạo đạt hiệu quả cao của Trung đoàn 33 và 320 ở Tây Nam thị xã Pleiku không chỉ trở thành mối uy hiếp Sở chỉ huy Quân đoàn 2 quân đội Sài Gòn đóng ở thị xã Pleiku và đường chiến lược số 14, 19 mà còn cho Bộ Chỉ huy quân Mỹ thấy rõ sự bất lực đến thảm hại của quân đội tay sai, buộc chúng phải mở cuộc hành quân “tìm diệt” bộ đội chủ lực Tây Nguyên sớm hơn thời gian dự kiến ban đầu.
Theo đó, đầu tháng 11 năm 1965, hai tiểu đoàn 1 và 3 thuộc Sư đoàn Kỵ binh Không vận số 1 Mỹ đóng ở An Khê được lệnh “nhảy cóc” để “tìm diệt” bộ đội ta ở thung lũng la Đrăng (cách đồn Plei Me 8km về phía Tây). Với tinh thần chủ động tiến công địch, đồng chí Nguyễn Hữu An cùng với các đồng chí trong Bộ Tư lệnh tập trung thảo luận: Trước một đối tượng tác chiến có tiềm lực quân sự hùng hậu bậc nhất thế giới, không quân và pháo binh rất mạnh, sức cơ động rất cao, có phương tiện chỉ huy đặc biệt, quân lính lại được tiếp tế rất đầy đủ, ta phải tìm cách đánh chúng như thế nào để có thể diệt được địch, bảo vệ được mình? Bài toán hóc búa này được bàn đi tính lại, nhưng cuối cùng đã tìm ra một đáp số đơn giản là: “cứ đánh đi, nếu địch co cụm cũng đánh, cơ động cũng đánh, nếu đổ tiếp nữa cũng đánh, vừa đánh vừa tìm hiểu địch và rút ra kinh nghiệm”[4]. Để kiểm nghiệm phương thức tác chiến mới, đồng chí Nguyễn Hữu An đã đề nghị Bộ Tư lệnh Mặt trận được trực tiếp chỉ huy Trung đoàn 33, 66, 320 lập thế trận đòn đánh quân Mỹ.
Ngày 14/11/1965 khi Tiểu đoàn 1 (Lữ đoàn 3 kỵ binh bay) đổ bộ xuống Đông Bắc núi Chư Pông 3 km, cách Tiểu đoàn 9 hơn 200 mét, đồng chí Nguyễn Hữu An đã cho lập Sở Chỉ huy ngay giữa bãi bom B52 cây cối gãy đổ ngổn ngang còn khét mùi bom để chỉ huy Trung đoàn 66: dùng Tiểu đoàn 7, Tiểu đoàn 9 truy kích tiêu diệt Tiểu đoàn 1 quân Mỹ.
Dưới sự chỉ đạo mưu lược, quyết đoán của đồng chí Nguyễn Hữu An, bằng lối đánh gần, “nắm thắt lưng Mỹ mà đánh”, ta đã chặn đánh quyết liệt, dồn quân Mỹ về thung lũng Ia Đrăng, vận động bao vây, tiến công liên tục, tiêu diệt hoàn toàn một tiểu đoàn và làm thiệt hại nặng một tiểu đoàn kỵ binh không vận Mỹ. Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 - niềm tự hào của quân đội Mỹ lần đầu tiên sang Việt Nam, dưới sự yểm trợ đắc lực của máy bay B52 đã phải thua những chiến sĩ đâm lê do đồng chí Nguyễn Hữu An chỉ huy. Sau trận đánh, Trung đoàn 66 đã được tặng thưởng một lúc 2 Huân chương Quân công hạng Nhất, bởi “lúc đó không có huân chương nào cao hơn, vì vậy tặng một lúc 2 huân chương để thưởng công cho thành tích tuyệt vời của Trung đoàn 66”[5].
Hai mươi năm sau, Trung tướng Harold Moore - nguyên tiểu đoàn trưởng kỵ binh không vận may mắn thoát chết trong trận Ia Đrăng đã thừa nhận: “Ia Đrăng là trận đánh đã làm thay đổi cuộc chiến ở Việt Nam”. Ông bày tỏ sự khâm phục đối với Thượng tướng Nguyễn Hữu An và Quân đội ta: “Bộ đội các ông thật tuyệt vời - một đối phương có sự chỉ huy tuyệt vời ở mọi cấp và có những người lính thiện chiến vì sự nghiệp, không bao giờ được đánh giá thấp...”[6]
Trong những năm 1969-1972, khi đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” ra sức xây dựng quân đội tay sai, rút dần quân Mỹ về nước, có lúc các đơn vị ở phía trước gặp khó khăn về chỉ đạo tác chiến chiến dịch, hiệu quả chiến đấu không cao, ảnh hưởng tới cục diện chung của chiến trường. Những lúc đó, đồng chí Nguyễn Hữu An lại được Quân ủy Trung ương, trực tiếp là Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ xuống đơn vị, cùng cấp uỷ Đảng và Bộ Tư lệnh các cấp xốc lại đơn vị, tìm ra phương án tác chiến mới chiến đấu giành thắng lợi. Đó là các thắng lợi ở: Chiến dịch Đường 9-Nam Lào (đầu năm 1971), Chiến dịch Cánh đồng Chum (cuối năm 1971 đầu năm 1972).
Đặc biệt khi chiến dịch tiến công Quảng Trị bước vào giai đoạn phản công quân địch lấn chiếm vùng giải phóng (tháng 8/1972) gặp khó khăn, Sư đoàn 308 đảm nhiệm chiến đấu trên một hướng của mặt trận, quân số bị hao hụt, các đại đội chỉ còn hai mươi đến ba mươi người, đang căng kéo ra để chốt giữ Tính Tường, Như Lệ (nam, bắc sông Thạch Hãn). Với tư cách là Sư đoàn trưởng (mới được Bộ điều vào), đồng chí Nguyễn Hữu An lại xông pha nơi tiền duyên, bất chấp bom đạn địch đánh phá rất ác liệt tìm hiểu tình hình địch, ta để tìm ra phương án tác chiến phù hợp tiêu diệt được địch, giữ được trận địa ta. Bằng sự so sánh hai chiến dịch (chiến dịch Cánh đồng Chum và chiến dịch tiến công Quảng Trị 1972), ông rút ra nhận định: Hai chiến dịch chỉ khác nhau về quy mô, cường độ, còn cái ruột diễn biến gần giống nhau. Cả hai lúc đầu chiến thắng ồ ạt, tiến rất nhanh vào hậu phương địch, bỏ trống vùng mình vừa giải phóng, lực lượng của ta xa hậu phương, chiến đấu liên tục không kịp bổ sung, càng chiến đấu càng yếu. Địch có phương tiện cơ động nhanh. Sau cú đầu choáng váng đã phục hồi, liền cơ động về phía sau ta và chiếm các vùng đã mất. Đáng lý với chừng ấy lực lượng ta chỉ phát triển tới sông Mỹ Chánh, dừng lại chuyển sang củng cố khu vực đã chiếm[7]. Từ những xem xét tính toán cụ thể tình hình ta, địch trên chiến trường, ông đã đề nghị trên cho chuyển phương án “tác chiến phản công” sang “tác chiến phòng ngự”. Vì có chuyển sang “tác chiến phòng ngự” ta mới giữ được đất, giảm thương vong. Mặc dù biết trên khó chấp nhận loại hình tác chiến này, nhưng khi được Tổng Tư lệnh hỏi: “Nếu tôi cho cậu chuyển sang phòng ngự, cậu có giữ được không?”. Ông đã trả lời: “100% thì không được, chứ 90% đến 95% có thể bảo đảm được”[8].
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, với tư tưởng chỉ đạo: Bí mật bất ngờ, táo bạo, chắc thắng, cơ động linh hoạt, lấy tiêu diệt địch làm chính, kết hợp giữa tiêu diệt gọn với làm tan rã từng đơn vị địch, vừa đánh địch vừa tích cực chuẩn bị thêm, vừa chuẩn bị thêm vừa đánh, đánh từ nhỏ đến lớn, đánh dài hơi, càng đánh càng mạnh; khi có thời cơ thì mạnh bạo phát triển tiến công cùng các lực lượng của quân khu giành thắng lợi lớn. Trải qua 25 ngày đêm (từ 5 đến 29/3), Quân đoàn 2 dưới sự chỉ huy của ông, phối hợp chặt chẽ với Quân khu Trị-Thiên và Quân khu 5 giải phóng hoàn toàn Trị Thiên-Huế và Quảng Nam-Đà Nẵng. Đây là những đòn nặng giáng vào âm mưu co cụm chiến lược của địch, mở đầu sự tan và toàn bộ hệ thống phòng thủ miền duyên hải mà Mỹ - Sài Gòn dành nhiều công sức xây dựng, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình sụp đổ của quân đội Sài Gòn trên toàn miền Nam.
Đầu tháng 4 năm 1975, khi mọi hướng đang ào ạt tiến về Sài Gòn, tại Đà Nẵng, Quân đoàn 2 chuẩn bị triển khai nhiệm vụ thì có chỉ thị của Bộ Quốc phòng điều một bộ phận lực lượng quân đoàn tăng cường cho một đơn vị khác tiến vào Nam, còn lại làm lực lượng dự bị ở Đà Nẵng. Một mặt, Quân đoàn nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị của trên, mặt khác lãnh đạo chỉ huy Quân đoàn đề nghị trên, thể theo nguyện vọng của cán bộ chiến sĩ xin được đưa cả Quân đoàn vào Nam chiến đấu. Lực lượng này nằm trong đội hình của “Cánh quân Duyên Hải” do đồng chí Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, có nhiệm vụ vừa đánh địch, vừa mở đường, “thần tốc” tiến thẳng vào chiến trường trọng điểm. Đồng chí Nguyễn Hữu An và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 đề ra phương châm hành quân “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến” và tổ chức các lực lượng thành năm khối, hành quân theo nguyên tắc chiến đấu binh chủng hợp thành. Mỗi khối đều là một tổ chức chiến đấu đủ mạnh để có thể tự giải quyết các trở ngại về đường sá, đủ sức tự bảo vệ và tiến công quy mô nhỏ, diệt địch dọc đường hành quân. Đặc biệt với cách đánh “tiến công trong hành tiến”, Quân đoàn 2 do đồng chí Nguyễn Hữu An chỉ huy đã phát huy tối đa sức mạnh của tăng - thiết giáp làm lực lượng đột kích chủ yếu, vừa đi vừa đánh, bỏ qua những mục tiêu nhỏ lẻ để nhằm tới mục tiêu mang tính quyết định góp phần không nhỏ vào quyết định tổ chức “binh đoàn thọc sâu” của cánh quân phía đông trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Nhờ mũi thọc sâu đó, những chiếc xe tăng của Quân đoàn là xe đầu tiên húc đổ cổng sắt Dinh Độc Lập, sào huyệt và biểu tượng của chế độ tay sai. Cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 2 do đồng chí Nguyễn Hữu An làm Tư lệnh nằm trong “cánh quân Duyên Hải” đã cùng bốn cánh quân và lực lượng tại chỗ giải phóng hoàn miền Nam, thống nhất đất nước.
NHỮNG NHẬN ĐỊNH VỀ
THƯỢNG TƯỚNG NGUYỄN HỮU AN
Đồng chí Nguyễn Hữu An là một trong những vị “tướng trận mạc” lăn lộn khắp chiến trường. Đồng chí thường được giao nhiều nhiệm vụ khó khăn, trong những tình huống hết sức phức tạp, khẩn trương... Nguyễn Hữu An là một nhà chỉ huy quân sự quyết đoán và mưu lược
[9].
Hữu An là một tướng lĩnh có tài năng, xây dựng và huấn luyện các binh đoàn bộ đội, tổ chức, chỉ huy, chiến đấu dũng cảm, linh hoạt, sáng tạo[11].
Từ một người lính trở thành một tướng lĩnh của quân đội cách mạng, con đường chiến đấu và trưởng thành của đồng chí đã trải dài trên khắp đất nước, trên các chiến trường qua nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch lớn, có mặt ở những thời điểm quyết định của chiến tranh[10].
Bộ đội các ông thật tuyệt vời - một đối phương có sự chỉ huy tuyệt vời ở mọi cấp và có những người lính thiện chiến vì sự nghiệp, không bao giờ được đánh giá thấp...”[12]
Đồng chí Nguyễn Hữu An trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, dũng cảm, mưu trí trong chiến đấu, nhiệt tình, hăng say trong công tác, thủy chung với bạn bè, đồng chí, gần gũi, thương yêu chiến sĩ, luôn giữ vững phẩm chất cao quý của người đảng viên cộng sản, người cán bộ cách mạng, có nếp sống giản dị nên công tác ở đơn vị nào dù ngắn hay dài, đồng chí luôn được cán bộ, chiến sĩ yêu mến”[13].
PHÁT NGÔN KINH ĐIỂN
Mỹ mới đổ quân xuống phải đánh ngay trong khi chúng chưa đứng vững. Đánh Mỹ là rất khó đấy, song ta phải quyết tâm đánh. Có đánh mới hiểu nó và tìm ra cách đánh”[14]
Ai cũng biết rằng quy luật của chiến tranh là mạnh được yếu thua. Rõ ràng Mỹ mạnh hơn ta gấp nhiều lần về vật chất và vũ khí kỹ thuật. Vậy ta có chi gì mạnh? Qua bao lần dụng đầu với quân Mỹ, chúng tôi thấy quân ta bộc lộ rõ cái mạnh về thế chiến tranh nhân dân, về nghệ thuật quân sự Việt Nam và cái mạnh tuyệt vời về tinh thần, trí tuệ, thể hiện ra cách đánh hết sức linh hoạt, cộng với việc chuẩn bị thật kỹ để phát huy được tối đa mặt mạnh, khắc phục sự nghèo nàn lạc hậu về trang bị và cơ sở vật chất của mình”[15].
Cuộc đời anh đầy chông gai và nước mắt. Cho đến khi bước chân vào hàng ngũ cách mạng, anh mới cảm thấy có nhựa sống…[16].
Chú thích:
[1] Thượng tướng Nguyễn Hữu An, Chiến trường mới, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002, tr. 15
[2] Dẫn theo: Sư đoàn 325 (1954 - 1975), tập 2, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1986, tr. 59.
[3] Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Đình Thảo, Đoàn Như Kiến, Nguyễn Thiên Lương, Lực lượng vũ trang nhân dân Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1980, tr. 48.
[4] Thượng tướng Nguyễn Hữu An, Chiến trường mới, Nxb QĐND, Hà Nội, 2002, tr.31
[5] https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/ky-uc-ve-chuyen-tham-ia-drang-cua-hai-vi-tuong-258590
[6] Báo Quân đội nhân dân, ngày 16 tháng 4 năm 2010
[7] Thượng tướng Nguyễn Hữu An, Hồi ký và tác phẩm, Nxb QĐND, Hà Nội, 2011, tr.197-198.
[8] Thượng tướng Nguyễn Hữu An, Hồi ký và tác phẩm, Nxb QĐND, Hà Nội, 2011, tr.202.
[9] Hội Khoa học lịch sử, Nguyễn Hữu An - “vị tướng trận mạc”, Trung tâm UNESCO bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam, 2001, tr. 7-8.
[10] Thượng tướng Nguyễn Hữu An, Hồi ký và tác phẩm, Nxb QĐND, Hà Nội, 2011, tr.7
[11] Thượng tướng Nguyễn Hữu An, Chiến trường mới, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010, tr. 5-6.
[12] Báo Quân đội nhân dân, ngày 16 tháng 4 năm 2010.
[13] Hội Khoa học lịch sử, Nguyễn Hữu An - “vị tướng trận mạc”, Trung tâm UNESCO bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam, 2001, tr. 23-24.
[14] Hội Khoa học lịch sử, Nguyễn Hữu An - “vị tướng trận mạc”, Trung tâm UNESCO bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam, 2001, tr. 78.
[15] Hội Khoa học lịch sử, Nguyễn Hữu An - “vị tướng trận mạc”, Trung tâm UNESCO bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam, 2001, tr. 109
[16] Thư đồng chí Nguyễn Hữu An viết gửi vợ, Dẫn theo: https://daibieunhandan.vn/nhung-la-thu-tu-chien-truong-post171457.html
Ngày xuất bản: 21/12/2024
Nội dung: Đại úy, ThS Nguyễn Ngọc Toán, Viện Lịch sử Quân sự
Ảnh: Báo Nhân Dân, TTXVN
Tranh chân dung nhân vật: Hoạ sĩ Đỗ Hoàng Tường
Trình bày: Ngọc Bích