Là chiến tướng tài danh với đam mê đánh giặc bằng mưu kế, thế trận, tài năng quân sự của Hoàng Minh Thảo đã bộc lộ rõ nét qua hàng trăm trận đánh và chiến dịch trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Kế thừa và phát triển tinh hoa quân sự truyền thống của dân tộc, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã dùng mưu lược để “chuyển yếu thành mạnh”, “lấy ít địch nhiều”, lấy vũ khí, trang bị thô sơ, trang bị tương đối hiện đại để đánh thắng kẻ thù mạnh, có ưu thế hơn ta về vũ khí, trang thiết bị, làm nên những chiến công xuất sắc trên chiến trường Tây Nguyên rực lửa.
Thượng tướng Hoàng Minh Thảo (tên khai sinh là Tạ Thái An), sinh ngày 25/10/1921, quê ở thôn Cao, xã Bảo Khê, huyện Kim Động (nay thuộc thành phố Hưng Yên), tỉnh Hưng Yên.
Sớm giác ngộ cách mạng, từ năm 1937, người thanh niên Tạ Thái An được xếp vào danh sách cảm tình Đảng tại cơ sở Đảng ở Lạng Sơn và tham gia Đoàn thanh niên dân chủ của Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức, lấy bí danh hoạt động là Tạ Quang. Từ năm 1941 đến năm 1943, Tạ Quang tham gia Việt Minh, rồi được cử sang Trung Quốc, học quân sự tại phiên hiệu Liên Châu của trường Hoàng Phố. Trong thời gian này, Tạ Quang đã vinh dự được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặt cho tên mới là Hoàng Minh Thảo. Tháng 3/1945, Hoàng Minh Thảo được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và có nhiều đóng góp trong Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Hoàng Minh Thảo đã được phân công giữ chức Phó Tư lệnh Liên khu 3 (tháng 3/1948), Tư lệnh Liên khu 4 (1949). Năm 1950, Đại tá Hoàng Minh Thảo được cử làm Đại đoàn trưởng đầu tiên của Đại đoàn 304. Trên những cương vị đảm nhiệm, đồng chí Hoàng Minh Thảo đã cùng tập thể lãnh đạo, chỉ huy, chỉ đạo điều hành kết hợp tác chiến rất hiệu quả giữa bộ đội chủ lực với dân quân du kích tiến công vào hậu phương địch ở Kiến An, Đường 5, Hải Phòng; chiến trường Trung Lào, cánh đồng Chum..., góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Ðầu năm 1954, ông được giao làm Hiệu trưởng Trường bổ túc Quân chính Bắc Sơn của quân đội ta, đến năm 1956, Trường chuyển thành Trường Quân sự Trung cao và sau là Học viện Quân sự. Khi đế quốc Mỹ đưa quân viễn chinh Mỹ và quân các nước đồng minh vào tham chiến tại miền Nam, đồng chí Hoàng Minh Thảo được phân công đảm nhiệm nhiều trọng trách ở chiến trường Tây Nguyên, như: Phó Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (1966), Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (1967); Phó Tư lệnh Quân khu 5 (1974). Tên tuổi của đồng chí gắn liền với những trận đánh, chiến dịch quan trọng như: Đăk Tô I (1967), Đăk Tô II (1969) và nhất là Chiến dịch Tây Nguyên (tháng 3/1975); trực tiếp tạo ra thế trận và thời cơ đột biến về chiến lược để giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Từ năm 1977, Trung tướng Hoàng Minh Thảo được phân công giữ chức Viện trưởng Học viện Quân sự Cao cấp (nay là Học viện Quốc phòng). Đến tháng 3/1990, đồng chí được bổ nhiệm Viện trưởng đầu tiên của Viện Chiến lược quân sự (nay là Viện Chiến lược quốc phòng); là Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Quân sự Bộ Quốc phòng; Ủy viên Thường trực Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam.
Ðồng chí được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam khóa IV; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam khóa V.
Ðồng chí được thăng quân hàm Thiếu tướng (1959), Trung tướng (1974), Thượng tướng (1984), được đặc cách phong hàm Giáo sư (1986), được phong tặng Danh hiệu Nhà giáo nhân dân (1988); là tác giả của nhiều tác phẩm về lĩnh vực quân sự, được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình nghiên cứu về nghệ thuật quân sự.
Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Minh Thảo từ trần vào ngày 8/9/2008, hưởng thọ 87 tuổi.
Do có nhiều công lao, cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng, Nhà nước, quân đội, đồng chí Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Minh Thảo đã được Ðảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Ðộc lập hạng nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huy hiệu 60 năm tuổi đảng, được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (2023) và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Từ năm 1977, Trung tướng Hoàng Minh Thảo được phân công giữ chức Viện trưởng Học viện Quân sự Cao cấp (nay là Học viện Quốc phòng). Đến tháng 3/1990, đồng chí được bổ nhiệm Viện trưởng đầu tiên của Viện Chiến lược quân sự (nay là Viện Chiến lược quốc phòng); là Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Quân sự Bộ Quốc phòng; Ủy viên Thường trực Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam.
Ðồng chí được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam khóa IV; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam khóa V.
Ðồng chí được thăng quân hàm Thiếu tướng (1959), Trung tướng (1974), Thượng tướng (1984), được đặc cách phong hàm Giáo sư (1986), được phong tặng Danh hiệu Nhà giáo nhân dân (1988); là tác giả của nhiều tác phẩm về lĩnh vực quân sự, được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình nghiên cứu về nghệ thuật quân sự.
Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Minh Thảo từ trần vào ngày 8/9/2008, hưởng thọ 87 tuổi.
Do có nhiều công lao, cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng, Nhà nước, quân đội, đồng chí Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Minh Thảo đã được Ðảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Ðộc lập hạng nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huy hiệu 60 năm tuổi đảng, được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (2023) và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Để tạo thế trận mới cho chiến trường, tháng 10/1967, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định mở Chiến dịch Đắk Tô I (từ ngày 3-22/11/1967) tiến công, tiêu diệt một bộ phận quân Mĩ ở phía tây Đắk Tô - Tân Cảnh, thu hút lực lượng chủ lực, cơ động của địch lên Tây Nguyên. Nhằm đảm bảo thắng lợi, Thiếu tướng Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên được phân công làm Tư lệnh Chiến dịch Đắk Tô I.
Đánh giá về địa bàn chiến dịch, Tư lệnh Hoàng Minh Thảo chỉ rõ: Đắk Tô là thung lũng như một lòng chảo án ngữ ngã ba Đường 14 và Đường 18, cách thị xã Kon Tum 40km về phía tây bắc. Nếu ta chiếm được các điểm cao thì toàn bộ thung lũng Đắk Tô sẽ nằm trong tầm khống chế của ta. Địa hình khu tác chiến không rộng nhưng có đầy đủ các yếu tố để mở chiến dịch cấp sư đoàn.
Vận dụng những kinh nghiệm trong các chiến dịch trước đó, nhất là Chiến dịch Pleime (1965) và Chiến dịch Sa Thày (1966), Tư lệnh Hoàng Minh Thảo chỉ đạo các lực lượng tham gia chiến dịch vận dụng linh hoạt nghệ thuật điều động và thu hút địch vào thế trận chiến dịch chuẩn bị trước của ta, hạn chế sức cơ động của quân Mỹ, thực hiện bọc sau lưng địch, gài bẫy vu hồi để tiêu diệt địch. Trong trận then chốt ngày 19/11/1967, khi địch tập trung Tiểu đoàn Dù 2 có máy bay, pháo binh yểm trợ tiến công, Trung đoàn 174 kịp thời đưa lực lượng cơ động hình thành thế bao vây phối hợp với bộ phận chốt đánh địch. Cùng với sử dụng chiến thuật “vận động tiến công” - thực hiện cơ động lực lượng tiến công vào quân địch đang cơ động, bộ phận chốt không chỉ làm nhiệm vụ ngăn chặn địch mà còn chiến đấu tiêu hao một phần sinh lực địch hoặc để kéo quân Mỹ đến đông hơn, tạo điều kiện cho bộ phận chủ yếu vận động đến tiêu diệt địch.
Trận then chốt chiến dịch kết thúc thắng lợi, đánh dấu bước phát triển của chiến thuật vận động tiến công kết hợp chốt trong tác chiến với quân Mỹ trên chiến trường rừng núi.
Lần đầu tiên trên chiến trường Tây Nguyên, dưới sự chỉ đạo của Tư lệnh Hoàng Minh Thảo, lực lượng vũ trang Tây Nguyên đã dùng mưu lừa được 2 lữ đoàn Mỹ và 1 lữ đoàn quân đội Sài Gòn vào sâu một cách chủ động, đưa địch vào đúng nơi quyết chiến của ta để đánh địch, tạo tình huống và thời cơ đánh thiệt hại nặng 1 lữ đoàn cơ động chiến lược Mỹ.
Từ trận then chốt quyết định của Chiến dịch Đăk Tô I, lực lượng vũ trang Tây Nguyên đã sáng tạo và hoàn thiện chiến thuật “vận động tiến công kết hợp chốt” để có thể đánh liên tục dài ngày dưới hoả lực ác liệt của địch, mở ra khả năng đánh tiêu diệt những đơn vị quân Mỹ, quân đội Sài Gòn từ cấp tiểu đoàn trở lên trên chiến trường.
Bước sang năm 1970, mặc dù còn không ít khó khăn nhưng thế và lực chiến trường Tây Nguyên đã có bước phát triển mới, đặc biệt là sự hoàn thiện của những chiến thuật mới khiến cho quân địch phải khiếp sợ thú nhận: “Chiến thuật bao vây áp sát của Cộng sản Bắc Việt triển khai và áp dụng lần đầu tiên vào năm 1969 tại Cao nguyên Trung phần đã làm cho quân lực Việt Nam cộng hoà và đồng minh căng thẳng về thần kinh, ứng chiến bị động, buộc phải rời bỏ căn cứ” . Trước tình hình đó, Thiếu tướng Hoàng Minh Thảo cùng Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên mở Chiến dịch Đắc Siêng (từ ngày 01/4 - 02/6/1970) nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, bao vây tiến lên dứt điểm giải phóng một khu vực.
Trong chiến dịch này, Thiếu tướng Hoàng Minh Thảo trên cương vị là Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh chiến dịch tạo lập thế trận, bày mưu đánh Đắc Siêng để kéo Trung đoàn 42 ở Tân Cảnh ra ứng cứu, rồi tiêu diệt quân cứu viện bằng đường bộ và đường không của địch. Vì, Đắc Siêng tuy chỉ là một đồn nhỏ, cô lập, giá trị về chiến thuật chiến dịch không lớn lắm, nhưng đây là nơi chứng minh cho sự “đúng đắn” của “Việt Nam hoá chiến tranh” và vai trò của quân đội Sài Gòn ở Tây Nguyên. Vì thế, khi cứ điểm này bị tiến công, địch sẽ cố sức giữ và đưa lực lượng lên cứu viện.
Sau quá trình tổ chức tạo thế, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, ngày 22/4/1970, Trung đoàn 66 tiến hành vây chặt, “vo tròn” Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 42 quân đội Sài Gòn và tập kích hoả lực tiêu hao lực lượng địch cứu viện. Trong hai ngày 25 và 26/4/1970, Trung đoàn 66 liên tục tập kích rồi chuyển sang tiến công “bóp bẹp” tiêu diệt hoàn toàn 1 tiểu đoàn địch. Thành công của trận đánh góp phần ngăn chặn, giam chân, thu hút một lực lượng lớn quân địch, tạo điều kiện cho các lực lượng phát triển tiến công, giành thắng lợi quyết định cho Chiến dịch Đắc Siêng.
Đây là một trận đánh không chỉ có hiệu suất chiến đấu cao mà còn hoàn thiện thêm hình thức chiến thuật mới “vận động bao vây tiến công liên tục” (còn gọi là chiến thuật “bao vây công kích”). Đó là hình thức chiến thuật có nội dung chủ yếu là bao vây chặt quân địch, sau đó liên tục công kích cho đến khi dứt điểm, làm chủ trận địa.
Trên cơ sở nhận định thời cơ chiến lược đã chín muồi, cuối năm 1974 đầu năm 1975, Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm và thông qua Kế hoạch giải phóng miền Nam, trong đó hướng chính là Tây Nguyên. Trong một lần triệu tập đồng chí Hoàng Minh Thảo ra Hà Nội tham khảo ý kiến, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nêu câu hỏi: “Nếu đánh Tây Nguyên thì đánh ở đâu trước?”.
Với nhãn quan của người chỉ huy thực tiễn chiến trường và nhiều năm làm công tác nghiên cứu khoa học, nghệ thuật quân sự, đồng chí Hoàng Minh Thảo khẳng định: “Khi đã chọn hướng chiến lược là Tây Nguyên thì trước hết nên đánh Buôn Ma Thuột, vì đây là thị xã lớn nhất, là nơi hiểm yếu và cũng là nơi địch sơ hở nhất. Khó khăn phải vượt qua để tiến công trên hướng này là thiếu đường hành quân và thiếu nước” . Đồng thuận với ý kiến này, Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 4/3 - 3/4/1975) và phân công Trung tướng Hoàng Minh Thảo làm Tư lệnh chiến dịch.
Dưới sự chỉ đạo của Tư lệnh Hoàng Minh Thảo, ngày 04/3/1975, Chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu với hoạt động cắt Đường số 19, đánh một số mục tiêu ở Pleiku để nghi binh, tạo thế chiến dịch. Sau khi đã hoàn thành việc “bày binh, bố trận”, ngày 10/3/1975, các lực lượng nổ súng tiến công, đánh đòn điểm huyệt Buôn Ma Thuột. Bằng cuộc tiến công hiệp đồng binh chủng của các đơn vị, ta nhanh chóng tiêu diệt Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 và Sở Chỉ huy tiểu khu Đắk Lắk của quân đội Sài Gòn, chiếm tất cả các vị trí trong thị xã, tiêu diệt và bắt làm tù binh toàn bộ quân địch.
Tiếp đó, ta nhanh chóng đập tan cuộc phản đột kích của Quân đoàn 2 quân đội Sài Gòn hòng tái chiếm Buôn Ma Thuột, diệt Trung đoàn 44 và 45 thuộc Sư đoàn 23. Đòn điểm huyệt và đánh bại cuộc phản kích của Sư đoàn 23 đã gây ra hoảng loạn “đột biến”, đẩy quân đội Sài Gòn từ sai lầm về chiến dịch tới sai lầm lớn về chiến lược là rút bỏ Tây Nguyên theo Đường số 7 về đồng bằng.
Nhận thấy tình hình phát triển thuận lợi, Tư lệnh Hoàng Minh Thảo chỉ đạo tổ chức cuộc truy kích trên Đường số 7, xoá sổ Quân khu 2 quân đội Sài Gòn, tiêu diệt và làm tan rã một tập đoàn phòng ngự lớn, giải phóng một địa bàn chiến lược rộng lớn. Thành công của Chiến dịch Tây Nguyên đã tạo ra sự thay đổi căn bản về so sánh lực lượng và thế chiến lược có lợi cho ta, mở ra thời cơ tổng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam để quân và dân ta tiếp tục thực hiện các đòn tiến công quân sự lớn, phát triển cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Năm 2008, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Đồng chí Hoàng Minh Thảo sớm tham gia cách mạng, là một người cộng sản trung kiên, một vị tướng có đức độ và tài thao lược. Đồng chí đã có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến lâu dài giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp đào tạo cán bộ, xây dựng quân đội tiến lên chính quy hiện đại, phát triển nền khoa học quân sự Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh”
Ngày xuất bản: 21/12/2024
Nội dung: Thiếu tá, ThS Lê Minh Nam, Viện Lịch sử Quân sự
Ảnh: QĐND; TTXVN
Tranh chân dung nhân vật: Hoạ sĩ Đỗ Hoàng Tường
Trình bày: Thi Uyên - Tạ Lư