PGS, TS Nguyễn Trường Sơn:

Ngành y tế đã làm việc bằng 200% sức lực

Dù còn nhiều điều tiếc nuối vì những lúng túng, bị động ban đầu khiến ngành y tế chưa thể cứu hết được người bệnh nhiễm Covid-19, PGS, TS Nguyễn Trường Sơn – “tư lệnh” của ngành y tế tại cuộc chiến chống dịch ở TP Hồ Chí Minh vẫn đánh giá những tín hiệu khả quan của TP Hồ Chí Minh hiện nay đó chính là thành quả của sự chung sức, xả thân của đội ngũ áo trắng và sự đồng lòng của người dân: “Điều gắn kết các nhân viên y tế, khiến họ trụ vững được là trách nhiệm của người thầy thuốc, là mong muốn cứu được sinh mạng bệnh nhân, là ước nguyện sớm khống chế được dịch tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành miền nam”.

“VÙNG DỊCH TP HỒ CHÍ MINH CÓ TẦM CỠ, QUY MÔ RẤT RỘNG”

Phóng viên: Cuộc chiến chống biến chủng Delta tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung là một cuộc chiến chống đại dịch lịch sử với nhiều tổn thất. Mặc dù chúng ta đã có tâm thế chủ động, đã có kinh nghiệm chiến thắng 3 đợt dịch trước, nhưng chúng ta vẫn bị động và phải thay đổi nhiều biện pháp chống dịchtrước sự tấn công của biến chủng Delta?Thưa Thứ trưởng, ngành y tế đã trải qua những khó khăn, thách thức ban đầu như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 với dấu mốc từ ngày 27/4/2021với biến chủng mới Delta đã gây ra nhiều khó khăn cho Việt Nam. Mặc dù chúng ta đã có chiến lược và kinh nghiệm từ các đợt dịch trước nhưng vùng dịch TP Hồ Chí Minh có quy mô khác hơn rất nhiều so với tất cả các vùng dịch khác.

Một trong những đặc tính rất quan trọng của biến chủng Delta, đó là sự lây lan nhanh chóng nên việc kiểm soát dịch rất khó khăn. Mặc dù y tế TP Hồ Chí Minh tốt nhất cả nước, nhưng với số lượng bệnh nhân lớn, cần nhiều cơ sở y tế, nhân viên y tế để điều trị Covid-19, số bệnh nhân tăng rất nhanh khiến hệ thống y tế không thể đáp ứng được kịp thời.

Tốc độ lây lan của biến thể Delta đã nhanh hơn tốc độ đáp ứng, 5 nguyên tắc vàng trong ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị và công thức 5K đã triển khai trong các đợt dịch trước chưa theo kịp với sức lan truyền của dịch bệnh. Riêng ở TP Hồ Chí Minh, virus chỉ mất 1 tháng để xâm nhập sâu rộng trong cộng đồng. Do đó, hàng loạt biện pháp liên tiếp được triển khai như xét nghiệm thần tốc, phủ trên diện rộng với tần suất nhiều hơn để bắt kịp tốc độ lây lan của mầm bệnh, khi hoạt động truy vết gần như bị vô hiệu do không đủ nhân lực, thiếu sự hợp tác khai báo của người dân.

Tại TP Hồ Chí Minh, từ khi phát hiện ổ dịch liên quan đến Hội Thánh truyền giáo Phục Hưng vào giữa tháng 5/2021, dịch đã diễn biến nhanh và phức tạp. TP Hồ Chí Minh đã xây dựng các kịch bản chống dịch lên tới 50.000 ca nhiễm nhưng thực tế số ca nhiễm tăng nhanh vào tháng 7, với trung bình hơn 4.000 ca nhiễm/ngày. Sang tháng 8 và đầu tháng 9, số ca nhiễm phát hiện trong cộng đồng lớn, đỉnh điểm có ngày vượt mốc 8.400 ca nhiễm vào ngày 3/9. Số ca nhiễm tăng nhanh, các cơ sở y tế quá tải, bệnh diễn biến nhanh khiến tỷ lệ tử vong đã tăng gấp nhiều lần so với trước.

Qua phân tích mô hình tử vong ở TP Hồ Chí Minh có những giai đoạn, có đến 40% lượng bệnh nhân tử vong trong khoảng 72 giờ nhập viện. Con số này thể hiện rằng, sự tiếp cận cấp cứu bệnh nhân đã bị muộn và vì bị muộn nên khó có thể cứu, kéo dài sự sống cho bệnh nhân.

Nhiều bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh giai đoạn đầu còn lúng túng trong điều trị. Việc phân 5 tầng điều trị, rộng hơn so mô hình điều trị tháp 3 tầng dẫn đến lúng túng trong chuyển viện, nhiều người bệnh không có phương tiện vận chuyển đến cơ sở y tế và thiếu nhân lực y tế cho tất cả các tuyến.

Mặc dù đã cảnh báo về tốc độ lây lan nhanh, chu kỳ lây nhiễm ngắn nhưng người dân vẫn chủ quan và chưa tuân thủ các quy định 5K. Giai đoạn này, tiến độ tiêm vaccine còn chậm nên khi những người có yếu tố nguy cơ như bệnh nền, béo phì… khi nhiễm bệnh đã diễn biến nặng, nguy kịch và tử vong rất nhanh.

Phóng viên: Là Trưởng Bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh,đâu là thời điểm ông cảm thấy cuộc chiến này khó khăn nhất. Thời điểm đó, ông đã có những quyết định cân não nào để đưa ra quyết sách cho ngành y tế, tư vấn cho TP Hồ Chí Minh thay đổi biện pháp chống dịch cho phù hợp thực tiễn?

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Đó là quyết định cho phép các F0 được cách ly tại nhà. Trong các đợt dịch trước, không chỉ F0 mà F1 cũng là những người cần được cách ly tập trung. Nhưng như đã nói ở trên, trong tháng 7/2021 số lượng ca nhiễm ở TP Hồ Chí Minh tăng với tốc độ chóng mặt, các cơ sở cách ly, thu dung chăm sóc người nhiễm đều quá tải, mặc dù TP Hồ Chí Minh đã có những nỗ lực rất lớn trong việc xây dựng những cơ sở cách ly, các bệnh viện dã chiến, đi kèm với đó là công tác y tế và hậu cần tương ứng để đáp ứng các nhu cầu về y tế và sinh hoạt của người được cách ly. Trong bối cảnh đó Bộ Y tế và TP Hồ Chí Minh đã thống nhất việc cho phép thí điểm cách ly F0 tại nhà đối với những người không có triệu chứng và có những điều kiện sống bảo đảm cho việc cách ly an toàn.

Nhưng cho phép F0 cách ly tại nhà không có nghĩa là bỏ mặc F0 và gia đình họ tự lo. F0 cần được cung cấp thuốc men, lương thực, thực phẩm, cần được hỗ trợ về mặt tinh thần và cần được cấp cứu khi có dấu hiệu trở nặng. Bộ Y tế và TP Hồ Chí Minh đã nhanh chóng đưa ra những gói an sinh, gói y tế trợ giúp các F0.

Hệ thống trạm y tế lưu động với ô-xy và trang thiết bị y tế đủ đảm đương được nhiệm vụ cấp cứu đã được triển khai tới tất cả các quận, huyện ở TP Hồ Chí Minh. Một số phường/xã trọng điểm có đông ca  nhiễm đã được bổ sung thêm 2-3 trạm y tế lưu động. Lực lượng này đã ngay lập tức đáp ứng được nhu cầu chăm sóc y tế của không chỉ các F0 mà cả những người dân gặp vấn đề về sức khỏe nhưng không thể tới được cơ sở y tế do giãn cách xã hội.

Cùng với việc triển khai mô hình trạm y tế lưu động, một vài quận của TP Hồ Chí Minh đã sáng tạo hơn khi thiết lập những cơ sở thu dung F0 ngay tại phường với số lượng F0 vừa phải và đặt ngay trạm y tế lưu động tại cơ sở thu dung này để tiện chăm sóc y tế. Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đưa ra mô hình chăm sóc F0 từ xa với hai đội liên hệ chặt chẽ với nhau là đội tư vấn trực tuyến và đội cấp cứu ngoại viện. Tất cả những hình thức này đều giúp các F0 cách ly tại nhà hay cộng đồng được chăm sóc y tế, được xử lý kịp thời khi có dấu hiệu trở nặng. Nhờ đó mà đã góp phần giảm thiểu số ca tử vong.

BƯỚC NGOẶT LỚN GIÚP TP HỒ CHÍ MINH KHỐNG CHẾ DỊCH BỆNH

Phóng viên:Thưa Thứ trưởng, đâu là những bước ngoặt lớn trong công tác y tế giúp cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam vượt qua được đỉnh dịch?

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Trước tình hình số ca mắc tăng nhanh, tình trạng quá tải cơ sở điều trị, một số trường hợp không được phát hiện sớm và có diễn biến nặng tại nhà, tỷ lệ tử vong cao, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế, Bộ phận thường trực đặc biệt phòng, chống dịch của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh đã cùng thành phố đưa ra những giải pháp mang tính chất bước ngoặt để kiểm soát dịch và giảm tử vong.

Thứ nhất, chúng ta khởi động chiến dịch tiêm chủng, dồn nguồn vaccine cho TP Hồ Chí Minh nhằm mục tiêu bao phủ vaccine cho người dân TP Hồ Chí Minh. Chiến dịch bắt đầu từ ngày 22/7 và cho đến nay đã bao phủ hơn 95% mũi 1 và trên 50% đã tiêm mũi 2. Đây là một quyết định quan trọng giúp giảm tử vong.

Hai là, thiết lập 6 trung tâm hồi sức lớn do các bệnh viện Trung ương đảm nhiệm: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Quân y 175. 6 trung tâm này với trên 3.000 giường điều trị bệnh nhân nặng đã thu dung kịp thời nhiều ca bệnh nặng cần hỗ trợ cấp cứu, giúp giảm tải cho các bệnh viện thành phố, quận, huyện và giảm tử vong.

Ba là, giao nhiệm vụ cho các bệnh viện tầng 3 (gồm 7 bệnh viện Trung ương và 1 bệnh viện của thành phố) chịu trách nhiệm trực tiếp hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện tuyến quận/huyện, bệnh viện dã chiến theo địa bàn, gắn với hội chẩn chuyên môn, giao ban định kỳ, hỗ trợ việc tổ chức phân luồng thu dung điều trị, phân loại nguy cơ, chỉ định can thiệp hỗ trợ, chuyển tuyến người bệnh giúp cải thiện chất lượng và giảm tử vong ở các bệnh viện tầng 2 trong mô hình tháp 3 tầng tại TP Hồ Chí Minh.

Bốn là, bảo đảm hệ thống cung ứng ô-xy ở tất cả các cơ sở điều trị từ trạm y tế xã phường đến các bệnh viện, trung tâm hồi sức và các bệnh viện dã chiến, các khu cách ly tập trung.

Năm là, triển khai thực hiện gói “Home-based care” trong theo dõi và điều trị tại nhà đối với các trường hợp có nguy cơ thấp, trong đó bao gồm các gói thuốc A, B, C dưới sự giám sát của trạm y tế phường xã, thành lập hơn 500 trạm y tế lưu động do lực lượng quân y (Học viện Quân y) đảm nhiệm trực tiếp hỗ trợ tại nhà cho những trường hợp nhiễm theo dõi và điều trị tại nhà, hỗ trợ ô-xy tại nhà người bệnh. Một số mô hình tổ y tế cộng đồng và tổ hỗ trợ y tế tại nhà đã được thiết lập và nhân rộng. Mô hình can thiệp tầng 1 đã phát huy hiệu quả, giảm số trường hợp diễn biến nặng nhập viện và giảm tử vong.

Thứ trưởng cùng trạm y tế lưu động phát thuốc điều trị F0 tại nhà.

Thứ trưởng cùng trạm y tế lưu động phát thuốc điều trị F0 tại nhà.

Phóng viên: Xét nghiệm diện rộng được cho là có vai trò rất quan trọng trong việc tầm soát các ca nghi nhiễm. Liệu đây có phải là quyết sách đúng đắn khi nhiều người cho rằng việc xét nghiệm ngày gây ra tốn kém và tạo ra nguy cơ lây nhiễm cao?

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Xét nghiệm diện rộng là một chủ trương hết sức quan trọng và chính xác, mặc dù trong thời gian qua, có những ý kiến trái chiều cho rằng xét nghiệm diện rộng gây tốn kém và không cần thiết. Chúng ta đánh giặc mà không biết giặc ở đâu thì làm sao đánh.

Xét nghiệm diện rộng nhưng có trọng tâm trọng điểm, có kế hoạch và đặc biệt là tốc độ xét nghiệm nhanh rất hiệu quả. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… cũng áp dụng xét nghiệm nhanh để thời gian giãn cách giảm xuống, có cơ hội phát triển kinh tế - xã hội.

Nhờ có xét nghiệm diện rộng, chúng ta tìm ra được F0 để quản lý điều trị sớm tại nhà hoặc tại cơ sở thu dung điều trị tùy theo điều kiện và nguy cơ, tách F0 ra khỏi cộng đồng để ngăn ngừa lây lan và đặc biệt người bệnh được quản lý điều trị sớm bằng các gói thuốc hỗ trợ, phát hiện sớm các trường hợp chuyển nặng, can thiệp hỗ trợ ô-xy kịp thời giúp giảm tử vong rõ rệt.

Thời gian qua, chúng tôi ghi nhận những con số rất ấn tượng. Đầu tháng 8, khi chúng ta bắt đầu chiến lược xét nghiệm diện rộng, tỷ lệ ca mắc của TP Hồ Chí Minh khoảng 3,7%. Đến 30/8, con số này giảm xuống 1,1%. Từ 21/8 đến 30/9, TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện xét nghiệm diện rộng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đến 30/9, tỷ lệ này giảm còn 0,1%. Số lượng tử vong thời điểm cao nhất 335 người giảm xuống 2 con số vào đầu tháng 10. Đây là niềm tự hào của ngành y tế và là niềm vui của người dân của TP Hồ Chí Minh khi được trở lại trạng thái bình thường mới.

Qua 2 đợt xét nghiệm diện rộng tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 23/8 đến nay, thành phố đã lập được bản đồ dịch Covid-19 rõ ràng đến tận tổ dân phố, phân loại được vùng nguy cơ theo các cấp độ khác nhau để kiểm soát dịch và từ đó tính đến các phương án nới lỏng giãn cách theo khu vực dân cư.

DẤU ẤN ĐẶC BIỆT TRONG 4 THÁNG CHIẾN ĐẤU Ở TUYẾN ĐẦU

Phóng viên: Để cùng TP Hồ Chí Minh chiến thắng dịch bệnh, ngành y tế có nhiều quyết định chưa từng có tiền lệ trong chuyên môn và tung lực lượng chi viện lớn nhất từ trước đến nay cho mặt trận này. Xin ông cho biết những dấu ấn, vai trò chỉ đạo của ngành y tế trong cuộc chống dịch tại TP Hồ Chí Minh?

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Ở làn sóng thứ 4 tại Việt Nam, biến chủng Delta đã thay đổi mọi thứ. Sự chủ động và kinh nghiệm có được trong 3 làn sóng trước đây của Việt Nam trong công tác phát hiện sớm, xét nghiệm, thu dung điều trị, hồi sức đều bất ngờ, bị động trước biến chủng Delta.

Sau khi thực hiện Nghị quyết 86 của Chính phủ, triệt để giãn cách xã hội, huy động tất cả mọi nguồn lực y tế, quân đội, công an và các tình nguyện viên vào TP Hồ Chí Minh với số lượng khổng lồ nhất từ trước đến giờ, khoảng hàng trăm nghìn người. Với nhân viên y tế, chúng tôi huy động khoảng 25.000 lượt cán bộ, trong đó có các em sinh viên, giảng viên trường đại học, các thành viên ưu tú nhất của hệ thống hồi sức, hệ thống bệnh viện trung ương, các địa phương... cùng với lực lượng quân y, sự hỗ trợ của quân đội, công an.

Nhờ đó, chúng ta thực hiện được hai chiến lược hết sức quan trọng: Đó là chỉ đạo của Thủ tướng "phường xã là pháo đài, người dân là chiến sĩ" và thành quả chống dịch đó là thành quả của nhân dân. Và tất cả trường hợp F0 khi được cách ly tại nhà được hỗ trợ gói thuốc, y tế, các gói an sinh xã hội hết sức kịp thời. Vì vậy, chúng ta đã giúp cho người dân bảo đảm tính mạng an toàn khi theo dõi sức khỏe tại nhà.

Thứ hai là chiến lược xét nghiệm diện rộng, đón đầu dịch ở các vùng nguy cơ rất cao và nguy cơ cao, 48 giờ một lần xét nghiệm.Chỉ trong vòng một tuần, từ ngày 23/9 đến 30/9, ở TP Hồ Chí Minh tỷ lệ ca nhiễm giảm xuống rất nhiều, từ 3,7% vào đầu tháng cho đến cuối 30/9 còn khoảng 0,1%, đây là số lượng rất ấn tượng. Các trường hợp trở nặng, tử vong trong bệnh viện giảm xuống dưới hai con số. Đây là điều chúng tôi cảm thấy rất tự hào.

Tôi nghĩ là tạo được chiến thắng này trong đợt dịch Covid-19 làn sóng thứ tư, ở các địa phương, có sự chỉ đạo rất chính xác, kịp thời của Đảng, Chính phủ, của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Bên cạnh đó ngành y tế tập trung rất nhiều nguồn lực để hỗ trợ cho TP Hồ Chí Minh. Vấn đề nữa đó là sự tuân thủ của người dân, ý thức của người dân. Và chúng tôi rất là vui mừng khi đến cuối tháng 9, lượng người dân tự lấy mẫu xét nghiệm tại TP Hồ Chí Minh, sau khi được hướng dẫn, lên tới hơn 50%, khoảng 60% rồi. Chính vì vậy chúng ta thực hiện chiến dịch này hết sức nhanh, gọn, đem lại trạng thái bình thường mới vào ngày 1/10.

Phóng viên: Trong suốt hành trình 4 tháng “lăn xả” ở tuyến đầu chống dịch, đâu là dấu ấn đáng nhớ, để lại cho ông nhiều cảm xúc đặc biệt?

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Điều khiến tôi nhớ nhất đó là thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca mắc Covid-19 liên tục tăng cao, có rất nhiều thai phụ mắc Covid-19 sau khi sinh thì phải cách ly, người nhà thì thực hiện Chỉ thị 16 hoặc trong khu vực phong tỏa cũng không thể đón các con về. Trước thực trạng quá tải trẻ sơ sinh, chúng tôi đã phối hợp và thống nhất với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh quyết định thành lập Trung tâm H.O.P.E (Have Only Positive Expectation) tại Bệnh viện Hùng Vương. Nơi đây như mái nhà chung đầu tiên mà trẻ sơ sinh vừa chào đời được đến đó, được yêu thương, chăm sóc trong thời gian chờ về với gia đình. Với tên gọi H.O.P.E, chúng tôi cũng thể hiện niềm mong muốn, hy vọng của cả đất nước vào thế hệ chào đời trong mùa dịch Covid-19 này.

Thứ trưởng thăm bệnh nhi sơ sinh tại Trung tâm Hope.

Thứ trưởng thăm bệnh nhi sơ sinh tại Trung tâm Hope.

Trong cuộc chiến với kẻ thù “vô hình” này, đất nước ta đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề, số lượng bệnh nhân liên tục tăng cao mỗi ngày, đã có lúc chúng tôi rất lo lắng nhưng luôn tự dặn lòng không được lùi bước. Tôi thực sự cảm phục, biết ơn trước những hình ảnh của các y, bác sĩ, các lực lượng xung phong tình nguyện trong công cuộc chống dịch tại TP Hồ Chí Minh thời gian qua. Đặc biệt, tôi rất xúc động bởi ngay khi vừa gửi thư ngỏ kêu gọi các đồng nghiệp gần xa cùng chung tay tham gia vào các hoạt động chống dịch tại TP Hồ Chí Minhđã có rất nhiều các chuyên gia, nhân viên y tế đang làm việc và đã nghỉ hưu, các lương y, giảng viên, sinh viên đã đăng ký tham gia tình nguyện.

Tôi còn nhớ, chỉ sau 1 ngày kể từ khi gửi Thư kêu gọi đã có trên 1.338 lượt người đăng ký. Trong số này có gần 300 bác sĩ, 200 dược sĩ và còn lại là làm các ngành nghề khác, có thể thấy tất cả mọi nơi, tất cả mọi lực lượng đều hướng về miền nam ruột thịt.

Đặc biệt, trước tình hình thành TP Hồ Chí Minh vẫn còn có quá nhiều khó khăn, thách thức đối phó với đại dịch Covid-19, lá thư ngỏ kêu gọi các F0 khỏi bệnh tham gia chống dịch đã được hưởng ứng. Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta kêu gọi người khỏi bệnh chăm sóc người bệnh, có rất nhiều F0 khi khỏi bệnh đã tình nguyện ở lại để hỗ trợ đội ngũ y, bác sĩ chăm sóc cho người bệnh tại các bệnh viện dã chiến, các trung tâm Hồi sức tích cực, chính sự chung tay đóng góp của họ cùng với lực lượng tuyến đầu chống dịch đã thắp sáng niềm hy vọng, niềm tin vào sự khống chế thành công dịch bệnh. Cá nhân tôi và toàn thể nhân dân TP Hồ Chí Minh thực sự trân trọng và biết ơn.

TÔI ĐÃ NHIỀU LẦN RƠI NƯỚC MẮT XÓT XA CHỨNG KIẾN SỰ HY SINH CỦA CÁC THẦY THUỐC

Phóng viên: Ngành y tế đã chi viện lực lượng chưa từng có cho tuyến đầu chống dịch và đã có những nhân viên y tế bị nhiễm. Sát cánh cùng lực lượng tuyến đầu chống dịch, ông đã cổ vũ, động viên nhân viên y tế thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Dịch bệnh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có diễn biến vô cùng phức tạp. Suốt nhiều tháng qua, hàng nhân viên y tế đã ngày đêm gồng mình chiến đấu với dịch Covid-19, áp lực thể chất, tinh thần đè nặng lên vai mỗi người. Nhưng trên tất cả chúng tôi đã nỗ lực không mệt mỏi, đồng lòng, đồng sức cùng với các lực lượng tuyến đầu vượt qua sóng gió, khó khăn từng bước được đẩy lùi.

Chúng tôi đã có mặt tại hầu hết các cơ sở y tế liên quan tới việc thu dung, điều trị người nhiễm tại TP Hồ Chí Minh, các điểm lấy mẫu xét nghiệm, các điểm tiêm chủng ở TP Hồ Chí Minh. Tới đâu chúng tôi cũng được tận mắt chứng kiến những nỗ lực không mệt mỏi, những hy sinh vô bờ của đội ngũ thầy thuốc trong khi thực hiện các nhiệm vụ chống dịch.

Họ đã làm việc không tính đến thời gian, phải nỗ lực gấp 2-3 lần so với bình thường, phải vừa chống dịch vừa phải nâng cao kỹ năng, trình độ để đáp ứng thực tế công việc, họ phải xa gia đình dài ngày, phải chịu những áp lực tâm lý do khối lượng công việc quá lớn, phải thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, phải chịu đựng những thiếu thốn…

Cá nhân tôi đã nhiều lần rơi nước mắt vì xót xa vì chứng kiến những chịu đựng và hy sinh của các thầy thuốc, trong đó có việc bị nhiễm bệnh. Điều gắn kết họ và trụ vững họ là trách nhiệm của người thầy thuốc, là mong muốn cứu được sinh mạng bệnh nhân, là ước nguyện sớm khống chế được dịch tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành miền nam.Tôi cũng là thầy thuốc, nên nhiều khi các thầy thuốc chỉ lắng nghe nhau, nói với nhau vài lời động viên chân thành cũng có thể làm vơi đi rất nhiều nỗi niềm.

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và TP Hồ Chí Minh đã hết sức cố gắng để lo đủ trang thiết bị y tế, thuốc men, trang bị bảo hộ để các thầy thuốc thực hiện được tốt nhiệm vụ của mình. Bên cạnh đó chúng tôi đã đề nghị bổ sung lực lượng y tế chi viện để bảo đảm thời gian nghỉ và tái tạo sức lao động cho các y, bác sĩ; tăng cường tình nguyện viên trợ giúp đội ngũ nhân viên y tế; điều chỉnh thức ăn  để bảo đảm dinh dưỡng và phù hợp với khẩu vị của lực lượng y tế chi viện; nhân viên y tế bị nhiễm bệnh cũng cần được chăm sóc.

Ngày 9/9, Bộ Y tế đã trình Chính phủ xem xét và thông qua các cơ chế chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt trong đó là chế độ phụ cấp cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch nói chung; các phụ cấp đặc thù chuyên môn cùng chế độ ăn và sinh hoạt đối với lực lượng y tế.

Phóng viên: Hẳn ông còn những điều tiếc nuối khi chưa kịp hỗ trợ cho các nhân viên y tế trong giai đoạn khó khăn, vất vả đó?

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Đó là sự trợ giúp về tâm lý. Chúng tôi biết rằng trong giai đoạn chống dịch Covid-19 căng thẳng vừa qua, nhiều thầy thuốc đã phải chịu những gánh nặng rất lớn dẫn tới những sang chấn tâm lý. Mặc dù một số bệnh viện tuyến Trung ương đã cử các bác sĩ tâm lý đi chống dịch cùng để kịp thời tư vấn tâm lý cho các đồng nghiệp, nhưng không phải bệnh viện nào cũng làm được như vậy.

Một số nhà tâm lý đã tình nguyện tham gia các trạm y tế lưu động, nhưng nhiệm vụ chủ yếu của họ là tư vấn tâm lý cho các bệnh nhân, chứ chưa lo được nhiều cho các nhân viên y tế. Đây là vấn đề xuất phát từ thực tế chống dịch vừa qua, sẽ được chúng tôi nghiên cứu và đề xuất giải pháp để đáp ứng nếu có tình huống dịch mới xảy ra và phải huy động lực lượng lớn nhân lực y tế tham gia chống dịch.

KHÔNG THỂ “ZERO COVID-19” VÀ THÍCH ỨNG VỚI TÌNH HÌNH CHỐNG DỊCH MỚI

Phóng viên: Bài học từ TP Hồ Chí Minh đã giúp các địa phương khác tránh được vết xe đổ như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Bài học ở TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn đầu đã giúp cho các tỉnh còn lại ở khu vực phía nam, nhất là những tỉnh ở xa TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh tốc độ đáp ứng. Theo đó, vẫn trên 5 nguyên tắc nhưng với chiến lược mới, tốc độ mới đã giúp cho các tỉnh kiểm soát được dịch sớm và hiệu quả hơn dù tỷ lệ bao phủ vaccine chưa cao.

Thứ trưởng thăm và tặng quà các em mất đi người thân trong đại dịch.

Thứ trưởng thăm và tặng quà các em mất đi người thân trong đại dịch.

Phóng viên: Để thích ứng với giai đoạn chống dịch mới khi chúng ta không thể zero Covid-19, ngành y tế cần phải làm gì để giữ vững các thành quả chống dịch? TP Hồ Chí Minh cần làm gì để sắp xếp lại hệ thống y tế để ứng phó với tình hình mới?

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Trong giai đoạn tới, Bộ Y tế sẽ đặc biệt chú trọng vào các nhóm giải pháp mang tính chiến lược như sau:

Một là tăng nhanh độ bao phủ vaccine, tiếp tục huy động các nguồn vaccine và thực hiện tiêm chủng vaccine theo các vùng ưu tiên và đối tượng ưu tiên giúp giảm số bệnh nhân nặng và giảm tử vong, phục hồi sản xuất và phát triển kinh tế.

Tiếp tục chuẩn bị nâng cao năng lực điều trị, chuẩn bị sẵn các kịch bản ứng phó trong công tác điều trị của từng địa phương, bao gồm các Trung tâm hồi sức Covid-19, bệnh viện dã chiến, thiết lập trạm y tế lưu động, hệ thống cung cấp ô-xy và các điều kiện về hậu cần, nhân lực để đáp ứng yêu cầu về điều trị theo các tiêu chí trong kế hoạch “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” của Ban Chỉ đạo quốc gia.

Củng cố mạng lưới y tế dự phòng, huy động sự tham gia của cộng động, phát huy vai trò của tổ Covid cộng đồng, tổ y tế cộng đồng trong phòng chống dịch. Huy động sự tham gia của các doanh nghiệp và sự ủng hộ của người dân trong phòng chống dịch. Thực hiện chiến lược coi “xã, phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ”.

Đầu tháng 10, các lực lượng chi viện đã rút dần về các địa phương. Dự kiến các bệnh viện dã chiến của TP Hồ Chí Minh lần lượt sẽ ngừng hoạt động vào cuối tháng 10, 11 và 12/2021. Riêng các Bệnh viện dã chiến số 3, số 6, số 8 tại khu tái định cư Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) sẽ ngừng hoạt động cuối cùng, dự kiến vào cuối tháng 12/2021. 

Ngành y tế TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp quản các trung tâm hồi sức lớn và triển khai mô hình "Bệnh viện dã chiến 3 tầng" tại các Bệnh viện dã chiến số 16, 13 và 14 - tương ứng với các trung tâm hồi sức nằm kế cạnh. Các trung tâm hồi sức sẽ sáp nhập với các bệnh viện dã chiến này, trở thành các "Bệnh viện dã chiến 3 tầng". 

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh sẽ điều động luân phiên nhân viên y tế (bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên) từ các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa đến các "Bệnh viện dã chiến 3 tầng". Các bệnh viện đảm trách trung tâm hồi sức sẽ chịu trách nhiệm đào tạo chuyên khoa hồi sức cấp cứu cho y - bác sĩ của các bệnh viện thành phố, quận, huyện trong thời gian luân phiên công tác đây.

Thứ trưởng chúc mừng bệnh nhân nước ngoài được xuất viện.

Thứ trưởng chúc mừng bệnh nhân nước ngoài được xuất viện.

Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, khi chưa đủ tỷ lệ bao phủ vaccine trên cả nước, đặc biệt cho người có nguy cơ cao (người già, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai), tôi cho rằng, giải pháp quan trọng là phát hiện nguồn bệnh, để khoanh vùng, xử lý kịp thời, giảm lây nhiễm, đánh giá vùng nguy cơ dịch, đánh giá các biện pháp kiểm soát dịch, đặc biệt với biến thể Delta thì khâu xét nghiệm là then chốt và phải bảo đảm thần tốc.

Xin cảm ơn PGS, TS Nguyễn Trường Sơn!

Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Thực hiện: THẢO LÊ, THIÊN LAM, MINH DUY
Ảnh: NVCC, BỘ Y TẾ, SK&ĐS, TTXVN, VGP, VOV