Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu kế hoạch tác chiến và mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu: TTXVN

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân ta đã bắn rơi và phá hủy 177 máy bay các loại của địch, trong đó có 62 chiếc do các lực lượng phòng không của ta bắn rơi. Ảnh tư liệu: TTXVN

TÍCH CỰC HOÀN THÀNH CÔNG TÁC CHUẨN BỊ TIÊU DIỆT TOÀN BỘ QUÂN ĐỊCH Ở ĐIỆN BIÊN PHỦ [1]

Các đồng chí,

Hôm nay, hội nghị của chúng ta khai mạc giữa bầu không khí phấn khởi của mùa Xuân chiến thắng trên các chiến trường toàn quốc. Thay mặt Tổng quân ủy, tôi gửi lời chúc tất cả các cán bộ và chiến sĩ được mạnh khỏe và sang năm mới sẽ thu được nhiều thắng lợi mới.

Bản báo cáo của tôi gồm 4 phần:
1. Chúng ta đã thu được nhiều thắng lợi trên khắp các chiến trường toàn quốc.
2. Chủ trương quân sự của Trung ương để củng cố và mở rộng thắng lợi Đông Xuân.
3. Chủ trương tác chiến ở Điện Biên Phủ.
4. Chúng ta tiếp tục chuẩn bị chiến dịch như thế nào.

I - CHÚNG TA ĐÃ THU ĐƯỢC NHIỀU THẮNG LỢI TRÊN KHẮP CÁC CHIẾN TRƯỜNG TOÀN QUỐC

Từ Hội nghị cán bộ chiến dịch Đông Xuân vào trung tuần tháng 11 đến nay, sau hơn 2 tháng chiến đấu để thực hiện chủ trương quân sự của Trung ương và kế hoạch tác chiến của Tổng quân ủy, chúng ta đã thu được những thắng lợi lớn trên khắp các chiến trường toàn quốc.

Trên mặt trận Tây Bắc và Thượng Lào, bước vào mùa Đông, địch điều động một bộ phận chủ lực tinh nhuệ lên Điện Biên Phủ nhằm mục đích yểm hộ cho bọn địch rút khỏi Lai Châu, che chở cho Thượng Lào và củng cố Điện Biên Phủ thành bàn đạp để sau này tấn công Tây Bắc. Nhưng Lai Châu đã được giải phóng, phần lớn bọn địch rút khỏi Lai Châu đã bị tiêu diệt. Mấy hôm nay, phòng tuyến Nậm Hu mà địch cho là "con đường liên lạc chiến lược" của chúng đã bị phá vỡ, 17 đại đội địch bị tiêu diệt và đánh tan trong đó có toàn bộ 1 tiểu đoàn lê dương, Luông Phabăng bị uy hiếp, căn cứ kháng chiến của Pathét Lào được mở rộng nối liền với Sầm Nưa và khu Tây Bắc của ta. Hiện bọn địch ở Điện Biên Phủ đã lâm vào thế bị động phòng ngự và bị cô lập ở giữa một vùng rừng núi mênh mông.

Trên mặt trận đồng bằng Bắc Bộ, chiến tranh du kích phát triển mạnh. Ta tiêu diệt 15 vị trí quan trọng của địch, trong đó có những vị trí lớn như vị trí Hoàng Đan ở Hà Nam, vị trí La Tiến ở Thái Bình, vị trí Từ Sơn ở Bắc Ninh buộc địch rút quân khu Cầu Bố ở Bắc Giang và 13 vị trí khác, trong đó có những vị trí quan trọng như Diêm Điền và Cao Mại ở Thái Bình, Kinh Môn ở Hải Dương, Phù Lưu Tế ở Hà Đông, 2 vị trí công sự mới Ao Khoang và Suối Me ở Sơn Tây. Theo nghị quyết của hội nghị cán bộ địch hậu, bộ đội ta đã phát triển các hình thức tập kích, phục kích, đánh sông và đã thu được nhiều thắng lợi như trận tập kích Đồ Sơn, trận đánh viện Hoàng Đan, những trận đánh trên sông Hồng Hà, sông Đào Nam Định và nhiều trận khác. Hiện nay, sự đối phó của địch khá lúng túng: tất cả các vị trí bị tiêu diệt và bức rút đều chưa đóng lại kể cả những vị trí trên phòng tuyến Sông Đáy mà hàng năm địch phải dàn bộ đội cơ động ra để đề phòng ta thâm nhập địch hậu.

Trên mặt trận Trung Lào, lực lượng của ta không nhiều nhưng do phương châm chỉ đạo đúng và do bộ đội tiến bộ, cho nên ta đã thu được thắng lợi lớn. Một bộ phận sinh lực quan trọng của địch bị tiêu diệt, trong đó có 3 tiểu đoàn Âu Phi, 1 tiểu đoàn dù ngụy và 2 đại đội trọng pháo; phần lớn tỉnh Thà Khẹt được giải phóng (trong vùng giải phóng có độ 30 vạn dân). Sau khi địch trở lên Thà Khẹt thì bộ đội ta lại tiến xuống đường số 9, tiêu diệt các vị trí Mường Phìn, Mường Pha Lan, bức rút Sêpôn, giải phóng phía bắc tỉnh Savanakhét. Hiện nay đường số 9 là con đường chiến lược rất quan trọng ở miền Trung Đông Dương đã bị cắt đứt: từ Lao Bảo đến Savanakhét chỉ còn một vị trí Tà Khống.

Trên mặt trận Hạ Lào, bộ đội ta đã vượt qua rất nhiều khó khăn gian khổ, lợi dụng thế địch sơ hở, tiêu diệt và giải phóng thị xã Atôpơ và vị trí Pui, giải phóng cả vùng tây nam cao nguyên Bôlôven.

Trên mặt trận Liên khu 5, trong lúc quân địch bị sa lầy vào cuộc đánh ra không đúng lúc ở Tuy Hòa, bộ đội ta đã nhanh chóng mở cuộc tấn công vào phía bắc Công Tum, tiêu diệt các vị trí Mang Đen, Công Bờ Rai, Mang Bút, v.v... bức rút một số vị trí khác trong đó có Đắc Tô, Đắc Pét, giải phóng thị xã Công Tum và toàn tỉnh Công Tum, phá thế uy hiếp của địch đối với phía sau lưng Quảng Nam, Quảng Ngãi kiểm soát cả một địa bàn chiến lược quan trọng ở Bắc Tây Nguyên. Vùng tự do của ta hiện nay đi từ ven biển Quảng Nam, Quảng Ngãi đến biên giới Việt-Lào, nối liền với vùng giải phóng tây nam Bôlôven của nước bạn. Chiến thắng Công Tum là chiến thắng lớn đầu tiên của quân ta trên chiến trường miền nam được giải phóng.

Trên mặt trận Bình Trị Thiên, ta đánh mạnh các đường giao thông, đánh đổ nhiều đoàn tàu của địch, phá các cuộc càn quét của chúng.

Trên mặt trận Nam Bộ, du kích chiến tranh phát triển khắp miền Đông và miền Tây, hàng loạt đồn bốt của địch bị tiêu diệt, riêng trong tháng 1 ta tiêu diệt 60 vị trí và tháp canh của địch.

Trên mặt trận Cao Miên, lợi dụng lúc bộ đội cơ động của địch bị điều sang Trung Lào, chiến tranh du kích cũng đang phát triển, nhất là ở Tây Nam.

Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến.

Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến.

Tóm lại, sau hơn 2 tháng hoạt động chúng ta đã:
a) Tiêu diệt 20.000 tên địch, trong đó có đại bộ phận 4 tiểu đoàn Âu Phi, 1 tiểu đoàn dù ngụy và 1 tiểu đoàn ngụy. [2]
b) Giải phóng những vùng đất đai rộng lớn ở Tây Bắc và ở Tây Nguyên.
c) Đẩy mạnh chiến tranh du kích và mở rộng những căn cứ du kích ở đồng bằng Bắc Bộ.

Giữ vững chiến tranh du kích ở Bình Trị Thiên.

Phát triển chiến tranh du kích ở Nam Bộ.

d) Giúp Pathét Lào xây dựng và mở rộng căn cứ kháng chiến ở Thượng Lào, Trung Lào và Hạ Lào.

Nhìn chung hình thái quân sự hiện nay có 2 điểm đáng chú ý:

Thứ nhất là bộ đội cơ động của địch trước tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ nay bị phân tán và kiềm giữ ở một số vị trí quan trọng.

Ở đồng bằng Bắc Bộ, trước địch đã cố gắng tập trung 41 tiểu đoàn cơ động, nay chỉ còn 18 tiểu đoàn.

Không những vậy, lực lượng của chúng trước bố trí ở Nam Bộ và Cao Miên nay cũng bị phân tán một bộ phận lên Trung Lào, vì vậy những chiến trường đó hiện bị sơ hở hơn trước.

Lực lượng của địch hiện bị phân tán và kiềm giữ 14 tiểu đoàn ở Điện Biên Phủ, 18 tiểu đoàn ở đồng bằng Bắc Bộ, 22 tiểu đoàn ở Trung Lào và Hạ Lào, 8 tiểu đoàn ở Plây Cu, 13 tiểu đoàn ở Tuy Hòa. Hiện địch đã điều trung đoàn cơ động số 7 ở đồng bằng Bắc Bộ lên tăng cường cho Luông Phabăng, rồi đây nếu ta uy hiếp mạnh Luông Phabăng thì địch còn phải tăng cường cho Luông Phabăng và lực lượng của chúng còn bị phân tán hơn nữa.

Thứ hai là quân ta hoạt động mạnh và chiến thắng trên khắp các chiến trường toàn quốc.

Như trên đã nói, ta đang thu được nhiều thắng lợi trên khắp các mặt trận và hiện đã phá được một phần kế hoạch Na-va.

- Âm mưu của Na-va là tập trung bộ đội cơ động nhưng bộ đội cơ động của địch hiện đang bị phân tán hơn bao giờ hết.
- Âm mưu của Na-va "bình định" đồng bằng Bắc Bộ nhưng chiến tranh du kích ở đó hiện đang phát triển hơn trước.
- Âm mưu của Na-va là đánh rộng ra vùng tự do của ta để giành lại chủ động, nhưng trước kia bộ đội cơ động còn tập trung mà địch cũng không làm gì được, ngày nay bộ đội cơ động đã bị phân tán thì địch rất khó thực hiện âm mưu đó.
- Âm mưu của Na-va là đánh rộng và "bình định" miền nam nhưng chiến tranh du kích ở đó cũng đang phát triển hơn trước.

Đối với chiến trường hai nước bạn, âm mưu của Na-va là ra sức "bình định" Miên-Lào, nhưng ở Miên thì du kích chiến tranh tiến bộ hơn trước, ở Lào thì địch hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, căn cứ kháng chiến của Pathét Lào được mở rộng ở Thượng Lào, Trung Lào và Hạ Lào.

Các đồng chí!

Chúng ta thu được những thắng lợi lớn như vậy, chúng ta đã làm cho tình hình quân sự hiện nay khác nhiều so với lúc mới bước vào Thu Đông, đó là nhờ đường lối quân sự của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch rất chính xác, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch đã căn cứ vào chủ nghĩa Mác-Lênin để phân tích tình hình và đề ra chủ trương chính xác cho chúng ta. Những thắng lợi đó cũng làm cho chúng ta tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chủ nghĩa Mác-Lênin...

II - CHỦ TRƯƠNG QUÂN SỰ CỦA TRUNG ƯƠNG ĐỂ CỦNG CỐ VÀ MỞ RỘNG THẮNG LỢI ĐÔNG XUÂN

Hiện nay, sự hoạt động ở mặt trận Điện Biên Phủ có liên quan mật thiết với tình hình các mặt trận trên toàn quốc. Nếu ta diệt được địch ở Điện Biên Phủ hay bao vây giữ chủ lực địch ở đó, thì các mặt trận trên toàn quốc ra sức hoạt động mạnh, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, kiềm giữ chủ lực địch ở đó, thì ta có điều kiện tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ.

Vì vậy trước khi nói đến chủ trương tác chiến ở Điện Biên Phủ, tôi nói qua mấy nét về những phương châm quân sự của Trung ương để củng cố và mở rộng thắng lợi Đông Xuân trên chiến trường toàn quốc.

Những phương châm đó là:

a) Phối hợp chặt chẽ sự hoạt động trên mặt trận chính diện với sự hoạt động trên mặt trận địch hậu, sự phối hợp này cần được thực hiện trên toàn quốc và toàn chiến trường Việt-Miên-Lào.

Phối hợp chính diện với địch hậu nghĩa là mặt trận chính diện phải ra sức kiềm chế giam giữ địch để cho tất cả các mặt trận địch hậu đẩy mạnh chiến tranh du kích và tiêu diệt sinh lực địch. Mặt trận địch hậu phải tích cực hoạt động và kiềm giữ địch để tạo điều kiện thuận lợi cho mặt trận chính diện tiêu diệt địch.

Sự phối hợp chính diện với địch hậu trước đây đã thực hiện chặt chẽ ở Bắc Bộ trong chiến dịch Hòa Bình. Ngày nay, chúng ta có nhiều mặt trận chính diện và nhiều mặt trận địch hậu, trong đó mặt trận Điện Biên Phủ là mặt trận chính diện quan trọng nhất. Vì vậy, sự phối hợp chính diện với địch hậu trong lúc này phải được thực hiện trên chiến trường toàn quốc và trên toàn chiến trường Việt-Miên-Lào, chứ không hạn chế trong một mặt trận nào như trước.

b) Hoạt động Đông Xuân của ta cần phải tiếp tục từ nay cho đến mùa hè, chứ không hạn chế trong một thời gian ngắn như trước.

Thời gian hoạt động của ta càng dài tức là chúng ta càng khơi sâu nhược điểm của địch, càng tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, buộc địch phải phân tán sinh lực, tạo điều kiện thuận lợi cho du kích chiến tranh phát triển. Ngay đến mùa hè cũng cần tiếp tục hoạt động một phần, thay đổi quy luật mọi năm.

c) Trong hoạt động Đông Xuân, vì ta giải phóng được nhiều địa phương mới, vì tác chiến kéo dài, cho nên cần kết hợp nhiệm vụ tác chiến với nhiệm vụ củng cố vùng giải phóng, kết hợp nhiệm vụ tác chiến với nhiệm vụ chấn chỉnh xây dựng bộ đội. Nếu đợi tác chiến xong mới xây dựng bộ đội, củng cố địa phương thì sẽ không duy trì được sự hoạt động liên tục bền bỉ và không củng cố được thắng lợi.

Trung ương đề ra những phương châm nói trên cho tất cả các mặt trận trên toàn quốc, trong đó có mặt trận Điện Biên Phủ. Các mặt trận đều phải làm như vậy, mặt trận Điện Biên Phủ cũng phải làm như vậy.

Hoạt động trên mặt trận Điện Biên Phủ cần kết hợp chặt chẽ với hoạt động trên các mặt trận chính diện khác và tất cả các mặt trận địch hậu trên toàn quốc.

Hoạt động trên mặt trận Điện Biên Phủ phải liên tục trong một thời gian dài.

Hoạt động trên mặt trận Điện Biên Phủ phải kết hợp chặt chẽ việc tác chiến tiêu diệt sinh lực địch với việc chấn chỉnh xây dựng bộ đội và củng cố địa phương.

Bộ chỉ huy chiến dịch dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh.

Bộ chỉ huy chiến dịch dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh.

III - CHỦ TRƯƠNG TÁC CHIẾN Ở MẶT TRẬN ĐIỆN BIÊN PHỦ

1. Mặt trận Điện Biên Phủ là mặt trận chính diện quan trọng nhất hiện nay trên toàn quốc, vì chủ lực chính của địch đang bị kiềm giữ ở đó.

Quyết tâm của Trung ương vẫn như cũ, nghĩa là tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ.

Thực hiện quyết tâm của Trung ương, chúng ta gặp khó khăn về cung cấp và đường sá, nhưng chúng ta có thể khắc phục khó khăn để thực hiện quyết tâm của Trung ương.

Trước đây, phương châm tác chiến của ta là đánh nhanh giải quyết nhanh. Nhưng vì trong thời gian chuẩn bị, địch tình có phần thay đổi nên Tổng quân ủy đã quyết định thay đổi phương châm và kế hoạch tác chiến, thay đổi trận địa pháo binh.

Thay đổi cách đánh như vậy, Tổng quân ủy đã đứng trên nguyên tắc "đánh chắc thắng”, đã nắm vững nguyên tắc đó.

Phương châm tác chiến mới của ta là "đánh chắc tiến chắc". Nói như vậy không phải là với tình hình biến hóa có lợi thì nhất định không dùng cách đánh nhanh. Nếu ta chuẩn bị đánh chắc tiến chắc mà khi cần có thể chuyển sang đánh nhanh giải quyết nhanh thì không có gì trở ngại.

Quyết tâm của ta vẫn giữ vững, ta đã thay đổi cách đánh để bảo đảm chắc thắng, bảo đảm quyết tâm được thực hiện.

2. Chiến dịch Điện Biên Phủ sẽ tiến hành như thế nào? Có thể chia làm ba thời kỳ.

a) Thời kỳ thứ nhất là thời kỳ tích cực hoàn thành mọi công tác chuẩn bị.

Lúc nào có thể coi là hoàn thành công tác chuẩn bị? Công việc chuẩn bị có nhiều nhưng ta lấy điểm sau này làm tiêu chuẩn: lúc đã làm xong các đường cho pháo, các trận địa pháo binh và có thể bắt đầu bao vây khống chế sân bay của địch, tức là công tác chuẩn bị căn bản có thể coi là đã làm xong.

b) Thời kỳ thứ hai là thời kỳ bao vây và khống chế sân bay, tiêu hao và tiêu diệt từng bộ phận nhỏ sinh lực của địch, tạo điều kiện để tiêu diệt toàn bộ.

Trong thời kỳ thứ hai, phải đặc biệt chú ý mấy vấn đề sau đây:
Một là khống chế sân bay, hạn chế hoặc triệt tiếp tế đường không của địch.
Hai là cấu trúc những trận địa tấn công của bộ binh để dần dần thắt chặt vòng vây chung quanh quân địch.
Ba là tích cực đánh địch sục ra ngoài, tiêu hao hoặc tiêu diệt từng bộ phận sinh lực của địch, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để tranh thủ tiêu diệt một số vị trí ngoại vi.
Bốn là đẩy mạnh hoạt động nhỏ kết hợp với địch vận, làm cho lực lượng địch bị tiêu hao và tinh thần chúng bị suy nhược.

c) Thời kỳ thứ ba là thời kỳ tổng công kích, tiêu diệt toàn bộ quân địch.

Ba thời kỳ này liên quan chặt chẽ với nhau. Nếu công tác chuẩn bị trong thời kỳ thứ nhất được chu đáo thì việc tác chiến trong 2 thời kỳ sau được thuận lợi. Nếu việc bao vây, khống chế, tiêu hao trong thời kỳ thứ hai được tiến hành tích cực và thu được nhiều kết quả thì tạo được điều kiện thuận lợi cho việc tổng công kích trong thời kỳ thứ ba.

Ba thời kỳ này dài ngắn, điều đó một phần là do sự đối phó của địch nhưng chủ yếu là do sự cố gắng của ta.

Cũng có thể nói, chiến dịch chia làm 2 thời kỳ: thời kỳ chuẩn bị và thời kỳ tác chiến, và thời kỳ tác chiến sẽ chia làm 2 bước. Nhưng Tổng quân ủy phân biệt 3 thời kỳ là để nêu rõ sự quan trọng của thời kỳ chuẩn bị, các đồng chí cần nhận rõ điều đó.

Bộ đội cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc xẻ núi, làm đường vào trận địa.

Bộ đội cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc xẻ núi, làm đường vào trận địa.

3. Áp dụng cách đánh mới, chúng ta có những khó khăn, nhưng cũng có nhiều điều có lợi.

Khó khăn thứ nhất là địch có thể tăng cường. Địch có thể tăng cường nhưng chỉ có hạn chứ không phải vô hạn, nhất là trong khi ta đã hạn chế việc tiếp tế của chúng, trong khi ta đang tích cực hoạt động trên khắp các chiến trường toàn quốc. Chúng tăng cường thì một mặt tăng thêm lực lượng để đánh nhau với ta nhưng một mặt khác càng gây thêm nhiều khó khăn cho chúng.

Khó khăn thứ hai là hoạt động kéo dài, bộ đội ta có thể bị tiêu hao, mệt mỏi. Một số đồng chí quá lo về vấn đề này nên một mặt thì muốn đánh nhanh, một mặt thì chỉ muốn dùng hỏa lực để tiêu hao địch trong thời kỳ thứ hai, không muốn dùng xung lực, nghĩ như vậy là không đúng.

Muốn tránh cho bộ đội không bị mệt mỏi và tiêu hao thì phải hết sức giữ sức khỏe cho bộ đội (chăm sóc vấn đề ăn uống nghỉ ngơi, tăng cường vệ sinh phòng bệnh...), phải tích cực đào công sự, phải chuẩn bị đầy đủ vấn đề bổ sung quân số và chấn chỉnh lực lượng, chứ không phải đặt vấn đề thay đổi phương châm và kế hoạch tác chiến.

Về phương diện chiến thuật, nhiệm vụ của hỏa lực là yểm hộ cho xung lực tiêu diệt địch; nếu không kết hợp hỏa lực với xung lực thì không lợi dụng và phát huy được tác dụng của hỏa lực để tiêu hao và tiêu diệt quân địch. Dùng xung lực trong thời kỳ thứ hai, tất nhiên ta sẽ bị thương vong một phần nhưng muốn tiêu hao và tiêu diệt địch mà không muốn mình bị thương vong chút nào thì việc đó không thể có. Vấn đề là phải chuẩn bị và cố gắng để bổ sung và chấn chỉnh lực lượng nhanh chóng, giữ vững lực lượng chiến đấu của bộ đội sau mỗi một cuộc chiến đấu.

Khó khăn thứ ba là thời gian hoạt động kéo dài, cung cấp có thể thiếu thốn. Đúng, vấn đề cung cấp là một khó khăn lớn trong chiến dịch. Nhưng với tinh thần chịu đựng gian khổ và sự nỗ lực của tất cả các cán bộ và chiến sĩ ở các đơn vị bộ binh, pháo binh cũng như ngành cung cấp, ở các đơn vị công binh, đơn vị vận tải, với quyết tâm của Trung ương, với sự hy sinh cố gắng của nhân dân ở hậu phương, nhất định chúng ta có thể khắc phục được khó khăn này. Giải quyết vấn đề cung cấp là trách nhiệm của toàn thể chúng ta; các cấp ủy của Đảng, các thủ trưởng quân chính phải trực tiếp chỉ đạo vấn đề cung cấp.

Bên cạnh những khó khăn có thể khắc phục nói trên, chúng ta có nhiều điều có lợi.

Điều lợi thứ nhất và cũng là điều lợi lớn hơn hết là đánh như vậy thì chắc thắng, đánh chắc tiến chắc, hợp với nguyên tắc tác chiến và hợp với trình độ bộ đội.

Điều có lợi thứ hai là ta nhằm nhược điểm lớn nhất của địch là chúng hiện ở vào thế bị bao vây cô lập và gặp nhiều khó khăn về tiếp tế, để khoét sâu nhược điểm của chúng. Ta khống chế sân bay và hạn chế tiếp tế đường không của địch chừng nào, ta bao vây địch càng chặt chừng nào thì địch càng gặp nhiều khó khăn chừng nấy: cung cấp thiếu thốn, tinh thần suy nhược, thương binh tử sĩ ngày càng tăng, kho tàng đạn dược ngày càng cạn...

Điều có lợi thứ ba là ta có thế chủ động: muốn đánh lúc nào thì đánh, muốn đánh nơi nào thì đánh, muốn đánh thì đánh, muốn nghỉ thì nghỉ; chuẩn bị đầy đủ và chắc thắng thì đánh, không thì thôi; muốn giữ nơi nào và có thể giữ được thì giữ, không thì không giữ.

Điều có lợi thứ tư là tạo điều kiện cho các chiến trường khác hoạt động.

Đã đành rằng nếu tiêu diệt địch nhanh chóng thì rất có lợi cho các chiến trường khác, nhưng nếu chủ lực của địch bị kiềm giữ ở Điện Biên Phủ trong một thời gian dài thì các chiến trường khác cũng có điều kiện tốt để tiêu diệt sinh lực địch.

So sánh khó khăn và điều có lợi, chúng ta nhận thấy trước địch tình thay đổi, phương châm tác chiến mới rất chính xác. Chúng ta phải ra sức khắc phục mọi khó khăn, thực hiện kỳ được phương châm tác chiến đó, tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ.

IV - CHÚNG TA TIẾP TỤC CHUẨN BỊ CHIẾN DỊCH NHƯ THẾ NÀO?

Nội dung công tác chuẩn bị gồm mấy vấn đề chính sau đây:

1. Tổ chức mấy con đường mới cho pháo binh vận chuyển để sử dụng pháo binh được cơ động.

2. Tổ chức trận địa pháo binh thật kiên cố, đủ sức chịu đựng trọng pháo 105, 155 và bom nhẹ của địch.

Ngoài những trận địa chính, cần tổ chức nhiều trận địa nghi binh để đánh lạc hướng quân địch, để phân tán hỏa lực và tiêu hao đạn dược của chúng.

3. Chuẩn bị bộ đội về mọi mặt.
a) Nâng cao sức khỏe và giữ vững quân số chiến đấu: một mặt phải cải thiện cấp dưỡng, tăng cường vệ sinh phòng bệnh, quan tâm đến vấn đề ăn uống nghỉ ngơi của anh em, bảo đảm cho anh em ăn no, ăn nóng, uống nước nóng, ngủ đủ, ngủ ấm để giữ vững sức khỏe, một mặt phải chuẩn bị đầy đủ quân số bổ sung, đề bạt và bổ sung cán bộ và chấn chỉnh tổ chức.
b) Giáo dục chiến thuật và kỹ thuật, chú trọng vấn đề cấu trúc trận địa và bộ pháo hợp đồng.
c) Động viên chính trị để giữ vững quyết tâm, nâng cao tinh thần anh dũng diệt địch, liên tục chiến đấu, khắc phục mọi tư tưởng tiêu cực.

4. Chuẩn bị cung cấp về các phương tiện: lương thực, đạn dược, đường sá, vận tải, dân công.

5. Theo dõi địch tình để hiểu thêm binh lực và cách bố trí của địch, nhất là trong tung thâm; và để kịp thời nắm vững mọi sự thay đổi.

Trong khi tiến hành công tác chuẩn bị, cần nắm vững phương châm chuẩn bị đầy đủ và tranh thủ thời gian.

Trước đây, vì muốn tranh thủ thời gian nên mắc khuyết điểm chuẩn bị không đầy đủ. Lần này đề ra chuẩn bị đầy đủ, cần đề phòng khuynh hướng kéo dài, không tích cực khẩn trương để tranh thủ thời gian.

Cần làm cho toàn thể cán bộ và chiến sĩ thấm nhuần phương châm chuẩn bị đầy đủ và tranh thủ thời gian, quán triệt phương châm đó vào trong mọi công tác chuẩn bị hàng ngày.

- Tích cực làm đường sá là tích cực tranh thủ thắng lợi.
- Tích cực làm trận địa kiên cố là tích cực tranh thủ thắng lợi.
- Hoàn thành kế hoạch cung cấp trước thời hạn là tích cực tranh thủ thắng lợi.
- Bảo đảm đường sá thông suốt là tích cực tranh thủ thắng lợi.
- Tích cực bắt tù binh là tích cực tranh thủ thắng lợi.

Hay:
- Thêm một người làm đường là thêm một điều kiện để chiến thắng quân địch
- Công sự dày thêm một phần là thêm một điều kiện để chiến thắng quân địch...

Các đồng chí,

Ý nghĩa của chiến dịch Đông Xuân rất to lớn.

Nhiệm vụ của mặt trận Điện Biên Phủ rất quan trọng.

Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch đã hạ quyết tâm tiêu diệt địch. Đồng bào ở hậu phương đang ra sức phục vụ tiền tuyến, giúp đỡ chúng ta giết giặc. Các đơn vị anh em ở các mặt trận trên toàn quốc đang chiến đấu để phối hợp với chúng ta.

Chúng ta phải ra sức khắc phục mọi khó khăn, tích cực tiến hành công tác chuẩn bị, tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ, thực hiện cho kỳ được quyết tâm của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch, giành toàn thắng cho chiến dịch Đông Xuân, mở một thời kỳ chiến đấu mới cho quân đội anh dũng của chúng ta.

[1] Báo cáo tại Hội nghị cán bộ chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 7 tháng 2 năm 1954 sau khi quyết định thay đổi phương châm chiến dịch.
[2] Nếu kể từ trận thất bại của địch ở tây nam Ninh Bình hồi tháng 10 năm 1953 thì ta tiêu diệt 28.500 tên địch.

Item 1 of 2

Ngày 22/4/1954, vị trí 206 đã bị quân ta tiêu diệt, bọn còn sống sót đang giơ tay xin hàng.

Ngày 22/4/1954, vị trí 206 đã bị quân ta tiêu diệt, bọn còn sống sót đang giơ tay xin hàng.

Ngày 7/5/1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" đang phấp phới bay trên nóc hầm tên bại tướng thực dân pháp Đờ-cát.

Ngày 7/5/1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" đang phấp phới bay trên nóc hầm tên bại tướng thực dân pháp Đờ-cát.

Nguồn: Sách: Một số văn kiện chỉ đạo chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ, NXB Quân đội nhân dân, 2004, tr348-tr364
Ảnh: TTXVN
Trình bày: ANH NGỌC