
Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2024), Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết quan trọng “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”.
Chuyên đề “Cách mạng chuyển đổi số để phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” của Báo Nhân Dân phân tích những tư tưởng mới, mang tính đột phá của Tổng Bí thư Tô Lâm về cuộc cách mạng chuyển đổi số, xây dựng phương thức sản xuất số để phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất trong kỷ nguyên mới, phân tích những khó khăn, thách thức và sự cần thiết phải có cuộc cách mạng; từ đó, đưa ra những định hướng, giải pháp trong thời gian tới.
Bài 5:
Tạo dựng các điều kiện vững chắc để tiến hành thành công cách mạng chuyển đổi số
“Nhờ có công nghệ số hóa như an ninh số, an toàn số, giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh…, người dân được sống trong một môi trường an toàn, được chăm sóc sức khỏe, được học hành trong điều kiện tốt. Sinh viên khi ra trường có rất nhiều cơ hội để làm việc trong nền kinh tế số. Đó là sự thay đổi quan trọng nhất đem lại hạnh phúc cho người dân”.
Khi được hỏi về viễn cảnh sau khi Việt Nam thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT tập đoàn FPT, doanh nghiệp có bề dày tham gia chuyển đổi số hàng chục năm ở Việt Nam, đã trả lời phóng viên Báo Nhân Dân như vậy.
Tất cả mọi cuộc cách mạng đều có những mục tiêu của nó, và cuộc cách mạng số không là ngoại lệ. Theo Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia, “chuyển đổi số là phát triển chính quyền số giúp người dân được phục vụ tốt hơn, là phát triển kinh tế số giúp người dân giàu hơn và là phát triển xã hội số giúp người dân hạnh phúc hơn”. Và chúng ta phải tạo dựng rất nhiều điều kiện cần thiết để đạt được những mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số.
Yếu tố con người và vai trò người lãnh đạo trong chuyển đổi số
Trong bài viết, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, cần: “Có cơ chế đột phá thu hút nhân tài trong và ngoài nước; xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng và tư duy đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Phát biểu tại Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 ngày 12/10, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Chuyển đổi số trở thành trọng tâm trong hoạt động của Đảng, Nhà nước, vì vậy, cần có đột phá chiến lược cho chuyển đổi số. Đó là đột phá về thể chế số, hạ tầng số, dữ liệu số và cán bộ số”.
Còn theo ông Lê Trung Nghĩa, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (AVU&C), Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.
Để đáp ứng được mục tiêu kép nêu trên, rất cần xây dựng và nâng cao các năng lực số cho các tổ chức, doanh nghiệp và công dân để có thể xây dựng thành công chính phủ số, kinh tế số, và xã hội số một cách tương ứng. Các khung năng lực số cần được điều chỉnh liên tục theo thời gian và qua áp dụng trong thực tế.
Nhìn rộng ra toàn cầu, ông Trương Gia Bình cho rằng, thế giới đang bước vào thời kỳ thiếu trầm trọng nguồn nhân lực về công nghệ. Thế giới thiếu hàng triệu lao động trong lĩnh vực bán dẫn, công nghệ thông tin và phần mềm. Đặc biệt, thế giới thiếu nhiều triệu lao động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Thế nên, việc trọng yếu nhất là vấn đề đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số, và làm thế nào trong thời gian ngắn nhất Việt Nam có hàng triệu lao động cho thế giới.
“Tỷ phú Jensen Huang, CEO Nvidia đã nói: Khi Việt Nam làm điều đó thì hiển nhiên Việt Nam đứng vào hàng các nước tiên tiến nhất trên thế giới. Cho nên, có thể nói, sự vươn mình của dân tộc trong kỷ nguyên này phụ thuộc vào thành bại của ngành giáo dục. Giáo dục phải đồng hành với tất cả những thay đổi chiến lược của đất nước và phải thay đổi cực kỳ mạnh mẽ, có tính chất thay đổi toàn bộ xã hội Việt Nam”, ông Bình cho hay.
Theo ông Trương Gia Bình, Chính phủ đã đặt mục tiêu đào tạo 50.000 nhân sự bán dẫn, nhưng làm thế nào để có đủ nhân sự này. Hơn nữa, để phục vụ thế giới, nhân sự bán dẫn phải đạt tới con số hàng triệu. Bởi vậy, ông Bình cho rằng, trong cuộc cách mạng chuyển đổi số, với sự có mặt của trí tuệ nhân tạo, chúng ta cần phải nhìn lại toàn bộ hệ thống giáo dục về chất lượng và phương thức giáo dục, đào tạo, và phải đưa trí tuệ nhân tạo vào trong giảng dạy, để sinh viên, học sinh có thể học nhanh hơn, tốt hơn.
Về yếu tố con người, ông Trương Gia Bình cho biết thêm, kinh nghiệm mà FPT chia sẻ với nhiều doanh nghiệp công nghệ số là, muốn chuyển đổi số cần phải nắm nguyên tắc 3H (Heart – Head – Hand), phải chinh phục được trái tim, khối óc và bàn tay của tất cả mọi người. Cho nên đòi hỏi người lãnh đạo phải có cam kết cao nhất.
Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT
Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT
Tiếp theo, để thay đổi phương thức sản xuất, từng người phải thay đổi, ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc và biến thành những sáng tạo của nhân dân. Cho nên phải có ứng dụng 3C (Community – Content - Communicate), tức là các doanh nghiệp phải tạo dựng những nhóm nhỏ, giao tiếp thường xuyên, chia sẻ về việc chúng ta có thể sáng tạo ra cách làm nào.
Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về chuyển đổi số, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, muốn thay đổi phương thức sản xuất, yếu tố con người rất quan trọng. Nội dung bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm rất chú trọng đến con người, đến cán bộ đứng đầu, cho nên, đánh giá kết quả chuyển đổi số ở một đơn vị phải đánh giá người đứng đầu.
“Cán bộ số thì đầu tiên là người đứng đầu, phải trực tiếp chỉ đạo, trực tiếp làm và thành thạo sử dụng. Kết quả chuyển đổi số của các đơn vị là tiêu chí đánh giá cán bộ, người đứng đầu”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Cùng suy nghĩ này, ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn – Phích nước Rạng Đông nhấn mạnh: Muốn chuyển đổi số thành công, phải tiến hành một cuộc cách mạng sâu sắc và triệt để cả trong nhận thức, tư duy về chuyển đổi số, trước hết là nhận thức, tư duy của người lãnh đạo.
Gần đây, để đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs) để phổ cập kỹ năng số cho mọi đối tượng. Từ 1/1/2023 đến 15/8/2024, Bộ đã tổ chức 10 khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số miễn phí trên nền tảng này cho hơn 81.500 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Hỗ trợ 15 bộ, ngành và 49 địa phương sử dụng miễn phí Nền tảng MOOCS đến hết năm 2024.
Các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức 84 khóa học cho hơn 173.500 cán bộ học viên. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tổ chức 2 khóa học mở miễn phí cho người dân Việt Nam về kỹ năng số cơ bản và kỹ năng an toàn thông tin trên môi trường số trên Nền tảng MOOCS và thực hiện tập huấn kỹ năng số cho thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng (Tổ CNSCĐ) tại các địa phương.
Đến nay, nền tảng đã đạt hơn 28 triệu lượt truy cập các khóa học. Trung bình mỗi ngày tăng 2.000-3.000 lượt truy cập. Điều đó cho thấy, nhiều người Việt Nam đã có ý thức tự học về kỹ năng số, tạo hành trang cho mình để tiến vào kỷ nguyên mới.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã viết: “Phát triển công dân số, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để người dân tham gia hiệu quả vào nền kinh tế số và xã hội số, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau”. Và đây chính là điều kiện đầu tiên giúp cuộc cách mạng chuyển đổi số thành công.
Phổ cập hạ tầng số để phát triển kinh tế số, xã hội số
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng số, đang được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Mạng lưới viễn thông và internet băng thông rộng phủ sóng rộng khắp cả nước, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số”.
Hơn 1 tháng sau khi đồng chí Tổng Bí thư đăng bài viết, ngày 9/10/2024, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã ký Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 kèm Quyết định số 1132/QĐ-TTg.
Theo đó, “Hạ tầng số là hạ tầng của nền kinh tế. Hạ tầng số của Việt Nam (bao gồm 4 thành phần chính: (i) Hạ tầng viễn thông và Internet; (ii) Hạ tầng dữ liệu; (iii) Hạ tầng vật lý - số; (iv) Hạ tầng tiện ích số và Công nghệ số như dịch vụ) phải có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh”.
Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ đã cân nhắc rất nhiều khi đưa dữ liệu vào kiến trúc hạ tầng, và khi Bộ xin ý kiến chuyên gia thì dữ liệu đáp ứng 10/10 tiêu chí. “Cũng giống như đất đai với cơ sở hạ tầng, dữ liệu là bộ phận quan trọng bậc nhất của hạ tầng số”, Bộ trưởng khẳng định.
Như vậy, đây là lần đầu tiên chúng ta công nhận dữ liệu là một phần của hạ tầng số. Theo đó, hạ tầng dữ liệu là để đảm bảo khả năng lưu trữ, xử lý và khai thác hiệu quả khối lượng dữ liệu khổng lồ được tạo ra trong kỷ nguyên số.
Mục tiêu Chiến lược đặt ra là đến năm 2025 phổ cập cáp quang đến các hộ gia đình; 100% các tỉnh, thành phố, các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, khu công nghiệp, nhà ga/cảng biển/sân bay quốc tế có dịch vụ di động 5G.
Khu công nghệ cao Hòa Lạc nhìn từ trên cao.
Khu công nghệ cao Hòa Lạc nhìn từ trên cao.
Năm 2025, đưa vào khai thác tối thiểu 2 tuyến cáp quang biển quốc tế mới; hình thành các trung tâm dữ liệu hỗ trợ các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI Data Center); phát triển các trung tâm dữ liệu mới đạt tiêu chuẩn xanh theo các tiêu chuẩn quốc tế, trong đó chỉ số hiệu quả sử dụng năng lượng (PUE - Power Usage Effectiveness) không vượt quá 1,4.
Phấn đấu trung bình mỗi người dân có 1 kết nối Internet vạn vật (IoT - Internet of Things); mỗi người dân có 1 định danh số. Tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử đạt trên 50%; phát triển các nền tảng cung cấp các công nghệ số (IoT, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, an ninh mạng,...) như dịch vụ, đóng vai trò là hạ tầng mềm để phát triển kinh tế, xã hội.
Đến năm 2030, 100% người sử dụng có khả năng truy nhập cáp quang với tốc độ 1Gb/s trở lên; mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số; xây dựng, bảo đảm năng lực, sẵn sàng triển khai thử nghiệm mạng di động 6G.
Triển khai và đưa vào hoạt động thêm tối thiểu 6 tuyến cáp quang biển mới, nâng tổng dung lượng thiết kế cáp quang trên biển đạt tối thiểu 350 Tbps. Tổng dung lượng cáp quang biển thiết kế đáp ứng nhu cầu dự phòng tối thiểu 1+2 (dung lượng khả dụng gấp 3 lần dung lượng sử dụng thực tế).
Đồng thời, phát triển các Trung tâm dữ liệu siêu lớn (Hyperscale Data Center); Trung tâm dữ liệu hỗ trợ các ứng dụng trí tuệ nhân tạo; Trung tâm dữ liệu biên đáp ứng yêu cầu trong nước và sẵn sàng phát triển các Trung tâm dữ liệu khu vực (Digital Hub).
Số lượng kết nối IoT đạt mức trung bình cao của thế giới hoặc trung bình mỗi người dân 4 kết nối IoT; Tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử đạt trên 70%.
Cũng trong ngày 9/10/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Khung phát triển Hạ tầng số Việt Nam. Cụ thể, hạ tầng số được quy hoạch phát triển theo định hướng: "Mạng viễn thông băng rộng bảo đảm dung lượng lớn, tốc độ cao, công nghệ hiện đại, hạ tầng Intermet vạn vật - IoT được tích hợp rộng rãi bảo đảm phát triển hài hòa, phục vụ tốt chuyển đổi số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và an ninh- quốc phòng".
Quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông là, hạ tầng số Việt Nam phải bảo đảm có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ biến, bền vững, "xanh", thông minh, mở và an toàn. Hạ tầng số phải được đầu tư đi trước một bước để phục vụ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Một trong những yêu cầu quan trọng đối với hạ tầng số Việt Nam là hoạt động an toàn, có khả năng phục hồi nhanh chóng sau sự cố và ứng phó với các thảm họa. Hạ tầng số được xây dựng bảo đảm dự phòng, tránh gián đoạn dịch vụ trên diện rộng.


Tiến tới thực hiện dịch vụ công toàn trình trên môi trường điện tử
Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định: “Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số còn hạn chế. Vẫn tồn tại những thủ tục hành chính rườm rà, lạc hậu, qua nhiều khâu, nhiều cửa, mất nhiều thời gian, công sức của người dân và doanh nghiệp, dễ nảy sinh tham nhũng vặt, cản trở phát triển”.
Để giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà, Việt Nam bắt đầu phát triển dịch vụ công trực tuyến từ khá sớm, vào năm 2011, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.
Vì thế, sau giai đoạn phát triển theo chiều rộng bằng cách ồ ạt đưa các dịch vụ công lên mạng, đã đến lúc việc triển khai dịch vụ công trực tuyến cần chú trọng đi vào chiều sâu, bản chất là phổ cập dịch vụ công trực tuyến theo hướng toàn trình.
Dịch vụ công trực tuyến toàn trình là dịch vụ bảo đảm cung cấp toàn bộ thông tin về thủ tục hành chính, việc thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính đều được thực hiện trên môi trường mạng. Việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Để thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình, cần tính tỷ lệ hồ sơ được giải quyết chứ không phải tỷ lệ hồ sơ được nộp trực tuyến”.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến tháng 9/2024, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình đủ điều kiện đạt 100%. Hiện tất cả 83 bộ, ngành, địa phương đều đã ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP.
Đến hết 15/9/2024, 81% thủ tục hành chính được triển khai là dịch vụ công trực tuyến, trong đó 49% thủ tục hành chính được triển khai là dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đạt 77,44 %.
Hiện nay, tất cả các địa phương trên toàn quốc đã ban hành chính sách giảm, miễn phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 15/63 tỉnh đã ban hành chính sách giảm thời gian để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thành phố Hà Nội ban hành chính sách quy định việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên, đối với cơ quan nhà nước, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn chưa thuận tiện, dễ dùng và toàn trình; chưa có chính sách khuyến khích người dân khi tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến nên tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính nộp trực tuyến thấp, trong đó tỷ lệ hồ sơ người dân tự thực hiện trực tuyến còn thấp.
Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các bộ, ngành, địa phương xây dựng và nhanh chóng triển khai Kế hoạch hành động thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến.
Trong công văn gửi các bộ, ngành, địa phương ngày 14/10, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các bộ, tỉnh, thành phố quyết liệt triển khai các giải pháp để phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình tới mọi người dân, doanh nghiệp.
Mục tiêu cần đạt là đến hết năm 2024, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 70% với bộ, ngành và 30% với địa phương; mục tiêu đến hết năm 2025 đưa tỷ lệ này đạt 85% với bộ, ngành và 70% với địa phương.
Trên cơ sở tổng kết các bài học kinh nghiệm và kinh nghiệm triển khai của một số bộ, ngành, địa phương, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng “Khung triển khai dịch vụ công trực tuyến” để các bộ, ngành, địa phương thuận lợi hơn trong việc phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Và gần đây nhất, ngày 23/10/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 137/2024/NĐ-CP quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.
Nghị định 137/2024/NĐ-CP hướng dẫn việc chuyển đổi một số hoạt động của cơ quan nhà nước lên môi trường điện tử toàn trình, trong đó tập trung vào 4 hoạt động chính bao gồm: cung cấp dịch vụ công trực tuyến; quản trị nội bộ; chỉ đạo, điều hành; giám sát, kiểm tra, thanh tra.
Theo đó, dịch vụ hành chính công được cung cấp trực tuyến toàn trình trên cơ sở rà soát, tái cấu trúc quy trình, đáp ứng yêu cầu về chất lượng theo quy định của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng.
Cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình khi đủ điều kiện thực hiện trọn vẹn từ đầu đến cuối quy trình bằng phương tiện điện tử. Trong trường hợp chưa thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử, cơ quan nhà nước phải thông báo để tổ chức, cá nhân được biết.
Bảo đảm khung pháp lý không trở thành rào cản của chuyển đổi số
Một trong bốn nhiệm vụ của cách mạng chuyển đổi số mà đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra trong bài viết của mình chính là hoàn thiện thể chế và hệ thống pháp luật.
“Tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho nền kinh tế số, tạo nền tảng để Việt Nam nắm bắt cơ hội từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Có cơ chế, chính sách mạnh mẽ thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội, khuyến khích đổi mới sáng tạo, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Thường xuyên rà soát, sửa đổi kịp thời các quy định không còn phù hợp, tạo hành lang cho các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, trí tuệ nhân tạo... bảo đảm khung pháp lý không trở thành rào cản của sự phát triển, đồng thời bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp”, Tổng Bí thư Tô Lâm viết.
Tiếp đó, ngày 21/10, phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã giao nhiệm vụ cho Quốc hội: “Chủ động, tích cực, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới (nhất là những vấn đề liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…) tạo khung khổ pháp lý để thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi số, tạo đột phá cho phát triển đất nước trong những năm tiếp theo”.
Thời gian qua, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, trong đó có nhiều quy định tạo thuận lợi chuyển đổi số thành công và thực hiện Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số. Trong đó, phải kể đến các luật đã được Quốc hội ban hành như: Luật Công nghệ thông tin, Luật Báo chí, Luật Quảng cáo, Luật An ninh mạng, Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Giao dịch điện tử, Luật Căn cước công dân, Luật Thống kê…
Đặc biệt, Luật Giao dịch điện tử năm 2023 được Quốc hội khóa XV thông qua có nhiều chính sách mới, nổi bật giúp công nhận giao dịch điện tử sẽ có giá trị tương đương và có thể sử dụng thay thế giao dịch truyền thống. Có thể coi Luật này là luật cơ bản về chuyển đổi số.
Có thể coi Luật Giao dịch điện tử năm 2023 là luật cơ bản về chuyển đổi số.
Trong các kỳ họp Quốc hội, đại biểu Quốc hội cũng gợi mở nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đổi số. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương từng đề nghị, Chính phủ sớm ban hành khung thể chế về thử nghiệm để các địa phương có cơ sở để thực hiện. Trong đó, cần quan tâm bảo đảm môi trường pháp lý, cho phép thử nghiệm, chấp nhận cái mới và chấp nhận thay đổi.
“Hình thành không gian thí điểm dịch vụ số và xây dựng khung pháp lý cho phép thử nghiệm các dịch vụ số chưa được quy định bởi pháp luật với điều kiện được giám sát chặt chẽ bằng công nghệ, về phạm vi, quy mô và mô hình hoạt động, khi đạt đến mục quy mô nhất định thì tổ chức đánh giá để xây dựng hành lang pháp lý cần thiết”, đại biểu luật Nguyễn Thị Mai Phương nói.
Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Quốc hội sẽ cho ý kiến về 2 dự thảo luật liên quan đến chuyển đổi số, đó là dự án Luật Công nghiệp công nghệ số và dự án Luật Dữ liệu.
Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, một trong những trọng tâm của Luật Công nghiệp công nghệ số là phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, với định hướng chuyển dịch từ lắp ráp, gia công đơn giản sang làm chủ các công nghệ lõi. Điều này sẽ đóng góp quan trọng vào việc xây dựng Chính phủ số, phát triển nền kinh tế số và xã hội số.
Còn theo Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang, việc xây dựng dự án Luật Dữ liệu nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính; phát triển kinh tế, xã hội; phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Dự án luật được xây dựng dựa trên quan điểm quán triệt và cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về dữ liệu, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số.
Dự kiến, 2 dự án luật này sau khi trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 8 thì sẽ được thông qua vào kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025), tạo thêm cơ sở pháp lý quan trọng để tiến hành cách mạng chuyển đổi số.
Chờ đợi một nghị quyết về cách mạng chuyển đổi số
Ngoài những điều kiện trên đây, một trong những yêu cầu đặt ra khi tiến hành cách mạng số là cần gắn chuyển đổi số với chuyển đổi xanh. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh sẽ là 2 chuyển đổi quan trọng bậc nhất của nửa đầu thế kỷ 21. Hai chuyển đổi này sẽ căn bản thay đổi cuộc sống của chúng ta.
Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là một cặp song sinh, chúng đi với nhau và hỗ trợ nhau. Muốn chuyển đổi xanh thì phải hạn chế sử dụng tài nguyên và chuyển sang sử dụng công nghệ số. Còn muốn chuyển đổi số thì cũng phải bảo đảm chuyển đổi xanh, cần có nguồn năng lượng xanh, sạch để vận hành máy móc cho chuyển đổi số.
Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là một cặp song sinh
Hai chuyển đổi này cũng sẽ bảo đảm cho một quốc gia phát triển nhanh và bền vững. Việt Nam đã xác định chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là lựa chọn chiến lược.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số cũng có quan hệ tương hỗ với đổi mới sáng tạo. Tức là phải có công nghệ số mới tạo ra chuyển đổi số, ngược lại, chuyển đổi số tạo ra môi trường mới để thúc đẩy công nghệ số phát triển và tạo ra môi trường cho đổi mới sáng tạo. Hiện nay, đổi mới sáng tạo chủ yếu là đổi mới sáng tạo số, chiếm hơn 80% các kỳ lân công nghệ.
Một cuộc cách mạng thì phải thỏa mãn 2 điều kiện: tạo ra sự thay đổi sâu rộng, toàn dân, toàn diện, bao trùm từ trên xuống dưới, đồng thời, tạo ra sự thay đổi rất căn bản, bản chất, đó là thay đổi cách thức vận hành, cách thức quản trị, tạo ra không gian phát triển mới…
Cuộc cách mạng chuyển đổi số thỏa mãn hết các điều kiện này, nó tác động sâu sắc đến toàn xã hội. Cách mạng là thời cơ, là đòi hỏi tất yếu của lịch sử, vì thế cần thực hiện ngay và thực hiện quyết liệt.
“Tổng Bí thư đã có những góc độ, đường lối mở rất mới và đúng đắn. Khát vọng Việt Nam chưa bao giờ được thổi bùng lên như ngày hôm nay và chúng tôi đang chờ đợi được gỡ bỏ những rào cản, tắc nghẽn trong cả thể chế và tư duy của con người, để thổi bùng lên một khát vọng trong giai đoạn kỷ nguyên vươn lên của Việt Nam”, ông Trương Gia Bình bày tỏ.
Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã dự thảo Nghị quyết về cách mạng chuyển đổi số quốc gia để trình Bộ Chính trị. Nếu Nghị quyết này được thông qua, đây sẽ là cơ sở để chúng ta có những bước đi kịp thời tiếp theo.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang quyết tâm cao, nỗ lực phấn đấu quyết liệt thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội 14.
PGS, TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đề xuất: “Tôi cho rằng, trong quá trình chuẩn bị Văn kiện Đại hội Đảng các cấp, nhất là Văn kiện Đại hội 14 của Đảng, chúng ta cần quán triệt sâu sắc những quan điểm mới, tư tưởng chỉ đạo đặc biệt quan trọng của Tổng Bí thư Tô Lâm về chuyển đổi số”.
Sau bài viết quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, dư luận đang chờ đợi một chủ trương mới của Đảng về cách mạng chuyển đổi số và kỳ vọng đây là chính sách “khoán 10” trong giai đoạn mới. Bởi đây là cuộc cách mạng tạo ra bước đột phá mới, động lực mới trong phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam: giàu mạnh, dân chủ, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Ngày xuất bản: 31/10/2024
Tổ chức sản xuất: Ngô Việt Anh
Nội dung: Hữu Việt - Hồng Vân - Thiên Lam - Trung Hiếu - Ninh Cơ
Trình bày: Uyển Hương
