TIẾP TỤC

TĂNG TỐC THU NGÂN SÁCH

CÁC THÁNG CUỐI NĂM

ĐÁNH GIÁ, DỰ BÁO KINH TẾ CÁC THÁNG CUỐI NĂM 2023

Sáu tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế Việt Nam thấp hơn kịch bản điều hành tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều yếu tố bất định, Báo Nhân Dân thực hiện chuyên đề "Đánh giá, dự báo kinh tế các tháng cuối năm 2023" nhằm nhận diện thánh thức, cơ hội, đồng thời gợi mở các giải pháp để Việt Nam vượt khó, bứt phá.

Không nằm ngoài sự ảnh hưởng của kinh tế thế giới, tình hình kinh tế trong nước các tháng đầu năm cũng gặp phải những khó khăn, hạn chế. Với nỗ lực của toàn ngành Thuế, kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2023 do ngành Thuế quản lý ước đạt 743.003 tỷ đồng, bằng 54,1% so với dự toán pháp lệnh. Bên cạnh công tác quyết liệt trong chỉ đạo điều hành thu, cơ quan thuế các cấp đã triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách, kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế giá trị gia tăng, đồng thời chú trọng công tác hỗ trợ người nộp thuế để giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Ngành thuế nỗ lực vượt khó

Tổng cục Thuế cho biết, với tình hình kinh tế-xã hội thế giới 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường đã tác động, ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia, khu vực trên phạm vi toàn cầu. Thêm vào đó, xung đột quân sự giữa Nga và Ucraina kéo dài, lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng còn ở mức cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro; nhu cầu tiêu dùng và các hoạt động kinh tế tiếp tục suy giảm, kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng thấp, một số nền kinh tế thậm chí rơi vào suy thoái... Sự cạnh tranh chiến lược, bất ổn chính trị, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu, ... ngày càng gia tăng.

Không nằm ngoài sự ảnh hưởng của kinh tế thế giới, tình hình kinh tế trong nước cũng gặp phải những khó khăn, hạn chế. Tăng trưởng GDP quý I, quý II, 6 tháng đầu năm 2023 thấp hơn so với kịch bản đề ra (GDP 6 tháng chỉ đạt 3,72%), áp lực lạm phát vẫn còn hiện hữu, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn trên nhiều lĩnh vực, nhất là xuất khẩu, thương mại, đầu tư, tài chính, tiền tệ, tỷ giá, lãi suất; các chuỗi cung ứng bị đứt gãy; thu hút FDI bị ảnh hưởng do đầu tư toàn cầu sụt giảm; cạnh tranh trên thị trường quốc tế gia tăng. Cùng với đó là những hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế kéo dài nhiều năm đã bộc lộ rõ hơn trong điều kiện khó khăn như các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, các ngân hàng yếu kém...

Ngay từ những ngày đầu năm 2023, Tổng cục Thuế đã triển khai 10 nhiệm vụ trọng tâm và 22 nhóm giải pháp đã đề ra tại hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2022.

Ngay từ những ngày đầu năm 2023, Tổng cục Thuế đã triển khai 10 nhiệm vụ trọng tâm và 22 nhóm giải pháp đã đề ra tại hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2022.

Trong bối cảnh đó, để triển khai hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị Quyết số 43/2022/NQ-QH về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình và chỉ đạo của Bộ Tài chính, ngay từ những ngày đầu năm 2023, Tổng cục Thuế đã triển khai 10 nhiệm vụ trọng tâm và 22 nhóm giải pháp đã đề ra tại hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2022. Đồng thời, ban hành Quyết định số 120/QĐ-TCT ngày 20/2/2023 cụ thể hóa thành 30 nhiệm vụ cụ thể và 94 giải pháp thực hiện để hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ được giao.

Trên cơ sở triển khai thực hiện tốt những giải pháp nêu trên, cùng với sự đoàn kết, trách nhiệm, sáng tạo, nỗ lực không ngừng của toàn thể cán bộ công chức, người lao động toàn hệ thống thuế, kết quả thực hiện công tác thuế 6 tháng đầu năm 2023 đã đạt những kết quả quan trọng, tích cực.

Với dự toán thu ngân sách Nhà nước được Quốc hội giao cho cơ quan Thuế là 1.373.244 tỷ đồng (trong đó thu từ dầu thô là 42.000 tỷ đồng; thu nội địa là 1.331.244 tỷ đồng), kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2023 do ngành Thuế quản lý ước đạt 743.003 tỷ đồng, bằng 54,1% so với dự toán pháp lệnh, bằng 94,2% so cùng kỳ.

Với dự toán thu ngân sách Nhà nước được Quốc hội giao cho cơ quan Thuế là 1.373.244 tỷ đồng, kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2023 do ngành Thuế quản lý ước đạt 743.003 tỷ đồng, bằng 54,1% so với dự toán pháp lệnh, bằng 94,2% so cùng kỳ.

Tổng cục Thuế đánh giá, số thu nội địa 6 tháng đầu năm 2023 đạt khá so dự toán chủ yếu là do thuế thu nhập doanh nghiệp, thu cổ tức và lợi nhuận còn lại là 2 nguồn thu chiếm tỷ trọng lớn.

Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm nay phát sinh đột biến thu chênh lệch thu chi Ngân hàng Nhà nước trên 20 nghìn tỷ đồng (cùng kỳ phát sinh hơn 2 nghìn tỷ đồng); thu khác ngân sách phát sinh đột biến khoảng trên 8,7 nghìn tỷ đồng; thu nợ một số dự án lớn (Dự án Vinhomes Hưng Yên, Dự án Formosa Hà Tĩnh,…) trên 6,5 nghìn tỷ đồng.

Nếu loại trừ các khoản thu trên thì thu nội địa lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 chỉ bằng 78,3% so cùng kỳ, theo đó, phần lớn khoản thu, sắc thuế đều giảm so cùng kỳ.

Với kết quả thu ngân sách Nhà nước nêu trên, số thu ngân sách trung ương 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 368.528 tỷ đồng, bằng 59,8% dự toán, bằng 110,4% so cùng kỳ. Thu ngân sách địa phương ước đạt 374.475 tỷ đồng, bằng 49,5% dự toán, bằng 82,3% so cùng kỳ.

Tổng cục Thuế cũng cho biết, kết quả thu theo khu vực, khoản thu, sắc thuế so với dự toán thì có 11/20 khu vực thu, khoản thu, sắc thuế đạt khá (trên 55%). Còn 9/20 khoản thu đạt dưới 55%.

Với số thu trên, so cùng kỳ, có 50% khu vực thu, khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng, trong đó thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước ước tăng 10,9%; Thu khác ngân sách ước tăng 55,6%; Thu cổ tức, lợi nhuận được chia ước tăng 25,1%...

Nếu tính theo địa bàn, so với dự toán, trong tổng thu nội địa: có 19/63 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán đạt cao hơn 55% như: Hưng Yên, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Hà Nội, Lạng Sơn, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Trà Vinh, Quảng Ngãi, Long An, Vĩnh Long... Có 15/63 địa phương tiến độ thu ở mức trung bình (50-55%), còn 29/63 địa phương có tiến độ thu đạt thấp (dưới 50%), trong đó có một số địa phương có tiến độ thu rất chậm (dưới 40% dự toán) như: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Quảng Trị, Hòa Bình, Sơn La, Ninh Bình, Phú Yên, Thái Bình, Bình Phước, Hà Giang,...

Các giải pháp hiệu quả

Với kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt khá như đã nêu trên, bên cạnh công tác quyết liệt trong chỉ đạo điều hành thu, cơ quan thuế các cấp đã triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, thực hiện tốt các chức năng quản lý thuế, nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách, kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế giá trị gia tăng, tăng cường thu hồi nợ đọng, đồng thời chú trọng công tác hỗ trợ người nộp thuế để giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN HỖ TRỢ NGƯỜI NỘP THUẾ

Trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành Thuế tiếp tục duy trì các phương thức tuyên truyền hỗ trợ truyền thống như tuyên truyền trên các báo giấy, báo điện tử, Tạp chí thuế, tuyên truyền trên đài truyền hình, đài phát thanh…hoặc các phương thức hỗ trợ truyền thống như hỗ trợ tại bộ phận “một cửa” của cơ quan thuế, trả lời vướng mắc của người nộp thuế bằng văn bản, tổ chức các buổi đối thoại, tập huấn tại trụ sở cơ quan thuế,…

Bên cạnh đó, hệ thống tuyên truyền hỗ trợ của ngành Thuế tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế và xây dựng các sản phẩm hỗ trợ theo phương thức điện tử.

Về nội dung tuyên truyền, ngành Thuế tập trung vào việc phổ biến các chính sách thuế mới, hóa đơn điện tử và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân như: chính sách miễn giảm thuế, thực hiện gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường, quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất lắp ráp trong nước…

Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan thuế các cấp đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ tuyên truyền của nhiều cơ quan thông tấn báo chí với nhiều bài báo tuyên truyền cơ sở pháp lý thuế, phản ánh đa dạng hoạt động của cơ quan thuế các cấp, thông tin đầy đủ ý kiến của người nộp thuế, của các chuyên gia trong và ngoài ngành, hỗ trợ kịp thời cho người nộp thuế…

Nhìn chung, công tác thông tin tuyên truyền của ngành Thuế 6 tháng đầu năm đã được triển khai đúng trọng tâm, có trọng điểm và đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin của người nộp thuế.

TRIỂN KHAI CÓ TRỌNG TÂM, TRỌNG ĐIỂM
CÔNG TÁC THANH TRA, KIỂM TRA

Trong các giải pháp hiệu quả, ngành Thuế đã tích cực triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách Nhà nước.

Trong 6 tháng đầu năm, cơ quan thuế tiếp tục triển khai nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra thông qua công tác đào tạo nâng cao trình độ, năng lực cán bộ thanh tra, kiểm tra thuế, đặc biệt áp dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thu thập dữ liệu, phân tích rủi ro phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra thuế.

Công tác thanh tra, kiểm tra được cơ quan thuế các cấp triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề quản lý của ngành như tăng cường công tác thanh tra kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; tăng cường công tác thanh tra kiểm tra thuế trong lĩnh vực hóa đơn; hoàn thuế giá trị gia tăng; các doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết...

Hội nghị trực tuyến toàn ngành về tăng cường công tác quản lý, phòng chống gian lận trong sử dụng hóa đơn điện tử

Hội nghị trực tuyến toàn ngành về tăng cường công tác quản lý, phòng chống gian lận trong sử dụng hóa đơn điện tử

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cũng đã triển khai tăng cường các biện pháp rà soát, kiểm soát hóa đơn nhằm ngăn chặn gian lận trong việc sử dụng hóa đơn. Theo đó, Cục Thuế các tỉnh, thành phố tập trung đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ phòng, chống phát hiện các doanh nghiệp mua, bán hóa đơn không hợp pháp, gian lận hoàn thuế.

Tại hội nghị trực tuyến toàn ngành về tăng cường công tác quản lý, phòng chống gian lận trong sử dụng hóa đơn điện tử, ngành đã đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm đẩy lùi tình trạng mua bán hóa đơn không hợp pháp, đồng thời quán triệt nghiêm túc việc thực hiện nhiệm vụ phòng chống gian lận trong sử dụng hóa đơn điện tử trong toàn ngành.

Hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của quản lý về hóa đơn điện tử, trên cơ sở đó có công cụ, nguồn dữ liệu để tập trung thực hiện rà soát, phân tích, phát hiện các dấu hiệu rủi ro trong việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử; từ đó ngăn ngừa, xử lý kịp thời theo quy định pháp luật đối với các trường hợp vi phạm về hóa đơn cũng như các hành vi gian lận, trốn thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng sai quy định, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp.
Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành phát biểu tại Hội nghị trực tuyến công bố triển khai “Hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử”

Cơ quan Thuế đồng thời ban hành quy trình áp dụng quản lý rủi ro đánh giá, xác định người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn; triển khai thực hiện trên toàn quốc từ ngày 15/5/2023 Hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử có khả năng tự động chấm điểm và đưa ra danh sách người nộp thuế có rủi ro cao về hóa đơn để phục vụ quản lý.

Ngành Thuế thường xuyên phối hợp với cơ quan hải quan để xác minh nguồn gốc hàng hóa, tờ khai nhập khẩu, các lô hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp hoàn thuế và việc vận chuyển hàng hóa liên quan đến lô hàng xuất khẩu. Phối hợp với cơ quan công an để thực hiện xác minh các giao dịch kinh tế phát sinh, phát hiện các hành vi gian lận hóa đơn, chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Phối hợp với cơ quan ngân hàng để xác minh việc thanh toán qua ngân hàng...

Tính đến hết tháng 6 năm 2023, toàn ngành Thuế đã thực hiện được 25.912 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 32,34% kế hoạch, bằng 104,28% so cùng kỳ năm 2022; kiểm tra được 276.366 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế bằng 91,06% so cùng kỳ năm 2022.

Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 30.276 tỷ đồng bằng 177% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó: tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 7.334 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 841 tỷ đồng; giảm lỗ là 22.099 tỷ đồng.

Đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được được 229 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt 658 tỷ đồng; giảm lỗ 7.442 tỷ đồng; giảm khấu trừ 21 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 1.971 tỷ đồng. Trong đó thanh tra, kiểm tra xác định lại giá thị trường đối với giao dịch liên kết đã truy thu 320 tỷ đồng, giảm lỗ 6.814 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 1.556 tỷ đồng.

Kết quả công tác thanh tra, kiểm tra hoàn thuế: cơ quan thuế các cấp đã thực hiện được 2.446 quyết định hoàn, tương ứng với tổng số tiền hoàn là: 16.770 tỷ đồng.

Kết quả đã xử lý truy hoàn và phạt là 105,5 tỷ đồng (trong đó: số thuế truy hoàn là 79,9 tỷ đồng, phạt là 25,6 tỷ đồng, đã nộp ngân sách nhà nước là 75,9 tỷ đồng).

Nhìn chung, công tác thanh tra, kiểm tra thuế các tháng đầu năm được thực hiện với nhiều phương án triển khai linh hoạt, phù hợp, đúng quy định.

Thu nội địa năm 2023
có thể giảm so với dự toán

Dự báo 6 tháng cuối năm 2023 tình hình thế giới và khu vực tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn hơn, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn định; cạnh tranh chiến lược nước lớn tiếp tục gay gắt, xung đột Nga-Ucraina tiếp tục tác động nhiều mặt đến các quốc gia; rủi ro an toàn thị trường tài chính, nợ công tại nhiều quốc gia, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường,...

Trong nước, tuy hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, đầu tư, thu hút FDI vẫn còn khó khăn song nhiều chính sách, giải pháp điều hành được sửa đổi, bổ sung và ban hành từ đầu năm đã và đang phát huy tác động tích cực, nhất là các giải pháp về phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xuất nhập khẩu, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội, kiểm soát dịch bệnh, sẵn sàng ứng phó với thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu…

Tổng cục Thuế cũng cho biết: mặc dù tình hình thu ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023 tuy vẫn đảm bảo dự toán, nhưng kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn do áp lực từ sức ép lạm phát, hệ thống tài chính tiền tệ gặp thách thức lớn khi đồng nội tệ tại nhiều quốc gia mất giá mạnh.

Trong nước, những tháng cuối năm Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét ban hành một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp phát triển, trước mắt, có thể sẽ làm giảm thu nội địa năm 2023 so dự toán đã tính toán, tạo áp lực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách đối với ngành thuế trong năm 2023.

Những tháng cuối năm Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét ban hành một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp phát triển, trước mắt, có thể sẽ làm giảm thu nội địa năm 2023 so dự toán đã tính toán, tạo áp lực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách đối với ngành thuế trong năm 2023.

Trong thành tích chung của ngành Tài chính, có kết quả và đóng góp quan trọng của ngành Thuế. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2023 được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao, đòi hỏi toàn ngành Thuế phải tiếp tục đặt quyết tâm cao, phát huy truyền thống đoàn kết thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ nhiều giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2023”.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn

Để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2023 được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao, cơ quan thuế các cấp cần tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Trong đó, ngành tập trung mọi nguồn lực, triển khai quyết liệt, đồng bộ mọi giải pháp quản lý thu, thu hồi nợ thuế, chống thất thu ngân sách nhằm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2023 được Quốc hội giao là 1.373.244 tỷ đồng. Hoàn thành vượt mức chỉ tiêu phấn đấu thu năm 2023 với tổng số phấn đấu tăng 6,6% so dự toán pháp lệnh, trong đó thu thuế, phí nội địa tăng 3,8% so dự toán pháp lệnh.

Đồng thời, ngành Thuế đặt ra nhiệm vụ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu đề xuất các giải pháp, chính sách về thuế thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Cơ quan thuế các cấp tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp về gia hạn, miễn giảm thuế, tiền thuê đất đã được ban hành nhằm hỗ trợ người nộp thuế, góp phần giúp người nộp thuế nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo đà phát triển kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu.

Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách cả năm 2023, toàn ngành Thuế cần quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thu, chống thất thu, thu hồi nợ thuế, thanh tra, kiểm tra bảo đảm toàn Ngành hoàn thành vượt mức dự toán Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao năm 2023, nhất là các địa phương có số thu 6 tháng đầu năm còn thấp. Phấn đấu 63/63 tỉnh, thành phố hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán giao”.
Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành

Ngày xuất bản: 10/8/2023
Chỉ đạo thực hiện: Ngọc Thanh
Tổ chức thực hiện: Hồng Vân
Nội dung: Sông Trà
Trình bày: Bảo Minh
Đồ họa: Khánh Giang