Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên:

Tiếp cận thông tin đúng
để tránh rối loạn tâm thần

Hiểu rõ các nguy cơ gia tăng rối loạn sức khỏe tâm thần do tác động từ đại dịch Covid-19 để có những giải pháp điều trị là vấn đề ngành y tế đang quan tâm sát sao bên cạnh việc quyết liệt phòng, chống dịch. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (ảnh bên) - một trong những người thường xuyên có mặt ở các tâm dịch đã trao đổi cùng Nhân Dân hằng tháng:

Xin ông cho biết thực trạng về căn bệnh rối loạn tâm thần do Covid-19 ở nước ta, nhất là các khu vực đại dịch bùng phát mạnh như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương...?

Đại dịch Covid-19 là một thảm họa toàn cầu, gây ra tổn hại lớn về kinh tế, xã hội và sức khỏe, bao gồm cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các nghiên cứu ở một số nước như Trung Quốc, Đan Mạch, Iran, Ý, Tây Ban Nha, Nepal, Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ cho thấy khi đại dịch diễn ra đã tăng cao tình trạng mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần trong cộng đồng, cụ thể tùy theo từng nước có từ 6-51% mắc rối loạn lo âu, 15-48% bị trầm cảm, 7-54% bị căng thẳng sau sang chấn, và khoảng 34-38% số người bị các rối loạn tâm lý không xác định khác. Ở Việt Nam, mặc dù chưa có nhiều những nghiên cứu cụ thể nhưng theo đánh giá của WHO và các chuyên gia y tế, tỷ lệ người mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần trong cộng đồng cũng đã tăng cao trong đại dịch Covid-19.

Trong bối cảnh chúng ta ngày càng phải đối mặt với nhiều loại bệnh nguy hiểm mới nổi, phức tạp, ông đánh giá thế nào về nguy cơ phát triển của căn bệnh rối loạn tâm thần ở nước ta?

Theo số liệu của WHO trong vòng hơn 10 năm qua số người mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần trên toàn thế giới đã tăng 13%. Đối với Việt Nam do chưa có hệ thống giám sát các rối loạn sức khỏe tâm thần nên chưa theo dõi được chặt chẽ xu hướng các rối loạn này. Tuy nhiên, có thể nhận định là các rối loạn sức khỏe tâm thần có chiều hướng gia tăng. Kết quả điều tra gần đây của Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho thấy tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần phổ biến ở Việt Nam là khoảng 14%. Một số rối loạn tâm thần có tỷ lệ mắc cao như rối loạn tâm thần liên quan đến sử dụng rượu, bia (5%), trầm cảm (3%) và lo âu (2%). Nguyên nhân là do sự gia tăng của các yếu tố nguy cơ phổ biến như: sử dụng rượu bia, chất gây nghiện (ma túy), chơi game online, áp lực học tập cao, áp lực công việc căng thẳng, áp lực cuộc sống quá lớn... Đồng thời một yếu tố rất quan trọng nữa là già hóa dân số. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 hay các dịch bệnh mới nổi cũng là những tác động lớn làm căn bệnh này gia tăng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Vậy, ngành y tế cần chuẩn bị gì để ứng phó với căn bệnh này?

Trong bối cảnh hiện nay ngành y tế đang tập trung giải quyết các thể tâm thần nặng như tâm thần phân liệt, động kinh và trầm cảm. Giai đoạn tới, bên cạnh việc tăng cường phát hiện, quản lý điều trị các thể tâm thần nặng, chúng ta cần phải triển khai hoạt động phòng, chống hiệu quả các rối loạn sức khỏe tâm thần khác cũng như kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2021-2025 đang được xây dựng, có đưa ra một số giải pháp cụ thể:

Thứ nhất: Nâng cao hiểu biết của người dân, cộng đồng, xã hội về phòng, chống rối loạn sức khỏe tâm thần, đặc biệt là xóa bỏ nhận thức sai lệch về những bệnh này; nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành để phối hợp, đồng hành cùng ngành y tế chăm sóc sức khỏe tâm thần đặc biệt là trong phòng, chống các yếu tố nguy cơ gây bệnh, bảo đảm an sinh xã hội và trợ giúp xã hội cho người mắc bệnh cũng như tiếp tục vận động đầu tư nhiều hơn nữa cho chăm sóc sức khỏe tâm thần. Đầu tư cho lĩnh vực này không những mang lại lợi ích về sức khỏe mà cả kinh tế. Theo Ngân hàng thế giới, cứ mỗi 1 đô-la đầu tư cho điều trị bệnh trầm cảm và lo âu sẽ mang lại 4 đô-la do sức khỏe và khả năng làm việc tốt hơn.

Thứ hai: có kế hoạch để phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần, phát triển đồng bộ các cơ sở chuyên khoa tâm thần cùng với mạng lưới cung cấp dịch vụ phát hiện sớm, quản lý điều trị, phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng....

Thứ ba: lồng ghép hiệu quả dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần vào các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chung, đặc biệt ở tuyến đầu. Triển khai khám, điều trị một số rối loạn sức khỏe tâm thần tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện, tăng cường các hoạt động quản lý điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng, tái thích ứng cộng đồng xã hội cho người bệnh rối loạn sức khỏe tâm thần tại cộng đồng;

Thứ tư: Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định, chính sách pháp luật để đẩy mạnh hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần, đặc biệt là các quy định, chính sách bảo đảm cho công tác dự phòng, sàng lọc phát hiện sớm, quản lý điều trị người bệnh tâm thần tại tuyến huyện, xã và tại cộng đồng.

Các y, bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia chẩn đoán bệnh cho bệnh nhân

Các y, bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia chẩn đoán bệnh cho bệnh nhân

Mỗi cá nhân, từ lực lượng tuyến đầu đến người dân nên và cần phải làm gì để tránh tác động xấu về sức khoẻ tâm thần do ảnh hưởng của dịch bệnh, thưa Thứ trưởng?

Dịch Covid-19 xảy ra, căn cứ vào khuyến nghị của WHO, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tâm thần trong dịch Covid-19 (Quyết định số 2057/QĐ-BYT ngày 14/5/2020) và hiện nay đang tiếp tục cập nhật nội dung của hướng dẫn này. Hướng dẫn bao gồm đầy đủ các nội dung cho các đối tượng khác nhau: người dân, cán bộ y tế, người trong khu cách ly, người chăm sóc trẻ em, người chăm sóc người cao tuổi và người có rối loạn sức khỏe tâm thần... Một số khuyến nghị cần thiết đã được nêu như: Không kỳ thị và hãy đồng cảm với những người bị ảnh hưởng bởi Covid-19; tránh xem, đọc hoặc nghe những tin tức khiến bạn cảm thấy lo lắng hoặc đau buồn, hãy chỉ tìm kiếm thông tin tin cậy và chính xác như từ Bộ Y tế, WHO để giúp phân biệt sự thật; hãy tự bảo vệ mình và hỗ trợ người khác khi họ cần giúp đỡ; hãy tôn vinh những người chăm sóc và các nhân viên y tế đang hỗ trợ cho những người mắc Covid-19 trong cộng đồng của bạn.

Các quốc gia bùng phát dịch trước Việt Nam đã tiên lượng được về vấn nạn rối loạn sức khỏe tâm thần do dịch bệnh và họ đã chủ động phòng ngừa, tư vấn, trị liệu. Vậy Việt Nam có thể tiếp thu, học hỏi được gì từ kinh nghiệm của thế giới, thưa ông?

Tùy theo điều kiện của mỗi nước, các quốc gia đã có các biện pháp để chủ động phòng, chống các rối loạn sức khỏe tâm thần. Trên cơ sở đó, WHO đã tổng hợp, đánh giá và đưa ra các khuyến nghị, làm cơ sở cho Việt Nam nghiên cứu và vận dụng như: Thực hiện truyền thông, thông tin đầy đủ, minh bạch, giải thích rõ ràng giúp làm giảm căng thẳng, lo âu; xây dựng kế hoạch, giải pháp chăm sóc sức khỏe tâm thần cho thời kỳ hậu Covid-19... Hiện, Bộ Y tế đang chỉ đạo Viện Sức khỏe tâm thần cùng các chuyên gia trong nước, quốc tế tiếp tục xây dựng hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tâm thần, trong đó có các hướng dẫn hoạt động để nâng cao sức khỏe tinh thần của người dân; hướng dẫn đánh giá nguy cơ rối loạn tâm thần; hướng dẫn các hoạt động can thiệp theo các nhóm nguy cơ...

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Nhiều trung tâm phục hồi thể chất, tinh thần cho bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh đã được thành lập tại một số bệnh viện TP Hồ Chí Minh như Thống Nhất, Lê Văn Thịnh, Đại học Y dược cơ sở 3… “Hội chứng hậu Covid” là thực tế mà nhiều người vừa trải qua quá trình điều trị phải đối mặt với những tổn thương dai dẳng cả về sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần. Những trung tâm này được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, tổ chức thăm khám, duy trì các hoạt động vật lý trị liệu và tư vấn tâm lý, góp phần đẩy nhanh quá trình hỗ trợ, giúp bệnh nhân thoát khỏi ám ảnh dịch bệnh, sớm trở về với cuộc sống bình thường…

Ảnh: Trần Hải

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Khánh Lam - Hà Văn Đạo - Thanh Huyền - Hà Linh - Thái Hoàng
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Hà Văn Đạo, Đăng Khoa, Trần Hải, internet