Tín chỉ carbon-
Cơ hội và thách thức cho nông nghiệp

Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon. Ngành nông nghiệp từ chăn nuôi, trồng trọt, trồng rừng đều có triển vọng chuyển hướng sang canh tác, sản xuất giảm phát thải khí nhà kính, với các giải pháp sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ... Theo tính toán, tiềm năng của ngành nông nghiệp có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm (tương đương 57 triệu tấn CO2 giảm phát thải).
Sản xuất giảm phát thải, hướng tới nền nông nghiệp xanh cũng phù hợp với định hướng phát triển của nông nghiệp Việt Nam, tăng sức cạnh tranh của nông sản khi thị trường quốc tế ngày càng quan tâm tới lượng khí thải carbon trong các mặt hàng xuất khẩu. Đặc biệt khi Việt Nam đã có cam kết quốc tế về lộ trình đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và lộ trình giảm 30% phát thải khí mê-tan vào năm 2030 so với năm 2020. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn với lộ trình đưa thị trường carbon đi vào hoạt động thử nghiệm năm 2025 và chính thức năm 2028.
Những tín hiệu tích cực thời gian gần đây cho thấy rõ sự chuyển mình theo xu hướng này với những bước tiến trong việc giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp, lưu trữ carbon, tiến tới tạo ra tín chỉ carbon và xây dựng thị trường mua bán tín chỉ carbon. Tuy nhiên đây là một lĩnh vực mới mẻ nên còn rất nhiều thách thức từ cơ chế, khung khổ pháp lý, cho đến nhận thức, cách thức tổ chức, thực hiện đến việc chia sẻ quyền lợi... Đó chính là vấn đề được đề cập trong tiêu điểm của Nhân Dân hằng tháng số tháng 10.
Triển vọng xanh hóa
nền nông nghiệp

Với vai trò là trụ đỡ kinh tế trong nhiều năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam hiện không chỉ chuyển đổi nhanh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp mà còn ngày càng thể hiện trách nhiệm mạnh mẽ hơn với cộng đồng quốc tế thông qua việc bảo tồn tài nguyên, đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính hướng tới việc bán tín chỉ carbon và xây dựng một nền kinh tế xanh trong tương lai gần.
Theo Quyết định số 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững; phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, thân thiện môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu nhằm thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính.
Sản xuất giảm phát thải
Cuối tháng 7/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thành phố Cần Thơ đã phối hợp Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế tổ chức trao thưởng tiền mặt cho 38 hộ dân trồng lúa giảm phát thải khí nhà kính. Trong đó, có 30 hộ dân trồng lúa giảm dưới 1 tấn CO2e/ha nhận được 500.000 đồng/hộ, 7 hộ dân trồng lúa giảm hơn 1 tấn CO2e/ha nhận được 1 triệu đồng/hộ và có 1 hộ trồng lúa giảm hơn 4 tấn CO2e/ha được nhận 2 triệu đồng. Đây là 38/100 hộ nông dân tại xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ tham gia cuộc khảo sát về trồng lúa giảm phát thải khí nhà kính trong vụ lúa đông xuân từ tháng 12/2023 đến tháng 4/2024.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Khiết Tâm (xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ) Nguyễn Ngọc Huấn, hợp tác xã có 40 thành viên tham gia canh tác theo quy trình giảm phát thải. Theo đó, đã giảm được lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, thay vì đốt rơm trên ruộng, nông dân trong hợp tác xã đưa rơm ra khỏi đồng ruộng để bán hoặc tái sử dụng, ủ làm phân bón, trồng nấm. Do đó, trồng lúa theo quy trình giảm phát thải giúp tăng lợi nhuận đến 20% so với canh tác truyền thống. “Đây là lần đầu tiên ở nước ta, nông dân trồng lúa giảm phát thải được nhận thưởng chính thức bằng tiền mặt nên bà con rất phấn khởi và chuyên tâm canh tác. Chúng tôi hy vọng, trong tương lai không xa, sản xuất lúa giảm phát thải sẽ không chỉ giảm chi phí, tăng lợi nhuận mà còn giúp nông dân tăng thu nhập từ việc bán tín chỉ carbon”- ông Huấn cho biết thêm.
Số liệu của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế cho thấy, nông nghiệp Việt Nam hiện phát thải 88,6 triệu tấn CO2e/năm. Trong nông nghiệp, 75% tổng lượng khí thải là mê-tan (CH4); trong đó sản xuất lúa phát thải đến 75% lượng CH4. Tính trung bình, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40 triệu tấn rơm, thì có hơn 20 triệu tấn được đốt trên đồng ruộng gây ra tình trạng mất dinh dưỡng cho đất, tạo ra khí thải và ô nhiễm môi trường, mất đa dạng sinh học. Do đó, ngành nông nghiệp đang đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% rơm rạ sẽ được thu gom ra khỏi đồng ruộng, xử lý chế biến theo nguyên lý nông nghiệp tuần hoàn.
Cùng với sản xuất lúa, lượng phát thải từ chăn nuôi đứng thứ hai, chiếm khoảng 23%, trong đó chủ yếu từ chăn nuôi bò, lợn, gà, thủy sản. Trước thực tế đó, thủy sản - một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu hàng đầu của nền nông nghiệp - cũng đang nỗ lực giảm phát thải để thực hiện sản xuất và xuất khẩu bền vững. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho biết: “Xanh hóa” là xu thế không thể khác được của cả nền nông nghiệp. Ngành thủy sản nói chung, ngành tôm nói riêng cũng không đứng ngoài làm vai trò tham quan, rút kinh nghiệm... mà phải xắn tay bắt nhịp chung ngay từ bây giờ.
Đối với ngành tôm, chuỗi ngành hàng này hình thành từ rất nhiều mắt xích. Xanh hóa ngành, trước tiên là xanh hóa từ từng mắt xích. Trong các mắt xích đó phần nuôi là đáng quan tâm nhất, bởi mắt xích này tạo ra chất thải khá lớn (khí thải lẫn rác thải). Sao Ta là doanh nghiệp thủy sản có vùng nuôi lớn, có sản lượng tôm nuôi cao nhất so với các trang trại trong ngành nên phát thải cũng thuộc hàng cao nhất. Do vậy, nhằm bám sát lộ trình trung hòa carbon của Chính phủ, vùng nuôi Sao Ta đã quan tâm và thực thi một số giải pháp giảm phát thải như: Ao nuôi được nghiên cứu và thi công hàng loạt, bài bản. Diện tích ao vừa phải (2.000-3.000 m2/ao) nhằm thuận lợi kiểm soát đáy ao và độ dốc vào giữa ao phải tốt để đáy ao không lưu giữ chất thải sau khi xi phông, giảm tạo mầm khí thải từ đáy ao. Thường xuyên nghiên cứu tính toán mức thức ăn cho tôm phù hợp để giảm phát thải từ nguồn thức ăn dư thừa. Trại nuôi đã trao đổi với các nhà cung ứng thức ăn, nghiên cứu thành phần và nguyên liệu sao cho thức ăn vừa tiêu hóa tốt, giá thành vừa phải nhưng phải giảm khí thải càng nhiều càng tốt và dự báo khả năng thành công sẽ không xa… Đặc biệt, Công ty còn tích cực tham gia chương trình trồng rừng phòng hộ ven biển quanh vùng nuôi nhằm thực hiện trách nhiệm xã hội cũng như trách nhiệm cân bằng carbon về lâu dài.
Ngoài vùng nuôi, các cơ sở chế biến của Sao Ta cũng từng bước được xanh hóa trên cơ sở hình thành Ban Phát triển bền vững và xây dựng các mục tiêu phấn đấu và các thủ tục chính sách thực hiện như chính sách, quy định về môi trường-xã hội; chứng chỉ/chứng nhận về môi trường-xã hội; đào tạo người lao động về phát triển bền vững…
Thu hoạch lúa giảm phát thải trên cánh đồng thí điểm 50 ha của Hợp tác xã Thuận Tiến, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Hà An
Thu hoạch lúa giảm phát thải trên cánh đồng thí điểm 50 ha của Hợp tác xã Thuận Tiến, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Hà An
Ưu tiên nguồn lực cho phát triển bền vững
Phó Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Tùng cho biết: Chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp nhằm tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững, giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, hiện tại các địa phương vẫn tập trung chủ yếu vào mục tiêu kinh tế, an ninh lương thực, chưa chú trọng vấn đề giảm phát thải. Nhận thức của người sản xuất về các vấn đề liên quan đến carbon và carbon thấp còn hạn chế trong khi thiếu cơ chế thúc đẩy, động viên nông dân sản xuất lúa phát thải thấp; chi phí sản xuất lúa theo quy trình canh tác carbon thấp cũng vẫn còn cao.
Mặt khác, nhiều vùng có điều kiện hạ tầng thủy lợi chưa bảo đảm để áp dụng các biện pháp giảm phát thải như áp dụng tưới ngập khô xen kẽ; quản lý nguồn phát thải như rơm rạ, phân bón cũng chưa tối ưu. Do đó, ngành nông nghiệp phải tập trung cao độ mọi nguồn lực về tài chính, nhân lực, kỹ thuật… thì mới có thể hiện thực hóa việc trồng lúa phát thải thấp. Đây cũng đang là yêu cầu cấp bách khi theo khảo sát của FAO, cường độ phát thải trong sản xuất gạo của Việt Nam (tấn CO2e/tấn gạo) cao hơn Ấn Độ và Trung Quốc; trong khi Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu để trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới bán tín chỉ carbon lúa gạo.
Để hỗ trợ quy trình sản xuất lúa giảm phát thải, theo ông Phan Văn Tâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền, hiện Công ty đã thiết kế quy trình bón phân NPK dựa trên phân tích đất cụ thể tại từng vùng; hướng dẫn kỹ thuật quản lý nước khoa học như tưới ngập khô xen kẽ, không đầm lầy để giảm phát thải khí nhà kính. Hướng dẫn nông dân ứng dụng các thiết bị thông minh trong quản lý sản xuất lúa; ứng dụng NPK sinh học, vi sinh phân hủy rơm rạ; đưa ra khuyến cáo xử lý rơm rạ hiệu quả như sản xuất phân compost, chế biến biochar…
Nuôi tôm công nghệ cao tại Tập đoàn Thủy sản Việt Úc (tỉnh Bạc Liêu). Ảnh: Phan Thanh Cường
Nuôi tôm công nghệ cao tại Tập đoàn Thủy sản Việt Úc (tỉnh Bạc Liêu). Ảnh: Phan Thanh Cường
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, hiện có hai loại khí nhà kính chủ yếu phát thải là khí mê-tan (CH4) và khí ôxít Nitơ (N2O). Phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi bao gồm hai nguồn chính, là khí CH4 từ dạ cỏ của động vật nhai lại và khí CH4, N2O từ phân động vật. Do đó theo ông Nguyễn Thế Hinh, Phó Trưởng ban Quản lý các dự án nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), nguồn lực cần tập trung để giảm phát thải từ chăn nuôi là đầu tư hỗ trợ các nghiên cứu làm giảm phát sinh khí CH4 đồng thời cải thiện dinh dưỡng cho vật nuôi. Thực tế hiện nay, thức ăn thô xanh đã có thể thay thế bằng thức ăn ủ chua; bánh dinh dưỡng hoặc các chế phẩm dinh dưỡng khác, tuy nhiên không phải cơ sở chăn nuôi nào cũng có đầy đủ nhận thức và nguồn tài chính để thực hiện. Ngoài ra, để giảm phát thải từ chăn nuôi, cũng cần có chính sách để phát triển hệ thống thu gom và tiêu thụ phân bón hữu cơ làm từ chất thải chăn nuôi tại các trang trại quy mô nhỏ và vừa; đẩy mạnh áp dụng các công nghệ xử lý môi trường như: xử lý chất thải rắn bằng máy tách phân; xử lý chất thải khí bằng máy phát điện khí sinh học; xử lý chất thải lỏng bằng hệ thống tưới…
Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước liên tục tăng. Năm 2024, ngành nông nghiệp đang hướng tới kim ngạch xuất khẩu đạt 57-58 tỷ USD. Tuy nhiên, để có thể giữ vững đà tăng trưởng và thúc đẩy phát triển bền vững thì toàn ngành cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức nhằm đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn về nông sản xuất khẩu cũng như thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải. Chặng đường xanh hóa nền nông nghiệp hướng tới bán tín chỉ carbon, vì thế sẽ còn cần nhiều nỗ lực để sớm “về đích” như mong đợi.

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Ánh Tuyết-Vũ Thành-Sơn Bách-Thúy Hà-Công Lý
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Hà An, Phan Thanh Cường, Khánh An, Lưu Hương, Bảo Thắng, A.I