
Từ những tháng ngày đầu tiên trên dặm dài 30 năm kháng chiến của dân tộc, nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc vừa là dân, vừa là quân, vừa là nhà sáng tác, lại có lúc kiêm nhà giáo truyền lửa nhiệt huyết và cảm hứng sáng tác nghệ thuật đến bao lớp người khác, tạo nên một phong trào mỹ thuật kháng chiến lớn mạnh.
Phong trào ấy góp phần quan trọng vào thành quả chung của cách mạng Việt Nam cũng như quá trình hình thành đặc trưng của mỹ thuật hiện đại Việt Nam: giàu bản sắc cá nhân, thấm đượm tinh thần nhân văn của dân tộc và ngôn ngữ tạo hình mang tính thời đại.
Tình cảm sâu sắc đối với đồng bào và quê hương, đất nước đã dẫn dắt nhiều văn nghệ sĩ, trong đó có các họa sĩ, nhà điêu khắc, đi theo lời kêu gọi tham gia kháng chiến cứu quốc của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Họ tích cực hoạt động trong Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam, tổ chức triển lãm mỹ thuật, viết bài phân tích về tác phẩm mỹ thuật trên báo chí để công chúng tiếp cận mỹ thuật dễ dàng hơn, tham gia vẽ tranh cổ động các hoạt động xã hội, sáng tác về cuộc Cách mạng Tháng Tám, về kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền nam. Đặc biệt, hai họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, Huỳnh Văn Gấm còn được bầu làm đại biểu quốc hội khóa 1 (1946-1960). Họ đều từng là sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương.
Trong những năm 1947-1949, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung đã tham gia công tác tại chiến trường Liên khu V. Ở đây, ông chủ động mở lớp học ngắn hạn về hội họa với mong muốn truyền tải tinh thần hội họa hướng đến dân tộc, đồng hành cùng dân tộc tới những người có năng khiếu và cùng chí hướng.
Theo một tài liệu mà cố họa sĩ Nguyễn Thế Vinh (1926-1997) để lại, khóa học ngắn hạn về mỹ thuật do họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung dẫn dắt đã nhận được sự chú ý đặc biệt của cấp trên: “Sau này, tôi thấy trong Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ Liên khu V có ghi: Chú ý bồi dưỡng về tư tưởng chính trị, tinh thần và vật chất để nâng cao trình độ cho lớp họa sĩ trẻ mà họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung đào tạo”. Sau năm 1954, các họa sĩ Nguyễn Thế Vinh, Đường Ngọc Cảnh, Trương Qua, ba trong số chín học viên của lớp học này, tiếp tục con đường nghệ thuật, tập kết ra bắc, trở thành sinh viên của Trường Mỹ thuật Việt Nam. Họ có nhiều đóng góp cho mỹ thuật và điện ảnh cách mạng, được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật.
Bên cạnh lớp học vẽ nơi chiến trường Liên khu V ác liệt, ở các Liên khu II và III, cũng đều có các lớp học vẽ ngắn hạn, một số xưởng họa của họa sĩ. Những hoạt động sôi nổi của giới mỹ thuật đồng hành với đất nước đã là tiền đề để họa sĩ Tô Ngọc Vân thấy cần thiết mở lại trường Mỹ thuật, trước tiên là về hội họa, tiếp nối sự nghiệp đào tạo theo các quy chuẩn hàn lâm của Trường Mỹ thuật Đông Dương mà ông là một học trò xuất sắc. Nền tảng chuyên môn vững vàng cộng hưởng tinh thần dân tộc, tinh thần cách mạng, tinh thần tiến bộ trong nhận thức về thẩm mỹ và vai trò thúc đẩy thẩm mỹ xã hội của nghệ sĩ sẽ là tiền đề cho mỗi học viên thấu hiểu hơn hết trách nhiệm xã hội của họ, bên cạnh cảm hứng/nhu cầu sáng tạo nghệ thuật của cá nhân, qua từng nét bút, vệt mầu.

Năm 1950, khóa học đầu tiên của Trường Mỹ thuật Việt Nam do Tô Ngọc Vân làm Hiệu trưởng và giữ vai trò giảng dạy chính, được mở tại Chiến khu Việt Bắc. Cả khóa có 22 học viên, người trẻ nhất chưa đến 18 tuổi (các họa sĩ Ngô Mạnh Lân, Thục Phi, Trọng Kiệm). Một số họa sĩ tài danh khác, tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương, cũng đã tham gia giảng dạy, thỉnh giảng, trợ giảng. Những khó khăn về cơ sở vật chất trong hoàn cảnh kháng chiến khiến cho suốt thời gian 1950-1954, nhà trường chỉ có thể duy trì duy nhất khóa học này- khóa học thường được gọi là khóa Kháng chiến.
Tinh thần học tập và sáng tạo của thầy và trò trong khóa Kháng chiến là điển hình của sự tận hiến trong nghệ thuật. Cho đến hôm nay và mãi về sau nữa, giới mỹ thuật sẽ vẫn nhắc đến người thầy Tô Ngọc Vân với phương pháp đào tạo tôn trọng cá tính sáng tạo của học trò, vẫn nhắc đến ý thức công dân, ý thức xã hội mạnh mẽ mà ông truyền lại cho học trò của mình, từ lời nói, đến hành động. Như ông từng phát biểu trước tất cả giảng viên và sinh viên ngay sau ngày nhập học, tháng 10/1950: “Có vay thì có trả. Nhận của nhân dân cơm áo, chúng ta trả lại nhân dân bằng hội họa. Bằng cách đem hội họa phụng sự nhân dân, làm đẹp cuộc đời của nhân dân, hướng dẫn để nâng cao trình độ thưởng thức hội họa của nhân dân…”.
Năm qua, Việt Nam đã đón khoảng 17,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2023. Khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023. Có thể nói, sự khởi sắc của ngành du lịch đã trở thành điểm sáng trong tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Các sinh viên khóa Kháng chiến đã được học ở thực địa nhiều hơn trong lán trại giảng đường. Họ đi thực tế kháng chiến, tham gia nhiều nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động, vẽ và bày tranh tại chỗ phục vụ nhân dân. Họ là sinh viên đồng thời là cán bộ cách mạng, là đồng nghiệp trẻ của những bậc thầy tài danh đang đồng hành cùng họ trên những bước đường sự nghiệp đầu tiên.
Để sau khi rời mái trường có một không hai ấy, họ đã luôn phát huy tối đa tinh thần công dân-chiến sĩ của mình. Họ đảm đương tốt nhất bất cứ nhiệm vụ nào mà tổ chức phân công, làm họa sĩ thiết kế báo, tạp chí, nghiên cứu về văn hóa dân gian, thiết kế mỹ thuật điện ảnh, họa sĩ phim hoạt hình, giảng viên các trường mỹ thuật và mỹ thuật công nghiệp... Nhiều người trong số họ đã được tổ chức chọn cử đi du học tại các nước Liên Xô, Cộng hòa dân chủ Đức (trước đây) để bồi đắp thêm kiến thức chuyên môn nghề nghiệp, trở về phục vụ đất nước một cách hiệu quả nhất, như các họa sĩ Lê Lam, Trần Thị Thục Phi, Ngô Mạnh Lân, Trần Lưu Hậu, Trịnh Kim Vinh… Bên cạnh đó, họ vẫn luôn nuôi dưỡng, chăm sóc cho khát vọng sáng tạo cá nhân.
Từ những tháng ngày đầu tiên trên dặm dài 30 năm kháng chiến của dân tộc, nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc vừa là dân, vừa là quân, vừa là nhà sáng tác, lại có lúc kiêm nhà giáo truyền lửa nhiệt huyết và cảm hứng sáng tác nghệ thuật đến bao lớp người khác, tạo nên một phong trào mỹ thuật kháng chiến lớn mạnh.
Sinh thời, họa sĩ Lưu Công Nhân không thể đếm bao nhiêu chuyến đạp xe Hà Nội-Hải Dương-Hải Phòng-Móng Cái, Hà Nội-Vĩnh Yên-Phú Thọ-Tuyên Quang, đi bộ Hà Nội-Nam Định-Thanh Hóa-Vinh, Hà Nội-Bắc Ninh-Lạng Sơn... mà ông đã đi. Trong nhật ký, ông tô đậm dòng chữ: “5/8/1964 đến 1/11/1968, khi biết tin Johnson ngừng bắn phá miền bắc: 52 tháng bom đạn, suýt chết tới 10 lần”. Nhưng cũng nhờ những năm tháng ấy, ông mới để lại cho đời một tài sản quý giá là những góc bình yên của quê hương Bắc Bộ, ngân đọng giữa mọi gian nan, xáo trộn, đổi thay. Những sáng tác ấy bày tỏ một cách rõ nét tình cảm với quê hương và ước vọng bình yên sẽ đến, sẽ ở lại vĩnh viễn với đất và người của xứ sở tươi đẹp này.
Không thể không nhắc đến họa sĩ Trần Thị Thục Phi, người phụ trách Xưởng tranh cổ động thuộc Tổng cục Thông tin. Bà là nhân sự duy nhất của Xưởng khi mới được thành lập, năm 1966. Với tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết, bà không chỉ mời được rất nhiều họa sĩ hàng đầu của đất nước mà còn cả những người “ngoài biên chế nhà nước” thời kỳ đó cùng tham gia sáng tác tranh cổ động. Họ đã tạo nên một phong trào vẽ tranh cổ động rộng khắp, hình thành một dòng tranh đặc thù của mỹ thuật cách mạng Việt Nam.

Năm 1965, lần thứ hai được cử đi du học ở Liên Xô nhưng họa sĩ Lê Lam đã từ chối, ông mong muốn được vào chiến trường miền nam, để “chứng kiến thực tế cuộc kháng chiến và vẽ được nhiều hơn nữa”. Ở đó, suốt giai đoạn 1966-1974, ông vừa tham gia chiến đấu như một người lính vừa đóng góp sức mạnh tinh thần bằng ngọn bút của một họa sĩ. Ông đều đặn gửi ra hậu phương miền bắc những sáng tác nóng hổi tình cảm quân dân, ghi lại sự dũng cảm, kiên cường và cả biết bao vẻ đẹp thanh xuân của tuổi trẻ nơi bom đạn. Ông còn tổ chức trưng bày tranh tại trận địa, mở các lớp dạy vẽ cho quân và dân, tranh thủ giữa những khoảng thời gian ngưng tiếng súng, để động viên tinh thần chiến đấu của đồng đội.
Các lớp học ngắn hạn, khóa học duy nhất ở chiến khu của Trường Mỹ thuật Việt Nam như những đốm lửa ban đầu lan tỏa, truyền cảm hứng cho một phong trào học sáng tác và sáng tác mỹ thuật ngay trong chiến tranh, về chiến tranh cách mạng rộng khắp trên cả nước.
Tiếp nối mạch nguồn sáng tạo và trách nhiệm xã hội của những lớp người đi trước, nhiều họa sĩ trưởng thành trong kháng chiến không chỉ lưu dấu được tiếng nói cá nhân trong tác phẩm của mình mà còn tham gia giảng dạy tại các trường mỹ thuật, giữ trọng trách tại các hội đồng nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam và địa phương, các Xưởng Mỹ thuật quốc gia, Xưởng Mỹ thuật quân đội, Xưởng phim hoạt hình, Xưởng phim truyện Việt Nam… Vượt lên trên mọi nghịch cảnh, họ đã có những đóng góp mang tính chất nền tảng vào sự vận động thẩm mỹ tác, thành quả lao động nghệ thuật cũng như nhân cách của nghệ sĩ-trí thức. Sự nghiêm cẩn của kiến thức mỹ thuật trường quy, nguyên tắc của các trường phái mỹ thuật trên thế giới đều được họ chuyển hóa một cách nhuần nhị, hòa quyện tình cảm và sự sáng tạo cá nhân, để các bức tranh, bức tượng của họ vừa bày tỏ được cảm xúc, tâm tình riêng, vừa cất lên tiếng nói và khát vọng thời đại. Đây là một bài học làm nghề và làm nghệ sĩ mà rất nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc, nghệ sĩ thị giác về sau này thâu nhận, trực tiếp hoặc gián tiếp, từ thế hệ đi trước.
Qua nhiều giai đoạn lịch sử xã hội, mỹ thuật luôn là lĩnh vực tiên phong về đổi mới ngôn ngữ nghệ thuật, về tiếp nhận và thể nghiệm những hình thức nghệ thuật thị giác mới trong hoàn cảnh Việt Nam. Sự hiện diện của các tác phẩm mỹ thuật/nghệ thuật thị giác của tác giả Việt Nam thuộc mọi giai đoạn, từ mỹ thuật Đông Dương đến mỹ thuật kháng chiến, mỹ thuật Đổi mới và đương đại tại nhiều bảo tàng, bộ sưu tập, triển lãm, sự kiện nghệ thuật lớn trên thế giới là một minh chứng sắc nét cho sự tiếp nối và chuyển giao thế hệ, cho một mạch nguồn sáng tạo liên tục, với tinh thần nghệ thuật mãi thanh xuân, tươi đẹp.
Nội dung: Đào Mai Trang
Trình bày: Nam Đông - Phùng Trang
Ảnh: Lưu Anh Tuấn; Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam