Một sáng cuối tháng 12, sau nhiều lần hẹn, sau cùng Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm chính trị Tổng cục Kỹ thuật, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh cũng bố trí được cuộc hẹn với phóng viên tại căn nhà nhỏ trên phố Hoàng Sâm.

Trong câu chuyện không dứt về những ký ức chiến tranh, Thiếu tướng Tuấn đặc biệt nhắc tới mối lương duyên kỳ lạ từ chiến trường với người vợ, người bạn đồng hành đặc biệt của mình, bà Nguyễn Thị Minh Cử. Với ông, dường như, chiến tranh, bom đạn dù có tàn khốc đến đâu, cũng chẳng thể mạnh hơn tình yêu và sự chân thành.

Vợ chồng Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn.

Vợ chồng Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn.

Mùa xuân năm 1961, rời quê hương Sơn Tây (Hà Nội), chàng trai trẻ Hoàng Anh Tuấn được biên chế về Đoàn vận tải ô-tô 245 (còn gọi là Đoàn 3 – Đoàn An Khê) thuộc Tổng Cục Hậu Cần. Sau 2 tháng hoàn thành chương trình huấn luyện tân binh, ông được cử đi đào tạo lái xe. Cuối năm đó, khi mới 17 tuổi, chàng trai quê hương xứ Đoài cùng đơn vị hành quân vào Trường Sơn.

Sau thời gian nhận và vận chuyển bộ đội, vật chất hậu cần từ trạm khách sân bay Đồng Hới và làng Ho (Quảng Bình), đến mùa khô 1962-1963, ông chuyển sang làm nhiệm vụ trên hướng Đường 12-Tây Trường Sơn.

“Để phục vụ việc vận chuyển từ Làng Ho, đại đội tôi cắt cử 2 xe ở lại. Khi đi, có 3 chú voi đi phía trước, chân gắn xích. Đoạn nào khó, xích sẽ được nối với xe để kéo, thậm chí huy động thêm 1 chú voi khác đẩy đằng sau”, người lính Trường Sơn năm xưa kể.

Sau 5 năm đầu làm chiến sĩ, những năm tiếp theo, Hoàng Anh Tuấn chuyển sang làm cán bộ chính trị từ cấp đại đội đến cấp chiến lược. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Trường Sơn chia sẻ: Trong 16 năm tham gia với tư cách bộ đội Trường Sơn, ông và đồng đội trải qua 2 giai đoạn: Trước năm 1966 và từ năm 1967 trở về sau.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn (bên phải ảnh) trong những ngày đầu vào tuyến lửa Trưởng Sơn huyền thoại.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn (bên phải ảnh) trong những ngày đầu vào tuyến lửa Trưởng Sơn huyền thoại.

Giai đoạn đầu, do mới thành lập tuyến và dần tăng cường lực lượng nên máy bay địch chưa đánh phá nhiều. Mặc dù vậy, từ năm 1964, địch bắt đầu tiến hành rải chất độc hóa học. Lúc đầu, bộ đội ta không biết, “chỉ thấy khói mù lên từ những chiếc máy bay to như chiếc thuyền lớn”. Nhưng chỉ 2 giờ sau, lá chuối, lá tre bị rụng sạch.

“Lim khỏe mạnh hơn thì cũng cháy lá sau 2 ngày. Một tuần sau, toàn bộ lá rừng lần lượt trụi hết. Ác liệt nhất phải kể đến giai đoạn mùa khô, các dòng suối trong rừng cạn dần, chỉ còn đọng lại thành vũng. Để nấu ăn, bộ đội Trường Sơn vẫn phải dùng nước này. Có lẽ, đây cũng là lý do khiến anh em nhiễm chất độc màu da cam rất nhiều”, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn hồi tưởng, mắt đỏ hoe.

Cũng trong giai đoạn này, khu vực tây Trường Sơn lại đối mặt với khó khăn khác. Đây là khu vực rừng non và rất thưa thớt. Do đó, việc ngụy trang, giấu xe gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù đã chặt nhiều thân, cành cây để che, nhưng xe vẫn... lù lù như cái nhà.

Có những lúc, máy bay trinh sát địch phát hiện, bắn cháy xe. Anh em bộ đội phải lên vị trí cách đó 500m... đứng nhìn mà không làm gì được. Lính lái xe bị mất xe, cháy xe khác gì bộ đội không có súng.

Cùng đồng đội bên xác xe tăng địch ở Cha Ky sau Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971.

Cùng đồng đội bên xác xe tăng địch ở Cha Ky sau Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971.

Bước sang mùa khô năm 1967, địch bắt đầu tăng cường đánh phá, tạo thành nhiều trọng điểm... khét tiếng, có đoạn kéo dài hơn 20km. Máy bay trinh sát, B52 quần thảo ngày đêm. Mặc dù vậy, lúc này, chúng ta đã có các trung đoàn pháo phòng không chống lại. Nhiều vị lãnh đạo tài ba cũng trực tiếp chỉ đạo công tác chiến đấu trên toàn tuyến. Anh em cũng tổ chức nhiều tuyến đường tránh, đường vòng. Địch đánh điểm này, ta sẽ vòng qua đường kia. Đặc biệt, đây cũng là giai đoạn chúng ta thực hiện công tác hợp đồng binh chủng với sự tham gia của rất nhiều lực lượng khác nhau, qua đó đạt được hiệu quả tốt.

Là người lính trên tuyến lửa, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn không ít lần phải đối mặt với tử thần. Đó là lần ông chỉ huy tiểu đoàn xe vượt trọng điểm liên hoàn A.T.P Tết Nguyên đán năm 1971. Thời điểm ấy, khi đoàn xe vừa lên khỏi đèo thì loạt bom B-52 của địch rơi xuống giữa đội hình. Núi rừng rung bần bật, cả bầu trời mù mịt. Mọi người chỉ kịp nhoài xuống mặt đường, thì tai đã ù đặc, ngực tức thở vì hơi bom. Nhưng, như một sự may mắn lạ kỳ, toàn bộ lính lái xe của Tiểu đoàn 52 khi ấy không ai hy sinh. Sau trận “rải thảm”, anh em lại xốc lại đội hình, kéo 7 chiếc xe bị hỏng theo đường vòng về tổng kho giao đủ hàng.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn.

Hay lần khác, sau thất bại cay đắng tại Quảng Trị năm 1972, Tổng thống Mỹ bấy giờ quyết định chiếm lại Thành cổ. Địch liên tục huy động máy bay, pháo hạm oanh kích, rải thảm vùng đất hẹp bắc Quảng Trị, khiến các trục giao thông bị chặt nát.

Không thể dùng đường bộ tiếp sức cho bộ đội ta chiến đấu giữa Thành Cổ, Bộ Tư lệnh Trường Sơn quyết định mở tuyến vận tải thủy. Hoàng Anh Tuấn khi đó được giao làm Chính trị viên Tiểu đoàn 166 thuyền máy.

Đêm 21/7/1972, trên sông Thạch Hãn, đơn vị của ông bị trúng bom từ trường, 8 xuồng vỡ tan, hy sinh 11 thủy thủ, 20 người trọng thương. Chiếc xuồng chỉ huy trúng bom, Hoàng Anh Tuấn bị sức ép bật tung người, đập mặt xuống nước, bùn xộc vào mồm mũi. Ông được cứu sống, đưa về Đội điều trị 14 dưỡng thương. Mới nửa tháng, nghe tin tiểu đoàn bị tập kích, ông kiên quyết xin được trở về đơn vị làm việc kết hợp điều trị. Thế nhưng, ngay khi đang tập trung củng cố lực lượng, đẩy mạnh chi viện Thành Cổ, B-52 lại rải thảm trúng vị trí đóng quân khiến Hoàng Anh Tuấn bị bỏng cháy rộp mặt, phải đưa ngay đến bệnh xá đặc công Hải quân điều trị.

Tuyến lửa Trường Sơn huyền thoại. (Ảnh: TTXVN)

Tuyến lửa Trường Sơn huyền thoại. (Ảnh: TTXVN)

Hàng chục năm sau, ngồi lại trong căn nhà nhỏ của mình, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn vẫn rành rọt kể lại từng địa danh trên đại ngàn Trường Sơn, từ Đèo Phu La Nhích, ngầm Tà Lê, cua chữ A, phà Xuân Sơn đến những Văng Mu, Lùm Bùm, Chà Là, Thà Khống… Mỗi tên đất lại gắn với chuỗi kỷ niệm không bao giờ ngủ yên trong lòng vị tướng trận.

Thế nhưng, ông bảo, điều ông nhớ nhất, lại chính là chuyện tình yêu – mối tình vượt lên trên mọi khổ đau và bom đạn, tiếp sức cho ông cho tới tận bây giờ.

Chuyện là, tháng 9/1968, sau 7 năm lăn lộn trên các tuyến đường khốc liệt của Trường Sơn, chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 52, Trung đoàn ô-tô 245 Hoàng Anh Tuấn được binh trạm cử đi báo cáo thành tích của đơn vị tại Hội nghị quân chính và hội nghị mừng công do Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Trường Sơn triệu tập.

Dịp này, ông được các đồng chí ở Cục Chính trị nhắc nhiều đến nữ y sĩ Nguyễn Thị Minh Cử, người Phú Thọ. Nghe nhiều nên ấn tượng, đến độ chàng Chính trị viên trẻ tuổi quyết tâm… tìm gặp cho bằng được.

“Biết cô ấy là người Phú Thọ, tôi mạnh dạn ‘bịa’ và nhận mình là đồng hương luôn, dù thật ra quê gốc mình ở Sơn Tây”, vị tướng già cười xòa nói. Cuộc gặp ngắn ngủi ấy tưởng chừng như chẳng đi đến đâu, nhưng sau Hội nghị mừng công, ông Tuấn bỗng được Cử rụt rè đưa cho một bi đông nước pha đường để uống trên đường về đơn vị. Dư vị của bi đông nước ngày ấy… còn ngọt tới tận bây giờ. Từ đó, hai người bắt đầu trao đổi thư từ cho nhau. Những cánh thư giống như một sợi dây vô hình, kết nối chí hướng và trái tim của hai con người xa lạ. Họ dần hiểu và đồng cảm với nhau hơn, để rồi nảy nở thành tình yêu ban sơ trên những cánh rừng Trường Sơn khô khốc…

Y sĩ Nguyễn Thị Minh Cử, chiến sĩ quân y công tác tại Cục Chính trị Bộ Tư lệnh 559 (thứ hai bên phải, thời kỳ năm 1968).

Y sĩ Nguyễn Thị Minh Cử, chiến sĩ quân y công tác tại Cục Chính trị Bộ Tư lệnh 559 (thứ hai bên phải, thời kỳ năm 1968).

Thiếu tướng Tuấn lật giở hình ảnh trong cuốn album đã cũ, chỉ vào một người con gái đang rạng rỡ cười: “Bà nhà tôi ngày ấy trẻ và xinh xắn lắm. Chúng tôi yêu xa mãi tới năm 1969, khi được tổ chức tạo điều kiện gặp nhau, chúng tôi mới chính thức 'đặt vấn đề'".

“Tôi vẫn nhớ, lúc ấy, Tiểu đoàn 52 chuyển về Binh trạm 14. Vào dịp hội nghị quân chính, tổng kết hoạt động mùa khô năm 1969-1970 do Bộ tư lệnh Trường Sơn tổ chức, tôi được giao dẫn đội văn nghệ của binh trạm lên phục vụ hội nghị. Tôi quyết định sẽ bàn việc lớn với Cử. Lúc đó, nhà thơ Trọng Khóa (nguyên cán bộ Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Trường Sơn) đã cho tôi mượn ‘lều thơ’ để gặp Cử .

Nghĩ cũng thật buồn cười. Tình yêu của chúng mình hồi đó cũng 'bôn-sê-vích' đáo để. Hai người yêu nhau bàn tính chuyện đám cưới vẫn ngồi ở hai chiếc ghế đối diện nhau, tay không dám cầm”.

Bà Nguyễn Thị Minh Cử (thứ nhất từ bên phải) đầu năm 1969.

Bà Nguyễn Thị Minh Cử (thứ nhất từ bên phải) đầu năm 1969.

Rồi, tình yêu không đợi chiến tranh kết thúc, tháng 8/1970, tôi và Cử báo cáo Tổ chức để xin làm đám cưới. Phó Chính ủy Lê Xy trực tiếp ký giấy giới thiệu để chúng tôi ra Ủy ban xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình làm thủ tục”.

Không lâu sau, một đám cưới “lính” chính hiệu được cử hành tại Hội trường “bán âm” của Binh trạm 14 Cổ Giang. Áo cưới là quân phục hằng ngày. Đêm tân hôn là một ngày ngồi xe Gaz từ hậu cứ Bộ Tư lệnh ở Hưng Trạch ra ga Vinh để tranh thủ phép về quê báo cáo họ hàng.

“Cưới xong, mỗi người lại một nơi. Tôi tiếp tục về đơn vị theo những chuyến xe vượt Trường Sơn. Bà nhà tôi thì về Viện 59 làm công tác chăm sóc thương, bệnh binh. Có khi cả năm không gặp được nhau".

Những lúc bị thương, ông Tuấn chẳng bao giờ kể với vợ mình vì sợ bà lo. Ở phía ngược lại, từ hậu phương, những lá thư của cô y sĩ trẻ Nguyễn Thị Minh Cử lại như một liều thuốc tinh thần giúp ông trở nên mạnh mẽ hơn.

Bức ảnh chụp vào ngày cưới của Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn và vợ tháng 8/1970.

Bức ảnh chụp vào ngày cưới của Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn và vợ tháng 8/1970.

Mùa thu năm 1971, sau lần suýt chết trên sông Thạch Hãn (đã viết ở phía trên), trong lúc đang nằm điều trị, ông nhận được thư của bà. Bà viết: “Chồng yêu thương của em! Được tin anh bị thương em lo quá, sao lại giấu em. Dù anh có mất một phần thân thể vẫn là chồng của em… Bây giờ sức khỏe của anh sao rồi? Không đêm nào em ngủ được, cứ nhắm mắt lại thấy anh. Em tủi phận quá, nếu lúc này em giữ được giọt máu của anh, hình hài của anh trong lòng em để nâng niu trong những ngày xa vắng!”.

Đọc thư và cũng nghĩ đến bao người phụ nữ thủy chung son sắt bên những người chồng thương tật, Hoàng Anh Tuấn như được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua những mặc cảm, tiếp tục phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ...

Chồng yêu thương của em! Được tin anh bị thương em lo quá, sao lại giấu em. Dù anh có mất một phần thân thể vẫn là chồng của em… Bây giờ sức khỏe của anh sao rồi? Không đêm nào em ngủ được, cứ nhắm mắt lại thấy anh. Em tủi phận quá, nếu lúc này em giữ được giọt máu của anh, hình hài của anh trong lòng em để nâng niu trong những ngày xa vắng!”.
---
Trích thư bà Nguyễn Thị Minh Cử gửi Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn khi hay tin ông bị thương trong trận vượt sông Thạch Hãn năm 1971.

Vĩ thanh

Thoáng cái, mối tình năm nào đã nối dài thêm hàng chục năm. Ông Tuấn và bà Cử cho tới tận bây giờ vẫn luôn đồng hành bên nhau, trên mọi chặng đường. Trong dịp kỷ niệm 27/7 năm 2021, bà viết những dòng thơ thế này tặng người bạn đời của mình:

Anh bị thương ở chiến trường
Em xa chỉ biết nhớ thương đợi chờ
Nhận tin quá sốc, bất ngờ
Vượt qua biển lửa, sóng xô, may rồi
Chúng mình chia sẻ ngọt bùi
Trải qua gian khó, được vui bây giờ.

Nhà văn Phạm Hoa khi viết lại mối lương duyên đẹp như thơ này nhận định: “Như là một định mệnh, chẳng thế sao chỉ gặp nhau, bông đùa vài câu, nhận xằng quê ở Đoan Hùng gần Thanh Ba quê của Cử mà nên một cuộc tình duyên. Hẳn do ánh nhìn của Tuấn bị neo lại trong ánh mắt trong veo của Cử”….

Xuất bản ngày: 22/12/2024
Chỉ đạo nội dung: Hữu Việt - Hồng Vân
Nội dung và Trình bày: SƠN BÁCH
Ảnh: Nhân vật cung cấp