
Quân đội và nhân dân ta kế thừa sâu sắc truyền thống của cả một dân tộc anh hùng. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mỗi một chiến sĩ, mỗi một người dân ta đều ít hay nhiều có mang theo tinh thần cao cả của Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, v.v... Xin trân trọng giới thiệu bài viết của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhân kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ về yếu tố tinh thần của quân đội và nhân dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã mở thêm một trang lịch sử chói lọi
của dân tộc Việt Nam ta.
Lúc quân đội viễn chinh Pháp bị tiêu diệt và tướng Đờ Cát bị bắt làm tù binh ở Điện Biên Phủ thì bọn cầm quyền ở Pháp mới buộc lòng phải ký Hiệp nghị Giơnevơ.
Làm như vậy họ đã tỏ ra một phần nào “biết điều”. Nhưng tiếc thay, giá họ “biết điều” sớm hơn thì họ đỡ phải mất thêm sáu ngàn triệu đôla, khỏi phải nướng hàng vạn quân viễn chinh để rồi không đổi lấy được cái gì ngoài sự nhục nhã cho quân đội Pháp, cho đế quốc Pháp.

Chiến thắng Điện Biên Phủ buộc chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva (7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ ba nước Đông Dương, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ kéo dài 9 năm (1945-1954). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Chiến thắng Điện Biên Phủ buộc chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva (7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ ba nước Đông Dương, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ kéo dài 9 năm (1945-1954). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Trước sự thất bại quá đột ngột lúc bấy giờ, các nhà chính trị, quân sự của đế quốc Pháp hết sức cay cú đã đổ dồn trách nhiệm vào đầu Nava. Họ làm tình làm tội tên bại tướng này và lập luận rằng giá được một viên tướng nào khác chỉ huy giỏi hơn thì ngọn cờ tam tài đâu đến nỗi phải bị vùi dập phũ phàng trên mảnh đất Điện Biên Phủ xa xôi (!).
Dù sao các nhà chính trị và chiến lược ấy cũng đành công nhận một thực tế là ở Điện Biên Phủ họ đã thất bại nặng, chúng ta đã chiến thắng lớn. Thực tế đó ăn sâu trong đầu óc họ cho đến ngày nay. Vì vậy do kinh nghiệm bản thân, vừa qua, trước những thắng lợi to lớn của nhân dân ta ở miền Nam, một số người trong họ đã khuyên người Mỹ đừng dùng biện pháp quân sự để giải quyết vấn đề Việt Nam. Không biết người Mỹ suy nghĩ gì trước lời khuyên ấy hay là vẫn cứ điên cuồng lăn theo “vết xe đổ” của thực dân Pháp?
Tuy nhiên, từ chỗ công nhận thực tế là sự thất bại nặng nề của họ ở Điện Biên Phủ, những nhà chính trị và chiến lược của đế quốc Pháp vẫn chưa rút ra được những kết luận thích đáng. Kết luận đích đáng nhất cần rút ra là: Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, yếu tố gì là yếu tố quyết định trên chiến trường đã làm cho họ phải thất bại, đã làm cho đối phương của họ - tức là ta - giành thắng lợi to lớn và vẻ vang?
Trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương lúc bấy giờ, Pháp đã tung ra trên chiến trường Việt Nam gần 15 vạn quân viễn chinh Pháp và hơn 30 vạn quân ngụy, số quân chừng đó phải chăng là quá ít? Pháp đã tiêu tốn 6 nghìn triệu đôla, tính ra bằng 21 nghìn triệu đồng Việt Nam; số tiền đó phải chăng là quá thiếu? Pháp đã tung ra hàng vạn cán bộ chỉ huy và nhân viên kỹ thuật, trên chiến trường Việt Nam đã hầu như đủ mặt các danh tướng của Pháp lúc bấy giờ như Đácgiăngliơ, Lơcơléc, Moóclie, Valuy, Cácpăngchiê, Đờlát Đờ Tátxinhi, Cônhi, Xalăng, Nava, v.v.; số tướng tá như vậy phải chăng là quá hiếm?
Không! Số quân của họ có thừa, tiền của họ có thừa, trang bị kỹ thuật của họ có thừa, cán bộ của họ có thừa, ít ra cũng là quá thừa so với lực lượng của chúng ta lúc đầu. Thế nhưng họ vẫn thất bại.
Chắc đại tướng Cácpăngchiê còn nhớ, vào năm 1950, khi Cao Bằng bị thất thủ, quân của “tướng quân” đóng ở Đồng Đăng, Lạng Sơn, có phải vì mất tinh thần cho nên “tướng quân” phải buộc lòng hạ lệnh cho rút lui và tháo chạy?
Nếu Thống chế Đờlát còn sống, chắc ngài còn nhớ, trong chiến dịch Hòa Bình năm 1951, ngài mới bị đả có mấy trận kha khá thôi, nhưng có phải vì tinh thần quân đội của ngài đã ruỗng ra cho nên buộc lòng thống chế phải bỏ phòng tuyến mà hồi đó ngài cho là một phòng tuyến chiến lược?
Ngay từ hồi ấy, giá các ngài nhận rõ quân đội của các ngài không còn đủ tinh thần tiến công và phòng ngự nữa để kịp thời rút ra kết luận thích đáng thì đâu đến nỗi các ngài phải mang lấy “Mối hận Điện Biên Phủ” về sau?
Một điều nổi bật của quân đội Pháp lúc bấy giờ là tinh thần chiến đấu quá sút kém. Đó là một nguyên nhân chính làm cho quân đội Pháp thất bại. Trạng thái tinh thần ấy là con đẻ của hoàn cảnh xã hội của nước Pháp lúc bấy giờ. Hoàn cảnh đó có những đặc điểm chính như sau:
1. Sau đại chiến lần thứ hai, chính sách của đế quốc Pháp không những không có sự thay đổi gì đáng kể mà trái lại còn phản động hơn trước. Đối nội, họ thực hành một chính sách phản dân chủ; đối ngoại, họ thực hành chính sách lệ thuộc vào đế quốc Mỹ; đối với các nước thuộc địa, họ thực hành một chính sách bạo lực rất phản động. Tính chất phi nghĩa và phản động của những chính sách ấy làm cho quân đội của họ ngày càng thêm suy nhược, càng thêm chán ghét chiến tranh.
2. Đế quốc Pháp đưa quân đội đi tiến hành chiến tranh xâm lược ở một nơi cách xa nước Pháp hàng vạn kilômét, trong một thời kỳ mà cao trào cách mạng giải phóng dân tộc đang dâng lên cuồn cuộn. Trong cuộc chiến tranh xâm lược đó, họ và quân đội của họ lại dựa vào giai cấp phong kiến địa chủ đang suy tàn và giai cấp tư sản mại bản phản động yếu ở Việt Nam, như thế chẳng khác nào người sắp chết đuối mà vớ phải bọt.
3. Từ trong chính sách phản động và chiến tranh phi nghĩa ấy, quân đội của Pháp không đào đâu ra được một lý tưởng chiến đấu, hơn nữa nó lại gặp phải đối phương là dân tộc Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam tuy lúc đầu còn yếu kém về trang bị kỹ thuật, nhưng lại có một tinh thần chiến đấu rất anh hùng. Vì vậy bản thân tinh thần của quân đội Pháp đã kém lại ngày càng sút kém nhanh chóng và trầm trọng hơn.
Chiến thắng của ta và sự thất bại của thực dân Pháp ở Việt Nam phản ánh một sự so sánh lực lượng phức tạp, trong đó yếu tố tinh thần của quân đội đôi bên chiếm một vị trí quan trọng có tính chất quyết định chiến trường. Nhưng bất cứ một trạng thái tinh thần nào cũng không phải nảy sinh và phát triển một cách độc lập mà nó tùy thuộc vào nhiều nhân tố khác như chế độ xã hội, năng lực lãnh đạo và nhất là mục tiêu chính trị, v.v... Vì vậy khi bàn về yếu tố tinh thần của quân đội và nhân dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta phải đứng trên quan điểm đó.

Mùa Thu năm 1945, nước ta tuyên bố độc lập, nhân dân ta lần đầu tiên sau gần 80 năm làm nô lệ được hưởng tự do dưới một chế độ dân chủ thực sự. Nhưng chưa được bao lâu, thực dân Pháp, được sự ủng hộ của Anh và Mỹ, gây chiến ở nước ta, âm mưu quàng cái ách thuộc địa lên đầu nhân dân ta một lần nữa. Trước tình hình đó, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân đứng lên kháng chiến chống xâm lược Pháp với khẩu hiệu nổi tiếng: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Khẩu hiệu ấy đã phát động rất mạnh lòng tự hào, tinh thần bất khuất và quật cường của dân tộc ta, làm cho cả nước sôi sục đứng lên đánh Pháp với mọi phương tiện sẵn có trong tay. Khẩu hiệu ấy đã động viên và giáo dục nhân dân xác định một thái độ chính trị kiên quyết chống thực dân Pháp, giành cho kỳ được độc lập dân tộc với bất cứ giá nào. Khẩu hiệu ấy có tác dụng cách mạng hóa quần chúng rất lớn, hướng họ vào nâng cao quyết tâm kháng chiến lâu dài, gian khổ, nhưng nhất định thắng lợi. Khẩu hiệu ấy, đứng về mặt chiến lược mà nói, nhằm mục tiêu cố giành lấy ưu thế về chính trị và tinh thần của quân và dân ta ngay từ lúc đầu trong sự so sánh lực lượng giữa đôi bên. Nhờ vậy mà từ cuối năm 1945 đến năm 1950, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, gian khổ và hết sức chênh lệch về lực lượng vật chất, chúng ta vẫn kiên trì kháng chiến và thu được một số thắng lợi bước đầu. Ý nghĩa lớn lao của những thắng lợi đó là chúng ta đã phá được chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của địch. Mặt khác, chiến lược kháng chiến lâu dài của ta đã được thực tiễn chứng minh là đúng và ngày càng phát huy tác dụng rõ rệt.
Thu Đông năm 1950, chúng ta thắng lớn ở Biên giới. Thắng lợi này có ý nghĩa rất quan trọng. Nó đánh một đòn rất mạnh vào quyết tâm của các tướng lĩnh Pháp, vào tinh thần của quân đội viễn chinh Pháp và quân ngụy. Đồng thời nó làm cho toàn dân và toàn quân ta từ Nam chí Bắc vô cùng phấn khởi, tinh thần của quân và dân ta tăng lên một cách nhảy vọt. Mọi người, qua thắng lợi đó, đều thấy rằng Đảng, Chính phủ, dân tộc mình, quân đội mình và chính mình đã lớn mạnh lên nhiều, rằng kháng chiến lâu dài không phải là vô hạn độ, triển vọng thắng lợi đã nhích lại gần chúng ta hơn trước nhiều, địch đã phải chịu thất bại chua cay và không thể huênh hoang như trước nữa.
Tiếp đến thời kỳ năm 1950-1953, trên khắp các chiến trường từ Bắc chí Nam, chúng ta liên tiếp mở nhiều chiến dịch lớn, và đặc biệt là phong trào chiến tranh du kích sôi nổi, mạnh mẽ và phát triển sâu rộng hơn lúc nào hết. Những sự kiện nổi bật có ảnh hưởng sâu sắc đến tinh thần của quân và dân ta trong thời kỳ này là: cải cách ruộng đất và các cuộc chỉnh huấn, chỉnh quân ở trong Đảng và trong quân đội. Cuộc cách mạng ruộng đất đã làm cho nông dân lao động vùng lên, qua cuộc đấu tranh giai cấp với địa chủ, tư tưởng và tinh thần của nông dân có một sự chuyển biến rất mạnh, sự giác ngộ dân tộc được kết hợp chặt chẽ với sự giác ngộ giai cấp, do đó tinh thần chiến đấu chống giặc Pháp của họ tăng lên gấp bội. Nông dân lao động qua cải cách ruộng đất được cách mạng hóa thêm một bước cao hơn, trạng thái tinh thần của nông dân đã có một sự biến đổi về chất lượng. Cuộc đấu tranh giai cấp của nông dân lúc bấy giờ do Đảng ta lãnh đạo đã thúc đẩy rất mạnh cuộc kháng chiến của toàn dân, đã thúc đẩy rất mạnh quân đội tập trung và dân quân du kích giết giặc lập công.
Trên chiến trường Điện Biên Phủ, yếu tố tinh thần của quân và dân ta đã chịu ảnh hưởng trực tiếp và nhạy bén của cuộc đấu tranh giai cấp rộng lớn đó. Các cuộc chỉnh quân và chỉnh huấn trong quân đội tiến hành vào thời kỳ này có một ý nghĩa to lớn và sâu sắc. Nó làm cho quân đội ta giác ngộ chính trị cao hơn trên cơ sở của sự giáo dục giai cấp, của sự giáo dục đường lối cách mạng dân tộc dân chủ, đường lối chiến tranh nhân dân và quân đội nhân dân của Đảng. Nó là một cuộc vận động lớn để cách mạng hóa quân đội thêm một bước mới, hướng cho cán bộ và chiến sĩ nhận rõ bản chất của quân đội nhân dân, phân rõ ta, bạn, thù, xác định mục tiêu chiến đấu là giành độc lập dân tộc, ruộng đất cho dân cày, tiến tới chủ nghĩa xã hội, xác định quân đội phải chịu sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện của Đảng tiên phong của giai cấp công nhân, v.v..
Tư tưởng cách mạng của quân đội ta được phát động lên cao và sâu sắc hơn so với trước. Do đó, đến thời kỳ này, các chiến sĩ ta không còn thích những bài hát “tráng sĩ một đi không trở lại” nữa, vì họ đã được trang bị thêm một số nhận thức khoa học về quy luật của cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc, họ đã hiểu rõ hơn vì ai mà chiến đấu, chiến đấu để làm gì, phần thắng cuối cùng nhất định về ai, v.v.. Trong hoàn cảnh cách mạng đó, tinh thần của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ so với trước cao hơn nhiều, và đó là một điều địch không lường tới, là một yếu tố quyết định thắng lợi trên chiến trường. Một thành công lớn của Đảng ta lúc bấy giờ là Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ, các tổ chức Đảng trong quân đội và trong dân công, các tổ chức Đảng ở hậu phương đã nắm chắc và phát huy cao độ yếu tố đó trong suốt chiến dịch và trong chiến đấu, ở ngoài tiền tuyến cũng như hậu phương.

Đại đội trưởng đại đội chủ công của Đại đoàn 312 nhận cờ Quyết Thắng trước khi đánh cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 13/3/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Đại đội trưởng đại đội chủ công của Đại đoàn 312 nhận cờ Quyết Thắng trước khi đánh cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 13/3/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Đoàn dân công xe thồ phục vụ tiền tuyến. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Đoàn dân công xe thồ phục vụ tiền tuyến. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Phút nghỉ ngơi giữa hai trận đánh. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Phút nghỉ ngơi giữa hai trận đánh. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Đó là về phần ta. Còn về phần địch, do không đánh giá được yếu tố tinh thần của quân và dân ta - dĩ nhiên họ không thể nào đánh giá đúng được - cho nên lúc bấy giờ họ đã bị bốn cái bất ngờ lớn:
1. Họ cho rằng quân đội ta không thể có đủ tinh thần hoặc dù có đủ tinh thần cũng không làm gì nổi cái tập đoàn cứ điểm được bảo vệ dưới những lưới lửa dày đặc ở Điện Biên Phủ.
2. Họ cho rằng quân đội ta kém về trình độ văn hóa và kỹ thuật, không thể sử dụng được pháo binh và súng cao xạ một cách có hiệu quả và với địa hình phức tạp quanh Điện Biên Phủ, chúng ta không thể nào kéo pháo được đến gần trận địa của họ.
3. Họ cho rằng trình độ của cán bộ ta chỉ có thể chỉ huy đánh du kích khá, khó mà chỉ huy nổi một chiến dịch quy mô lớn. Có nhiều sư đoàn tham gia, với một sự hợp đồng binh chủng phức tạp.
4. Đặc biệt họ không đánh giá đúng khả năng hậu phương của ta lúc bấy giờ, họ cho rằng chúng ta không thể giải quyết nổi các vấn đề rất khó khăn, rất phức tạp về hậu cần như tiếp tế lương thực, đạn dược, thuốc men, bổ sung quân số, v.v..
Do đâu mà họ đánh giá sai và bị những bất ngờ đó? Điểm xuất phát lá do họ đánh giá quá thấp yếu tố tinh thần của chúng ta. Với quan điểm quân sự của họ, họ không hiểu được rằng, từ trong đường lối đúng đắn của Đảng ta, từ trong cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân và quân đội ta, đã toát ra một sức mạnh tinh thần, và sức mạnh ấy tác động vào cuộc đấu tranh đã sáng tạo nên lực lượng vật chất cần thiết để chiến thắng họ.

Tinh thần chiến đấu của quân đội và nhân dân ta trong cuộc kháng chiến lâu dài nói chung và trong chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng do những nhân tố sau đây tạo thành:
1. Quân đội và nhân dân ta kế thừa sâu sắc truyền thống của cả một dân tộc anh hùng. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mỗi một chiến sĩ, mỗi một người dân ta đều ít hay nhiều có mang theo tinh thần cao cả của Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, v.v..
2. Tinh thần chiến đấu của quân đội và nhân dân ta được xây dựng trên cơ sở của chủ nghĩa Mác - Lênin, của chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Đường lối cách mạng dân tộc dân chủ của Đảng ta là sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với thực tiễn của cách mạng nước ta đã hun đúc tinh thần chiến đấu của quân đội và nhân dân ta. Tinh thần dũng cảm của quân đội và nhân dân ta chủ yếu bắt nguồn từ đường lối chính trị đúng đắn đó. Đấy là nhân tố cơ bản.
3. Quân đội ta là quân đội nhân dân, thực chất là quân đội công nông, tuyệt đại đa số gồm những người xuất thân từ công nông, tức xuất thân từ những giai cấp, tầng lớp cách mạng nhất trong nhân dân ta. Tinh thần chiến đấu của quân đội và nhân dân ta không những đã chịu ảnh hưởng sâu sắc và được rèn luyện qua những thử thách của cuộc đấu tranh yêu nước mà còn qua những thử thách của cuộc đấu tranh giai cấp rộng lớn; cuộc đấu tranh giai cấp ấy vừa là trường rèn luyện, vừa là một nguồn động viên cổ vũ mạnh mẽ quân đội và nhân dân ta vùng lên chiến thắng.
4. Quân đội và nhân dân ta chiến đấu để bảo vệ và xây dựng một chế độ xã hội tiên tiến hơn bất cứ thời kỳ lịch sử nào trước đây ở nước ta. Chế độ xã hội của chúng ta đại biểu cho cái mới, vì vậy nó dồi dào sức sống như mùa xuân, nó có đủ năng lực huy động những lực lượng tiềm tàng của nhân dân ta để đấu tranh có hiệu quả chống lại cái cũ mà thực dân Pháp là đại biểu, kết liễu cuộc đời của nó, mở đường cho cái mới phát triển, và cái mới đó là chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc hiện nay.
Chỉ có dưới ánh sáng của học thuyết đấu tranh giai cấp của Mác, chúng ta mới đánh giá được sâu sắc và toàn diện tác dụng của yếu tố tinh thần của quân đội và nhân dân cách mạng trong chiến đấu. Học thuyết đấu tranh giai cấp là linh hồn của chủ nghĩa Mác. Tư tưởng cách mạng của học thuyết đó thể hiện ở chỗ nó khẳng định rằng quần chúng nhân dân sáng tạo ra lịch sử, rằng giai cấp vô sản có khả năng cải tạo xã hội và cải tạo thế giới; nó khẳng định lịch sử loài người từ khi có giai cấp là lịch sử đấu tranh giai cấp, và yếu tố con người, yếu tố tinh thần là yếu tố quyết định trong cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản, của quần chúng nhân dân chống lại những giai cấp thù địch. Luận điểm yếu tố con người, yếu tố tinh thần là yếu tố quyết định trong cuộc đấu tranh giai cấp của Mác, Ăngghen, Lênin đã được chứng minh một lần nữa trong thực tiễn của cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam ta. Đứng về mặt lý luận mà nói, ai nắm vững được luận điểm đó của chủ nghĩa Mác - Lênin tức là người đó đã nắm vững được một nội dung quan trọng của học thuyết đấu tranh giai cấp. Ngược lại ai xa rời hoặc phủ nhận luận điểm đó thì người ấy vứt bỏ một nội dung quan trọng của học thuyết đấu tranh giai cấp và họ sẽ đi tới phạm sai lầm trong hoạt động thực tiễn, thậm chí cả trong chiến lược và sách lược nữa.
Đảng ta đánh giá đúng yếu tố tinh thần của quân đội và nhân dân ta, nhất là công nông trong cuộc chiến tranh. Quan điểm ấy không những quán triệt trong mọi công tác, học tập và chiến đấu của quân đội mà đặc biệt nó đã được quán triệt trong chiến lược, sách lược của Đảng ta trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ. Nội dung chủ yếu của quan điểm đó trong đường lối cách mạng của Đảng ta là tư tưởng kiên quyết chống chủ nghĩa đế quốc, là thái độ dứt khoát dựa vào nhân dân, dựa vào con người, để tiến hành đấu tranh giai cấp, đấu tranh cách mạng.
Lôgíc của vấn đề này là: Ai đánh giá thấp lực lượng quần chúng, đánh giá thấp yếu tố con người, yếu tố tinh thần trong đấu tranh cách mạng thì tự khắc trước mặt của người ấy, chủ nghĩa đế quốc, nhất là đế quốc Mỹ sẽ trở thành một “con người thép khổng lồ”, và khi đã thấy đế quốc khổng lồ thì nhất định sẽ thấy nhân dân cách mạng, nhất là các dân tộc châu Á, châu Phi và Mỹ latinh chỉ “bé tí hon” (!) (Những người này cho rằng các dân tộc Á, Phi và Mỹ latinh lạc hậu, kém văn hóa và kỹ thuật cho nên khó địch nổi với bọn đế quốc). Từ cách nhìn đó họ chỉ có thể rút ra kết luận là: “Đừng dại đem trứng chọi với đá” (!). Cách nhìn đó là cách nhìn phản động, kết luận ấy mang tính chất thủ tiêu đấu tranh và đầu hàng đế quốc.

Lính Pháp ở Điện Biên Phủ lũ lượt ra hàng, chiều 7/5/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Lính Pháp ở Điện Biên Phủ lũ lượt ra hàng, chiều 7/5/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Trong việc xây dựng quân đội và chỉ đạo tác chiến, chúng ta đã coi trọng yếu tố con người, yếu tố tinh thần. Đương nhiên quân đội nào cũng cần có tổ chức, trang bị, biên chế, kỹ thuật, và kỹ thuật càng được cải tiến thì khả năng chiến đấu của nó càng có điều kiện tăng thêm. Kỹ thuật là quan trọng nhưng con người làm ra và sử dụng kỹ thuật, cho nên con người và tinh thần con người vẫn giữ vai trò quyết định, về đường lối xây dựng quân đội, tư tưởng chiến lược, chiến thuật, tác chiến cho đến công tác huấn luyện, lao động sản xuất, v.v., quan điểm của quân đội nhân dân do Đảng lãnh đạo phải khác hẳn quan điểm quân sự của giai cấp tư sản. Nó phải là quan điểm vô sản, xem con người, tinh thần là yếu tố quyết định trên chiến trường, trong chiến tranh và cả trong mọi hoạt động thời bình nữa. Thử hỏi từ chỗ không có một tấc sắt do đâu mà nhân dân ta làm nên sự nghiệp lớn lao như ngày nay?
Xin trả lời: tiền bạc, vũ khí, trang bị kỹ thuật, v.v. chúng ta thua kém nhiều so với đế quốc nhưng nhờ có một đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta, một đảng vô sản theo chủ nghĩa Mác - Lênin, và dưới sự lãnh đạo của đường lối đó, nhân dân và quân đội ta đã đem hành động rất cách mạng, rất tự giác để kiên quyết khắc phục khó khăn, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, sáng tạo dần dần lực lượng vật chất từ trong tay của mình và lấy được từ trong tay của địch nhằm làm thay đổi từng bước so sánh lực lượng theo chiều hướng ngày càng có lợi cho ta, tiến tới giành thắng lợi cuối cùng.
Nếu ngày xưa ông cha ta mơ ước tìm thấy một sức mạnh thần kỳ ở nơi con người sắt của Phủ Đổng Thiên Vương để đánh đuổi quân ngoại xâm, thì ngày nay chúng ta đã tìm thấy sức mạnh đó không phải đâu xa mà ở nơi đường lối chính trị đúng đắn của Đảng ta. Đường lối chính trị ấy đã biến thành hành động cách mạng của hàng triệu quần chúng, và quá trình nó tác động vào quần chúng là quá trình nó làm cho tư tưởng cách mạng, tinh thần chiến đấu vốn có của một dân tộc bị áp bức chuyển biến mạnh mẽ và trở thành vô địch. Đó là vũ khí sắc bén nhất mà chúng ta đã dùng để chiến thắng quân thù.

Các đơn vị xung kích của ta dưới sự chỉ huy của Anh hùng quân đội Nguyễn Quốc Trị tấn công sân bay Mường Thanh, ngày 22/4/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Các đơn vị xung kích của ta dưới sự chỉ huy của Anh hùng quân đội Nguyễn Quốc Trị tấn công sân bay Mường Thanh, ngày 22/4/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Luận điểm “Con người, tinh thần là yếu tố quyết định” hiện đang là một vấn đề nóng hổi trong cuộc đấu tranh giữa hai đường lối trong phong trào cộng sản quốc tế, đường lối của chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối của chủ nghĩa xét lại hiện đại. Mang quan điểm của thuyết vũ khí, những người xét lại chủ nghĩa phủ nhận yếu tố quyết định của con người, của tinh thần trong đấu tranh cách mạng. Vì vậy họ đã nhìn chủ nghĩa đế quốc, nhất là đế quốc Mỹ, như “một con người thép khổng lồ”, họ phủ nhận bạo lực là quy luật phổ biến của mọi cuộc cách mạng, họ không nhìn thấy một thực tế rất quan trọng là châu Á, châu Phi và Mỹ latinh đang là một trung tâm bão táp cách mạng, họ đánh giá quá thấp khả năng cách mạng của quần chúng nhân dân trên thế giới, bao gồm cả khả năng cách mạng của giai cấp công nhân và các tầng lớp cách mạng khác ở các nước châu Âu và châu Mỹ. Không phải ngẫu nhiên mà những người theo chủ nghĩa xét lại phạm cả một loạt sai lầm nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân quan trọng đưa đến chỗ phạm sai lầm là họ đã phủ nhận yếu tố quyết định của con người, yếu tố quyết định của tinh thần quần chúng cách mạng của học thuyết đấu tranh giai cấp của Mác.
Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra cách đây đã mười năm, nhưng những bài học của Điện Biên Phủ - trong đó có bài học về yếu tố tinh thần của quân đội và nhân dân ta - vẫn giữ nguyên giá trị đối với chúng ta trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, trong sự nghiệp đấu tranh giành thống nhất nước nhà, trong công tác xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng và cả trong sự nghiệp chống chủ nghĩa xét lại hiện đại, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, góp phần vào cuộc đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới.

Ngày 31/3/1954, quân ta mở đợt tấn công thứ hai vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, nhiệm vụ tập trung vào dãy cao điểm phía Đông, khu sân bay Mường Thanh. Trong ảnh: Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt trên khu vực đồi C. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ngày 31/3/1954, quân ta mở đợt tấn công thứ hai vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, nhiệm vụ tập trung vào dãy cao điểm phía Đông, khu sân bay Mường Thanh. Trong ảnh: Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt trên khu vực đồi C. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Đối với địch, những bài học của Điện Biên Phủ cũng vẫn giữ nguyên giá trị của nó. Vì không đánh giá được yếu tố quyết định của con người, của tinh thần trong chiến tranh và vì bản thân tinh thần quân đội họ đã ruỗng nát, chủ nghĩa thực dân Pháp cách đây mười năm đã chôn vùi chút “thanh danh” tàn lụi còn sót lại của quân đội mình trên cánh đồng Điện Biên. Ngày nay trong cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam nước ta, binh lính Mỹ và quân ngụy tuy bề ngoài có vẻ hùng hùng hổ hổ, tuy tướng tá Mỹ không ngớt lời huênh hoang như tướng tá Pháp mười năm trước đây, song tinh thần binh lính Mỹ và quân ngụy cũng chẳng hơn gì tinh thần quân đội Pháp lúc bấy giờ. Và đương nhiên, với bản chất phản động của chúng, bọn xâm lược Mỹ không thể nào đánh giá được yếu tố tinh thần dũng cảm tuyệt vời của Quân giải phóng và nhân dân miền Nam nước ta. Phải chăng đã đến lúc người Mỹ nên nghiền ngẫm kỹ hơn những bài học đau đớn của người Pháp cách đây mười năm để kịp thời rút ra những kết luận cần thiết?

Kết luận quan trọng nhất phải là:
Người Mỹ hãy cút ngay khỏi miền Nam Việt Nam! Đừng có tiếp tục nhắm mắt “húc đầu vào tường” để rồi rốt cuộc chẳng được cái cóc khô gì ngoài một nấm mồ chôn vùi quân xâm lược và cùng một thể chôn vùi luôn cả “thanh danh” lòe bịp của đế quốc Mỹ.

ĐẠI TƯỚNG NGUYỄN CHÍ THANH
Bài viết nhân kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Nguồn: Sách Điện Biên Phủ - Trận thắng thế kỷ (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2004) - trang 596.
Ảnh: nhandan.vn, TTXVN
Trình bày: VŨ HẢI