TỔ CHỨC BỘ CHỈ HUY CHIẾN DỊCH NGANG TẦM NHIỆM VỤ

YẾU TỐ GÓP PHẦN QUYẾT ĐỊNH THẮNG LỢI CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ

Sau 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường, đầy mưu trí và sáng tạo với 3 đợt tiến công, chiều ngày 7 tháng 5 năm 1954, quân và dân ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự, đặc biệt là nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp.

Thắng lợi của chiến dịch đã kết thúc oanh liệt chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 của quân và dân Việt Nam, đánh bại Kế hoạch Nava, làm sụp đổ hy vọng xoay chuyển cục diện chiến tranh của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, tạo cơ sở cho cuộc đấu tranh thắng lợi ở Hội nghị Giơnevơ.

Một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại đó chính là sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình của Trung ương Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tổ chức Bộ chỉ huy chiến dịch ngang tầm nhiệm vụ, có khả năng tổ chức, chỉ huy tác chiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trước tình hình ngày càng nguy khốn ở Đông Dương, mùa hè năm 1953, Chính phủ Pháp triệu hồi tướng R.Xalăng về nước và cử tướng H.Nava sang làm Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương nhằm giải quyết tình thế, đưa nước Pháp thoát khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự. Sang Đông Dương, Nava nhanh chóng đề ra một kế hoạch hoạt động quân sự với quy mô lớn mang tên ông ta: Kế hoạch Nava. Đó là kế hoạch đầy tham vọng cả về quân sự và chính trị của cả Pháp và Mỹ: phòng ngự chiến lược ở miền Bắc, tiến công chiến lược ở miền Nam; sau khi đã “bình định” xong miền Nam, chuyển sang tiến công chiến lược ở miền Bắc, giành thắng lợi quyết định về quân sự để làm cơ sở cho một giải pháp chính trị có “danh dự” cho nước Pháp.

Trước âm mưu và hành động mới của địch, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã đẩy mạnh tiến công địch rộng khắp trên toàn chiến trường ba nước Đông Dương, buộc địch phải phân tán lực lượng để đối phó. Phát hiện chủ lực ta tiến lên hướng Tây Bắc, Thượng Lào, Nava quyết định xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh, một “pháo đài không thể công phá” và là nơi thu hút, tiêu diệt bộ đội chủ lực ta.

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Ngày 6 tháng 12 năm 1953, Bộ Chính trị họp nghe Tổng Quân ủy báo cáo quyết tâm và nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy, quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là quyết tâm rất lớn của Bộ Chính trị, của toàn quân và toàn dân ta khi quyết định nhằm vào chỗ mạnh nhất của địch để tiêu diệt lớn. Bởi vì, ta có tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mới phá được kế hoạch Nava, đánh bại âm mưu mở rộng và kéo dài chiến tranh tìm “lối thoát danh dự” của chúng.

Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ do Bộ Chính trị chỉ định gồm: Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận; Thiếu tướng Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng; đồng chí Lê Liêm - Chủ nhiệm Chính trị; Đặng Kim Giang - Chủ nhiệm Cung cấp. Trước yêu cầu rất cao về khối lượng vật chất, trang bị bảo đảm cho chiến dịch, Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng Cung cấp mặt trận do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Để giúp đỡ Việt Nam trong chiến dịch đặc biệt quan trọng này, Trung Quốc cử đoàn cố vấn quân sự do đồng chí Vi Quốc Thanh làm Trưởng đoàn sang tham gia chiến dịch. Quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị là tập trung lực lượng tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ.

Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh

Với trọng trách nặng nề được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó trước lịch sử, trước dân tộc, Bộ chỉ huy chiến dịch đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ chỉ đạo, chỉ huy và điều hành chiến dịch, giành thắng lợi vang dội ở Điện Biên Phủ.

Nắm chắc diễn biến tình hình, kịp thời thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”

17 giờ 30 phút ngày 13/3/1954, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra lệnh nổ súng tấn công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu TTXVN

17 giờ 30 phút ngày 13/3/1954, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra lệnh nổ súng tấn công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Để chuẩn bị chiến trường và phương án tác chiến cho chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 26 tháng 11 năm 1953, Bộ phận tiền phương của Bộ Tổng Tư lệnh do Thiếu tướng, Tổng tham mưu phó Hoàng Văn Thái dẫn đầu lên đường đi Tây Bắc. Cùng đi với đoàn có Cố vấn tham mưu Mai Gia Sinh trong đoàn cố vấn Trung Quốc và cán bộ phiên dịch. Ngày 6 tháng 12, Đoàn đến Sở chỉ huy tiền phương đặt tại hang Thẩm Púa. Sau khi cân nhắc hai phương án: bao vây đánh dần từng bước hay tiến công tiêu diệt nhanh, Đoàn đưa ra chủ trương “đánh nhanh, thắng nhanh”, tranh thủ thời cơ địch chưa kịp xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm, đánh sớm và đánh nhanh để giành thắng lợi.

Ngày 5 tháng 1 năm 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch lên đường ra mặt trận, cùng đi có các đồng chí Trần Văn Quang - Cục trưởng Cục Tác chiến, Lê Trọng Nghĩa - Cục trưởng Cục Quân báo, Hoàng Đạo Thúy - Cục trưởng Cục Thông tin liên lạc và Trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc Vi Quốc Thanh. Trước ngày lên đường trực tiếp chỉ huy chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Tổng Tư lệnh ra trận, “Tướng quân tại ngoại”! Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau”. “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh” [1].

Tổng Tư lệnh ra trận, “Tướng quân tại ngoại”! Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau.
Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 14 tháng 1 năm 1954, tại Sở chỉ huy lâm thời ở hang Thẩm Púa, Hội nghị cán bộ chiến dịch sau khi cân nhắc, phân tích tình hình đã thống nhất ý kiến là nên “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Theo đó, quyết tâm chiến dịch là: tập trung binh, hỏa lực tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ trong thời gian dự kiến 2 ngày 3 đêm. Đó là một quyết tâm có cơ sở, bởi khi địch còn ở trạng thái phòng ngự lâm thời, thì “đánh nhanh, giải quyết nhanh” là cách đánh có thể vận dụng. Thời gian nổ súng là ngày 20 tháng 1 năm 1954. Đến ngày 18 tháng 1, thời gian dự kiến kéo pháo vào trận địa trong ba đêm không thực hiện được, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định lùi ngày nổ súng tiến công đến 16 giờ ngày 25 tháng 1. Đến ngày 24 tháng 1, thời gian nổ súng tiến công lại được lùi đến ngày 26 tháng 1.

Trong thời gian ta đang gấp rút thực hiện công tác chuẩn bị, địch đã tăng cường lực lượng và thay đổi cách bố trí trận địa, hình thành tập đoàn cứ điểm mạnh. Ở phía tây, địch đóng thêm 2 cứ điểm. Đồi Độc Lập ở phía Bắc trước chỉ là một vị trí tiền tiêu đã được tăng cường thành cứ điểm. Ở phía Nam Hồng Cúm, nguyên là một cứ điểm đã được tổ chức thành một cụm cứ điểm, có sân bay và pháo binh, có thể yểm hộ lẫn nhau.

Trước tình hình đó, sáng ngày 26 tháng 1, Đảng ủy chiến dịch tổ chức hội nghị phân tích rõ ba khó khăn lớn: Một là, trình độ đánh công kiên của bộ đội ta chưa cao. Hai là, bộ đội ta chưa có kinh nghiệm chiến đấu hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, lại chưa qua diễn tập. Ba là, bộ đội chưa quen chiến đấu ban ngày, nay phải chiến đấu liên tục 3 đêm 2 ngày với kẻ địch có ưu thế về hỏa lực, máy bay, pháo binh và xe tăng trên địa hình trống trải của cánh đồng Mường Thanh thì rất khó tránh khỏi thương vong, khó hoàn thành nhiệm vụ. Qua phân tích kỹ, thảo luận thẳng thắn tình hình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng chiến dịch quyết định: chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Theo đó, hoãn cuộc tiến công theo kế hoạch vào ngày 26 tháng 1, bộ đội toàn tuyến được lệnh lui về vị trí tập kết, kéo pháo ra; mọi công tác chuẩn bị thực hiện theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”.

Ngay sau quyết định đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết thư hỏa tốc gửi về báo cáo Bộ Chính trị và được Bộ Chính trị nhất trí cho đó là một quyết định hoàn toàn đúng đắn. Thực tế diễn biến thắng lợi trong 56 ngày đêm chiến đấu ở Điện Biên Phủ (từ 13/3-7/5/1954) sau đó đã chứng minh: Chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” là một quyết định cực kỳ quan trọng, có đầy đủ chứng lý khoa học, phù hợp với thực tế chiến trường lúc bấy giờ. Đó là một quyết định thể hiện bản lĩnh, tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch, bảo đảm cho chiến dịch giành thắng lợi.

Bộ đội hành quân lên Tây Bắc tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh: TTXVN

Bộ đội hành quân lên Tây Bắc tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh: TTXVN

Bộ đội ta vượt qua cầu Mường Thanh, tấn công vào Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chiều 751954. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Bộ đội ta vượt qua cầu Mường Thanh, tấn công vào Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chiều 751954. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Đoàn xe đạp thồ vận chuyển lương thực, thực phẩm cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu TTXVN

Đoàn xe đạp thồ vận chuyển lương thực, thực phẩm cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu TTXVN

Xác định cách đánh chiến dịch sáng tạo, phù hợp, vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật và thủ đoạn tác chiến

Các đơn vị xung kích của ta tấn công sân bay Mường Thanh và làm chủ sân bay từ chiều 224, cắt đứt đường tiếp tế cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Các đơn vị xung kích của ta tấn công sân bay Mường Thanh và làm chủ sân bay từ chiều 224, cắt đứt đường tiếp tế cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Xác định cách đánh chiến dịch sáng tạo, phù hợp là yêu cầu rất quan trọng, cơ bản nhất trong chỉ huy chiến dịch. Theo phương châm tác chiến mới, sau khi nghiên cứu kỹ tình hình địch, ta, những thuận lợi và khó khăn của cả hai bên, Bộ Chỉ huy chiến dịch xác định cách đánh chiến dịch tiến công Điện Biên Phủ là "vây hãm tiến công, đột phá dứt điểm lần lượt".

Theo đó, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã chỉ đạo tổ chức xây dựng trận địa tiến công và bao vây, ngày càng siết chặt từng cứ điểm, cụm cứ điểm và cả tập đoàn cứ điểm, chia cắt thế liên hoàn của chúng, tập trung ưu thế binh hỏa lực, đánh chắc thắng, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch. Quá trình tiến công tiêu diệt các cứ điểm được kết hợp chặt chẽ với việc từng bước thắt chặt vòng vây, hạn chế rồi tiến tới triệt hẳn nguồn tiếp tế và tiếp viện của địch, làm cho chúng ngày càng suy yếu, tạo điều kiện cho quân ta tiến lên thực hiện tổng công kích.

Cách đánh đó được thực hiện theo kế hoạch với ba giai đoạn: giai đoạn 1, tiêu diệt các trung tâm đề kháng ngoại vi; giai đoạn 2, tiêu diệt khu vực phòng ngự then chốt của phân khu trung tâm, đánh chiếm hoàn toàn sân bay Mường Thanh, thắt chặt vòng vây, triệt nguồn tiếp tế; giai đoạn 3, tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch.

Bộ đội chiếm xe tăng của Pháp, tất cả binh lính trên xe tăng xin hàng.

Bộ đội chiếm xe tăng của Pháp, tất cả binh lính trên xe tăng xin hàng.

Để thực hiện cách đánh chiến dịch đã xác định nêu trên, Bộ chỉ huy chiến dịch triển khai các biện pháp: Tăng cường thêm binh hỏa lực để bảo đảm ưu thế, thay đổi hướng tiến công chủ yếu (từ phía đông), bố trí lại và giữ bí mật pháo binh và cao xạ, làm đường cơ động cho pháo; xây dựng trận địa cho bộ binh và pháo binh; huấn luyện cho bộ đội cách xây dựng công sự trận địa dưới hỏa lực địch, kỹ chiến thuật đánh trong chiến hào; bảo đảm vật chất cho tác chiến dài ngày… Thực tiễn chiến dịch đã chứng minh, phương pháp tác chiến chiến dịch là hoàn toàn đúng đắn.

Về chiến thuật, Bộ chỉ huy chiến dịch đã vận dụng chiến thuật tiến công địch trong công sự vững chắc, sử dụng lực lượng đột phá đã được huấn luyện và trang bị đầy đủ với quy mô lớn, có sức mạnh đột phá và khả năng chiến đấu liên tục cao. Với sự chỉ đạo sát sao của chiến dịch, từ trận đánh chiếm cứ điểm 105 đến trận đánh chiếm cứ điểm 206, ta còn sáng tạo khi vận dụng chiến thuật tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc trong điều kiện hỏa lực chi viện hạn chế, hình thành nên một hình thức chiến thuật mới vô cùng hiệu quả, đó là chiến thuật vây lấn tiến công với nguyên tắc “vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt”.

Trong quá trình tiến công vào tập đoàn cứ điểm địch, nhằm ngăn chặn phản kích của bộ binh, xe tăng địch, Bộ chỉ huy chiến dịch đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức các trận phòng ngự trận địa trực tiếp tiếp xúc với địch như ở cứ điểm C1, với phương châm tích cực tiến công, có sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng. Ta đã vận dụng chiến thuật tập kích đánh vào sân bay, chiến thuật truy kích địch rút chạy. Trong hầu hết các trận đánh, ta đều vận dụng các thủ đoạn bao vây, thọc sâu, luồn sâu, vu hồi, đón lõng, chặn cắt… kết hợp với các đợt đánh lớn, hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của địch.

Ngoài chiến thuật của lực lượng pháo binh chi viện cho bộ binh tiến công và phòng ngự, tác chiến hiệp đồng và độc lập, lực lượng phòng không cũng hình thành nên chiến thuật của binh chủng: bảo vệ các trọng điểm giao thông, vừa đánh địch vừa bảo vệ mục tiêu, phục kích đón lõng máy bay địch. Sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức chiến thuật và thủ đoạn tác chiến đã bảo đảm cho thắng lợi của phương pháp tác chiến chiến dịch.

Những khẩu đại bác 105 ly nặng trên 2 tấn được kéo qua đèo dốc gập ghềnh đến vị trí chờ ngày nổ súng.

Những khẩu đại bác 105 ly nặng trên 2 tấn được kéo qua đèo dốc gập ghềnh đến vị trí chờ ngày nổ súng.

Từ thực tế thắng lợi giành được, có thể thấy Bộ Chỉ huy chiến dịch đã xác định cách đánh chiến dịch thích hợp, vận dụng linh hoạt và hết sức sáng tạo các hình thức chiến thuật, tiêu diệt từng bộ phận, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn quân địch.

Kịp thời đấu tranh chống tư tưởng tiêu cực, xây dựng và củng cố quyết tâm chiến đấu, nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng cho bộ đội

Điện Biên Phủ là chiến dịch có quy mô lớn, diễn ra trong thời gian dài trên địa hình rừng núi xa hậu phương, vận tải tiếp tế khó khăn, đánh một kẻ địch có trang bị mạnh. Chính vì vậy, sinh hoạt của bộ đội ta rất gian khổ, chiến đấu hết sức ác liệt và căng thẳng. Trước tình hình đó, Bộ chỉ huy chiến dịch đã làm tốt công tác lãnh đạo tư tưởng, kịp thời và liên tục động viên bộ đội giữ vững quyết tâm chiến đấu. Việc xây dựng tinh thần quyết chiến, quyết thắng là một thành công điển hình, một trong những yếu tố quyết định đưa chiến dịch Điện Biên Phủ đến toàn thắng.

Theo phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc”, thời gian chiến dịch sẽ kéo dài thêm cùng với biết bao khó khăn, gian khổ, hy sinh. Vì vậy tâm lý, tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ trên toàn mặt trận có tác động không nhỏ. Đặc biệt là những băn khoăn, thắc mắc về cách đánh mới của chiến dịch, những biểu hiện tư tưởng ngại hy sinh, gian khổ, nhất là mùa mưa đang đến gần. Đây là vấn đề nếu không được giải quyết kịp thời sẽ làm ảnh hưởng đến ý chí quyết chiến, quyết thắng, làm suy giảm sức mạnh chính trị tinh thần của bộ đội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với một số đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với một số đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu TTXVN

Nắm chắc tình hình diễn biến tư tưởng không có lợi cho việc hoàn thành nhiệm vụ, Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch đã kịp thời triệu tập Hội nghị cán bộ toàn chiến dịch để thống nhất nhận thức về phương châm tác chiến mới, đấu tranh khắc phục những tư tưởng sai lầm, quán triệt nhiệm vụ và cách đánh chiến dịch. Trong hội nghị, Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch đã trực tiếp phân tích kỹ tình hình địch, ta, để có thể giành thắng lợi chỉ có thể thực hiện phương châm tác chiến là “đánh chắc, tiến chắc”. Với tinh thần đó, cấp ủy các cấp cũng đã kịp thời ra nghị quyết lãnh đạo công tác chính trị, tư tưởng, hướng trọng tâm vào tuyên truyền, giáo dục làm cho bộ đội thông suốt và tin tưởng vào phương châm tác chiến mới. Nhờ động viên, giáo dục kịp thời, những tư tưởng sai lầm bị đẩy lùi, cán bộ, chiến sĩ thấy rõ cần phải thay đổi phương châm mới bảo đảm chắc thắng và xác định quyết tâm chiến đấu.

Sau các chiến thắng Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo trong đợt 1, sang đầu đợt 2 chiến dịch, một số đơn vị sinh ra chủ quan, đánh giá thấp địch. Đến khi một số trận đánh không hoàn thành nhiệm vụ phải kéo dài như ở cứ điểm 210, D2, đặc biệt là trận Đồi A1, bộ đội thương vong nhiều, cùng với khó khăn về thời tiết vùng Tây Bắc làm tăng thêm sự mệt mỏi, căng thẳng của bộ đội, làm nảy sinh tư tưởng hữu khuynh, tiêu cực trong cán bộ, chiến sĩ. Như vậy, từ chủ quan, tự mãn với kết quả bước đầu của chiến dịch, tư tưởng của bộ đội lại chuyển sang hoang mang, dao động, ý chí chiến đấu giảm sút. Một số cấp ủy, cán bộ chỉ huy các cấp thiếu sâu sát, không nắm chắc tình hình, thiếu quan tâm chăm lo giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ.

Các chiến sỹ vui vẻ trò chuyện trong chiến hào trước khi vào cuộc chiến đấu.

Các chiến sỹ vui vẻ trò chuyện trong chiến hào trước khi vào cuộc chiến đấu.

Trước tình hình trên, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch nhận định: tư tưởng tiêu cực đang là trở ngại chủ yếu làm ảnh hưởng đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ chiến dịch. Nếu không kịp thời giải quyết, chiến dịch không thể phát triển được. Một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng được Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch phát động nhằm chống tư tưởng hữu khuynh, tiêu cực trong tất cả các đơn vị. Để nâng cao nhận thức thật đúng mức, Đảng ủy Mặt trận quyết định triệu tập hội nghị các bí thư đại đoàn ủy để tiến hành kiểm điểm nghiêm khắc.

Hội nghị giải quyết tư tưởng này đã đặt cơ sở để có sự chuyển biến tốt tư tưởng của toàn quân, khích lệ tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ. Sau đó, cuộc sinh hoạt chính trị, tư tưởng được tiến hành trong Đảng, trong cán bộ, chiến sĩ, các tổ chức, các lực lượng tham gia chiến dịch với phương châm kiểm thảo, phê bình và tự phê bình nghiêm khắc nhưng chân thành, trung thực, thẳng thắn, cấp trên làm gương cho cấp dưới, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của nhau, nhất là ý kiến phê bình của cấp dưới.

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đã kết hợp với công tác tổ chức, củng cố lực lượng, phát huy sáng kiến của đảng viên, quần chúng đóng góp vào việc khắc phục khó khăn, nghiên cứu sáng tạo cách đánh, đồng thời tổ chức thông tin tuyên truyền chiến thắng ở các chiến trường, thông báo kết quả giảm tô, giảm tức, cải cách ruộng đất ở hậu phương,v.v. Chính nhờ bám sát thực tế tình hình, kịp thời phát hiện và giải quyết vấn đề tư tưởng, củng cố ý chí quyết chiến, quyết thắng cho bộ đội, các đơn vị đã từng bước củng cố lực lượng, kiện toàn tổ chức, khôi phục lại thế trận, tiếp tục thực hiện “đánh chắc, tiến chắc” tiến lên giành thắng lợi cuối cùng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao lá cờ “Quyết chiến-Quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các đơn vị lập công. Điện Biên Phủ là một trong những trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử Việt Nam, khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao lá cờ “Quyết chiến-Quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các đơn vị lập công. Điện Biên Phủ là một trong những trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử Việt Nam, khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Qua thực tế chiến dịch Điện Biên Phủ, có thể khẳng định, thắng lợi của chiến dịch do nhiều nguyên nhân, nhiều yếu tố, trong đó có vai trò quan trọng của cơ quan Bộ chỉ huy chiến dịch. Việc tổ chức cơ quan chiến dịch ngang tầm nhiệm vụ, có khả năng tổ chức chỉ đạo, chỉ huy điều hành các hoạt động tác chiến cũng như bảo đảm của chiến dịch chính là một trong những yếu tố góp phần quyết định đưa chiến dịch đến toàn thắng.

* Phó Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử kháng chiến chống Pháp, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam. [1] Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006, tr.900.

Bài tham luận của Thiếu tá, TS LÊ VĂN CỬ tại Hội thảo khoa học với chủ đề: “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực (7/5/1954 - 7/5/2019)” do Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy Điện Biên tổ chức nhân kỷ niệm 65 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Trình bày: Hạnh Vũ
Ảnh: TTXVN