TỔ CHỨC CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH-QUÂN SỰ TRÊN CẢ NƯỚC

Các đơn vị hành chính-quân sự ra đời ngay sau khi Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập và tồn tại đến hiện nay. Trải qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, các đơn vị hành chính-quân sự cũng có những thay đổi, điều chỉnh bảo đảm xây dựng thế trận và lực lượng chiến tranh nhân dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn. Tuy từng giai đoạn mà các đơn vị hành chính-quân sự có tên gọi khác nhau là: chiến khu, khu, liên khu và quân khu.
CHIẾN KHU VÀ KHU

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập, nhưng chưa được bao lâu lại phải đương đầu với thù trong giặc ngoài. Trên miền bắc là quân Trung Hoa dân quốc và tay sai ra sức chống phá, âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng. Ở miền nam, quân Pháp trở lại xâm lược. Trong bối cảnh đó, Trung ương Đảng, Chính phủ đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra các chủ trương, chính sách và nhiều biện pháp đúng đắn để giải quyết, trong đó đặc biệt coi trong xây dựng lực lượng vũ trang, các tổ chức quân sự, trong đó có các đơn vị hành chính-quân sự.
* Tháng 10/1945, Chính phủ quyết định thành lập các Chiến khu trên cả nước, gồm:
- Chiến khu 1: Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Phúc Yên.
- Chiến khu 2: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nội.
- Chiến khu 3: Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Kiến An, Quảng Yên, Hải Ninh và thành phố Hải Phòng.
- Chiến khu 4: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên.
- Chiến khu 5: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai.
- Chiến khu 6: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắc Lắc, Lâm Viên, Đồng Nai Thượng.
Địa bàn Nam Bộ được chia thành 3 khu (chiến khu):
- Khu 7: Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Bà Rịa, Chợ Lớn, Tây Ninh, Gia Định và thành phố Sài Gòn.
- Khu 8: Bến Tre, Gò Công, Tân An, Mỹ Tho và Sa Đéc.
- Khu 9: Cần Thơ, Sóc Trăng, Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, Bạc Liêu, Rạch Giá, Vĩnh Long và Trà Vinh.
Cuộc míttinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)
Cuộc míttinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)
* Tháng 10/1946, Hội nghị quân sự do Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập quyết định phân chia lại các chiến khu. Cụ thể:
- Chiến khu 1: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phúc Yên.
- Chiến khu 10: Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang, Vĩnh Yên.
- Chiến khu 12: Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Yên, Hải Ninh (Quảng Yên và Hải Ninh trước đó thuộc Chiến khu 3).
- Chiến khu 2 gồm: Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây, Hòa Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Lai Châu, Sơn La. Gần đến ngày toàn quốc kháng chiến, Hà Nội tách thành Khu đặc biệt (Khu 11).
- Chiến khu 3: Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Kiến An và Thái Bình.
- Các chiến khu 4, 5, 6 và ba khu 7, 8, 9 vẫn giữ nguyên như trước.
* Tháng 11/1946, các Chiến khu được đổi thành Khu.
* Ngày 25/7/1947, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh số 235/SL điều chỉnh lại một số khu. Theo đó, Khu 11 gồm có thành phố Hà Nội và ngoại thành các tỉnh Sơn Tây, Hà Đông. Khu 2 gồm có các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và bộ phận Hòa Bình ở phía hữu ngạn Đông Đà. Thành lập Khu 14 gồm có các tỉnh Lai Châu, Sơn La, bộ phận tỉnh Phú Thọ ở phía tây sông Hồng Hà và bộ phận tỉnh Hòa Bình ở phía bắc Sông Đà.
* Tháng 9/1947, thành lập Khu 15 gồm 5 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Viên và Đồng Nai Thượng.
Như vậy, đến tháng 9/1947, cả nước có 14 Khu:
- Bắc Bộ: 7 khu (1, 2, 3, 10, 11 12, 14).
- Trung Bộ: 4 khu (4, 5, 6, 15).
- Nam Bộ: 3 khu (7, 8, 9).
LIÊN KHU

Sau chiến thắng Việt Bắc Thu-Đông 1947 của quân và dân ta, thực dân Pháp phải chuyển sang đánh kéo dài, thực hiện chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”. Về phía ta, Trung ương Đảng chủ trương đẩy mạnh kháng chiến sang giai đoạn mới. Công tác xây dựng lực lượng, tổ chức chiến trường được đẩy mạnh.
* Ngày 25/1/1948, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh số 120/SL thành lập các liên khu trên cơ sở hợp nhất một số khu có liên quan về vị trí địa lý, quân sự. Trong mỗi Liên khu có Liên khu ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính liên khu và Bộ Chỉ huy liên khu.
- Liên khu 1 (được thành lập trên cơ sở hợp nhất Khu 1, Khu 12 và điều chỉnh địa giới) gồm 10 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phúc Yên, Quảng Yên, Hòn Gai và Hải Ninh.
- Liên khu 3 (được thành lập trên cơ sở hợp nhất Khu 2, Khu 3 và Khu 11), gồm: Hải Phòng, Kiến An, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Hòa Bình.
- Liên khu 10 (trên cơ sở hợp nhất Khu 10 và Khu 14) gồm 8 tỉnh và 1 châu: Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang, Vĩnh Yên, Lai Châu, Sơn La và châu Mai Đà.
- Khu 4 đổi là Liên khu 4 (gồm cả Phân khu Bình - Trị - Thiên).
* Ngày 20/10/1948 thành lập Liên khu 5 (trên cơ sở hợp nhất Khu 5, Khu 6 và Khu 15), gồm các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Viên, Đồng Nai Thượng.
- Ở Nam Bộ vẫn giữ nguyên ba khu (7, 8, 9) và thành lập Đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn.
Tháng 12/1953, tại chiến khu Việt Bắc (Thái Nguyên), Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở mặt trận có tính chất chiến lược: tiêu diệt tập đoàn cứ điểm quân viễn chinh tinh nhuệ Pháp ở Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
Tháng 12/1953, tại chiến khu Việt Bắc (Thái Nguyên), Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở mặt trận có tính chất chiến lược: tiêu diệt tập đoàn cứ điểm quân viễn chinh tinh nhuệ Pháp ở Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
* Ngày 4/11/1949, Chủ tịch Chính phủ ra Sắc lệnh số 127/SL thành lập Liên khu Việt Bắc trên cơ sở hợp nhất Liên khu 1 và Liên khu 10, gồm 18 tỉnh và 1 châu: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phúc Yên, Quảng Yên, Hòn Gai và Hải Ninh; Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang, Vĩnh Yên, Lai Châu, Sơn La và châu Mai Đà.
* Tháng 5/1951, các khu 7, 8, 9 được giải thể, thành lập Phân liên khu miền Đông, Phân liên khu miền Tây và Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn.
- Phân liên khu miền đông gồm 5 tỉnh: Gia Ninh (Gia Định, Tây Ninh), Thủ Biên (Thủ Dầu Một, Biên Hòa), Bà Chợ (Bà Rịa, Chợ Lớn), Mỹ Tân Gò (Mỹ Tho, Tân An, Gò Công) và Long Châu Sa (Long Châu Tiền, Sa Đéc).
- Phân liên khu miền tây gồm 6 tỉnh: Bến Tre, Vĩnh Trà (Vĩnh Long, Trà Vinh), Cần Thơ (Cần Thơ và một phần Rạch Giá), Sóc Trăng, Bạc Liêu và Long Châu Hà.
* Tháng 5/1952, Trung ương quyết định thành lập Khu Tả Ngạn Sông Hồng trên cơ sở tách một số tỉnh thuộc Liên khu 3, gồm: Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình. Các tỉnh còn lại vẫn là Liên khu 3.
* Ngày 17/7/1952, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Nghị quyết thành lập Khu Tây Bắc, gồm các tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La được tách ra từ Liên khu Việt Bắc. Về mặt Nhà nước, ngày 28/1/1953, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh 134/SL chính thức thành lập Khu Tây Bắc.
Từ đây đến khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, các đơn vị hành chính-quân sự không có sự thay đổi về tên gọi và địa giới.
QUÂN KHU

Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, theo Hiệp định Geneva (ngày 21/7/1954), Việt Nam tạm thời bị phân chia thành hai miền nam, bắc, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời để hai bên tập kết, chuyển quân. Đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, các tổ chức hành chính quân sự được điều chỉnh cho phù hợp.
* Ở miền bắc, ngày 3/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 17/SL giải thể các liên khu và thành lập 6 quân khu: Việt Bắc, Đông Bắc, Tây Bắc, Hữu Ngạn, Tả Ngạn và Quân khu 4. Ngày 10/9/1957, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 254/NĐ, quy định phạm vi và địa giới cho các quân khu (ở miền bắc), gồm:
- Quân khu Việt Bắc: Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn và Thái Nguyên.
- Quân khu Đông Bắc: Lạng Sơn, Hải Ninh và huyện Sơn Động (Bắc Giang).
- Quân khu Tây Bắc: Lai Châu, Sơn La, một phần Yên Bái.
- Quân khu Tả Ngạn: Bắc Ninh, Hồng Quảng, Thái Bình, Kiến An, Hải Dương, Hưng Yên, thành phố Hải Phòng và Bắc Giang (trừ huyện Sơn Động).
- Quân khu Hữu Ngạn: Hòa Bình, Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa.
- Quân khu 4: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và khu vực Vĩnh Linh (Quảng Trị).
- Thành đội Hà Nội (trực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh).
Bộ Tư lệnh Quân khu là cơ quan quân sự cao nhất trên một địa bàn chiến lược, có nhiệm vụ thực hiện đường lối, nhiệm vụ quân sự của Trung ương và Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng; lãnh đạo, chỉ đạo công tác quốc phòng và xây dựng tiềm lực quân sự trong thời bình, chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng vũ trang trên địa bàn quân khu trong thời chiến.
* Năm 1958 giải thể Quân khu Đông Bắc. Lạng Sơn nhập về Quân khu Việt Bắc; Hải Ninh nhập về Quân khu Tả Ngạn.
* Tháng 1/11/1963, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 05/QĐ thành lập lại Quân khu Đông Bắc và thành lập Quân khu 3 trên cơ sở sáp nhập Quân khu Tả Ngạn và Hữu Ngạn. Theo đó:
- Quân khu Đông Bắc: Quảng Ninh, huyện Sơn Động (Bắc Giang), huyện đảo Cát Bà, Cát Hải, đảo Bạch Long Vĩ, Long Châu (Hải Phòng).
- Quân khu 3: Thanh Hóa, Nam Hà (Nam Định, Hà Nam), Ninh Bình, Hà Tây, Hòa Bình, Hải Hưng, Hải Phòng, Hà Bắc và Thái Bình.
- Tháng 8/1964, Hà Nội chuyển thuộc Quân khu 3.
- Tháng 3/1967, Quân khu 3 giải thể, thành lập lại Quân khu Tả Ngạn và Quân khu Hữu Ngạn.
* Ở miền nam, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam ra đời. Ngày 15/2/1961, các lực lượng vũ trang cách mạng miền nam được thống nhất thành Quân giải phóng miền nam Việt Nam. Bộ Tư lệnh các Quân khu: 1, 2, 3, 4, 6 (mật danh T1, T2, T3, T4, T6) ở miền nam được thành lập do Bộ chỉ huy Miền trực tiếp chỉ huy.
- Quân khu 1 (T1): Tây Ninh, Bình Dương, Bình Long, Phước Long, Phước Thành, Biên Hòa và Bà Rịa.
- Quân khu 2 (T2): Bến Tre, Mỹ Tho, Kiến Phong, An Giang, Kiến Tường và Long An.
- Quân khu 3 (T3): Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng (thêm một phần Bạc Liêu), Rạch Giá và Cà Mau.
- Quân khu 4 (T4)-Quân khu Sài Gòn-Gia Định.
- Quân khu 6 (T6): Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tuyên Đức, Lâm Đồng, Đắk Lắk và Quảng Đức.
- Cuối năm 1962, Quân khu 10 được thành lập gồm: Phước Long (tách từ Quân khu 1) và Quảng Đức, Lâm Đồng (tách từ Quân khu 6).
- Tháng 10/1967, giải thể Quân khu 10 và Quân khu 4, thành lập khu trọng điểm gồm 7 phân khu.
- Tháng 7/1961, thành lập Quân khu 5 gồm: Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum và Gia Lai. Cuối năm 1963, sáp nhập thêm Đắk Lắk, Khánh Hòa (từ Quân khu 6). Tháng 5/1964, tách các tỉnh Tây Nguyên để thành lập Mặt trận Tây Nguyên (B3). Tháng 4/1966, tách Quảng Trị, Thừa Thiên thành lập Quân khu Trị - Thiên.
* Ngày 29/5/1976, Chủ tịch nước ký Sắc lệnh số 45-LCT điều chỉnh các quân khu trên cả nước
- Quân khu 1 được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai quân khu Tây Bắc và Việt Bắc, gồm: Cao-Lạng (Lạng Sơn, Cao Bằng), Bắc Thái (Bắc Kạn, Thái Nguyên), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai, Yên Bái), Vĩnh Phú (Vĩnh Phúc, Phú Thọ), Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Sơn La, Lai Châu (Lai Châu, Điện Biên).
- Quân khu 3 được tái lập trên cơ sở hợp nhất hai quân khu Tả Ngạn và Hữu Ngạn, điều chỉnh địa giới hành chính, tách Thanh Hóa về Quân khu 4. Như vậy, Quân khu 3 gồm: Hải Hưng (Hải Dương, Hưng Yên), Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Bắc (Bắc Giang, Bắc Ninh), Hà Nam Ninh (Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình) và Hòa Bình.
- Quân khu 4: Sáp nhập Quân khu Trị-Thiên và chuyển Thanh Hóa từ Quân khu Hữu Ngạn vào Quân khu 4. Như vậy, Quân khu 4 gồm: Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh (Nghệ An, Hà Tĩnh), Bình-Trị-Thiên (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế).
- Quân khu 5: được tổ chức trên cơ sở Quân khu 5, Quân khu 6 và Mặt trận Tây Nguyên (B3).
- Quân khu 7: Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sông Bé (Bình Dương, Bình Phước), Đông Nai, Tây Ninh và Long An.
- Quân khu 9: Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Cửu Long (Vĩnh Long, Trà Vinh), Hậu Giang (Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng), An Giang, Kiên Giang, Minh Hải (Cà Mau, Bạc Liêu).
- Bộ Tư lệnh Thủ Đô.
* Từ năm 1978, một số Quân khu có sự điều chỉnh:
- Tháng 6/1978, Quân khu 2 được thành lập gồm: Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai, Yên Bái), Lai Châu (Lai Châu, Điện Biên), Sơn La, Vĩnh Phú (Vĩnh Phúc, Phú Thọ). Các tỉnh này tách từ Quân khu 1.
- Tháng 3/1979, Quân khu Thủ Đô được thành lập gồm Hà Nội và Hà Tây. Tháng 7/2008, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội được thành lập trên cơ sở sáp nhập Quân khu Thủ Đô với Bộ Chỉ huy quân sự Thành phố Hà Nội và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tây.
- Năm 1999, các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng tách từ Quân khu 5 chuyển thuộc Quân khu 7.
Sự thay đổi về tên gọi, địa giới của các đơn vị hành chính - quân sự là vấn đề khá phức tạp, bởi đã diễn ra nhiều lần, qua nhiều giai đoạn khác nhau. Vì vậy, nội dung bài viết khó tránh khỏi có nội dung chưa chuẩn xác. Rất mong được sự bổ sung, hoàn chỉnh.
Nội dung: Lê Văn Cử
Trình bày: Diệc Dương
Ảnh: TTXVN