Ảnh minh hoạ: Tuyengiao.vn.

Cử tri đồng bào dân tộc thiểu số nô nức đi bầu cử. Ảnh: TTXVN.

Toàn dân tham gia bàn việc nước - bước tiến quan trọng trong việc gắn kết Quốc hội với cử tri và nhân dân

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời phỏng vấn Báo Đại biểu nhân dân ngày 14/1/2013.
Nguồn bài viết: Sách "Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn". Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, 2015.

Phóng viên: Thưa Tổng Bí thư kính mến, năm 2012, Đảng ta, đất nước ta vừa đi qua một năm đầy khó khăn, thử thách nhưng cũng là một năm đất nước có bước phát triển mới, vững vàng hơn, ổn định hơn. Xin Tổng Bí thư cho biết một vài đánh giá về sự phát triển của đất nước trong năm qua?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Năm 2012, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tình hình trong nước gặp nhiều khó khăn, hậu quả của những yếu kém trong quá trình điều hành ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế, tác động đến xã hội và lòng tin của nhân dân.

Trong bối cảnh đó, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đất nước ta đã có những chuyển biến tích cực, đúng hướng. Giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế được lạm phát. Sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; du lịch, dịch vụ tăng khá.

Các đề án tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện ba đột phá chiến lược được chú trọng xây dựng và bước đầu triển khai thực hiện. An sinh và phúc lợi xã hội cơ bản được bảo đảm. Các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa-thông tin và truyền thông đạt được một số kết quả. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Hoạt động đối ngoại, quốc phòng được tăng cường, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Những kết quả đạt được còn chưa thật tương xứng với tiềm năng và mong muốn của chúng ta. Tuy nhiên, như tôi đã từng nói, những khó khăn chúng ta gặp phải là khó khăn trong bước đường phát triển đi lên.

Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển từ tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu, phát triển bền vững - một trong những tư tưởng chỉ đạo mới, xuyên suốt được thông qua tại Đại hội XI của Đảng - đang được tích cực cụ thể hóa bằng các nghị quyết Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, đưa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng vào cuộc sống.

Hội nghị Trung ương 3 khóa XI đã bàn và quyết định tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển nhanh nhưng phải bền vững.

Theo đó, trong 5 năm tới, việc cơ cấu lại nền kinh tế tập trung vào ba lĩnh vực quan trọng nhất là: tái cơ cấu đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu thị trường tài chính với trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại; và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước với trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Bước sang năm 2013, năm bản lề của nhiệm kỳ 2011-2015, chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba lĩnh vực nêu trên nhằm tạo đà và bước đột phá cho những năm tiếp theo.

Phóng viên: Năm 2012 cũng là năm bắt đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tin tưởng vào thành công trong thực hiện Nghị quyết này. Điều đó cho thấy, Đảng ta lớn mạnh vì Đảng ta không khoan nhượng với bảo thủ, trì trệ, tự nguyện làm thanh sạch đội ngũ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu ngang tầm vóc đất nước, dân tộc và thời đại?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Năm qua, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Trung ương đã ban hành nhiều Nghị quyết, trong đó có Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng. Tôi rất xúc động trước tình cảm, sự quan tâm, hưởng ứng và đồng tình cao trong Đảng, trong dân đối với các nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã thu được những kết quả bước đầu rất quan trọng, tạo ra một nhận thức mới, khí thế mới và niềm tin mới vào sự lãnh đạo của Đảng và công tác xây dựng Đảng.

Tuy nhiên, cũng còn những việc chưa làm được; cũng có tâm trạng chưa hài lòng, vì sau bước kiểm điểm tự phê bình và phê bình dường như không thấy kỷ luật được ai; không thấy "bộ phận không nhỏ" suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống nằm ở đâu; thậm chí có ý kiến cho rằng như vậy là không thành công!

Cần thấy rằng, chúng ta mới quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết chưa được một năm. Nghị quyết Trung ương 4 không phải là cây đũa thần, nói một cái là làm được ngay tất cả mọi việc. Hơn thế, như tôi đã nói trong nhiều cuộc làm việc với các ban, bộ, ngành, địa phương và tại các cuộc tiếp xúc cử tri là: Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng không phải chỉ làm trong nhiệm kỳ này mà cho nhiệm kỳ sau và nhiều nhiệm kỳ tiếp theo, và phải làm thường xuyên như đánh răng, rửa mặt hằng ngày, bằng rất nhiều biện pháp tổng hợp. Xây dựng Đảng liên quan đến những vấn đề hệ trọng, liên quan đến con người. Mới triển khai một thời gian ngắn thì làm sao có thể coi là xong được. Nghị quyết Trung ương 4 không chỉ có nội dung về kiểm điểm tự phê bình và phê bình mà còn bốn nhóm vấn đề và một loạt các giải pháp quan trọng về cơ chế, chính sách, luật pháp, giáo dục,...

Muốn đấu tranh với những cái tiêu cực, cái xấu thì phải kiên trì, có lý, có tình để tất cả cùng tiến bộ, chứ không phải cốt kỷ luật được nhiều cán bộ thì mới là thành công. Đương nhiên, đối với những trường hợp vi phạm nặng mà không chịu nhận, không chịu sửa chữa thì phải bị xử lý, kỷ luật. Cái tính thiện, tính nhân văn của Nghị quyết Trung ương 4 là ở chỗ đó. Tư tưởng của Bác Hồ cũng là thế.

Việc ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 trước hết là để cảnh tỉnh, đánh thức những người lâu nay mơ màng, thậm chí chìm đắm trong những suy nghĩ và việc làm sai, mang nặng chủ nghĩa cá nhân. Nếu cứ để tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên tiếp tục trượt dài mà không kịp thời chấn chỉnh thì rồi tình hình sẽ đi đến đâu, liệu Đảng này có còn là đảng cách mạng chân chính không?

Nghị quyết Trung ương 4 cũng là sự cảnh báo, răn đe và ngăn chặn những suy nghĩ và việc làm sai, trái với tư tưởng, đạo đức, nguyên tắc của Đảng, những nguy cơ đe dọa tới sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Cuối cùng, nếu đã được cảnh tỉnh, cảnh báo và răn đe mà không sửa những khuyết điểm, yếu kém đã kiểm điểm thì sẽ xử lý, kỷ luật. Xử lý là cần thiết và phải có lý, có tình, trên cơ sở luật pháp và tinh thần thương yêu đồng chí.

Phóng viên: Tổng Bí thư có đề cập đến tính thiện, tính nhân văn của Nghị quyết Trung ương 4. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, nếu chỉ nhân văn thôi thì có lẽ chưa đủ sức để răn đe, ngăn chặn...?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đây cũng là băn khoăn mà không ít cử tri bày tỏ tại cuộc tiếp xúc cử tri. Như trên tôi đã nói, kiểm điểm không phải cốt để kỷ luật, và cũng không phải cứ kỷ luật được nhiều thì mới thành công nhiều. Bác Hồ đã từng nói, kỷ luật của Đảng là kỷ luật sắt và tự giác. Kỷ luật sắt nhưng phải tự giác. Nếu kỷ luật sắt mà từng cá nhân cán bộ, đảng viên không tự giác thì chưa hẳn đã là tốt. Phải làm sao cho mọi người tự giác nhận ra khuyết điểm, sai lầm mà sửa chữa; thấy vết nhọ trên trán mà tự chùi đi. Còn trong trường hợp đã cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe mà không chịu nhận, không tự giác sửa chữa thì phải xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Có thể ví như việc nhóm lửa trong lò, làm sao để lò nóng lên tạo thành ngọn lửa; khi lửa đã cháy đều thì dù củi khô hay củi tươi đều cháy hết. Có lẽ chiều sâu tư tưởng của Nghị quyết Trung ương 4 là vậy. Vả chăng, chúng ta còn rất nhiều biện pháp, rất nhiều kênh nữa, chứ đâu phải chỉ có kiểm điểm, tự phê bình và phê bình.

Vừa rồi, Quốc hội thông qua một loạt văn bản pháp lý quan trọng như Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng; Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn...

Bộ Chính trị Trung ương Đảng ban hành một loạt quyết định, quy định, quy chế về công tác kiểm tra, giám sát; về sự nêu gương của người đứng đầu; về những điều đảng viên không được làm; đã lập lại Ban Nội chính Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương; sửa ngay một số khuyết điểm về tác phong lề lối làm việc; chấn chỉnh ngay những việc làm sai trái. Các cơ quan của Chính phủ, của tòa án, kiểm sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra,... đang tích cực vào cuộc. Nhiều địa phương đang thực hiện chương trình, kế hoạch sửa chữa khuyết điểm; khẩn trương xem xét, xử lý những vụ việc tồn đọng, kể cả kỷ luật cán bộ, đảng viên. Thành ủy Hà Nội vừa thí điểm việc lấy phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh lãnh đạo chủ chốt,...

Việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Ảnh: TTXVN.

Việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Ảnh: TTXVN.

Cũng có ý kiến cho rằng, Nghị quyết Trung ương 4 nói có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhưng qua kiểm điểm không thấy chỉ ra được bộ phận đó là những ai, nằm ở đâu - không lẽ Nghị quyết sai?

Đúng là nếu chỉ ra một cách rạch ròi tuyệt đối thì khó thật. Bởi vì trong thực tế ít có trường hợp một người hoàn toàn tốt; người khác hoàn toàn xấu. Nếu tách bạch hoàn toàn người này nằm trong một bộ phận hoàn toàn xấu; người kia nằm trong bộ phận hoàn toàn tốt thì e là chưa đúng về phương pháp luận. M.Goócki đã từng nói về mặt tốt đẹp của con người: "con người - hai tiếng ấy vang lên kiêu hãnh làm sao". Nhưng mặt khác, dân gian ta cũng có câu nói về mặt bản năng của con người: "Miếng ăn là miếng tồi tàn; mất ăn một miếng thì lộn gan lên đầu". Để thấy trong mỗi con người đều có mặt tốt-mặt xấu; có mặt dục vọng bản năng và mặt lý trí sáng suốt. Hai mặt đó luôn luôn đấu tranh với nhau. Nếu người nào, lúc nào đấu tranh với bản thân tốt, tự giác, lại được sống và làm việc ở môi trường lành mạnh, được tập thể thường xuyên giáo dục, giúp đỡ thì ngăn ngừa, hạn chế được mặt xấu, làm nổi trội mặt tốt. Nếu không thì sẽ là ngược lại. Bác Hồ từng nói rằng, một con người, một tổ chức có thể hôm qua là vĩ đại, nhưng hôm nay họ không còn là vĩ đại nữa nếu lòng dạ không còn trong sáng. Phải làm sao để giữ được sự trong sáng; và mỗi người đều phải tự thấy và cảnh giác với mặt suy thoái, tiêu cực trong con người mình, tổ chức của mình.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Phóng viên: Cùng chủ đề về quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương, trong đó có Nghị quyết Trung ương 4, năm qua, Quốc hội đã có một số quyết đáp quan trọng nhằm cụ thể hóa các nội dung của những nghị quyết này. Cụ thể hóa kịp thời tư tưởng chỉ đạo nêu trong nghị quyết của Đảng, thể chế thành pháp luật có phải là thành quả nổi bật của Quốc hội trong năm qua không, thưa Tổng Bí thư?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Năm 2012, Quốc hội tiếp tục có những đổi mới. Nội dung, chương trình các kỳ họp của Quốc hội đề cập đến nhiều vấn đề quốc gia đại sự, được sự quan tâm, theo dõi sâu sắc của cử tri và nhân dân cả nước. Thời gian họp ngắn, chỉ khoảng 1 tháng, nhưng Quốc hội đã bàn bạc và quyết định nhiều công việc quan trọng, như sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; sửa đổi Luật Đất đai; thảo luận và thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng... Không khí kỳ họp rất dân chủ, công khai thông qua các kênh thông tin đại chúng, phát thanh và truyền hình trực tiếp. Tôi có cảm giác, bây giờ toàn dân tham gia bàn việc nước, chứ không chỉ riêng Quốc hội.

Đây là bước tiến quan trọng trong việc gắn kết Quốc hội với cử tri và nhân dân, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động của Quốc hội.

Và như phản ánh của cử tri là không khí, tinh thần các nghị quyết Trung ương đã "phả" vào hoạt động của Quốc hội. Năm qua, Quốc hội bàn nhiều việc đại sự, như tái cơ cấu nền kinh tế; lợi ích nhóm, bệnh cục bộ địa phương; tinh thần chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí... Đặc biệt là không khí của Hội nghị Trung ương 4 đã lan tỏa vào cả hệ thống chính trị, trong đó có Quốc hội.

Tuy nhiên, như nhiều lần tôi đã từng nói, dư địa đổi mới của Quốc hội còn nhiều. Cử tri và nhân dân đang còn đòi hỏi chất lượng cao hơn nữa đối với các hoạt động của Quốc hội: Quốc hội phải thực chất hơn, dân chủ và công khai, minh bạch hơn, làm đúng vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất với ba chức năng cơ bản là lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Phóng viên: Với chức năng giám sát, nhiều cử tri thẳng thắn, chỉ với một nội dung về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn mà Quốc hội đã bàn và quyết trong năm qua thôi, đã cho thấy bước tiến lớn về dân chủ xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, một trong những định hướng lớn nêu trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng ta, thưa Tổng Bí thư?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn là một bước tiến của Quốc hội. Qua làm việc, tiếp xúc cử tri, có thể thấy, đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình cao với Nghị quyết này của Quốc hội. Đúng là ý Đảng thuận lòng dân.

Bỏ phiếu tín nhiệm là nội dung đã được đề cập trong Hiến pháp và pháp luật. Nhưng mấy nhiệm kỳ nay chưa thực hiện được. Đến Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã quyết định việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với các chức danh trong cơ quan đảng, Nhà nước, đoàn thể; và yêu cầu có hướng dẫn để sớm thực hiện quy định lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Điểm mới của lần này là chúng ta phân biệt được giữa "lấy phiếu tín nhiệm" và "bỏ phiếu tín nhiệm". Lấy phiếu tín nhiệm là việc làm thường xuyên hằng năm để thăm dò mức độ tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Những người hai năm liền có mức tín nhiệm thấp thì đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm. Như vậy, đây cũng là một biện pháp để nhắc nhở, giáo dục, răn đe, phòng ngừa, nhằm giúp cho mỗi người luôn luôn xem lại mình, tự điều chỉnh, sửa mình để ngày càng tốt hơn lên, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ.

Vấn đề là việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thế nào cho chính xác, thiết thực, hiệu quả, bảo đảm tính khách quan, công tâm, tránh mọi sự tiêu cực, thiên lệch. Đây cũng là một trong những biện pháp cần thiết thuộc trách nhiệm giám sát của Quốc hội.

Phóng viên: Hiến pháp là đạo luật gốc của quốc gia. Sửa Hiến pháp là công việc hệ trọng. Tại Kỳ họp cuối năm 2012, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bắt đầu từ ngày 2/1-31/3/2013. Vấn đề dân chủ nhân dân, chính quyền nhân dân, dân làm chủ thông qua chế định Quốc hội, hội đồng nhân dân tiếp tục được khẳng định. Đây là một chế định quan trọng trong tổ chức bộ máy nhà nước, thưa Tổng Bí thư?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Ngày đầu năm mới 2013, chúng ta đã công bố Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Kế hoạch về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đây là công việc rất hệ trọng nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về tiếp tục hoàn thiện bộ máy nhà nước, phù hợp với thực tiễn cách mạng nước ta trong tình hình mới, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân.

Chỉ thị của Bộ Chính trị đã chỉ rõ, lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp là một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, của các cấp, các ngành, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Đây là nguyên lý cơ bản trong xây dựng, tổ chức hoạt động của Nhà nước ta, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nguyên tắc này đã được ghi nhận trong các bản Hiến pháp. Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Bộ máy Nhà nước thực hiện chức năng quản lý và phát huy quyền làm chủ của dân. Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và hội đồng nhân dân là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước không chỉ thông qua các cơ quan đại diện, mà còn thông qua các cơ quan hành pháp, tư pháp. Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trực tiếp như bầu cử đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân. Hiến pháp cần thể hiện đầy đủ, không làm hạn chế các phương thức nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Tổng Bí thư.

Trình bày: BIỆN DIỆU
Ảnh: TTXVN, Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, dangcongsan.vn