
Năm 1978, người thanh niên Nguyễn Viết Thảo của miền Quan họ Bắc Ninh - khi ấy vừa tròn 18 tuổi - được lựa chọn là một trong năm lưu học sinh Việt Nam sang học tập tại Cuba. Đặt chân đến vùng đất Caribe xa xôi, ông mang theo hành trang là lòng nhiệt huyết và khát khao học tập. Suốt hơn bốn mươi năm qua, trong tâm trí của PGS.TS Nguyễn Viết Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam-Cuba, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, những ký ức về Cuba, về tình người, tình bạn, tình thầy trò và cả ánh sáng của một nền giáo dục đầy nhân văn, vẫn luôn rực rỡ như ngày đầu ông đặt chân tới…

CUBA - ẤM ÁP NHƯ NGƯỜI THÂN, NGHIÊM KHẮC NHƯ NGƯỜI THẦY
“Lúc ấy còn rất trẻ, tiếng Tây Ban Nha chưa rành, văn hóa thì mới lạ, nhưng điều khiến tôi không thể quên chính là sự đón tiếp ấm áp và nghĩa tình của bạn bè Cuba. Các bạn không coi chúng tôi là người nước ngoài, mà là những người anh em…”, ông Thảo cho biết.
“Chúng tôi rất may mắn khi được học chung với các bạn Cuba, ăn, ở chung và sống như những sinh viên bản xứ. Trong năm năm đại học, tôi được ở cùng phòng với hai bạn Cuba, và lớp học của tôi cũng chủ yếu là các bạn Cuba”. Ông chia sẻ, điều này không chỉ giúp ông và các lưu học sinh khác có cơ hội hòa nhập với văn hóa bản địa mà còn tạo dựng những tình bạn bền chặt, giúp gắn kết và hiểu hơn về quốc đảo thân yêu.
Mặc dù đất nước còn nhiều thiếu thốn, nhưng Cuba luôn tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên ngoại quốc. “Chế độ học bổng và hỗ trợ sinh hoạt ở Cuba rất tốt. Mỗi tháng chúng tôi được nhận 60 peso cùng với các trang thiết bị học tập, quần áo và các hỗ trợ khác. Hơn thế, đối với sinh viên Việt Nam, Cuba luôn dành cho chúng tôi một tình cảm đặc biệt. Dù ở trong ký túc xá hay ngoài xã hội, khi nói 'Tôi là người Việt Nam', chúng tôi luôn được giúp đỡ và mọi khó khăn đều được giải quyết nhanh chóng”.
Ông Nguyễn Viết Thảo (đứng giữa) cùng bốn người bạn trong nhóm lưu học sinh sang Cuba năm 1978. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Ông Nguyễn Viết Thảo (đứng giữa) cùng bốn người bạn trong nhóm lưu học sinh sang Cuba năm 1978. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Nhớ lại những năm tháng học tập tại Cuba, ông không khỏi cảm kích về một nền giáo dục đầy nghiêm túc nhưng cũng vô cùng nhân văn của đất nước này. Yêu quý, trân trọng người Việt Nam là thế nhưng không bao giờ có một sự ưu ái hay thiên vị nào trong học tập. Ông kể lại câu chuyện về Giáo sư Maggi Beatriz, giáo viên dạy môn Văn học thế giới, người đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng ông: “Cô nói thẳng rằng có thể cho chúng tôi ba hay bốn điểm đủ để qua môn, nhưng vì chúng tôi là sinh viên Việt Nam - những người luôn được kỳ vọng sẽ nỗ lực và vươn lên - cô chỉ cho hai điểm, yêu cầu phải thi lại. Khi đó, chúng tôi sợ lắm, thấy cô nghiêm khắc quá. Nhưng sau này mới hiểu, cô đã nhìn chúng tôi bằng ánh mắt của niềm tin, và muốn chúng tôi xứng đáng với sự kỳ vọng đó”.
Sự nghiêm khắc ấy đã trở thành động lực để ông và các sinh viên khác không ngừng rèn luyện. Nhờ những người thầy, người cô như thế, ông có được nền tảng ngoại ngữ vững vàng, tri thức sâu rộng, và hơn hết là bản lĩnh - thứ mà sách vở không thể dạy, nhưng môi trường giáo dục chân chính sẽ rèn giũa.
Ông Thảo chia sẻ: “Không có sự nuông chiều, mà thay vào đó là sự tin tưởng. Chính họ đã giúp chúng tôi trưởng thành, không chỉ trong học vấn mà cả trong nhân cách”. Và đó cũng là lý do mà trong lòng ông, nền giáo dục Cuba luôn là một tấm gương sáng: công bằng, nghiêm túc, nhưng cũng đầy trách nhiệm và tình người, một nền giáo dục thực sự vì con người và vì tương lai.
TẤM GƯƠNG SỐNG ĐỘNG VỀ CHỦ NGHĨA QUỐC TẾ MẪU MỰC
Với những ai đã từng học tập tại Cuba, quốc đảo này không chỉ in dấu bởi nền giáo dục hoàn toàn miễn phí mà còn bởi hệ thống phúc lợi xã hội đầy ưu việt. “Mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn, Cuba vẫn kiên trì duy trì nền giáo dục và y tế miễn phí, chất lượng cao cho toàn dân. Miễn phí không chỉ là học phí, mà mọi chi phí sinh hoạt, từ phương tiện đưa đón đến bữa ăn, đều được bảo đảm. Điều đó thể hiện rõ bản lĩnh và sự kiên cường của một quốc gia, bất chấp mọi thử thách”, ông Thảo nhấn mạnh.
Không chỉ cấp học bổng đại học cho sinh viên quốc tế, Cuba còn tiếp nhận và đào tạo học sinh nước ngoài ngay từ bậc trung học phổ thông. Việc chào đón thế hệ trẻ từ sớm đã góp phần vun đắp những mối quan hệ gắn bó, lâu dài giữa Cuba và các nước bạn. Đảo Thông, nay là Đảo Thanh Niên, là nơi quy tụ đông đảo học sinh phổ thông từ các nước châu Phi, là biểu tượng sinh động cho tầm nhìn chiến lược và nỗ lực bền bỉ của Cuba trong việc xây dựng nền tảng hợp tác quốc tế từ rất sớm.
Ông Nguyễn Viết Thảo chia sẻ thông tin về mối quan hệ Việt Nam-Cuba tại Hội nghị thông tin tuyên truyền đối ngoại do TƯ Đoàn tổ chức. (Ảnh: TTXVN)
Ông Nguyễn Viết Thảo chia sẻ thông tin về mối quan hệ Việt Nam-Cuba tại Hội nghị thông tin tuyên truyền đối ngoại do TƯ Đoàn tổ chức. (Ảnh: TTXVN)
“Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa là bảo vệ Tổ quốc ngay từ lúc nước chưa nguy, ngay từ trong bối cảnh hòa bình. Nhiều người trong số những học sinh ấy đã và sẽ trở thành những nhà lãnh đạo, chuyên gia, cán bộ chủ chốt tại nhiều quốc gia. Họ chính là minh chứng rõ nét cho tầm nhìn xa và tinh thần quốc tế trong sáng, mẫu mực của Cuba”, ông chia sẻ. Một quốc đảo nhỏ bé, bị đế quốc bao vây, cấm vận ngặt nghèo, nhưng lại trở thành nơi chắp cánh cho hàng vạn thanh niên thế giới - điều đó không thể có nếu không xuất phát từ một lý tưởng nhân văn bền bỉ.
Tinh thần quốc tế của Cuba không chỉ thể hiện qua chính sách đối ngoại, mà còn thấm sâu vào hành động của từng người dân. Ông Thảo kể lại, trong những thập kỷ qua, đã có trên 600 nghìn người Cuba tham gia vào các nhiệm vụ quốc tế ở trên 165 quốc gia, từ quân sự, y tế, giáo dục đến các lĩnh vực phát triển khác. Với một quốc gia chỉ hơn 10 triệu dân, con số ấy cho thấy một sự dấn thân phi thường, không chỉ là quyết sách của chính phủ, mà còn là sự tự nguyện từ chính trái tim và ý chí của người dân - những con người luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ bạn bè năm châu, dù ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới.
Tinh thần ấy cũng được hun đúc từ chính những tấm gương lớn của dân tộc Cuba. Trong ký ức của ông, hình ảnh Fidel Castro và Che Guevara, hai biểu tượng cách mạng bất diệt, chính là hiện thân sống động nhất cho lý tưởng quốc tế cao đẹp. Những kỳ nghỉ hè lao động, sinh viên như ông thường xuyên bắt gặp hình ảnh quen thuộc: Fidel và các đồng chí lãnh đạo Cuba xắn tay xuống đồng, cùng nhân dân chặt mía, không phải để chụp ảnh, tuyên truyền, mà lao động như những người nông dân thực thụ. “Ngày ấy, chúng tôi còn trẻ, nhìn thấy hình ảnh đó cũng tự nhiên như cơm ăn nước uống hằng ngày. Nhưng càng về sau, khi đã trải qua nhiều năm công tác, tôi càng hiểu sâu sắc: việc làm đó thật sự vĩ đại, chứa đựng một thông điệp lớn về sự gắn bó, tinh thần trách nhiệm, giúp chúng tôi trưởng thành rất nhiều về mặt chính trị, xã hội", ông khẳng định.
Lãnh tụ Fidel Castro trong một buổi chặt mía năm 1969. (Ảnh: Tư liệu)
Lãnh tụ Fidel Castro trong một buổi chặt mía năm 1969. (Ảnh: Tư liệu)
Từ những trải nghiệm ấy, ông rút ra những bài học sâu sắc cho chính mình và truyền lại cho các thế hệ học trò: "Khi giảng bài cho cán bộ, tôi hay đặt ra câu hỏi thảo luận: Theo các đồng chí thì Cuba bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa bằng sức mạnh gì trong những năm tháng qua? Cuba còn khó khăn về kinh tế thì đương nhiên không phải là một sức mạnh kinh tế. Cuba cũng không có chương trình hạt nhân như một số nước khác. Quân sự, quốc phòng thì đương nhiên là mạnh mẽ nhưng không có nhiều vũ khí hiện đại... Đó chính là nhờ vào sức mạnh của nhân dân trong nước và của tình đoàn kết quốc tế. Cuba là quốc gia nhỏ, nhưng vĩ đại ở tầm nhìn, ở hành động và ở trái tim. Tôi luôn trân trọng và mang theo những bài học ấy trong suốt cuộc đời làm công tác giảng dạy và nghiên cứu lý luận của mình", ông Thảo nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Viết Thảo (thứ hai từ phải sang) và lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tiếp Tiến sĩ Khoa học kinh tế Ruvislei González Saez. (Ảnh: thoidai.vn)
Ông Nguyễn Viết Thảo (thứ hai từ phải sang) và lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tiếp Tiến sĩ Khoa học kinh tế Ruvislei González Saez. (Ảnh: thoidai.vn)
Phó Chủ tịch Thường trực Hội hữu nghị Việt Nam-Cuba, Nguyễn Viết Thảo, tặng hoa chúc mừng tác giả Từ điển Việt-Tây Ban Nha, Vũ Văn Âu. (Ảnh: thoidai.vn)
Phó Chủ tịch Thường trực Hội hữu nghị Việt Nam-Cuba, Nguyễn Viết Thảo, tặng hoa chúc mừng tác giả Từ điển Việt-Tây Ban Nha, Vũ Văn Âu. (Ảnh: thoidai.vn)

MỖI LẦN TRỞ LẠI, MỘT LẦN KHẮC SÂU
Năm 1988, sau bốn năm kể từ ngày tốt nghiệp Đại học Tổng hợp La Habana và trở về nước, ông có cơ hội quay lại Cuba lần đầu tiên trong vai trò cán bộ phiên dịch của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Dù chuyến đi mang tính chất công vụ, nhưng cảm xúc được trở lại mảnh đất từng gắn bó suốt sáu năm thanh xuân khiến ông không khỏi bồi hồi, háo hức như một đứa trẻ được trở về ngôi nhà của mình.
“Vừa đặt chân tới nhà khách, tôi đã vội vàng báo cáo xin Thiếu tướng Tư Cường - Trưởng đoàn, cho phép quay về thăm trường cũ. Chú rất vui vẻ, bảo tôi cứ đi", ông kể lại, đôi mắt ánh lên niềm xúc động. Không kịp nghỉ ngơi, ông đặt vội vali, nhờ tài xế chở mình trở lại ngôi trường xưa: Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp La Habana.
Ông Nguyễn Viết Thảo tại Đại học Tổng hợp La Habana. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Ông Nguyễn Viết Thảo tại Đại học Tổng hợp La Habana. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
“Tôi đi rất nhanh, vì hiểu rõ nhiệm vụ của người phiên dịch không cho phép mình rời đoàn quá lâu", ông trần tình. Thế nhưng, tình cảm thì không thể kìm nén. Ngay khi vừa bước vào khoa Ngữ văn, ông bất ngờ gặp lại một người bạn cũ - nay đã là giảng viên của trường. Cô bạn vui mừng kéo ông vào lớp, hồ hởi giới thiệu với sinh viên: “Đây là anh Thảo, bạn học cũ của tôi, một sinh viên Việt Nam rất xuất sắc!”


Cuộc hội ngộ tuy ngắn ngủi nhưng đầy xúc động với các thầy cô và bạn bè cũ. Chưa kịp trò chuyện nhiều, ông vội vàng xin phép rời đi để kịp quay lại với đoàn. Thế nhưng, khi trở về nhà khách, ông không khỏi “toát mồ hôi” khi chứng kiến một tình huống bất ngờ: Thiếu tướng Tư Cường đang ngồi trao đổi với Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Cuba, mà cả hai phải giao tiếp bằng… ám hiệu tay. “Tôi chạy vội vào xin lỗi đồng chí thủ trưởng, trong lòng lo lắng lắm…”, ông kể lại.“Không ngờ các các bác ấy rất là đôn hậu, mỉm cười hiền hòa và bảo tôi: Đến Cuba là chạy ngay đi thăm thầy cũ, trường xưa. Chúng tôi rất khen ngợi cậu!”. Một câu nói nhẹ nhàng, mà chất chứa bao sự thấu hiểu, như chính tinh thần nghĩa tình sâu sắc giữa hai dân tộc Việt Nam-Cuba.
Ông Nguyễn Viết Thảo trong cuộc gặp với Chủ tịch Cuba, Miguel Díaz-Canel. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Ông Nguyễn Viết Thảo trong cuộc gặp với Chủ tịch Cuba, Miguel Díaz-Canel. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
“Giờ nghĩ lại mới thấy, tình cảm khi ấy thật vô tư, trong sáng. Tôi không nghĩ gì nhiều, chỉ đơn giản là mong được về lại trường xưa, nơi đã in dấu một quãng đời đẹp nhất”, ông lặng lẽ nói, như thể vẫn còn đang sống lại những giây phút xúc động của buổi chiều hôm ấy trên đất Cuba.
Sau lần trở lại đầu tiên đầy cảm xúc vào năm 1988, ông tiếp tục có nhiều dịp quay lại Cuba trong những năm tháng công tác. Ông kể, do tính chất công việc, cứ khoảng ba, bốn năm ông lại có một chuyến sang Cuba, thậm chí có năm đi hai lần. Những lần trở lại ấy, dẫu không dài, nhưng đủ để bồi đắp thêm từng lớp ký ức, từng tầng cảm xúc, khiến tình cảm của ông với đất nước Caribe nhỏ bé ngày càng trở nên bền chặt và sâu sắc hơn.
Ông Nguyễn Viết Thảo và Chủ tịch Hội hữu nghị Cuba-Việt Nam, bà Maria Yolanda Ferrer. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Ông Nguyễn Viết Thảo và Chủ tịch Hội hữu nghị Cuba-Việt Nam, bà Maria Yolanda Ferrer. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
“Mỗi lần quay lại, tôi lại càng thêm yêu. Không chỉ vì ký ức năm xưa, mà vì tôi ngày càng khâm phục tư thế hiên ngang của Cuba: một dân tộc anh hùng, đầy bản lĩnh, một sự nghiệp cách mạng theo đúng nghĩa, người anh em chí tình chí nghĩa, thủy chung, trong sáng, trước sau như một đối với Việt Nam”. Chính vì thế, mỗi lần trở lại, ông đều coi đó như một cuộc gặp gỡ đầy ấm áp với một phần ký ức và lý tưởng sống của mình.
Ông Nguyễn Viết Thảo chia sẻ tại Hội nghị chuyên đề thông tin về tình hình thời sự trong nước và quốc tế. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Ông Nguyễn Viết Thảo chia sẻ tại Hội nghị chuyên đề thông tin về tình hình thời sự trong nước và quốc tế. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Ông Nguyễn Viết Thảo trong buổi trò chuyện cùng phóng viên Báo Nhân Dân. (Ảnh: Mỹ Phương)
Ông Nguyễn Viết Thảo trong buổi trò chuyện cùng phóng viên Báo Nhân Dân. (Ảnh: Mỹ Phương)
Gặp ông hôm ấy, tôi không chỉ được nghe chuyện của một sinh viên từng học tập tại Cuba, mà còn được đồng hành trong một dòng chảy ký ức - nơi kỷ niệm cá nhân hòa vào mạch sống của mối quan hệ Việt Nam-Cuba nghĩa tình, son sắt. Đối với PGS.TS Nguyễn Viết Thảo, người thầy tận tụy của nhiều thế hệ học viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của đất nước, Cuba vẫn luôn là miền ký ức thiêng liêng, là nơi ông đã sống, đã học tập, đã yêu thương và trưởng thành. Từ mảnh đất ấy, ông mang về không chỉ tri thức chính trị-lý luận, mà còn mang theo một phần tâm hồn thấm đẫm tình nghĩa quốc tế, tinh thần nhân văn sâu sắc và trách nhiệm với cộng đồng, với đất nước. Và trong sâu thẳm, Cuba vẫn luôn là một phần máu thịt trong hành trình tri thức và nhân cách, giống như câu ông vẫn thường nói đầy tự hào: “Trong tôi: một nửa Việt Nam, một nửa Cuba”.

Trong tôi: một nửa Việt Nam, một nửa Cuba!
Ngày xuất bản: 06/06/2025
Tổ chức sản xuất: QUANG THIỀU, TRƯỜNG SƠN
Nội dung và trình bày: KIM HƯƠNG
Ảnh: VUFO, TTXVN, Nhân vật cung cấp
