Tôi vẫn dạy "trực tiếp" nhưng theo phương pháp tránh dịch

Cô Nguyễn Thị Bích Thủy, Giáo viên chủ nhiệm lớp 2A – Trường tiểu học Cao Bá Quát, thôn Kon Rờ Bàng, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum

Cô Nguyễn Thị Bích Thủy, Giáo viên chủ nhiệm lớp 2A – Trường tiểu học Cao Bá Quát, thôn Kon Rờ Bàng, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum

Năm học 2020-2021 đối với cá nhân tôi nói riêng và Trường tiểu học Cao Bá Quát nói chung là một năm học có kết quả tốt đẹp nhưng có kết thúc không trọn vẹn. Một năm học với nhiều kỷ niệm, tình cảm cô trò nhưng vì dịch bệnh đã không tổ chức tổng kết năm học để tôi có thể chia tay, dặn dò, bảo ban thêm cho các em học sinh thân yêu của mình.

1. Trường tiểu học Cao Bá Quát của tôi có tổng cộng 344 em học sinh, đều là các em người đồng bào dân tộc thiểu số. Gia đình các em còn gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Nay lại thêm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên cuộc sống lại càng thêm khó khăn.

Trường tiểu học Cao Bá Quát, thôn Kon Rờ Bàng, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum.

Trường tiểu học Cao Bá Quát, thôn Kon Rờ Bàng, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum.

Chính vì thế, Ban Giám hiệu nhà trường quán triệt cho giáo viên chúng tôi quan tâm, sâu sát hơn nữa đến đời sống của các em. Theo dõi sát sao, không để bất cứ em học sinh nào vì khó khăn trong cuộc sống mà phải bỏ học.

Tôi nhớ mãi năm ngoái, khi nhà trường tập trung học sinh đi học lại sau thời gian tạm nghỉ vì dịch bệnh. Lớp tôi chủ nhiệm có em Y Hơnh, hai ngày liên tiếp không đến lớp. Hoàn cảnh em Y Hơnh có bố mất sớm, mẹ bỏ đi khi em còn bé. Đi học em hay buồn, ít tham gia vui chơi cùng bè bạn.

Tôi đã lần theo địa chỉ của em, vào làng em ở để hỏi thăm, vất vả lắm tôi mới tìm được đến “nhà” Y Hơnh.

“Nhà” của em là những tấm bạt được che dưới gốc cây. Những tấm bạt rách lỗ chỗ là nơi che nắng, che mưa của em Y Hơnh và bà nội em, ngoài 70 tuổi, đã già yếu. Xúc động, không cầm được nước mắt, hai cô trò chúng tôi ôm nhau khóc ngon lành.

Cô giáo Thủy đến “nhà” của em Y Hơnh, động viên em đến lớp.

Cô giáo Thủy đến “nhà” của em Y Hơnh, động viên em đến lớp.

Sau khi nắm được thấu đáo hoàn cảnh của em Y Hơnh, tôi đã về báo cáo với Ban Giám hiệu nhà trường.

Ngay lập tức, Ban Giám hiệu nhà trường đã đi vận động các mạnh thường quân giúp đỡ em rất nhiều. Các mạnh thường quân đến động viên em, mang theo gạo, chăn mền, mì tôm, áo quần… và mua dép mới cho em.

Nhờ được giúp đỡ, em đã đi học đều đặn, tinh thần vui vẻ, có ý thức học và tiếp thu bài rất tốt. Kết thúc năm học, em đạt danh hiệu học sinh khá.

Hoàn cảnh gia đình các em học sinh trường tôi đa số thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Phụ huynh không có máy tính, điện thoại thông minh để bảo đảm cho việc học trực tuyến.

Năm học trước, thời gian học sinh tạm nghỉ học do dịch, tôi tham gia cùng các tổ chuyên môn trong trường họp, ra bài tập, in ra để photocopy, đi đến từng nhà phát bài đến tận tay phụ huynh và học sinh. Đầu tuần, tôi đi phát bài tập cho các em, cuối tuần thu lại rồi tiến hành chấm bài, nhận xét từng bài cụ thể, sai chỗ nào, những điểm cần khắc phục… cho từng em để các em rút kinh nghiệm làm bài tiếp.

Cô giáo Thủy cùng đồng nghiệp dọn vệ sinh trường lớp, sẵn sàng đón các em học sinh thân yêu vào ngày khai giảng 5/9.

Cô giáo Thủy cùng đồng nghiệp dọn vệ sinh trường lớp, sẵn sàng đón các em học sinh thân yêu vào ngày khai giảng 5/9.

Mỗi lần phát bài tập mới, tôi kèm theo bài tập đã chấm để các em hiểu tường tận, tiếp thu tốt bài học. Hằng ngày trong tuần, tôi đến từng nhà các em để nhắc nhở, đôn đốc các em làm bài tập, dặn dò phụ huynh học sinh quan tâm, hướng dẫn thêm các em học.

Trong quá trình dạy “trực tiếp” theo phương pháp học tránh dịch này, tôi càng thấu hiểu hoàn cảnh gia đình các em, gắn bó hơn với các em để tìm mọi cách giúp đỡ từ việc học đến đời sống các em học sinh.

Như trường hợp em Y Mĩch thuộc hộ nghèo, mẹ bị bệnh tim không có việc làm ổn định, bố thì đi làm thuê trên nương rẫy, gia đình kinh tế rất bếp bênh, vất vả.

Sau khi nghe tôi báo cáo lại, chi bộ nhà trường đã quyết định đỡ đầu và đồng hành cùng em trong cuộc sống. Nhà trường đã hỗ trợ gạo, tiền, các nhu yếu phẩm cho gia đình em. Nhờ đó, em tập trung hơn vào việc học, tiếp thu rất tốt và học rất ngoan.

Năm vừa qua, tôi cũng có một niềm vui và tự hào khi chứng kiến học sinh cũ của mình là em A Tuyn về thực tập tại trường.

Em A Tuyn là một tấm gương học sinh nghèo, hiếu học mà tôi được giảng dạy và hay kể cho các em học sinh thế hệ sau nghe.

Sau khi học hết lớp 12, em A Tuyn quyết định thi và đậu vào Trường đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng để thực hiện ước mơ “trồng người”.

Ước mơ của em đã thành hiện thực, hiện nay Tuyn là giáo viên giảng dạy tai tỉnh nhà, tiếp tục truyền lại đam mê học tập như mình trước đây cho các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số.

Các cô giáo dọn vệ sinh trường lớp, sẵn sàng đón học sinh vào ngày khai giảng 5/9.

Các cô giáo dọn vệ sinh trường lớp, sẵn sàng đón học sinh vào ngày khai giảng 5/9.

2. Bước vào hè với những hụt hẫng về một năm học “không bế giảng” nhưng tôi và các đồng nghiệp sớm vượt qua và bắt tay ngay vào chuẩn bị cho năm học mới với nhiều khó khăn, thách thức.

Ngay từ tháng 6, tôi đã được tập huấn, bồi dưỡng trực tuyến về bộ sách theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đến tháng 8 thì được tập huấn trực tiếp tại trường.

Hè năm nay cũng là một cái hè sôi động, ý nghĩa của tôi. Tôi cùng các giáo viên trong trường đi vận động rau, củ, quả gửi vào ủng hộ người dân miền nam; tham gia trực chốt phòng, chống Covid-19; đi nấu, chia cơm cho các trường hợp cách ly tại điểm cách ly Trường cao đẳng Cộng đồng Kon Tum…

Tôi rất vui vì góp được một phần nhỏ bé công sức của mình chung tay cùng chống dịch Covid-19.

Hầu như một gia đình người dân tộc Ba Na đều có 4 đến 5 người con nên thời điểm đầu năm học là thời điểm khó khăn đối với các phụ huynh học sinh trường tôi. Nhất là thời điểm dịch bệnh như hiện nay thì họ không thể đi làm thuê, làm công được nên lại càng khó khăn. Việc mua sách cho con đi học là điều không thể, chưa kể đến các chi phí vở, quần áo, đồ dùng học tập…

Thấu hiểu được sự vất vả, khó khăn đó của phụ huynh, Ban Giám hiệu nhà trường và giáo viên đã phối hợp cùng với Đảng ủy, UBND xã Vinh Quang, cũng như các thôn trưởng tích cực vận động các mạnh thường quân ủng hộ sách, vở, mua bút và đồng phục cho các em chuẩn bị năm học mới.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Cao Bá Quát ghé thăm em Y Hơnh, ủng hộ cho gia đình em gạo, mì tôm, nhu yếu phẩm để em có tinh thần chuẩn bị năm học mới. Đồng thời, đến động viên bà để bà nhắc nhở cháu đi học đầy đủ hơn.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Cao Bá Quát ghé thăm em Y Hơnh, ủng hộ cho gia đình em gạo, mì tôm, nhu yếu phẩm để em có tinh thần chuẩn bị năm học mới. Đồng thời, đến động viên bà để bà nhắc nhở cháu đi học đầy đủ hơn.

Phấn đấu đến trước ngày khai giảng 5/9, 100% các em học sinh trong trường đều có sách giáo khoa và đồ dùng học tập đầy đủ.

Chuẩn bị cho năm học mới, từ ngày 2/8, hội đồng giáo viên chúng tôi đã lên trường lao động, dọn vệ sinh trường lớp. Tiến hành rà soát lại danh sách các học sinh, nắm lại được gia cảnh các em, vận động các em đến trường.

Đến nay, với việc chuẩn bị kỹ càng, tôi đang háo hức chờ đợi ngày 5/9 để được khai giảng năm học mới, được gặp lại các em học sinh thân yêu.

Năm nay, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19, lễ khai giảng được phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Kon Tum (đồng thời chuyển tiếp qua các kênh truyền thông xã hội), lúc 8 giờ – 8 giờ 40 phút ngày 5/9. Sau đó, cô trò chúng tôi lại tiếp tục học “trực tiếp” từ ngày 6/9.

Cô và trò chúng tôi mong mỏi nhất là dịch bệnh nhanh qua đi để được đồng hành trực tiếp, cùng nhau bước vào một năm học mới, trong điều kiện bình thường mới.

Lễ khai giảng được phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Kon Tum (đồng thời chuyển tiếp qua các kênh truyền thông xã hội), lúc 8 giờ – 8 giờ 40 phút ngày 5/9.

Sau chương trình Lễ khai giảng chung, các đơn vị tiến hành chủ động thông báo với cha mẹ học sinh, học sinh về kế hoạch năm học của nhà trường bằng các hình thức linh hoạt, phù hợp (hướng dẫn trực tuyến theo lớp, nhóm zalo; thông tin trên website nhà trường …) để học sinh sẵn sàng học tập vào ngày 6/9.

Các cơ sở giáo dục triển khai tuyên truyền, phối hợp với gia đình học sinh tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện của gia đình; tạo điều kiện cho các em học tập trực tuyến, học tập trên các kênh dạy học qua truyền hình; phối hợp hướng dẫn các em học tập và rèn luyện kỹ năng cơ bản tại nhà. Có biện pháp thiết thực hỗ trợ học sinh khó khăn thiếu phương tiện học tập.

Tùy vào điều kiện cụ thể của các địa phương, đơn vị, nhà trường và học sinh các cấp học, các cơ sở giáo dục triển khai, áp dụng các phương án tổ chức dạy học với cấp độ nguy cơ/nguy cơ cao đã được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum hướng dẫn xây dựng phương án dạy học, cụ thể:

Dạy học theo hình thức trực tiếp: Đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú. Nhà trường quán triệt và quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh, đảm bảo tránh nguy cơ thâm nhập bệnh từ bên ngoài, bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Dạy học theo hình thức trực tuyến: Đối với các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, biên chế lớp theo đối tượng học sinh bảo đảm điều kiện học tập trực tuyến.

Dạy học theo hình thức học tập có hướng dẫn: Đối với những học sinh không có đủ điều kiện để tham gia các lớp học trực tuyến.

Tổ chức thực hiện: VIỆT ANH
Thực hiện: PHÚC THẮNG
Trình bày: BÔNG MAI
Hình minh họa: Thiết kế dựa trên chất liệu của Freepik