Sau 50 năm hôm nay tôi được trở lại Cuba, chuyến đi với bao ngày mong đợi và hồi hộp. Cảm xúc nghẹn ngào, nước mắt lăn dài trên má khi máy bay chuẩn bị hạ cánh. Varadero một dải đất dài với nhiều cây xanh rì, với biển mênh mông màu ngọc bích bao quanh thấp thoáng hiện dần ra tuyệt đẹp.

Trên đường từ sân bay về trung tâm anh hướng dẫn viên người Cuba Javi giới thiệu chính phủ Cuba đã cho xây mới 60 khách sạn nhằm phát triển du lịch ở Varadero. Nhà hàng và khách sạn của nhà nước chỉ dành cho người nước ngoài. Chúng tôi gặp rất nhiều khách du lịch gốc Cuba từ Mỹ trở về thăm quê hương.

Phương tiện giao thông rất ít, đường sá vắng xe, thỉnh thoảng thấy người dân đứng vẫy để đi nhờ xe. Nhà cửa phần lớn cũ hỏng nhiều. Trên đường từ Varadero về La Habana hai bên đường đất bạt ngàn nhưng không thấy canh tác. Biết Cuba còn nhiều khó khăn, song khi nhìn tận mắt vẫn cảm thấy buồn và thương lắm. Hy vọng sau khi được gỡ bỏ hoàn toàn cấm vận và với chủ trương đổi mới, Cuba sẽ vượt qua khó khăn và phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện.

Bà Lương Kim Thái, du học sinh ngành Điện vô tuyến, Đại học Cujae, khóa 1967-1973. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Bà Lương Kim Thái, du học sinh ngành Điện vô tuyến, Đại học Cujae, khóa 1967-1973. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chuyến tàu Gruzia đưa đoàn 300 sinh viên Việt Nam đến học ở Cuba, tháng 8 năm 1967. (Ảnh: Nhân cật cung cấp)

Chuyến tàu Gruzia đưa đoàn 300 sinh viên Việt Nam đến học ở Cuba, tháng 8 năm 1967. (Ảnh: Nhân cật cung cấp)

Từ Varadero đi xe ô tô về La Habana mất 2,5 giờ, khoảng cách là 140 km. Xe đi qua Pháo đài cổ El Morro rồi đi trên đại lộ Malecón chạy dài sát biển và rẽ vào con phố cổ để ăn tối. Lúc đó là chiều tối, nhìn những dãy nhà cổ đã in dấu thời gian rêu phong, cũ, tường sứt lở, cửa hỏng hoặc không có cửa như bỏ hoang, nhưng chắc có người ở vì một số phòng thấy có ánh đèn, những con đường ngang nhỏ hỏng long lở, trong tôi cảm xúc nghèn nghẹn buồn như người xa quê đã lâu nay trở về chẳng còn thấy người xưa chốn cũ đẹp đẽ đông vui.

Mọi người trong đoàn hỏi: Hồi những năm 60 và 70 thế nào? Tôi nói La Habana thời đó là thành phố đẹp mê hồn.

Ngày 31 tháng 8 năm 1967, con tàu Gruzia chở 300 sinh viên Việt Nam tiến dần vào cảng La Habana. Trong buổi sáng tinh mơ, trong sương mờ toàn cảnh thủ đô La Habana hiện rõ dần tuyệt đẹp như những lâu đài trong truyện cổ tích. Ấn tượng đó mãi in đậm trong tâm trí tôi và các bạn học ở Cuba.

Ngày hôm sau đoàn đi tham quan thành phố bằng những chiếc xe cổ mui trần. Pháo đài cổ El Morro, Tòa thị chính, Lâu đài cổ Capitanes generales, Nhà hát ba-lê quốc gia nay mang tên Alicia Alonso, nghệ sĩ ba-lê nổi tiếng của Cuba và thế giới, những công trình này đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa của nhân loại. Đi bộ ở trung tâm khu phố cổ (Habana Vieja), ngắm kỹ và cảm nhận được vẻ đẹp của thủ đô La Habana (được thành lập năm 1515) với kiến trúc cổ theo kiểu Tây Ban Nha.

Đến Cuba chậm một ngày vì mưa to gió lớn. Chúng tôi phải dành quỹ thời gian ít ỏi (một ngày đêm) ở La Habana để đến La Cujae và Siboney, hai địa danh đã gắn với tôi suốt hơn 6 năm học tập ở Cuba, nơi mà tôi mong ước được trở lại dù chỉ một lần trong đời.

Taxi đưa chúng tôi từ khu phố cổ (La Habana Vieja) đến La Cujae mất 30 phút. Trên đường đi ngắm nhìn hai bên thấy lạ nhưng khi rẽ vào con đường vào trường là tôi nhớ ngay tuy không còn ruộng mía và vườn xoài nữa, con đường ngày nào chúng tôi vẫn đứng đợi xe buýt số 84 để đến Marianao và lên trung tâm. Tôi phải xuống trình bày với anh bảo vệ một lúc, vì là ngày chủ nhật, ưu tiên cựu sinh viên Việt Nam lắm mới đồng ý cho vào.

Xe đỗ ở ngay con đường quen thuộc từ bloque (tòa nhà) nơi ở lên trường. Những kí ức của hơn 40 năm trước ùa về. Những năm tháng trẻ trung sôi nổi miệt mài học tập, những mùa thi khó.

Tôi vẫn nhớ năm thứ nhất trường Điện (thuộc La Cujea) có 5 lớp nhưng rụng dần đến năm cuối còn một lớp. Tình bạn gắn bó thương yêu giúp đỡ nhau học tập giúp tỷ lệ đỗ của sinh viên Việt Nam cao hơn, chỉ vài bạn phải về nước học. Nói đến tình bạn tôi vẫn khắc sâu và nhớ ơn: Năm thứ 2 tôi bị Basedow tuyến giáp phải mổ nằm viện 2 tháng. Tôi phải tự học và được bạn bè giúp đỡ, đặc biệt là bạn Phan Trường Định đã tổng quát bài cho dễ hiểu, tôi đã vượt qua kì thi năm đó.

Bà Lương Kim Thái (ngồi hàng đầu thứ tư từ trái sang) cùng các bạn học của mình khi học tiếng Tây Ban Nha ở Siboney, năm 1967. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Bà Lương Kim Thái (ngồi hàng đầu thứ tư từ trái sang) cùng các bạn học của mình khi học tiếng Tây Ban Nha ở Siboney, năm 1967. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Bà Lương Kim Thái (đứng thứ tư hàng đầu từ trái sang) cùng các du học sinh Việt Nam trường Điện, La Cujea, khoảng năm 1968-1969-1970. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Bà Lương Kim Thái (đứng thứ tư hàng đầu từ trái sang) cùng các du học sinh Việt Nam trường Điện, La Cujea, khoảng năm 1968-1969-1970. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Bà Lương Kim Thái (đầu tiên bên phải) cùng các du học sinh Việt Nam trường Điện, La Cujea, khoảng năm 1968-1969-1970. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Bà Lương Kim Thái (đầu tiên bên phải) cùng các du học sinh Việt Nam trường Điện, La Cujea, khoảng năm 1968-1969-1970. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Bà Lương Kim Thái (đầu tiên bên trái) và bạn bà, ông Đinh Quang Hưng, đến thăm nhà giáo viên, khoảng năm 1968-1969-1970. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Bà Lương Kim Thái (đầu tiên bên trái) và bạn bà, ông Đinh Quang Hưng, đến thăm nhà giáo viên, khoảng năm 1968-1969-1970. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Bà Lương Kim Thái (ngồi đầu tiên bên trái) cùng một số du học sinh Việt Nam tại Cuba, khoảng năm 1968-1969-1970. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Bà Lương Kim Thái (ngồi đầu tiên bên trái) cùng một số du học sinh Việt Nam tại Cuba, khoảng năm 1968-1969-1970. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Bà Lương Kim Thái (thứ hai từ trái sang) cùng một số du học sinh Việt Nam tại Cuba, khoảng năm 1968-1969-1970. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Bà Lương Kim Thái (thứ hai từ trái sang) cùng một số du học sinh Việt Nam tại Cuba, khoảng năm 1968-1969-1970. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tôi cũng không bao giờ quên tình cảm của nhân dân Cuba yêu quý chăm lo cho chúng tôi như con cháu. Lúc tôi ốm đau bác chia cơm ở nhà ăn luôn để phần thêm cho tôi khẩu phần ăn, bác gọi "Bianca lại đây, lại đây" rồi đưa cho tôi ổ bánh mì và chai sữa tươi. Các bác sĩ ở bệnh viện kê thực đơn bồi dưỡng cho tôi từ 40kg trở về cân nặng như ban đầu 48 kg mới mổ cho tôi. Các thầy cô giáo ở trường rất tình cảm sẵn sàng ở lại trả lời các câu hỏi của chúng tôi như cô Finita dạy Lý, cô chủ nhiệm khoa dạy mạch điện v.v.

Lại nhớ những ngày ăn bánh miễn phí (gratis) lúc đầu không hiểu tại sao sinh viên lại chạy rầm rầm đến căng tin, hóa ra là chạy đi lấy bánh ngọt và croqueta (một loại bánh bột rán) miễn phí, những đồ ăn ưa chuộng của chúng tôi, bây giờ vẫn nhớ vị ngon của chúng.

Năm thứ 4 và thứ 5 chúng tôi thực tập ở Đài truyền hình Cuba. Chúng tôi thực tập ở các bộ phận khác nhau nhưng ở đâu các kĩ sư và kĩ thuật viên cũng tận tình giúp đỡ nên đã giúp ích rất nhiều cho chúng tôi trong quá trình công tác ở Đài Truyền hình Việt Nam sau này, nhất là những năm tháng VTV tham gia lắp đặt và sửa chữa Trung tâm truyền hình ở Giảng Võ.

Nói đến thực tập ở Đài truyền hình Cuba, tôi lại nhớ bác Maria làm ở bộ phận hành chính. Bác đặc biệt yêu quý chúng tôi, hay mời chúng tôi đến nhà những dịp lễ, Tết, nấu cơm đỗ đen, thịt lợn thịt gà quay cho ăn. Khi về nước tôi được bác may cho áo khoác, chiếc áo bên trong cắt từ chăn chiên của bác bên ngoài là vải nhung tôi được cấp. Chiếc áo đó tôi vẫn giữ làm kỷ niệm và không bao giờ tôi quên ân tình của bác.

Sinh viên Việt Nam tại thư viện trường Điện, La Cujea. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Sinh viên Việt Nam tại thư viện trường Điện, La Cujea. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tôi và bạn Dung có chụp ảnh ở hồ nơi trước kia sinh viên hay đẩy nhau xuống cho ướt để ăn mừng ngày tốt nghiệp, ở sân phía dưới thư viện. Tôi muốn chụp như tấm ảnh đông đủ cả lớp ở ban công thư viện, tôi cứ nghĩ giá cả lớp đứng chụp thì vui biết mấy.

Khung cảnh La Cujea. (Ảnh: Xuân Trinh)

Khung cảnh La Cujea. (Ảnh: Xuân Trinh)

Khung cảnh La Cujea. (Ảnh: Xuân Trinh)

Khung cảnh La Cujea. (Ảnh: Xuân Trinh)

Chúng tôi cũng đi qua các bloque (tòa nhà) để tìm đúng nơi mình ở xưa kia. Chúng tôi chụp ảnh ở sân, cũng muốn lên các phòng nhưng không còn thời gian. Nhớ hội nữ học Điện ở tầng hai, nhớ cái tủ làm kho thực phẩm bạn Duyên quản. Mỗi lần muốn nấu món Việt lại xin thủ kho. Nhớ những khay rau muống xào rất ngon anh Di mang sang, nhớ điện thoại ống loong nối từ bloque nam sang nhà nữ do bạn Hưng làm.

Chúng tôi phải tạm biệt La Cujae với bao lưu luyến để đi Siboney vì chiều muộn rồi. Anh lái xe hỏi đến chỗ nào của Siboney vì nó rộng lắm, tôi nói cứ hỏi trường dạy ngoại ngữ Español (tiếng Tây Ban Nha) có tên Pepito Mendoza.

Xe đi lòng vòng hỏi rất nhiều người nhưng không ai biết trường đó. Có một người khoảng ngoài 65 tuổi nói những năm 1965-1967 có thấy muchachos, muchachas vietnamitas (cô cậu Việt Nam) ở đường 17 thì phải. Chúng tôi lại đi vòng vèo tiếp mà tìm không ra. Tôi ân hận vì chủ quan không hỏi kĩ được. Chúng tôi phải ra về trong nuối tiếc vì không đến được trường, đến nhà 2 tầng, nhà 24, nhà piano...

Đến Siboney lại gợi nhớ ông Gallo, người có tình cảm đặc biệt với Việt Nam, ông đã hiến máu cho Việt Nam 5 đến 6 lần trong năm, ông đã tận tình chăm sóc cho chúng tôi khi ốm đau, ông đã thức thâu đêm ở bệnh viện với chúng tôi, nhớ Mámi nấu ăn cho chúng tôi, bà hay hỏi ăn nữa không? Còn súp đấy, còn aguacate (quả bơ) đấy. Ông Gallo và Mámi chắc đã đi xa rồi, những con người chúng tôi biết ơn và nhớ mãi.

Tạm biệt La Cujae, tạm biệt Siboney, chắc là vĩnh biệt vì khó có ngày trở lại. Buồn vui và lưu luyến dâng tràn... CUBA TE AMO, TE AMO.

Ba ngày ở Cuba thời gian thật ngắn ngủi, còn nhiều nơi muốn đến, còn nhiều điều muốn biết, muốn hiểu về Cuba, song đã đến lúc phải nói lời tạm biệt Cuba rồi. Tôi thấy hụt hẫng và bâng khuâng, thương nhớ mảnh đất và người dân Cuba, nơi đã cho tôi kiến thức, dạy tôi biết yêu thương và biết chia sẻ những buồn vui, nơi tôi mang ơn mãi mãi.

Cuba, hòn đảo hình con cá sấu vươn dài trên vùng biển Caribe với 11,3 triệu dân. Đất nước nhỏ bé nhưng đã kiên cường trước sự bao vây cấm vận về kinh tế của Mỹ hơn 50 năm qua. Đã chiến đấu và chiến thắng những cuộc đổ bộ, những âm mưu của CIA nhằm lật đổ chính quyền cách mạng Cuba và ám sát Fidel Castro, người con yêu quý và lãnh tụ xuất sắc của nhân dân Cuba.

Cuba, nơi đã cho tôi kiến thức, dạy tôi biết yêu thương và biết chia sẻ những buồn vui, nơi tôi mang ơn mãi mãi.

Tuy còn rất nhiều khó khăn song chính phủ đã có chiến lược đầu tư bài bản và dài hạn cho phát triển y tế và giáo dục. Người dân Cuba được khám và chữa bệnh miễn phí, các bác sĩ gia đình làm việc rất hiệu quả, đạt tỉ lệ 1 bác sỹ /155 người dân, tuổi thọ của người dân Cuba đạt 78,2 tuổi. Cuba hiện có hệ thống y tế hàng đầu Mỹ La-tinh. Cuba có nền tảng giáo dục vững chắc, tỉ lệ người biết chữ đạt 99,8%, mọi trẻ em được miễn học phí đến hết bậc đại học, bố mẹ cũng không phải trả tiền đồng phục và sách vở cho con cái. Cuba hiện có 10.300 tiến sĩ và 45.000 thạc sĩ.

Y tế và giáo dục là niềm tự hào của Cuba vì không những phục vụ tốt cho nhân dân trong nước, chính phủ Cuba còn cử hàng trăm bác sĩ đi cứu giúp nhân đạo trên khắp thế giới những nơi có dịch bệnh, có động đất, sóng thần v.v..

Cuba còn đào tạo cho các nước châu Phi, Mỹ La-tinh, châu Á hàng nghìn sinh viên đại học và trên đại học trong đó Việt Nam là hơn 1000 sinh viên.

Với đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Cuba, Chính phủ Cuba đã có chủ trương ưu tiên hàng đầu là tạo mọi điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài về mọi lĩnh vực để phát triển kinh tế. Có kế hoạch phát triển các ngành kinh tế tiềm năng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như: Du lịch, dược phẩm, công nghệ sinh học....

Nhân dân Cuba có lòng hảo tâm rất vô tư, trong sáng, một dân tộc hiền hậu và kiên cường sẽ vượt qua khó khăn của ngày hôm nay sẽ có cuộc sống ấm no hạnh phúc, tôi rất tin như vậy.

Tạm biệt Cuba, tạm biệt hòn đảo xa xôi nhưng vô cùng gần gũi và yêu quý. Cuba luôn trong trái tim tôi. Cuba te amo... Te amo...

Ngày xuất bản: 16/4/2025
Tổ chức sản xuất: Quang Thiều, Trường Sơn
Nội dung: Hồi ký của Lương Kim Thái
Trình bày: Trang Ngân
Ảnh: Xuân Trinh, Quỳnh Thơ, Trang Ngân, Nhân vật cung cấp