TẠO LẬP BƯỚC PHÁT TRIỂN MỚI

(Bài đăng trên Báo Nhân Dân, số ra ngày 24/8/2017)

Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Inđônêxia của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam từ ngày 22 đến 24-8 đã góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ Ðối tác chiến lược giữa hai nước, củng cố tình đoàn kết hữu nghị, thúc đẩy hợp tác thực chất, tạo lập bước phát triển mới trong quan hệ hai nước. Thành công của chuyến thăm không chỉ về chính trị, mà cả đối với kinh tế, văn hóa, các lĩnh vực hợp tác song phương, đa phương, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Khi chuyên cơ đưa Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam hạ cánh xuống sân bay quốc tế Xucácnô Hátta, thủ đô Giacácta, chúng tôi được thông báo nhiệt độ ngoài trời 32oC, nhưng không khí vẫn mát mẻ, dễ chịu. Có lẽ đó là nét đặc trưng của đất nước được hình thành bởi 17.500 đảo lớn nhỏ, nằm giữa lục địa châu Á và châu Ðại Dương, nối liền Ấn Ðộ Dương với Thái Bình Dương.

Ðất nước của hơn 263 triệu dân với 300 sắc tộc này có nhiều nét văn hóa tương đồng Việt Nam: thân thiện, nhiệt tình, mến khách. Những ngày trên "đất nước vạn đảo", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ðoàn đại biểu cấp cao nước ta có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, vừa nhìn lại mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai nước, vừa trao đổi phương hướng, biện pháp thúc đẩy quan hệ, chia sẻ quan điểm về các vấn đề của ASEAN, của khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.

Tổng thống Inđônêxia Giôcô Uyđôđô và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng duyệt đội danh dự tại Lễ đón. (Ảnh: TTXVN)

Tổng thống Inđônêxia Giôcô Uyđôđô và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng duyệt đội danh dự tại Lễ đón. (Ảnh: TTXVN)

Trong các cuộc hội đàm, hội kiến, tiếp xúc, các nhà lãnh đạo cấp cao Inđônêxia, và Tổng Bí thư Ðảng ta nhắc nhiều đến tình cảm đặc biệt như anh em giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Xucácnô. Chuyến thăm Inđônêxia của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Inđônêxia Xucácnô cùng diễn ra trong năm 1959, chỉ cách nhau ba tháng.

Nước xa mà lòng không xa

Thật là bầu bạn, thật là anh em

- Chủ tịch Hồ Chí Minh -

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với cán bộ, nhân dân Thủ đô Hà Nội khi tiễn Người tại sân bay Gia Lâm là: Chúng tôi sẽ thay mặt đồng bào ta mang tình hữu nghị thắm thiết đến với nhân dân Inđônêxia anh em. Chắc rằng lúc chúng tôi trở về sẽ đem theo món quà quý báu tức là tình hữu nghị của nhân dân Inđônêxia đối với nhân dân ta.

Hơn mười ngày đến với nhân dân Inđônêxia anh em, Bác Hồ đi đâu, Tổng thống Xucácnô đều đi cùng, được đón tiếp nồng hậu "cờ như rừng, người như biển". Nhiều lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại hai câu thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc khi chia tay Tổng thống Xucácnô: "Nước xa mà lòng không xa/Thật là bầu bạn, thật là anh em".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội kiến với Chủ tịch Ðảng Dân chủ đấu tranh Mêgaoati Xucácnôputơri. (Ảnh: TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội kiến với Chủ tịch Ðảng Dân chủ đấu tranh Mêgaoati Xucácnôputơri. (Ảnh: TTXVN)

Trong cuộc gặp riêng thân mật và hội kiến Tổng Bí thư Ðảng ta, Chủ tịch Ðảng Dân chủ đấu tranh Mêgaoati Xucácnôputơri, con gái Tổng thống Xucácnô, chia sẻ rằng, bố bà và bà luôn dành cho nhân dân Việt Nam những tình cảm đặc biệt; không bao giờ quên những kỷ niệm sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giờ đây, bà xem Cơ quan Ðại sứ quán Việt Nam tại Inđônêxia như hàng xóm thân thiết; bà nhớ như in và xúc động kể lại kỷ niệm của bố và gia đình đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người sang thăm Inđônêxia năm 1959.

Ðược bố cho ngồi cùng và nói chuyện thân mật, cởi mở với Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà kể: "Không hiểu sao tôi lại hỏi bố tôi vì sao Bác Hồ đi dép cao su và bảo bố là nói với Bác Hồ đi giày. Bác Hồ nói, khi nào đất nước tôi thống nhất tôi sẽ đi giày". Ðiều bà băn khoăn là thế hệ trẻ sau này sẽ không hiểu nhiều về quan hệ đoàn kết hữu nghị của nhân dân hai nước. Bà đã hai lần sang thăm Việt Nam trên cương vị Tổng thống Inđônêxia vào năm 2001 và 2003.

Từ năm 1993 đến nay, bà Mêgaoati Xucácnôputơri làm Chủ tịch Ðảng Dân chủ Inđônêxia sau đó đổi tên thành Ðảng Dân chủ đấu tranh; bà có ba người con, trong đó người con gái duy nhất hiện là Bộ trưởng Ðiều phối Văn hóa và Phát triển con người (tương đương chức Phó Thủ tướng).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký sổ lưu niệm tại Phủ Tổng thống. (Ảnh: TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký sổ lưu niệm tại Phủ Tổng thống. (Ảnh: TTXVN)

Được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Xucácnô đặt nền móng, quan hệ hữu nghị Việt Nam và Inđônêxia luôn được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp. Phát biểu với báo chí ngay sau hội đàm, Tổng thống Inđônêxia Giôcô Uyđôđô thông báo, cuộc gặp song phương giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất vừa diễn ra cởi mở và hiệu quả; đồng thời khẳng định, Việt Nam là đối tác chiến lược của Inđônêxia.

Việt Nam đang là Chủ tịch của APEC và là chủ nhà của Hội nghị cấp cao APEC vào tháng 11 tới. Inđônêxia luôn ủng hộ vai trò Chủ tịch của Việt Nam. Tổng thống Giôcô Uyđôđô đề cập sâu ba vấn đề chính mà hai bên cùng quan tâm, đó là hàng hải và thủy sản; thương mại và đầu tư; một số vấn đề khu vực.

Kết thúc buổi họp báo, Tổng thống Giôcô Uyđôđô đích thân lái xe điện đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến phòng chiêu đãi rất thân tình và gần gũi.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Inđônêxia Giôcô Uyđôđô phát biểu với báo chí sau hội đàm. (Ảnh: TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Inđônêxia Giôcô Uyđôđô phát biểu với báo chí sau hội đàm. (Ảnh: TTXVN)

Trong những cuộc gặp, các nhà lãnh đạo cấp cao hai bên đều cho rằng, quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Inđônêxia bắt nguồn từ sự giao thoa văn hóa hàng nghìn năm trước, cùng chia sẻ những giá trị tương đồng, ủng hộ nhau trong cuộc đấu tranh chung vì độc lập dân tộc. Ngày nay, Việt Nam và Inđônêxia cùng có vai trò quan trọng trong ASEAN, là đối tác tin cậy của nhau.

Ngày nay, Việt Nam và Inđônêxia cùng có vai trò quan trọng trong ASEAN, là đối tác tin cậy của nhau.

Về kinh tế, tính đến tháng 4-2017, Inđônêxia tiếp tục đứng thứ năm trong ASEAN và thứ 30 trong tổng số 105 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 59 dự án, trị giá hơn 437 triệu USD, chủ yếu là ở các ngành thăm dò, khai thác dầu khí, khai thác than, ngân hàng, khách sạn, chế biến xuất khẩu gỗ, sản xuất sợi và may mặc. Trong đó có một số dự án lớn như Liên doanh Hotel Horizon Hà Nội, Bệnh viện quốc tế Ciputra Hà Nội. Việt Nam hiện có bảy dự án đầu tư tại nước bạn, như khai khoáng, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa và thông tin truyền thông.

Các nhà lãnh đạo hai bên cho rằng, Việt Nam và Inđônêxia đều là những nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng. Bạn có nền kinh tế lớn thứ 16 trên thế giới; là thị trường lớn nhất khu vực Ðông Nam Á; là một trong 10 quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới. Kim ngạch trao đổi hàng hóa hai nước tăng từ 4,6 tỷ USD năm 2012 lên 5,6 tỷ USD năm 2016; hai bên phấn đấu đạt mốc 10 tỷ USD vào năm tới. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Inđônêxia chủ yếu là gạo, dầu thô, xi măng, linh kiện điện tử, hàng nông sản. Việt Nam nhập khẩu từ bạn phân bón, xăng dầu, bao bì, thiết bị máy móc, vải sợi, giấy và bánh kẹo.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Inđônêxia Giôcô Uyđôđô chứng kiến Lễ ký Bản ghi nhớ về hợp tác phát triển thông tin giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam với Bộ Phát triển Làng xã các vùng khó khăn và Nhập cư Inđônêxia. (Ảnh: TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Inđônêxia Giôcô Uyđôđô chứng kiến Lễ ký Bản ghi nhớ về hợp tác phát triển thông tin giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam với Bộ Phát triển Làng xã các vùng khó khăn và Nhập cư Inđônêxia. (Ảnh: TTXVN)

Gần đây, hai nước thúc đẩy mạnh việc hợp tác, trao đổi đoàn học tập kinh nghiệm về hành pháp, lập pháp, tư pháp ở cả trung ương, địa phương và đoàn thể quần chúng; giao lưu văn hóa, thể thao. Hằng năm, Inđônêxia cung cấp cho Việt Nam một số học bổng ngắn hạn, trung hạn và dài hạn trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, ngôn ngữ… Hai nước đã ký MOU về Hợp tác nghề cá và các vấn đề biển, về hợp tác nông nghiệp, tài chính, năng lượng…

Tổng Bí thư và Ðoàn đại biểu cấp cao nước ta đánh giá cao vai trò quan trọng của Inđônêxia trong khu vực và quốc tế, cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Inđônêxia trong các thể chế hợp tác khu vực, nhất là tăng cường xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết vững mạnh, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực; đẩy mạnh hợp tác cùng các nước thành viên khác hiện thực hóa các mục tiêu của Cộng đồng ASEAN mà Inđônêxia là một thành viên sáng lập.

Ðể phát triển đất nước, Tổng thống Inđônêxia Giôcô Uyđôđô đang tập trung tăng cường vai trò của ủy ban chống tham nhũng làm trong sạch đội ngũ cán bộ công quyền; tạo động lực kinh tế thông qua cải cách; bảo đảm thâm hụt ngân sách ở mức cho phép. Nhằm thu hút đầu tư, hỗ trợ tăng trưởng, Chính phủ đã cắt giảm thủ tục hành chính, thực hiện ưu đãi về thuế, khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu gửi ngoại tệ vào ngân hàng. Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc công bố ngày 21-4-2016, Inđônêxia lọt vào tốp 10 quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới, vượt qua tên tuổi các nước lớn như Nga, Anh. GDP năm 2016 đạt 940 tỷ USD, GDP bình quân đầu người là 3.416 USD.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Inđônêxia. (Ảnh: TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Inđônêxia. (Ảnh: TTXVN)

Một trong những điểm nhấn trong chuyến thăm Inđônêxia lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là buổi gặp và nói chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Inđônêxia. Bài nói chuyện của Tổng Bí thư được các nhà nghiên cứu chiến lược, nhà khoa học, đại sứ các nước tại Inđônêxia và trưởng cơ quan đại diện một số nước tại ASEAN hoan nghênh, đánh giá cao.

Tổng Bí thư phân tích sâu sắc những bài học thành công của Cộng đồng ASEAN "thống nhất trong đa dạng", giữ vững vai trò độc lập tự cường và đoàn kết thống nhất. Trong 22 năm qua, dù là thành viên đến sau với trình độ phát triển còn hạn chế, nhưng Việt Nam đã nỗ lực hết mình tham gia với tinh thần chủ động tích cực, có trách nhiệm, góp phần duy trì, thúc đẩy một trật tự ở Ðông Nam Á dựa trên các nguyên tắc của khu vực và phù hợp luật pháp quốc tế.

Chuyến thăm Inđônêxia của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Ðảng ta đến "đất nước vạn đảo", tạo dấu mốc quan trọng, góp phần tăng cường tin cậy về chính trị, thúc đẩy hợp tác, tạo bước phát triển mới trong quan hệ hai nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự chiêu đãi chính thức của Tổng thống Inđônêxia Giôcô Uyđôđô. (Ảnh: TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự chiêu đãi chính thức của Tổng thống Inđônêxia Giôcô Uyđôđô. (Ảnh: TTXVN)

Nội dung: VĂN BẮC
Trình bày: NHÃ NAM