TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG TRONG KÝ ỨC THẦY, TRÒ TRƯỜNG NGUYỄN GIA THIỀU

Khi chuẩn bị về dự Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Trường trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cựu học sinh nhà trường đã thưa với Ban Giám hiệu: “Thưa thầy cô, nếu em về được xin thầy cô hãy gọi em là cựu học sinh, cho em để chức vị bên ngoài cánh cổng trường”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng theo học tại Trường trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) trong suốt 6 năm - từ năm 1957 đến năm 1963. Trong quá trình theo học tại trường, ông từng làm lớp trưởng và bí thư chi đoàn.

Quãng đời học sinh tươi đẹp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gắn bó dưới mái trường Nguyễn Gia Thiều với biết bao kỷ niệm cho nên sau này, dù bận trăm công nghìn việc, Tổng Bí thư vẫn sắp xếp thời gian về thăm trường và luôn dành sự quan tâm, tình cảm trân quý với ngôi trường xưa.

Lần hội trường không thể quên với Tổng Bí thư

Cựu học sinh Nguyễn Phú Trọng bên thầy Lê Đức Giảng, chủ nhiệm lớp 9B tại Lễ kỷ niệm 70 năm Trường trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều, năm 2020.

Cựu học sinh Nguyễn Phú Trọng bên thầy Lê Đức Giảng, chủ nhiệm lớp 9B tại Lễ kỷ niệm 70 năm Trường trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều, năm 2020.

Những ngày cuối tháng 7, mặc dù vào dịp nghỉ hè, nhưng cánh cổng Trường trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều vẫn luôn rộng mở. Phía bên ngoài, một dòng chữ điện tử trên màn led chạy suốt, trang trọng ghi: Vô cùng thương tiếc đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Gia Thiều niên khóa 1957-1963!

Phía bên trong, các thầy cô cũng đã thực hiện nghi thức treo cờ rủ để tưởng nhớ người học trò xuất sắc từng theo học tại mái trường này.

Dẫn chúng tôi vào phòng truyền thống, thầy Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đây là nơi lưu giữ rất nhiều kỷ niệm, khoảnh khắc đáng nhớ của Tổng Bí thư, cựu học sinh niên khóa 1957-1963. Bên trên tấm bảng, 2 tấm hình đen trắng của Tổng Bí thư chụp riêng khi đang là lớp trưởng, Bí thư Chi đoàn 9B, 10B và cùng các bạn học Ngô Bá Dục, Hoàng Văn Tài được treo trang trọng, bạc màu thời gian. Cạnh đó là những bức ảnh chụp đồng chí Nguyễn Phú Trọng với các bạn đồng khóa và còn có cả những bức ảnh Tổng Bí thư về thăm trường, trao quà tặng học sinh Trường trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh đại học...

Ngừng lại một lát, thầy Kiên kể: Tổng Bí thư đã có rất nhiều lần về thăm trường với tư cách là cựu học sinh. Nhưng lần khiến thầy Kiên ấn tượng nhất là dịp kỷ niệm 70 năm thành lập nhà trường, ngày 14/11/2020.

Item 1 of 4

Bí thư Chi đoàn, Lớp trưởng 9B, 10B Nguyễn Phú Trọng (1961-1963).

Bí thư Chi đoàn, Lớp trưởng 9B, 10B Nguyễn Phú Trọng (1961-1963).

Tập thể lớp 9B Trường Nguyễn Gia Thiều trong phòng học năm 1962.

Tập thể lớp 9B Trường Nguyễn Gia Thiều trong phòng học năm 1962.

Ba người bạn thân thiết Nguyễn Phú Trọng, Ngô Bá Dục, Hoàng Văn Tài (Lớp B Trường Nguyễn Gia Thiều, năm 1960-1963).

Ba người bạn thân thiết Nguyễn Phú Trọng, Ngô Bá Dục, Hoàng Văn Tài (Lớp B Trường Nguyễn Gia Thiều, năm 1960-1963).

Học sinh lớp 9B trong buổi thực hành nghề tại xưởng của trường, năm 1962.

Học sinh lớp 9B trong buổi thực hành nghề tại xưởng của trường, năm 1962.

“Tôi vẫn nhớ trước đó 10 ngày, tôi nhận được điện thoại của bác Nguyễn Huy Đông, thư ký của Tổng Bí thư thông báo về việc Tổng Bí thư mời Ban Giám hiệu nhà trường lên gặp để trao đổi về ngày kỷ niệm. Nghe tin đó, chúng tôi rất hồi hộp và lo lắng. Chiều hôm đó, đúng hẹn, chúng tôi tới Văn phòng Trung ương Đảng và được dẫn vào phòng bác”, thầy Kiên hồi tưởng.

Tất cả đều không khỏi “giật mình” khi thấy phòng làm việc của người đứng đầu đất nước lại quá đỗi đơn sơ, giản dị. Chỉ có một chiếc bàn làm việc dài được Tổng Bí thư kiêm dùng luôn việc tiếp khách và bộ ghế salon cũ. Trên tường cũng chẳng có gì khác ngoài bức ảnh Bác Hồ cùng 2 tấm bản đồ Việt Nam và thế giới.

“Căn phòng bài trí đều rất mộc mạc. Lúc này, chúng tôi xưng cháu, chào Tổng Bí thư nhưng bác lại chào ‘em chào thầy, cô’. Tổng Bí thư nói: ‘Xin phép thầy cô, cho em được gọi thầy cô và xưng em. Em vẫn là học sinh cũ của trường. Cách gọi ấy khiến chúng tôi, những người chỉ đáng tuổi con, tuổi cháu vô cùng bất ngờ và xúc động. Cách gọi, cách nói chuyện vô cùng thân thiện, gần gũi và coi trọng ấy, khiến chúng tôi càng nhận thức rõ hơn trách nhiệm của một nhà giáo”, thầy Kiên kể.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội với học sinh giỏi tiêu biểu của Trường trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều, năm 2002.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội với học sinh giỏi tiêu biểu của Trường trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều, năm 2002.

Sau khi báo cáo về việc tổ chức lễ kỷ niệm, thầy Kiên thay mặt nhà trường kính tặng kỷ niệm chương, huy hiệu và logo nhân dịp 70 năm thành lập cho Tổng Bí thư. Thầy Kiên nhớ lại: “Khi tôi trao, bác đón ngay huy hiệu nhà trường bằng cả 2 tay, run run nói: ‘Thưa thầy, đây là lần đầu tiên em được nhận huy hiệu của trường’. Tôi cũng rất bồi hồi vì không nghĩ mình là người đầu tiên trao huy hiệu cho Tổng Bí thư. Cả đoàn đều bất ngờ, xúc động vì một lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước sao mà gần gũi mà thân thương đến thế. Có cảm giác, Tổng Bí thư đang đón những người thân lâu ngày tới chơi”.

Thầy Kiên tiếp tục: “Thưa bác, chúng cháu biết bác rất bận công việc, nhưng chúng cháu xin mạo muội đến để mời và xin ý kiến bác về việc tới dự Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Trường trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều”.

Tổng Bí thư trang trọng đón tờ giấy mời, chăm chú xem rồi nói: “Với em, việc này rất quan trọng. Thưa thầy, cô, cho em hỏi dịp này nhà trường có mời các thế hệ giáo viên và học sinh cũ không?”.

“Khi tôi nói, nhà trường đã liên hệ và mời đầy đủ, nét mặt ông rất vui và hạnh phúc. Bác bảo: Thưa thầy, thưa cô, nếu hôm đó không có công việc bận đột xuất hoặc sức khỏe không cho phép, chắc chắn em sẽ về tham dự”, ông Lê Trung Kiên chia sẻ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đón tiếp đoàn đại diện các thế hệ giáo viên, học sinh Trường trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều tại Văn phòng Chủ tịch Quốc hội, vào cuối tháng 1/2011.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đón tiếp đoàn đại diện các thế hệ giáo viên, học sinh Trường trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều tại Văn phòng Chủ tịch Quốc hội, vào cuối tháng 1/2011.

Tổng Bí thư cũng dành nhiều thời gian để kể chuyện thời học sinh, đồng thời căn dặn các thầy, cô cần tiếp tục giữ vững danh hiệu ngôi trường giàu truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Đặc biệt, Tổng Bí thư đề nghị: “Nếu về được xin thầy cô hãy gọi em là cựu học sinh, cho em để chức vị bên ngoài cánh cổng trường”. Sự tế nhị, khiêm nhường của vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đã khiến thầy Kiên lặng đi một lúc.

Trước khi chia tay, Tổng Bí thư cũng chủ động đề nghị cùng các thầy, cô chụp một tấm ảnh lưu niệm bằng… điện thoại. Bức ảnh ấy, đến tận bây giờ vẫn được thầy Kiên trang trọng để trên bàn như một lời nhắc nhở bản thân cần cố gắng và nỗ lực hơn nữa trong sự nghiệp trồng người.

10 ngày sau, buổi lễ kỷ niệm được tổ chức. Đúng giờ, Tổng Bí thư xuất hiện. Khi đó, sức khỏe của Tổng Bí thư đã kém đi nhiều, nhưng ông vẫn dứt khoát bước xuống xe từ tận cổng trường để đi bộ vào phía trong. Ra tận nơi đón, thầy Kiên được Tổng Bí thư đưa tay ra bắt và nói một câu vừa đủ 2 người nghe: “Em và thầy cùng dắt tay nhau vào”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng thầy Hiệu trưởng Lê Trung Kiên tại Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Trường trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều, năm 2020.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng thầy Hiệu trưởng Lê Trung Kiên tại Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Trường trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều, năm 2020.

“Dường như, lúc nào Tổng Bí thư cũng muốn thể hiện lễ nghĩa của một người trò. Lần trở về này, giống sự trở về của một người học sinh đi xa thăm lại trường xưa, không hề có khoảng cách. Tổng Bí thư được bố trí ngồi cùng thầy Lê Đức Giảng, giáo viên chủ nhiệm cũ để có thời gian hàn huyên. Bác hỏi thầy Giảng: Thưa thầy, sức khỏe của cô và các em ra sao ạ? Khi được mời lên phát biểu, bác cũng kể lại về những kỷ niệm ngày còn ở mái trường, với thầy cô, bạn bè rồi đích thân tặng hoa tri ân thầy cô. Mỗi lần đi công tác Quy Nhơn, bác đều không quên đến nhà thăm thầy Giảng. Qua những lần ấy, chúng tôi thấy được rõ ràng tinh thần tôn sư trọng đạo, mến bạn, yêu thầy, dù giản dị nhưng đầy nghĩa tình của bác”, thầy Kiên rưng rưng nhớ lại.

Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều cho biết thêm: Qua những lần Tổng Bí thư về thăm, nhà trường đã học được rất nhiều bài học. Ban Giám hiệu cũng đã đưa nội dung này vào các tiết học truyền thống đầu năm học, từ đó giúp các thế hệ học sinh hiểu hơn và học tập, noi gương Tổng Bí thư trong hành trình phía trước…

Sự quan tâm và những lời căn dặn của Tổng Bí thư với các thầy cô và học sinh Trường trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều cũng như toàn ngành giáo dục đã trở thành kim chỉ nam cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Riêng học sinh Trường trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều, các em có thêm một động lực lớn, đó là học bổng mang tên Nguyễn Phú Trọng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao quà cho các học sinh Trường trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều đạt kết quả cao trong kỳ thi tuyển sinh Đại học năm 2014.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao quà cho các học sinh Trường trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều đạt kết quả cao trong kỳ thi tuyển sinh Đại học năm 2014.

Là một trong 3 học sinh đầu tiên nhận học bổng Nguyễn Phú Trọng tại lễ khai giảng năm học 2014-2015, Đào Quang Duy, hiện là bác sĩ đa khoa cho biết, đã rất đau buồn khi nghe tin về Tổng Bí thư.

Anh chia sẻ: Có lẽ đó là lễ khai giảng đáng nhớ nhất trong suốt thời đi học. Năm đó, nhà trường cũng vừa hoàn thành cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất nên rất khang trang.

“Tôi vinh dự được chọn là một trong ba học sinh có thành tích tốt nhất trong kỳ tuyển sinh đại học nhận học bổng do bác Nguyễn Phú Trọng tặng. Trực tiếp được nhận món quà bác Tổng Bí thư trao trên sân khấu trước sự chứng kiến của cả nghìn thầy, cô giáo và học sinh, tôi cảm nhận sự ân cần, ấm áp và đầy yêu thương của một vị lãnh đạo. Đó là động lực lớn lao đã khích lệ tôi suốt những năm tháng học tập tiếp theo. Về sau, trong cuộc sống có những lúc thăng trầm, nhưng khoảnh khắc ấy, sự quan tâm ân cần ấy như là kim chỉ nam, tạo động lực giúp tôi thêm cố gắng, quyết tâm có nhiều đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân”.

Kể thêm về kỷ niệm với Tổng Bí thư, thầy Đặng Đình Đại, nguyên Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều nhớ lại: Năm 1998, trường cùng dòng họ Nguyễn Gia (Thôn Liễu Ngạn, xã Ngũ Thái, Thuận Thành, Bắc Ninh) quyết định tổ chức Lễ kỷ niệm 200 năm ngày mất Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Nhà trường mời sự tham gia của Viện Văn học, Viện Ngôn ngữ, Ủy ban nhân dân xã Ngũ Thái, Ủy ban nhân dân huyện Thuận Thành và các cựu học sinh.

"Lúc đó cựu học sinh Nguyễn Phú Trọng đã là Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách công tác tư tưởng-văn hóa và khoa giáo của Đảng, công việc bận rộn nhưng khi chúng tôi tới mời, ông vui vẻ nhận lời sau khi biết một số cựu học sinh khác cũng được mời và hứa sẽ thu xếp công việc để tham dự buổi lễ.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng dự Lễ kỷ niệm 200 năm ngày mất Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, năm 1998.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng dự Lễ kỷ niệm 200 năm ngày mất Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, năm 1998.

Khi chúng tôi mời phát biểu tại buổi lễ, ông nói ngay 'Em xin các thầy dành thời gian cho dòng họ Nguyễn Gia, nhà trường và các nhà khoa học của Viện Văn học, Viện Ngôn ngữ phát biểu trong buổi lễ. Em xin chỉ là một cựu học sinh đến tham dự thôi ạ'. Ban Tổ chức đã phân công người đứng đón ông ở cửa chính, chỗ đỗ xe ô-tô nhưng ông lại đi xe máy, gửi xe rồi đi vào như những người bình thường", thầy Đại kể.

Vào bái đường Văn Miếu - nơi tổ chức buổi lễ, ông đã trân trọng chào hỏi thầy Tôn Tích Long - Hiệu trưởng nhà trường, cụ Nguyễn Gia Thùy - trưởng họ Nguyễn Gia Liễu Ngạn, các đại diện của Ủy ban nhân dân xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, các giáo sư, tiến sĩ Viện Văn học, Viện Ngôn Ngữ cùng các giáo viên Trường Nguyễn Gia Thiều. Ông cũng niềm nở chào hỏi, trò chuyện với các cựu học sinh đến dự buổi lễ.

Tiếp xúc với ông mọi người đều thấy nhẹ nhàng thoải mái bởi ông giản dị, thân mật, không "quan cách" và luôn nhắc mình chỉ là một cựu học sinh yêu mến, gắn bó với ngôi trường Nguyễn Gia Thiều. Buổi lễ kết thúc, ông vui vẻ nhận lời chụp ảnh lưu niệm cùng thầy giáo Tôn Tích Long và một số cựu học sinh có mặt tại buổi lễ.

Chuyện chưa kể về những ngày Tổng Bí thư học Trường Nguyễn Gia Thiều

Gặp mặt cựu học sinh Trường cấp 2, 3 Nguyễn Gia Thiều khóa 1957-1963 (ảnh chụp năm 2011).

Gặp mặt cựu học sinh Trường cấp 2, 3 Nguyễn Gia Thiều khóa 1957-1963 (ảnh chụp năm 2011).

Là bạn học thuở thiếu thời của Tổng Bí thư, bác Nguyễn Văn Cộng cũng rưng rưng hồi tưởng những ngày gian khó dưới mái trường Nguyễn Gia Thiều. Bác kể: Vào năm 1957, Tổng Bí thư cùng một số bạn bè từ Đông Anh sang học và ở trọ tại Gia Lâm.

“Anh Trọng khi đó ở nhờ nhà cụ Dương Văn Tứ. Nhà tôi ở phía bên kia, cách một chiếc ao rau muống. Ngày ngày, chúng tôi đi học cùng nhau từ dốc Cẩm. Ngày rét, để chống lạnh, lũ học sinh lại phải độn thêm cả báo vào trong áo để thêm ấm. Chiều chiều, các anh Nguyễn Phú Trọng, Ngô Bá Dục… còn phải bơi ra sông Hồng nhặt củi về đun”, bác Cộng hồi tưởng.

Thời học sinh, Tổng Bí thư vô cùng ham học. “Thời đó, chúng tôi chỉ học một buổi. Sau khi về giúp chủ nhà dọn dẹp vườn tược, anh Trọng tranh thủ buổi tối đi bộ lên văn phòng đoàn trường, nhờ ánh đèn để… học thêm. Những ngày mưa gió, anh đều xin ngủ lại. Anh thường nghiên cứu các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà thơ Tố Hữu và hay nói chuyện văn học với chúng tôi. Có lẽ, cũng chính nhờ tinh thần này mà về sau anh trưởng thành và thực sự trở thành một nhà văn hóa lớn”, bác Cộng đúc kết.

Bác Nguyễn Văn Cộng, người bạn thuở học sinh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Thành Đạt)

Bác Nguyễn Văn Cộng, người bạn thuở học sinh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Thành Đạt)

Kể thêm về người bạn học, bác Nguyễn Văn Cộng bồi hồi: “Với chúng tôi, anh Trọng thực sự luôn là người bình dị mà trọng nghĩa tình. Về sau, chúng tôi thành lập Hội đồng môn, trừ khi quá bận, nếu không anh sẽ đều tham dự. Chúng tôi trò chuyện với nhau về những ngày tháng gian khổ, chuyện học hành khi xưa. Đến buổi trưa, anh em lại trải chiếu cùng ăn điểm tâm. Anh Trọng không bao giờ quan cách, luôn ân cần hỏi thăm bạn bè. Có lần, được tiền nhuận bút xuất bản sách, anh còn đóng góp luôn cho hội làm quỹ hoạt động. Mỗi khi nghe tin có bạn đồng môn ốm, anh đều dành thời gian tới nhà thăm bạn. Dù bận công việc, nhưng anh Trọng còn tới dự đám cưới con trai cả của tôi. Kỷ niệm đó tôi không bao giờ quên. Được quen và làm bạn với anh có lẽ là niềm vinh hạnh lớn của chúng tôi. Anh đã cống hiến cả cuộc đời cho nhân dân, cho đất nước, cho Đảng”.

Năm nay đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng chiều hôm đó, thầy giáo Vũ Ngọc Huỳnh vẫn lọm cọm chống gậy tới Trường trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều để thăm lại nhà truyền thống. Nghe tin người học trò cũ Nguyễn Phú Trọng từ trần, thầy Huỳnh như già thêm. Đuôi mắt nhăn nheo vẫn đỏ hoe, ngân ngấn khi nhắc lại những kỷ niệm một thời.

Thầy giáo Vũ Ngọc Huỳnh kể lại những kỷ niệm đẹp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Thành Đạt)

Thầy giáo Vũ Ngọc Huỳnh kể lại những kỷ niệm đẹp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Thành Đạt)

Thầy kể: Ngày ấy, thầy được phân công dạy môn Toán lớp 6. Lúc này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng một số bạn từ Đông Anh sang nhập học.

“Các em đều có hoàn cảnh khó khăn, phải mang gạo sang, ở nhờ nhà dân. Nhưng em nào cũng học giỏi, ngoan ngoãn và có ý chí phấn đấu. Trò Trọng đặc biệt thông minh và rất chịu khó. Về sau này, để ghi lại kỷ niệm thời kỳ đó, em Ngô Bá Dục, bạn học cùng trọ với trò Trọng viết: Nhớ chiều ăn trộm ổi xanh/Thay cơm bữa tối, học hành vẫn chăm/Sông Hồng nước lũ băng băng/Bơi ra vớt củi, kiếm dần cái đun”...

Ba bài thơ tâm đắc nhất của học sinh Nguyễn Phú Trọng trong năm học cuối cùng tại trường (1962-1963). Mấy chục năm sau, ông đã tự tay chép lại để tặng nhà trường, các thầy cô, bạn đồng khóa, đồng môn.

Ba bài thơ tâm đắc nhất của học sinh Nguyễn Phú Trọng trong năm học cuối cùng tại trường (1962-1963). Mấy chục năm sau, ông đã tự tay chép lại để tặng nhà trường, các thầy cô, bạn đồng khóa, đồng môn.

Trong suốt 6 năm học phổ thông tại ngôi trường mang tên Nguyễn Gia Thiều, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn có tên trong các cuộc thi học sinh giỏi của thành phố, đặc biệt là môn Văn. Khi đang học lớp 10, ông đã làm cho các bạn ngạc nhiên với bài thuyết trình dài trong các buổi ngoại khóa về một đề tài xã hội mà ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” ít ai quan tâm. Đó là: Thân phận của người nông dân trong tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, “Bỉ vỏ” của Nguyên Hồng, thân phận của người phụ nữ trong thơ của Tố Hữu. Có lẽ, ngày từ thuở ấy, ông đã thấm cái đau của nỗi đau con người, đã khắc khoải với tốt-xấu, mất-còn.

“Làm gì đây cho đời thêm ý nghĩa

Năm cuối cùng của đời học phổ thông

Hay cứ để cuộc đời trôi lặng lẽ

Theo thời gian tẻ ngắt, lạnh lùng?”

Bài thơ “Năm cuối cùng của đời học phổ thông” ông viết vào tháng 9/1962 nhân đầu năm học mới 1962-1963 đã được kết bằng 4 câu thơ như thế!

Những trang trong sổ đăng bộ Trường phổ thông cấp 3 Nguyễn Gia Thiều từ tháng 9/1960 đến tháng 11/1963 ghi chép tóm tắt những thông tin cơ bản của từng học sinh từ lúc vào trường đến lúc ra trường. (Năm 1960, Trường phổ thông cấp 2, 3 Nguyễn Gia Thiều chính thức trở thành Trường phổ thông cấp 3, vì vậy sổ đăng bộ của trường bắt đầu từ tháng 9/1960). Học sinh Nguyễn Phú Trọng là học sinh thứ 275 của trường (xem ở số thứ tự 275).

Những trang trong sổ đăng bộ Trường phổ thông cấp 3 Nguyễn Gia Thiều từ tháng 9/1960 đến tháng 11/1963 ghi chép tóm tắt những thông tin cơ bản của từng học sinh từ lúc vào trường đến lúc ra trường. (Năm 1960, Trường phổ thông cấp 2, 3 Nguyễn Gia Thiều chính thức trở thành Trường phổ thông cấp 3, vì vậy sổ đăng bộ của trường bắt đầu từ tháng 9/1960). Học sinh Nguyễn Phú Trọng là học sinh thứ 275 của trường (xem ở số thứ tự 275).

Trong văn phòng Trường trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều còn cất giữ một tài liệu vô cùng quý giá về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đó là cuốn sổ đăng bộ của trường (số ghi về tình hình học tập của học sinh do hiệu trưởng lưu giữ) trong thời gian Tổng Bí thư theo học.

Trong cuốn sổ ấy vẫn còn nguyên nhận xét của các giáo viên đã từng dạy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Dòng chữ dù đã mờ nhòe nhưng vẫn có thể đọc được: “Được xếp loại A2, Giỏi. Học giỏi đều các môn. Có tinh thần tranh thủ học tập, nhiệt tình trong lao động. Có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác. Có nhiều đóng góp xây dựng tập thể tốt...”.

Tấm gương trong cả học tập, lao động lẫn xây dựng tập thể của Tổng Bí thư là động lực rất lớn để toàn thể cán bộ, nhân viên và học sinh nhà trường tiếp tục nỗ lực, cố gắng.

Thầy Huỳnh cũng cho biết, về sau, thầy luôn dõi theo hành trình của cậu học trò Nguyễn Phú Trọng và luôn thấy được ở ông một nhân cách lớn, sẵn sàng đương đầu với những thách thức, gánh vác trọng trách, giữ gìn sự trong sáng của Đảng, sự trường tồn của chế độ, đất nước.

Ghi nhớ lời dặn dò của Tổng Bí thư, trong những năm qua, thầy và trò Trường trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều đã luôn nỗ lực vươn lên, luôn là một trong những trường trọng điểm chất lượng cao của Thủ đô Hà Nội. Chất lượng dạy và học ngày càng nâng cao. Đội tuyển học sinh giỏi của nhà trường luôn trong tốp dẫn đầu khối các trường không chuyên của Thành phố, hằng năm đều có học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia.

Các hoạt động giáo dục toàn diện cũng thực hiện tốt, có hiệu quả, khẳng định vị thế của nhà trường trong ngành giáo dục và đào tạo của Thủ đô và cả nước. Đặc biệt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua, Trường trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều có đồng thủ khoa toàn quốc là em Nguyễn Hà Nhi (học sinh lớp 12D1) với tổng điểm 57,85.

Bên cạnh những thành tích cao về học tập, Trường trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều cũng được biết đến là ngôi trường giáo dục phát triển toàn diện cho học sinh về kỹ năng sống, hiểu biết pháp luật, tôn sư trọng đạo, ý chí vượt khó vươn lên trong học tập… Và theo thầy Lê Trung Kiên, chương trình học của nhà trường tới đây chắc chắc sẽ đưa sâu hơn, đậm nét hơn tính nhân văn, về lối sống, tinh thần cách mạng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ngày xuất bản: 24/7/2024
Tổ chức thực hiện: Việt Anh
Nội dung: Trà My - Sơn Bách
Ảnh: Thành Đạt, Trường trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều
Trình bày: Hoàng Hà