Độc lập, tự chủ, sáng tạo, bài học lớn của kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Sáng 30/4/1975, từ khắp mọi hướng, hàng trăm xe tăng, xe thiết giáp cùng bộ binh đồng loạt thẳng tiến Phủ Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng Sài Gòn. (Ảnh: TTXVN)

Sáng 30/4/1975, từ khắp mọi hướng, hàng trăm xe tăng, xe thiết giáp cùng bộ binh đồng loạt thẳng tiến Phủ Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng Sài Gòn. (Ảnh: TTXVN)

Câu hỏi: Ngày 30 tháng 4 năm 1975 lá cờ cách mạng tung bay trên nóc dinh "Độc lập", báo hiệu thắng lợi hoàn toàn của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước vĩ đại. Sau 20 năm, đồng chí Cố vấn có đánh giá gì thêm về tầm vóc của đại thắng mùa Xuân năm 1975?

Trả lời: Với đại thắng mùa Xuân năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, giang sơn thu về một mối, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đã hoàn thành trong cả nước. Đó là một thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta. Đại hội lần thứ IV của Đảng (năm 1976) đã đánh giá sâu sắc, đầy đủ ý nghĩa lịch sử của đại thắng này - một trong những trang chói lọi nhất của lịch sử dân tộc, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính chất thời đại sâu sắc.

20 năm đã trôi qua. Tình hình quốc tế đã có nhiều biến đổi to lớn. Nhưng ý nghĩa lịch sử của đại thắng vẫn ngời sáng trong pho lịch sử vàng của Đảng, của dân tộc; thúc đẩy bước phát triển mới của dân tộc và tiếp tục tác động sâu xa đến tiến trình lịch sử thế giới. Thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi là niềm tự hào chính đáng của dân tộc ta, là nguồn động viên to lớn đối với công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh hôm nay.

Thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi là niềm tự hào chính đáng của dân tộc ta, là nguồn động viên to lớn đối với công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh hôm nay.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh
Câu hỏi: Xin đồng chí Cố vấn cho biết cảm xúc của mình trong ngày đại thắng 20 năm trước?

Trả lời: Đã 20 năm qua, nhưng tôi vẫn giữ mãi, giữ nguyên niềm xúc động, hân hoan, phấn khởi của ngày toàn thắng ấy.

Khi Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, tôi đã cùng cơ quan chuyển vào vùng ngoại ô Sài Gòn. Trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 chừng hai, ba hôm, tôi đã có mặt ở nội đô, hoạt động lưu động tại khu vực Chợ Lớn.

Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh tại căn cứ Tà Thiết-Lộc Ninh, tháng 4/1975. (Ảnh: TTXVN)

Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh tại căn cứ Tà Thiết-Lộc Ninh, tháng 4/1975. (Ảnh: TTXVN)

Bước vào chiến dịch cuối cùng của cuộc chiến tranh dài nhất, ác liệt nhất trong lịch sử dân tộc, Trung ương Cục và Bộ chỉ huy chiến dịch đã có sự phân công lãnh đạo, chỉ đạo rất cụ thể. Tôi được phân công chỉ đạo phong trào nổi dậy của quần chúng ở nội đô và vùng ven, phối hợp với lực lượng biệt động thành, giữ không cho địch phá các cầu chính vào thành phố; mở đường và phối hợp với đại quân từ năm  cánh tiến vào hang ổ của chính quyền ngụy. Nhiều cán bộ ta được cài vào một số cơ quan chủ chốt của ngụy, như phủ Tổng thống, Tổng nha cảnh sát, Bộ tổng tham mưu,... tìm cách giải thoát được nhiều tù chính trị và  đưa về các địa bàn để lãnh đạo phong trào quần chúng nổi dậy. Anh Võ Văn Kiệt được cử phụ trách quản lý thành phố ngay sau giải phóng. Công tác này được thực hiện rất tốt. Ngoài việc mất điện khoảng hai giờ, còn các sinh hoạt khác của thành phố đều được giữ vững, trật tự ổn định, đời sống nhân dân được bảo đảm. Các anh Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Anh chỉ đạo các cánh quân chủ lực đánh vào thành phố.

Trong suốt mấy chục năm đấu tranh cách mạng, chúng tôi luôn lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi, ngay cả những lúc khó khăn, ác liệt nhất. Lần này ta ở thế áp đảo địch, thắng lợi đã ở trong tầm tay. Thế mà lúc nhận được tin ngụy quyền đầu hàng, thành phố Sài Gòn đã hoàn toàn được giải phóng, chiến tranh đã kết thúc thắng lợi, chúng tôi vẫn bàng hoàng, xúc động, sung sướng như trong mơ. Chiến thắng này lớn quá! Đánh thắng Pháp đã rất vui mừng, thắng Mỹ, niềm vui gấp bội. Vì Mỹ là tên đế quốc đầu sỏ, hùng mạnh bậc nhất trong phe đế quốc, lắm tiền, nhiều của, vũ khí hiện đại. Thực hiện khẩu hiệu "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", "Tất cả để chiến thắng!", nhân dân ta ở cả hai miền Nam, Bắc đã hy sinh rất nhiều tiền của và cả những người con ưu tú của mình. Tôi xúc động nghĩ tới những đồng bào, đồng chí đã ngã xuống trên các miền đánh Mỹ; nhớ tới những người mẹ, người chị đầu vấn nhiều vòng khăn tang vẫn nén đau thương, đưa tiễn người thân lên đường đánh giặc.

Trước một dân tộc, một nhân dân kiên cường bất khuất như vậy, không một kẻ xâm lược nào, dù bằng thủ đoạn gì, có thể khuất phục được.

Trong suốt mấy chục năm đấu tranh cách mạng, chúng tôi luôn lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi, ngay cả những lúc khó khăn, ác liệt nhất.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh

Xe tăng quân Giải phóng tiến vào chiếm Dinh Độc lập, ngày 30/4/1975. (Ảnh: TTXVN)

Xe tăng quân Giải phóng tiến vào chiếm Dinh Độc lập, ngày 30/4/1975. (Ảnh: TTXVN)

Câu hỏi: Là một trong những người lãnh đạo cao nhất của Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương cục miền Nam trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Cố vấn cho biết những bài học thành công của Đảng bộ miền Nam trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh là gì? Bài học nào có thể vận dụng vào công cuộc xây dựng đất nước hôm nay?

Trả lời: Chống Mỹ, cứu nước là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân ta. Thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc là thành quả của toàn Đảng, toàn dân tộc. Nhưng, đúng như Đại hội lần thứ III của Đảng đã xác định: Cách mạng miền Nam có tác dụng quyết định trực tiếp trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước. Suốt 21 năm chiến đấu lâu dài, gian khổ, ác liệt, Đảng bộ và nhân dân miền Nam đã làm tròn nhiệm vụ nặng nề ấy.

Nhân tố quyết định thắng lợi quan trọng nhất là sự lãnh đạo của Đảng ta, từ Trung ương đến các Đảng bộ cơ sở. Đảng bộ miền Nam trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam, đã vận dụng đúng đắn, sáng tạo đường lối, phương pháp cách mạng mà Trung ương đề ra, biến đường lối của Đảng thành thắng lợi trên chiến trường. Từ thực tiễn, Đảng bộ miền Nam đã tổng kết được nhiều bài học phong phú và bổ ích. Theo tôi, một số bài học sau đây có thể vận dụng vào công cuộc xây dựng đất nước hôm nay.

Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Lao động Việt Nam lần thứ III, ngày 5-10/9/1960, tại Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Lao động Việt Nam lần thứ III, ngày 5-10/9/1960, tại Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

Mọi đường lối, chủ trương của Đảng phải xuất phát từ thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Chỉ có như vậy, đường lối của Đảng mới đi vào cuộc sống, biến thành hành động cách mạng của quần chúng.

Như các đồng chí đã biết, Hiệp định Giơnevơ đã đánh dấu thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Bắc và ngăn chặn âm mưu mở rộng chiến tranh của đế quốc Mỹ. Nhưng Mỹ-Diệm đã trắng trợn xé bỏ Hiệp định, tổ chức tuyển cử riêng rẽ, khủng bố nhân dân, dựa vào Luật 10/59 phản động, lê máy chém đi khắp miền Nam, giết hại dã man những người yêu nước. Chúng thực hiện hai biện pháp thâm độc và tàn bạo nhất là tước  đoạt ruộng đất mà cách mạng đã chia cho nông dân trong kháng chiến và tiến hành "tố cộng, diệt cộng", khủng bố những người cộng sản, những người kháng chiến cũ, tất cả những ai tán thành hòa bình, thống nhất và cả những người đối lập với chúng.

Ở nông thôn, bọn ngụy quyền ức hiếp dân đến mức có người dân tát cá, vợ tên hội tề đi qua nói trống không một câu: "Ước gì được con cá to mà ăn" thì dù ức đến mấy cũng phải biếu nó cá. Hoặc người lạ đến nhà thì lập tức bị hàng xóm gõ mõ tố giác. Đau xót hơn là cảnh cán bộ, du kích về gõ cửa nhà mình xin gạo, sau khi con đi, bố mẹ buộc phải gõ mõ báo động vì sợ rầy rà... Nhiều đồng bào yêu nước bị bắt, nhiều cán bộ bị giết hại. Các loại nhà tù giam chật những người yêu nước. Phong trào cách mạng miền Nam bị tổn thất nặng nề, trong khi ta vẫn duy trì hình thức đấu tranh chính trị. Chủ trương đó đã bó tay cán bộ, đồng bào. Nhiều nơi, bị dân vệ đuổi bắt, cán bộ có vũ khí trong tay mà không được bắn trả, nên đã bị bắt, bị giết... Cả miền Nam ngột ngạt trong không khí khủng bố như một trại giam lớn.

Trước tình hình đó, ở nhiều nơi, cán bộ, đồng bào yêu cầu Đảng cho đánh trả lại quân thù để bảo vệ lực lượng, bảo vệ phong trào. Tôi nhớ có nhận được một lá đơn của hơn 30 lão nông ở tỉnh Thủ Dầu Một chất vấn Xứ ủy rằng có báo cáo để Bác Hồ và Trung ương biết tình hình miền Nam hay không mà chịu khoanh tay, để địch đàn áp bừa bãi, muốn giết ai chúng chỉ cần vu cho người đó là cộng sản. ở nhiều nơi khác, nhân dân đòi vũ trang đánh địch. Có nơi, cán bộ và nhân dân đã bí mật trừng trị bọn ác ôn...

Đó là những tiếng nói của cuộc sống, yêu cầu của phong trào cách mạng miền Nam. Nắm bắt được yêu cầu này, anh Ba Duẩn - lúc ấy là Bí thư Xứ ủy, đã cho xây dựng một số đơn vị vũ trang mang danh nghĩa giáo phái đánh địch, sau đó cho phép sử dụng vũ trang tự vệ ở mức độ nhất định, dưới những hình thức rất linh hoạt.

Nhân dân tỉnh Bến Tre míttinh chào mừng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. (Ảnh: TTXVN)

Nhân dân tỉnh Bến Tre míttinh chào mừng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. (Ảnh: TTXVN)

Thực tiễn đấu tranh của nhân dân miền Nam và sự tìm tòi, đóng góp ý kiến của Đảng bộ miền Nam đã góp phần đưa đến Nghị quyết 15 lịch sử. Nghị quyết 15 đáp ứng yêu cầu của nhân dân, do đó đi vào cuộc sống rất nhanh và đã thổi bùng lên ngọn lửa đồng khởi ở miền Nam, giành quyền làm chủ nhiều vùng rộng lớn ở đồng bằng Nam Bộ và miền núi Trung Bộ, giành lại nhiều ruộng đất bị tước đoạt, tạo ra thế và lực mới cho cách mạng. Nếu chậm lại một năm thì sẽ không đồng khởi được và tình hình sẽ có thể như ở một nước khác có hoàn cảnh chia cắt như ta.

Nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện ở Việt Nam.

Cách mạng là sáng tạo, không có sáng tạo, cách mạng không thể thành công. Nhưng sáng tạo phải dựa trên những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lênin và điều kiện cụ thể của đất nước. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta đã nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, không giáo điều, máy móc. Ta học tập kinh nghiệm nước ngoài nhưng học tập có chọn lọc, học những kinh nghiệm phù hợp với ta.

Nắm vững và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kế  thừa truyền thống, kinh nghiệm đánh giặc của tổ tiên; truyền thống, kinh nghiệm của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và phát triển lên một trình độ mới, Đảng ta sáng tạo ra đường lối chiến tranh nhân dân đặc biệt Việt Nam: Kết hợp lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao; tiến hành khởi nghĩa từng phần ở nông thôn, từ khởi nghĩa phát triển thành chiến tranh cách mạng; kết hợp nổi dậy và tiến công, tiến công và nổi dậy, đánh địch trên cả ba vùng chiến lược: rừng núi, đồng bằng và đô thị; bằng ba mũi giáp công: quân sự, chính trị, binh vận; v.v..

Điều kỳ diệu là một người dân cũng có thể vừa đánh địch bằng quân sự, vừa đánh địch bằng chính trị, vừa đánh địch bằng binh vận; binh vận với lính ngụy, binh vận với cả lĩnh Mỹ. Chiến tranh nhân dân Việt Nam, đường lối quân sự sáng tạo của Đảng ta đã tạo nên sức mạnh tổng hợp lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ.

Thành phố Đà Nẵng tự do, nhộn nhịp sau ngày giải phóng. (Ảnh: TTXVN)

Thành phố Đà Nẵng tự do, nhộn nhịp sau ngày giải phóng. (Ảnh: TTXVN)

Chiến tranh nhân dân Việt Nam, đường lối quân sự sáng tạo của Đảng ta đã tạo nên sức mạnh tổng hợp lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, chúng ta càng phải nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo tôi, cần phải học tập, nắm vững cả phong cách Bác Hồ nữa, độc lập, tự chủ, sáng tạo, chống giáo điều, máy móc, đồng thời tránh chệch hướng; đề ra đường lối, chủ trương phù hợp với toàn cảnh đất nước, xây dựng nước mạnh, dân giàu, xã hội công bằng, văn minh, nhân dân hạnh phúc.

Đảng phải gắn bó với nhân dân, chú ý giáo dục, tổ chức, lãnh đạo nhân dân đấu tranh và chăm lo đời sống nhân dân.

Ngay từ khi mở lớp huấn luyện cán bộ cách mạng ở Quảng Châu (1925-1927), Bác Hồ đã vạnh rõ: Cách mạng trước hết phải có Đảng lãnh đạo, đồng thời Người cũng nhấn mạnh: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước thực sự là hai cuộc kháng chiến của toàn dân. Huy động được toàn thể nhân dân lên trận tuyến chống ngoại xâm, không phân biệt giai cấp, lứa tuổi, giới tính, tín ngưỡng, dân tộc, được toàn dân ủng hộ, tin tưởng, bảo vệ vì đường lối của Đảng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân; vì Đảng chú ý giáo dục, tổ chức nhân dân; vì đảng viên của Đảng gương mẫu, luôn đi đầu trong mọi cuộc đấu tranh; vì Đảng luôn gắn bó với nhân dân, quan tâm đến nguyện vọng, đời sống của nhân dân. Đảng, Bác Hồ rất chú ý giáo dục cán bộ, đảng viên gắn bó với  nhân dân, quan tâm đến nhân dân.

Tôi còn nhớ một lần, vào năm 1963, với cương vị Bí thư Trung ương Cục, tôi từ miền Nam ra Hà Nội báo cáo tình hình. (Các đồng chí hỏi tôi đi ra Bắc bằng đường nào ư? Tôi qua Phnôm Pênh, rồi bay sang Hồng Kông, đến Quảng Đông, từ đó về Hà Nội). 10 giờ sáng, tôi đến phòng họp. Bác Hồ kêu tôi lại gần, giở bản đồ miền Nam ra và hỏi khu căn cứ đóng ở đâu, đời sống của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào thế nào. Tôi rất cảm động trước sự quan tâm của Bác. Bác là tấm gương của Đảng về sự gắn bó chặt chẽ, thường xuyên quan tâm tới nhân dân và tin tưởng ở nhân dân.

Hưởng ứng phong trào Thanh niên "Ba sẵn sàng", thanh niên Hà Tây nô nức lên đường chiến đấu (tháng 8/1964), sau khi Mỹ mở rộng đánh phá bằng không quân ra miền Bắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. (Ảnh: TTXVN)

Hưởng ứng phong trào Thanh niên "Ba sẵn sàng", thanh niên Hà Tây nô nức lên đường chiến đấu (tháng 8/1964), sau khi Mỹ mở rộng đánh phá bằng không quân ra miền Bắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. (Ảnh: TTXVN)

Trong chiến tranh, nhờ gắn bó với nhân dân, Đảng được nhân dân nuôi dưỡng, bảo vệ kể cả lúc đen tối nhất. Ngày nay, trong công cuộc xây dựng hòa bình, trở thành Đảng cầm quyền, Đảng càng phải gắn bó máu thịt với nhân dân, không được xa dân, phải chăm lo cho đời sống tinh thần và vật chất cho nhân dân, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân, phấn đấu vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Chúng ta cần luôn ghi nhớ câu "phục vụ nhân dân", Đảng là người lãnh đạo, cũng là người đày tớ của nhân dân.

Trong chiến tranh, sức mạnh của Đảng là do gắn bó với nhân dân.

Trong hòa bình, sức mạnh của Đảng cũng là do gắn bó với nhân dân.

Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng là điều kiện quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cũng là điều kiện quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cần phải ra sức xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị và tổ chức theo nguyên lý chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tự đổi mới và chỉnh đốn Đảng. Trong lúc các thế lực phản động đang ráo riết thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình" Đảng cần chú ý giáo dục tư tưởng, giáo dục lý tưởng cho cán bộ, đảng viên, thanh niên. Lý tưởng của chúng ta là phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội; Tổ quốc giầu mạnh; xã hội công bằng, văn minh; nhân dân ấm no, hạnh phúc. Đồng thời chúng ta cũng phải chống, kiên quyết chống quan liêu, tham nhũng, tham quyền cố vị. Phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ có phẩm chất, có trình độ khoa học, kỹ thuật cao, đủ khả năng làm ăn với nước ngoài, đưa đất nước hòa nhập vào khu vực và quốc tế.

Nhân dân Thủ đô vui mừng đón tin chiến thắng ngày 30/4/1975. (Ảnh: TTXVN)

Nhân dân Thủ đô vui mừng đón tin chiến thắng ngày 30/4/1975. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 là một cột mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của dân tộc. Với tinh thần "30 tháng 4", chúng ta đang tiến đến một cột mốc mới - cột mốc đánh dấu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hoàn thành.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn đồng chí Cố vấn.

----------

- Trả lời phỏng vấn của Tạp chí Lịch sử Đảng năm 1995

- Tư liệu của gia đình đồng chí Nguyễn Văn Linh

Trình bày: NHÃ NAM