Tổng cục Kỹ thuật ra đời đánh dấu bước phát triển mới về chất của Quân đội và ngành kỹ thuật quân đội

Tổng cục Kỹ thuật là cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng, có chức năng tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm kỹ thuật trong Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ; giúp Bộ trưởng Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bảo đảm kỹ thuật; chỉ đạo ngành kỹ thuật toàn quân các nội dung công tác kỹ thuật trong Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ; quản lý, chỉ huy các cơ quan đơn vị thuộc quyền.

Lãnh đạo Tổng cục Kỹ thuật kiểm tra Đội tuyển Thợ quân khí giỏi huấn luyện tham gia Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) 2021, tháng 4/2021. Ảnh: qdnd

Lãnh đạo Tổng cục Kỹ thuật kiểm tra Đội tuyển Thợ quân khí giỏi huấn luyện tham gia Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) 2021, tháng 4/2021. Ảnh: qdnd

Đáp ứng yêu cầu cấp thiết về quản lý, chỉ huy, chỉ đạo bảo đảm kỹ thuật trong giai đoạn cuối thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thay mặt Hội đồng Chính phủ, ngày 10/9/1974, Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định số 211/CP về việc thành lập Tổng cục Kỹ thuật trực thuộc Bộ Quốc phòng. Tổng cục Kỹ thuật có nhiệm vụ: Giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo công tác bảo đảm và quản lý trang bị, bảo đảm kỹ thuật trong toàn quân, nghiên cứu kỹ thuật quân sự và trực tiếp quản lý các xí nghiệp quốc phòng[1].

Đây là sự kiện lịch sử lớn của Quân đội ta; khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng trong lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành chiến tranh cách mạng; xây dựng Quân đội, phát triển tiềm lực khoa học kỹ thuật quân sự đáp ứng yêu cầu chiến đấu của quân và dân cả nước; đồng thời, đánh dấu bước phát triển và trưởng thành vượt bậc của ngành Kỹ thuật Quân đội. Ngày 10/9/1974 được xác định là ngày thành lập và là ngày truyền thống của Tổng cục Kỹ thuật.

Thiếu tướng Trần Minh Đức, Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật cùng đoàn công tác kiểm tra Xưởng Sửa chữa Hàng hải, Nhà máy X56, Hài quân (8/2020). Ảnh: baohaiquanvietnam.vn

Thiếu tướng Trần Minh Đức, Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật cùng đoàn công tác kiểm tra Xưởng Sửa chữa Hàng hải, Nhà máy X56, Hài quân (8/2020). Ảnh: baohaiquanvietnam.vn

Ngay sau khi thành lập, Tổng cục Kỹ thuật đã phối hợp Tổng cục Hậu cần bảo đảm đầy đủ, kịp thời và đồng bộ vũ khí, trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang chiến đấu, giành thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1975, đỉnh cao là thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Các cơ quan, cục chuyên ngành, các nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, viện, trung tâm, nhà trường, đơn vị xây dựng... của Tổng cục không quản ngày đêm, tích cực phục vụ chiến đấu, vận chuyển hàng chục vạn tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, cùng các phương tiện quân sự và lương thực thực phẩm chi viện chiến trường miền nam.

Cán bộ, chiến sĩ, nhân viên kỹ thuật của Tổng cục Kỹ thuật đã dũng cảm, ngoan cường chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở các chiến trường miền nam, cũng như ở các cơ sở bảo đảm kỹ thuật hậu phương miền Bắc. Bất cứ nơi đâu, trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp và công nhân viên Tổng cục Kỹ thuật đều phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Bất cứ nơi đâu, trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp và công nhân viên Tổng cục Kỹ thuật đều phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Tổng cục Kỹ thuật khẩn trương chỉ đạo, kiện toàn tổ chức lực lượng, xây dựng ngành Kỹ thuật Quân đội. Đảng ủy và Thủ trưởng Tổng cục kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết chế độ, chính sách cho hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên trở về hậu phương sản xuất hoặc chuyển công tác về các cơ quan, bộ, ngành kinh tế của Nhà nước.

Trên- mặt trận chiến đấu mới, những người lính kỹ thuật một lần nữa lại nêu cao truyền thống “Chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường”, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nhiều đồng chí phát triển trưởng thành trên các cương vị, là cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý giỏi của các bộ, ban, ngành kinh tế-xã hội. Cùng với đó, Tổng cục Kỹ thuật kịp thời chỉ đạo tiến hành thu hồi, dồn dịch vũ khí, trang bị kỹ thuật trên khắp các chiến trường, nhanh chóng tiếp quản cơ sở vật chất kỹ thuật thu được của địch ở miền nam, song song với việc huy động mọi lực lượng nhanh chóng quy hoạch, xây dựng hệ thống kho tàng để cất chứa, quản lý an toàn, duy trì chất lượng và đồng bộ một khối lượng rất lớn vũ khí, trang bị kỹ thuật của Quân đội sau chiến tranh giải phóng dân tộc.

Thủ trưởng Tổng Cục Kỹ thuật và các đại biểu tham quan mô hình huấn luyện của Lữ đoàn 168. Ảnh: quankhu2.vn

Thủ trưởng Tổng Cục Kỹ thuật và các đại biểu tham quan mô hình huấn luyện của Lữ đoàn 168. Ảnh: quankhu2.vn

Đến tháng 3/1984, Tổng cục Kỹ thuật tiến hành kiện toàn thêm một bước về tổ chức biên chế, bảo đảm tính hợp lý và hoạt động hiệu quả, gồm chỉ huy Tổng cục, Văn phòng, Bộ Tham mưu; các cục: Chính trị, Ô-tô - Máy kéo - Trạm nguồn, Vũ khí - Đạn, Tăng - Thiết giáp, Quản lý xí nghiệp, Quản lý khoa học, Vật tư, Hậu cần; các phòng: Cán bộ, Khoa học quân sự, Tài vụ, Kế hoạch xây dựng cơ bản, Đối ngoại, Sử, Pháp chế; Viện Kiểm sát quân sự; Tạp chí Khoa học kỹ thuật quân sự; các ban: Thanh tra, Kiến thiết cơ bản, Quản lý công trình; các trường, viện nghiên cứu; 2 trung tâm bảo đảm kỹ thuật; 29 nhà máy sửa chữa và sản xuất; 14 đơn vị vận tải và xây dựng.

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc, phòng thủ bảo vệ biển, đảo và làm nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Lào và cách mạng Campuchia, Tổng cục Kỹ thuật khẩn trương chỉ đạo, bổ sung và tăng cường cán bộ cho các cấp kỹ thuật tổ chức sở chỉ huy, tổ chức cơ quan hậu cần - kỹ thuật ở hậu phương cũng như tiền phương, phối hợp và hiệp đồng chặt chẽ với các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, các đơn vị chiến đấu nơi tuyến đầu biên giới và Quân tình nguyện ở hai nước Lào và Campuchia để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kỹ thuật, bảo đảm cho lực lượng vũ trang nhân dân chiến đấu, giành chiến thắng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nhiệm vụ quốc tế.

Tổng cục Kỹ thuật còn tổ chức tiếp nhận, vận chuyển và cấp phát khối lượng lớn vũ khí, trang bị từ nguồn viện trợ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Chỉ đạo và động viên các nhà máy, xí nghiệp chủ động tích cực khắc phục mọi khó khăn về nguyên liệu, vật tư kỹ thuật, phụ tùng thay thế để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật, nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất và làm kinh tế góp phần xây dựng đất nước.

Đại tá Nguyễn Đức Lượng, Phó Cục trưởng Cục Xe - Máy, Tổng cục Kỹ thuật và Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Chủ nhiệm Kỹ thuật Quân khu kiểm tra xe sau bảo dưỡng, sữa chữa nhỏ, đồng bộ. Ảnh: baoquankhu4.com.vn

Đại tá Nguyễn Đức Lượng, Phó Cục trưởng Cục Xe - Máy, Tổng cục Kỹ thuật và Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Chủ nhiệm Kỹ thuật Quân khu kiểm tra xe sau bảo dưỡng, sữa chữa nhỏ, đồng bộ. Ảnh: baoquankhu4.com.vn

Từ tháng 1/1988, thực hiện Nghị quyết số 105/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) và các quyết định điều chuyển nhiệm vụ, điều chuyển tổ chức lực lượng của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ngành Kỹ thuật Quân đội bước vào thực hiện cơ chế quản lý, chỉ đạo bảo đảm kỹ thuật theo chuyên ngành. Theo đó, Bộ Quốc phòng đã điều Cục Ô-tô - Máy kéo - Trạm nguồn, Cục Vũ khí - Đạn về trực thuộc Bộ Quốc phòng; Cục Quản lý Kỹ thuật về trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu; các nhà máy sản xuất vũ khí, đạn dược, trang bị kỹ thuật, Viện Kỹ thuật vũ khí, Viện Công nghệ quân sự về trực thuộc lập Tổng cục Công nghiệp quốc phòng-Kinh tế.

Ngành Kỹ thuật Quân đội chỉ còn cơ quan quản lý, chỉ huy, chỉ đạo bảo đảm kỹ thuật (Cục Kỹ thuật) ở các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, Phòng Kỹ thuật của sư đoàn, lữ đoàn và tương đương, Ban Kỹ thuật ở trung đoàn và tương đương. Cấp quản lý, chỉ huy, chỉ đạo bảo đảm kỹ thuật chiến lược là các chuyên ngành trực thuộc Bộ Quốc phòng. Trong hơn 1 năm (1/1988-4/1989) thực hiện cơ chế quản lý, chỉ đạo kỹ thuật theo ngành, cơ chế quản lý, chỉ huy, chỉ đạo bảo đảm kỹ thuật cấp chiến lược là Tổng cục Kỹ thuật xem như giải thể (vì không có văn bản quyết định của trên).

Trung tướng Lê Quý Đạm - Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật cùng đoàn công tác kiểm tra phân xưởng cơ khí tại Xưởng X78, Quân khu 2. Ảnh: quankhu2.vn

Trung tướng Lê Quý Đạm - Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật cùng đoàn công tác kiểm tra phân xưởng cơ khí tại Xưởng X78, Quân khu 2. Ảnh: quankhu2.vn

Đến ngày 24/4/1989, Bộ Quốc phòng quyết định chấn chỉnh tổ chức Tổng cục Kỹ thuật, với tên gọi lúc đầu là Tổng cục Đảm bảo trang bị kỹ thuật, sau đổi lại là Tổng cục Kỹ thuật. Sau nhiều lần thay đổi, kiện toàn tổ chức biên chế cơ quan Tổng cục và các đơn vị trực thuộc Tổng cục, cũng như hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu, quản lý, chỉ đạo công tác kỹ thuật của Tổng cục, hiện nay, tổ chức biên chế Tổng cục Kỹ thuật, gồm có: chỉ huy Tổng cục, Văn phòng, Bộ Tham mưu, Thanh tra Tổng cục, Ủy ban Kiểm tra Đảng; các cục: Chính trị, Hậu cần, Xe - Máy, Quân khí, Kỹ thuật - Binh chủng; các phòng: Tài chính, Khoa học quân sự, Thông tin Khoa học quân sự, Điều tra hình sự, Kinh tế; Tạp chí Kỹ thuật và Trang bị; Viện Kỹ thuật Cơ giới quân sự; Trường Đại học Trần Đại Nghĩa; các trường cao đẳng: Công nghệ và Kỹ thuật Ô-tô, Kỹ thuật miền trung, Nghề số 17; Xí nghiệp liên hợp Z751; các nhà máy: Z133, Z151, Z153 và Z45; Ban Quản lý Dự án 45; các tổng kho, kho và một số đơn vị bảo đảm.

Từ khi Tổng cục Kỹ thuật được chấn chỉnh, kiện toàn lại đến nay, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Tổng cục Kỹ thuật tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các mặt công tác kỹ thuật. Thường xuyên bảo đảm đầy đủ, kịp thời và đồng bộ vũ khí trang bị cho các đơn vị chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện và công tác. Thực hiện tốt chức năng tham mưu đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Nhà nước nhiều chủ trương, giải pháp chiến lược để quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác kỹ thuật, củng cố xây dựng ngành Kỹ thuật Quân đội vững mạnh, chủ động tạo nguồn vũ khí, trang bị kỹ thuật để tăng cường tiềm lực quốc phòng; chăm lo xây dựng và kiện toàn tổ chức lực lượng của Tổng cục. Chỉ đạo và hướng dẫn các cấp kỹ thuật triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án đầu tư chiều sâu công nghệ, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật hệ thống kho tàng, nhà máy, xí nghiệp, trạm xưởng sửa chữa quốc phòng trong Tổng cục và ngành Kỹ thuật. Những thành tựu nổi bật trên đã góp phần thúc đẩy các cấp nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kỹ thuật, bảo đảm tốt mọi yêu cầu cho xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trong giai đoạn hiện nay.

Đảng và Nhà nước tặng Tổng cục Kỹ thuật nhiều phần thưởng cao quý: 3 Huân chương Hồ Chí Minh, 1 Huân chương Sao vàng, 2 Huân chương Quân công, 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc; 21 tập thể và 4 cá nhân được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Trải qua 50 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, phát huy hiệu quả truyền thống “Chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường”, Tổng cục Kỹ thuật đã lập được nhiều thành tích xuất sắc, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đáp ứng đầy đủ yêu cầu chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu và công tác của lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng Quân đội hùng mạnh,góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, làm tròn nhiệm vụ quốc tế cao cả giúp cách mạng Lào và cách mạng Campuchia. Ghi nhận những thành tích đó, Đảng và Nhà nước tặng Tổng cục Kỹ thuật nhiều phần thưởng cao quý: 3 Huân chương Hồ Chí Minh, 1 Huân chương Sao vàng, 2 Huân chương Quân công, 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc; 21 tập thể và 4 cá nhân được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Nội dung: Nguyễn Văn Tùng
Trình bày: Ngô Hương
Ảnh: Báo QĐND; TTXVN