Tổng khởi nghĩa Tháng Tám
Một kỳ tích trong lịch sử
dân tộc Việt Nam
Tháng Tám mùa thu 1945, đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Đảng, của Ủy ban giải phóng dân tộc, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng, với quyết tâm to lớn, 25 triệu nhân dân ta từ bắc tới nam đã vùng lên làm cuộc tổng khởi nghĩa oanh liệt trên toàn quốc, tạo nên một kỳ tích trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Bối cảnh lịch sử của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám
Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp tiến hành khủng bố tàn khốc, thủ tiêu các quyền tự do dân chủ tối thiểu mà nhân dân ta đã giành được trong thời kỳ Mặt trận dân chủ. Năm 1940, Nhật vào Ðông Dương, nhân dân ta chịu cảnh "thân một cổ hai tròng nô lệ".
Các Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (11/1939), lần thứ 7 (11/1940) chủ trương đề cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Giữa lúc cao trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, ngày 28/1/1941, sau nhiều năm hoạt động ở nước ngoài, đồng chí Hồ Chí Minh trở về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng.
Hội nghị Trung ương lần thứ 8 họp tại Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng) từ ngày 10 đến 19/5/1941, do lãnh tụ Hồ Chí Minh chủ trì, đã hoàn chỉnh đường lối chỉ đạo chiến lược, đề cao hơn nữa vấn đề dân tộc, chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh, đoàn kết hết thảy mọi người Việt Nam yêu nước, tích cực chuẩn bị mọi điều kiện cho khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Tại Hội nghị này, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư của Ðảng.
Hội nghị Trung ương lần thứ 8 đã phát triển sáng tạo lý luận về cách mạng vô sản ở một nước thuộc địa; tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, có ý nghĩa quyết định vận động toàn Ðảng, toàn dân ráo riết chuẩn bị tiến tới Tổng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.
Trên cơ sở chuyển hướng chiến lược ấy, Ðảng ta từng bước bắt tay chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Về lực lượng chính trị, Ðảng phát triển mạnh mẽ các tổ chức cứu quốc, bố trí trên mọi địa bàn, tạo nên thế đứng vững chắc để khi thời cơ xuất hiện thì tiến hành khởi nghĩa giành thắng lợi.
Hội nghị Thường vụ Trung ương tháng 2/1943 chủ trương đẩy mạnh phát triển lực lượng chính trị ở các thành phố, đặc biệt trong giai cấp công nhân.
Cũng năm 1943, Ðảng công bố Ðề cương văn hóa Việt Nam nêu lên những nhiệm vụ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, tập hợp văn nghệ sĩ và trí thức vào Hội văn hóa cứu quốc cùng mục tiêu giải phóng dân tộc dưới ngọn cờ của Ðảng. Về lực lượng vũ trang, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ thị thành lập Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân vào ngày 22/12/1944.
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, Ðảng phát động phong trào kháng Nhật cứu nước trên toàn quốc. Khởi nghĩa từng phần nổ ra ở nhiều địa phương, các chiến khu, căn cứ địa được đẩy mạnh xây dựng. Tháng 4/1945, Hội nghị quân sự Bắc Kỳ do Ban Thường vụ Trung ương triệu tập ở Hiệp Hòa (Bắc Giang) "đặt nhiệm vụ quân sự lên trên tất cả các nhiệm vụ cần kíp khác". Theo đó, Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân được thống nhất thành Việt Nam giải phóng quân.
Nắm bắt thời cơ cách mạng, Hội nghị toàn quốc của Ðảng họp tại Tân Trào (từ ngày 13 đến 15/8/1945), đã kêu gọi toàn dân đứng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Ngày 16/8/1945, cũng tại Tân Trào, Ðại hội Quốc dân được triệu tập tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Ðảng, bầu Ủy ban dân tộc giải phóng do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, 25 triệu đồng bào ta, với tinh thần "đem sức ta mà giải phóng cho ta", đã nhất tề vùng lên giành chính quyền trong 15 ngày (từ 13 đến 28/8/1945), chấm dứt sự thống trị gần trăm năm của thực dân và hàng nghìn năm của phong kiến, thiết lập nền dân chủ cộng hòa.
Thủ đô ngày Tổng khởi
nghĩa toàn thắng
Trong di bút đăng trên Báo Nhân Dân ngày 18/8/2015, đồng chí Trần Quang Huy, tên thật là Vũ Ðức Huề (1922-1995), Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời Hà Nội trong 10 ngày ngắn ngủi (từ ngày 20 đến 30/8/1945, Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Nhân Dân (từ 1951-1953), kể lại:
“Từ sáng sớm ngày 19/8/1945, các đường phố Hà Nội tràn ngập cờ đỏ sao vàng. Cả Hà Nội xuống đường khởi nghĩa theo tiếng gọi của Việt Minh. Không những các nhà máy, công sở, tư sở nghỉ việc vì hôm ấy đúng vào ngày chủ nhật, mà cả các chợ búa, cửa hiệu đều đóng cửa, ô-tô, xe điện, xe kéo, xe đạp cũng không có một chiếc nào trên đường.
Công nhân các nhà máy trong nội thành và ở Gia Lâm, dưới sự hướng dẫn của cán bộ, công nhân cứu quốc, đã tập hợp thành đội ngũ trước cổng xí nghiệp, giương cao cờ đỏ sao vàng và biểu ngữ cách mạng, trong tay cầm vũ khí thô sơ hoặc công cụ lao động thay cho vũ khí, do các đội tự vệ công nhân dẫn đầu, rầm rập tiến về quảng trường Nhà hát Lớn, vừa đi vừa hô những khẩu hiệu cách mạng hoặc hát bài Tiến quân ca.
Từ ngoại thành, trên các ngả đường dẫn vào trung tâm thành phố, hàng vạn bà con nông dân, già trẻ gái trai, các đội tự vệ mang theo đủ các loại vũ khí, từ súng trường đến gươm, đao, mã tấu, câu liêm, hùng dũng tiến bước, tiếng hô khẩu hiệu từng đợt vang lên như sóng triều biển cả. Bà con vùng Láng, Mọc trước khi vào thành phố, đã hợp sức cùng dân nghèo Ngã Tư Sở chiếm lĩnh tòa Đại lý Hoàn Long, tịch thu vũ khí của Bảo an binh đóng ở đấy.
Nhân dân các phố nội thành, xếp hàng mười theo từng khối lớn, như phụ nữ, thanh niên, viên chức, học sinh, trí thức,... lần lượt tiến vào quảng trường, vừa đi vừa đồng thanh hô to khẩu hiệu, giương cao biểu ngữ và cờ đỏ sao vàng.
Bà con các phủ huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Đan Phượng, Hoài Đức, Gia Lâm, theo đúng lệnh của Xứ ủy, cũng nườm nượp kéo về Hà Nội tham gia khởi nghĩa.
Một chuyến xe điện đặc biệt chở Đoàn thanh niên xung phong Hoàng Diệu (lúc đó đã được chuyển thành đại đội du kích) từ chợ Mơ đến đầu phố Tràng Tiền. Toàn đội xếp theo hàng ba tiến về phía Nhà hát Lớn, súng trường khoác vai, súng ngắn cạnh sườn, một số đồng chí còn đeo kiếm dài bên mình như kiểu sĩ quan Nhật, một số khác tay cầm mã tấu, dẫn đầu có lá cờ đỏ sao vàng rộng khổ bằng xa-tanh viền tua óng ánh với hàng chữ thêu kim tuyến.
Lần đầu tiên trong đời, người Hà Nội thấy tận mắt một đơn vị bộ đội cách mạng. Suốt cả đoạn đường từ đầu phố Tràng Tiền đến Nhà hát Lớn đông nghịt quần chúng khởi nghĩa và rợp bóng cờ cách mạng, họ không ngớt hoan hô bộ đội, người vỗ tay, người tung mũ, người reo hò.
Hà Nội hôm ấy cực đẹp. Vòm trời trong xanh không gợn một chút mây. Nắng thu vàng óng như mật ong. Rừng cờ đỏ phấp phới bay trong gió lộng. Khí thế cách mạng bừng bừng trong từng đợt hô khẩu hiệu của quần chúng khởi nghĩa. Cuộc mít-tinh gồm 30 vạn người, bắt đầu trong không khí hào hùng chưa từng thấy.
Sau phút mặc niệm những chiến sĩ cách mạng đã lớp lớp hy sinh vì độc lập dân tộc từ ngày đất nước ta bị mất về tay thực dân Pháp, đồng chí Lê Trọng Nghĩa bắn ba phát súng báo hiệu lễ chào cờ, Đoàn nhạc cách mạng rầm rộ cử bài Tiến quân ca hoành tráng, được các loa phóng thanh phát đi vang vang trong thành phố. Lá cờ đỏ sao vàng được từ từ kéo lên cột cờ dựng ở giữa quảng trường. Trên bao-lơn Nhà hát Lớn, từ hai bên, lá cờ cách mạng rộng lớn buông xuống làm nền cho lễ đài cuộc mít-tinh, hàng vạn truyền đơn được tung ra, lượn bay theo gió, rồi hạ nhẹ giữa biển người…”
Giờ phút trọng đại trong mùa thu lịch sử của Thủ đô, đồng chí Trần Quang Huy, lúc đó lấy tên là Nguyễn Huy Khôi, Ủy viên Ủy ban quân sự cách mạng, được trao trọng trách là Chủ tịch UBND Cách mạng lâm thời Hà Nội.
Sau ba lần bị địch bắt vào tù, đầu năm 1945, từ Thanh Hóa ra Hà Nội, đồng chí Nguyễn Huy Khôi lao ngay vào cao trào tiền khởi nghĩa đang dâng lên sôi nổi khắp thành phố và công tác ở Ban công vận Xứ ủy.
Ðứng trước cơn bão lớn của cách mạng, Xứ ủy nhanh chóng quyết định thành lập Ủy ban quân sự cách mạng gồm năm đồng chí: Nguyễn Khang, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy; Nguyễn Huy Khôi, phụ trách Ban công vận Xứ ủy; Nguyễn Quyết, Bí thư Thành ủy, Lê Trọng Nghĩa, cán bộ Xứ ủy-Bí thư Ðảng đoàn của Ðảng Dân chủ; Nguyễn Duy Thân (tức Thân mỡ), Thành ủy viên.
Ngày 16/8/1945, tại số nhà 101 Gambetta (nay là Phố Trần Hưng Ðạo), đồng chí Nguyễn Khang công bố quyết định thành lập Ủy ban quân sự cách mạng của Xứ ủy và họp phiên đầu tiên, thống nhất chỉ đạo những việc cần làm ngay trong tình thế mới để có đủ thực lực chớp thời cơ khởi nghĩa thắng lợi.
Đồng chí Nguyễn Huy Khôi đã cùng với Ủy ban quân sự cách mạng chỉ đạo những vấn đề sống còn của cuộc khởi nghĩa.
Sáng 19/8/1945, dòng người từ Hà Ðông, Bắc Ninh, Ðông Anh và các làng xã ngoại thành cuồn cuộn chảy vào nội thành. Sắc áo nâu hòa cùng với sắc áo xanh công nhân, áo trắng học sinh, công chức. Tất cả như sóng trào, thác cuốn trong ngày khởi nghĩa. Sau lời giới thiệu của đồng chí Lê Trọng Nghĩa, thay mặt Ủy ban Quân sự cách mạng, đồng chí Nguyễn Huy Khôi lên khán đài đọc lời hiệu triệu của Việt Minh kêu gọi nhân dân đoàn kết muôn người như một đứng dậy khởi nghĩa.
Sau đó, theo kế hoạch đã định, cuộc mít-tinh lớn biến thành cuộc tuần hành thị uy; quần chúng có lực lượng vũ trang làm nòng cốt chia làm hai mũi lớn chiếm hai cơ quan đầu não quan trọng nhất của địch: Phủ Khâm sai, Trại Bảo an binh. Tòa Thị chính, Sở mật thám liên bang Ðông Dương, Hỏa Lò... ta đều đánh chiếm nhanh gọn. Từ Phủ Khâm sai, ta đã liên lạc với Huế và các tỉnh thành báo tin Hà Nội đã khởi nghĩa. Tin Hà Nội giành chính quyền bay đi làm nức lòng người, cổ vũ đồng bào, đồng chí các địa phương nhanh chóng vùng lên giành chính quyền.
Ngày 20/8, Ủy ban nhân dân cách mạng Hà Nội được thành lập. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Bắc Bộ cũng được tổ chức.
Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội có ý nghĩa hết sức lớn lao.
Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội đưa Tổng khởi nghĩa lên tầm cao mới, khẳng định sức mạnh của bạo lực cách mạng và phương pháp đấu tranh giành chính quyền theo tinh thần chủ động sáng tạo, mau lẹ; cổ vũ mạnh mẽ nhân dân cả nước khẩn trương tiến hành và kết thúc thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa.
Suốt hơn nửa thế kỷ, Hà Nội là thủ phủ của Đông Dương thuộc Pháp. Hà Nội khởi nghĩa thắng lợi có ý nghĩa tượng trưng cho sự sụp đổ của chế độ thực dân trên đất nước ta.
Khởi nghĩa thành công ở Hà Nội là một đòn chí mạng giáng vào chính quyền tay sai Nhật ở hầu khắp cả nước, đẩy chúng đến chỗ hoàn toàn tuyệt vọng, tan rã và đầu hàng cách mạng.
Hà Nội khởi nghĩa vào ngày 19/8, sớm hơn nhiều tỉnh khác là nhờ cuộc biểu tình ngày 17/8, ta biết thái độ của địch là co vào doanh trại; sáng kiến và anh dũng của nhân dân Hà Nội dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Hà Nội đã cướp ngay lấy thời cơ nổi dậy giành chính quyền (...). Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở miền bắc (gồm cả Hà Nội, Huế) là thắng lợi có tính chất quyết định của cuộc khởi nghĩa. Thắng lợi của miền bắc tạo điều kiện và cổ vũ nhân dân ở Nam Bộ và những vùng chưa giải phóng nổi dậy giành chính quyền không chậm trễ được nữa.
Khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội đã mở ra thời kỳ khởi nghĩa dồn dập trong phạm vi cả nước.
Huế - dinh lũy của nhà nước phong kiến bù nhìn về tay cách mạng
Sau Hà Nội, cuộc khởi nghĩa thành công ở Huế, dinh lũy của nhà nước phong kiến bù nhìn. Nhận rõ tầm quan trọng của Huế, Trung ương Đảng và Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên đã khẩn trương xúc tiến mọi công việc bảo đảm cho cuộc khởi nghĩa ở Huế nổ ra thắng lợi.
Ngay từ ngày 15/8/1945, được tin phát xít Nhật đầu hàng, quân Đồng minh sắp kéo vào Đông Dương, Tỉnh ủy Thừa Thiên lập tức triệu tập Hội nghị cán bộ toàn tỉnh quyết định phát động nhân dân nổi dậy giành chính quyền, thông qua kế hoạch lãnh đạo khởi nghĩa thắng lợi ở các huyện trong tỉnh để hỗ trợ cho thành phố Huế vùng dậy giành thắng lợi. Triển khai chủ trương của Hội nghị, từ ngày 17/8/1945, nhân dân các huyện trong tỉnh Thừa Thiên đã lần lượt đánh đổ chính quyền bù nhìn, lập chính quyền cách mạng.
Ngày 17/8/1945, phái viên của Trung ương đến Huế để giúp Tỉnh ủy Thừa Thiên lãnh đạo khởi nghĩa ở Huế.
Ngày 20/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh được thành lập gồm 5 ủy viên, do đồng chí Tố Hữu làm Chủ tịch. Công tác vận động Bảo Đại thoái vị, vận động nội các Trần Trọng Kim từ chức, vận động bảo an binh theo cách mạng được xúc tiến khẩn trương. Tin khởi nghĩa ở các huyện trong tỉnh thắng lợi, tin Hà Nội và các tỉnh Bắc Kỳ, Trung Kỳ giành chính quyền dồn dập vào Huế làm cho không khí cách mạng ngày càng sôi sục.
Trong “cơn hấp hối”, nội các Trần Trọng Kim định tổ chức một cuộc biểu tình vào ngày 23/8/1945 để hoan nghênh việc “thu hồi” Nam Kỳ vào “Tổ quốc Việt Nam”, hòng thăm dò dư luận, thăm dò uy tín của triều đình, gây thanh thế cho chính phủ bù nhìn và để thử sức Việt Minh.
Nhận được tin này, Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên quyết định chớp thời cơ để giành chính quyền vào ngày 23/8/1945. Để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa thắng lợi, từ chiều ngày 21/8/1945, Đảng bộ và Việt Minh Thừa Thiên - Huế tổ chức nhiều cuộc biểu tình thị uy trong thành phố. Đội tự vệ Phú Bình tiến hành bao vây đồn Mang Cá. Ngày 22/8/1945, quần chúng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Ủy ban khởi nghĩa tổ chức nhiều cuộc biểu tình thị uy tiến tới chiếm một số công sở của địch. Cờ Việt Minh phấp phới trên kỳ đài thay cho cờ quẻ ly.
Tối 22/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa gửi tối hậu thư buộc Bảo Đại phải thoái vị, trao chính quyền cho nhân dân. Nhận được tối hậu thư, Bảo Đại liền triệu tập “Nội các lâm thời” để bàn việc thoái vị. “Nội các lâm thời” đã thông qua bản dự thảo thoái vị của Bảo Đại và tuyên bố giải tán.
Đêm 22/8/1945, không khí khởi nghĩa sôi động trong thành phố. Các đội tự vệ lùng bắt những tên Việt gian đầu sỏ; bao vây, theo dõi chặt chẽ các tên phản động. Nhân dân thành phố náo nức chờ giờ nổi dậy.
Sáng 23/8/1945, cả thành phố Huế rực rỡ cờ đỏ sao vàng, 15 vạn nhân dân Huế cùng nhân dân các phủ, huyện theo kế hoạch tiến vào thành phố đã tràn ngập các khu phố, chật ních trên các ngả đường.
Dưới sự lãnh đạo của Ủy ban khởi nghĩa, quần chúng nhân dân tiến công chiếm nốt các cơ sở còn lại của chính quyền bù nhìn, rồi kéo về dự cuộc mít tinh khổng lồ tại sân vận động thành phố, mừng cách mạng thành công. Tại đây, Ủy ban Việt Minh và Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Thừa Thiên tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn, lập chính quyền cách mạng. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Thừa Thiên Huế ra đời.
Khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế thắng lợi nhanh chóng và không đổ máu.
Khởi nghĩa thành công ở Huế có ý nghĩa to lớn. Huế là dinh lũy của chế độ phong kiến và chính quyền bù nhìn. Khởi nghĩa thắng lợi ở Huế tượng trưng cho sự chấm dứt chế độ phong kiến hàng nghìn năm trên đất nước ta. Khởi nghĩa thắng lợi ở Huế đã bồi tiếp một đòn sấm sét vào chính quyền bù nhìn còn lại ở các tỉnh Nam Trung Bộ, động viên cổ vũ, tạo thêm sức mạnh tinh thần và uy thế cho nhân dân các tỉnh Nam Trung Bộ và cả ở Nam Bộ vùng lên.
Bằng cuộc khởi nghĩa thành công ở Huế, ta đã làm chủ một địa bàn cực kỳ quan trọng. Huế khởi nghĩa thắng lợi đã dẫn đến sự tuyên bố thoái vị của vị vua phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.
Đêm 23/8/1945, Ủy ban nhân dân Bắc Bộ từ Hà Nội điện vào yêu cầu Bảo Đại chính thức tuyên bố thoái vị. Ngày 24/8/1945, Bảo Đại điện trả lời Ủy ban đồng ý tuyên bố thoái vị và “mong ước” Chủ tịch Ủy ban về Huế để trao quyền.
Chiều 28/8/1945, nhân dân Huế đón Phái đoàn của Chính phủ cách mạng lâm thời' do đồng chí Trần Huy Liệu làm Trưởng đoàn vào Huế để chứng kiến Bảo Đại thoái vị và thu ấn kiếm.
Đến 16 giờ ngày 30/8/1945, hàng vạn nhân dân Huế tụ họp tại Ngọ Môn chứng kiến một sự kiện lịch sử trọng đại: Bảo Đại đọc chiếu thoái vị “nhường quyền điều khiển quốc dân lại cho một chính phủ cộng hòa” và tuyên bố “lấy làm vui được làm dân tự do của một nước độc lập”; rồi trao ấn kiếm cho đại diện của Chính phủ lâm thời. Trong không khí nghiêm trang, cờ quẻ ly bị hạ xuống, cờ đỏ sao vàng được kéo lên, đại diện Chính phủ lâm thời nước Việt Nam tuyên bố xóa bỏ chính thể quân chủ ở Huế cũng như trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, công bố chính sách của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sự kiện Bảo Đại tuyên bố thoái vị có một ý nghĩa quan trọng, chính thức đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền phong kiến lỗi thời; nhân dân ta đã thực hiện được một bước quan trọng của đường lối cách mạng dân chủ mà Đảng ta đề ra từ năm 1930. Việc Bảo Đại tuyên bố thoái vị cũng đã triệt tiêu một đầu mối mà các thế lực đế quốc, phản động muốn duy trì, sử dụng để mưu toan chống phá chính quyền cách mạng, đặt lại ách thống trị lên đất nước ta.
Những thắng lợi ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nhất là ở Hà Nội và Huế, ảnh hưởng vang dội rất mạnh, nhân dân cách mạng buộc Bảo Đại thoái vị, chính quyền bù nhìn buộc phải đầu hàng ở Bắc Bộ và Trung Bộ, làm cho địch ở Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ càng thêm hoang mang, phân hóa sâu sắc và tan rã.
Khởi nghĩa ở Huế (ngày 23/8/1945) đánh dấu một bước chuyển biến mới của Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, thúc đẩy các địa phương tiếp tục nổi dậy giành chính quyền.
Cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn đưa Tổng khởi nghĩa Tháng Tám
lên tới đỉnh cao
Thắng lợi dồn dập của khởi nghĩa ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ đã tiếp thêm sinh khí cho phong trào cách mạng ở Nam Kỳ và Sài Gòn đến lúc chín muồi.
Gần một tuần sau khởi nghĩa ở Hà Nội thắng lợi, cơn bão táp cách mạng bùng lên ở Sài Gòn - một trong những địa bàn chiến lược quan trọng của đất nước ta.
Vừa được tin Nhật đầu hàng, Xứ ủy Nam Kỳ lập tức thành lập Ủy ban khởi nghĩa vào ngày 15/8/1945. Ủy ban khởi nghĩa gồm các ủy viên: Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu (Chủ tịch), Nguyễn Văn Trấn (Phó Chủ tịch), Huỳnh Văn Tiểng (Thường trực), Nguyễn Văn Tư (Thường trực), Hoàng Đôn Văn và Kiều Công Cung; đặt trụ sở tại đường Côlômbe (Sài Gòn).
Tối 16/8/1945, Xứ ủy triệu tập Hội nghị mở rộng tại Chợ Đệm (Chợ Lớn) bàn về khởi nghĩa. Đại đa số các đồng chí tham gia Hội nghị đồng ý khởi nghĩa, nếu không sẽ bỏ lỡ thời cơ; có một số đồng chí không tán thành vì sợ Nhật đàn áp.
Sau khi tranh luận thẳng thắn, với tinh thần thận trọng, Hội nghị quyết định: xúc tiến việc hoàn thiện chuẩn bị khởi nghĩa; đưa Việt Minh ra công khai, sẵn sàng chờ tin Hà Nội; hễ Hà Nội khởi nghĩa thì Xứ ủy họp lại lập tức để quyết định ngày khởi nghĩa ở Sài Gòn và chỉ định Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ.
Sau Hội nghị của Xứ ủy, công việc chuẩn bị khởi nghĩa được tiến hành rất khẩn trương ở Sài Gòn. Số lượng các đội Công đoàn xung phong và Thanh niên Tiền Phong được tăng cường. Các đội tự vệ được trang bị thêm vũ khí.
Để thăm dò thái độ và tác động đến quân đội Nhật ở Sài Gòn, Xứ ủy cử các đồng chí Phạm Ngọc Thạch và Ngô Tấn Nhơn đến Tổng hành dinh Đông Nam Á của Nhật để giải thích đường lối của Mặt trận Việt Minh, yêu cầu quân đội Nhật không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Sáng ngày 19/8/1945, 50.000 đoàn viên Thanh niên Tiền Phong tổ chức tuyên thệ lần thứ hai tại vườn Ông Thượng để biểu dương lực lượng. Chiều tối 20/8/1945, tại rạp hát Nguyễn Văn Hảo, Việt Minh trình bày chương trình hành động, hô hào quần chúng đứng lên giành độc lập dưới cờ Việt Minh. Cờ đỏ sao vàng, cờ đỏ búa liềm xuất hiện ở nhiều nơi.
Ngày 20/8/1945, Việt Minh ra công khai ở thành phố Sài Gòn. Cùng ngày, tin Hà Nội khởi nghĩa thắng lợi truyền vào như luồng điện gây chấn động cả thành phố.
Sáng 21/8/1945, trong khi hàng chục xe loa cắm cờ đỏ sao vàng chạy khắp thành phố Sài Gòn thì Hội nghị mở rộng Xứ ủy Nam Kỳ lại được triệu tập tại Chợ Đệm để định ngày giờ phát lệnh khởi nghĩa và chỉ định Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ. Trong Hội nghị này, chủ trương và kế hoạch khởi nghĩa vẫn chưa được nhất trí cao trong Xứ ủy. Do đó, Hội nghị quyết định cho Tân An khởi nghĩa thí điểm trong đêm 22 rạng ngày 23/8/1945 để thăm dò phản ứng của Nhật.
Đồng thời, Hội nghị Xứ ủy mở rộng tại Chợ Đệm tiếp tục họp định ngày giờ và cách thức khởi nghĩa ở thành phố Sài Gòn; huy động lực lượng nông dân “vành đai đỏ” vũ trang kéo vào thành phố.
Ngày 22/8/1945, Ban Trung ương Thanh niên Tiền Phong ra tuyên bố đứng trong Mặt trận Việt Minh và sẽ tranh đấu với ba khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập”, “Chính phủ dân chủ cộng hòa” và “Chính quyền về tay Việt Minh”.
Sáng ngày 23/8/1945, được tin Tân An đã khởi nghĩa thành công nhanh gọn mà quân Nhật không phản ứng gì, Hội nghị Xứ ủy mở rộng lập tức quyết định: “Tối 24 phát động khởi nghĩa giành chính quyền, ngày 25 huy động chừng một triệu nhân dân nội, ngoại thành và các tỉnh lân cận, chủ yếu là Gia Định, Chợ Lớn, có cả Tân An, Biên Hòa, Thủ Dầu Một và đoàn các tỉnh lên dự để rút kinh nghiệm và lãnh chỉ thị mới, tất cả làm tổng biểu tình vũ trang xem như hoàn thành việc giành chính quyền ở Thủ phủ miền Nam”. Ủy ban hành chính Nam Bộ được chỉ định gồm 9 ủy viên.
Cũng trong ngày 23/8/1945, Việt Minh thành phố vận động nhân dân tẩy chay cuộc biểu tình do chính quyền bù nhìn và lực lượng phản động trong cái gọi là Mặt trận quốc gia thống nhất tổ chức để đón Nguyễn Văn Sâm vào Nam Bộ thực thi “chức trách Khâm sai đại thần”.
Tối 23/8/1945, tại trụ sở Thanh niên Tiền Phong ở số 14 đại lộ Sácnê (Charner), trước đại biểu các đảng phái, Việt Minh trân trọng giới thiệu chương trình hành động, kêu gọi toàn dân đoàn kết, quyết tâm giành độc lập, tự do; khẩu hiệu “Chính quyền về tay Việt Minh” được tất cả các đảng phái, tổ chức tôn giáo nhiệt liệt tán thành.
Sáng ngày 24/8/1945, một lá cờ búa liềm bay phấp phới trên nóc nhà số 272 đường Sátxơlu Lôba (Chasseloup Laubat).
Quần chúng nhân dân tụ họp đông đảo ngắm nhìn cờ Đảng.
Ngày 24/8/1945, Ban Trung ương Liên đoàn Công chức Nam Bộ ra thông báo có tính chất “mệnh lệnh”, yêu cầu tất cả các công chức ở Nam Bộ phải cộng tác với Việt Minh.
Từ chiều ngày 24/8/1945, khắp thành phố Sài Gòn hừng hực khí thế khởi nghĩa. Các khẩu hiệu “Bảo Đại thoái vị”, “Nguyễn Văn Sâm từ chức”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập”, “Chế độ dân chủ cộng hòa”, “Chính quyền về tay Việt Minh, “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm” được đăng trên các báo, in trên truyền đơn, áp phích phổ biến khắp thành phố.
Việt Minh công khai kêu gọi nhân dân tham gia cuộc mít tinh ngày 25/8/1945.
Đúng như kế hoạch đã định, 18 giờ ngày 24/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa phát lệnh khởi nghĩa.
Chấp hành lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, từ 20 giờ, các đội Thanh niên Tiền Phong xung kích gồm hàng nghìn đội viên ưu tú, đa số là đoàn viên Tổng Công đoàn mà nòng cốt là các đảng viên cộng sản, được vũ trang triển khai lực lượng đánh chiếm các cơ sở trọng yếu trong thành phố như: Kho bạc, Nhà máy đèn, Nhà máy nước, Sở Bưu điện, dinh Thống đốc Nam Kỳ, Sở Chữa cháy, Sở Công an, các đầu cầu vào Sài Gòn, các bốt cảnh sát, các vùng lân cận trại lính Nhật, khu Pháp kiều, khu vực trại lính Pháp,... Trong lúc các đội xung kích chiếm các công sở thì thanh niên, công nhân có vũ trang trên các xe cam nhông cắm cờ chạy khắp thành phố để cổ động và phòng ngừa bọn lưu manh, phản động.
Đến 22 giờ ngày 24/8/1945, tất cả bộ máy cai trị của chính quyền bù nhìn trong thành phố đã về tay cách mạng, trừ dinh Toàn quyền, cảng Hải quân, Đông Dương Ngân hàng, sân bay Tân Sơn Nhất vì Nhật không chịu nhượng bộ. Khâm sai Nguyễn Văn Sâm bị bắt tại dinh Khâm sai lúc 22 giờ cùng ngày. Trước 0 giờ ngày 25/8/1945, một cây cột cao, mỗi bề 2m, bao vải đỏ ghi tên 9 ủy viên Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ được dựng lên tại ngã tư Sácnê - Bôna (Bonard).
Cũng từ nửa đêm 24/8, hàng chục vạn quần chúng nhân dân từ các vùng ngoại thành Bà Điểm, Hóc Môn, Bình Đông, Bình Xuyên, Chợ Đệm..., từ các tỉnh Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Mỹ Tho, với băng cờ, gậy gộc, dao găm, giáo, mác, súng,... ồ ạt tiến vào thành phố Sài Gòn. Cả thành phố vang lên những tiếng hát, tiếng hô khẩu hiệu: “Đả đảo Khâm sai Nguyễn Văn Sâm”, “Chính quyền về tay Việt Minh”, “Việt Nam độc lập muôn năm”,...
Rạng sáng ngày 25/8/1945, Sài Gòn bừng dậy trong không khí cách mạng hào hùng. Các đường phố tràn ngập cờ, biểu ngữ. Tiếng hô khẩu hiệu quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do vang dội trong thành phố. Cuộc biểu tình tuần hành vĩ đại của quần chúng bắt đầu từ nhà thờ Đức Bà diễu qua các đường phố Catina (Catinat), Bengíchcơ (Belgique), Kítsơnê (Kitchener), Bôna, hội tụ trước dinh Đốc lý thành phố, nơi được chọn làm trụ sở của Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ.
Từ trên bao lơn của trụ sở, đồng chí Phạm Ngọc Thạch thay mặt Kỳ bộ Việt Minh Nam Kỳ công bố danh sách Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ; Bí thư Xứ ủy, Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Trần Văn Giàu báo cáo tình hình khởi nghĩa trong toàn quốc, yêu cầu đồng bào hoàn thành cuộc khởi nghĩa bằng sự phê chuẩn danh sách Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ, kêu gọi nhân dân quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do. Đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn thay mặt Xứ ủy đọc lời kêu gọi nhân dân quyết tâm ủng hộ, bảo vệ cách mạng.
Trong không khí hào hùng, đồng chí Nguyễn Lưu, đại diện Tổng Công đoàn Nam Bộ, đọc lời hứa của giai cấp công nhân, nhân dân lao động cùng toàn thể nông dân sát cánh bên nhau quyết giữ vững chính quyền cách mạng.
Cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn thành công rực rỡ.
Các vũ khí quân và dân ta sử dụng chiến đấu với quân Nhật, Pháp trong những năm 1944-1945 (Ảnh chụp tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)
Các vũ khí quân và dân ta sử dụng chiến đấu với quân Nhật, Pháp trong những năm 1944-1945 (Ảnh chụp tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)
Thắng lợi của khởi nghĩa ở Sài Gòn có một vị trí quan trọng trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Thắng lợi đó như một tiếng bom làm rung chuyển cả vùng nông thôn Nam Bộ, làm chính quyền địch ở 15 tỉnh chưa khởi nghĩa hoảng loạn. Cuộc khởi nghĩa ở phủ thủ miền Nam đã động viên, cổ vũ toàn thể nhân dân Nam Bộ vùng lên. Cuộc khởi nghĩa như “phát súng lệnh” cho các địa phương Nam Bộ giành chính quyền kịp thời, không đổ máu.
Nếu như cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội mở đầu và quyết định trong việc triển khai và thắng lợi của Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc thì khởi nghĩa ở Sài Gòn quyết định thắng lợi của Tổng khởi nghĩa ở Nam Bộ, đưa Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 của nhân dân ta đến thành công rực rỡ.
Thắng lợi của Tổng khởi nghĩa ở Sài Gòn đặt dấu chấm hết chế độ phát xít, bù nhìn ở nước ta, đồng thời tạo điều kiện cho việc chuẩn bị bảo vệ thành quả cách mạng vĩ đại của nhân dân ta trước âm mưu và hành động xâm lược của thực dân Pháp và các thế lực đế quốc khác.
Cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn đêm 24 rạng ngày 25/8/1945 đã đưa Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 lên tới đỉnh cao.
Sau khi những vị trí chiến lược như Hà Nội, Huế, Sài Gòn cùng đại bộ phận các địa phương đã khởi nghĩa thành công, cuộc Tổng khởi nghĩa của nhân dân ta chuyển vào giai đoạn kết thúc.
Cách mạng Tháng Tám 1945 là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn, nghệ thuật lãnh đạo khởi nghĩa vũ trang tài tình của Ðảng, phát triển và làm phong phú lý luận cách mạng giải phóng dân tộc.
Ngày 22/8/1945, Bác Hồ rời Tân Trào về Hà Nội; ngày 27/8/1945, Người triệu tập cuộc họp Ủy ban dân tộc giải phóng đề nghị thành lập Chính phủ lâm thời. Bác Hồ được bầu làm Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Ðình, Hà Nội, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước CHXHCN Việt Nam.
Ngày xuất bản: 19/8/2022
Chỉ đạo: Ngọc Thanh
Tổ chức: Hồng Vân
Trình bày: Hải Bình
Đồ họa: Bông Mai
Ảnh: Thành Đạt, TTXVN, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Nguồn dữ liệu: Báo Nhân Dân; Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 1 (1930-1945), Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật; Bài giải đáp của đồng chí Trường Chinh về Cách mạng Tháng Tám, tại Trường Nguyễn Ái Quốc, tháng 4/1963,Tài liệu được lưu tại Viện Lịch sử Đảng; Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam do Ban Tuyên giáo phát hành.