TRÁCH NHIỆM CHÍNH TRỊ
CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN

Ngày 17/1, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, đã đồng ý để đồng chí thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021-2026. Ngày 18/1, tại kỳ họp bất thường lần thứ ba, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước, cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với đồng chí Nguyễn Xuân Phúc. Sự kiện này được dư luận quan tâm. Chúng tôi trích đăng một số ý kiến về chủ đề trên.

Thể hiện rõ
trách nhiệm người lãnh đạo

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. Ở nhiệm kỳ này, trên cương vị của mình, đồng chí có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Tuy nhiên, cũng trong nhiệm kỳ, có 2 đồng chí Phó Thủ tướng, 3 Bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng, nhiều cán bộ bị xử lý hình sự. Theo đó, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc chịu trách nhiệm chính trị của người lãnh đạo, người đứng đầu.

Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc Bác Hồ để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, điều đầu tiên “Trước hết nói về Đảng...”, Người căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi Đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, phải thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

Gần đây, Trung ương Đảng cho một số cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước thôi giữ chức vụ là dấu hiệu tích cực, cho thấy Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; phương châm công tác cán bộ “có lên có xuống, có vào có ra”, “không có ngoại lệ, không có vùng cấm” đã sớm đi vào thực tiễn, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
PGS Đặng Quốc Phòng

Thực tế từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, cùng với quá trình hoàn thiện thể chế, hoàn thiện bộ máy tinh gọn, hiệu lực hiệu quả, trong đó xây dựng đội ngũ cán bộ “là then chốt của then chốt”, coi trọng cán bộ quản lý cấp chiến lược là một trong những đột phá. Gần đây, Trung ương Đảng cho một số cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước thôi giữ chức vụ là dấu hiệu tích cực, cho thấy Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; phương châm công tác cán bộ “có lên có xuống, có vào có ra”, “không có ngoại lệ, không có vùng cấm” đã sớm đi vào thực tiễn, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Mặt khác, chủ trương này của Đảng yêu cầu cán bộ, đảng viên dù ở cương vị nào cũng luôn tự vấn trách nhiệm chính trị của mình. Khi tự thấy không còn đủ điều kiện, không thể làm tròn trách nhiệm được giao, tự nguyện xin thôi các chức vụ đang đảm nhiệm, như vậy là thể hiện trách nhiệm, tính nêu gương của cán bộ, đảng viên trước Đảng và nhân dân.

PGS Đặng Quốc Phòng
(Phường Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng)

Chú trọng thực hiện tốt
chủ trương
kiểm soát quyền lực

Việc Trung ương Đảng và Quốc hội thực hiện quy trình cho thôi các chức vụ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, trước đó là đồng chí Phạm Bình Minh, đồng chí Vũ Đức Đam và các đồng chí khác đã cho thấy sự đồng thuận cao trong Đảng, Nhà nước và nhân dân. Từ đó, chúng ta cũng thấy rõ một bài học, cán bộ, đảng viên cần tu dưỡng, học tập, rèn luyện suốt đời, bất luận ở cương vị nào. Quá trình này trước hết là sự tự giác. Nếu không như vậy, cán bộ lãnh đạo dù tốt đến đâu, dù giàu kinh nghiệm đến đâu mà xao nhãng trách nhiệm, kỷ cương, nhẹ thì xói mòn uy tín, hơn nữa không còn đủ điều kiện đáp ứng trọng trách được giao. Thực hiện nghiêm trách nhiệm chính trị cũng chính là việc tự giác nhận trách nhiệm đối với những sai phạm của đơn vị, cấp dưới mình phụ trách.

Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ đã quy định: “Miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng”. Nguyện vọng xin thôi chức, từ chức cũng là một việc làm “nêu gương”, tự phê bình và phê bình gắn liền với trọng trách được giao trước Đảng, trước nhân dân.

Để việc thực thi trách nhiệm chính trị được thuận lợi, cần sớm thể chế hóa, cụ thể hóa các quy định của Đảng về miễn nhiệm, từ chức thành luật và các văn bản dưới luật, từ đó tạo chuyển biến thực sự, đạt kết quả cao hơn nữa trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Cần nâng cao năng lực tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, trong đó có chủ trương kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, bảo đảm việc kiểm soát quyền lực trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, nhất là các cơ quan quản lý nhà nước, những lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực.

TS Khổng Đức Thiêm
(Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

Kỳ họp bất thường lần thứ 3, Quốc hội khóa XV

Kỳ họp bất thường lần thứ 3, Quốc hội khóa XV

Cán bộ
giữ chức vụ càng cao
càng phải nêu gương

Việc Đảng ta giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, cho cán bộ, đảng viên thôi giữ chức vụ, dù ở cương vị nào là để góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, là việc làm thường xuyên ngay từ khi Đảng mới ra đời. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn, nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn liền công tác cán bộ.

Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những nhiệm kỳ gần đây, Trung ương Đảng đã cụ thể hóa bằng nhiều quy định, chỉ thị, kết luận quan trọng. Gần đây công tác này càng được Đảng ta quan tâm, đổi mới với chủ trương không chờ đến lúc để xảy ra sai phạm lớn, hậu quả nghiêm trọng mới xem xét, kỷ luật cán bộ, đảng viên mà xem xét năng lực, uy tín ngay trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; trong đó đề cao trách nhiệm người đứng đầu và tính tự giác với các hình thức từ chức, miễn nhiệm...

Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu: Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương. Quy định số 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc từ chức, miễn nhiệm đối với cán bộ, đảng viên cũng xác định cụ thể những căn cứ từ chức, miễn nhiệm đối với cán bộ, đặc biệt là liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu. Tại Thông báo kết luận số 20-TB/TW, ngày 8/9/2022 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật cũng khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách do năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức.

Những quy định, kết luận trên của Trung ương đã nhanh chóng đi vào cuộc sống. Nhiều cán bộ, đảng viên cấp cao của Đảng đã tự giác có đơn xin thôi giữ chức vụ, từ chức, được Đảng miễn nhiệm. Do vậy, gần đây việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp để cho ý kiến việc kỷ luật, miễn nhiệm, thôi chức vụ một số cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ là hoàn toàn phù hợp với tinh thần về trách nhiệm nêu gương cũng như các quy định của Đảng. Những quyết định này không chỉ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực mà còn bồi đắp mạnh mẽ niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Hiện chủ trương đổi mới mạnh mẽ này của Đảng trong công tác cán bộ đang được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm đặc biệt và coi đây là một giải pháp đột phá trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Vũ Ngọc Cường
(Phường Cẩm Thủy, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh)

Niềm tin của người dân
vào Đảng
được củng cố mạnh mẽ hơn

Gần đây, việc một số đồng chí lãnh đạo cấp cao xin thôi tất cả những chức vụ được giao cho thấy trách nhiệm chính trị của những người đứng đầu đang được quan tâm, kiểm soát và thực hiện nghiêm túc. Tôi nghĩ là người đứng đầu, nhất là những đảng viên giữ chức vụ càng cao càng cần phải nêu gương trong việc thực hiện kỷ luật, quy định của Đảng. Qua từng giai đoạn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu, cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, vẫn có nhiều nơi cấp dưới, tập thể sai phạm nhưng người đứng đầu không bị xử lý, không thể hiện trách nhiệm của mình đối với những sai phạm tại đơn vị được giao quản lý, phụ trách. Chính vì thế, việc những đồng chí lãnh đạo cấp cao xin từ chức và nghỉ hưu thời gian gần đây đã tạo nên bước chuyển mới trong công tác cán bộ ở nước ta. Việc này tạo tiền lệ quan trọng mang tinh thần kỷ cương, đổi mới nhằm gìn giữ sự trong sạch, vững mạnh của Đảng và hệ thống chính trị.

Thiết nghĩ, trong từng cơ quan, đơn vị, trong cả hệ thống chính trị, cấp ủy các cấp cần tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, trước hết là chấn chỉnh kịp thời những dấu hiệu sai phạm, tránh để gây ra những hậu quả lớn, gây thiệt hại, ảnh hưởng đến hình ảnh của đất nước.

Muốn đạt được điều này, từng cấp ủy, người đứng đầu phải thật sự công tâm, nghiêm khắc trong việc lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ. Làm sao xây dựng được đội ngũ cán bộ cấp chiến lược vừa có tâm, có tài, có bản lĩnh không để tình riêng át việc chung, để cống hiến hết mình. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm cán bộ dù ở cấp nào, không đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, của nhân dân lên trên hết. Đồng thời tiếp tục đề cao, tôn vinh những cán bộ, đảng viên hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Quá trình trên cũng chính là tăng cường củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Vũ Thúy Hòa
Bí thư Chi bộ 9, Đảng bộ Phường 9, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh

Kỳ họp bất thường lần thứ 3, Quốc hội khóa XV

Kỳ họp bất thường lần thứ 3, Quốc hội khóa XV

Quyết định đúng đắn,
không có ngoại lệ,
không có vùng cấm

Việc Trung ương Đảng họp và ngay ngày hôm sau Quốc hội làm việc để quyết định cho đồng chí Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ và nghỉ hưu là việc làm rất kịp thời, đúng đắn. Chúng tôi đánh giá cao quyết định này, thể hiện quyết tâm thực thi nghiêm túc trách nhiệm chính trị của người lãnh đạo, người đứng đầu đối với những sai phạm của cấp dưới. Chúng ta làm một cách quyết liệt như vậy sẽ tạo sự lan tỏa lớn, để mọi cán bộ, đảng viên luôn ý thức về trách nhiệm chính trị của mình.

Chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN vì lợi ích của nhân dân. Muốn vậy, từ công dân có chức vụ cao nhất đến những người bình thường đều phải chấp hành, thượng tôn pháp luật, không có ngoại lệ nếu vi phạm, dù có đang giữ cương vị quan trọng đến đâu. Bác Hồ của chúng ta đã nhìn thấy rất rõ tính hai mặt của quyền lực, nên Người luôn coi việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc thường xuyên của Đảng. Người từng căn dặn: Một dân tộc, một đảng viên và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân.

Từ thực tiễn và bài học về công tác xây dựng Đảng, chúng ta cần kiên trì mục tiêu xây dựng, chỉnh đốn Đảng, với quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn để Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, không ngừng củng cố, tăng cường niềm tin của đảng viên, nhân dân vào Đảng, củng cố khối đại đoàn kết, thống nhất xây dựng đất nước ngày càng phát triển, phồn vinh, hạnh phúc.

Từ thực tiễn và bài học về công tác xây dựng Đảng, chúng ta cần kiên trì mục tiêu xây dựng, chỉnh đốn Đảng, với quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn để Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, không ngừng củng cố, tăng cường niềm tin của đảng viên, nhân dân vào Đảng, củng cố khối đại đoàn kết, thống nhất xây dựng đất nước ngày càng phát triển, phồn vinh, hạnh phúc.
PGS, TS Nguyễn Chí Mỳ

PGS, TS Nguyễn Chí Mỳ
Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội

Biểu hiện trách nhiệm cao nhất
của người đứng đầu
cần được phát huy

Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội đã tiến hành xem xét, chấp thuận nguyện vọng của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về việc thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác, nghỉ hưu là biểu hiện cao nhất về nêu gương thực hiện trách nhiệm chính trị của người đứng đầu. Cụ thể là trách nhiệm chính trị người đứng đầu khi để nhiều cán bộ cấp dưới, trong đó có 2 đồng chí Phó Thủ tướng, 3 Bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 đồng chí Phó Thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 Bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự.

Khi đại dịch Covid-19 hoành hành, để ổn định cuộc sống, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của người dân, rất nhiều việc chưa có tiền lệ buộc những người có trách nhiệm phải cân nhắc, quyết định. Đó cũng chính là lúc người cán bộ lãnh đạo phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của đất nước, vì nhân dân. Trong thực tế, đã có nhiều đồng chí với chức trách, nhiệm vụ của mình đã nỗ lực điều hành đạt kết quả trong công tác phòng, chống dịch và bảo đảm an sinh xã hội.

Nhưng bên cạnh đó cũng có những người mắc vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận nhân dân rất bức xúc. Liên quan sai phạm tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (vụ Việt Á) và sai phạm tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao (vụ chuyến bay giải cứu), nhiều cán bộ đã bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự. Rút ra từ những vụ việc này vẫn là bài học về công tác cán bộ. Cán bộ không đủ phẩm chất hoặc thoái hóa, biến chất, thiếu năng lực lãnh đạo, không bảo đảm được nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện không nghiêm quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát… ắt sẽ dẫn đến những sai phạm.

Do đó, để có được đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, song song với đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng ta ngày càng siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác cán bộ với các quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, về miễn nhiệm, từ chức, về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu, ứng cử…, trong đó đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ.

Bởi vậy, có thể thấy đồng chí Nguyễn Xuân Phúc xin thôi giữ các chức vụ chính là việc thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về công tác cán bộ, là sự nêu gương của người đứng đầu về trách nhiệm chính trị quan trọng này trước Đảng, trước nhân dân. Đây cũng là sự thể hiện quyết tâm chính trị của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, củng cố lòng tin của nhân dân vào đường lối của Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Mong rằng tinh thần trách nhiệm này tiếp tục lan tỏa mạnh tới tất cả các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trong cả nước nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có đức, có tài, vì nước, vì dân.

Có thể thấy đồng chí Nguyễn Xuân Phúc xin thôi giữ các chức vụ chính là việc thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về công tác cán bộ, là sự nêu gương của người đứng đầu về trách nhiệm chính trị quan trọng này trước Đảng, trước nhân dân. Đây cũng là sự thể hiện quyết tâm chính trị của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, củng cố lòng tin của nhân dân vào đường lối của Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội
Bà Đỗ Thị Thục

Đỗ Thị Thục
(Đảng viên 55 tuổi Đảng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định)