Trách nhiệm
của công dân số
Không thể vận hành chính phủ số, chính quyền số hoàn hảo nếu không có những công dân số trau dồi đủ kỹ năng và ý thức chấp hành pháp luật cũng như tinh thần tuân thủ các chuẩn mực của cộng đồng.
Bắt đầu với câu hỏi tại sao?
Cách đây gần 8 năm tôi đã xin Tập đoàn FPT được sang Singapore làm việc, khi biết tin FPT có tham gia các dự án chuyển đổi số của Chính phủ Singapore và các tập đoàn lớn. Chuyến xuất ngoại ấy thêm dữ liệu giúp tôi tự trả lời nhiều câu hỏi, rằng tại sao các nước phát triển như Singapore lại có năng suất lao động gấp nhiều lần Việt Nam; tại sao từ một làng chài ven biển, Singapore trở thành quốc đảo phát triển kinh tế vượt trội sau khi giành được độc lập; làm sao để sản phẩm phần mềm gia công tại Việt Nam đạt được chất lượng cao hơn khi giao cho khách hàng ở nước ngoài... Tôi cũng phần nào hiểu được cách họ đã đầu tư vào công nghệ và giáo dục, để trở thành một con rồng châu Á...
Ban ngày đi làm trong những tòa nhà văn phòng bật máy lạnh mát rượi để tăng độ tập trung, buổi tối dạo bộ trên những góc phố xa hoa nhộn nhịp sạch bong không rác, với hệ thống giao thông công cộng như tàu điện ngầm, xe bus luôn đúng giờ tới từng giây, cực kỳ nhịp nhàng dù dòng người đông nghẹt, hối hả; tôi nhận ra đây là thành phố được xây dựng để mang lại sự tiện lợi, an toàn và nhanh chóng cho cư dân trong từng điểm chạm di chuyển. Một thành phố camera khắp mọi nơi thay thế lực lượng chức năng và trợ giúp người dân từ xa. Một thành phố bạn có thể di chuyển tới bất cứ đâu chỉ bằng một thẻ từ và không cần tiền mặt, không trạm thu phí trên đường cao tốc.
Tìm ra vấn đề và giải quyết vấn đề đó
Một xã hội phát triển luôn đặt người dân vào trung tâm và giải quyết những vấn đề phục vụ cộng đồng phát triển bền vững. Đó cũng là mô hình phát triển kinh tế thành công của các doanh nghiệp đặt khách hàng vào trung tâm, tìm và giải quyết những vấn đề của họ. Một quốc gia đổi mới sáng tạo, một xã hội thịnh vượng thì chìa khóa chính là thực thi những cuộc cách mạng tân tiến nhằm mang lại giá trị tốt đẹp hơn cho con người thông qua nền tảng tri thức giáo dục, công nghệ và cơ chế. Đó là bí quyết thành công của Singapore và những nền kinh tế mới nổi như Việt Nam. Khi độ mở kinh tế càng cao, tốc độ thích ứng của chính phủ cũng như người dân càng phải nhanh chóng, quyết liệt và kiên định.
Triết lý căn bản của nền kinh tế số là áp dụng công nghệ, cải tiến quy trình để gia tăng năng suất lao động, an ninh và cường thịnh quốc gia, dựa vào dữ liệu lớn để dự đoán ra những mô hình phát triển kinh tế mới bền vững mang lại nhiều giá trị cho người dân. Đó là lý do tại sao Thủ tướng cũng như các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã coi dữ liệu là tài nguyên quốc gia cần được bảo vệ. Sức mạnh của dân tộc như câu chuyện bó đũa, nếu từng người đứng riêng lẻ thì sức yếu, nhưng khi đoàn kết lại thì là vô cùng to lớn. Tốc độ chuyển đổi số cũng vậy, có thể Việt Nam là một quốc gia phát triển sau các cường quốc, nhưng khi được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế và đứng trên vai những người khổng lồ thì lại rút ngắn được thời gian để đi nhanh hơn. Thế hệ trẻ, những người dân đã nắm bắt công nghệ tốt chính là những thành viên xung kích của chuyển đổi số, giúp hướng dẫn những người chậm hơn tại từng nhà, từng tổ dân phố. Việt Nam cũng đã có bộ công cụ đo lường tính hiệu quả của chuyển đổi số dân cư, doanh nghiệp thông qua việc cài đặt ứng dụng, sử dụng nền tảng số, phân tích phân bố vùng địa lý truy cập, độ tuổi, sự hài lòng, mức độ và thời gian tương tác... Việt Nam hiện đứng thứ 7 khu vực APAC (châu Á-Thái Bình Dương) về xã hội số, thứ 5 về thương mại số, và thứ 7 về phong cách sống số..., theo báo cáo Chỉ số xã hội của GSMA - Hiệp hội hệ thống thông tin di động toàn cầu...
Tham vấn mô hình - SmartNation (hình trên)
Mô hình thành phố thông minh của Singapore đã được diễn đàn kinh tế thế giới công bố là thành phố thông minh điển hình năm 2019, hướng sự tập trung vào 3 mức:
Mức 1 mầu xanh: Tập trung vào bảo mật thông tin cá nhân
Ví điện tử (như VNEID của Việt Nam), Hồ sơ cá nhân (Giấy khai sinh; Sơ yếu lý lịch; Lịch sử tiêm chủng; Di trú).
Đăng ký lái xe (điểm đỗ xe); Hồ sơ tín dụng; Ví thanh toán điện tử.
Lịch trình hoạt động di chuyển hằng ngày (Đi bus; Shopping; Thư viện; Dã ngoại...).
Vậy nên nếu so VNEID với mô hình mức 1, thì chúng ta còn cả một chặng đường dài để phát triển và tích hợp dữ liệu giữa các bên, cùng những thay đổi pháp lý phù hợp...
Mức 2 mầu tím: Vấn đề đô thị
Người cần trợ giúp; Thông tin thất lạc; Diệt côn trùng; Vấn đề đô thị khác (Hoạt động chung cư; Xã; Phường; Sử dụng tiện ích chung tại cộng đồng như bể bơi; BBQ; Vệ sinh chung; Khiếu nại...). Và điều quan trọng đó là hệ thống đánh giá và sự tuân thủ của chính người dân, cách nhìn và xử lý của mỗi cá nhân trong cộng đồng.
Tôi vẫn còn nhớ câu chuyện mình bị thất lạc hành lý bao gồm laptop, hộ chiếu và toàn bộ tiền mặt, giấy tờ khi di chuyển từ sân bay Changi về Condo trên trạm Lavendar qua trạm MRT. Hệ thống tàu điện bên Singapore rất tiện lợi, ngay cả người tàn tật cũng có thể sử dụng dễ dàng. Lúc đó tôi hốt hoảng nhờ hệ thống giám sát MRT kiểm tra xem có ai phát hiện ra cái balo của tôi thất lạc ở đâu không (MRT có nhiều cảnh sát giám sát, cũng như camera theo dõi và quan trọng nhất là phản ứng của người dân khi thấy đồ thất lạc là họ sẽ báo cảnh sát chứ họ không dám động vào vì sợ đó là bom, cũng vì ý thức trợ giúp xã hội của cư dân Singapore rất cao). May mắn tôi đã ngay lập tức tìm được chiếc túi với toàn bộ giấy tờ vật dụng của mình được bảo quản cẩn thận tại một trạm MRT gần sân bay. Khi nhận lại hành lý, cách cảm ơn cũng theo quy trình đó là ghi nhận vào giấy cảm ơn và ra về.
Mức 3 mầu đỏ: Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, sự kiện, giao thương
Định danh doanh nghiệp; Bảo hộ bản quyền thương mại; Kết nối giao thương.
Để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, vững tiến vào thời kỳ đổi mới sáng tạo thì không thể thiếu mảng khởi nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển vững mạnh đặc biệt là kết nối cơ hội giao thương, bảo hộ bản quyền và chứng thực giao dịch. Vậy nên với hệ thống định danh điện tử, giao dịch sẽ được bảo đảm và giải quyết nhanh chóng qua Chứng thư bảo lãnh; Hợp đồng thông minh và Chữ ký điện tử. Bài học quản lý dữ liệu từ Singapore “số hóa không có nghĩa là đồng hóa cùng mức”. Dữ liệu sẽ được bảo vệ, phân cấp và gắn nhãn truy cập với quyền định danh truy cập từ từng đối tượng, địa điểm, nền tảng và cách thức riêng phù hợp với nhu cầu và quyền hạn. Hay như Canada với dân số già, đất nước rộng lớn và có các tiểu bang với cơ chế khác nhau thì thay vì chuyển đổi số dịch vụ công, họ tập trung vào mảng chăm sóc sức khỏe y tế và trí tuệ nhân tạo. Các nước EU như Na Uy, họ có dùng giấy thông hành gắn chip để giúp theo dõi dân cư di chuyển giữa các quốc gia. Ngay cả Việt Nam sau dịch Covid-19, dịch vụ y tế đã được phát triển tốt hơn rất nhiều so với trước đây. Vậy nên tiến trình của chuyển đổi số là hiểu được nhu cầu cấp bách theo văn hóa và tình hình kinh tế của từng nước, khu vực, tập trung phát triển phù hợp để nhận được sự đồng thuận của số đông người dân.
Vai trò và trách nhiệm của cư dân số
Tâm lý chung của con người khi gặp phải thử thách, chạm trán với những điều mới mẻ là sẽ lo lắng, có thể hoang mang, phản ứng vì chưa có cơ hội nhìn nhận thực tế hoặc tiếp cận với những thông tin lệch lạc, trái chiều... gây ảnh hưởng tới quyền lợi và nghĩa vụ của một công dân. Vậy trước hết, mỗi người dân phải đồng lòng và vững tin vào chiến lược chính phủ đã đề ra, khi chưa hiểu thì hãy bắt đầu hỏi mang tính xây dựng thay vì bài bác phản đối (bắt đầu với câu hỏi tại sao?)...
Hãy đầu tư vào tri thức bằng việc học hỏi mỗi ngày (để tìm ra giải pháp).
Singapore đã chứng minh rằng việc đầu tư vào giáo dục và đổi mới công nghệ là bước đi ngắn nhất phát triển kinh tế thịnh vượng. Tri thức sẽ giúp ta vượt qua nỗi sợ và thấy cuộc sống có nhiều giá trị. Người dân Singapore cuối tuần thường cho cả gia đình đi dã ngoại hòa mình vào thiên nhiên, tham gia những lớp năng khiếu hội nhóm hoặc đơn giản là cả nhà vào thư viện đọc sách (thư viện công ở Singapore là một khu phức hợp dành cho cả gia đình và hoàn toàn miễn phí). Nhờ vậy họ có tinh thần hỗ trợ cộng đồng rất cao, chuyện cá nhân sẽ không để ý, nhưng vì hiểu được văn hóa văn minh số, họ lại cẩn trọng trong mọi hành động và mang ý thức xây dựng chung.
Chấp nhận sự thay đổi và tôn trọng sự khác biệt về văn hóa là yếu tố cực kỳ quan trọng trong thời đại công dân số toàn cầu. Bởi công nghệ luôn thay đổi từ 3-5 năm, cách sống mỗi thế hệ sẽ khác nhau và cần được hỗ trợ nhau. Ví như người già sẽ tiếp cận công nghệ chậm hơn người trẻ, vậy nên thường có nhóm Công dân số di động tới hỗ trợ từng người cao tuổi làm quen với công nghệ hoặc giải quyết vấn đề của họ. Tuy nhiên những người già lại có vốn sống quý giá, nếu thế hệ trẻ chịu học hỏi và cùng tham vấn tri thức từ thế hệ trước, sẽ giúp cùng cùng nhau nâng cao và tích hợp được giá trị giữa các thế hệ.
Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Khánh Lam-Thanh Huyền-Xuân Thu-Danny Ngô-Mi Sol
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Trần Hải, Xuân Thu, Nguyễn Hường, Ngọc Thạch, nguồn internet