Trải nghiệm
“bệnh viện
thông minh”

Sau hơn 5 năm triển khai bệnh án điện tử (EMR) và đơn thuốc điện tử, thực tế thành công của nhiều cơ sở y tế đã chứng minh cho những lợi ích to lớn mà bệnh nhân được thụ hưởng. Ứng dụng chuyển đổi số thành công cũng góp phần tạo dựng uy tín, thương hiệu cho nhiều BV trên cả nước, từ những bệnh viện hạng đặc biệt (BV Bạch Mai); bệnh viện hạng 1: (BV Đại học Y Hà Nội, BV Đa khoa Đức Giang, BV Xanh Pôn); tới những bệnh viện tuyến huyện ở một địa phương vùng trung du như Phú Thọ…

Hỗ trợ Quản trị minh bạch

Vài tháng sau ngày cho con gái đi nội soi dạ dày tại BV Đại học Y Hà Nội, chị N.H.S (ở Hà Nội) muốn xem lại kết quả, đăng nhập vào tài khoản đã đăng ký trên hệ thống. Ngạc nhiên khi, không chỉ một mà lịch sử khám của nhiều thành viên gia đình vẫn được lưu trữ, chỉ cần gõ mã số bệnh nhân của mỗi người. Tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin từ năm 2017, BV Đại học Y Hà Nội đã có những bước đột phá để hiện thực hóa mô hình BV thông minh, quản trị minh bạch. Mỗi ngày, BV đón khoảng 8.000 người đến khám bệnh, khuôn viên không rộng, nhưng không có cảnh ùn tắc, bệnh nhân không phải chen chúc, chờ đợi lâu… Đấy chính là thành quả của chuyển đổi số với “linh hồn” là EMR và đơn thuốc điện tử. Gắn bó cùng quá trình triển khai EMR từ những ngày đầu, PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội - nhớ lại: Nhiều người cứ nghĩ BV này áp dụng phần mềm của BV khác đã thành công thì cũng sẽ thành công, rồi đi mua phần mềm của các công ty lớn về dùng. Nhưng thực tế, BV nào phải có phần mềm riêng của BV ấy. Không thể ứng dụng phần mềm của BV Đại học Y Hà Nội sang BV khác được: “Khi bắt đầu vào cuộc, chúng tôi chọn phần mềm chưa ai dùng và start up cùng đơn vị xây dựng phần mềm. Có lúc, họ phải đưa 200-300 nhân viên sang ăn ở tại bệnh viện để tìm hiểu từng vị trí, từng bộ phận mà “may đo” cho vừa” - ông Hiếu nhấn mạnh.

BV thường xuyên kết hợp giữa các bác sĩ và nhóm công nghệ thông tin, hằng tháng tổng kết, để biết cần thay đổi khắc phục gì. Ví như bác sĩ quên hội chẩn kháng sinh nên bị BHYT xuất toán vì chưa đủ thủ tục, thì nhân viên CNTT sẽ nhắc bệnh án chưa có dấu sao hội chẩn thuốc bằng lệnh nhắn bác sĩ: “hội chẩn trước khi cho thuốc”, nếu bác sĩ vẫn tiếp tục thì sẽ đưa ra thông điệp: “kê đơn sẽ bị xuất toán”. Nhờ EMR cảnh báo mà tổng lượng tiền vào BV Đại học Y Hà Nội rất lớn, nhưng rất ít bị xuất toán.

PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu tâm sự: “Ban đầu đổi phần mềm theo hướng EMR rất khó khăn. Có hôm đúng lúc trả xét nghiệm thì máy bị treo, tôi phải đứng ra xin lỗi bà con. Năm 2022 mới thành công hoàn toàn, không còn dùng giấy tờ trong BV, riêng dùng PACS (hệ thống lưu trữ và chuyển tải hình ảnh), không in phim, BV đã tiết kiệm được 15 tỷ/năm. Nhờ EMR, nên dù quản lý cùng lúc hai bệnh viện: BV Đại học Y Hà Nội và BVĐK tỉnh Bình Dương, Giám đốc Nguyễn Lân Hiếu không cần thường xuyên có mặt tại trụ sở mà công việc vẫn chạy, vì bất cứ lúc nào ông cũng nắm được mọi diễn biến: Có bao nhiêu bệnh nhân đến khám; đang có vướng mắc ở khoa phòng nào…? DATA còn tạo biểu đồ để nghiên cứu sự phát triển và định hướng, chiết xuất ra được những báo cáo hằng ngày, biết khoa nào tăng trưởng nóng, khoa nào giảm, để điều chỉnh.

PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết thêm: Việc sử dụng thuật toán điện tử gợi ý rất nhiều cho chuyên môn. EMR hỗ trợ cảnh báo những vấn đề chống chỉ định, hay tương tác thuốc, để đảm bảo dùng thuốc an toàn, hiệu quả cho bệnh nhân. Với EMR, bác sĩ ở bất cứ đâu cũng có thể hội chẩn được, khả năng làm việc theo nhóm tốt hơn. Nhờ EMR, việc xét nghiệm không còn lo nhầm lẫn khi bệnh nhân chỉ có một COD dùng suốt quá trình điều trị. “Không có EMR thì Telehealth không có ý nghĩa. Nhờ EMR, các BV tuyến dưới chỉ cần đẩy hình ảnh vào cổng hội chẩn là chúng tôi có thể đọc và xử lý, dựng lại hình ảnh, thay đổi góc nhìn, để hỗ trợ họ. Mới đây, BV Đa khoa Mường Khương (Lào Cai) có ca bệnh khó, bác sĩ ở đó chụp cắt lớp vi tính rồi đẩy vào cổng hội chẩn, chỉ 15 phút sau chúng tôi đã trả lời hỗ trợ họ” - PGS Hiếu kể lại. “Đặc biệt, EMR hỗ trợ việc theo dõi bệnh nhân dọc theo thời gian một cách chính xác, khách quan bằng hình ảnh. CNTT giúp cho bác sĩ khách quan trong KCB, dẫn đến tường minh. Mà tường minh là điều cần nhất trong hệ thống”, PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu khẳng định.

Dù không có mặt bằng rộng lớn và đón tiếp rất đông bệnh nhân hằng ngày, nhưng Bệnh viện Đại học Y Hà Nội không bị ùn ứ, chen chúc, chờ đợi lâu.

Dù không có mặt bằng rộng lớn và đón tiếp rất đông bệnh nhân hằng ngày, nhưng Bệnh viện Đại học Y Hà Nội không bị ùn ứ, chen chúc, chờ đợi lâu.

Hỗ trợ chẩn đoán

Sáng thứ 6, ngày mồng một âm lịch sảnh tiếp đón của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang có vẻ đông bệnh nhân cao tuổi hơn thường lệ. Tại kios thông minh, những người lớn tuổi được nhân viên hướng dẫn quét mã QR trên căn cước công dân đăng ký. Bệnh nhân cũng có thể đăng ký khám qua số điện thoại hotline và website, hoặc qua hệ thống kios thông minh tại sảnh bệnh viện. Chỉ cần CCCD hoặc VNeID, bác sĩ đã có thể truy xuất được lịch sử KCB (nếu bệnh nhân đã từng KCB tại BV). Kết quả chụp phim được chuyển thẳng vào hệ thống PACS. Sau khi bác sĩ kê đơn thuốc điện tử, bệnh nhân chỉ việc ra phòng nhận thuốc. Đơn thuốc điện tử của BV không chỉ kết nối với EMR, với nhà thuốc mà còn được đẩy lên hệ thống của Cục Quản lý Dược. Dược sĩ Ngô Quang Điệp cho biết, với EMR, quy trình khám và nhận thuốc của bệnh nhân giảm một nửa, bệnh nhân không phải chờ đợi lâu.

TS Nguyễn Văn Thường - Giám đốc BVĐK Đức Giang - cho hay: Nhận thức của lãnh đạo BV có vai trò quan trọng trong việc triển khai EMR, đơn thuốc điện tử. Từ đó, BV đã xây dựng phần mềm phù hợp, kết nối giữa các bộ phận như tài chính, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, điều trị và quản lý dược... Triển khai EMR, BV số hóa toàn bộ quy trình chuyên môn, từ vào viện, khám, chỉ định xét nghiệm, kết quả xét nghiệm, quy trình phẫu thuật, thanh toán… EMR có thể hỗ trợ chẩn đoán, giảm bớt công việc cho bác sĩ, tiết kiệm
thời gian.

Đặc biệt, chức năng cảnh báo của EMR giúp bác sĩ kê đơn tránh được các loại thuốc gây tác dụng phụ hoặc tương tác không mong muốn, để đưa ra quyết định an toàn cho bệnh nhân. Thí dụ, với bệnh nhân có chức năng thận kém, phần mềm sẽ cảnh báo khi bác sĩ kê loại thuốc kháng sinh có thể làm trầm trọng thêm bệnh. EMR thậm chí còn có cơ chế yêu cầu xác nhận nếu bác sĩ tiếp tục kê thuốc có thể gây hại cho người bệnh. Hệ thống cảnh báo góp phần nâng cao an toàn cho bệnh nhân, giúp giảm thiểu sai sót y khoa và tăng hiệu quả điều trị.
Cũng theo TS Nguyễn Văn Thường: EMR giúp bệnh nhân dễ dàng lưu trữ hồ sơ y tế trên điện thoại và mang đi khám ở các BV khác, giảm chi phí và thủ tục hành chính. Với EMR, tất cả các dịch vụ KCB BHYT và tự nguyện đều phải đẩy lên hệ thống bảo hiểm xã hội, làm tăng tính minh bạch về chi phí và dịch vụ y tế, đồng thời, phân loại thông tin theo các dịch vụ khác nhau. Việc số hóa bệnh án và đơn thuốc yêu cầu thông tin chi tiết các vật tư y tế, đơn vị đo lường, tên thuốc đến nguồn gốc, ngày sản xuất, giúp minh bạch từ doanh thu, đấu thầu đến quản lý thuốc. Do đó, BHYT sẽ quản lý tốt hơn, nhưng đòi hỏi BV phải chuẩn hóa dữ liệu và thông tin bệnh nhân. Tuy nhiên, đầu tư hạ tầng để chuyển đổi số là một áp lực và BV buộc phải xem xét kỹ lưỡng về giá cả, chất lượng, đảm bảo sử dụng hợp lý nguồn kinh phí giữa thực trạng thị trường thuốc và thiết bị y tế luôn rất phức tạp.

Kios thông minh ở Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thuận tiện với cả bệnh nhân cao tuổi.

Kios thông minh ở Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thuận tiện với cả bệnh nhân cao tuổi.

Sử dụng VNeiD cho các dịch vụ y tế

Là một trong những BV triển khai sớm Đề án 06 của Chính phủ, BVĐK Xanh Pôn đã xây dựng hệ thống EMR từ 2020 và từng bước hoàn thiện. Theo ông Lương Đức Dũng - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BVĐK Xanh Pôn, tháng 7/2023, BV đã thẩm định EMR và từ tháng 10/2024, BV chính thức bỏ bệnh án giấy. Hệ thống EMR của BV đảm bảo quy chuẩn bệnh án Bộ Y tế phê duyệt, gồm HIS, LIS, PACS.
Sau 4 năm áp dụng, ông Lương Đức Dũng hào hứng: EMR cho phép lưu trữ và truy cập thông tin bệnh án của bệnh nhân một cách chính xác và tiện lợi, giúp giảm thiểu sai sót trong quá trình quản lý thông tin y tế và cung cấp dịch vụ chăm sóc tốt hơn cho bệnh nhân. Kios thông minh của BVĐK Xanh Pôn đã kết nối với Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, cho phép dùng CCCD để đăng ký khám, kết nối thanh toán không dùng tiền mặt với nhiều ngân hàng, hỗ trợ quản lý bệnh nhân nội trú…

EMR cũng mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân ở BV Việt Đức. Theo TS, bác sĩ Dương Đức Hùng - Giám đốc BV, với EMR, bệnh nhân đến BV chỉ có một ID là số CCCD, đảm bảo thống nhất, không lo nhầm lẫn. Sử dụng hệ thống PACS, BV đã số hóa toàn bộ hình ảnh nội soi, điện tim, chiếu chụp, tích hợp kết quả xét nghiệm của bệnh nhân và thay vì in phim, BV giao EMR của bệnh nhân cho họ, để họ có thể sử dụng KCB ở BV khác. Nhờ PACS, BV Việt Đức tiết kiệm được 33 tỷ/năm, chưa kể giảm độc hại môi trường do không phải in phim. Việc số hóa giúp dữ liệu KCB của từng cá nhân theo suốt cuộc đời họ, cũng hỗ trợ bác sĩ trong những lần khám sau có thông tin đầy đủ của bệnh nhân. Tại BV Việt Đức, dịch vụ thanh toán không tiền mặt đã đến tận… giường bệnh. Theo TS Dương Đức Hùng, dự kiến hết năm 2024, BV sẽ đạt trên 90% là EMR, dần xóa bệnh án giấy, đồng thời, 90% thanh toán không dùng tiền mặt.

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Dạ Miên-Thanh Hằng-Mi Sol-Ngô Hương Sen
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Phóng viên, nguồn internet