Nhớ tuổi thơ ấu nơi trại trẻ sơ tán

Đã từ lâu, tôi cứ ước mong có một tập sách mang tên: “Cha anh chúng tôi đã sống và viết” của những đứa trẻ từng lớn lên ở trại trẻ Báo Nhân Dân sơ tán ở xã Thống Nhất - Chương Mỹ (Hà Tây) những năm 1965-1966. Đây là tập sách của những đứa con viết về cha mẹ mình, những nhà báo, những cán bộ công nhân viên Báo Nhân Dân đã sống và viết trong những năm tháng lửa đạn chiến tranh, mà cây bút như chính khấu súng của người chiến sĩ nơi tuyến đầu.

Anh Trần Chiến Thắng sẽ viết về bác Hoàng Tùng- Tổng biên tập của Báo, Phạm Hiếu Dân viết về bác Phạm Lợi, Nguyễn Đức Thọ viết về nhà báo Đức Thi, Đỗ Huy Bắc viết về cha là nhà báo Lê Điền, Đặng Minh Phương sẽ viết về chú Đặng Phò, Đặng Hà, Đức Ngọc sẽ viết về bố là chú Văn Lưu, Huỳnh Dũng Nhân viết về cha mình là nhà báo Huỳnh Vạn Lý, Hoàng Tuấn Phong (Hoặc Hoàng Tuấn Vũ) viết về chú Hoàng Tuấn Nhã và cô Hòa là bố mẹ của các anh, Phan Vị Hoàng sẽ viết về cha là nhà báo Phan Quang, Lê Khánh Hoài (Châu La Việt) sẽ viết về bố mình Lê Khánh Căn, Phạm Thanh Hà viết về cha là nhà báo Phạm Thanh, Nguyễn Hồ Nguyên sẽ viết về cả bố và mẹ là nhà văn Nguyễn Văn Bổng và nhà báo Hồ Vân, Nguyễn Chương sẽ viết về cha là nhà báo Nguyễn Sinh, Nguyễn Chính sẽ viết về mẹ là cô Hà Hoa, Ninh Hà sẽ viết về bố và mẹ là nhà báo Tuất Việt và nhà báo Tuệ Quỳnh, anh Nghĩa  hoặc chị Hương sẽ viết về cha là nhà báo Hữu Thọ, và Trần Minh sẽ viết về người mẹ thân yêu của anh, cũng là người mẹ chung của chúng tôi là cô Bình Định đã từng cùng các cô Bích Diệp, cô Hồ Vân và Mẹ An, bác Huỳnh ... nuôi nấng chăm sóc chúng tôi nên người ở trại trẻ Báo Nhân Dân... Và nữa là Trương Việt Khánh (Khánh bẹt), Lưu Đức Sơn, Nguyễn  Thanh Bình, rồi Oanh, rồi Phương, rồi Yến...các em cũng hãy viết về cha mẹ mình nhé...

Cũng nói thêm rằng, tiếp bước cha mẹ theo con đường báo chí trong lũ trẻ lớn lên ở trại trẻ Báo Nhân Dân chúng tôi không nhiều (Hoàng Tuấn Phong, Nguyễn Chương, Phan Vị Hoàng, Huỳnh Dũng Nhân, Huỳnh Dũng Nhi, Phạm Thanh Hà, Lê Khánh Hoài, Hà Huy Hiệp, Hà Huy Hồng...), nhưng niềm tự hào có bố hoặc mẹ là nhà báo hoặc là cán bộ, công nhân viên của Báo Nhân Dân với chúng tôi là tất cả, là rất lớn.

Trên những chặng đường đời sau này, khi được hỏi về bố mẹ mình, chúng tôi đều tự hào trả lời : "Là nhà báo của Báo Nhân Dân". Và niềm tự hào này, chúng tôi muốn ghi lại, viết lại về cha anh mình cho những thế hệ sau tiếp nối...

Năm 1966, chuẩn bị tinh thần đi mặt trận, bố tôi gom cả ba anh em về trại trẻ con em Báo Nhân Dân sơ tán tại xã Thống Nhất Huyện Chương Mỹ (Hà Tây) và sau đó khoác ba lô vào chiến trường Trị Thiên-Huế.

Mẹ tôi cũng dép cao su, vai ba lô đi mặt trận Lào biểu diễn. Vậy là từ ấy với 3 anh em chúng tôi cùng lũ trẻ ở khu sơ tán, những người bà, người mẹ thực sự là cô Bình Định, là mẹ An, là cô Hồ Vân, cô Lý, rồi bà Đạm, bà Lãm- những nhà báo, cầm bút là công việc chính nhưng chiến tranh được cắt cử thêm vai trò người mẹ- cô bảo mẫu chăm sóc chúng tôi.

…Tình cảm và ấm áp vô cùng!

Nhớ những ngày sơ tán trong trại trẻ Báo Nhân dân, những cô bác này chăm sóc chúng tôi như những người bà, người mẹ. Suốt cuộc đời chúng con không quên...

Nhớ những ngày sơ tán trong trại trẻ Báo Nhân dân, những cô bác này chăm sóc chúng tôi như những người bà, người mẹ. Suốt cuộc đời chúng con không quên...

Năm ấy tôi 14 tuổi, cùng Trần Dũng, Nguyễn Nhất Phương là những đứa lớn nhất trại (thật ra còn anh Trần Chiến Thắng con bác Hoàng Tùng, anh Tạ Quang Ngọc con bác Tạ Quang Đạm, anh Đức Thọ con bác Đức Thi còn lớn hơn chúng tôi, nhưng các anh cùng đi sơ tán theo trại trẻ, nhưng ở bên ngoài cùng gia đình. Cũng như vậy với Hà Huy Hiệp, con bác Ngô Thi, Đỗ Duy Thanh, Đỗ Huy Bắc con bác Lê Điền cũng đi sơ tán với trại trẻ nhưng với với bà, với mẹ bên ngoài).

Sau 3 thằng chúng tôi là Phạm Hiếu Dân, Nguyễn Chính Nghĩa, Huỳnh Dũng Nhi học sau chúng tôi một lớp và sau nữa là Hoàng Tuấn Phong, Lê Khánh Châu- em tôi, rồi Huỳnh Dũng Nhân, Đặng Nam rồi bọn thằng Ngọc con chú Lưu, Khánh bẹt…Tất cả lũ con trai chúng tôi nằm trên một tấm phản dài như trong trại lính, ở nhà bác Lê, một người đàn ông góa vợ và nhân từ vô cùng. Còn ăn uống hay sinh hoạt thì ở một nhà thờ họ gần đấy và ngày ngày đi học ở trường cấp hai xã Tụy An.

3 đứa lớn nhất trại chúng tôi cùng học một lớp 7 do thầy Thọ chủ nhiệm. Ngay từ khi học lớp 7 tâm hồn đã nao nức nghe tiếng súng mặt trận vọng về… đứa nào cũng háo hức một ngày cầm súng ra trận…

Tuổi 14, 15 của chúng tôi là như thế đấy. Sớm khao khát và sẵn sàng cầm súng lên đường đi chiến đấu. Không chỉ bởi từ những bài học ở nhà trường khi đất nước bước vào cuộc kháng chiến, mà trước hết từ chính cha anh chúng tôi, những nhà báo đều từng kinh qua cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi tiếp tục dũng cảm đi vào cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Đám trẻ con ở lớn lên ở trại trẻ sơ tán Báo Nhân Dân hồi ấy.

Đám trẻ con ở lớn lên ở trại trẻ sơ tán Báo Nhân Dân hồi ấy.

Chú Nguyễn Văn Bổng, bố Nguyễn Nhất Phương, từng là trưởng ban Nông thôn Báo Nhân Dân, đã lên đường đi B từ rất sớm, vượt Trường Sơn vào tận chiến trường Nam Bộ xa xôi. Bố Trần Dũng, chú bác Trần Dũng đều là những người lính dạn dày trận mạc, có người đang chiến đấu tận miền Tây Nam Bộ xa xôi (Tướng Hai Nghiêm sau là Tư lệnh Quân khu 9).

Tôi nhớ có một đêm, tôi và Trần Dũng đi gác đầu làng (hồi đó chúng tôi hay chơi trò quân sự, cũng thành lập đơn vị rồi cắt cử nhau đi gác), bỗng thấy đầu thôn cái Ninh Hà cùng bố mẹ nó là chú Tuất Việt và cô Tuệ Quỳnh đang lưu luyến chia tay nhau. Dưới bóng trăng mờ, tôi thấy những vệt nước mắt trên má cô Tuệ Quỳnh, trên má cái Ninh Hà. Thì ra sau này tôi mới biết, đêm ấy cô chú Tuất Việt-Tuệ Quỳnh lên thăm con, rồi ngày mai chú Tuất Việt sẽ bí mật lên đường đi B mà không một ai được biết, kể cả con gái. Thảo nào nơi đầu thôn, tôi có cảm tưởng đó là cuộc chia tay dài nhất thế gian này…

Rồi đến lượt anh em tôi cũng có một cuộc chia tay nơi đầu thôn như thế. Đấy là một ngày chủ nhật, bố mẹ tôi chở nhau vào thăm anh em chúng tôi. Cũng tưởng như mọi cuộc thăm nom, mẹ tôi lại tụ tập lũ con gái lại, hát cho chúng nó nghe bất cứ bài nào mà chúng nó yêu cầu, kể cả của trẻ con hay người lớn, lại có cả những bài tình ca quá lứa tuổi chúng nó như “Xa khơi”. Vì nổi tiếng quá nên mẹ tôi cũng hát phục vụ các cháu. Còn bố tôi thì cứ đi quanh xem tờ báo tường của lũ trẻ con trong trại, trong đó đương nhiên có bài viết của anh em chúng tôi.

Rồi đến tối mịt, khi cho con cái ăn uống xong xuôi, bố mẹ tôi mới ra về. Nhưng mẹ tôi kéo anh em tôi lại nói, các con ra đầu thôn tiễn bố mẹ nhé. Hóa ra đấy là lần cuối, bố tôi vào thăm anh em chúng tôi để ngày mai lên đường vào mặt trận Trị Thiên-Huế ác liệt, mà không ai dám đoán chắc còn có ngày trở về hay không. Nên nơi đầu thôn ấy, bố tôi lần lượt ôm hôn 3 anh em tôi rất lâu. Nói thật đấy cũng là lần đầu tiên trong đời, tôi được bố ôm hôn lâu như thế…

Sau thời gian ở trại trẻ, cả 4 chúng tôi (Nguyễn Nhất Phương, Trần Dũng, Lê Khánh Hoài, Hà Huy Hiệp) theo sự dắt dẫn của anh Nguyễn Đức Thọ (con bác Đức Thi) học trên chúng tôi một lớp, chúng tôi lưu luyến xa trại trẻ để theo học cấp ba ở Trường Trưng Vương Hà Nội sơ tán tại xã Hồng Châu, huyện Thường Tín (Hà Tây).

Rồi cũng từ đây, tôi và Trần Dũng cùng Hà Huy Hiệp khi học hết phổ thông cùng tình nguyện lên đường đi chiến đấu. Hà Huy Hiệp cõng một máy vô tuyến điện vượt Trường Sơn vào công tác tại phân xã TTXVN tại chiến trường Nam Bộ. Trần Dũng nhập ngũ vào một sư đoàn bộ binh chiến đấu ở măt trận miền Tây Nam Bộ nơi bác anh là Tư lệnh mặt trận. Đỗ Huy Thanh con trai bác Lê Điền cũng nhập ngũ vào chiến trường Tây Nguyên. Còn tôi theo một binh trạm quân sự chiến đấu ở mặt trận Lào, phiên chế trong một tiểu đoàn cao xạ pháo bảo vệ con đường 7 vào Cánh đồng Chum. Trong cuộc chiến đấu ác liệt này, hai người bạn tuổi thơ của tôi là Trần Dũng và Đỗ Huy Thanh đã hy sinh, mà sau này tôi được nghe Huỳnh Dũng Nhân kể lại vô cùng xúc động, và thương nhớ bạn…

Huỳnh Dũng Nhân kể về Trần Dũng: “Chưa học xong lớp 9, Dũng đi học trường kỹ thuật hóa chất ở Liên Xô cũ. Khi về nước ít lâu, anh giấu cả nhà nộp đơn xin nhập ngũ. Rồi anh được phiên chế về một sư đoàn bộ binh chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ. Anh hy sinh trong một trận chống càn ở Bạc Liêu. Lời cuối anh nói với người đồng đội: “Tao thương nhất con Bình em tao. Mày có về nói nó cố gắng phấn đấu, cả nhà trông chờ vào nó”.

Về Đỗ Huy Thanh: "Anh nhập ngũ ngày 19/5/1969. Hôm Thanh lên đường, anh không cho ai ở nhà đi tiễn. Khi tiếng còi tàu vang lên rồi, mẹ anh (bác gái Lê Điền) mới dẫn em gái anh cùng mẹ đi dọc theo đoàn tàu, vừa đi vừa nhìn từng toa tàu và những người lính nơi sân ga để hy vọng thấy con mình…Thanh được điều vào chiến trường Tây Nguyên, và hy sinh ngày 22/12/1972".

Có một ngày tôi trở về phố cũ
Cầm tay mẹ bạn, xin mẹ nhận làm con 
Trao lá thư ngày nào bạn viết dở
Cô bé răng khểnh giấu nước mắt đáy lòng...
Tôi đi dọc những con đường hoa sữa
Hà nội ơi có biết bao chàng trai
Như bạn tôi đã không về nữa
Sông Hồng vẫn chảy và mây trắng vẫn bay
Nhưng lắng nghe từ trong hương hoa sữa
Như có mùa thu của ngày ấy lên đường
Nhưng lắng nghe từ trong hương hoa sữa
Có bạn về trong mỗi làn hương...

Lũ trẻ con lớn lên trong Trại trẻ Báo Nhân Dân năm nào đến nay vẫn gặp nhau hằng năm.

Lũ trẻ con lớn lên trong Trại trẻ Báo Nhân Dân năm nào đến nay vẫn gặp nhau hằng năm.

Niềm hạnh phúc nguyên vẹn mỗi khi cô giáo và những đứa trẻ năm ấy được gặp nhau.

Niềm hạnh phúc nguyên vẹn mỗi khi cô giáo và những đứa trẻ năm ấy được gặp nhau.

Item 1 of 3

Lũ trẻ con lớn lên trong Trại trẻ Báo Nhân Dân năm nào đến nay vẫn gặp nhau hằng năm.

Lũ trẻ con lớn lên trong Trại trẻ Báo Nhân Dân năm nào đến nay vẫn gặp nhau hằng năm.

Niềm hạnh phúc nguyên vẹn mỗi khi cô giáo và những đứa trẻ năm ấy được gặp nhau.

Niềm hạnh phúc nguyên vẹn mỗi khi cô giáo và những đứa trẻ năm ấy được gặp nhau.

Trình bày: Nguyễn Trang
Ảnh: Tác giả cung cấp