TRẬN ĐẮKPƠ (6/1954)
TRẬN PHỤC KÍCH ĐIỂN HÌNH CỦA LIÊN KHU 5 TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP

Thắng lợi to lớn trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã giáng một đòn chí mạng vào ý chí xâm lược, âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh của thực dân Pháp, buộc phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán ở Giơnevơ bàn về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chính phủ, nhằm phối hợp với đấu tranh ngoại giao, lực lượng vũ trang và nhân dân ta ở khắp các chiến trường trên cả nước liên tục tiến công địch, thu nhiều thắng lợi. Một trong những chiến công tiêu biểu là chiến thắng trận Đắkpơ (6/1954) trên chiến trường Liên Khu 5. Đây là trận phục kích điển hình của quân ta trên chiến trường Liên khu 5 trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Kể từ khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt, dù lực lượng quân Pháp ở Đông Dương vẫn còn đông, nhưng tinh thần nhanh chóng bị suy sụp. Bộ chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương thực hiện co cụm chiến lược ở Đồng bằng Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, nhằm bảo toàn lực lượng, chờ kết quả đàm phán tại Giơnevơ. Ở Tây Nguyên, thực dân Pháp rút khỏi các đồn nhỏ, lẻ co cụm lực lượng về các thị xã, thị trấn, hình thành từng khu vực phòng ngự như An Khê, Pleiku, Buôn Ma Thuột. Trong đó, trên đường 19 An Khê, quân Pháp còn Binh đoàn cơ động số 100 (GM 100) và một số tiểu đoàn khinh quân ngụy chốt giữ; Bình đoàn cơ động 42 về giữ thị xã Pleiku.
Trước hiện tượng quân Pháp rút chạy khỏi nhiều địa bàn và trên cơ sở quán triệt tinh thần chủ động tiến công địch, phối hợp giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao của Trung ương Đảng và Chính phủ, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 96 theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động của địch và sẵn sàng tiêu diệt khi chúng rút chạy khỏi An Khê.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 31 tháng 5 năm 1954, Trung đoàn 96 hành quân đến vị trí tập kết ở Đe Bờ. Ngày 17 tháng 6, Trung đoàn tổ chức Hội nghị phổ biến kế hoạch tác chiến và tiến hành làm công tác chuẩn bị. Giữa lúc đó, ngày 23 tháng 6, Binh đoàn cơ động 42 của địch từ Pleiku duỗi ra chốt giữ các điểm cao khống chế từ ngã ba đường 19 đến đèo Mang Yang; quân địch ở An Khê phá hủy một số công sự. Trước những thay đổi này của địch, Trung đoàn 96 nhận lệnh hành quân từ Đe Bờ đến Đắkpơ ngay trong đêm, đồng thời gấp rút tiến hành xây dựng kế hoạch đánh địch khi chúng rút chạy. Sáng ngày 24 tháng 6 năm 1954, toàn Trung đoàn đã hành quân chiếm lĩnh xong trận địa phục kích.
Đúng như nhận định của ta, ngày 24 tháng 6 năm 1954, thực dân Pháp bắt đầu mở cuộc hành quân rút chạy khỏi An Khê. Lực lượng rút lui gồm Binh đoàn cơ động 100, tiểu đoàn khinh quân ngụy 520, tiểu đoàn pháo binh 105mm, cùng một số đơn vị địa phương quân. Ngoài ra, còn tính đến sự ứng cứu của Binh đoàn cơ động 42. Lực lượng ta tham gia phục kích gồm có Trung đoàn chủ lực 96 (3 tiểu đoàn bộ binh 79, 40, 30) và 2 đại đội trợ chiến (6 cối 81mm, 1 súng phóng bom và 14 SKZ 60mm), được tăng cường 2 đại đội (54 và 68) của Trung đoàn 120 Gia Lai; do Nguyễn Minh Châu làm Trung đoàn trưởng. Ngoài ra, còn có đại đội địa phương các huyện An Khê, Đắk Bớt tham gia làm nhiệm vụ phối hợp, đón lõng từ xa, bảo vệ căn cứ.
Toàn bộ lực lượng phục kích được bố trí ở dãy đồi phía bắc, cách đường khoảng 1km, gồm: Tiểu đoàn 79 (2 đại đội), làm nhiệm vụ tiêu diệt quân địch trên đoạn đường 800m ở phía đông cầu Đắkpơ, Tiểu đoàn 79 sử dụng Đại đội 223 làm nhiệm vụ khoá đuôi; Tiểu đoàn 40 được tăng cường 1 đại đội của Trung đoàn 120, có nhiệm vụ tiêu diệt địch trên đoạn đường 400m ở phía tây cầu Đắkpơ, tiểu đoàn sử dụng 1 trung đội của đại đội địa phương làm nhiệm vụ chặn đầu; ngoài ra, trung đoàn còn sử dụng 1 đại đội của Tiểu đoàn 40 làm lực lượng đối diện, bố trí ở các quả đồi phía nam đường, 1 đại đội (thiếu) của Tiểu đoàn 40 làm lực lượng dự bị; hoả lực của trung đoàn chủ yếu tăng cường cho các tiểu đoàn, chỉ giữ lại bộ phận cối 81mm để chi viện chung.
Trận địa phục kích trên đoạn đường dài khoảng 1.200m, từ khu vực phía tây cầu Đắkpơ 400m đến phía đông cầu Đắkpơ 800m thuộc An Khê, tỉnh Gia Lai. Đây là đoạn đường hẹp, nhiều dốc, quanh co, khúc khuỷu; phía bắc có nhiều dãy đồi cao liên tiếp, dốc thoải đến mặt đường, đôi chỗ tạo thành vách đứng (ta luy) cao từ 2-3m, trên đồi có nhiều cây xen kẽ, cỏ tranh rậm rạp; từ mặt đường ra 50m, cây cối bị phát quang. Phía nam, ngay lề đường là dốc đứng, vách sâu, cả đoạn đường hơn 1 km chỉ có vài chỗ có thể lên xuống được; cách đường khoảng 1km là những quả đồi độc lập có thể bố trí lực lượng đối diện.
Lính Pháp đầu hàng trên Đường 19 (An Khê-Đak Pơ), tháng 6/1954. Ảnh tư liệu
Lính Pháp đầu hàng trên Đường 19 (An Khê-Đak Pơ), tháng 6/1954. Ảnh tư liệu
Vào khoảng 13 giờ ngày 24 tháng 6 năm 1954, khi đại bộ phận quân địch rút lui (khoảng 3 tiểu đoàn) đã lọt vào trận địa phục kích, Trung đoàn trưởng Nguyễn Minh Châu phát lệnh nổ súng. Cối 82 và SKZ của Trung đoàn nhằm thẳng vào các cụm xe, cụm địch đang xô đẩy nhau tránh đạn dưới mặt đường. Tốp địch đi đầu bị bất ngờ, bỏ chạy xuống phía nam đường thì gặp lực lượng ta đang chờ sẵn, chặn đánh. Một số liều chết vượt qua đoạn chặn đầu, chạy thẳng về cứ điểm Mũi Nhung, sau đó bị ta gọi hàng, bắt làm tù binh. Tiểu đoàn 79 với chỉ 2 đại đội đã đánh thẳng vào khu vực có xe chỉ huy của Binh đoàn cơ động 100 của Pháp.
Sau phút choáng váng ban đầu, quân địch dựa vào xe tăng, xe bọc thép, chống trả quyết liệt, ngăn chặn các mũi xung kích của ta từ phía bắc đánh xuống. Với lực lượng khá chênh lệch, nhưng quân ta vẫn kiên cường bám địch, chia chúng ra từng tốp nhỏ để tiêu diệt, buộc phải tháo chạy xuống phía nam, co cụm để chờ viện binh. 23 giờ cùng ngày, khi Trung đoàn trưởng Nguyễn Minh Châu chỉ huy đơn vị xuống tập kích khu vực còn lại, thì phát hiện chúng đã rút chạy, bỏ lại toàn bộ số bị thương và xe pháo. Trung đoàn trưởng lệnh cho Tiểu đoàn 40 lần theo dấu vết địch chạy, truy đuổi ngay trong đêm. Bộ phận truy đuổi của Tiểu đoàn 40 đã gặp địch và đánh hai lần, loại khỏi vòng chiến đấu nhiều binh lính. Đến khoảng 12 giờ ngày 25 tháng 6, kết thúc cuộc lùng sục, truy kích địch. Kết quả chung của trận đánh, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 1.900 tên, trong đó có Đại tá Barroux - chỉ huy Binh đoàn cơ động GM 100 bị bắt; thu được 229 xe cơ giới, 20 đại bác, trên 1 ngàn súng các loại và nhiều khí tài, trang bị quân sự.

Trận phục kích tiêu diệt quân địch ở Đắkpơ của Trung đoàn 96 và các lực lượng vũ trang địa phương diễn ra sau Chiến thắng Điện Biên Phủ hơn một tháng rưỡi là một trận đánh lớn, điển hình nhất trong giai đoạn diễn ra Hội nghị quốc tế ở Giơnevơ. Đó cũng là một trong những trận đánh tiêu biểu của quân đội ta trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954).
Tuy đây là trận đánh cấp chiến thuật, nhưng mang ý nghĩa chiến dịch, chiến lược sâu sắc, để lại nhiều bài học có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, nhất là bài học về lựa chọn mục tiêu, địa hình phục kích; nắm, tận dụng thời cơ, thế trận tiến công tiêu diệt địch; sử dụng lực lượng hợp lý, phát huy sức mạnh của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích tham gia trận đánh; quyết tâm chiến đấu táo bạo. Trong trận đánh này, Trung đoàn 96 đã lợi dụng được địa hình, địa thế hiểm của đoạn đường ở cầu Đắkpơ, bố trí trận địa phục kích liên hoàn, chặn đầu, khóa đuôi, phát huy được sức mạnh tổng hợp của yếu tố con người, vũ khí, địa hình, địa thế có lợi cho ta, bất lợi cho địch, nên đã giành được thắng lợi giòn giã.
Diễn biến trận phục kích Đak Pơ của Trung đoàn 96 diệt binh đoàn 100 của Pháp ngày 24/6/1954.
Diễn biến trận phục kích Đak Pơ của Trung đoàn 96 diệt binh đoàn 100 của Pháp ngày 24/6/1954.
Chiến thắng Đắkpơ là một thắng lợi có ý nghĩa vô cùng to lớn, tạo điều kiện cho ta làm chủ đường 19, giải phóng An Khê và phần lớn tỉnh Gia Lai, bao vây thị xã Pleiku, góp phần đập tan âm mưu co cụm của quân Pháp ở Tây Nguyên sau thất bại ở Điện Biên Phủ, đẩy thực dân Pháp ngày càng lún sâu vào thế lúng túng, bị động. Tình hình Tây Nguyên rơi vào bế tắc. Cuối cùng, quân Pháp buộc phải rút bỏ khỏi Pleiku và ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam. Đánh giá về thất bại và những tác hại của thoái lui này, trong cuốn “Đông Dương hấp hối”, Tướng Navarre viết: “Tình trạng nghiêm trọng trên Tây Nguyên, ngay trước khi đình chiến là hậu quả trực tiếp của việc rút ra khỏi An Khê. Nó sẽ không xảy ra nếu không có cuộc rút lui ấy”.

Chiến thắng trận Đắkpơ trên chiến trường Liên khu 5 là một chiến thắng mang tầm vóc, có ý nghĩa to lớn. Nếu như chiến thắng trên chiến trường chính Điện Biên Phủ ngày 7 tháng 5 buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán, thì chiến thắng Đắkpơ ngày 24 tháng 6 năm 1954 đã góp phần thúc đẩy buộc thực dân Pháp nhanh chóng đi đến ký vào bản Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương. Đây là thắng lợi được xem như một “Điện Biên Phủ thứ hai” trên chiến trường Liên khu 5 và cũng là một trong những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ngày xuất bản: 12/2024
Nội dung: Trung tá Lê Văn Thành - Viện Lịch sử Quân sự
Trình bày: Hạnh Vũ
Ảnh: Quân đội nhân dân