“Những người chép sử bằng máu mình trong lửa đạn” - Đó là câu thơ của nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) viết về những phóng viên chiến trường, đặc biệt là các nhà báo liệt sĩ. Trong cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc, họ vừa cầm bút, cầm máy, vừa cầm súng. Mỗi bài báo, bức ảnh, thước phim còn lại hôm nay là dấu son của lòng dũng cảm và tình yêu Tổ quốc đến tận cùng.

Hành trình dấn thân...

Hơn một thập kỷ xông xáo khắp các chiến trường, nhà báo Trần Mai Hưởng từng nhiều lần lặng người chứng kiến đồng đội ngã xuống bên máy quay, những dòng tin còn dang dở. Có thời điểm, nhiều phân xã của TTXVN bị bom đạn địch triệt phá liên tiếp. Có nơi bị xóa sổ ba lần, có nơi tất cả cán bộ hy sinh như ở Rạch Giá, Long An, nam Tây Nguyên. Nhưng các nhà báo vẫn dựng lại phân xã mới, không để dòng thông tin ngắt quãng.

Trong số 512 nhà báo đã hy sinh, có tới 260 người là phóng viên, cán bộ của Việt Nam TTX (tên ban đầu của TTXVN) và TTX Giải phóng. Có những gia đình hiến dâng trọn vẹn cho sự nghiệp báo chí cách mạng như cha con nhà báo Trần Bỉnh Khuôi và Trần Văn Dũng hay anh em liệt sĩ Bùi Văn Thưởng và Bùi Văn Tấn, phóng viên duy nhất có mặt trong trận Ấp Bắc.

Kỷ vật của nhà báo Hoàng Kim Tùng.

Kỷ vật của nhà báo Hoàng Kim Tùng.

“Tác nghiệp nơi lửa đạn, phóng viên chiến trường còn phải kịp thời viết bài, tráng ảnh, dựng phim, thậm chí cầm súng chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn, hiểm nguy và cái chết rình rập. Vậy nhưng hàng nghìn người từ nhiều cơ quan báo chí khác nhau vẫn xung phong ra trận, thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của người làm báo chiến sĩ. Trong đoàn quân ra trận năm xưa, có hàng trăm nhà báo không thể trở về. Họ ngã xuống trên khắp các nẻo đường chiến tranh”, nhà báo Trần Mai Hưởng xúc động kể.

Trong đoàn quân ra trận năm xưa, có hàng trăm nhà báo không thể trở về.

Nhà báo Trần Mai Hưởng

Từng là người lính trước khi cầm bút, nhà báo Trần Văn Hiền, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An càng thấm thía mất mát nơi chiến trường. “Nếu không có 2.578 thước phim của Điện ảnh Quân đội trong kháng chiến chống Mỹ, lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc khó có thể được dựng lại trọn vẹn. Những thước phim ấy được ghi lại bằng máu của các phóng viên chiến trường”, ông nói.

Dù đang điều trị bệnh, nhà báo Văn Hiền vẫn đau đáu về hành trình tri ân những đồng nghiệp đã ngã xuống mà tên tuổi cơ hồ bị lãng quên. Day dứt đó đã thôi thúc ông dành nhiều năm tìm lại chân dung các nhà báo liệt sĩ, bắt đầu từ cuốn sách “Dáng đứng dưới tầm bom” về 33 nhà báo hóa thân vào lịch sử.

Nhà báo Văn Hiền với cuốn sách "Dáng đứng dưới tầm bom".

Nhà báo Văn Hiền với cuốn sách "Dáng đứng dưới tầm bom".

Năm 1997, ông ra Hải Phòng tìm thân nhân nhà báo Vũ Hiến, bạn học cũ từng công tác tại báo Hải quân Việt Nam nhưng không còn thông tin. Mãi đến năm 2002, nhờ gặp được Trung tướng Nguyễn Văn Tình, người chỉ huy trận đánh năm xưa, ông mới tìm ra những ẩn số chung quanh sự hy sinh của bạn. “Tháng 1/1979, trong chiến dịch vào Phnom Penh, Vũ Hiến tay cầm súng, tay cầm máy ảnh, bám sát đội hình xe tăng. Khi tới ngã ba Valung, anh trúng đạn và ngã xuống trên tháp pháo, hai tay vẫn nắm chặt máy ảnh”, nhà báo Văn Hiền nghẹn ngào kể.

Suốt dọc dài kháng chiến, nhiều nhà báo chiến trường đã ngã xuống trong tư thế đang tác nghiệp. Hành trình cuối cùng của Phan Văn Cam, người lính Điện ảnh Quân đội trong trận đánh vào Lộc Ninh là một câu chuyện như vậy. Trúng đạn giữa lúc đang quay, máu trào ra nhưng anh vẫn cố thì thào với đồng nghiệp: “Cầm máy, quay phim tiếp…”. Hơn 300 thước phim cuối cùng của anh là những hình ảnh quý giá, góp phần làm nên bộ phim “Chiến dịch Nguyễn Huệ” lịch sử.

...và hành trình còn mãi

Giữa không gian trưng bày của Bảo tàng Báo chí Việt Nam, chiếc máy quay Bolex đen bạc mầu im lìm sau lớp kính, chứa đựng câu chuyện lay động về tình đồng đội và hành trình tìm lại dấu vết những người cầm bút đã ngã xuống. Chiếc máy ấy từng được nhà báo Nguyễn Trưng, nguyên phóng viên điện ảnh chiến trường khu V giữ suốt hơn nửa đời người như một ký ức sống về đồng nghiệp Nguyễn Văn Giá.

Đó là buổi chiều đầu năm 1970, tại chiến trường khốc liệt Quảng Ngãi, cả hai không may rơi vào ổ phục kích của địch. Trong cơn nguy biến, họ chia nhau bỏ chạy. Nguyễn Trưng thoát được sau một đêm ẩn nấp giữa vòng vây nhưng người bạn Nguyễn Văn Giá không may mắn như thế. Trước lúc chia xa, Nguyễn Trưng nước mắt không ngừng rơi, quỳ trước mộ bạn tự hứa: Hòa bình, sẽ đón bạn về an táng tại quê nhà. Nhiều năm sau, ông cùng con trai liệt sĩ Nguyễn Văn Giá quay lại nơi xưa, gắng lần từng bụi tre, con suối, mái nhà đã đổi thay. Cuộc tìm kiếm diễn ra không dễ dàng nhưng cuối cùng cũng đưa được hài cốt nhà báo Nguyễn Văn Giá trở về, khép lại hành trình đau đáu suốt nhiều thập niên.

Không phải hành trình nào cũng có cái kết trọn vẹn, đó là câu chuyện day dứt về sự hy sinh của 5 nhà báo: Hoàng Kim Tùng (Tổng Biên tập báo Giải phóng Quảng Đà); Nguyễn Bá Tiệp, Nguyễn Vinh, Võ Công Thu (Nhà in, Đội chiếu bóng); Hoàng Quốc Thăng (Điện báo viên, TTX Giải phóng). Ngày 22/5/1972, một trận bom B52 rải xuống hang núi Hòn Tàu (Đà Nẵng) đã vùi lấp 10 chiến sĩ, trong đó có 5 nhà báo đang tác nghiệp nơi đây. Sau ngày thống nhất đất nước, đơn vị và người thân của các liệt sĩ nhiều lần trở lại chiến trường với hy vọng đưa họ trở về. Nhưng phải mất gần 40 năm, qua nhiều lần thăm dò, khảo sát, vào ngày 7/8/2011, hài cốt và kỷ vật của 5 nhà báo, liệt sĩ mới được tìm thấy dù không còn nguyên vẹn.

Tháng 3/1973, 150 phóng viên, điện báo viên, kỹ thuật viên Khóa GP10 của Việt Nam Thông tấn xã lên tàu vào chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng tại chiến trường miền nam. Ảnh: TTXVN

Tháng 3/1973, 150 phóng viên, điện báo viên, kỹ thuật viên Khóa GP10 của Việt Nam Thông tấn xã lên tàu vào chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng tại chiến trường miền nam. Ảnh: TTXVN

Hơn 90% trong số 512 nhà báo liệt sĩ đến nay chưa tìm được hài cốt, chưa một lần được gọi đúng tên trên bia mộ. Nhưng hành trình tri ân chưa từng dừng lại. Vẫn còn đó những người lặng lẽ đi tìm, chép nốt những dòng cuối cùng cho bản thảo dở dang như cách họ từng đồng hành trong lửa đạn. Gần 30 năm đi sưu tầm tư liệu, lập hồ sơ liệt sĩ báo chí, nhà báo Văn Hiền vẫn luôn đau đáu về đồng đội. Ông kể, như nữ nhà báo Dương Thị Xuân Quý gửi lại con thơ, vượt Trường Sơn vào chiến trường khu V rồi hy sinh, chỉ còn chiếc kẹp tóc làm tin. Nhà báo Lê Đoan, Tổng Biên tập báo Phụ nữ Giải phóng miền nam, hy sinh trong một trận bom càn năm 1966. Khi cải táng, người thân chỉ nhận ra chị qua mẩu áo len hoa cà và chiếc kẹp tóc inox, món trang sức bình dị của những cô gái Hà Nội một thời.

Nhưng cũng có những người ra đi mà không để lại gì. Đó là cuối mùa nước nổi năm 1970, trong chuyến công tác về Châu Đốc (An Giang), phóng viên Nguyễn Khắc Thắng, Điện ảnh Quân đội đã bị giặc bắn rồi ngã xuống sông Vàm Nao. Giữa dòng nước dữ, chỉ một vết máu loang cũng có thể khiến cả đàn cá sấu lao đến... Tia hy vọng tìm được hài cốt của anh dần chìm vào vô vọng!

“Có những nhà báo hy sinh hai lần. Lần thứ nhất là trên chiến trường. Lần thứ hai là trong sự quên lãng. Mà sự hy sinh lần thứ hai, theo tôi, còn day dứt hơn. Nhiều người đi tác nghiệp theo các đoàn quân không để lại dấu vết gì. Có người tuổi đời còn rất trẻ, chưa kịp lập gia đình. Giờ thân nhân không còn, không ai thờ tự. Rất cần những chính sách đặc biệt để câu chuyện của họ còn được kể mãi”, nhà báo Văn Hiền kiến nghị.

Tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, có một không gian tưởng niệm trang trọng dành cho các nhà báo liệt sĩ. Sau nhiều nỗ lực, hương linh của các anh, các chị đã được rước về thờ tự tại chùa Âu Lạc (TP Vinh, Nghệ An) như một lời tri ân sâu thẳm. Câu chuyện về họ không chỉ là nỗi đau quá khứ, mà là một phần máu thịt của nền báo chí cách mạng, nơi từng trang sử được viết nên bằng chính cuộc đời người cầm bút.

Nội dung: Linh Anh
Trình bày: Ngô Hương
Ảnh: Linh Anh; TTXVN