Về Ninh Bình, ngắm tranh lá bồ đề, nghe huyền tích Cố đô

Tương truyền, cách đây khoảng 2500 năm tại Ấn Độ, Phật Tổ ngồi dưới gốc bồ đề và ngộ ra  giáo lý của Phật giáo. Từ đó, cây bồ đề được biết đến như là cây của giác ngộ, học vấn và thức tỉnh. Trải dài qua nhiều năm, cây Bồ Đề đã được đưa về và trồng nhiều ở nước ta. Chính vì vậy mà các ngôi chùa ở miền bắc đa phần đều có trồng cây bồ đề như biểu đạt sự bình yên nơi cửa Phật.

Năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, tại Ninh Bình đã trồng một hàng cây bồ đề khoảng 3.000 gốc dọc con đường khoảng 15km nối từ phố cổ Hoa Lư, thành phố Ninh Bình đến chùa Bái Đính. Đến nay, hàng cây phát triển xanh tốt, tán cao rộng, kết hợp với cung đường uốn lượn quanh những dãy núi đã tạo nên khung cảnh ấn tượng cho du khách khi về với Ninh Bình.

Xuất phát từ ý nghĩa biểu tượng mang giá trị tâm linh của cây bồ đề, thế mạnh của vùng đất cố đô Hoa Lư cùng với mong muốn tạo việc làm cho người dân nơi đây, những thành viên cốt cán của Hợp tác xã Sinh Dược đã tìm tòi nghiên cứu, tạo ra những bức tranh lá bồ đề được tỉnh Ninh Bình đánh giá là sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao.

KỂ CÂU CHUYỆN

LỊCH SỬ

HÀNG NGHÌN NĂM 

Nằm dưới chân dãy núi Bái Đính, Hợp tác xã Sinh Dược (xóm 4, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn) được thành lập vào tháng 9/2014, tiền thân là tổ hợp tác nghiên cứu và sản xuất dược liệu tại địa phương. Ngoài những sản phẩm dược liệu từ thiên nhiên, Hợp tác xã Sinh Dược còn nổi tiếng với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ xương lá bồ đề thương hiệu Bồ đề Tây Phương, Bồ đề Vạn Hạnh.

Ông Nguyễn Duy Phương, Bí thư hợp tác xã cho biết, tương truyền khi xưa, Thiền sư-Danh y Nguyễn Minh Không đi tìm thuốc chữa bệnh "hóa hổ" cho vua Lý Thần Tông, tại vùng núi Bái Đính ngày nay, ngài tìm được nhiều loại thuốc mọc tự nhiên khắp một vùng bán sơn địa, nên đặt tên nơi này là Sinh Dược - nơi cây thuốc sinh trưởng. Trong quá trình tu hành và tìm hiểu các cây thuốc nơi đây, ngài đã truyền đạt lại những kinh nghiệm dùng thảo dược, những bài thuốc quý cho người dân thôn Sinh Dược.

Tranh cổ "Thiền sư Nguyễn Minh Không"

Tranh cổ "Thiền sư Nguyễn Minh Không"

Nguyễn Minh Không là một vị thiền sư, pháp sư, dược sư, quốc sư lỗi lạc. Ngài là tấm gương sáng ngời về tinh thần nhập thế của Phật giáo thời Lý. Và qua ngài đã thể hiện rõ tinh thần hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam. Có lẽ ngài là vị thiền sư duy nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam được vua phong Quốc sư, dân phong Thánh.
Thượng tọa Thích Minh Quang - Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Ninh Bình

Với những sản phẩm hiện có, những xã viên Hợp tác xã Sinh Dược không chỉ kể chuyện lịch sử hàng nghìn năm, mà còn góp phần viết tiếp trang sử của làng Sinh Dược. Với tinh thần không ngừng học hỏi và sáng tạo và cùng phát triển các ngành nghề thủ công mỹ nghệ tại địa phương, Hợp tác xã Sinh Dược đã và đang từng bước đưa sản phẩm tranh lá bồ đề không ngừng vươn cao và bay xa tới khắp các vùng miền trong cả nước.

Các tác phẩm tranh làm từ lá bồ đề với thương hiệu Bồ đề Tây Phương, Bồ đề Vạn Hạnh ngày càng được biết đến nhiều hơn.

Các tác phẩm tranh làm từ lá bồ đề với thương hiệu Bồ đề Tây Phương, Bồ đề Vạn Hạnh ngày càng được biết đến nhiều hơn.

Ý tưởng khai thác lá bồ đề để làm nên các tác phẩm thủ công mỹ nghệ do Giám đốc Hợp tác xã Sinh Dược Vũ Trung Đức và bạn là anh Hoàng Thanh Phương đề ra từ năm 2018 xuất phát từ mong muốn làm nên một món quà lưu niệm đặc sắc cho du khách mỗi khi tới thăm quê hương Ninh Bình.

Qua nhiều lần thử nghiệm, tìm tòi, anh Đức và anh Phương đã tìm ra cách sơ chế lá bồ đề và đưa thành quy trình sản xuất cho các xã viên Hợp tác xã Sinh Dược. Tới nay, hợp tác xã đã chuẩn hóa quy trình sản xuất để nâng cao năng suất, hiệu quả và bảo đảm sản phẩm làm ra an toàn, thân thiện với môi trường.  

Ngoài hàng ngàn cây bồ đề được trồng dọc tuyến đường Tràng An-Bái Đính, Hợp tác xã Sinh Dược còn trồng khoảng gần 1ha cây bồ đề ở xã Gia Sinh, Gia Viễn để chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất.

Lá tươi được ngâm nước vôi khoảng hai tháng rồi chải nhẹ lớp diệp lục, giữ lại xương lá.

Lá tươi được ngâm nước vôi khoảng hai tháng rồi chải nhẹ lớp diệp lục, giữ lại xương lá.

Theo ông Phương, không như những loại cây khác rất khó giữ xương lá nguyên vẹn, bồ đề có điểm đặc biệt là có bộ xương lá rất đẹp và giữ được độ bền cao sau khi xử lý.

Những chiếc lá bồ đề dùng để làm tranh phải là lá bánh tẻ, thường được các xã viên hợp tác xã thu hái vào tháng 7-8 hằng năm. Các xã viên sẽ chọn những chiếc lá có hình dáng đẹp đem về ngâm vào nước vôi trong khoảng 2 tháng. Tiếp theo, bà con hợp tác xã sẽ dùng bàn chải lông mềm chải sạch diệp lục, giữ lại phần xương lá mỏng manh.

Bồ đề có điểm đặc biệt là có bộ xương lá rất đẹp và giữ được độ bền cao sau khi xử lý.

Sau khi phơi khô trong nắng nhẹ, loại bỏ những chiếc bị rách, các xã viên sẽ phân loại lá theo kích thước để thuận tiện cho việc tạo tác về sau. Ngoài ra, để lá được bền và đẹp, mỗi chiếc lá thường sẽ được phủ lên 1 lớp sơn nhũ và bột nghệ để tạo nên độ vàng óng cho chiếc lá.

Để giữ chiếc lá nguyên vẹn cần hết sức nhẹ nhàng, tỉ mỉ.

Để giữ chiếc lá nguyên vẹn cần hết sức nhẹ nhàng, tỉ mỉ.

Dù mất tới hơn 2 tháng với nhiều công đoạn tỉ mỉ, kỳ công để xử lý những chiếc lá tươi, nhưng tới đây, những chiếc lá mỏng manh mới bắt đầu một vòng đời khác rực rỡ hơn, kỳ ảo hơn của mình.

TÌNH YÊU

VỚI NHỮNG CHIẾC LÁ

Phòng tranh Bồ Đề Tây Phương của Hợp tác xã Sinh Dược nằm khiêm nhường ở số 1, đường Đào Duy Từ, thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình). Anh Hoàng Thanh Phương, chủ phòng tranh hồi tưởng: Ban đầu, anh nảy ý tưởng làm những món đồ lưu niệm nhỏ từ những chiếc lá đã sơ chế. Trên lá anh viết những lời cầu chúc bình an bằng chữ theo lối thư pháp để tặng bạn bè. Không ngờ những tác phẩm của anh nhận được nhiều phản hồi tích cực.

Niềm say mê của anh Phương theo thời gian cũng dần lan tỏa sang hai người anh em ruột. Cùng chung chí hướng, cả ba anh em Bình - Phương - Nam đã cùng nhau nghiên cứu, sáng tạo những sản phẩm nghệ thuật từ tranh lá bồ đề và quyết định mở phòng tranh Bồ đề Tây Phương từ năm 2021.

Người tham quan phòng tranh Bồ đề Tây Phương sẽ lạc vào một thế giới nghệ thuật đặc sắc với rất nhiều tác phẩm từ lá bồ đề với bao nhiêu tâm huyết, kỳ công và sự sáng tạo.

Người tham quan phòng tranh Bồ đề Tây Phương sẽ lạc vào một thế giới nghệ thuật đặc sắc với rất nhiều tác phẩm từ lá bồ đề với bao nhiêu tâm huyết, kỳ công và sự sáng tạo.

Tại phòng tranh Bồ đề Tây Phương, người tham quan sẽ lạc vào một thế giới nghệ thuật đặc sắc với rất nhiều tác phẩm từ lá bồ đề với bao nhiêu tâm huyết, kỳ công và sự sáng tạo.

Nhiều tác phẩm của phòng tranh gắn với chủ đề Phật giáo: Bồ đề ngàn năm, Đức Phật giác ngộ dưới gốc cây bồ đề, những tác phẩm hoa sen khổ lớn, hay những bức tranh chim khổng tước, hồng hạc - các loài chim mang vẻ đẹp cao quý và có ý nghĩa trong Phật giáo. Đặc biệt có những tác phẩm khắc hoạ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bản đồ nước Việt, tranh trống đồng được làm từ lá bồ đề.

Hình Bác Hồ vẽ trên lá bồ đề

Hình ảnh hòn Trống - Mái (vịnh Hạ Long) được thêu trên một chiếc lá bồ đề.

Hình ảnh hòn Trống - Mái (vịnh Hạ Long) được thêu trên một chiếc lá bồ đề.

Hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẽ trên lá bồ đề

Hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẽ trên lá bồ đề

Anh Hoàng Hoài Nam, phòng tranh Bồ đề Tây Phương cho biết, ở một số nước, người dân coi lá bồ đề như Đức Phật và cầm chiếc lá từ cây bồ đề là cảm nhận sự bình an giác ngộ, còn họ chưa nghiên cứu làm tranh từ lá bồ đề như ở Việt Nam.

Các bức tranh được ghép từ nhiều chiếc lá đơn – có thể lên đến hàng nghìn chiếc tùy theo kích thước và loại tranh. Công đoạn ghép tranh đòi hỏi sự tinh xảo, khéo léo và óc thẩm mỹ. Thời gian ghép tranh có thể dao động 4-5 tiếng hoặc 4-5 ngày hoặc vài tháng tùy thuộc vào nội dung, khối lượng, chất lượng và nguyên liệu tạo thành của bức tranh. 

Do lá bồ đề hàm chứa những giá trị tinh thần đặc biệt, nên dù tác phẩm có được ghép từ hàng nghìn chiếc lá, thì từng chiếc lá vẫn phải được giữ nguyên vẹn. Mỗi người khi ngắm các tác phẩm hoàn thiện sẽ có cảm nhận khác nhau về vẻ đẹp của những chiếc lá nhỏ bé hình trái tim ẩn chứa những giá trị Chân, Thiện, Mỹ.

MỖI TÁC PHẨM ĐỀU ẨN CHỨA NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA

Anh Nam tâm sự, do lá bồ đề gắn với Phật giáo, nên các nghệ sĩ của phòng tranh luôn muốn gửi gắm vào mỗi tác phẩm sự bình an và giác ngộ. Để làm được điều đó, bản thân anh và các nghệ sĩ của phòng tranh luôn phải học hỏi để có hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa truyền thống, văn hóa Phật giáo, từ đó mới có thể truyền tải được vào bức tranh những giá trị tinh thần trân quý của cha ông truyền lại. Ngoài các giá trị nghệ thuật thông thường, mỗi bức tranh nơi đây đều chất chứa những suy tư, triết lý nhất định của đạo Phật.

Mỗi nghệ sĩ của phòng tranh luôn phải học hỏi để có hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa truyền thống, văn hóa Phật giáo, từ đó mới có thể truyền tải được vào bức tranh những giá trị tinh thần trân quý của cha ông truyền lại.
Anh Hoàng Hoài Nam, phòng tranh Bồ đề Tây Phương

Các tác phẩm cũng ẩn chứa những câu chuyện về văn hóa, lịch sử hấp dẫn của vùng đất Cố đô. Anh Nam tâm đắc nhất với tác phẩm Đồng tiền Thái Bình Hưng Bảo, bởi đây là đồng tiền đầu tiên của Việt Nam dưới triều vua Đinh Tiên Hoàng - người đã chọn Hoa Lư, Ninh Bình làm đất đóng đô.

Đồng tiền Thái Bình Hưng Bảo đúc từ chất liệu đồng, có hình tròn đường kính 2,2 - 2,35cm, bên ngoài có riềm tròn rộng, phẳng. Chính giữa là lỗ có hình vuông, chữ được viết nổi đối xứng qua lỗ vuông (Thái trên - Bình dưới; Hưng bên phải, Bảo bên trái). Hình dáng tiền có thể biểu hiện tư duy cội nguồn về vũ trụ: Trời tròn, đất vuông, bắt nguồn từ thuở Vua Hùng dựng nước. Sau lưng đồng tiền có một chữ Đinh.  

Tác phẩm Đồng tiền Thái Bình Hưng Bảo

Tác phẩm Đồng tiền Thái Bình Hưng Bảo

Tác phẩm mang đậm tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào về mảnh đất, con người Cố đô nên đã nhiều người dân Ninh Bình chọn làm quà tặng tiêu biểu của địa phương.

Sản phẩm tranh lá bồ đề của Hợp tác xã Sinh Dược là 1 trong 11 sản phẩm đã được tỉnh Ninh Bình cấp chứng nhận OCOP 4 sao năm 2020. Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình cho biết, tỉnh Ninh Bình cũng đã gửi hồ sơ đề nghị cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia đối với sản phẩm này.

Tác phẩm "Pháp thân tự tại" - một trong các tác phẩm đã được đăng ký bản quyền tác giả do Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp.

Tác phẩm "Pháp thân tự tại" - một trong các tác phẩm đã được đăng ký bản quyền tác giả do Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp.

Ngoài ra, 8 bức tranh lá bồ đề tiêu biểu của phòng tranh đã được cấp Chứng nhận quyền tác giả, như các tác phẩm: Bồ đề tâm, Pháp thân tự tại, Khổng tước song toàn, vv…. Đây là bước đi đầu tiên của những người sở hữu tranh lá bồ đề để sản phẩm được bảo vệ và xây dựng thương hiệu.

Ninh Bình là tỉnh đầu tiên và duy nhất trên cả nước cho đến thời điểm hiện nay sở hữu Di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới - Quần thể danh thắng Tràng An. Với những nỗ lực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch bền vững, tỉnh Ninh Bình đang nỗ lực để khẳng định vị thế là một trong những trung tâm du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh lớn nhất miền bắc.

Tỉnh đã liên kết với thành phố Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An... để khai thác và phát triển các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh mà điển hình là việc xây dựng “Hành trình con đường di sản” kết nối các điểm đến: Quần thể danh thắng Tràng An - cố đô Hoa Lư - động Am Tiên - Khu tâm linh núi chùa Bái Đính - Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình) - Khu du lịch quốc gia Tam Chúc (Hà Nam) - chùa Hương và Khu di sản Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội).

Với định hướng phát triển các tour, tuyến du lịch tâm linh của tỉnh, sản phẩm tranh lá bồ đề của Hợp tác xã Sinh Dược đã trở thành một sản phẩm quà tặng du lịch đặc sắc, phòng tranh Bồ đề Tây Phương, hợp tác xã Sinh Dược đã trở thành một điểm đến không thể thiếu đối với mỗi du khách khi về Ninh Bình với những ấn tượng khó phai về sự tài hoa, sức sáng tạo của con người Ninh Bình.

Ngày xuất bản: 10/01/2024
Tổ chức: HỒNG MINH - XUÂN BÁCH
Thực hiện: VĂN LÚA - XUÂN TRƯỜNG - SONG THU - NGỌC BÍCH
Ảnh: NHẬT QUANG, HTX SINH DƯỢC