"Tình yêu nước mãnh liệt thôi thúc chúng tôi vẽ tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ”
Bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ rộng 3.200m2, với hơn 4.500 nhân vật là tác phẩm hội họa hùng tráng, đồ sộ được hàng trăm họa sĩ hoàn thiện trong nhiều năm. Báo Nhân Dân đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Mạc - “kiến trúc sư trưởng” của bức tranh tường đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách trong và ngoài nước tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Phóng viên (PV): Từ khi nào ý tưởng về bức tranh tường xuất hiện và ông có thể kể lại quá trình cùng các cộng sự thực hiện dự án bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ?
Họa sĩ Nguyễn Văn Mạc: Năm 2013 chúng tôi lên Điện Biên để trưng bày các hiện vật tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Lúc đó, bảo tàng đã xây xong và đã dành hẳn một diện tích chủ đạo của bảo tàng để vẽ bức tranh.
Bắt đầu từ ngày đó chúng tôi đã có ý định về việc sẽ vẽ bức tranh này. Không gian đã có, chắc chắn là bức tranh này phải vẽ còn ai vẽ thì cũng phải tùy duyên và xem năng lực của mình đến đâu.
Từ ý định đó, tôi cùng các cộng sự ở đơn vị lên đề cương về bức tranh. Chúng tôi đi tìm hiểu tất cả tư liệu liên quan, thăm hỏi các gia đình, tìm hiểu lý lịch, hồ sơ của những cựu chiến binh, những nhân chứng lịch sử, tham vấn các nhà khoa học, nhà viết kịch bản, nhà văn,… Sau đó, chúng tôi chọn lọc và xâu chuỗi lại để viết ra một đề cương thể hiện bằng ngôn ngữ mỹ thuật.
Chúng tôi cẩn trọng làm từng bước, riêng thời gian chuẩn bị đề cương mất khoảng gần 3 năm. Và đến năm 2016, chúng tôi bắt đầu bắt tay vào vẽ phác thảo.
Bản phác thảo lần 1 cao 90cm và dài 13,5m. Đến hết năm 2016 thì xong phác thảo bước 1 để đánh giá.
Sau khi hoàn thành phác thảo bước 1, chúng tôi tiến hành phác thảo bước 2 với kích thước nâng lên cao 2,3m và dài 31m. Vì diện tích tranh lớn nên chúng tôi phải làm từng bước một. Tới năm 2018 thì chúng tôi xong bước phác thảo thứ 2.
Sau khi xong bước phác thảo thứ 2, chúng tôi mời đại diện tỉnh Điện Biên về xem xét và lãnh đạo tỉnh Điện Biên đồng ý với đề xuất phác thảo và cùng thành lập Hội đồng nghệ thuật quốc gia gồm các họa sĩ, nhà điêu khắc, các nhà kiến trúc để đánh giá và góp ý cho tranh phóng tại bảo tàng.
Đến năm 2019, Hội đồng nghệ thuật quốc gia góp ý và đồng ý thống nhất với bố cục của bức tranh, đồng ý cho thực hiện và tỉnh Điện Biên cũng đồng ý ký hợp đồng thực hiện dự án. Chúng tôi triển khai vẽ ngay trong năm 2019 tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và đến năm 2022 thì xong, vẽ trong khoảng gần 3 năm.
PV: Từ khi được công bố cho đến nay, bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của công chúng. Điểm đặc biệt của bức tranh này là gì, thưa ông?
Họa sĩ Nguyễn Văn Mạc: Đông đảo công chúng đã đến thăm Điện Biên và tới Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ để xem bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngoài việc tái hiện lại 56 ngày đêm Chiến dịch Điện Biên Phủ một cách sống động và hào hùng như cảm nhận của hầu hết người xem, bức tranh còn có những điểm đặc sắc khác.
Thứ nhất, có thể khẳng định đây bước đột phá mới trong ngành hội họa Việt Nam, thể hiện sự bứt phá của dòng tranh lịch sử.
Bức tranh panorama tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được đặt trong bảo tàng có kiến trúc do người Việt Nam thiết kế. Và thực hiện thi công bức tranh này cũng là người Việt Nam.
Thứ hai, về quy mô, tranh panorama cỡ lớn về lịch sử trên thế giới không có nhiều. Thí dụ như bức tranh lớn nhất của Nga là bức tranh về trận đánh Borodino ở Moskva khoảng 2.500m2. Bức tranh panorama của Chiến dịch Điện Biên Phủ lớn hơn, khoảng 3.200m2.
PV: Chắc hẳn trong quá trình thực hiện bức tranh với quy mô lớn như vậy, ông và các cộng sự đã trải qua không ít khó khăn nhưng cũng có những điều thuận lợi?
Họa sĩ Nguyễn Văn Mạc: Khi chúng tôi thực hiện dự án này, điều thuận lợi nhất và cũng là may mắn, đó là lúc tìm hiểu, gặp gỡ các nhân chứng để chuẩn bị cho tác phẩm, chúng tôi còn được gặp một số nhân chứng của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chúng tôi tìm được những bác đã tham gia trận Him Lam, trận Đồi A1, hầm Đờ Cát,… từng cứ điểm chúng tôi đều tìm được các nhân chứng.
Thuận lợi thứ hai là chúng tôi được mọi người ủng hộ rất nhiều tư liệu. Chúng tôi sử dụng khoảng hơn 1.000 tư liệu để vẽ tranh này. Bức tranh quá lớn và rất nhiều hình tượng để mình xác lọc, lựa chọn.
Đấy là những thuận lợi, còn về khó khăn, cơ bản nhất vẫn là do chưa từng thực hiện vẽ tranh lớn nên chúng tôi cũng lo ngại lúc triển khai phải vẽ ra thế nào cho phù hợp.
Khó khăn thứ hai là khi chúng tôi lên Điện Biên thực hiện dự án được mấy tháng thì bắt đầu xuất hiện và bùng phát dịch Covid-19. Cả quá trình triển khai rất dài nhưng cũng may là việc vẽ tranh được thực hiện trong nhà nên chúng tôi cách ly được, nhờ vậy mà công việc vẫn được triển khai.
"Xem tranh, có lẽ nhiều người cho rằng đây là bức tranh được thể hiện bởi các họa sĩ kỳ cựu nhưng thực tế họ đều là những họa sĩ trẻ. Họ phải hình dung ra toàn bộ Chiến dịch và thể hiện lại trên bức tranh. Do đó, nếu không có tình yêu nước, yêu lịch sử mãnh liệt thì các họa sĩ không thể làm được điều đó"
Một điều nữa là kíp họa sĩ vẽ bức tranh này hầu hết là họa sĩ trẻ tuổi, nếu tính năm chúng tôi bắt đầu vẽ là 2019 thì người cao tuổi nhất là 35 tuổi còn lại vào khoảng độ 27-28 tuổi. Họ đều là họa sĩ học ở Trường đại học Mỹ thuật, được đào tạo đến nơi đến chốn. Nhưng khó một điều là họ còn trẻ mà nội dung truyền đạt qua bức tranh lại là đề tài chiến tranh, một chiến dịch lớn.
Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đã tổ chức cho các họa sĩ trẻ đi điền dã, lên Điện Biên, đến các di tích, trải nghiệm không gian núi rừng, đất đai, cây cối Điện Biên, thời gian sáng, trưa, chiều, tối, thời tiết nắng mưa,… để các họa sĩ trải nghiệm, cảm nhận, “thấm đẫm” vào trong người để rồi mới có thể thể hiện ra được tinh thần của Chiến dịch Điện Biên Phủ vào tranh vẽ.
Các họa sĩ cũng ngồi cùng các bác cựu chiến binh, nghe các bác truyền đạt lại về cuộc chiến và cả truyền lửa về tinh thần của quân dân ta, rồi xem những bộ phim, những tài liệu về Chiến dịch Điện Biên Phủ để thấy được sự khốc liệt của chiến dịch. Chúng tôi để các họa sĩ trẻ cảm nhận dần dần.
Những người thực hiện bức tranh này đều là các họa sĩ trẻ, thế mà họ đã truyền cảm xúc vào bức tranh để khi chiêm ngưỡng những người xem đều xúc động, đều cảm nhận tinh thần của bức tranh, hình ảnh các chiến sĩ, hình ảnh từng nắm đất, gốc cây đều rất cảm xúc.
Xem tranh, có lẽ nhiều người cho rằng đây là bức tranh được thể hiện bởi các họa sĩ kỳ cựu nhưng thực tế họ đều là những họa sĩ trẻ, không sinh ra trong thời chiến. Họ phải hình dung ra toàn bộ Chiến dịch và thể hiện lại trên bức tranh. Do đó, nếu không có tình yêu nước, yêu lịch sử mãnh liệt thì các họa sĩ không thể làm được điều đó.
PV: Ông từng chia sẻ phần lớn những hình ảnh của các chiến sĩ Điện Biên xuất hiện trong bức tranh đều là những nhân vật thật, con người thật. Theo ông, việc này có ý nghĩa như thế nào với tác phẩm?
Họa sĩ Nguyễn Văn Mạc: Đây là vẽ tranh lịch sử. Giả sử chúng ta không còn tư liệu chúng ta phải chấp nhận. Hiện nay, tư liệu còn thì tại sao ta lại không dùng tư liệu. Thí dụ như cảnh chiến đấu, cảnh hy sinh hoặc là cảnh vượt qua những khó khăn thì có tư liệu kéo pháo, dân công hỏa tuyến,… thì tại sao mình lại không lấy những tư liệu đó để cho bức tranh thêm sát thực.
Tại sao khi xem bức tranh mọi người đều cảm nhận được rất gần gũi và có cảm xúc?Đó là vì tranh được lấy từ hình ảnh thật, con người thật để vẽ thì sẽ chạm đến cảm xúc của người xem.
PV: Mất gần 10 năm kể từ khi lên ý tưởng đến lúc hoàn thành tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ, chắc hẳn ông và các cộng sự đã có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Ông có thể chia sẻ một vài kỷ niệm trong quá trình triển khai dự án này?
Họa sĩ Nguyễn Văn Mạc: Trong quá trình thực hiện dự án, một kỷ niệm đáng nhớ nhất mà chúng tôi cảm thấy sung sướng nhất là khi chúng tôi làm phác thảo bước 2 mà Hội đồng nghệ thuật đánh giá rằng, mặc dù đây mới là phác thảo nhưng phác thảo này đã lột tả được tinh thần của bức tranh.
Hội đồng nghệ thuật khi ấy đã có niềm tin rằng khi bức tranh được triển khai phiên bản lớn hơn sẽ thành công, đó chính là nguồn động viên vô cùng lớn cho chúng tôi. Bởi vì từ bước 1 đến bước 2 là cả một quá trình rất khó khăn, nếu bên cạnh không có người động viên, đánh giá, nhận định thì có lẽ ý chí, quyết tâm thực hiện bức tranh của chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng.
Một kỷ niệm đáng nhớ khác nữa là vào lúc gần vẽ xong, cũng là lúc dịch Covid-19 được kiểm soát, thì có một đoàn 130 sinh viên Trường Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh đến.
Các bạn đi tàu hỏa tới Hà Nội rồi thuê ô-tô từ Hà Nội lên Điện Biên. Hôm đoàn sinh viên đến thì chúng tôi đang vẽ. Các bạn trẻ khi nghe về lòng yêu nước của dân tộc mình, đứng xem tranh rồi có bạn chảy nước mắt vì xúc động, tự hào về dân tộc Việt Nam hào hùng,… Đó là kỷ niệm mà tôi thấy sung sướng vì thành quả lao động của mình được mọi người đón nhận.
PV: Với bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ, lời đánh giá nào mà ông thấy tâm đắc nhất, cảm thấy xứng đáng với công sức, tâm huyết của những người họa sĩ đã dành cho bức tranh?
Họa sĩ Nguyễn Văn Mạc: Khi tôi nhận Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương, có hai cụ cựu chiến binh đều sống ở Điện Biên tham dự.
Hai cựu chiến binh lên phát biểu rằng, “rất mừng đã để lại bức tranh này cho hậu thế, bức tranh này là máu thịt của toàn bộ đồng đội chúng tôi đã đựng ở đây hết rồi, vào đến đây là chúng tôi nhận ra đây là Điện Biên của chúng tôi, nghĩ đến ngay anh em đồng đội của chúng tôi”. Tôi thực sự xúc động.
Một nhận xét nữa từ một học sinh cũng khiến tôi nhớ mãi. Khi chúng tôi đang vẽ bức tranh có một nhóm học sinh khoảng 15-16 tuổi tới. Nhiều cháu đứng xem và khóc. Tôi hỏi tại sao các con khóc thì các cháu trả lời “cháu thấy các chiến sĩ mình đổ máu cháu thương quá”. Chia sẻ rất thật lòng của những bạn trẻ 15-16 tuổi đó chính là thành công của chúng tôi.
"Bức tranh này là máu thịt của toàn bộ đồng đội chúng tôi đã đựng ở đây hết rồi, vào đến đây là chúng tôi nhận ra đây là Điện Biên của chúng tôi, nghĩ đến ngay anh em đồng đội của chúng tôi”, tôi thực sự xúc động khi nghe hai bác cựu chiến binh Chiến dịch Điện Biên Phủ chia sẻ về bức tranh.
PV: Qua quá trình thực hiện dự án này, theo ông, cần có sự hỗ trợ như thế nào từ các cơ quan liên quan để có thể tiếp tục cho ra đời những tác phẩm mang tầm vóc lớn, vừa tái hiện được lịch sử hào hùng lại vừa có tính thẩm mỹ cao như bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ?
Họa sĩ Nguyễn Văn Mạc: Tôi cũng trăn trở. Tại sao bảo tàng ở Việt Nam rất vắng khách? Là do cách trưng bày và thể hiện của mình. Trong bảo tàng, có nhiều hiện vật gốc là cái căn bản. Nhưng hiện vật gốc trong bảo tàng đó phải có minh họa xen kẽ thì mới ấn tượng.
Thí dụ bức tranh ở Điện Biên, phần trên toàn bộ là hội họa, phần dưới là sắp đặt, ăn nhập với nhau. Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ hiện nay có khả năng thu hút khách thăm quan đông nhất ở Việt Nam.
Tôi cũng muốn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có định hướng lại cho các bảo tàng, hiện vật trưng bày được đan xen cùng những tác phẩm nghệ thuật thì sẽ sinh động, cuốn hút người xem hơn.
Khi tôi có ý định triển khai dự án này, nhiều người gàn vì sợ tôi thất bại. Chúng tôi cũng đã làm một việc rất là khó rồi, từ nay trở đi, nếu có ai muốn thực hiện những tác phẩm tương tự thì không sợ khó, không sợ thất bại nữa.
Nhìn lại công việc vẽ bức tranh panorama Chiến thắng Điện Biên Phủ tôi thấy đây thực sự là một dự án rất khó. Cảm nhận về bức tranh thì tuỳ theo sự đánh giá của mỗi người xem nhưng đây là một công việc rất khó. Khi tôi có ý định triển khai dự án này, nhiều người gàn vì sợ tôi thất bại.
Điều tôi muốn nói ở đây là dù sao đi chăng nữa thì chúng tôi cũng đã làm một việc rất là khó rồi, từ nay trở đi, nếu có ai muốn thực hiện những tác phẩm tương tự thì không ngại nữa, không sợ khó, không sợ thất bại nữa.
PV: Hiện tại, ông có đang ấp ủ dự án nào trong thời gian tới không?
Họa sĩ Nguyễn Văn Mạc: Chiến dịch Điện Biên Phủ là dấu mốc cực kỳ quan trọng, là bước ngoặt lịch sử của dân tộc Việt Nam nói riêng và nhân dân thế giới nói chung. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, người Pháp đã buộc phải ngồi ký Hiệp định Giơnevơ với Việt Nam.
Còn một mốc lịch sử quan trọng của đất nước nữa. Tôi muốn thực hiện một bức tranh nữa tại Hà Nội, đó là trận Điện Biên Phủ trên không. Đó là dự định mà tôi đang ấp ủ, được không thì có lẽ còn là cái duyên.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hỏi đáp về bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ
Tên chính xác của bức tranh là gì?
Trả lời: Theo tên dự án là bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Quy mô của bức tranh như thế nào?
Trả lời: Bức tranh khoảng 3.200m2. Nội dung bức tranh được chia thành 4 trường đoạn: Toàn dân ra trận; Khúc dạo đầu hùng tráng; Cuộc đối đầu lịch sử và Chiến thắng Điện Biên.
Phần mỹ thuật được vẽ trên toan ôm theo vòng tròn của tường trong không gian 360 độ với chiều cao 20,5m, chiều dài 132m, với 4.500 nhân vật cùng những phong cảnh núi rừng, những trận đánh nảy lửa...
Phía chân tranh là phần đắp nổi với chất liệu tổng hợp, diện tích khoảng gần 1.000m2 chạy theo chiều dài của tranh được khéo léo kết hợp giữa phần mỹ thuật và nghệ thuật sắp đặt các hiện vật khiến cho tổng thể bức tranh không thể tách rời.
Bức tranh đặt ở đâu?
Trả lời: Bức tranh đặt ở Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
Kinh phí để thực hiện dự án vẽ bức tranh là bao nhiêu?
Trả lời: Kinh phí khoảng hơn 40 tỷ đồng.
Có bao nhiêu họa sĩ đã tham gia vẽ bức tranh này?
Trả lời: Hàng trăm họa sĩ tham gia vẽ bức tranh này, trong đó khoảng 10 họa sĩ vẽ chính. Vì bức tranh rất lớn, 10 họa sĩ không thể vẽ hết được nên phải mời các họa sĩ vẽ bằng nhiều đợt, ra vào liên tục.
Các họa sĩ được lựa chọn theo ưu điểm của họ, người vẽ súng, người vẽ cây, người vẽ cảnh,…
Các họa sĩ có sử dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại gì khi vẽ tranh không?
Trả lời: Không. Các họa sĩ vẽ hoàn toàn bằng phương pháp truyền thống, vẫn là vẽ tay bằng cây cọ, chất liệu sơn dầu.
Ngày xuất bản: 03/05/2024
Tổ chức thực hiện: VIỆT ANH
Nội dung: LÊ HÀ, BÔNG MAI, TRUNG HIẾU
Trình bày: BÔNG MAI
Ảnh: THÀNH ĐẠT, ĐĂNG KHOA, nhân vật cung cấp