Cần khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, khát vọng hùng cường để cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn chung tay cùng Chính phủ giải quyết các bài toán mang tầm quốc gia, góp phần làm nên những kỳ tích Việt Nam trong thời đại mới.
Chúng ta đang ở thời điểm rất quan trọng khi thế giới chứng kiến nhiều thay đổi, sự ra đời của các ngành công nghiệp mới, thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn kéo theo sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, sự điều chỉnh trong cấu trúc đầu tư thương mại. Điều này vừa đặt ra các nguy cơ, thách thức nhưng đồng thời cũng mang đến cho các quốc gia thời cơ, vận hội mới.
Góp phần làm nên kỳ tích Việt Nam
Bối cảnh mới đang đặt ra các yêu cầu mới cho định hướng phát triển của đất nước. Chúng ta không chỉ phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng mà phải là tăng trưởng xanh, bền vững. Không chỉ là phát triển các ngành kinh doanh truyền thống, mà còn phải dồn lực để thu hút đầu tư và tạo sự bứt phá cho các ngành công nghiệp tiên phong.
Không chỉ tăng trưởng dựa vào vốn, vào khai thác tài nguyên như trước, mà phải dựa vào khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo. Không phải chỉ là phát huy, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống mà còn phải phát huy được các động lực tăng trưởng mới, đến từ kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và bằng cả các mô hình kinh tế mới.
Hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030, trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra, để tận dụng cơ hội, bắt kịp xu hướng mới, Việt Nam phải chuẩn bị một tâm thế để sau khi kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng, sẽ bước vào kỷ nguyên mới, đó là Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, như lời của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nói.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đây là điều rất đáng tự hào, và chúng ta phải tiếp tục nỗ lực, phấn đấu để nuôi dưỡng niềm tự hào đó. Dân tộc Việt Nam còn nhiều tiềm năng, cơ hội, nhiều điều kiện và có khát vọng để vươn lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Đứng trước giai đoạn lịch sử có tính chất bước ngoặt của đất nước, của dân tộc hiện nay, hơn lúc nào hết, khu vực doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp lớn cần phát huy vai trò, sứ mệnh dẫn dắt, tiên phong phát triển kinh tế-xã hội.
Sự phát triển về số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ góp phần quyết định vào việc thực hiện mục tiêu đưa nước ta đến năm 2025 trở thành nước đang phát triển, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp và thực hiện các mục tiêu tiếp theo đến năm 2030 và năm 2045.
Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô lớn phải cùng Chính phủ chung sức thực hiện những việc lớn, việc mới, việc khó, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia.
Sự phát triển về số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ góp phần quyết định vào việc thực hiện mục tiêu đưa nước ta đến năm 2025 trở thành nước đang phát triển, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp và thực hiện các mục tiêu tiếp theo đến năm 2030 và năm 2045.
Gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã hình thành một lực lượng doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, có thương hiệu lâu đời, từng bước khẳng định vị trí tiên phong, đầu tàu trong các lĩnh vực then chốt, trọng yếu của nền kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân cũng có bước phát triển mạnh mẽ.
Đến nay, Việt Nam đã có hơn 930 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Trong đó đã xuất hiện một lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu tại thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.
Một số doanh nghiệp tư nhân lớn đã chủ động chuyển đổi, mạnh dạn đầu tư vào các ngành công nghiệp mới, đầu tư vào những dự án quan trọng, có tính then chốt; tiên phong đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng xanh, tuần hoàn; từng bước phát triển trở thành lực lượng dẫn dắt, lan tỏa, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh đã được hưởng lợi từ mối liên kết kinh doanh với các doanh nghiệp dẫn đầu này.
Tính chung 9 tháng năm 2024, cả nước có gần 121,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là hơn 1.158,5 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký hơn 735,0 nghìn lao động, tăng 3,4% về số doanh nghiệp, tăng 3,4% về vốn đăng ký và giảm 3,4% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng năm 2024 đạt 9,5 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2023. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng năm 2024 là 2.310,5 nghìn tỷ đồng, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Việc huy động được khối tài sản hàng trăm tỷ USD từ các doanh nghiệp lớn cùng với công nghệ, kiến thức, trình độ quản trị, nguồn nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp này sẽ bổ sung một nguồn lực đáng kể cho nền kinh tế, góp phần bảo đảm tính tự chủ của kinh tế đất nước.
Tuy quá trình phát triển của đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam còn non trẻ so với các nước trong khu vực và trên thế giới, chưa tích lũy được nhiều về vốn, tri thức, công nghệ, kinh nghiệm, truyền thống kinh doanh; tính liên kết, lan tỏa, dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn còn nhiều hạn chế, chưa được như kỳ vọng, nhưng chỉ cần tháo gỡ những rào cản, khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, khát vọng hùng cường, trao cho họ những việc lớn, các doanh nghiệp sẽ chung tay cùng Chính phủ giải quyết các bài toán mang tầm quốc gia, góp phần làm nên những kỳ tích Việt Nam trong thời đại mới.
Sứ mệnh tiên phong, dẫn dắt, đi đầu
Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP xác định 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, trong đó nhiều nhiệm vụ cần có sự tham gia chủ đạo, chung tay của các doanh nghiệp lớn, như: Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng (đường cao tốc, cảng hàng không, bến cảng, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục); triển khai Quy hoạch điện VIII; phát triển, phổ cập hạ tầng viễn thông truyền thống sang hạ tầng số; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D), thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, công nghiệp nền tảng và công nghệ mới nổi (chip bán dẫn...).
Đã đến lúc đặt lên vai cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp lớn những sứ mệnh lớn lao hơn. Các doanh nghiệp lớn cần nghĩ lớn, chủ động đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở những lĩnh vực khác.
Bên cạnh mục tiêu lợi nhuận, các doanh nghiệp tư nhân lớn phải tham gia vào các lĩnh vực mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch theo xu hướng phát triển xanh, tuần hoàn, bền vững như: Xe điện, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), nông nghiệp chất lượng cao và phát thải thấp…; tham gia vào các dự án lớn của đất nước, như: Đường sắt cao tốc bắc-nam, đường sắt đô thị, đường cao tốc Vientiane-Hà Nội, đường sắt Vientiane-Vũng Áng, các dự án năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn cần phát huy vai trò tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng và làm chủ khoa học công nghệ trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tiên phong trong hội nhập quốc tế, đầu tư ra nước ngoài hiệu quả, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; tiên phong khai thác hiệu quả các nguồn lực của đất nước; tiên phong trong nghiên cứu, thực hiện chính sách đột phá phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với làm tốt an sinh xã hội; tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh trong phát triển doanh nghiệp.
Với tiềm lực tài chính, năng lực nghiên cứu và phát triển cùng bề dày kinh nghiệm và thương hiệu, các doanh nghiệp tư nhân lớn cần phát huy vai trò dẫn đầu, chuyển giao công nghệ, chủ động liên doanh, liên kết, định hướng, dẫn dắt, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia làm nhà thầu phụ cùng phát triển theo chuỗi giá trị.
Tiếp tục phát huy niềm tự hào dân tộc, truyền thống lịch sử, sức mạnh nội sinh, tự lực, tự cường; chủ động nắm bắt thời cơ, có phương án thích ứng với những biến động trong tương lai; đón đầu các xu hướng kinh doanh mới; đổi mới mô hình hướng tới kinh doanh xanh và bền vững; chú trọng nâng cao giá trị thương hiệu, đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp; xây dựng uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường khu vực và quốc tế.
Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương luôn cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp. Tiếp tục đổi mới tư duy về quản lý của Nhà nước đối với doanh nghiệp theo hướng không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp.
Tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động đầu tư của doanh nghiệp cần được ưu tiên thực hiện ở mọi cấp quản lý; khó khăn, vướng mắc ở cấp nào, địa phương nào thì cấp đó, địa phương đó phải chủ động kịp thời tháo gỡ, giải quyết; trường hợp vượt thẩm quyền, phải chủ động báo cáo cấp trên trực tiếp xem xét, xử lý với phương châm “sớm nhất-hiệu quả nhất” để khơi thông nguồn lực, phát huy vai trò, vị trí của doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án Xây dựng cơ chế, chính sách hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng, có lợi thế cạnh tranh và khả năng dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Mục tiêu của Đề án nhằm hình thành một lực lượng doanh nghiệp quy mô lớn, mang tính dân tộc cao, có năng lực cạnh tranh dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, vươn tầm quốc tế, đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt phát triển nền kinh tế.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án Xây dựng cơ chế, chính sách hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng, có lợi thế cạnh tranh và khả năng dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Các cơ chế, chính sách nêu ra trong Đề án sẽ là nền tảng cho các doanh nghiệp lớn làm bàn đạp vươn lên, tăng cường tích lũy tập trung, đẩy mạnh hoạt động đầu tư để trở thành những đầu tàu của nền kinh tế, xây dựng được giá trị thương hiệu được cả thế giới biết đến.
Trong quá trình đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng, Nhà nước ta luôn xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định doanh nghiệp Việt Nam là một tổng thể gắn bó, liên kết, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh bình đẳng, tạo nên năng lực cạnh tranh của đất nước trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Tại thời điểm này, hơn lúc nào hết, cần xác định vai trò mới, sứ mệnh mới của doanh nghiệp dân tộc, khơi dậy khát vọng cống hiến, huy động và phát huy hiệu quả nguồn lực, tài sản, tài nguyên mà khối doanh nghiệp này nắm giữ, tạo sức cạnh tranh bền vững cho nền kinh tế.
Ngày xuất bản: 13/10/2024
Tổ chức xuất bản: NGỌC THANH, VŨ MAI HOÀNG, TRƯỜNG SƠN, LƯU HƯƠNG
Nội dung: NGUYỄN CHÍ DŨNG - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư
Trình bày: TRUNG HƯNG
E-MAGAZINE
nhandan.vn