
Diễn biến những ngày cuối tháng 4 lịch sử cách đây tròn 50 năm đã để lại bao dấu ấn xúc động, không chỉ qua những chiến công hiển hách trên chiến trường mà còn hiện hữu trên các trang thư, dòng nhật ký của bao người đã sống, đã hy sinh vì lý tưởng độc lập - tự do. Ðây chính là kho tư liệu sống động và chân thực về những cảm xúc mãnh liệt, niềm vui sướng vô bờ của quân và dân Việt Nam khi Chiến dịch Hồ Chí Minh đi đến thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
Từ niềm tin chiến thắng
Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng những năm qua đã cất công tìm kiếm, lưu giữ hàng vạn bức thư, trang nhật ký được viết trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Những trang giấy đã rách, ố màu thời gian, có trang còn in dấu cả mảng máu đã thâm đen của người chiến sĩ... như âm vang bản hùng ca của lịch sử hòa cùng tâm hồn những người con đã ngã xuống vì Tổ quốc.
Đặc biệt, những lá thư, trang nhật ký viết trong những tháng ngày diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 như những khúc cao trào thể hiện niềm tin mạnh mẽ vào chiến thắng cuối cùng.
Từ chiến trường Tây Nguyên ngày 25/3/1975, Đại tá Lê Thanh Tiến thư gửi vợ: “Em yêu quý!... Biên thư cho em và con giữa mặt trận vang dội chiến công. 15 ngày liên tục chiến đấu chưa có một phút nghỉ, nhưng cũng không có ngày nào không nhớ đến em và con…, Vinh quang biết bao anh được tham gia vào chiến dịch lịch sử, một chiến dịch ta giành thắng lợi chưa từng có. Giờ đây giữa mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ này đã sạch bóng giặc…, Đơn vị anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong đêm đầu mở màn cho chiến dịch và liên tiếp lập được công, đến nay đang trên đường tiến về đồng bằng. Em có nghe không, Tam Kỳ quê ta đã giải phóng rồi đó...”.
Từ năm 1970 đến 1972, hơn 10 nghìn sinh viên đã lên đường nhập ngũ theo lệnh động viên cục bộ của Nhà nước.
Từ năm 1970 đến 1972, hơn 10 nghìn sinh viên đã lên đường nhập ngũ theo lệnh động viên cục bộ của Nhà nước.
Liệt sĩ Phạm Khắc Duyến (sinh viên năm thứ nhất Đại học Bách khoa Hà Nội) có những trang viết gửi người cha thân yêu của mình nói về tình cảm quân dân nơi chiến trường: “… Dân ở đây nghèo hơn ngoài Bắc vì chiến tranh liên miên nhưng luôn dành mọi thuận lợi cho bộ đội. Có nhà dỡ cả nhà ra làm đường cho xe chạy và không mấy khi không có bộ đội ở nhờ. Bây giờ nhân dân ở đây vẫn không ngừng cảnh giác, dân quân được trang bị như bộ đội và trình độ chiến đấu rất cao. Hôm nọ họ vừa bắt được một toán biệt kích đấy ba ạ. Con luôn được sống trong tình thương yêu đùm bọc của nhân dân, của đồng chí, đồng đội, ba không phải lo cho con gì cả”.
Người chiến sĩ ấy hy sinh ngày 17/3/1975 ngay tại cửa ngõ Xuân Lộc, khi đột kích mở cửa cho quân ta tiến vào. Anh ngã xuống khi trong ba-lô còn bức thư chưa kịp gửi với niềm tin chiến thắng. “Những ngày này tuy ở đây - ở chiến trường - nhưng anh vẫn cảm thấy như đang cùng em, cùng ba mẹ chuẩn bị cho ngày tết cổ truyền của dân tộc… Anh sẽ hướng ra miền Bắc và đón giao thừa bằng những tràng súng AK và pháo to, pháo nhỏ tấn công vào hang ổ của quân giặc. Em có nghe thấy không, bắt đầu vào mùa xuân của dân tộc ta rồi đấy, mùa xuân của “tin mừng thắng trận nở như hoa”!
Những khoảnh khắc hào hùng trong chiến dịch không chỉ được diễn tả qua câu chữ viết vội giữa lửa đạn quân thù của bộ đội, mà còn từ một lực lượng đặc biệt giữa lòng Sài Gòn. Trước khi thành phố được giải phóng 5 ngày, đồng chí Nguyễn Tiến Bộ, nguyên Phó trưởng Đoàn Cán bộ quân sự của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (trong Tổ Liên hợp quân sự bốn bên), đang làm nhiệm vụ tại trại David ở sân bay Tân Sơn Nhất, đã viết thư gửi về gia đình với niềm tin sắt son về ngày chiến thắng. “24/4/1975. Em yêu quý! Do Mỹ phá chuyến bay, nên thư viết không chuyển được. Rồi đây với đà thắng lợi ngày càng lớn, Mỹ sẽ liên tục phá hoại để ép ta, do vậy việc liên lạc sẽ rất thất thường… Tình hình hiện nay vô cùng phấn khởi. Việc giải phóng miền Nam đã trông thấy trước mắt… Anh rất vui, vì trong giờ phút quyết định này, mình lại có điều kiện có mặt giữa Sài Gòn, ngay trong lòng địch. Anh sẽ được chứng kiến những diễn biến trọng đại của lịch sử, ngàn năm có một. Hiện nay dư luận thế giới, dư luận miền Nam, người nào cũng thấy là việc giải phóng Sài Gòn chỉ còn là vấn đề ngày giờ. Mọi người đều mong như vậy, diễn biến ra sao do chỉ đạo của Trung ương, nhưng có điều là mấy ngày qua, quân ngụy vô cùng lúng túng, như gà mắc tóc. Thiệu từ chức, chính phủ bất lực. Cả Sài Gòn xôn xao. Các nhà báo ngoại quốc đều xin chụp ảnh với anh em ta, để đề phòng khi cần thì chứng minh là có liên hệ với cách mạng. Những người Việt Nam làm cho chính quyền ngụy tìm cách chứng minh là họ có thiện cảm với cách mạng. Bọn lính dù vốn ngông nghênh, ác ôn, nhưng gần đây qua trụ sở đoàn đều có cử chỉ chào, vẫy tay tỏ thái độ lễ độ với hai đoàn của ta... Nếu Sài Gòn được giải phóng, lúc đó chắc anh sẽ lại phải nhận một công việc gì đó của thành phố. Điều đó là chắc chắn…”.
Những lá thư ra bắc không có tem.
Những lá thư ra bắc không có tem.
Những năm 70 của thế kỷ XX đã ghi dấu ấn đẹp về một thế hệ học sinh-sinh viên Việt Nam với phong trào “Xếp bút nghiên lên đường ra trận.”
Những năm 70 của thế kỷ XX đã ghi dấu ấn đẹp về một thế hệ học sinh-sinh viên Việt Nam với phong trào “Xếp bút nghiên lên đường ra trận.”
Ðến thời khắc lịch sử của dân tộc
Điểm hẹn Sài Gòn ngày 30/4/1975, thời điểm mà dòng lịch sử đổi màu khi cả nước tràn ngập niềm vui chiến thắng. Những trang thư của Thiếu tướng Phan Khắc Hy (nguyên Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh) gửi cho vợ là bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lan, trào lên niềm xúc động và tự hào khi được trải qua thời khắc thống nhất đất nước giữa Sài Gòn: “Em yêu ơi, Sài Gòn đã giải phóng! (Sài Gòn, 7/5/1975) Em yêu! Chắc em không ngờ ngày 7/5 năm nay anh lại ngồi viết thư cho em tại Sài Gòn đã giải phóng… Anh đến Sài Gòn ngày 1/5. Đến Dinh Độc Lập lúc Dương Văn Minh còn ở đó, nhưng không có máy ảnh mang theo. Sài Gòn rất đông, suốt các ngả đường dòng người, dòng xe đi như nước. Trật tự và sinh hoạt bình thường trở lại nhanh. Địch kìm kẹp, tuyên truyền nhiễu sự nhiều năm nhưng nhân dân Sài Gòn hàng triệu người nổi dậy phối hợp với bộ đội. Nhiều khu phố quần chúng cách mạng đã làm chủ trước khi bộ đội vào. Mọi người kể cả sĩ quan, binh lính, nhân viên ngụy quyền qua thực tế tiếp xúc với ta đều phục và tin cách mạng. Đón bộ đội ta với cả cờ hoa và niềm tự hào dân tộc. Chắc em nghe đài phương Tây, đã nghe họ nói phần nào. Vấn đề lớn bây giờ và sắp tới là xây dựng đất nước thống nhất, phồn vinh. Em về sẽ cùng tham gia sự nghiệp đó”.
Khác với các đồng đội có mặt tại Sài Gòn, chiến sĩ Lê Văn Cổn đang thực hiện công tác tiếp quản sau khi thành phố Huế được giải phóng đã ghi lại không khí Ngày chiến thắng qua những trang nhật ký đầy rạo rực.
“30/4/1975
Chiều nay sao mà vui đến thế, háo hức và rộn ràng đến thế. Tin thành phố Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn giải phóng truyền đi từ các loa phóng thanh cứ lan nhanh, ào ạt như những đợt sóng làm cho cả thành phố sống dậy… Ai đo được niềm vui lớn lao này, trước hết là của những người lính. Niềm vui cứ tràn ngập, lâng lâng.
Đang thả bộ trên đường Phan Bội Châu, gặp bé Thảo tay cầm cái đài cỏn con, mặt rạng rỡ, hớn hở chào. Mượn luôn bé cái đài. Trước lúc về nhà đài còn báo tin Sài Gòn đang trong thế bị bao vây, rồi trong chốc lát cái đài trong tay mình đã hòa lẫn cùng hàng trăm chiếc loa phóng thanh của thành phố. Cô phát thanh viên đọc tin Sài Gòn giải phóng to quá và nhanh quá đến nỗi lần đọc đầu tiên cô đọc sai mất mấy chỗ. Suốt cả chiều nay, đài phát không theo một chương trình nào cả. Tin thành phố Sài Gòn được giải phóng không biết được phát đi, phát lại bao nhiêu lần. Cả thành phố như vỡ tung ra.
Sáu giờ tối nay cùng Hà lén vào hiệu ảnh Mily, vừa chụp xong hai kiểu thì Quang gọi giật về để đi cổ động mừng ngày chiến thắng. khi bọn mình xuống đường, mới ngỡ ngàng làm sao. Người đâu tụ đến mà đông vậy. Cả đường phố Trần Hưng Đạo như một rừng người, muôn màu sắc lung linh: ảnh Bác Hồ, cờ, hoa, khẩu hiệu... Trống, chiêng, loa phóng thanh... thả hết sức cho âm thanh bừng lên...
Tiểu đoàn mình nhập vào đoàn người từ cửa Phú Văn lâu. Vì vội, không được chuẩn bị trước nên không đuốc, không cờ. Đoàn cổ động như một dòng thác, cứ cuồn cuộn từ phố này sang phố khác. Hết hô khẩu hiệu lại hát. Các cô sinh viên hát đã khản đặc cả tiếng rồi mà vẫn say sưa. Chẳng hay họ học từ bao giờ mà thuộc nhiều bài ca cách mạng vậy… Huế đã trọn một niềm vui. Hương Giang lung linh, huyền ảo muôn ánh đèn, lại mộng mơ với vẻ đẹp ngàn năm của mình”.

Nhật ký thời chiến được bọc bằng vỏ pháo sáng.
Nhật ký thời chiến được bọc bằng vỏ pháo sáng.
“24/4/1975.
Em yêu quý! Do Mỹ phá chuyến bay, nên thư viết không chuyển được. Rồi đây với đà thắng lợi ngày càng lớn, Mỹ sẽ liên tục phá hoại để ép ta, do vậy việc liên lạc sẽ rất thất thường… Tình hình hiện nay vô cùng phấn khởi. Việc giải phóng miền Nam đã trông thấy trước mắt… Anh rất vui, vì trong giờ phút quyết định này, mình lại có điều kiện có mặt giữa Sài Gòn, ngay trong lòng địch. Anh sẽ được chứng kiến những diễn biến trọng đại của lịch sử, ngàn năm có một.
Những cuốn nhật ký thường chỉ nhỏ bằng bàn tay.
Những cuốn nhật ký thường chỉ nhỏ bằng bàn tay.
Ngày vui đại thắng, cựu chiến binh Nguyễn Đức Hùng trào dâng cảm xúc của chính mình nhưng như nói thay tiếng lòng của cả triệu người đã ngã xuống vì Tổ quốc. “Ngày 30/4/1975. Thế là hết rồi! Chiến tranh vĩnh viễn không còn nữa… Hôm nay, ai là người Việt Nam, ai là người lính cầm súng cho tự do trên đất nước này mới thấm được sâu và đậm hai chữ “giải phóng” này, thật cảm động, thật hạnh phúc. Tôi nghe đài báo tin mà nước mắt trào ra, gai ốc nổi khắp người... Xương ơi, Nhật ơi! Đồng đội của tôi ơi, những con người nằm xuống đấy gửi lại máu xương, có biết đâu ngày hôm nay một niềm vui trọn vẹn. Giải phóng rồi! Tôi vẫn dành giọt nước mắt trong lành như tấm lòng chung thủy này cho các bạn tôi hôm nay không còn nữa...”.
Và còn cả nghìn những trang viết đầy xúc động như thế trong các bức thư, dòng nhật ký chiến trường. Đã 50 năm trôi qua kể từ ngày 30/4/1975, nhưng ký ức về Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn sống động qua từng con chữ, hòa quyện thành một bản hùng ca bất diệt. Không chỉ dừng lại ở vai trò chứng nhân lịch sử, những sử liệu thiêng liêng này còn là ngọn lửa soi sáng phẩm giá con người, là lời dặn dò, để thế hệ hôm nay thêm trách nhiệm, không ngừng vun đắp cho một Việt Nam giàu đẹp.
Nội dung: Khiếu Minh
Ảnh: Nhân Dân, TTXVN
Trình bày: Phi Nguyên