Trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát ở Việt Nam, nhiều gia đình mất đi người thân, có những em bé chưa kịp chào đời đã mất cha mẹ. Trước những nỗi đau quá lớn đó, nhiều chính sách nhân văn, tinh thần cộng đồng xã hội đã, đang và sẽ tiếp sức cho những cảnh đời bất hạnh, giúp các em có thể vững bước trên chặng đường phía trước.

Những em bé chưa kịp chào đời đã mất cha, mất mẹ…

“Năm nay, tôi 75 tuổi rồi mà còn nuôi đứa cháu ngoại mới hơn 5 tháng tuổi. Cha mẹ nó mất do Covid-19. Khi đó, đứa con gái của tôi mang thai đứa nhỏ mới được 7 tháng tuổi. Lúc mổ bắt, nó cân nặng chỉ có 1,5 kg. Đến nay, thằng bé cũng được hơn 5kg”, đó là tâm sự của bà Phạm Thị Quời, 75 tuổi, ở xã Bình Phú, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.

Lắng đọng một lúc, bà Quời kể trong nước mắt: “Con rể tôi, Nguyễn Văn Tính, 46 tuổi và con gái Nguyễn Thị Kim Khuyến, 39 tuổi, dìu dắt nhau lên TP Hồ Chí Minh để mưu sinh. Tụi nó thuê nhà trọ để ở. Hằng ngày, thằng Tính đi làm thợ hồ, con Khuyến làm công nhân cho một công ty. Cuộc sống tụi nó cũng đủ ăn đủ mặc. Dịch Covid-19 bùng phát, vợ chồng nó phải tạm nghỉ việc, sống trong căn nhà trọ ở TP Hồ Chí Minh. Với số tiền tiết kiệm được, tụi nó trang trải cuộc sống và mua ít đồ để chuẩn bị đón đứa con đang mang thai 7 tháng tuổi”.

Thằng Tính không may nhiễm Covid-19 và mất vào ngày 19/8/2021. Lúc này, con Khuyến cũng bị nhiễm Covid-19 khá nặng. Các bác sĩ buộc phải mổ bắt con một ngày sau khi chồng nó mất. Ngày 27/8/2021, con Khuyến cũng mãi mãi ra đi do Covid-19.
- Bà Qười nghẹn ngào từng câu nói -

Sau một thời gian, các bác sĩ nuôi đứa bé khỏe mạnh và bàn giao cho bà Quời và người dì ruột tên Nguyễn Thị Phán (43 tuổi). Gia đình đặt cho bé tên Nguyễn Gia Phúc, sinh ngày 20/8/2021. Biết tin, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, địa phương và nhiều tổ chức, cá nhân cũng hỗ trợ sữa, tiền, quần áo cho bé Phúc. Hằng tháng, các ban, ngành của huyện Gò Công Tây và xã Bình Phú cũng đến thăm hỏi, tặng quà cho bé.

Dì ruột Nguyễn Thị Phán đang chăm sóc cho bé Nguyễn Gia Phúc.

Dì ruột Nguyễn Thị Phán đang chăm sóc cho bé Nguyễn Gia Phúc.

Em Huỳnh Hồng Son, sinh năm 2006, ngụ phường 3, TP Mỹ Tho (Tiền Giang) mồ côi cha và mẹ từ nhỏ. Em sống nhờ sự cưu mang của bà nội nhưng nỗi đau chồng chất nỗi đau. Mới đây, bà nội của em cũng mất do nhiễm Covid-19. Son về sống với người chú ruột mình tên Nguyễn Trường Tấn. Cuộc sống quá khó khăn, không đủ tiền để trang trải cho cuộc sống. Em phải nghỉ học và làm thuê cho một quán nước trên địa bàn TP Mỹ Tho.

Nhìn ánh mắt thơ ngây, chưa hiểu hết những mất mát, đau thương vừa qua của em đã khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng, xót xa. Tâm sự với chúng tôi, Son mong muốn được hỗ trợ tiền để em được đến trường như bao người bạn cùng trang lứa.

Phúc, Son là 2 trong 111 trẻ em phải lâm cảnh mồ côi do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Mỗi em, mỗi hoàn cảnh khác khác nhau, rất cần sự chia sẻ, giúp đỡ của cộng đồng để vượt qua nỗi đau mất mát người thân, vững tin bước tiếp trên chặng đường tương lai phía trước.

Em Huỳnh Hồng Son mang nước cho khách. Em mong muốn được hỗ trợ tiền để được cắp sách đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa.

Em Huỳnh Hồng Son mang nước cho khách. Em mong muốn được hỗ trợ tiền để được cắp sách đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa.

… Buộc phải trở thành trụ cột gia đình

Trong căn phòng trọ chỉ chừng 20m2 ở khu phố 7, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP Hồ Chí Minh, gần như cả ngày âm thanh rộn rã quanh chiếc bàn học nhỏ nhắn của hai chị em Yến Hoàng và Yến Phụng.

Yến Hoàng, học lớp 5 Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, vừa hoàn tất kiểm tra học kỳ 1 nên được cô giáo chủ nhiệm cho nghỉ học một ngày, Yến Phụng học lớp 6 Trường THCS Nguyễn Vĩnh Nghiệp đang cặm cụi làm bài ôn tập cuối kỳ...

Căn phòng trọ này vốn trước đây là nơi ở của 6 thành viên cùng một nhà nhưng nửa năm nay chỉ còn 4 chị em gái quanh quẩn bên nhau vì ba mẹ các em đã ra đi mãi mãi do đại dịch Covid-19…

Giữa tháng 8/2021, vào thời điểm thành phố xảy ra dịch bệnh cam go nhất, chị Lâm Yến Nga trở về nhà từ Bệnh viện Ung bướu sau khi vào liều thuốc đầu tiên để điều trị ung thư thì phát hiện dương tính với Covid-19. Sau 2 tuần nhập viện điều trị, chị không qua khỏi vì hai căn bệnh nghiệt ngã cứ thế làm chị kiệt sức. Tiếp sau đó, anh Phạm Công Sự, chồng chị Nga cũng dương tính với SARS-CoV-2, trở nặng và ra đi sau đó 2 tuần. Cái chết của đôi vợ chồng cùng đổ ập bất ngờ lên đầu 4 đứa trẻ làm chúng chông chênh trước sự mất mát quá lớn…

Đã hơn 5 tháng kể từ ngày anh Sự, chị Nga, ba mẹ của bốn chị em: Phạm Yến Nhi (21 tuổi), Phạm Yến Vy (17 tuổi), Phạm Lâm Yến Hoàng (11 tuổi), Phạm Lâm Yến Phụng (12 tuổi) qua đời, nhưng nỗi đau xót vẫn dai dẳng đối với gia đình, nhất là sự trống trải đối với bốn đứa con vẫn khó có gì bù đắp được. Ngồi vào bàn học, thi thoảng, hai chị em Yến Hoàng, Yến Phụng liếc nhìn vào di ảnh ba mẹ trên bàn thờ, đặt cạnh bên như một lời nguyện cầu ba mẹ vẫn còn sống. Dường như mọi thứ vẫn vậy, ba mẹ không phải đã… đi xa!.

Ngày này năm ngoái là sinh nhật của con, mẹ tự tay may áo mới và nấu món ăn mà con thích nhưng năm nay niềm vui đó đã không còn nữa. Giờ chỉ có bốn chị em con mà thôi…
- Yến Hoàng nhìn vào di ảnh mẹ đăm chiêu -

Dòng nước mắt chực rơi nơi khóe mắt rồi bé Hoàng lại tươi vui, khoe: Các môn kiểm tra học kỳ 1 con đều đạt điểm 9, cô giáo chủ nhiệm khen và nói sẽ có phần thưởng khi các bạn đi học trở lại. Con chỉ mong được đi học để gặp bạn gặp thầy cô.

Yến Hoàng và Yến Phụng, hai trẻ mồ côi trong gia đình có bốn chị em mồ côi cả cha lẫn mẹ do Covid-19 ở quận 12, TP Hồ Chí Minh có cuộc sống mới nhờ sợ yêu thương của gia đình bên ngoại và sự chăm lo của chính quyền địa phương.

Yến Hoàng và Yến Phụng, hai trẻ mồ côi trong gia đình có bốn chị em mồ côi cả cha lẫn mẹ do Covid-19 ở quận 12, TP Hồ Chí Minh có cuộc sống mới nhờ sợ yêu thương của gia đình bên ngoại và sự chăm lo của chính quyền địa phương.

Vừa ôn tập môn toán chuẩn bị kỳ thi cuối học kỳ, Yến Phụng phấn chấn kể, cô giáo chủ nhiệm thông báo cả lớp sẽ kiểm tra cuối kỳ ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán để học sinh có thêm thời gian ôn tập vì việc việc học online phần nào ảnh hưởng đến thời lượng học và ôn bài. Yến Phụng chia sẻ niềm tin, em sẽ phấn đấu đạt được danh hiệu học sinh giỏi năm học này như đã từng đạt được hai năm trước đó, lớp 4 và lớp 5 vì đó chính là món quà em muốn gởi cho ba mẹ ở một nơi rất xa…!

Từ khi ba mẹ mất, Yến Nhi, người chị cả trở thành người mẹ “thứ hai” cáng đáng mọi việc trong gia đình. Trong suốt nhiều tháng dịch bệnh, Nhi ở nhà không rời ba chị em nửa bước. Từ tháng 10/2021 cho đến nay, Nhi may mắn được người dì họ cho phụ bán quán cà-phê nên có thêm chút đỉnh tiền mang về phụ với bà ngoại sống gần nơi trọ cơm nước hằng ngày cho bốn chị em.

Trước đó, khi dịch bệnh ập đến, Nhi đã phải tạm nghỉ việc phụ bán quần áo nên không có nguồn thu nhập nào thêm. Còn em kế Nhi là Yến Vy cũng đang khấp khởi chờ ngày quay lại Bình Phước để làm công nhân tại một công ty chế biến gỗ sau gần một năm về thành phố lánh dịch. “Mấy hôm trước bà nội và người chú ruột ở Bình Phước có gọi điện nói con thu xếp sau Tết lên chỗ chú đi làm, chỗ ăn ở chú sẽ lo. Con sẽ đi làm để có thu nhập gởi về phụ chị lo cho hai em”, Vy chia sẻ và nhắc lại câu chuyện buồn khi tháng 5/2021 em trở về nhà thăm ba mẹ. Và đó cũng là lần cuối em được mẹ chăm chút yêu thương sau nhiều năm đi xa nhà.

Vuốt ve chiếc áo mới vừa mua tặng cháu ngoại Yến Hoàng bước sang tuổi 11, bà Kim Thị Hiếu trầm ngâm, rơm rớm nước mắt: “Tôi gần 70 tuổi vừa nuôi hai cháu nội do ba mẹ nó qua đời vị bạo bệnh. Rồi tin xấu ập đến khi vợ chồng con Nga chết vì Covid-19 bỏ lại bốn đứa con nhỏ nên tôi và cậu, dì tụi nhỏ cũng phải ráng gồng gánh. Giờ chỉ mong sao, mấy chị em cố gắng đùm bọc nhau để còn bước tiếp cuộc đời còn dài phía trước”.

Bà Hiếu cho hay, từ tháng 9/2021 đến nay, rất nhiều nhà hảo tâm, cán bộ của chính quyền quận, thành phố đã đến thăm hỏi, hỗ trợ chăm lo cho các cháu bằng nhiều việc làm rất ý nghĩa như tặng học bổng, máy tính bảng, nhu yếu phẩm… Đó là niềm động viên và an ủi rất lớn đối với gia đình bà.

Nhóm trẻ em mồ côi do Covid-19 là nhóm trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội do hoàn cảnh giãn cách xã hội kéo dài, không có người thân thường xuyên chăm sóc nên cần có sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước, ngoài quy định chung đối với các trẻ em mồ côi theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.

Cũng như chị em Yến Hoàng, Yến Phụng, Nguyễn Quang Hà, 18 tuổi, cũng đã phải thay mẹ chăm em khi mẹ ruột qua đời do Covid-19.

Trước di ảnh mẹ mất vì Covid-19 trong phòng trọ ở phường Thuận Giao, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, Nguyễn Quang Hà (SN 2004) tâm nguyện sẽ cố gắng lo cho em trai Nguyễn Kỳ Nam (SN 2011).

Trước di ảnh mẹ mất vì Covid-19 trong phòng trọ ở phường Thuận Giao, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, Nguyễn Quang Hà (SN 2004) tâm nguyện sẽ cố gắng lo cho em trai Nguyễn Kỳ Nam (SN 2011).

11 giờ ngày 15/1, tranh thủ thời gian nghỉ trưa ở một doanh nghiệp gốm trên địa bàn thành phố Thuận An (tỉnh Bình Dương), Hà chạy về nhà trọ để lo cho em trai Nguyễn Kỳ Nam (sinh năm 2011) đang ở nhà một mình.

Hà và Nam là con của bà mẹ đơn thân Nguyễn Thị Huyền (sinh năm 1974, quê Sóc Trăng). Đến Bình Dương từ 21 năm trước, làm việc trong doanh nghiệp ở khu công nghiệp Việt Hương 2, chị Huyền không may nhiễm Covid-19 và mất vào tháng 9/2021 để lại hai con trẻ mồ côi. Mẹ mất, Hà và Nam đùm bọc nhau trong căn nhà trọ khoảng 10m2 ở đường Thuận Giao 18, khu phố Hòa Lân 2, phường Thuận Giao, thành phố Thuận An.

Thay mẹ nuôi em, Hà đi làm phụ ở công ty gốm với lương tháng từ 3-4 triệu đồng. Chủ doanh nghiệp thương tình, tạo điều kiện cho Hà làm việc và cũng tạo điều kiện cho Nam theo anh đến công ty ăn, ở khi anh vắng nhà.

Hà đã nghỉ học đi làm. Từ ngày mẹ mất, Nam cũng nghỉ học luôn. Trò chuyện với chúng tôi, Hà kể, từ ngày mẹ mất Nam trở nên trầm ngâm, ít nói và ít đùa.

Những năm trước, ngày cận Tết, mẹ đưa cả hai anh em đi mua sắm quần áo Tết nhưng năm nay mẹ xa rồi. Thay mẹ, tranh thủ ngày cuối tuần, con đã mua sắm quần áo mới cho em xong rồi!
- Giọng Hà đượm buồn chia sẻ khi ngước nhìn di ảnh mẹ -

Sống trọ gần căn nhà trọ của anh em Hà và Nam, bà Nguyễn Thị Đẹp (70 tuổi, quê Hậu Giang) chia sẻ, hoàn cảnh của anh em Hà và Nam rất đáng thương, mẹ mất sớm nên hai anh em đùm bọc lẫn nhau khiến bà con chung quanh ai cũng thương tình, giúp đỡ. Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị cũng hỗ trợ cho hai anh em.

Đất khách, quê người, người thân ở Bình Dương của anh em Hà và Nam hiện là chị Trần Thị Hiếu, con ruột của chị mẹ Hà và Nam. Vợ chồng là công nhân và lo cho ba con nhỏ, giờ chị Hiếu cũng vất vả phụ giúp hai em mình không may mồ côi sớm.

Chia sẻ với chúng tôi, Hà cho biết, ở quê, ông và bà ngoại của Hà và Nam cũng mất sớm nên thời gian tới, hai anh em vẫn ở lại Bình Dương để sinh sống và làm việc. Hà suy nghĩ, trước mắt đi làm để có thu nhập và nuôi em. Về lâu dài, mong ước của Hà là tìm nghề để học cho phù hợp với hoàn cảnh của mình để thay mẹ chăm lo cho em khôn lớn!

Những vòng tay đồng hành cùng trẻ

Có thể nói, việc mất đi người thân do đại dịch Covid-19 đã tạo nên cú sốc tinh thần quá lớn đối với những đứa trẻ thơ ngây. Các em rất cần sự quan tâm, dang rộng vòng tay giúp đỡ của cộng đồng xã hội, để các em sớm ổn định cuộc sống, tiếp tục chặng đường tương lai phía trước.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang, tính đến thời điểm này, tỉnh Tiền Giang có 111 trẻ mồ côi, trong đó có 1 em mồ côi cả cha lẫn mẹ, 110 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ do đại dịch Covid-19.

Đồng chí Lý Văn Cẩm, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang cho biết, chính sách hỗ trợ trẻ em mồ côi vì Covid-19 đã được triển khai từ Trung ương đến địa phương rất kịp thời và chu đáo. Vừa qua, tỉnh Tiền Giang đã tổ chức thăm và tặng quà cho các em thuộc diện F0 đang được cách ly phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở cách ly y tế của tỉnh, mỗi phần quà trị giá 300 nghìn đồng, tổng kinh phí hơn 29 triệu đồng; tổ chức thăm và tặng 1.000 phần quà Trung thu cho 1.000 trẻ em bị nhiễm Covid-19 tại các bệnh viện dã chiến và khu cách ly tế tập trung.

Đồng thời, tỉnh cũng tiếp nhận và gửi trao tặng quà của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho 40 trẻ em mồ côi cha, mẹ do dịch bệnh Covid-19 trên điạ bàn. Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam hỗ trợ mỗi em có hoàn cảnh mồ côi 5 triệu đồng. Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đến thăm, động viên, hỗ trợ tiền cho các gia đình có người thân mất vì Covid-19, nếu có hoàn cảnh trẻ em mồ côi sẽ hỗ trợ thêm tiền. Các ban, ngành, đoàn thể, nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân đã và đang triển khai nhiều việc làm thiết thực, hỗ trợ các em vượt qua mất mát, như hỗ trợ dụng cụ học tập, tiền mặt, tặng học bổng…

Hiện tại, một số doanh nghiệp đang tiến hành khảo sát hoàn cảnh của các em và sẽ có những hỗ trợ cần thiết để các em thuận lợi trong học tập. Việc hỗ trợ trẻ em mồ côi trên tinh thần kịp thời, lâu dài, không để bất cứ em nào phải thiệt thòi hay thiếu thốn trong cuộc sống.

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang phối hợp các sở, ngành, các nhà hảo tâm, các đơn vị trường học tiếp tục có những hành động thiết thực chăm lo cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đặc biệt là những trẻ em mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha mẹ vì dịch Covid-19. Các em đã được hỗ trợ máy tính, điện thoại để học trực tuyến và học bổng, tập vở, sách giáo khoa… Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các em bằng những việc làm thiết thực.

Hai chị em Bùi Thủy Tiên và Trương Quang Thắng, phường An Bình, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã mất đi người cha thương yêu của mình.

Hai chị em Bùi Thủy Tiên và Trương Quang Thắng, phường An Bình, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã mất đi người cha thương yêu của mình.

Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, cho biết: Theo thống kê đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh Bình Dương có 316 trẻ em mồ côi do Covid-19. Tất cả các em đều được hưởng 5 triệu đồng/em từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Tại Bình Dương, trẻ em trong độ tuổi đến trường được bảo trợ dài hạn từ 700 nghìn đến 1,2 triệu đồng/tháng do Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh vận động. Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đều vận động hỗ trợ ngắn và dài hạn. Vào dịp Tết Nguyên đán năm nay, tỉnh hỗ trợ từ ngân sách cho mỗi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt 1 triệu đồng (gồm có 14 nhóm theo Luật Trẻ em), trẻ em mồ côi do Covid-19 nào nằm trong nhóm này sẽ được hỗ trợ, còn lại các địa phương sẽ vận động hỗ trợ.

Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cũng sớm vào cuộc hỗ trợ trẻ em mồ côi do Covid-19. Theo đơn vị này, tính đến nay, có khoảng 150 trẻ dưới 16 tuổi là con của đoàn viên công đoàn mồ côi cha/mẹ do tử vong vì Covid-19. Trong đó, riêng tổ chức Công đoàn sẽ trực tiếp hỗ trợ mỗi cháu mất cha hoặc mẹ 1 sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng, những cháu mất cả cha và mẹ 1 sổ tiết kiệm trị giá 20 triệu đồng. Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đã cấp sổ cho 65 cháu. Trong đó, 64 cháu nhận 10 triệu đồng. Ngoài ra, khoảng 40 cháu đã về quê. Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đang thống kê để gửi danh sách về Liên đoàn Lao động các tỉnh/thành phố nơi các cháu về để làm thủ tục nhận sổ tiết kiệm tại địa phương, số còn lại đang hoàn chỉnh hồ sơ để trao sổ đợt 2.

Ngoài ra, nhiều cá nhân, tổ chức cũng tham gia hỗ trợ nhằm giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống cho các em.

Trong khi đó, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cũng đã có tờ trình đề xuất UBND thành phố chính sách chăm lo, hỗ trợ cho người cao tuổi neo đơn và trẻ mồ côi do dịch Covid-19. Theo cơ quan này, TP Hồ Chí Minh có khoảng 2.208 trẻ mồ côi do dịch Covid-19. Đối với trẻ mồ côi do dịch Covid-19, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất miễn học phí cho các em đến hết chương trình phổ thông trung học, giáo dục nghề nghiêp và cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.

Đồng thời, trẻ có cả cha và mẹ tử vong; trẻ em đã mồ côi cha hoặc mẹ trước đó, hiện người còn lại cũng tử vong do Covid-19; trẻ đã mồ côi cả cha mẹ hoặc cha mẹ bỏ rơi từ nhỏ sống với ông bà, người nuôi dưỡng nhưng bị tử vong Covid-19, nếu dưới 4 tuổi được hỗ trợ 1 triệu đồng/trẻ/tháng. Trẻ từ 4 tuổi trở lên được hỗ trợ 700 nghìn đồng/trẻ/tháng.

Ngoài ra, trẻ mồ côi cha hoặc mẹ do dịch, người còn lại bị bệnh ung thư, hiểm nghèo được hỗ trợ 650 nghìn đồng/trẻ/tháng. Trẻ mồ côi cha hoặc mẹ do dịch, người còn lại có mức thu nhập bằng hoặc thấp hơn mức hộ cận nghèo thì được hỗ trợ 480 nghìn đồng/trẻ/tháng. Việc hỗ trợ được thực hiện cho đến khi trẻ đủ 18 tuổi.

Nhiều địa phương trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có nhiều công tác, chương trình chăm lo thiết thực, ý nghĩa hỗ trợ cho trẻ có cha, mẹ qua đời, hoặc trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ vì Covid-19.

Bà Trương Nhựt Thẩm, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận 12, cho biết, việc hỗ trợ, chăm lo cho các trẻ mồ côi có cha mẹ qua đời vì dịch Covid-19 là trách nhiệm của chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể của thành phố. Với các trẻ mồ côi đang tuổi đi học trên địa bàn quận 12 như trường hợp Yến Hoàng, Yến Phụng được quận xét miễn đóng học phí, đồng thời được nhận các chế độ chính sách theo quy định. UBND quận 12 cũng phối hợp các nhà hảo tâm hỗ trợ một khoản kinh phí từ 700 nghìn đồng đến 2 triệu đồng/tháng cho mỗi em (tùy hoàn cảnh) để người thân các em có chi phí trang trải sinh hoạt và học tập cho đến khi các em tròn 18 tuổi.

Mặt khác, để hỗ trợ một cách căn cơ lâu dài, theo bà Thẩm, Hội Liên hiệp phụ nữ sẽ định hướng đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho các trẻ mồ côi cha, mẹ do Covid-19 không còn theo học văn hóa, muốn học nghề. Qua đó, giúp các em có một cuộc sống ổn định, bù đắp phần nào mất mát vì cha mẹ qua đời, các em không còn điểm tựa về vật chất và tinh thần.

Một ngày Tết thêm ấm áp, yêu thương

Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương, cho biết, là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Tết năm nay, thành phố Dĩ An tổ chức Tết giản dị, đầm ấm nghĩa tình nhằm dành kinh phí có thể được để chăm lo cho người nghèo, cho đối tượng chính sách, cho những người ảnh hưởng Covid-19; đặc biệt là chăm lo cho trẻ em không may bị mồ côi cha, mẹ trong đợt dịch Covid-19 vừa qua. Hiện Ủy ban nhân dân thành phố Dĩ An đã chỉ đạo các đơn vị tập trung lên danh sách để tổ chức thăm, tặng quà cho các cháu, kể cả chuyện chia sẻ yêu thương với phương châm Tết này không để người dân nào của thành phố, đặc biệt là không để cho các em học sinh mồ côi nào mà không được đón Tết Nguyên đán.

Bên cạnh đó, thành phố Dĩ An đã chỉ đạo huy động mọi nguồn lực xã hội hóa và ngân sách nhà nước theo quy định để tổ chức các đoàn đến thăm, tặng quà cho gia đình chính sách và các cháu mồ côi cha, mẹ. Việc này được địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, trong đó có tổ chức cho các doanh nghiệp đón nhận, cưu mang, hỗ trợ hằng năm cho các cháu mồ côi cha, mẹ; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, quần áo, tập sách học hành của các cháu, kể cả hỗ trợ máy tính bảng để các cháu học tập thuận lợi nhất.

Phương châm của thành phố Dĩ An là phải làm sao chia sẻ sự ấm áp để các cháu mồ côi do Covid-19 được an tâm đến trường, để các cháu thấy vui và được động viên nhằm học tập tốt hơn trở thành người tốt cho xã hội mai sau.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Dĩ An Phạm Văn Bảy

Tỉnh Đoàn Bình Dương phối hợp Hội Đồng đội Trung ương và các đơn vị trao tặng quà và học bổng cho các cháu mồ côi do Covid-19 trên địa bàn thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Tỉnh Đoàn Bình Dương phối hợp Hội Đồng đội Trung ương và các đơn vị trao tặng quà và học bổng cho các cháu mồ côi do Covid-19 trên địa bàn thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Vào Tết này, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương từ nguồn vận động xã hội hóa cũng sẽ hỗ trợ cho mỗi gia đình có người bị mất, đang ở tại phòng trọ không về quê đón Tết mỗi gia đình 5 triệu đồng (trong đó có 10 gia đình ngoài khoản 5 triệu đồng, công đoàn Bình Dương sẽ tổ chức trang hoàng nhà cửa, mua sắm tết với giá trị thêm 5 triệu đồng nữa).

Bên cạnh đó, các cháu mồ côi đã nhận được sự đồng hành của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh thông qua chương trình "Mẹ đỡ đầu" và rất nhiều các nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân cùng chung tay chăm lo.

Để trẻ em được sống trong môi trường gia đình

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Phương châm là vận động để mọi trẻ mồ côi do Covid-19 đều có gia đình, đều có người thân để đỡ đầu. Trong trường hợp không có người thân, sẽ có các mẹ từ Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam nhận đỡ đầu. Trường hợp xấu nhất mới nghĩ đến các cơ sở bảo trợ xã hội.

TS, BS Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), cho biết, thời gian qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện đầy đủ chính sách trợ giúp xã hội đối với nhóm trẻ mồ côi do Covid-19 theo quy định của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1/7/2021, về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (sau đây gọi tắt là Nghị định số 20).

Theo Nghị định số 20, ngoài hỗ trợ về tiền mặt, trẻ mồ côi còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế; trợ giúp giáo dục, đào tạo và dạy nghề; hỗ trợ mai táng phí khi chết.

Trẻ em mồ côi được nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội được vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày, chăn, màn, chiếu, quần áo mùa hè, quần áo mùa đông, quần áo lót, khăn mặt, giày, dép, bàn chải đánh răng, thuốc chữa bệnh thông thường, vệ sinh cá nhân hằng tháng đối với đối tượng nữ trong độ tuổi sinh đẻ, sách, vở, đồ dùng học tập đối với đối tượng đang đi học và các chi phí khác theo quy định.

Khi trẻ em thuộc các đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng mà đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất thì tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học nhưng tối đa không quá 22 tuổi.

Các hộ gia đình, cá nhân chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tại cộng đồng được hướng dẫn, đào tạo nghiệp vụ nhận chăm sóc nuôi dưỡng; được ưu tiên vay vốn, dạy nghề tạo việc làm, phát triển kinh tế hộ và chế độ ưu đãi khác theo quy định của pháp luật liên quan.

TS Vũ Thị Kim Hoa nhấn mạnh, từ hướng dẫn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã thực hiện kịp thời hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em mồ côi do Covid-19 về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng; để các em không bị gián đoạn việc học tập. Đồng hành với đó là việc triển khai và kết nối các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội và trợ giúp pháp lý để quyền, lợi ích của trẻ em không bị xâm hại do các em không có sự giám hộ của cha, mẹ; chăm sóc thay thế cho các em, ưu tiên bố trí, hỗ trợ để trẻ em được người thân, cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế. Mục tiêu cao nhất là để trẻ em được sống trong môi trường gia đình, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ. Hiện nay, các trẻ em mồ côi do Covid-19 đều được chăm sóc, nuôi dưỡng bởi gia đình họ hàng, thân thích, được chăm sóc đỡ đầu bởi các cá nhân, tổ chức.

Mục tiêu cao nhất là để trẻ em được sống trong môi trường gia đình, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ. Hiện nay, các trẻ em mồ côi do Covid-19 đều được chăm sóc, nuôi dưỡng bởi gia đình họ hàng, thân thích, được chăm sóc đỡ đầu bởi các cá nhân, tổ chức.
Phó Cục trưởng Cục Trẻ em Vũ Thị Kim Hoa

Còn TS Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, chia sẻ, tới nay, số trẻ em mồ côi do Covid-19 được đơn vị này hỗ trợ trên toàn quốc là 2.968 em.

Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã vận động tài trợ cho gần 16.000 trẻ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trong đó hỗ trợ cho 2.968 em bị mồ côi cha hoặc mẹ, hoặc mồ côi cả cha và mẹ do Covid-19. Mức hỗ trợ là 5 triệu đồng mỗi em. Trẻ bị mồ côi cả cha và mẹ được hỗ trợ 25 triệu đồng mỗi em. Trong đó, số tiền 20 triệu đồng dành để gửi tiết kiệm đến khi các con hết tuổi trẻ em.

Vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm nay, ngoài chính sách của Nhà nước, các địa phương cũng có kế hoạch thăm hỏi, động viên đối với trẻ em mồ côi. Riêng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã chuẩn bị hơn 5 tỷ đồng để hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, trong đó có trẻ em mồ côi do Covid-19.

TS Hoàng Văn Tiến kỳ vọng, thời gian tới, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tiếp tục vận động nhiều nguồn lực hơn nữa để hỗ trợ các trẻ em mồ côi do Covid-19 với các hình thức đa dạng. Đó là tặng học bổng, đỡ đầu (bảo trợ dài hạn), tặng bảo hiểm, xe đạp, dụng cụ học tập… hỗ trợ hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm, nhằm giúp đỡ các em có điều kiện hòa nhập và phát triển.

TS Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.

TS Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.

Đến ngày 24/1/2022, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã hỗ trợ 2.968 trẻ em mồ côi mất cha, mẹ do Covid-19. Tổng kinh phí hỗ trợ là 14,84 tỷ đồng tại 42 tỉnh, thành phố.

Quan tâm các chính sách cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Mới đây nhất, ngày 31/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 36/CT-TTg về tăng cường giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chỉ thị nêu rõ, các bộ, ban ngành đặc biệt quan tâm đề xuất các chính sách, giải pháp chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Chia sẻ về một định hướng lâu dài để hỗ trợ những trẻ mồ côi do dịch Covid-19 trong cuộc sống, TS Vũ Thị Kim Hoa nhấn mạnh, thực hiện Chỉ thị số 36 nêu trên, cần nghiên cứu, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến việc thực hiện quyền trẻ em và các mục tiêu trung hạn, dài hạn về phát triển toàn diện trẻ em. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, liên quan đến việc chăm sóc bảo vệ trẻ em trong tình trạng khẩn cấp, đặc biệt là thiên tai, dịch bệnh.

Phóng viên Báo Nhân Dân tặng quà cho hai anh em Hà và Nam mồ côi do Covid-19.

Phóng viên Báo Nhân Dân tặng quà cho hai anh em Hà và Nam mồ côi do Covid-19.

TS Vũ Thị Kim Hoa nhận định, cần đề xuất xây dựng Chương trình, đề án khắc phục các tác động của đại dịch Covid-19 đối với trẻ em. Trong đó, chú trọng các chương trình hỗ trợ, can thiệp, điều phối đa ngành về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em, về chăm sóc trẻ em mồ côi dựa vào gia đình, cộng đồng nhằm kịp thời giảm các tác động trước mắt và lâu dài đến sự phát triển của trẻ em. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện đầy đủ chính sách trợ giúp xã hội đối với nhóm trẻ em này theo quy định của Nghị định số 20.

Một điểm đáng quan tâm nữa là cần phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em tại cộng đồng để cung cấp kịp thời các dịch vụ về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em vùng khó khăn, miền núi dân tộc thiểu số. Song song với đó, tăng cường năng lực cho Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 trong tiếp nhận, hỗ trợ và chuyển gửi các trường hợp trẻ em cần hỗ trợ, can thiệp khẩn cấp.


Ngày xuất bản: 30/01/2022
Tổ chức sản xuất: VIỆT ANH
Nội dung: LÊ NGÂN, BÔNG MAI, NGUYỄN SỰ, TRỊNH BÌNH, QUÝ HIỀN
Trình bày: BÔNG MAI