ĐIỆN BIÊN PHỦ - TRẬN THẮNG THẾ KỶ

TRÊN CAO ĐIỂM 633

Sáng 22/4/1954, các đơn vị xung kích của ta tấn công sân bay Mường Thanh và đến chiều cùng ngày đã làm chủ sân bay này. Ảnh: TTXVN

Sáng 22/4/1954, các đơn vị xung kích của ta tấn công sân bay Mường Thanh và đến chiều cùng ngày đã làm chủ sân bay này. Ảnh: TTXVN

... Hạ tuần tháng giêng năm 1954.

Chúng tôi, những binh đoàn chủ lực đã hành quân cấp tốc hàng tháng trời, giờ đây đang thu mình bên vách núi chờ có lệnh là nhất tề xông ra nổ súng vào cái tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, một vị trí mà bọn tướng lĩnh của đế quốc Pháp huênh hoang là to nhất, cứng nhất, giá trị quyết định nhất ở Đông Dương từ trước đến nay...

Rừng núi trùng điệp phía bắc Điện Biên vẫn che giấu cho đơn vị chúng tôi. Ở đó là trận địa xuất phát của chúng tôi, có chỗ đã kề ngay cạnh đồn giặc. Và cả cái tập đoàn cứ điểm ấy hàng ngày hàng giờ cứ như bầy ra trước mặt chúng tôi với những đồn lũy nhấp nhô, bọc kín dây thép gai, với tất cả 49 cứ điểm lớn nhỏ bao quanh khu trung tâm Mường Thanh, với chiếc sân bay nằm dài ở giữa như một con đường cái to lát sắt và bê tông, với những máy bay trinh sát, khu trục, đen như bầy bọ hung...

Rồi ước mong của chúng tôi cũng đến: Đêm 23 tháng giêng sẽ nổ súng!

Chà! Sao cái ngày 23 ấy cứ kéo dài ra thế! Từng đợt máy bay vận tải của địch thi nhau hạ cánh với những lực lượng mới từ Hà Nội điều lên. Máy bay trinh sát vẫn vè vè đến sốt ruột và theo tín hiệu của nó, khu trung tâm Mường Thanh lại chớp chớp nháy nháy phun ra những lần khói trắng: những khu rừng lại bị chấn động dữ dội trong tiếng nổ, dồn dập của đạn pháo. Nhưng chúng tôi vẫn chờ đợi...

Ngày qua. Đêm xuống. Thời gian trôi đi nặng nề chậm chạp. Mệnh lệnh xuất kích vẫn không có. Thế rồi bỗng có lệnh hoãn đến 15 giờ ngày 24.

Lại một đêm thấp thỏm, một ngày chờ mong. Cuối cùng thì 15 giờ ngày 24 đến, lệnh tấn công được thay bằng lệnh hoãn chiến một thời gian.

Hoãn chiến một thời gian! Biết bao nhiêu dấu hỏi đặt ra trong đầu óc chúng tôi.

Các đơn vị xung kích của bộ đội ta tấn công sân bay Mường Thanh và làm chủ sân bay từ chiều 22/4, cắt đứt đường tiếp tế cho Tập đoàn cứ điểm. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Các đơn vị xung kích của bộ đội ta tấn công sân bay Mường Thanh và làm chủ sân bay từ chiều 22/4, cắt đứt đường tiếp tế cho Tập đoàn cứ điểm. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Đêm 25 tháng giêng thật là bận rộn. Dân công gánh vác đạn dược, lương thực quay ra. Những khẩu pháo nặng nề trên trận địa cũng đang được kéo hoặc khiêng vác theo hướng dân công, nghĩa là cũng trở ra. Các đơn vị chiến đấu mới hôm nào hăm hở bôn tập vào gần địch thì giờ đây cũng thế. Họ cũng đang lặng lẽ, chậm chạp lui về địa điểm tập kết cũ...

Nhưng trái lại, và cũng vẫn rất bất ngờ đối với chúng tôi: Trung đội của tôi được lệnh lập tức rời khỏi khe núi và... tiến về phía địch!

Tới giữa cánh đồng Nà Hi, tiểu đội trưởng Trung ghé sát vào tai tôi, thì thào hỏi:

- Anh Độ này, chúng mình vào đây làm gì hả anh? Có phải để yểm hộ cho đại bộ phận rút ra không?

- Cũng không biết, nhưng có thể là như vậy. Đến cao điểm 633 gặp đại đội phó sẽ rõ - Tôi cũng khẽ đáp lời Trung.

Cả một lực lượng lớn đã hành quân đến đây bao vây địch, sao bây giờ lại rút ra? Đơn vị tôi vào làm gì đây?... Mỗi người chúng tôi có lẽ đều đang quẩn quanh với ý nghĩ đó, nhưng không ai tự giải thích được. Tuy vậy, tất cả đều chấp hành mệnh lệnh hành quân không mảy may ngại ngùng. Đi đâu? Đó là kế hoạch của cấp trên. Còn chúng tôi, chúng tôi cứ tiến. Chúng tôi đã chỉnh huấn chính trị, quân sự và luôn xác định như vậy. Những ngày kể khổ, ôm nhau khóc vẫn còn nguyên trong trí nhớ. Những ngày cùng bà con nông dân đánh gục bọn địa chủ vẫn như vừa mới hôm qua. Những ngày luyện tập ở thao trường dưới nắng thiêu đốt, dưới mưa tầm tã, rồi tiếp đó hàng tháng trời hành quân tưởng như chân đã nát vì đường dốc, vì suối khe, những đêm dài rét buốt ghì chặt dây kéo pháo đến phồng tay dưới làn đạn địch... tất cả những cái đó đều nhằm mục đích giết giặc.

Gần nửa đêm chúng tôi leo lên đồi 633. Một đơn vị pháo 75 đang xuống núi; những tấm sắt nặng nề cứ nhoài xuống dốc, xiết chặt đòn khiêng vào vai, vào cổ các chiến sĩ pháo binh. Trên đỉnh đồi, đại đội phó Phạm Chưởng cùng các đồng chí quân báo trung đoàn đang chờ chúng tôi.

- Quân số đủ chứ, đồng chí Độ? - Đại đội phó hỏi tôi.

- Báo cáo đồng chí: đã để lại trung liên theo lệnh đại đội trưởng, quân số 27 người... đủ.

Trung đội dừng lại và bố trí cảnh giới chiến đấu. Cuộc nghiên cứu địa hình chớp nhoáng bắt đầu. Chúng tôi len lỏi giữa những bụi cây, dưới giàn lá ngụy trang, trèo lên những công sự, những chiến hào của trận địa pháo cũ và dừng lại bên đài quan sát của quân báo trung đoàn. Gió từ cánh đồng Điện Biên thổi lên lạnh buốt. Đồn lũy mò mò trong đêm. Xa xa tiếng động cơ gầm gừ. Những chấm sáng xanh mờ nhạt của đèn pin bịt vải loé lên rồi lại phụt tắt...

"Với kế hoạch “đánh chắc, tiến chắc”, quân ta kéo pháo lên núi cao, đưa vào hầm và chĩa thẳng pháo xuống trận địa kẻ thù để tấn công, nâng cao được uy lực, mức chính xác và mang lại hiệu quả cao nhất.

"Với kế hoạch “đánh chắc, tiến chắc”, quân ta kéo pháo lên núi cao, đưa vào hầm và chĩa thẳng pháo xuống trận địa kẻ thù để tấn công, nâng cao được uy lực, mức chính xác và mang lại hiệu quả cao nhất.

Ngay trước mặt chúng tôi là cứ điểm Độc Lập nằm lù lù trên đường cái Lai Châu. Khu vực chúng tôi sẽ phòng ngự là một quả đồi rất cao so với đồi Độc Lập và cách nó chừng 800 thước về phía bắc.

Nhiệm vụ của trung đội là: tự lực chiến đấu, không có cấp trên chi viện, kiên quyết chặn không cho bọn Pháp đặt chân lên đồi 633 phát hiện trận địa pháo, phát hiện dấu vết của bộ đội chính quy ta. Chính vì cần giữ bí mật công tác chuẩn bị cho toàn chiến dịch nên đại bộ phận phải lùi ra bố trí trong rừng, không cho địch tìm thấy dấu vết và chúng tôi mới cần phải tự lực chiến đấu, không một lực lượng nào chi viện nếu chạm trán địch.

Đại đội phó đã nghiên cứu địa hình ở đây từ chiều. Anh đem những dự kiến ra bàn bạc. Thực sự với sự am hiểu tình hình và với cương vị của anh, anh có thể quyết định và ra lệnh cho tôi chấp hành, nhưng anh vốn lúc nào cũng tôn trọng ý kiến của cán bộ cấp dưới và hay tìm tòi sáng kiến ở họ, nên anh sẵn sàng hỏi ý kiến chúng tôi.

Vấn đề làm anh suy nghĩ nhiều nhất hiện nay tiền duyên phòng ngự. Quả đồi 633 đứng sừng sững giữa đồng - trước ruộng, sau ruộng, nửa phía nam, trước mặt chúng tôi bị phát quang. Nếu bố trí tiền duyên men theo rừng cây đỉnh đồi thì không thể bắn quét xuống chân được, vì sườn đồi mấp mô và rất dốc. Nhưng nếu bố trí tiền duyên xuống sườn đồi thì đó lại là bãi quang, sẽ bị địch phát hiện ngay. Chúng tôi phân tích lợi hại và quyết định bố trí ở ven rừng, giấu kín trận địa trong bụi rậm.

Quả đồi dài trên 300 thước, đối với một trung đội quà lá có rộng. Một khe núi nằm ngay ờ quãng giữa, bè cong quả đồi lại như một người nằm co, lưng hướng về phía bắc, bụng thót lại ôm lấy cánh đồng Điện Biên, đầu gối vào đường cái Lai Châu và chân kê vào dãy núi phía đông trùng điệp. Cái khe đó chia khu vực phòng ngự của chúng tôi ra làm hai nơi: mỏm phía tây cao lớn nằm ngay trên đường Điện Biên - Lai Châu và mỏm nhỏ phía đông nối liền với rừng núi. Sau khi thấy bố trí phần lớn lực lượng giữ mỏm đồi chính cạnh đường có lợi hơn, chúng tôi dẫn các tiểu đội về vị trí, bắt đầu đào công sự chiến đấu.

Trời tối, gần địch, đất đồi đầy đá sỏi, chúng tôi phải yên lặng và kiên nhẫn moi từng nhát xẻng để khỏi bị lộ, nhưng cũng phải mau chân mau tay cấu trúc trận địa tốt chừng nào hay chừng nấy để đối phó với địch trước khi trời sáng. Tất cả lăn lưng ra đào, không còn nghĩ đến buồn ngủ và đói nữa. Chúng tôi chạy đua với thời gian, và bây giờ thì nó chạy nhanh quá, chứ không ỳ ra như hai hôm trước nữa. Trời sáng dần. Quang cảnh trận địa cũng dần dần hiện lên, mở rộng mãi ra và cũng cho đến lúc này mới nhìn rõ công sự của chúng tôi nổi màu trắng, đỏ nằm ngổn ngang giữa những bụi rậm và cây rừng cao lớn...

Tuy còn non trẻ, nhưng lực lượng pháo binh đã góp phần vô cùng quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của pháo binh Việt Nam.

Tuy còn non trẻ, nhưng lực lượng pháo binh đã góp phần vô cùng quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của pháo binh Việt Nam.

Đồng chí Chưởng vừa ở đài quan sát về lại vội cùng tôi lên kiểm tra vị trí của tiểu đội 3 trên đỉnh đồi. Anh em đào công sự đã sâu đến thắt lưng. Tiểu đội trưởng Trung mặt mày lấm đất, ba băng đạn tiểu liên đeo trước ngực và khẩu tiểu liên K.50 đeo chéo sau lưng, đang giúp một chiến sĩ đắp bệ bắn. Trung là chiến sĩ lâu năm và hiện đang là tổ trưởng Đảng. Anh cần cù dũng cảm, có tinh thần chấp hành mệnh lệnh tốt và có uy tín với anh em.

Chúng tôi đi men theo đỉnh đồi xuống khu vực giữa. Tiểu đội trưởng Việt Hồng - một chi uỷ viên - đang đắp công sự bắn của tôi cạnh khẩu súng máy. Chắc anh đã làm xong công sự của mình, nên quay sang giúp trung đội trưởng. Thân hình to lớn của anh xoay xở một cách chật chội để moi đất dưới hầm lên. Anh là cựu binh, thông minh và tháo vát, nhưng về tới đại đội 915 này là phải nhận ngay công tác quản lý, cấp dưỡng. Anh không thích, nhưng vẫn làm tròn nhiệm vụ và nay được ra chiến đấu.

Trời bắt đầu sáng rõ. Chúng tôi vừa đào, vừa quan sát trận địa địch và có cảm giác như mình đang đứng ngay trên đầu chúng. Bao nhiêu là máy bay, đại bác, xe cộ, ụ súng, hàng rào dây thép gai, bãi mìn, chướng ngại vật, tất cả vây quanh lấy những hầm, hang, hốc của những binh đoàn tinh nhuệ, những tướng, những tá, những sĩ quan và binh lính thiện chiến của quân đội viễn chinh Pháp... Tất cả chúng nó đều ở dưới chân chúng tôi. Những cái bóng màu cứt ngựa chạy đi chạy lại ở các vọng gác. Máy bay è è như trâu bị cắt tiết rồi tung bụi và cất cánh. Trận địa pháo chuyển động, bắn liên hồi ra các khu rừng phía đông và phía bắc.

Xa xa một toán địch đang đi về phía chúng tôi. Các tiểu đội sẵn sàng chiến đấu. Đại đội phó quay về khu vực giữa. Bọn địch đi tới chân đồi, dừng lại bên kia con suối nhỏ, rồi đi thẳng về phía tiểu đội 1 của chúng tôi. Bắt đầu có những tiếng lách cách lên đạn, tiếng “suỵt” rồi tiếng ồn ào lộn xộn trên trận địa bộ phận này. Trung đội phó Phú dằn tửng tiếng ngắn: “Yên lặng. Tháo đạn. Tất cả chờ lệnh tôi”... Nhưng bọn địch đã đi qua.

Tôi đến gặp Phú và tiểu đội trưởng Trường. Hai người báo cáo tình hình bố phòng và đặc biệt có một hiện tượng vừa xảy ra là: khi quân địch đến trước trận địa, anh em đều sẵn sàng chiến đấu, có mấy người đã lên đạn, nhưng cũng có người như Nối thì sợ tái mặt. Thậm chí Nối đã cãi cọ với Quyền: “Bắn cái con khỉ gì, nổ súng bây giờ thì đại bác nó quần cái đồi này đến không còn một gốc cây chứ đừng nói đến con người bằng da bằng thịt nữa”.

Nghe câu nói ấy, tôi thấy khó chịu lạ lùng và có cảm giác như chính cái anh cựu binh Nối gàn dở và hèn nhát này đang quăng vào mặt tôi những câu nói hết sức vô kỷ luật. Sau khi bàn bạc với Phú và Trường, chúng tôi thấy cần phải đập tan tức khắc tư tưởng sợ địch, sợ phi pháo, sợ tác chiến cô lập, phải xây dựng tư tưởng quyết thắng. Điều đó cần tiến hành không phải chỉ bằng giải thích, khêu gợi, mà phải bằng những biện pháp thiết thực là: kiên quyết trừng phạt tại chỗ hiện tượng phát ngôn vô tổ chức và hoàn thành nhanh chóng một trận địa phòng ngự kiên cố, phải đào công sự suốt ngày đêm, không một ai được nghỉ.

Chúng tôi làm đến mệt nhoải mệt lử, chân tay nát bét vì phồng rộp, vì va vào đá, gỗ đến toé máu, chân tay, quần áo đều phủ một lớp đất bột quện mồ hôi nhem nhuốc. Mặt mày anh em hốc hác, mắt lờ đờ mệt mỏi. Đã hơn một tháng nay mất ngủ rồi. Việc nghỉ ngơi bây giờ là cần thiết, là chính đáng, nhưng tình hình lại đòi hỏi phải làm việc gấp rút hơn vì làm bao nhiêu cũng chưa chắc đã đủ để bảo đảm cho trận đánh thắng lợi.

Phút nghỉ ngơi của các chiến sĩ giữa hai trận đánh. Tuy gian khổ, khốc liệt nhưng các cán bộ, chiến sĩ của ta vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Những lá thư nhà đọc cho đồng đội nghe trong chiến hào là nguồn cổ vũ tinh thần mãnh liệt, tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ vững tâm vượt qua khó khăn để chiến đấu.

Phút nghỉ ngơi của các chiến sĩ giữa hai trận đánh. Tuy gian khổ, khốc liệt nhưng các cán bộ, chiến sĩ của ta vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Những lá thư nhà đọc cho đồng đội nghe trong chiến hào là nguồn cổ vũ tinh thần mãnh liệt, tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ vững tâm vượt qua khó khăn để chiến đấu.

Đến sáng 28, chúng tôi không những đã đào xong công sự chiến đấu, hầm trú ẩn, mà còn đào được cả hào giao thông trong phạm vi tiểu đội. Đại đội trưởng Ngư, chính trị viên Chu Lưu lần lượt ra kiểm tra trận địa. Rồi cả máy điện thoại lẫn cứu thương Hông cũng ra theo. Thế là trong khu vực giữa đã hình thành một tuyến phòng ngự mới, một lực lượng mới gồm đại đội phó, chiến sĩ cứu thương, chiến sĩ thông tin và một tổ quân báo 3 người. Đối với chúng tôi, lực lượng đó đã là lớn và quý giá vô cùng.

Bọn Pháp chưa đánh hơi thấy chúng tôi. Ngày ngày chúng vẫn cảnh giới và tuần tiễu quanh khu vực bố trí, xây đồn lũy và bắn phá các khu rừng khả nghi quanh Điện Biên. Từ trận địa nhìn xuống, chúng tôi vẫn thấy bọn Pháp bắn giết trâu bò, bắt lợn gà, bắt dân đi xây đồn đắp lũy và đánh đập họ tàn tệ. Chúng bắn đại bác cháy cả làng bản và dỡ nhà dân xây lô cốt...

Lòng căm giận bọn Pháp và trách nhiệm chỉ huy, ý thức kỷ luật vật lộn trong đầu tôi. Tự nhiên tôi trở nên cáu gắt với chiến sĩ. Tôi đứng dậy quay về vị trí nhưng vẫn ngoái nhìn lại một lần nữa. Mặt tôi nóng bừng bừng vì tức giận, uất ức, và hổ thẹn với những người dân đang bị giặc hành hạ. Nhưng chúng tôi chưa được phép nổ súng. Chúng tôi cố đợi chờ.

*
* *

Sáng ngày 1 tháng hai, trời trong và đẹp, nắng sớm ấm áp đã xua tan giá lạnh mùa đông và những đám sương mù trong khe núi. Anh em ngụy trang lại trận địa, nhận hai nắm cơm cho bữa trưa và chiều, kiểm tra lại súng đạn, chuẩn bị chiến đấu. Chiếc “bà già” bay lượn vè vè nhòm ngó các khu rừng, đại bác địch lại bắn tứ tung, và những phân đội cơ giới bộ binh của chúng vẫn di chuyển trên cánh đồng Mường Thanh như mọi ngày.

Trước đây, những hoạt động ấy làm chúng tôi lo âu, chờ đợi đến căng thẳng đầu óc, nhưng bây giờ chúng tôi đã quen lắm rồi, chỉ theo dõi và báo cáo lên cấp trên. Tuy vậy, có một điều làm chúng tôi suy nghĩ là chiếc “bà già” hôm nay bay rất thấp và lượn vòng rất hẹp. Đại đội phó ra lệnh: “Tuyệt đối không được ai ra khỏi công sự”. Trận địa vẫn im lặng.

Thời gian trôi qua nặng nề...

Bỗng đài quan sát báo cáo: có một bộ phận địch rất đông từ khu trung tâm Mường Thanh hành quân ra và dừng lại gần cứ điểm Độc Lập, trước mặt chúng tôi khoảng 1 cây số. Tôi bò lên xem: những đám quần áo xanh màu cứt ngựa như cua trong giỏ đổ ra, đang chạy tản ra các phía thành ba khóm lớn, mỗi khóm khoảng 200 đứa. Trên đường, những xe tăng nặng nề bò lên. Đến gần suối Bản Mịn, chúng càng triển khai rộng, có những tên chỉ trỏ về phía trận địa chúng tôi, có những tên đưa súng lên ngắm thử. Trong ống nhòm, tôi thấy chúng gần quá, đến nỗi cứ tưởng như chúng đứng ngay trước mặt và chĩa súng vào ngực mình. Có những tên đã đến bờ suối và đứng lại.

Tôi nghĩ: đây là ranh giới giữa tấn công và tuần tiễu của bọn Pháp. Tôi hồi hộp chờ đợi. Nhưng không, chúng nó đi men theo dòng suối. Có lẽ chúng không lội qua. Mắt tôi như dán vào chúng, đầu óc tôi căng ra, bụng thầm nghĩ: sẽ đánh nhau, sẽ bị phi pháo đâm lưng, sẽ gay go, nhưng nhất định không để mất trận địa'.

Một toán khá đông đi đến quãng suối cạn, bắt đầu bước trên những hòn đá to giữa dòng tránh cho giày khỏi ướt. Chà' Chúng nó làm như đi du lịch, chúng nó hoàn toàn không biết có chúng tôi ở đây. Thế là có kết luận được rồi; tôi chạy đi báo cáo với đại đội phó. Anh nói là tiểu đoàn vừa cho biết hôm nay bọn Pháp đánh ra khu bắc thăm dò lực lượng ta và chiếm một số cao điểm để tăng cường phòng ngự. Chúng ta phải giọt cho chúng một trận nên thân và không được lùi nửa bước.

Những tên Pháp đi đầu đã lên đến sườn đồi, chân ngập trong bụi gai, lau lách. Chúng còn cách trận địa 100 thước nhưng chúng tôi vẫn chưa bắn. Mấy phút trôi qua, cự ly rút gần lại mãi,... 50 rồi 30 thước. Chúng vẫn chưa phát hiện ra trận địa phòng ngự. Chúng gần quá, những cái chân to lớn như sắp dẫm lên đầu chúng tôi. Tôi nâng súng lên... Bỗng chúng đi chếch lên đỉnh đồi, đứng chỗ tiểu đội 3 bố trí. Trên không, cái tàu bay “bà già" vẫn lượn vòng rất thấp.

Đoàng' Tạch tạch tạch! Tiếng nổ to quá làm tôi giật mình. Tiểu đội 3 bắt đầu rồi. Bọn Pháp rống lên, lăn xuống nhanh như đá núi lở. Chúng nó bắn lại ngay; tiểu liên, súng trường, trung liên, đại liên nổ inh tai nhức óc. Những tiếng hò hét chửi rủa xen lẫn tiếng súng thưa dần rồi im hẳn. Bọn Pháp nấp kín sau những bụi rậm.

Bông súng lại nổ rộn lên rồi tiếng “alaxô" loạn xạ. Chúng nó đã trấn tĩnh và bắt đầu xung phong có tổ chức, hy vọng lấy hoả lực và số đông đè bẹp đối phương như những lần va chạm với du kích hoặc những toán trinh sát nhỏ. Chừng ba chục tên giặc đã chạy lên bãi quãng trước tiểu đội 3. Một loạt súng giòn giã trên đỉnh đồi bắn xuống. Như bị những con dao vô hình cắt ngang lưng, các bóng áo xanh cứt ngựa gục xuống, nằm yên, một số lăn lộn và một số bò lùi. Khi bọn chúng đã tụt hết xuống sườn đồi, tất cả trở lại im lặng. Chỉ mấy phút sau, tin đại đội phó khen tiểu đội 3 đã đánh lui một đợt xung phong của địch được truyền đi khắp trận địa.

17 giờ 5 phút chiều 13/3/1954, hàng chục khẩu pháo của ta đồng loạt nhả đạn lên các vị trí của Pháp trên đồi Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Đến 23 giờ 30 phút cùng ngày, toàn bộ trung tâm đề kháng Him Lam bị ta tiêu diệt hoàn toàn. Ảnh: Tư liệu TTXVN

17 giờ 5 phút chiều 13/3/1954, hàng chục khẩu pháo của ta đồng loạt nhả đạn lên các vị trí của Pháp trên đồi Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Đến 23 giờ 30 phút cùng ngày, toàn bộ trung tâm đề kháng Him Lam bị ta tiêu diệt hoàn toàn. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Bộ đội ta xông lên đánh chiếm cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, chiều 13/3/1954. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Bộ đội ta xông lên đánh chiếm cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, chiều 13/3/1954. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Chừng nửa giờ sau, từ phía đồi Độc Lập bỗng phát ra những tiếng “ục, ục...” ngắn gọn. Tiếng đại đội phó từ phía sau: “Xuống hầm! Cối 102 ly đấy”. Có tiếng eo éo huýt gió rồi những tiếng nổ rung chuyển phía sau chúng tôi.

-            Quá rồi! Việt Hồng khẽ nói.

-            Yên trí, nó sẽ chỉnh vào đầu chúng mình bây giờ đây.

Việt Hồng nhìn tôi, vẻ tán thành rồi lại nhìn nắp hầm như để tính sức chịu đựng của nó. Hầm ẩn nấp của chúng tôi cũng khá tốt, nhưng chưa lấy gì làm kiên cố. Bốn khẩu cối 102 ly của đồn Độc Lập và những xe tăng trên đường thi nhau bắn. Cây cối đổ gãy răng rắc, đất cát tung toé lửa tung lên cao, trận địa khói mù và khét lẹt.

Bọn Pháp dưới chân đồi bắt đầu ngóc dậy, dàn hàng ngang xông lên. Chúng chạy lom khom, định bí mật vòng qua chỗ tôi để đánh vào sau lưng tiểu đội 3.

Việt Hồng nhìn tôi như dò hỏi và có lẽ quên mình là cấp dưới, anh khoát tay ra hiệu chuẩn bị rồi anh quay lại tỳ súng vào vai. Tôi cảm thấy lạnh hẳn người khi những thằng Tây lăm lăm súng trong tay đã đến ngay trước mặt. Tôi nín thở, kéo cò lia hết nhẵn băng đạn. Trung liên của Lộc nổ và tiếng thét: “Bắn bỏ mẹ chúng nó đi” của tiểu đội phó Vinh vang lên.

Bọn Pháp nhảy chồm chồm như bị điện giật, có tên ngã xuống chết ngay, nhưng số đông chúng đã rút được kinh nghiệm của lần trước, chúng nằm vội xuống và xả súng. Lộc, xạ thủ trung liên, bị thương ngay từ đầu, máu đầy mặt, một mảng trán bị vỡ. Tiểu đội phó Thình bò lên, túm lấy vai Lộc kéo xuống, nhưng Lộc chỉ quơ tay ra đẩy mạnh Thình ra phía sau rồi lại tiếp tục bắn. Tôi ra lệnh ném lựu đạn. Nhưng bọn địch đã ẩn nấp cả nên kết quả không được như ý muốn. Chúng tôi đã không tiêu diệt được địch mà hình như còn làm một việc rất tai ngược là nhắc nhở chúng: “Cự ly gần thôi, hãy dùng lựu đạn đi, xung phong lên”.

Quả nhiên, lựu đạn địch lập tức bay tới miệng hầm chúng tôi, mảnh bắn rào rào. Tôi nghĩ bụng: phải tinh mắt trong lúc này, hễ quả nào rơi vào hầm phải đỡ lấy, hoặc nhặt ném ngay ra ngoài, chắc anh em cũng còn nhớ những ngày luyện tập động tác đó.

Và đúng, anh em đã làm đúng như điều tôi vừa nghĩ. Lựu đạn của chúng vừa bay tới chỗ chúng tôi thì chính những quả lựu đạn đó lại quay về quật vào đầu chúng. Rất nhiều tên giặc đã gục xuống nhưng cũng có những đứa hung hãn xông bừa lên. Những băng đạn kịp thời của Việt Hồng như những con dao phát lớn vạc vào chân chúng. Hàng ngũ giặc bị vỡ ra hỗn loạn. Lần thứ hai quân địch bị đánh lui. Anh em tranh thủ lắp đạn. Tôi cũng cuống cả tay, chỉ sợ chúng nó xung phong khi súng của mình toàn băng rỗng.

Đại đội phó từ trên đỉnh đồi chạy xuống, rất tự hào báo tin: Ban chỉ huy tiểu đoàn quyết định khen ngợi trung đội chúng tôi.

Tin đó đến, đối với đơn vị tôi thật là một niềm vui đặc biệt. Trong các chiến dịch trước, anh em vẫn gọi trung đội 3 của chúng tôi là “trung đội dân công”, ý nói không được chiến đấu mà toàn làm những nhiệm vụ phục vụ và bảo đảm cho chiến đấu. Cả 30 anh em luôn luôn ước ao được đánh một trận cho ra trò, để có truyền thống chiến đấu và được cấp trên tin cẩn giao nhiệm vụ như các đơn vị chủ công khác. Đôi khi anh em ghen tỵ với các đơn vị bạn về sự quan tâm của cấp trên đối với họ và phàn nàn vì trung đội mình không được bằng ai. Giờ đây, trên trận địa này, ước mơ của anh em đã thành sự thực, anh em đã thử sức với quân thù và đã đứng rất vững vàng trên trận địa, lại còn được cấp trên khen nữa!

Đại đội phó đang cùng cứu thương với Hồng, băng lại vết thương cho xạ thủ Lộc. Tôi thấy cái đầu quấn băng trắng bốp và khuôn mặt đỏ lòm bê bết máu khô với đôi mắt cầu khẩn của Lộc: anh đang đề nghị được ở lại chiến đấu. Băng cho Lộc xong, đại đội phó ra lệnh cho tôi không được rời vị trí chỉ huy, rồi đi về phía tiểu đội 1. Giờ phút này chắc anh cũng như tôi, muốn đi khắp trận địa, tự mình tuyên bố lệnh khen của tiểu đoàn và tự mình nhìn vào khoé mắt từng chiến sĩ, từng cán bộ trong trung đội, cùng chia vui với anh em. Tôi rất tin tưởng đại đội phó, con người hễ đâu khó khăn là có mặt, có những lời căn dặn, những kinh nghiệm quý giá.

Các đơn vị xung kích của bộ đội ta tấn công, tiêu diệt địch trên đồi A1 - cứ điểm quan trọng nhất của toàn bộ khu phòng ngự phía Đông của địch, tấm lá chắn cuối cùng bảo vệ khu Trung tâm Tập đoàn cứ điểm. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Các đơn vị xung kích của bộ đội ta tấn công, tiêu diệt địch trên đồi A1 - cứ điểm quan trọng nhất của toàn bộ khu phòng ngự phía Đông của địch, tấm lá chắn cuối cùng bảo vệ khu Trung tâm Tập đoàn cứ điểm. Ảnh: Tư liệu TTXVN

11 giờ, đạn đại bác địch rơi ngay trên nóc hầm chúng tôi như có người nện liên hồi vào lưng mình bằng một cái vồ to có cuộn giẻ bên ngoài vừa êm êm vừa tức ngực. Chúng tôi bất giác nghiến răng và toàn thân cứ tự nhiên lên gân để tự vệ. Qua mấy chập đại bác, tôi đã mỏi rời chân tay, nhưng muốn thôi cũng không được, hễ đạn pháo đấm trên nóc hầm là bản năng tự vệ lại bắt cơ thể lên gân nhanh như máy.

Tiếng đại bác vừa dứt, từng trung đội địch đã dàn hàng ngang tiến lên. Đại đội phó từ phía sau chạy đến: “Quân địch rất đông, có thể là 3-4 đại đội xung phong từ phía tây, phía tây nam và phía nam. Chú ý chi viện cho tất cả các bộ phận”. Nói rồi anh chạy ngay lên đỉnh đồi. Tôi quay lại nhìn khẩu súng máy độc nhất của chúng tôi thì nó không còn nữa. Cái hầm ẩn nấp bị sạt một bên nắp, cây cọc nằm ghếch ngược lên. Tôi gọi, không ai trả lời. Họ hy sinh cả rồi ư? Tôi chạy lại, tụt xuống nhìn vào trong: không còn một ai trong hầm, ba hòm đạn vẫn nằm nguyên ở góc. Thế họ đi đâu? Tôi chạy thêm 10 thước xuống sau đồi và nhảy xuống một hầm pháo cũ. Cả ba người - Thình, Lộc, Hỗ đang ngồi trong hầm, từ đầu đến chân vùi toàn đất bột. Lộc ngồi tựa vào vách hầm, mắt nhắm nghiền mệt mỏi, máu chảy ra thấm đỏ cả cái băng trên đầu và đất cát trên mặt. Thình và Hỗ xách súng chạy theo tôi. Tôi hét to ra lệnh bố trí nhưng cả hai đều chỉ nhìn tôi ngơ ngác. Thì ra tai họ đã bị điếc vì đạn pháo trong lúc sạt nắp hầm. Nhưng Thình cũng nghiêng đầu, miết súng kéo hết băng đạn rồi nghển cổ lên quan sát, tay tranh thủ thay băng. Đến băng thứ hai, anh bắn ngắm từng loạt ba viên một rất trúng đích. Bọn Pháp cũng đã đánh giá đúng tác dụng khâu súng máy của Thình, chúng tập trung hoả lực bắn đến tung chóp mũ của anh lên. Tôi vội bổ tới túm chân anh kéo xuống. Anh hiểu ý tôi ngay. Trong chốc lát, khẩu súng máy đã được thay đổi vị trí.

Bọn Pháp chạy theo hõm núi vừa ló đầu lên đã bị súng nổ đập ngay vào mặt... Tiếng thét, tiếng nổ ở cả phía tây lẫn phía nam đều đã đổi thành những tiếng kêu gào loạn xạ, và ngay những tiếng kêu la ấy của địch cũng bị đè gí xuống đất rồi im bặt.

Pháo địch bắt đầu bắn đến lộng óc vào hầm ẩn nấp, tôi và Việt Hồng lại chúi đầu vào hầm. Trong hầm có một bó cỏ gianh đầy đất cát nhưng cũng rất quý vì nó khá êm. Tai chúng tôi vẫn phải lắng nghe, chờ đợi trong tiếng đại bác những phát súng trường báo hiệu bọn Pháp sẽ xung phong. Công sự, hầm ẩn nấp trong phòng ngự thật là quý. Nếu không kiên quyết đào trận địa, nếu vì thương anh em mệt mỏi mà cho nghỉ ngơi, thì bây giờ chắc chúng tôi không thể chịu đựng được sức phá hoại của pháo binh địch rồi.

Nhưng cảm giác yên tâm của tôi thật ngắn ngủi. Đỉnh đồi của tiểu đội 3 và khu vực chỉ huy sở đại đội bị đạn nổ xáo trộn rất dữ dội, đất cát khói lửa tung toé. Tôi nhảy ngay ra khỏi hầm, định chạy về phía đó. Nhưng được mươi bước, tôi đã giật mình đứng lại: Cái hầm ẩn nấp cũ của pháo binh, trong đó có ba chiến sĩ súng máy, đã thành một cái vũng sâu. Tôi điên lên, nhảy ngay xuống hầm bới móc. Một cây gỗ lớn ghếch đầu lên giữa hầm: Tôi ghé vai xốc ngược nó lên, nâng theo mấy cây khác. Cuối cùng lòi ra cái nòng súng máy cong queo và một phần thân thể của Thình, Hồ. Tôi ân hận quá. Nếu tôi bố trí các đồng chí ở một hầm khác, chỗ tôi hay chỗ chỉ huy sở đại đội thì chắc các đồng chí đã không bị hy sinh. Tôi chạy vào hầm chỉ huy sở đại đội, báo cáo với đại đội phó Chưởng và hỏi thêm về tình hình liên lạc với tiểu đoàn.

Bộ đội ta vượt qua cầu Mường Thanh, tấn công vào Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chiều 7/5/1954.

Bộ đội ta vượt qua cầu Mường Thanh, tấn công vào Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chiều 7/5/1954.

Như đoán được nỗi lo lắng và ý định của tôi, đồng chí chậm rãi nói:

- Không ăn thua gì đâu. Bắt đầu từ đợt pháo thứ nhất, liên lạc đã bị đứt rồi; cậu Tý chạy đi nối rất nhiều lần và bây giờ vẫn đang chạy ngoài đường dây nhưng máy vẫn câm tịt.

Đồng chí Chưởng nhìn tôi chăm chú một lát rồi nói tiếp:

- Đồng chí về vị trí chiến đấu! Súng trường, tiểu liên, lựu đạn, lưỡi lê, rồi cuốc xẻng, dùng mọi thứ vũ khí mà đánh.

Tôi chạy trở về, Việt Hồng lặng lẽ nghe tôi truyền đạt lại những ý kiến của đại đội phó. Nghe xong tôi chỉ thấy anh khẽ nhíu lông mày và quai hàm của anh cũng rung rung liền mấy cái thôi. Những gì đã diễn ra trong tư tưởng người tiểu đội trưởng súng máy, người chi ủy viên chi bộ Đảng, khi ba chiến sĩ của mình, trong đó có hai đảng viên Thình và Lộc, đã hy sinh, khi địch thì mạnh mà toàn trung đội chỉ còn 24 người, không có lấy một khẩu súng máy và đạn dược đang cạn dần?

Một lúc lâu anh mới ngẩng lên nhìn thẳng vào mặt tôi, giọng kiên quyết:

- Không sao anh Độ ạ. Chúng ta còn cả một trung đội... mà tất cả anh em lại đều được đánh địch qua nhiều đợt xung phong và đã đánh thắng.

Một lúc sau, bọn Pháp có lẽ tin tưởng là pháo binh đã tiêu diệt chúng tôi rồi, nên lại hùa nhau xông lên. Súng của chúng tôi cất tiếng ngay. Chợt đại đội phó chạy đến bên tôi, xuýt xoa nói:

- Tý nữa thì đi đứt. Lực lượng chính của nó đã đi vòng sang bên trái các anh và lợi dụng khe núi đánh lên. May mà anh em kịp phát hiện nên tôi đã đưa cả lực lượng quân báo, thông tin ra chặn đánh. Chú ý sườn bên trái đấy nhé - Nói xong anh lại chạy đi ngay.

Đợt xung phong thứ tư này của địch đã diễn ra rất ác liệt ở khe núi và đã gây cho chúng tôi một tổn thất lớn. Bọn Pháp lợi dụng khe núi xung phong vào khu vực trống của trận địa. Đại đội phó đã điều cả lực lượng còn lại gồm 3 quân báo, 1 thông tin viên và 1 cứu thương ra chặn đánh. Đang lúc khó khăn ấy thì Ván, Vận, Lĩnh từ tuyến sau mang 100 quả lựu đạn và 1 khẩu trung liên ra tăng viện. Bọn Pháp bị dồn xuống nhưng chúng vẫn lợi dụng khe núi tránh đạn và không chịu rút. Đồng chí Chưởng bò đến tận đầu dốc, bắn xuống bọn Pháp dưới khe. Khẩu trung liên bỗng nhiên bị hóc, Văn cuống lên. Chiếc mũ ngụy trang và dáng người thon thon của đồng chí Chưởng cứ ấn hiện án ngữ lấy đầu khe núi như một bức tường thành vững vàng chắn lối quân thù. Nhưng hại thay, một loạt đạn của quân thù đã bắn trúng đầu đồng chí đại đội phó của chúng tôi. Đồng chí nhoài người về phía trước được một đoạn nữa mới chịu nằm lại. Cứu thương Hồng vội lao lên, nhưng bọn Pháp lại đã xông tới. Đại đội phó ngẩng lên, mặt đầy máu, ra lệnh, một mệnh lệnh cuối cùng của anh: “Lựu đạn! Lựu đạn! Văn đâu. Bắn vào súng máy...địch...”. Tất cả liên tục chiến đấu bằng lựu đạn. Cứu thương Hồng nhô lên gập xuống ném liền 2, 3 quả lựu đạn xuống khe, nhưng rồi anh cũng hy sinh bên cạnh xác đại đội phó. Giữa lúc ấy, tiểu đội phó Văn lấy hòm đạn ghè mạnh cần cơ bấm trung liên rồi dùng chân đạp, cuối cùng khẩu súng lại nổ liên hồi. Anh bắn nhanh đến nỗi Vận và Lĩnh không kịp lắp đạn. Cái khe núi đã đầy xác địch, nhưng dứt tiếng súng là bọn Pháp lại xông lên. Bỗng đầu Văn hơi giật lên, anh ghì súng nằm yên không động đậy nữa. Vận bò lên, với lấy khẩu súng, nhưng cũng gục xuống. Đạn địch đập chan chát vào khẩu súng máy. Lĩnh bò lên lôi súng lại, nhưng khẩu súng đã hỏng và Lĩnh cũng bị thương luôn vào cánh tay.

Bộ đội ta xung phong, tấn công cứ điểm của địch tại sân bay Mường Thanh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Bộ đội ta xung phong, tấn công cứ điểm của địch tại sân bay Mường Thanh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Các chiến sĩ công binh cắt hàng rào dây thép gai để mở đường cho lực lượng xung kích tấn công tiêu diệt cứ điểm 206, thuộc tuyến phòng ngự ngoại vi bảo vệ khu Trung tâm tập đoàn cứ điểm và sân bay Mường Thanh. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Các chiến sĩ công binh cắt hàng rào dây thép gai để mở đường cho lực lượng xung kích tấn công tiêu diệt cứ điểm 206, thuộc tuyến phòng ngự ngoại vi bảo vệ khu Trung tâm tập đoàn cứ điểm và sân bay Mường Thanh. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Bộ đội ta xung phong, tấn công cứ điểm của địch tại sân bay Mường Thanh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Bộ đội ta xung phong, tấn công cứ điểm của địch tại sân bay Mường Thanh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Tình hình thật nguy ngập. Nhưng tổ quân báo đã kịp thời chạy xuống. Hoả lực ta được tăng cường và bọn Pháp không ngóc đầu tiến thêm được một bước nào nữa...

Lĩnh chạy về gặp tôi báo cáo. Tôi theo Lĩnh lên đầu khe núi. Cả bốn liệt sĩ đều nằm theo đội hình bậc thang. Văn, Vận nhô lên phía trước, đầu chạm cây gỗ đổ ngang, đại đội phó và cứu thương Hồng nằm trên mô đất giữa khe. Tất cả đều nằm sấp, đầu hướng, về phía địch, hai tay để trước ngực, đúng tư thế chiến đấu. Chúng tôi đã bị thương vong mất một bộ phận quan trọng và giờ đây quân địch vẫn đang ngấp nghé dưới chân đồi. Tôi đứng dậy, quay về vị trí chiến đấu.

Quá trưa bọn Pháp rút sang bên kia suối bố trí và bắt đầu đào công sự. Chúng nó chưa chịu bó tay. Còn chúng tôi, đại đội phó Chưởng, người chỉ huy cao nhất của chúng tôi ở đây, đã hy sinh. Bây giờ tôi phải gánh vác tất cả. Cấp trên xa, liên lạc không có, rút lui thì không bao giờ nghĩ đến, nhưng phòng ngự thì sẽ chiến đấu thế nào đây? Tôi hội ý cán bộ... Tuyên từ bên kia đồi cũng chạy về báo cáo tỉ mỉ tình hình chiến đấu thắng lợi của bộ phận mình. Anh kể lại cái chết đáng trách của Nối - người đã cãi lại Quyển lúc đầu phòng ngự... Khi đó đại bác địch bắn rất dữ. Một quả rơi ngay vào cửa hầm tổ 1. Đáng lẽ cần phải bình tĩnh chữa lại nắp hầm thì Nối lại hốt hoảng bỏ chạy ra ngoài và nhảy vào một công sự không nắp. Quyển gọi, Nối không quay lại cứ chạy hết chỗ nọ đến chỗ kia, hình như ở đâu cũng không thấy yên và cuối cùng bị mảnh đại bác địch phạt ngang người! Tất cả vừa thương Nối, vừa coi đó là một cái chết hèn nhát và vô kỷ luật.

Tôi yên lặng nghe Quyển báo cáo rõ ràng, chắc chắn, đầy tự tin, rất khác với tính tình hiền lành chậm chạp của anh hàng ngày. Tôi nghĩ đến câu nói của Việt Hồng: “Chúng ta còn cả một trung đội... mà tất cả anh em lại đều được đánh địch qua nhiều đợt xung phong và đã đánh thắng”. Đúng thế, trung đội 3 bây giờ không còn là “trung đội dân công” và không còn là cái trung đội 3 của ngày hôm qua rồi. Anh em không còn lo lắng vì chưa đánh phòng ngự bao giờ, vì cô lập và vì phi pháo địch mạnh nữa. Chúng tôi đã tự tin mãnh liệt ở sức mình. Thật không gì vui hơn khi thấy cả đơn vị mình lớn lên qua thử thách. Tôi nhìn anh em với tấm lòng hết sức tin yêu và cảm phục. Tôi biết ơn tất cả mọi người sống và chết trên quả đồi này. Tôi nói:

- Trung đội chúng ta đã chiến đấu rất tốt. Giặc đã bỏ mạng rất nhiều. Nhưng đại đội phó đã hy sinh. Trong số 32 đồng chí, chúng ta mất 10 và bị thương 2. Đó là một tổn thất lớn đối với trung đội, nhưng chúng ta kiên quyết chiến đấu, giữ vững trận địa, tiêu diệt nhiều địch để trả thủ cho các đồng chí đó.

Tôi dặn tiếp anh em không ngừng xây đắp và sửa chữa trận địa, tiết kiệm đạn dược, trao đổi một số kinh nghiệm chiến đấu.

Chúng tôi nói chuyện với nhau một lúc thì xong những vấn đề chính. Và khi tôi sắp sửa giục anh em về vị trí thì Việt Hồng, với nét mặt nghiêm trang nói với chúng tôi:

Tôi xin thay mặt cấp ủy tuyên dương tinh thần chiến đấu của tất cả các đồng chí trong và ngoài Đảng. Trong trận này đã có nhiều đồng chí lập công và xứng đáng là đảng viên của Đảng, ở đây, trước hết tôi xin đề nghị báo cáo chi bộ để kết nạp đồng chí Độ vào Đảng Lao động Việt Nam.

Trung bật lên:

Tôi đồng ý và xin cùng đồng chí Việt Hồng đảm nhiệm giới thiệu đồng chí Độ vào Đảng.

Tôi mừng quá và vô cùng cảm động trước sự chú ý của các đồng chí đảng viên. Tôi chỉ nói được một câu ngắn ngủi:

- Tôi xin hứa sẽ cố gắng và suốt đời chiến đấu vì sự nghiệp của Đảng.

Cuộc họp kết thúc. Chúng tôi vừa phân tán về vị trí và đang tranh thủ đào đắp công sự thì những chiếc máy bay ném bom đen trũi bổ nhào xuống đầu chúng tôi. Những tiếng nổ và tiếng rú lay động cả bầu trời Điện Biên, rung chuyển cả trận địa. Bom nổ đập vỡ từng mảng đất, đá lớn dưới sườn đồi. Bom na pan đốt cháy trụi cả lá rừng lẫn lá ngụy trang. Tiếp đến đại bác, cứ rộn lên rồi thưa đi, rồi lại dồn dập. Nằm tránh pháo lâu, mệt quá sinh ra buồn ngủ. Bỗng nhiên, trong tiếng nổ gần như êm êm của pháo rộn lên tiếng súng máy. Đạn từ trên cao, từ phía sau quất vào công sự, làm cho tôi và Việt Hồng đã hai ba lần nhỏm dậy nhưng lại phải chúi xuống ngay. Thật quái gở, có lẽ nào tiểu đội 3 bị tiêu diệt nhanh đến nỗi bọn Pháp đã chiếm gọn cả mỏm đồi cao ấy? Tại sao toàn trung đội không một ai bắn trả. Hay anh em mệt quá mà ngủ quên đi...? Mọi giả thuyết đều có thể xảy ra, cần hành động ngay. Tôi né mình bên nắp công sự, quay súng về phía bộ phận tiểu đội 1 và quân báo quét liền nửa băng nữa. Nhưng những loạt tiểu liên của tôi cản được bọn Pháp và cũng không thức tỉnh được anh em trong các hầm ẩn nấp.

Súng máy địch vẫn đè chúng tôi xuống một cách tai ác. Tôi nghe tiếng hò hét mỗi lúc một gần, cả từ đỉnh đồi tiểu đội 3 xuống, lẫn từ sườn đồi phía trước lên. — “Mất trận địa! Mất trận địa” — Ý nghĩ ấy đến với tôi như một lưỡi dao đâm ngang ruột. Phải đón đánh ngay cả phía trước, lẫn bên sườn. Bỗng một tiếng nổ rất lớn trên đồi tiểu đội 3, rồi tiếng hô “xung phong” vang lên. Tôi mừng quýnh: tiểu đội 3 vẫn còn! Mà ở đâu bây giờ mới ra? Những khẩu súng máy địch im tiếng, và chỉ một lát sau bọn Pháp đã bị tống cổ xuống đồi.

Phút hiểm nghèo đã qua. Tôi chạy ngay lên đỉnh đồi. Thì ra trong lúc máy bay và pháo binh địch bắn, anh em ẩn nấp quá lâu trong hầm chỉ để lại một mình đồng chí Lợi cảnh giới trước trận địa. Bọn Pháp đổi quy luật. Chúng nhằm vào lúc tiếng nổ của pháo vẫn đều đều đập vào núi, tiến quân vòng ra phía sau và đánh lên, vì vậy đồng chí Lợi đã bị chúng giết chết tại chỗ ngay trong loạt súng đầu tiên. Bọn Pháp chiếm khu vực đỉnh đồi một cách dễ dàng, rồi ào ạt đánh xuống khu vực giữa của chúng tôi. Tiểu đội 3 nghe súng nổ, từ trong hầm đã chạy ra ngay, nhưng không thể ngóc đầu dậy được dưới luồng đạn súng máy của địch. Bọn Pháp xung phong xuống đồi, lướt qua ngay trước công sự ta. Chiến sĩ Cầu, một đảng viên trẻ tuổi lo mất trận địa, lo tiểu đội 3 sẽ bị tiêu diệt... đã nhanh như sóc bò lên ném thủ pháo vào khẩu súng máy địch rồi hô “xung phong”. Tiếng hét của Cầu như một mệnh lệnh chiến đấu đã làm cho tiểu đội 3 nhất loạt nhảy ra tiêu diệt địch chiếm lại trận địa phòng ngự trên đỉnh đồi. Chính sức mạnh của tình đoàn kết chiến đấu này đã giúp chúng tôi chiến thắng đợt đó và sẽ chiến thắng trong những đợt sau.

Trời về chiều, bọn Pháp càng tấn công điên cuồng. Lần này chúng không xung phong vào chính diện phòng ngự của chúng tôi nữa. Sức chiến đấu của chúng tôi có hạn, bọn Pháp lại đông và xung phong nhiều hướng, nên mặc dù địa hình phòng ngự thuận lợi, trận địa tốt, chúng tôi vẫn đối phó không xuể. Đang bắn bọn địch bên trái thì đã nghe súng nổ tạt ngang bên phải, tôi quay lại thì mấy tên Pháp đã nhảy vào trận địa.

Bọn chúng đang bị những cây cối đổ ngang chắn đường tiến.

Trong phút nguy ngập này, tôi lo quá, tôi đã cùng với Việt Hồng giương súng diệt địch, vai trò chỉ huy của tôi hầu như không còn tác dụng. Vừa đánh, tôi vừa chú ý nghe, hễ súng nổ đều tức là anh em còn, và người còn thì không bao giờ chúng tôi để mất trận địa.

Làm thế nào để khỏi bị chia cắt, để chỉ huy được anh em đây? Trung đội trưởng không thể chỉ chiến đấu như một chiến sĩ, không thể chỉ biết có khẩu súng và lựu đạn của mình mà phải chỉ huy trung đội, phải tìm cách kịp thời phối hợp với tiểu đội 3, giữ chắc khu vực đỉnh đồi... Bao nhiêu ý nghĩ lướt nhanh như làn chớp trong đầu óc tôi.

Bỗng từ trên cao, tiểu đội 3 đã tự động đánh xuống. Hay quá! Thật là một sự hiệp đồng vô cùng ăn khớp và đẹp tuyệt vời mà chỉ những người sống chết không rời nhau, những người quyết một lòng giữ vững trận địa, những người giàu nghị lực chiến đấu mới có được. Tôi bỗng thấy mến phục hơn nữa tiểu đội trường Trung và các chiến sĩ trong tiểu đội 3 của anh. Anh thật xứng đáng với danh hiệu người đảng viên.

Ở các khu vực khác cũng vậy: bọn Pháp tưởng như đã chiếm hết trận địa của chúng tôi rồi, nhưng chúng tôi đã đập tan được ý muốn điên cuồng của chúng. Những điểm chốt của trận địa chúng tôi đã giữ vững, rồi từ đó chúng tôi đã đánh lui chúng và khôi phục lại được hoàn toàn trận địa của chúng tôi.

Sau tiếng nổ của khối bộc phá gần 1 tấn trên đồi A1, 17 giờ ngày 6/5/1954, bộ đội ta từ 3 hướng đồng loạt xung phong tiêu diệt cứ điểm cuối cùng án ngữ khu trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đến 4 giờ 30 phút ngày 7/5, ta hoàn toàn làm chủ cứ điểm quan trọng này. Thắng lợi của trận tiến công đồi A1 góp phần quyết định cho chiến dịch chuyển sang tổng công kích giành toàn thắng. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Sau tiếng nổ của khối bộc phá gần 1 tấn trên đồi A1, 17 giờ ngày 6/5/1954, bộ đội ta từ 3 hướng đồng loạt xung phong tiêu diệt cứ điểm cuối cùng án ngữ khu trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đến 4 giờ 30 phút ngày 7/5, ta hoàn toàn làm chủ cứ điểm quan trọng này. Thắng lợi của trận tiến công đồi A1 góp phần quyết định cho chiến dịch chuyển sang tổng công kích giành toàn thắng. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Sau 6 đợt phản công, chúng tôi đã có 12 đồng chí hy sinh và số lớn bị thương. Chúng tôi chưa kịp thay đổi bố trí phòng ngự thì bọn địch lại đã đánh lên. Hoả lực của chúng tôi tuy ít nhưng biết bắn đón và bắn tập trung nên đã đè gí bọn Pháp xuống sườn đồi.

Mặt trời gần xuống núi.

Một ngày sẽ qua chúng tôi đã đánh thắng! Hễ trời tối, bọn Pháp sẽ phải đình chỉ tấn công và co vào những cái cũi bọc dây thép gai kia, còn chúng tôi sẽ liên lạc được với cấp trên, có thêm vũ khí, thêm lực lượng, thêm thời gian chuẩn bị chiến đấu. - “Hãy cố gắng đánh và giữ vững trận địa cho đến tôi” — Một cảm giác vừa hồi hộp vừa khoan khoái đến tận bây giờ mới đến với tôi. Tôi tin rằng đó là sự thật nhưng vẫn cảm thấy mình nghĩ như vậy là không đúng, nên tôi sợ anh em đọc được ý nghĩ ấy của tôi. Đại bác địch vẫn thưa thớt bắn vào trận địa.

Bỗng Trung chạy về phía tôi, chưa đến nơi đã nhanh miệng:

- Báo cáo đồng chí Độ, địch rút lui!

Tôi nhảy lên chiến hào quan sát. Bọn Pháp đang lếch thếch từng toán mươi, mười lăm đứa kéo nhau về phía nam. Những chiếc xe tăng vẫn đứng trên đường yểm hộ cho cuộc rút lui đó. Tôi nhìn Việt Hồng và Trung. Cả ba chúng tôi đều mỉm cười, sung sướng.

Một ngày ác liệt đã qua!

Một ngày, dựa vào ý chí chiến đấu của các đồng chí đảng viên, dựa vào lòng căm thù, dũng cảm diệt địch, kiên quyết giữ vững trận địa của các cán bộ, chiến sĩ, tôi đã kế tục được vai trò chỉ huy của đồng chí Phạm Chưởng, giành thêm được một trong những chiến thắng đầu tiên cho đơn vị, cho mặt trận Điện Biên Phủ!

Chúng tôi không ai bảo ai, cũng hít từng hơi dài nhẹ nhõm. Tôi thấy vừa khát vừa đói. Suốt từ sáng tới giờ cả trung đội tôi đã ăn uống gì đâu. Tôi giục Việt Hồng và Trung về với anh em.

Riêng tôi, tôi đứng dậy đi theo đỉnh đồi về phía tiểu đội 1. Quả đồi hôm qua còn kín đáo giờ đây đã tan hoang, thành một quả đồi trơ trụi, ngổn ngang đất đá và cây cụt. Nhưng tôi vẫn thuộc con đường về tiểu đội.

Theo dải địa hình cao nhất của trận địa, tôi vừa đi vừa suy nghĩ chuẩn bị cho trận chiến đấu ngày mai.

Ghi chú: Cao điểm 633 còn gọi là đồi 75

Đại úy TRẦN ĐỘ

Nguồn: Sách Điện Biên Phủ - Trận thắng thế kỷ (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2004)

Trình bày: Phi Nguyễn
Ảnh: TTXVN, Nhân Dân
Trở về Nhân Dân
Trở về Chuyên trang 70 năm Điện Biên Phủ