Kể từ khi bùng lên vào cuối năm ngoái, cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) lan ra khắp mọi ngõ ngách, trở thành câu chuyện cửa miệng của tất thảy mọi người, từ những lãnh đạo cấp cao cho đến người bình dân. AI trở nên đơn giản tới mức ai cũng có thể thử ra lệnh cho nó viết lách hay vẽ tranh, ở cấp độ cao hơn thì AI được ứng dụng trong hoạt động quản lý, điều hành doanh nghiệp, giúp các kỹ sư lập trình, xử lý nhanh chóng những tác vụ mà mới cách đây không lâu còn khiến con người phải trầy trật, tốn kém thời gian và nguồn lực.
Trong diễn biến mới nhất, bản thu âm cuối cùng từ 4 thập niên trước của ban nhạc huyền thoại The Beatles với sự góp giọng của John Lennon nhờ hỗ trợ của AI đã ra mắt ngày 2/11, bất chấp nhiều tranh cãi về ứng dụng của công nghệ này trong ngành âm nhạc.[1] Cũng trong những ngày đầu tháng 11/2023, tỷ phú Elon Musk tung ra hệ thống AI Grok, được huấn luyện chỉ trong 2 tháng đã đủ khả năng tạo những nội dung cực “xịn xò.”[2] Trong khi đó, ChatDev – đội ngũ gồm các kỹ sư Trung Quốc và Mỹ – cho biết đã đạt bước tiến mới trong việc áp dụng trí tuệ nhân tạo vào lập trình.[3] Thay vì dùng một AI duy nhất, họ tập hợp nhiều AI thành nhóm, giúp đẩy nhanh quá trình coding, rút ngắn việc lập trình từ bốn tuần xuống 7 phút.
Sau gần một năm ra mắt, ChatGPT với số người dùng 100 triệu mỗi tuần đã bắt đầu cho phép đăng ký tài khoản bằng số điện thoại của Việt Nam.[4] Công ty mẹ của công cụ đình đám này là OpenAI còn đã “mở cổng” để người dùng Việt mua gói ChatGPT Plus và API bằng thẻ tín dụng quốc tế hay ví điện tử của Việt Nam. Cần lưu ý rằng bản GPT-4 tích hợp cả công cụ tạo hình ảnh Dall-E 3 và việc “chỉ đạo” để nó tạo nội dung văn bản hay vẽ hình giờ đây không phức tạp như cái thời viết câu lệnh (prompt) cho Midjourney.
Chưa hết, tại sự kiện Dev Day hôm 6/11, OpenAI tiết lộ rằng họ sẽ sớm tung ra 16 con robot mạng (ChatGPT bot) để phục vụ những nhiệm vụ cụ thể.[5] Chẳng hạn, con bot mang tên Tech Support Advisor sẽ giúp xử lý các vấn đề công nghệ; với Negotiator, chúng ta có thể yêu cầu nó nhập vai trong một cuộc thương lượng về lương bổng hoặc mua nhà mua xe; với Laundry Buddy, ta có thể hỏi nó cách tẩy một vết bẩn trên áo hay cách giặt bằng nước lạnh; Mocktail Mixologist sẽ bày cách pha ly mojito tiêu chuẩn, còn Sous Chef giúp nấu món ăn từ những công thức từ đơn giản đến phức tạp.
Sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo và đặc biệt là trí tuệ nhân tạo tạo sinh (generative artificial intelligence – GAI) đã thúc đẩy việc sử dụng AI trong nhiều lĩnh vực, trong đó có báo chí. Một số tòa soạn ở Việt Nam đã ứng dụng AI khá sớm, đơn cử như báo điện tử VietnamPlus của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) ứng dụng công cụ Wochit vào năm 2016 để sản xuất các video ngắn, tích hợp hệ thống của Insider từ năm 2021[6] để theo dõi hành vi người dùng và tự động gửi bản tin (newsletter) tới độc giả; hay Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh thử nghiệm sử dụng ChatGPT vào đầu năm 2023 để xây dựng kịch bản chương trình phóng sự.[7]
Đầu năm 2022, Báo Nhân Dân bắt đầu sử dụng Chartbeat – công cụ hiện đại được các cơ quan báo chí lớn toàn cầu sử dụng, không chỉ để đo lường độc giả theo thời gian thực mà còn sử dụng công nghệ dựa trên AI để tự động đề xuất nội dung tương thích cho độc giả mang tính cá nhân hóa. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định việc ứng dụng AI vào hoạt động của tòa soạn là điều chắc chắn phải xảy ra vì những lợi ích nó mang lại là quá lớn.
Nhiều nghiên cứu đã khẳng định việc ứng dụng AI vào hoạt động của tòa soạn là điều chắc chắn phải xảy ra vì những lợi ích nó mang lại là quá lớn.
Để hiểu rõ về việc AI đang xâm nhập mạnh mẽ vào hoạt động báo chí ra sao, hãy lưu ý việc tờ báo lớn nhất của nước Đức là Bild trực thuộc tập đoàn truyền thông Axel Springer mới đây tuyên bố sẽ sa thải 1/3 nhân sự và chuyển các nhiệm vụ của họ cho máy móc. Tiếp đó là quyết định của BuzzFeed hồi tháng 1/2023 về việc dùng AI để tạo ra các câu đố và âm thầm thử nghiệm việc sản xuất nội dung bằng AI.[8] “Các nhiệm vụ của tổng biên tập, nhân viên dàn trang, nhân viên soát lỗi chính tả, biên tập viên ảnh trong tương lai sẽ không giống như những gì chúng ta thấy hiện nay,” tổng biên tập Axel Springer đã nói như vậy trong email gửi toàn bộ nhân viên.[9]
Bên cạnh rất nhiều ưu điểm, AI cũng đang gây ra không ít rắc rối. Một số tòa soạn xuất bản các bài viết với sự trợ giúp của AI nhưng dính đầy lỗi hoặc những gợi ý không phù hợp. Đang có mối lo ngại ngày càng tăng rằng AI sẽ được ứng dụng nhiều hơn để thay thế những nhà báo bằng xương bằng thịt nhằm tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát trên quy mô toàn cầu cho thấy AI đang vững bước tiến vào lĩnh vực này, bất chấp mối quan ngại của các nhà báo, và nó không chỉ được ứng dụng ở khâu viết báo.
Báo cáo kể trên vừa được công bố cuối tháng 8/2023 vừa qua trên JournalismAI,[10] một sáng kiến của Polis, cơ quan nghiên cứu về báo chí thuộc Đại học Khoa học Chính trị và Kinh tế học London. Hậu thuẫn cho khảo sát này là chương trình Sáng kiến Tin Tức Google. Báo cáo mang tên gọi “Tạo ra sự thay đổi: Khảo sát toàn cầu về cách các cơ quan báo chí ứng dụng trí tuệ nhân tạo” phỏng vấn hơn 120 tổng biên tập, nhà báo, kỹ sư công nghệ và truyền thông của 105 tòa soạn quy mô từ nhỏ đến lớn tại 46 quốc gia. JournalismAI không khẳng định kết quả khảo sát đại diện cho ngành báo chí toàn cầu, nhưng nó cũng vẽ nên bức tranh tương đối rõ về việc giới báo chí sử dụng các công nghệ mới này ra sao.
Có đến hơn 75% những người trả lời khảo sát cho biết họ đã sử dụng các công cụ AI đâu đó trong quá trình thu thập, sản xuất và phân phối tin tức. Hơn một nửa nói rằng lý do ứng dụng AI là nó giúp tăng hiệu quả và hiệu suất công việc, đặc biệt AI hữu hiệu nhất khi xử lý tự động các công việc nhàm chán và lặp đi lặp lại. Khoảng 1/3 những người trả lời khảo sát nói họ hy vọng các công nghệ AI sẽ giúp đưa tin tức đến với nhiều độc giả hơn, cá nhân hóa trải nghiệm người dùng và tăng cường tương tác với người dùng.
Trong khi đó, hơn 60% những người trả lời khảo sát bày tỏ lo ngại về những vấn đề đạo đức khi tích hợp AI, xét về chất lượng biên tập cũng như những khía cạnh khác của báo chí như sự chính xác, công bằng và minh bạch.
Nhìn chung, các tòa soạn cho rằng cần phải có sự can thiệp của con người để phòng tránh những nguy hại tiềm tàng của các hệ thống AI, ví như các quan điểm định kiến và thông tin không chuẩn xác. Nhưng cho dù nhiều người e sợ rằng các công nghệ AI có thể làm gia tăng tin tức mang tính định kiến và khiến các nhóm bị gạt ra ngoài lề không có tiếng nói, thì hầu như không có cơ quan báo chí nào đưa ra được giải pháp rõ ràng để đối phó tình trạng này.
Theo báo cáo này, AI gây bất lợi cho các tòa soạn ở nam bán cầu vì hầu hết các công cụ AI được phát triển với trọng tâm là tiếng Anh, với cách phát âm rất cụ thể. Nguồn lực và tài chính cũng thường tập trung ở một số quốc gia và tình hình chính trị khác nhau có thể ảnh hưởng đến niềm tin của mọi người đối với AI.
Tuy nhiên, khảo sát cũng cho thấy có đến 90% các tòa soạn đã sử dụng AI dưới hình thức nào đó trong quá trình sản xuất tin tức, 80% trong quá trình phát hành tin tức, và 75% trong quá trình thu thập tin tức. Các nhiệm vụ thu thập tin tức bao gồm tự động trích xuất văn bản từ giọng nói và dịch thuật, thu thập dữ liệu web hoặc sử dụng các công cụ tóm tắt nội dung tự động. Sản xuất thông tin có thể bao gồm dịch thuật các bài báo sang các ngôn ngữ khác, soát lỗi chính tả, viết tiêu đề bài báo hoặc viết toàn bộ bài báo. Phát hành bao gồm việc sử dụng AI để tối ưu hóa cho máy tìm kiếm hoặc các việc như tiếp tục khai thác nội dung nhắm vào nhóm độc giả cụ thể.
Có một số khác biệt lớn về quy mô – chẳng hạn chỉ dùng AI để soát lỗi chính tả một bài viết và dùng AI để tạo ra một bài báo mới hoàn toàn là hai cấp độ kiểm soát các công cụ AI rất khác nhau. Báo cáo không nêu rõ có bao nhiêu tòa soạn đang sử dụng công nghệ này cho từng nhiệm vụ cụ thể, nhưng nhấn mạnh rằng việc phát hành tin tức được ứng dụng AI rộng rãi nhất và thường được nhắc tới như là lĩnh vực mà AI tạo ra ảnh hưởng nhiều nhất trong tòa soạn.
Cho dù đa số những người trả lời phỏng vấn to ra e ngại về việc ứng dụng các công cụ AI, chỉ khoảng 1/3 số này cho biết cơ quan báo chí của họ đã có một chiến lược AI hoặc đang xây dựng một chiến lược như thế.
Bên cạnh mối lo về việc máy móc thay thế con người trong các tòa soạn khi AI được áp dụng rộng rãi, điều mà các cơ quan báo chí quan ngại không kém là vấn đề bản quyền nội dung. Báo chí đưa ra câu trả lời cho rất nhiều câu hỏi, với hy vọng người dùng tìm đến trang web tin tức, từ đó thêm lượng truy cập và truy cập cao có thể mang lại nguồn thu quảng cáo. Giờ đây, các công cụ AI tổng hợp câu trả lời từ rất nhiều nguồn có bản quyền rồi “dâng” câu trả lời ngay trước mắt người dùng.
Các cơ quan báo chí rất bức xúc bởi việc các công cụ AI tạo sinh đưa ra thông tin mà không dẫn nguồn có thể dẫn đến sự giảm sút lượng truy cập từ các kết quả tìm kiếm.[11] Vậy là bao công sức sản xuất nội dung của các cơ quan báo chí hóa ra được dùng để nuôi các hệ thống AI còn họ không thu lại được gì.
Nghiêm trọng hơn, các công cụ trí tuệ nhân tạo tạo sinh như ChatGPT đang được huấn luyện dựa trên các nguyên liệu tin tức có bản quyền. Đó là khẳng định trong nghiên cứu mới được công bố của Liên minh Tin tức/Truyền thông (N/MA) có trụ sở tại Mỹ, đại diện cho hơn 2.200 cơ quan báo chí.[12] Nghiên cứu trong cuốn sách trắng của tổ chức này chỉ rõ việc “sử dụng lan tràn, không được phép đối với các nội dung báo chí” cũng như ảnh hưởng đối với các cơ quan báo chí.
N/MA đã báo cáo lên cơ quan phụ trách vấn đề bản quyền của Mỹ về thực trạng sử dụng nội dung báo chí để vận hành các công nghệ trí tuệ nhân tạo tạo sinh. Các nghiên cứu của N/MA thống kê chi tiết việc các nhà phát triển GAI đã sử dụng trái phép nội dung báo chí ra sao, tác động của nó đối với việc cung cấp và duy trì nội dung gốc chất lượng cao thế nào, và cả tính pháp lý của việc sử dụng theo cách thức đó.
“Các hệ thống GAI được phát triển bằng cách sao chép khối lượng lớn nguyên liệu mà các thành viên thuộc liên minh đã xuất bản, gần như không bao giờ được phép và cũng không có khoản đền bù tài chính nào, nhằm tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới để cạnh tranh với chính các cơ quan báo chí là thành viên của liên minh,” báo cáo của N/MA nhấn mạnh.
Kết quả nghiên cứu chứng tỏ các công ty và các nhà phát triển AI không chỉ sao chép nội dung của các cơ quan báo chí dù không được phép, mà còn ngang nhiên sử dụng với quy mô lớn hơn cả các nguồn gốc.
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc liên minh
Danielle Coffey
Trong khi thừa nhận “tiềm năng thú vị của các mô hình GAI cũng như việc ứng dụng nhằm cải thiện nhiều mặt của cuộc sống” đồng thời ủng hộ “sự phát triển có nguyên tắc” của các hệ thống này, nghiên cứu trên khẳng định việc phát triển không được gây hại cho các cơ quan báo chí và các nhà báo, những được đã đầu tư rất nhiều thời gian và nguồn lực để tạo ra những nội dung giúp các cộng đồng dân cư nắm bắt tin tức cũng như thông tin giải trí, đồng thời giám sát các cơ quan chức năng cũng như quan chức chính quyền.
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc liên minh Danielle Coffey khẳng định kết quả nghiên cứu chứng tỏ các công ty và các nhà phát triển AI không chỉ sao chép nội dung của các cơ quan báo chí dù không được phép, mà còn ngang nhiên sử dụng với quy mô lớn hơn cả các nguồn gốc.
“Điều đó cho thấy họ biết được giá trị độc nhất của chúng ta, nhưng hầu hết các nhà phát triển chẳng hề xin phép thông qua các thỏa thuận cấp phép hoặc thanh toán chi phí cho các cơ quan báo chí để sử dụng những nội dung này. Việc lợi dụng những nội dung chất lượng cao do con người tạo ra khoogn chỉ gây hại cho các cơ quan báo chí mà cả sự bền vững của các mô hình AI cũng như việc cung cấp các thông tin tin cậy,” ông nói.
Trong một bài viết mới đăng tải đầu tháng 11, nhà nghiên cứu người Anh Dominic Young thậm chí đặt câu hỏi: “Liệu có nên để mặc các công ty AI khai thác nội dung sáng tạo rồi biến thành nguồn thu của họ, giống như những gì các nền tảng công nghệ lớn đã làm với quảng cáo hay không?”[13] Và ông kêu gọi các cơ quan báo chí phải có lập trường đoàn kết nhằm đối phó với các công ty trí tuệ nhân tạo.
Các công ty công nghệ như Google đang phát triển những công cụ AI và đưa vào những ngành kinh doanh cốt lõi, dù cho vấp phải những lo ngại mới về mặt pháp lý hoặc đạo đức. Một số tòa soạn đã chặn GPTBot, công cụ thu thập dữ liệu web từ đối thủ của Google là OpenAI, để không thể quét dữ liệu của họ, và nhiều cơ quan báo chí lớn trong đó có The New York Times, News Corp, Axel Springer đã kiện các công ty công nghệ khổng lồ như OpenAI, Google cũng như Meta vì đã sử dụng nội dung của họ để huấn luyện các hệ thống AI.[14] Song, cũng có những cơ quan báo chí bắt tay với các công ty AI – ví dụ như hãng tin Associated Press (AP) của Mỹ đã ký thỏa thuận với OpenAI hồi tháng 7 năm nay.[15]
Cuộc tranh cãi về vai trò của AI đối với cuộc sống chắc chắn sẽ còn tiếp tục nóng bỏng khi người thì nói AI dù phát triển xa đến đâu cũng không thể vượt con người, kẻ lại khẳng định AI sẽ tiến đến mức độ tiêu diệt xã hội, chẳng khác nào các bộ phim viễn tưởng. Elon Musk – người được coi là tiên phong về sáng tạo trong thế giới hiện đại với hàng loạt dự án đầy tham vọng từ xe điện cho đến vũ trụ, cũng là một trong những người đầu tiên đầu tư vào OpenAI – tuyên bố AI sẽ tạo ra một thế giới mà ở đó “chẳng còn công việc cho con người,” trong khi tỷ phú Jensen Huang của công ty Nvidia phản đối quyết liệt với lập luận rằng “con người mới nhiều ý tưởng.”[16]
Riêng đối với báo chí, lợi ích của trí tuệ nhân tạo trong hoạt động thu thập, sản xuất và phát hành thông tin là rất rõ ràng. Nhưng nguy cơ mà trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo tạo sinh, gây ra cũng rõ ràng không kém, ít nhất ở vấn đề bản quyền và kèm theo đó là nguồn thu.
Lâu nay các cơ quan báo chí toàn thế giới cố ước đoán xem Google và Meta nợ họ bao nhiêu tiền cho những tin tức đưa đến với người dùng. Song nhiệm vụ này quá khó khăn vì thiếu dữ liệu công khai về hành vi độc giả và việc thiếu cạnh tranh khiến cái giá mà các công ty công nghệ trả để sử dụng tin tức là vô cùng thấp.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới nhất đã ước tính rằng chỉ riêng với các cơ quan báo chí của Mỹ thì Google và Meta đã nợ trong khoảng từ 11,9 đến 13,9 tỷ USD mỗi năm.[17] Các gã khổng lồ công nghệ đều lập luận rằng tin tức không giữ vai trò to tát gì, và chính các cơ quan báo chí phải cảm ơn các nền tảng vì nhờ đó mới có lượng truy cập đến website để rồi chuyển thành người trả phí hoặc tạo doanh thu quảng cáo. Tương tự, họ cũng lập luận rằng việc sử dụng nội dung báo chí để huấn luyện các hệ thống AI chẳng có gì sai,[18] vì nó chẳng khác nào chúng ta đọc báo rồi tiếp nhận thông tin và biến thành kiến thức của mình.
Báo chí nên mạnh dạn sử dụng AI và có chiến lược AI cụ thể. Con đường này là không phải bàn cãi. Nhưng nếu không nắm quyền chủ động và đế AI đẩy báo chí đến chỗ suy vong thì lại là điều cần phải cân nhắc thật nghiêm túc.
LÊ QUỐC MINH
Ủy viên Trung ương Đảng,
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân,
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương,
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam
* Bài viết riêng cho Báo Thanh Niên ngày 1/12/2023
Ngày xuất bản: 1/12/2023
Trình bày: NGỌC DIỆP