GIÁ TRỊ NÀO ĐƯA MẮC-CA

"ĐI SAU VỀ TRƯỚC" ?

Sau hơn 20 năm du nhập vào Việt Nam, cây mắc-ca đang dần định hình chỗ đứng trong chuỗi sản xuất nông nghiệp. Năm 2018, nhận thấy những lợi ích của mắc-ca về kinh tế và môi trường, Chính phủ Việt Nam xác định mắc-ca là 1 trong 20 loại cây trồng lâm nghiệp chính của Quốc gia.

Triển vọng làm giàu từ loại cây được nhiều người nông dân coi là “làm chơi, ăn thật” này ngày càng sáng rõ hơn, khi nhu cầu sử dụng các sản phẩm giàu dinh dưỡng như hạt mắc-ca dần trở nên phổ biến. Song, vấn đề hiện nay đòi hỏi chính quyền các địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn, giúp người nông dân phát triển mắc-ca bền vững.

Quả mắc-ca có vỏ xanh trước khi được bóc tách.

Quả mắc-ca có vỏ xanh trước khi được bóc tách.

Sản phẩm hạt mắc-ca có màu nâu nhẹ sau khi được bóc tách vỏ.

Sản phẩm hạt mắc-ca có màu nâu nhẹ sau khi được bóc tách vỏ.

Sẵn sàng để thưởng thức.

Sẵn sàng để thưởng thức.

NGUỒN THU NHẬP TRIỂN VỌNG CHO NGƯỜI NÔNG DÂN

Báo cáo nghiên cứu thị trường năm 2020 của Nielsen cho biết, bữa ăn của các gia đình đang có xu hướng thiên về chất lượng và bảo vệ sức khỏe nhiều hơn, thay vì chỉ ngon miệng và đẹp mắt. Trong đó, những thực phẩm hữu cơ và có nguồn gốc thực vật là nguyên liệu không thể thiếu trong thực đơn của những người hướng tới lối sống lành mạnh.

Nếu như quả óc chó được mệnh danh là "ông hoàng các loại quả", thì hạt Macadamia (thường gọi là hạt mắc-ca) xứng đáng với danh "nữ hoàng của các loại hạt". Được đề cao như vậy bởi thứ hạt này có rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, đặc biệt là với phụ nữ và trẻ nhỏ.

Hạt mắc-ca có kích thước vừa miệng và có vị bùi ngậy được rất nhiều người yêu thích. Ngoài vị ngon ngọt, loại hạt này còn là nguồn cung cấp protein, khoáng chất, vitamin thiết yếu và đặc biệt là chất béo không có hại. Tờ Healthline cũng cho biết thường xuyên sử dụng mắc-ca giúp làm tăng sự hình thành các tế bào mới và làm chậm quá trình lão hóa.

Do đó, hạt mắc-ca đang là một thành phần không thể thiếu trong nhiều chế độ ăn kiêng và công thức nấu ăn thiên về bảo vệ sức khỏe. Bên cạnh những đóng góp trong ẩm thực, mắc-ca còn là một sản phẩm làm đẹp. Tinh dầu mắc-ca được ghi nhận đạt hiệu quả cao trong dưỡng tóc và da toàn thân.

Nhận thấy tăng trưởng nhu cầu, đến nay, trên cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình trồng mắc-ca sử dụng giống cây có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phù hợp với điều kiện tự nhiên tại các vùng sinh thái như Tây Bắc và Tây Nguyên.

Bước đầu đã cho thấy kết quả khả quan, nhiều hộ gia đình đạt được nguồn thu nhập ổn định từ trồng cây mắc-ca.

Tại huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La), cây mắc-ca "bén rễ" trên đất huyện từ năm 2012 và đến nay diện tích trồng đã là 116ha. Ghi nhận cho thấy cây thích nghi tốt với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của vùng Tây Bắc, sinh trưởng và phát triển tốt. Khi ra quả, giá trị thu nhập ổn định từ 100 – 150 triệu đồng/ha/năm cho người sản xuất.

Theo Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam, mắc-ca là cây có khả năng chịu được sương muối, chịu hạn và ít sâu bệnh. Vì vậy, có thể phát triển cây mắc-ca theo nhiều hình thức trồng thuần loài hoặc trồng xen canh.

Sau 5 năm trồng, mắc-ca sẽ cho thu hoạch; năng suất quả tươi khoảng 8 tấn/ha/năm, là cây trồng có vòng đời khai thác trên 100 năm, mắc-ca còn có thể phát triển thành cây trồng rừng và trồng che bóng cho một số loại cây khác.

Còn tại vùng Tây Nguyên đất đỏ bazan, ông Nguyễn Văn Bát (xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) dành một tình cảm đặc biệt với cây mắc-ca. Bắt đầu trồng từ năm 2008, tình yêu với thứ cây này dần dà đưa ông từ một cán bộ xã tới vai trò Tổ trưởng Tổ hợp tác phát triển mắc-ca.

Người Tổ trưởng 65 tuổi kể về sự “lan tỏa” của cây mắc-ca giữa những hộ gia đình trong xã Đông Thanh: “Đến nay đã có hơn 40 tổ viên tham gia chương trình trồng xen canh mắc-ca, mỗi người có trung bình 5ha. Về sau, mọi người sẽ ngưng trồng cà-phê khi nhận thấy giá trị thu nhập của cây mắc-ca tốt hơn”. Thu nhập mang về từ cây mắc-ca được ghi nhận gấp 3 lần từ cây cà-phê.

Bà Tô Thị Nhất lập nghiệp cùng cây mắc-ca vào năm 2016 tại xã Đông Thanh (tỉnh Lâm Đồng), nương rẫy 1,6ha của bà đang được trồng xen canh thêm 200 cây mắc-ca. Tổng chi phí đầu tư cây giống, chăm sóc từ khi trồng đến mùa thu hoạch năm nay là 50 triệu đồng. Năm vừa rồi, gia đình bà đã thu được hơn 1 tấn quả tươi và thu về 100 triệu đồng.

Thành quả từ một vụ thu hoạch mắc-ca.

Thành quả từ một vụ thu hoạch mắc-ca.

Theo trồng cây mắc-ca được 4 năm tại Đắk Lắk, anh Đinh Quang Sơn (44 tuổi, trú tại xã Phú Lộc, huyện Krong Năng) vô cùng háo hức với mùa thu hoạch đầu tiên trong năm nay. Anh cho biết năm ngoái gia đình đã bán được mấy chục ký quả bói, chưa có giá trị cao bằng quả tươi nhưng cũng rất mừng vì thu về lợi nhuận.

Thấy trái ra tốt, điều kiện chăm sóc lại ít tốn nước và phân bón hơn nhiều so với các loại cây hoa quả, vừa rồi anh quyết định đầu tư thêm. Gia đình anh Sơn đang có tổng cộng 240 cây mắc-ca trồng xen canh cùng hồ tiêu.

Mắc-ca là cây "làm chơi ăn thật". Người nông dân hoàn toàn có thể làm giàu từ cây mắc-ca. Đây là loại cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao, được Chính phủ quan tâm, cùng với đó là sự vào cuộc của Hiệp hội Mắc-ca. Chúng ta đang có rất nhiều sự giúp đỡ để làm giàu ngay trên mảnh đất của chính mình.
Bà Nguyễn Thị Tường Vi
Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng

Gia đình ông Nguyễn Văn Bát bên cây mắc-ca trưởng thành 10 năm tuổi.

Gia đình ông Nguyễn Văn Bát bên cây mắc-ca trưởng thành 10 năm tuổi.

Vườn mắc-ca được quy hoạch của gia đình ông Nguyễn Văn Bát.

Vườn mắc-ca được quy hoạch của gia đình ông Nguyễn Văn Bát.

Cây giống mắc-ca mới được ghép vào thân cũ để chuẩn bị cho lứa trồng mới.

Cây giống mắc-ca mới được ghép vào thân cũ để chuẩn bị cho lứa trồng mới.

Vườn ươm cây giống mắc-ca tại huyện Krong Năng, tỉnh Đắk Lắk.

Các chuyên gia nhận định cây giống chuẩn là điều kiện bắt buộc để thu về sản lượng tốt.

Vườn ươm cây giống tại huyện Krong Năng, tỉnh Đắk Lắk.

Các chuyên gia nhận định cây giống chuẩn là điều kiện bắt buộc để thu về sản lượng tốt.

THỊ TRƯỜNG "NỞ RỘ"

Theo số liệu của Hội đồng hạt quả khô thế giới (INC), trong vòng 10 năm trở lại đây, ngành mắc-ca phát triển tăng cả về sản lượng (từ hơn 27.500 tấn nhân vào năm 2009 lên hơn 60.000 tấn nhân vào năm 2019), cũng như nhu cầu tiêu thụ (tăng từ hơn 29.000 tấn nhân vào năm 2009 lên hơn 58.000 tấn nhân vào năm 2018). Trung bình, cứ 3kg hạt mắc-ca tươi nguyên vỏ sản xuất được 1kg nhân mắc-ca.


Sản xuất nhân mắc-ca trên toàn cầu giữ tốc độ tăng trưởng qua nhiều năm. Tổng sản lượng nhân trong mùa vụ năm 2019 lên tới hơn 60.000 tấn, đứng đầu là Nam Phi và Australia chiếm tương ứng cho 29% và 22% thị phần thế giới năm 2019.

Giá hạt mắc-ca thu mua tại vườn cũng có xu hướng tăng trong vòng 20 năm. Từ hơn 2 AUD/kg vào năm 1990 tăng lên hơn 6 AUD/kg vào năm 2020 tại thị trường Australia.

Tuy nhiên, sản lượng mắc-ca dù liên tục tăng trong những năm qua nhưng chỉ chiếm 1% tổng sản lượng tiêu thụ các loại hạt trên thế giới, điều này cho thấy tiềm năng mở rộng thị trường cho hạt mắc-ca còn rất lớn.

Theo nghiên cứu của Grand View Research (Mỹ), quy mô thị trường hạt mắc-ca toàn cầu dự kiến sẽ đạt 24 tỷ USD vào năm 2027, mở rộng với tốc độ tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 9,2% từ năm 2020.

Một hộp 500g hạt mắc-ca có giá trung bình từ 130.000 đồng ở thị trường Việt Nam. Tùy vào chất lượng còn có những giá thành cao hơn.

Một hộp 500g hạt mắc-ca có giá trung bình từ 130.000 đồng ở thị trường Việt Nam. Tùy vào chất lượng còn có những giá thành cao hơn.

Tại thị trường Việt Nam, hạt mắc-ca tươi bán tại vườn có giá khoảng từ 70.000 đến 90.000 đồng/kg. Còn tại Australia - quốc gia xuất khẩu mắc-ca lớn nhất thế giới, sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá thu mua 1kg mắc-ca đã giảm từ 6,2 AUD của năm 2020 xuống còn 5,1 AUD (khoảng 90.000 đồng/kg), ghi nhận vào tháng 4/2021.

Điều này cho thấy người trồng mắc-ca tại Việt Nam đang được hưởng giá bán rất tốt. Và khi tới người tiêu dùng, giá thành 1kg mắc-ca đã chế biến có thể dao động từ 200.000 đồng đến 600.000 đồng/kg tùy chất lượng hạt.

Trái ngược với nhiều ngành hàng gặp khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu dùng mắc-ca vẫn ổn định quãng thời gian qua.

Nguyên nhân chính là bởi nhu cầu mạnh mẽ của người tiêu dùng. Mắc-ca càng trở nên phổ biến dưới mệnh danh “nữ hoàng của các loại quả khô” với giá trị dinh dưỡng hàng đầu. Ngoài ra, khả năng chế biến đa dạng chính là yếu tố giúp tốc độ tăng trưởng của mắc-ca tăng đồng đều trên thị trường các nước.

Mắc-ca có thể áp dụng ở nhiều ngành công nghiệp khác nhau, chẳng hạn như dầu ăn, thực phẩm, đồ uống (sữa), mỹ phẩm cao cấp (kem dưỡng da, chống nắng), những sản phẩm chế biến hoàn toàn từ thiên nhiên, không tạp chất hóa học. Trong công nghiệp mỹ phẩm hiện nay, tinh dầu chiết xuất từ hạt mắc-ca đã được kiểm chứng rất tốt cho làn da.

Theo các chuyên gia, không chỉ mang hiệu quả cao về kinh tế, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, mắc-ca còn là cây lâm nghiệp có thể giải quyết nhiều vấn đề môi trường, phủ xanh đất trống đồi núi trọc; giúp củng cố an ninh - quốc phòng vùng đồi núi biên giới.

Song, ghi nhận cho thấy còn tồn tại những hộ gia đình và doanh nghiệp trồng mắc-ca chưa đạt hiệu quả.

Nguyên nhân ban đầu xác định, họ đã sử dụng giống cây không rõ xuất xứ, không có nguồn gốc, không xác định được bộ giống.

Vì vậy chất lượng cây con không bảo đảm, cây sinh trưởng kém, không có quả hoặc sản lượng rất thấp. Ngoài ra, sự thiếu kiến thức về chăm sóc cây cũng làm giảm năng suất đáng kể.


Kỹ thuật ghép giống theo tiêu chuẩn tại các vườn giống uy tín.

Kỹ thuật ghép giống theo tiêu chuẩn tại các vườn giống uy tín.

Cây ghép có tuổi 1-2 năm, hàng ngày được chọn lọc những cây khỏe mạnh nhất. Người trồng có thể mua và trồng ngay lập tức.

Cây ghép có tuổi 1-2 năm, hàng ngày được chọn lọc những cây khỏe mạnh nhất. Người trồng có thể mua và trồng ngay lập tức.

Vườn mắc-ca 2 năm tuổi được quy hoạch bài bản.

Vườn mắc-ca 2 năm tuổi được quy hoạch bài bản.

GIẢI QUYẾT VƯỚNG MẮC CHO NGƯỜI NÔNG DÂN

Trước những khó khăn người nông dân đang gặp phải, trao đổi cùng chúng tôi, bà Nguyễn Thị Tường Vi, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, đến nay, những lo lắng này đã được giải quyết phần nào, nhất là về giống cây, vốn trồng, kỹ thuật trồng và tiêu thụ sản phẩm.

Cụ thể, về giống cây mắc-ca, hiện nay đã có 13 giống được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức công nhận. Khu vực Tây Nguyên đang có 8 doanh nghiệp hoạt động phát triển hệ thống vườn ươm, ghép cây giống với số lượng hơn 10 triệu cây, đủ cung cấp cho nhu cầu trong vùng và cung ứng ra các tỉnh tiềm năng ở vùng Tây Bắc.

Người nông dân được tạo điều kiện đi chắc từ bước đầu tiên và quan trọng hơn cả là chọn giống chuẩn ngay từ đầu.

Vườn ươm giống chuẩn tại tỉnh Đắk Lắk.

Vườn ươm giống chuẩn tại tỉnh Đắk Lắk.

Để khẳng định niềm tin của người tham gia trồng mắc-ca, các doanh nghiệp cung ứng giống sẽ ký kết hợp đồng, cam kết đền bù cho nông dân từ 7 đến 10 lần giá trị cây giống nếu đến vụ thu hoạch cây không cho quả.

Người trồng mắc-ca còn luôn có người bạn đồng hành, sẵn sàng giúp đỡ là Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam. Nhằm thúc đẩy bà con tham gia trồng mắc-ca, Hiệp hội đang thực hiện cam kết bao tiêu sản phẩm trong vòng 10 năm, với giá bằng 85% giá thành mắc-ca tại thị trường Australia vào thời điểm thu mua. 

Ông Huỳnh Ngọc Huy, Tổng thư ký Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam chia sẻ cùng những người trồng mắc-ca tại một buổi tập huấn kỹ thuật trồng.

Ông Huỳnh Ngọc Huy, Tổng thư ký Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam chia sẻ cùng những người trồng mắc-ca tại một buổi tập huấn kỹ thuật trồng.

Ngân hàng Bưu điện Liên Việt với mạng lưới phủ khắp các tỉnh đã và đang hỗ trợ nông dân trồng mắc-ca về vấn đề tài chính. Với nhiều gói cho vay cả thế chấp và tín chấp lên đến 80% nhu cầu vốn đầu tư, thời gian cho vay tối đa 10 năm, thời gian ân hạn gốc và lãi là 5 năm. Các gói cho vay được thiết kế đặc biệt để phù hợp với các mốc thời gian người nông dân có thể bắt đầu thu lời từ cây mắc-ca và trả dần khoản vay.

Ngoài ra, để bà con nông dân có thêm kiến thức, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây, chính quyền địa phương cùng các doanh nghiệp thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn chia sẻ kinh nghiệm. Sự góp mặt của các hộ trồng mắc-ca thành công đã tạo thêm động lực cho những người trồng mới.

BÙ ĐẮP NGUỒN CUNG THIẾU HỤT

Nhu cầu sử dụng hạt mắc-ca tăng mạnh là điều đáng mừng đối với người trồng cây. Tuy nhiên, xu hướng này lại đang vô tình dẫn tới thiếu hụt nguồn cung quả mắc-ca tươi, trong các khâu chế biến của doanh nghiệp trong nước cũng như toàn cầu.

Đến nay, thị trường mắc-ca trong nước và thế giới cung chưa đủ cầu. Vì thế, Hiệp hội cần sự vào cuộc của những người trồng kinh nghiệm, với những hỗ trợ dành cho người trồng nhằm mở rộng diện tích tại hai vùng quy hoạch chính ở các tỉnh miền núi Tây Bắc và Tây Nguyên.
Ông Huỳnh Ngọc Huy
Tổng thư ký Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam

Cùng nhận định, ông Dương Quang Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP HD Đắk Lắk cho biết, với điều kiện sinh thái thông thường, 1 năm người trồng mắc-ca chỉ có thể thu hoạch 1 vụ vào đầu năm, ở một số vùng khí hậu tốt hơn thì được 2 vụ. Do đó, dẫn tới tình trạng nhiều tháng trong năm, các nhà máy chế biến mắc-ca đang phải “đắp chiếu”, nhân công phải tạm nghỉ do không có quả để chế biến.

Vậy nên rất cần có sự vào cuộc kịp thời của các tổ chức, chính quyền địa phương trong những dự án quy mô lớn, được quy hoạch bài bản và đầu tư hợp lý. Đó chính là chất xúc tác mạnh mẽ để phát triển thị trường mắc-ca nội địa cũng như xuất khẩu.

Vào năm 2004, Hiệp hội Mắc-ca Australia, một tổ chức nông nghiệp trực thuộc Chính phủ đã phát triển thành công “Mactrix” - một công nghệ giúp kiểm soát trình trạng sâu đục trên cây mắc-ca. Tạo tiền đề để Australia trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ kiểm soát dịch hại ở cây mắc-ca tốt nhất trên thế giới.

Nền nông nghiệp mắc-ca Australia đứng hàng đầu thế giới.

Nền nông nghiệp mắc-ca Australia đứng hàng đầu thế giới.

Họ cũng đã xuất bản đại chúng các công trình nghiên cứu và hướng sự quan tâm tới chính những người trồng. Hằng tháng, các hội nghị và buổi tập huấn được tổ chức để người trồng chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật trồng mắc-ca. Những kinh nghiệm này cũng đã và đang được Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam chú trọng và triển khai mạnh những năm qua.

Ngoài ra, các Hiệp hội Mắc-ca Bang Hawaii hay Hiệp hội những người trồng Mắc-ca ở Nam Phi đều đã phối hợp cùng Chính phủ để có những nghiên cứu và dự án mới. Từ đó, nông nghiệp mắc-ca các nước này có những kỹ thuật trồng tốt nhất và hạn chế tối đa thiệt hại từ yếu tố ngoại cảnh như thời tiết và sâu bệnh.

MŨI NHỌN LÂM ĐỒNG, "ĐẦU TÀU" MẮC-CA

Lâm Đồng là một trong những tỉnh đi đầu về phát triển cây mắc-ca từ năm 2006 ở nước ta. Nhờ làm tốt công tác quản lý nhà nước và đầu tư khoa học công nghệ, đến năm 2020, toàn tỉnh Lâm Đồng có diện tích trồng mắc-ca đứng đầu cả nước là 4.863,3 ha (chiếm 30% cả nước).

Riêng về chế biến, đến nay toàn tỉnh có 28 cơ sở/doanh nghiệp thu mua, sơ chế, chế biến mắc-ca. Khối lượng thu mua và tự cơ sở/doanh nghiệp sản xuất năm 2019 là 2.883 tấn quả tươi vỏ nâu để làm nguyên liệu sơ chế/chế biến 1.209 tấn sản phẩm quả khô vỏ nâu/năm.

Trao đổi cùng chúng tôi, Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam đã có những chia sẻ về phát triển cây mắc-ca, những bước để hình thành hướng đi thuận lợi trong nỗ lực đưa mắc-ca trở thành nông sản hàng đầu của tỉnh.

Tiến sĩ Phạm S nhận định cây mắc-ca là cây trồng có hiệu quả kinh tế cao ở Lâm Đồng nhờ có chính sách tốt, tăng cường công tác quản lý nhà nước và đầu tư khoa học công nghệ thích đáng.

Tiến sĩ Phạm S nhận định cây mắc-ca là cây trồng có hiệu quả kinh tế cao ở Lâm Đồng nhờ có chính sách tốt, tăng cường công tác quản lý nhà nước và đầu tư khoa học công nghệ thích đáng.

"Đầu tiên phải khẳng định. Giống mắc-ca là vấn đề cực kỳ quan trọng, quyết định 85% thành công hay thất bại khi phát triển mắc-ca. Các nhà hoạch định cần nghiên cứu kỹ về chủng loại giống và bộ giống phù hợp yêu cầu sinh thái khắt khe của mắc-ca.

Có thể nói, cây mắc-ca là cây trồng mới ở Việt Nam có nhiều triển vọng, do đó muốn phát triển mắc-ca bền vững các địa phương cần có quy hoạch phù hợp cho tầm nhìn dài hạn.

Đặc biệt cần chú trọng xây dựng cơ sở chế biến ngay trong giai đoạn đầu, sau đó thu hút các nhà máy chế biến có công suất lớn tương ứng với vùng nguyên liệu để phát triển bền vững.

Ứng dụng công nghệ trong sản xuất và chế biến mắc-ca cần được tăng cường sâu hơn nữa. Cùng với đó là nghiên cứu các biện pháp canh tác tiên tiến, hiện đại, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng mắc-ca.

Ngay từ những ngày đầu, tỉnh Lâm Đồng cùng các cấp chính quyền đã vào cuộc đồng bộ, quyết liệt trong công tác tuyên truyền để bà con nông dân và cộng đồng doanh nghiệp thấy rõ hiệu quả kinh tế, từ đó có quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn hình thức trồng phù hợp.

Quan trọng không kém là chú trọng đào tạo tập huấn các kỹ thuật trọng yếu mà thực tiễn sản xuất còn hạn chế; xây dựng mô hình thâm canh cây mắc-ca để chuyển giao kết quả đạt được cho người dân, từng bước phát triển mắc-ca hữu cơ, từ đó đáp ứng yêu cầu thị trường thế giới trong tương lai", Tiến sĩ Phạm S cho biết.

Tại Hội nghị Tổng kết 5 năm phát triển Mắc-ca Việt Nam tại thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk ngày 29/9/2020, Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam đặt mục tiêu tới năm 2025, tổng diện tích vườn trồng mắc-ca tại Việt Nam sẽ là 50 nghìn ha, với hơn 11,3 triệu cây mắc-ca. 

Đây là một tham vọng lớn khi nó gấp 3 lần con số hiện tại là hơn 16 nghìn ha và 3,4 triệu cây trên 9 tỉnh trồng chủ lực. Tuy nhiên, kỳ tích này hoàn toàn có thể thực hiện được nếu có sự góp sức của nhà nông và các cơ quan chức năng.  

Cây mắc-ca chứa đựng nhiều giá trị xã hội đặc biệt, không chỉ đơn thuần là hiệu quả kinh tế, vì mắc-ca có thể vào vùng sâu, vùng xa, những vùng đồng bào có thu nhập thấp, là cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu. Cây mắc ca có ý nghĩa “quốc kế, dân sinh”, mang lại hiệu quả kinh tế và giải quyết vấn đề việc làm cho người dân.
Ngày 29/9/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định

Theo số liệu của Bộ Nông Nghiệp & Phát triển Nông thôn về hiện trạng rừng toàn quốc năm 2019, (công bố tháng 4/2020), ở vùng Tây Bắc đang có hơn 1 triệu ha đất "đồi trọc", chưa có cây rừng, giá trị kinh tế đang bị “bỏ ngơ”. Cụ thể, tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên và Sơn La, mỗi tỉnh có khoảng trên dưới 300 nghìn ha đất rừng bỏ trống, còn tỉnh Hòa Bình đang có hơn 70 ha đất rừng chưa khai thác. 

Vậy nên để đẩy nhanh phát triển thị trường mắc-ca, các cơ quan chức năng cần có những hướng đi bài bản và đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt tập trung quy hoạch những khoảng đất trống đang bị lãng phí tại hai vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, nơi điều kiện sinh thái phù hợp làm trọng điểm trồng mắc-ca.

Cùng với đó là phối hợp công tác trồng mắc-ca cùng người nông dân để hiệu quả sản lượng cao, đạt chất lượng xuất khẩu. Các đề án cần được nghiên cứu thấu tình đạt lý, chứ đừng để phát triển ồ ạt, theo trào lưu mà khiến thị trường "lợi bất cập hại".

Tổ chức thực hiện: NGỌC THANH
Nội dung: XUÂN BÁCH - PHAN THẠCH
Trình bày: PHAN THẠCH - PHAN ANH